Sunday, October 15, 2023

HANG ĐỘNG ĐÔN HOÀNG: MỘT CÁI NHÌN THOÁNG QUA VỀ THẾ GIỚI KHÁC

Bên rìa sa mạc Gobi phía tây bắc Trung Quốc có một thị trấn từng là điểm dừng chân cho những lữ khách mệt mỏi trên Con đường tơ lụa. Đó chính là thành phố Đôn Hoàng.


Được bao quanh bởi những đụn cát hùng vĩ phát ra tiếng hát hoặc tiếng trống khi gió thổi, vì vậy, nơi này còn có tên gọi là “Cồn cát biết hát” (Ming Sha Shan 鳴沙山). Đôn Hoàng nằm trong một ốc đảo tách biệt, ẩn chứa nhiều bí ẩn của lịch sử, luôn luôn là địa điểm không thể bỏ qua của những vị khách phương xa.

Hang động Đôn Hoàng là nơi có bộ sưu tập nghệ thuật Phật giáo đáng chú ý nhất thế giới. Với những bức tranh tường và tác phẩm điêu khắc có trình độ nghệ thuật cao, những tác phẩm nghệ thuật này được cho là đại diện chính xác cho tài hoa của các nghệ sĩ chân chính. (Ảnh: Bairuilong qua Wikimedia Creative Commons)

Tuy nhiên, phong cảnh đầy cảm hứng không phải là lý do duy nhất để nơi đây thu hút khách tới du lịch. Khoảng 15 dặm về phía đông nam của trung tâm Đôn Hoàng là các hang động Mạc Cao, một trong những di tích đồ sộ của dấu ấn Phật Giáo thời cổ đại còn lại trên thế giới.

Các hang động Mạc Cao bao gồm một hệ thống gồm 735 hang động chứa đựng những bức tranh và tượng Phật giáo hơn 1000 năm tuổi. Những hang động này ban đầu được dùng để làm nơi thiền định và thờ cúng, sau đó trở thành nơi hành hương của các tín đồ, văn nhân và quan chức.

Các hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng. (Ảnh: Zhangzhugang qua Wikimedia Creative Commons)

Miêu tả trung thực cảnh Thiên quốc

Người Trung Quốc cổ đại tin rằng những người có đức tin sẽ nhìn thấy được các vị Thần trong giấc mơ. Vì vậy, họ cho rằng những bức vẽ hoặc điêu khắc ở trên hang động miêu tả những khung cảnh phi thường về Thiên quốc và các vị Thần, là những miêu tả chính xác về những gì mà những nghệ sĩ được phép nhìn thấy, qua đôi bàn tay mà lưu truyền lại cho hậu nhân chút ký ức nhỏ bé về các vị Thần Phật.

Theo truyền thuyết, một nhà sư tên là Lạc Tôn (樂尊), rất tinh thông hội họa và điêu khắc, trên đường đi Tây Thiên ông đã dừng chân ở đây. Sau khi ông uống nước của một con suối gần đó, đã ngồi xuống nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng màu sắc rực rỡ của bầu trời khi hoàng hôn buông xuống.

Đột nhiên, những ngọn núi bắt đầu phát sáng và một vị Phật Di Lặc bằng vàng rực rỡ xuất hiện trên bầu trời. Sau đó, nhà sư nhìn thấy vô số chư Phật xuất hiện, cùng với các tiên nữ bay lượn đang lấp đầy không gian bằng những nốt nhạc thiên thần.

Quá xúc động trước khung cảnh được nhìn thấy, nhà sư quyết định sử dụng các kỹ năng nghệ thuật của mình để miêu tả lại những gì chính mắt ông đã chứng kiến. Với một tấm lòng đầy thành kính và biết ơn, Lạc Tôn đã dồn hết tâm huyết và tài năng để thể hiện được sự trang nghiêm của khung cảnh mà ông nhìn thấy.

Nghệ thuật hang động Phật giáo, một vũ công xoay tròn trong khi dàn nhạc đang chơi. (Ảnh: Hải quân Hoa Kỳ/Nicholas Garrett qua Wikimedia Commons)

Vài năm sau, một nhà sư khác tên là Pháp Lương (法良) cũng đã đến thăm cùng một nơi và cũng được nhìn thấy những cảnh tượng giống với những gì được nhà sư Lạc Tôn mô tả trước đó. Được truyền cảm hứng, ông cũng đã vẽ lại những gì mình nhìn thấy lên hang động thứ hai và lấp đầy nơi này bằng những bức tượng để tôn vinh những vị Thần tiên trên trời mà ông thoáng thấy.

