Sunday, October 15, 2023

CẦU PHÚC CÓ ĐƯỢC KHÔNG? LÀM THẾ NÀO MỚI ĐƯỢC PHÚC BÁO?

Tết đến xuân về luôn có nhiều người vào đêm Giao thừa đến đền chùa để thắp nén hương đầu tiên với ước vọng năm mới gặp nhiều may mắn, cầu sức khỏe, phát tài và bình an...

Đi lễ cầu phúc là có thể cầu được không? (Ảnh: Shutterstock)

Người đi lễ chùa thắp hương về thường có cảm giác tốt lành, an tâm. Những người có thói quen đi thắp hương thành kính xin Thần Phật bảo hộ, nhưng vì lý do gì đó mà vào đêm giao thừa không đi được thì trong tâm lại cảm thấy bất an, e rằng năm mới sẽ không được may mắn, do đó họ thường sẽ đi lễ vào ngày mồng một Tết, hoặc mấy ngày đầu năm.

Thế nên các đền chùa có danh tiếng thì từ 10, 11 giờ đêm trước Giao thừa là dòng người đã nườm nượp đổ về, có khi phải có cảnh sát duy trì trật tự.

Theo quan niệm của một số người thì đi lễ lúc Giao thừa và đầu năm mới là đi cầu phúc báo như: sức khỏe, bình an, phát tài phát lộc, tai qua nạn khỏi…

Đi lễ cầu phúc là có thể cầu được không? Thực tế thì cho dù chăm chỉ lễ bái, cầu cúng nhiều đến thế nào đi nữa cũng không thể cầu được phúc báo, bởi vì phúc báo là quả của nhân thiện, cần hành thiện tích đức thì mới có được.

Nhớ thuở còn thơ, khi trong làng có người gặp được việc tốt lành, may mắn, các bậc cao niên trưởng bối thường nói: "Quý hóa quá, đúng là tổ tiên tích đức". Còn khi thấy nhà nào có tai ương thì có thể nghe thấy có người ta nói chuyện bàn tán với nhau: "Có lẽ nhà đó tổ tiên đã làm những việc gì thất đức nên con cháu mới gặp cái họa này".

Các cụ già thời đó không nói "cầu phúc cầu an", mà giáo dục con cháu làm nhiều việc tốt, tích nhiều đức để sau này, hoặc đời sau, hoặc con cháu có phúc báo.

Trong ca dao cũng có câu rằng:

Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

Sách giáo dục trẻ em xưa là Minh Đạo gia huấn cũng dạy rằng:

Con nhờ đức mẹ, lấy chồng hiển vinh,
Con hiếu cháu từ, vợ hiền con quý.

Thực tế thì cho dù chăm chỉ lễ bái, cầu cúng nhiều đến thế nào đi nữa cũng không thể cầu được phúc báo. (Ảnh: Shutterstock)

Trong văn hóa truyền thống Á Đông có rất nhiều ghi chép về những câu chuyện nhân quả, hành thiện được phúc báo, câu chuyện sau đây là một ví dụ:

Vào những năm Thành Hóa đời Minh, vùng Gia Hưng, Chiết Giang, Trung Quốc có một tiên sinh tên là Đồ Khang Hi. Thuở thiếu niên Đồ Khang Hi đã học thông kinh sử, sau đỗ tiến sĩ, ban đầu làm Chủ sự ở Bộ Công, sau làm Chủ sự ở Bộ Hình.

Khi nhậm chức Chủ sự ở Bộ Hình, Đồ Khang Hi làm việc rất nghiêm cẩn, xử lý án kiện cần mẫn tỉ mỉ, tìm tòi hiểu rõ sự tình. Có lúc vào buổi tối ông vẫn còn ở lại khu nhà ngục, sống cùng với các tù phạm, tìm hiểu cặn kẽ tình hình những người bị giam giữ. Chính vì vậy ông biết trong những người này, ai là người có tội, ai bị oan uổng, ai bị vu cáo hãm hại... Thế là ông cẩn thận điều tra tình hình, làm công văn mật báo cáo lên quan chủ quản, tức Thượng thư Bộ Hình. Nhưng ông không hề kể công, tất cả công lao này đều giao cho thượng cấp.

