“Công cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”
Thời thơ ấu, hẳn ai trong chúng ta cũng từng nghe câu ca dao nổi tiếng này về công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ. Tuy vậy, ít ai biết rằng núi Thái Sơn là một kỳ quan thiên nhiên có thật, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987.
Thái Sơn (泰山) có núi non trập trùng, vách đá dựng đứng, rừng cây cổ thụ ngàn năm xanh tươi, những thác nước trong vắt tựa dòng suối ngọc chảy giữa đất trời lung linh huyền ảo. Vì núi Thái Sơn nằm ở hướng Đông, nơi mặt trời mọc, nên còn được xem là biểu tượng của sự sống và sự tái sinh.
Nơi đây có tảng ‘Đá phơi Kinh’ in dấu truyền thuyết Đường Tăng đi thỉnh Kinh; có cầu Tiên Nhân cheo leo giữa vực thẳm thử lòng người tu Đạo, dù đã trải qua ngàn năm sương gió mà vẫn trường tồn; có Âm Dương Tuyến phân cách Âm gian và Dương gian giống như con sông Nại Hà trong truyền thuyết.
Người ta nói núi Thái Sơn như một “Tam Giới” thu nhỏ ẩn tàng vô số thiên cơ và bí ẩn mà cho tới thời nay khoa học chưa thể nào giải mã hết.
Kỳ quan của tạo hóa
Đỉnh Ngọc Hoàng trên núi Thái Sơn. (Ảnh: Chanhkien.org)
Núi Thái Sơn là một ngọn núi có ý nghĩa về lịch sử và văn hóa nằm ở phía Bắc của thành phố Thái An, Sơn Đông, Trung Quốc. Ngọn núi này được mệnh danh là Đông Nhạc, một trong “Ngũ Nhạc danh sơn”, đồng thời cũng là ngọn núi quan trọng nhất trong 5 ngọn núi nổi tiếng, có hơn 3000 năm lịch sử tiếp nhận tế lễ của các bậc Đế vương.
Ngọn núi này có tổng diện tích lên tới 426 km2, điểm cao nhất là Đỉnh Ngọc Hoàng, cao 1,545 mét. Hành trình di chuyển lên Thái Sơn cần đi qua 6,293 bậc thang chính, khoảng 7,200 bước chân. Trên đỉnh Thái Sơn có tổng cộng 22 ngôi đền, 97 tàn tích, 819 phiến đá và 1,018 bức tường đá. Đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đấu Mẫu, lầu Xích Thiên, … đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và có giá trị nghệ thuật to lớn với tuổi đời hàng ngàn năm.
Theo các ghi chép lịch sử, Thái Sơn là nơi linh thiêng được các Hoàng đế lựa chọn làm “Lễ tế Trời”. Năm 219 trước Công Nguyên, Hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã lên Thái Sơn tổ chức lễ tế, tuyên bố thống nhất 6 nước chư hầu, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc. Tính từ thời nhà Chu năm 1000 trước Công Nguyên, có tới 72 vị Hoàng Đế đã đến núi Thái Sơn lập đàn tế lễ. Cũng có rất nhiều tao nhân mặc khách tới đây thưởng ngoạn phong cảnh và để lại bút tích như Khổng Tử, Đỗ Phủ …
Đỉnh Thái Sơn. (Ảnh: Wikimedia)
Hơn nữa, trên đỉnh Thái Sơn có rất nhiều tàn tích khảo cổ mà tới ngày nay các nhà khoa học chưa thể giải mã hết.
Tảng đá phơi Kinh và ẩn đố lịch sử
Núi Thái Sơn có một thánh tích rất nổi tiếng gọi là “Kinh Thạch Dục”, khắc sâu vào đá và sườn núi. Bản kinh Phật khắc trên đó là Kinh Kim Cương của Phật giáo, mỗi chữ có kích thước nửa mét vuông, quy mô của khu vực đá phơi Kinh rất rộng lớn, với tổng diện tích lên tới 2,064 m2. Bản khắc này nguyên ban đầu có 2,799 chữ, đến nay đã mờ dần và chỉ còn lại 1,000 chữ.
