Monday, October 23, 2023

NGUỒN GỐC BAN ĐẦU CỦA THUỐC CHÍNH LÀ ÂM NHẠC

Chữ Dược (藥) có nguồn gốc từ chữ Nhạc (樂), cho nên, âm nhạc sinh ra ban đầu có tác dụng thanh lọc tâm trí và chữa bệnh cho con người.

Ban đầu âm nhạc sinh ra là để chữa bệnh (ảnh minh họa Nhaccutruongsacantho)

Âm nhạc hay có thể nuôi dưỡng tình cảm, thanh lọc tâm hồn và mang lại cho con người cảm giác thoải mái dễ chịu. Nhưng bạn có thể không biết rằng, mục đích ban đầu của âm nhạc là dùng để chữa bệnh. Điểm này có thể bắt nguồn từ việc Thương Hiệt tạo chữ. Bởi vậy, chữ dược (thuốc) có nguồn gốc xa xưa bắt nguồn từ chữ nhạc.

Diễn biến phát triển của chữ Dược

Người Trung Quốc từ lâu đã biết rằng âm nhạc có thể chữa lành bệnh tật. Ban đầu, trọng tâm của từ Dược này là âm nhạc. Trong chữ Giáp cốt văn vào thời kỳ đầu, không có sự khác biệt giữa chữ Nhạc (樂 – âm nhạc) và chữ Dược (藥 – thuốc). Chữ Nhạc 樂 trong chữ Giáp cốt văn là hình ảnh một loại nhạc cụ dây nguyên thuỷ có dây bằng tơ tằm treo trên miếng gỗ. Chữ Nhạc 樂 trong chữ Kim văn là hình ảnh hai sợi dây lụa và một chữ Mộc 木, bên trên còn có thêm chữ Thảo 艸, càng làm tăng thêm ý tứ hàm nghĩa thảo dược chữa bệnh. Từ đó về sau, chữ Nhạc 樂 và Dược 藥 được chia thành 2 chữ.

Chữ Nhạc 樂 (ảnh: Zhihu)

Người xưa dùng ngũ âm để trị ngũ bệnh, nhưng người hiện đại xem từ Dược 藥 thì chỉ thấy phần thảo dược trị bệnh, còn âm nhạc trị bệnh thì dần dần bị lãng quên. Trong thời cận đại, chữ giản thể của chữ Dược – 葯 đã mất đi ý nghĩa dùng nhạc để trị bệnh, chỉ dùng từ Ước – 约 (giao ước) để thay thế, vì vậy đã mất đi nội hàm ban đầu của điển cố lịch sử trân quý này.

Thương Hiệt đã tạo ra từ Nhạc 樂 dựa trên lịch sử trận chiến giữa Hoàng Đế với Xi Vưu. Năm đó, sau khi Hoàng Đế đánh bại Xi Vưu, binh lính của Xi Vưu đã choáng váng trước tiếng trống trận. Để chữa bệnh cho những binh lính này, Hoàng Đế đã chế tạo ra một vật hình chuông bằng kim loại, ngày nay được gọi là nhạc cụ. Loại nhạc cụ này ở giữa làm bằng đồng và dây đàn ở hai bên, được chơi trên một giá đỡ bằng gỗ. Những binh lính của Xi Vưu đã hồi phục sau khi nghe diễn tấu âm nhạc. Thương Hiệt đã tạo ra chữ Nhạc 樂 dựa trên vật hình chuông bằng kim loại này.

Tại sao âm nhạc có thể chữa bệnh?

Trong “Hoàng Đế nội kinh” có đề cập đến thuyết “Ngũ âm trị bệnh”, tức là dùng ngũ âm (cung, thương, giốc, chủy, vũ) đối ứng với ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ) và ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) của con người.

Nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng, âm thanh là một loại rung động, mà các cơ quan khác nhau của cơ thể con người cũng đang vận động. Khi tần số rung động của âm nhạc và tần số rung động của các cơ quan hài hòa và cộng hưởng, nó sẽ có tác động tích cực đến cơ thể con người. 

“Đức âm nhã nhạc” có thể thanh lọc tâm trí và có tác dụng chữa bệnh (ảnh minh họa Haitratancuong)

Vì vậy, người xưa thích nghe “Đức âm nhã nhạc”, tức là loại nhạc đề cao phẩm đức, thuận theo sự vận hành của thiên địa vạn vật và đạo dưỡng sinh của thân thể con người. Loại âm nhạc này có thể thanh lọc tâm trí con người, bảo trì tâm thái yên bình và bảo trì sự hài hòa của các cơ quan trong cơ thể con người, tự nhiên có thể đạt được hiệu quả chữa bệnh.

Âm nhạc hiện đại thì lại hoàn toàn khác, đặc biệt là những loại âm nhạc có thể kích thích ma tính của con người, khiến người ta nghe xong rất hưng phấn, nhưng thực chất lại rất có hại cho cơ thể, càng không thể nói đến tác dụng chữa bệnh.
 
Đức âm nhã nhạc là liều thuốc cho tâm hồn

Âm nhạc hay có thể ức chế tư tưởng bất chính của con người, khiến con người toàn tâm lắng nghe mà không có bất kỳ tạp niệm nào. Vì vậy, âm nhạc chân chính là đức âm, là thể hiện vẻ đẹp, tích cực, thuần thiện và quang minh, có thể làm tâm tính con người được đề cao. Âm nhạc như vậy có thể làm cho mọi người thực sự khỏe mạnh và hạnh phúc.

Vì vậy, khi bạn cảm thấy chán nản, mệt mỏi và ốm yếu, bạn có thể nghe một bản nhạc cổ điển để thân tâm của bạn cảm nhận được tác dụng chữa lành và cảm giác thoải mái của Đức âm nhã nhạc.

Theo: Vision Times