Sau đó Thượng thư Bộ Hình dùng những tư liệu tình hình các vụ án này do Đồ Khang Hi cung cấp thẩm vấn lại những người bị giam giữ. Thượng thư đã hiểu rõ tình hình, vì vậy các vụ án đã rất nhanh chóng được làm rõ, rất nhiều người được minh oan, mọi người đều kính phục Đồ Khang Hi.

Hơn chục người được giải cứu khỏi án oan. Đương thời, những sự kiện này được lan truyền, bách tính trong kinh thành đều ca ngợi Thượng thư Bộ Hình công chính nghiêm minh, tra xét rõ từng chân tơ kẽ tóc.

Còn Thượng thư Bộ Hình mỗi lần gặp những vụ án khó, và án liên quan đến giới quyền quý, không biết giải quyết thế nào cho ổn thỏa, thì ông lại ủy thác cho Đồ Khang Hi xử lý. Đồ Khang Hi xử lý chính xác, quyết đoán, mọi người ai nấy đều khẩu phục tâm phục.

Một lần, Đồ Khang Hi lại chuyển công văn lên Thượng thư Bộ Hình nói rằng: "Ở nơi như kinh thành thế này mà còn có nhiều án oan sai như vậy, thế thì trong phạm vi toàn quốc, dân chúng nhiều như thế thì đâu có chuyện không có người chịu oan uổng? Do đó cần cứ mỗi 5 năm lại phái một số quan giảm hình đi khảo sát các địa phương, để họ kiểm tra xác minh các vụ án, nhằm minh oan cho những người bị oan khuất".

Thượng thư Bộ Hình đồng ý với ý kiến của Đồ Khang Hi, đồng thời dâng tấu lên Hoàng đế và được vua chuẩn tấu. Thế là Bộ Hình phái các quan giảm hình đến các địa phương, mà Đồ Khang Hi là một trong số những viên quan ấy. Vì thế rất nhiều người vô tội đã được minh oan.

Mọi người ai nấy đều khẩu phục tâm phục. (Ảnh: Shutterstock)

Đến tuổi trung niên, Đồ Khang Hi vẫn chưa có con. Một buổi tối, ông mộng thấy Thần linh bảo với ông rằng: "Trong mệnh của ngươi vốn không có con, nhưng vì ngươi đã minh oan cho rất nhiều người, tấm lòng nhân từ đó trên hợp với ý Trời, dưới hợp với lòng người. Thượng Đế yêu quý tất cả chúng sinh, "Ông Trời có đức hiếu sinh", do đó Thượng Đế ban cho ngươi 3 người con trai, sau này đều là những người hiển quý".

Đêm đó, phu nhân của ông thụ thai, sau này sinh hạ 3 con trai, đặt tên là Ứng Huân, Ứng Khôn, Ứng Tuấn. Cả ba cậu con trai từ nhỏ đã rất hiếu học, tay không rời sách, sau này lớn lên đều đỗ tiến sĩ, làm quan lớn, và đều kế thừa gia phong liêm minh công chính.

Bách tính ai nấy đều ca ngợi Đồ Khang Hi tuân thủ phép nước, công chính không tham công trạng: "Công lao ân huệ cho người dân, công danh lưu sử sách, phúc đức ân trạch cho cháu con". Sau này Đồ Khang Hi lần lượt làm tới các chức quan Viên ngoại lang Bộ Hình, Hữu thị lang Bộ Hình, Thượng thư Bộ Hình, Thái tử Thái bảo, quả đúng là "Nhà tích thiện ắt có thừa phúc lành".

Đồ Khang Hi thượng tôn pháp luật, chấp pháp nghiêm minh lại không tham công, minh oan cho vô số người chịu oan khuất, đó là những việc đại thiện, tích đại đức, do đó không chỉ bản thân ông được phúc báo, đường quan vận hanh thông, mà còn được Trời ban quý tử, phúc ấm cháu con, cả ba người con đều là những quan lớn liêm minh công chính.

Tường Hòa (biên dịch) / Theo: NTDVN