Bản khắc đá “Kinh Thạch Dục” trên núi Thái Sơn. (Ảnh: Chanhkien.org)
Tương truyền, khi Đường Tăng đi thỉnh Kinh, trên đường trở về đã làm rơi Kinh Phật xuống sông Sa Hà. Ông vớt Kinh thư lên và phơi khô trên đá. Khi ông gom Kinh thư lại thì các dòng chữ đã in lên tảng đá. Từ đó tảng đá này mới có tên là “Kinh Thạch Dục”, nghĩa là “Đá phơi Kinh.”
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng Kinh Thạch Dục trên núi Thái Sơn là do người Bắc Tề khắc lên cách đây hơn 1,000 năm. Từ thư pháp cho đến quy mô chữ viết có thể thấy, “Kinh Thạch Dục” có vị trí quan trọng trong nghệ thuật khắc đá của người Trung Quốc, vì vậy còn được xem là “thủy tổ của đại tự”, “tổ tông của sách bảng”.
Bản dập khắc đá của “Kinh Thạch Dục” núi Thái Sơn, được ghi lại từ “Thái Sơn Thạch Kinh”. (Ảnh: Chanhkien.org)
Bí ẩn là bản khắc đá có tuổi đời hàng ngàn năm này lại có 3 chữ Giản thể, đó là chữ: Lai “来: đến”, chữ Vô “无: không”, và chữ Vạn “万: mười ngàn”. Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu giản hóa chữ Phồn thể sang Giản thể vào năm 1956, còn trước đó nữa là chữ Phồn thể truyền thống, hoàn toàn không có 3 chữ Giản thể này.
Trong hơn 1,000 chữ khắc này có 16 chữ “Lai”, thì có tới 14 chữ “Lai” viết theo lối Giản thể; 18 chữ “Vô – 无”, đều là chữ Giản thể; và 2 chữ Vạn “万”, đều là chữ Giản thể.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích được tại sao hơn 1,000 năm trước đã xuất hiện chữ Giản thể của thời hiện đại trên đỉnh núi Thái Sơn. Phải chăng các Tiên Nhân, Đạo Nhân đã thấu tỏ thời cuộc rằng tương lai sẽ thay đổi như thế nào?
Khi nghiên cứu sâu hơn, các học giả còn phát hiện rằng 3 chữ Giản thể này là nhân tố trung tâm trong các quần thể di tích lớn trên núi Thái Sơn. Ví như đỉnh Ngạo Lai ở sườn phía Tây, núi Tồ Lai ở phía trước, thành phố Lai Vu ở phía Đông, thị trấn Vạn Đức ở chân núi Thái Sơn; Lầu Vạn Tiên, “Bia Vô Tự” trên đỉnh Ngọc Hoàng … đều có tên liên quan đến 3 chữ Giản thể “Lai”, “Vô”, “Vạn” này. Rõ ràng đây không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Hơn nữa, bức tường đá phía Bắc núi Thái Sơn cũng có khắc một bản “Kinh Thạch Dục” khác, trên đó có ba chữ rất lớn là “Bạo Kinh Thạch”, được xác định có chung nguồn gốc với “Kinh Thạch Dục”. Người ta cho rằng, ý nghĩa của cái tên “Bạo Kinh Thạch” là đến một ngày nào đó bí ẩn sẽ được phơi bày. Bởi vì chữ Bạo “暴” này trong tiếng Hán đồng âm với chữ bộc “曝”, trong từ bạo quang “曝光, nghĩa là “phơi bày ra ánh sáng”.
Một đạo sĩ giải đáp rằng, khi hậu thế xuất hiện 3 chữ Giản thể này thì chính là thời kỳ mạt Pháp đã đến, văn hóa truyền thống bị phá huỷ, chữ viết Thần truyền bị thay đổi, văn minh 5,000 năm mà Thần ban cho nhân loại bị xói mòn.
Điều này không phải là không có lý, vì tương truyền, khi còn tại thế, Phật Thích Ca Mâu Ni từng khải thị cho đệ tử của Ngài về hiện tượng hỗn loạn thời mạt pháp và sự “chính lại Pháp của vũ trụ” trong tương lai.