Theo thời gian, các hang động trở thành một điểm đến tôn giáo và văn hóa, nơi vô số tao nhân mặc khách và Phật tử tìm thấy ốc đảo tâm linh riêng của mỗi người. Trong những năm sau đó, các hang động thậm chí còn được bao phủ nhiều tác phẩm nghệ thuật hơn, khiến hang Mạc Cao trở thành một trong những địa điểm điêu khắc vĩ đại nhất của Trung Quốc - nơi lưu giữ một số ví dụ điển hình nhất về nghệ thuật đời Đường, bao gồm tranh tường và đồ tạo tác.

Những bức tranh tường tinh tế

Các bức tranh tường trong các hang động ở Mạc Cao rất phong phú về nội dung và tinh tế về kỹ thuật. Tổng diện tích của các bức tranh vào khoảng 46.000 mét vuông, bao gồm cả những hang động phức tạp nhất có tranh trên tường và trần.

Trong hầu hết các tác phẩm, đứng ở trung tâm là Đức Phật - Ngài được bao quanh bởi các vị Thần và chúng sinh trên trời. Người ta thường thấy các tiên nữ bay trên trời được vẽ trên trần nhà hoặc phía trên các vị Phật, hoặc trong những bức tranh mô tả những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật.

Một phi thiên được miêu tả trong một bức tranh tường Đôn Hoàng. (Hình ảnh: Phạm vi công cộng)

Một chủ đề phổ biến khác trong nhiều hang động là những khu vực rộng lớn được bao phủ bởi rất nhiều tượng Phật ngồi trong tư thế hoa sen. Địa điểm này có một cái tên rất phù hợp “Động nghìn tượng Phật”, với mỗi vị Phật ngồi gần như giống hệt nhau. Không những thế nó còn nhắc nhở người xem về niềm tin rằng, nhờ lòng từ bi nhân từ của Đức Phật, mà bất kỳ ai cũng có thể đạt được giác ngộ và được cứu rỗi.
Các tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp

Ngày nay, các hang động Mạc Cao ở Đôn Hoàng còn lại khoảng 2400 tác phẩm điêu khắc bằng đất sét được bảo tồn. Giống như trong nhiều bức vẽ trên tường, tượng Phật luôn được đặt ở vị trí trung tâm, xung quanh có rất nhiều các vị Bồ tát, Thiên vương, tiên nữ và các nhân vật thần thoại.

Trong đó có hai bức tượng khổng lồ khiến Mạc Cao trở thành một nơi độc nhất vô nhị. Tượng trưng cho Đức Phật Di Lặc - vị Phật tương lai sẽ đến thế giới và chính lại Pháp vào thời kỳ mạt Pháp - những bức tượng đất sét này là một trong những bức tượng lớn nhất trên thế giới.

Tượng Phật nằm trong hang 148, tượng Phật nằm lớn thứ hai ở Mạc Cao. Thời kỳ Cao Đường. (Ảnh: Bairuilong qua Wikimedia Creative Commons)

Bức tượng lớn hơn nằm ở hang số 96, cao khoảng 31 mét và được xây dựng vào năm 695 dưới thời Hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Bức tượng nhỏ hơn cao khoảng 27 mét và được xây từ năm 713 đến 741.

Động linh thiêng

Các hang động Mạc Cao được đào sâu vào một bên vách đá. Vào thời nhà Đường - thời hoàng kim của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại, khu vực này có hơn một nghìn hang động, nhưng theo thời gian, nhiều hang động trong số đó đã bị bỏ quên hoặc bị mất. Ngày nay số lượng hang động còn lại vào khoảng 735 hang động.

Các hang động nằm ở khu vực phía nam của vách đá là phổ biến nhất và thường xuyên được viếng thăm để hành hương hoặc thờ cúng. Ngược lại, phía bắc hầu hết không được trang trí, chủ yếu dùng làm nơi ở, thiền phòng và nơi chôn cất các nhà sư.

Tượng một vị Phật trong một hang động Mạc Cao. (Hình ảnh: Miền công cộng)

Mỗi hang động của Mạc Cao đều được chạm khắc bằng tay một cách tỉ mỉ vào vách đá. Việc tạo tác thường được tài trợ bởi các nhà sư, quan chức hoặc những tín đồ giàu có, những người muốn tích Thiện và cũng để thể hiện lòng ngưỡng mộ và tôn kính.

Hầu hết các hang động được quy tập theo thời đại của chúng, với mỗi triều đại mới đã xây dựng các hang động của riêng mình ở các phần khác nhau của vách đá. Mặc dù những hang động này đã bị lãng quên sau sự suy tàn của Con đường tơ lụa, nhưng hàng trăm năm sau chúng đã được khám phá trở lại.

Ngày nay, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật kỳ vĩ vẫn được bảo tồn rất tốt, điều đó nhắc nhở chúng ta không chỉ về trình độ nghệ thuật cao của người xưa, mà còn về nền văn minh tinh thần đã từng tồn tại trên mảnh đất Trung Hoa rộng lớn.

Tác giả: Carolina Avendano - Vision Times
Từ Tịnh biên dịch / Theo: ndtvn