Trong cuốn Kinh «Phật thuyết Pháp diệt tận» có chép rằng: “Khi Pháp ta diệt, ví như đèn dầu sắp tắt, ánh sáng lóe lên, sau đó liền diệt … Đến như, sau đó mấy ngàn vạn năm, khi Di Lặc hạ thế làm Phật, thiên hạ thái bình, độc khí toàn tiêu …”
Dân gian chia ngọn núi Thái Sơn thành 3 phần, từ cổng Hồng Môn trở lên là Thiên giới; từ cổng Hồng Môn trở xuống là Nhân giới; khu vực núi Cao Lý phía tây sông Nại Hà, phía trước đỉnh Ngạo Lai là Âm tào địa phủ.
Đường lên núi Thái Sơn tượng trưng cho con đường tu luyện, nên mỗi ấn tích ở đây, từng ngọn cây cho đến kiến trúc đều liên quan đến các điển cố của các bậc tiên nhân xưa.
Cầu Tiên Nhân
Trên núi Thái Sơn có đài Chiêm Lỗ, sườn đài Chiêm Lỗ có một vực sâu thăm thẳm, mà chơi vơi ở giữa lại có 3 khối đá lớn xếp so le với nhau như một cây cầu nối hai vách đá, gọi là cầu Tiên Nhân. Kỳ lạ là 3 khối đá này sắp xếp theo hình vòm, lơ lửng như sắp rơi xuống vực sâu vạn trượng, nhưng chúng đã tồn tại ở vị trí này hàng ngàn năm.
Cầu Tiên Nhân trên núi Thái Sơn. (Ảnh: Wikipedia)
Tương truyền, Lã Động Tân từng đứng trên cây cầu này rồi bảo một người có chút tiên cốt lên cầu cùng ông thăng Thiên. Nhưng người này nhát gan không dám bước, Lã Động Tân không còn cách nào đành một mình bay về Trời. Tạo hình của cầu Tiên Nhân và câu chuyện về Lã Động Tân đều thể hiện một chủ đề: Không có can đảm thì khó lòng thành tiên.
Mặt trời mọc ở hướng Đông trên núi Thái Sơn kết hợp với rồng phượng bay lên ở Nam Thiên Môn, là tượng trưng cho cảnh tượng tráng lệ bạch nhật phi thăng, tu luyện viên mãn của những bậc tăng nhân tu hành.
Đá Củng Bắc trên núi Thái Sơn. (Ảnh: Chanhkien.org)
Ở nơi quan sát mặt trời trên Nhật Quan Phong còn có một khối đá hình thù kỳ lạ. Đây là kỳ quan của Đại Đỉnh. Khối đá này dài gần 7m, đặt nghiêng tạo thành góc 30 độ so với mặt đất, giống như bàn tay đang bái vọng về phương Bắc, vì thế được đặt tên là đá Củng Bắc.
Trảm Vân Kiếm ở Đảo Tam Bàn trên núi Thái Sơn. (Ảnh: Chanhkien.org)
Trên đường mòn Đảo Tam Bàn còn dựng một khối đá to, trên đó có khắc chữ Trảm Vân Kiếm. Tương truyền, có một nhóm người đang hái thuốc ở đây thì đột nhiên gặp mây đen cuồn cuộn khiến họ lạc đường. Một người hái thuốc đã bay lên không trung, đâm rách mây đen, giúp mọi người không bị lạc đường. Trảm Vân Kiếm chính là hóa thân của người hái thuốc trẻ tuổi này. Còn dân gian tin rằng, tác dụng của Trảm Vân Kiếm là chém mây đuổi mưa.
Âm Dương Tuyến ở Tây Khê, Nại Hà
Giữa núi Ngạo Lai và núi Thái Sơn có một cây cầu bắc qua sông Tây Khê gọi là cầu Trường Thọ. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, sông Tây Khê chính là ranh giới phân chia Âm và Dương, cũng là ranh giới phân chia núi Ngạo Lai ở phía Tây (tức là âm) và núi Thái Sơn ở phía Đông (tức là dương).
Đầm Hắc Long núi Ngạo Lai. (Ảnh: Chanhkien.org)
Sông Tây Khê chảy vào thành phố Thái An thì đổi tên thành sông Nại Hà, sông Nại Hà cũng chia thành phố Thái An thành hai phần Đông và Tây. Trong văn hóa truyền thống, Nại Hà chính là con sông ngăn cách Âm gian và Dương gian do Mạnh Bà cai quản. Người sau khi tạ thế muốn đi qua sông Nại Hà thì phải uống một chén Mê Hồn Thang để quên đi ký ức trước khi đầu thai.
Cho nên, sông Tây Khê là ranh giới Âm dương của núi Thái Sơn; còn sông Nại Hà là ranh giới Âm dương của “Nhân gian” ở thành phố Thái An.
Dưới cầu Trường Thọ còn có một dải đá trắng tự nhiên gọi là Âm Dương Tuyến. Đây là một dải đá trắng tự nhiên rộng gần 1m, dài 40m. Bên dưới Âm Dương Tuyến là thác nước đổ xuống đầm sâu Hắc Long của núi Ngạo Lai, nếu xảy chân rơi xuống thì sẽ táng thân nơi này.
Tần tùng, Hán bách, và Đường hòe
Núi Thái Sơn chính là nơi đặt định ra văn hóa về 3 loài cây là: Tần tùng, Hán bách, và Đường hòe. Tần tùng đối ứng với Thiên giới; Hán bách đối ứng với Nhân giới; Đường hòe đối ứng với Âm phủ. Chữ Tùng (松) do bộ mộc (木) và bộ công (公) tạo thành: diễn giải là “vị công”, vì người khác. Cây tùng thường sống trên núi cao, trên vách đá, nên còn gọi là tùng La Hán, vì vậy từ xa xưa ý nghĩa tượng trưng của cây tùng là tu hành và trường sinh. Chữ Bách (柏) do bộ mộc (木) và bộ bạch (白) tạo thành, thể hiện là người trong trắng minh bạch.
Phía đông chân núi Thái Sơn có một ngôi chùa cổ ngàn năm tên là Ngọc Tuyền, trong chùa có cây tùng Nhất Mẫu. Cây tùng Nhất Mẫu này thân có chu vi 3m, vòm lá rộng 897m; vì vậy mà được gọi là tùng Nhất Mẫu.
Trên núi Thái Sơn nổi tiếng còn có cây tùng Vọng Nhân nằm ngả về trước, cành dài vươn ra, tựa như tha thiết vẫy gọi người dưới chân núi.
Cây tùng Vọng Nhân trên núi Thái Sơn. (Ảnh: Chanhkien.org)
Tương truyền rất lâu về trước, nơi đây có một cặp vợ chồng thích làm việc thiện. Có một lần, họ tiếp tế cho người thợ đẽo đá trên núi, sau đó nội trong một đêm mà người thợ này đã tạc xong đường thông lên núi. Tận mắt thấy thần thông kỳ nghệ của người thợ đẽo đá, người chồng dứt khoát xuống núi để học nghệ, còn người vợ ở lại ngày đêm trông ngóng chồng trở về. Về sau, chỗ người vợ đứng đợi mọc ra gốc cây tùng, đây chính là sự tích về cây tùng Vọng Nhân.
Cây tùng Vọng Nhân này có hàm ý rằng con người đều từng là Tiên nhân trên Thiên Giới, chuyển sinh xuống trần gian làm người chỉ để tôi luyện qua khổ nạn mà tu trở về, cho nên mới có văn hóa tu hành của nhân loại như thời nay.
Do đó, người xưa tin rằng núi Thái Sơn là một “Tam giới” thu nhỏ để nhân gian không quên đi nguồn gốc sinh mệnh. Còn người tu Đạo thì cho rằng Thần đã lưu lại ngọn núi Thái Sơn như lời nhắc nhở để thức tỉnh thế nhân.
Chi Lan tổng hợp / Theo: epochtimes