Đừng mang quan điểm của mình áp đặt để thay đổi người khác. (Pixabay)
Trong cuộc sống luôn có một số người thích tự cho mình là “chuyên gia” và 'chỉ dẫn, bảo ban' người khác.
Bạn muốn đầu tư và quản lý tiền bạc, họ cười nhạo bạn quá ngây thơ, luôn nhắc nhở bạn có thể bị người khác chặt chém.
Bạn muốn chăm chỉ làm việc tạo dựng sự nghiệp, họ khuyên nhanh chân lấy một gia đình tử tế, để có thể chăm chồng nuôi con.
Bạn muốn đăng ký lớp tập thể dục thẩm mỹ, họ nói rằng đây hoàn toàn là 'phí ngu ngốc', không bằng chạy bộ trong công viên.
Những người này, giống như một "người cố vấn cuộc sống", nghe có vẻ hợp lý, nhưng thực tế nó làm hại người khác và không mang lại lợi ích cho chính mình.
Một học giả đã nói: “Kẻ thích làm thầy người khác là mưu cầu vinh quang, vì thiếu thực tài nên kết quả thường chuốc lấy tủi nhục”.
Làm người, hãy là chính mình và đừng tùy tiện 'thắp đèn' cho người khác.
1. Đừng dùng tiêu chuẩn của bản thân để chỉ ra vấn đề của người khác.
Một nhà văn kể lại câu chuyện rằng, ông có một người bạn tên là Liễu, ông Liễu không có việc làm, sống một cuộc sống bình lặng, nguồn thu nhập của ông ấy hoàn toàn phụ thuộc vào tiền thuê từ bất động sản mà cha mẹ để lại. Nhưng ở nơi tương đối hẻo lánh, tiền thuê nhà không cao nên cuộc sống của ông ấy thật khó khăn.
Ông Liễu có một kỹ năng độc đáo - làm đồ gốm. Đồ gốm do ông Liễu làm ra rất đẹp, khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng phải kinh ngạc.
Nhà văn nghĩ rằng, ông Liễu không nên lãng phí sự khéo léo như vậy, nếu ông ấy có thể bán đồ sứ ra thị trường, nó chắc chắn sẽ được giá tốt.
Vì vậy, nhà văn đã khuyên ông Liễu thuê lò gốm, tuyển dụng người học việc, sản xuất hàng loạt, sử dụng phương tiện truyền thông để quảng bá và bán hàng trực tuyến...
Nhà văn nói không ngừng, như thể chuyện này thật dễ dàng.
Nhà văn vốn tưởng ông Liễu nghe xong sẽ ngây ngẩn cả người, nhưng ông Liễu sửng sốt một hồi, không những không tỏ ra kinh ngạc mà là vẻ không hài lòng.
Đối với ông Liễu, điều ông ấy khao khát là một cuộc sống đơn giản và bình dị, chỉ muốn đắm mình trong nghệ thuật gốm, sống một cuộc sống bình dị.
Nhưng nhà văn lại cho rằng ông Liễu không tiếp nhận, không biết tốt xấu. Hai người nảy sinh mâu thuẫn vì chuyện này, và mối quan hệ của họ trở nên lạnh nhạt.
Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami đã nói: “Không phải tất cả các loài cá đều sống trong cùng một vùng biển”.
Những gì bạn nghĩ là một con đường rộng rãi, nhưng có thể đó lại là con đường chông gai đối với người khác. Những gì bạn nghĩ là một cuộc sống tuyệt vời, nhưng có thể đó lại là xiềng xích trong lòng của người khác.
Cuộc đời mỗi người tại thế gian, mỗi người có một con đường riêng để đi, mỗi người đều có biển khổ phải vượt qua. Bạn không thể dùng bước đi của chính mình để đo lường con đường mà người khác nên đi.
Nếu bạn luôn hướng dẫn người khác với ý nghĩ "đây là việc tốt cho anh", thì kết quả cuối cùng thường là tổn thất. Sự tỉnh táo lớn nhất của một người trưởng thành là không nên tham dự vào cuộc sống của người khác.
Bạn thích những thứ như gấm như hoa, còn anh ấy theo đuổi sự an nhàn tự tại, điều đó rất tốt.
2. Thích nói đạo lý, đây là biểu hiện thấp nhất của trí tuệ cảm xúc.
Một nhà tâm lý học cho biết: "Trên thế giới, nỗ lực kém hiệu quả nhất là dốc lòng nói đạo lý với người khác. Bạn nói đạo lý càng nhiều, người khác càng chán ghét và họ càng ít muốn giao tiếp với bạn".
Trong cuộc sống, chúng ta luôn muốn “dùng lý lẽ thuyết phục người khác”, nhưng cứ luôn nói đạo lý sẽ chỉ khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Chúng ta say mê nói đạo lý "chính xác" thì tình cảm thuộc về nhau càng dễ đi sai hướng.
Một cư dân mạng tên Lai chia sẻ kinh nghiệm của mình:
Một lần, trong buổi họp lớp, anh gặp lại một người bạn học cũ đã lâu không gặp.
Người bạn cùng lớp đó làm việc trong thể chế, có chí tiến thủ, rất năng động, anh ấy đã vượt qua tất cả các chặng đường và phát triển sự nghiệp của mình một cách rực rỡ.
Các bạn học cũ gặp nhau rất thân mật, họ trò chuyện sôi nổi về nghề nghiệp của mỗi người, trong suốt cuộc trò chuyện, anh ấy đã cố gắng thuyết phục Lai tham gia kỳ thi công chức.
Lai trả lời rất thích làm công việc hiện tại, công ty có bầu không khí tốt và triển vọng phát triển tốt, rằng Lai không có kế hoạch tham gia kỳ thi tuyển công chức vào thời điểm hiện đó.
Tuy nhiên, người bạn học cũ đã chế giễu những gì Lai nói và nói với vẻ tự cao:
"Tầm nhìn của bạn quá hạn hẹp. Chỗ chúng tôi chắc chắn ổn định, còn làm công ty thường xuyên phải tăng ca, thậm chí có quỹ dự phòng còn không có, bạn còn phải đối mặt với nguy cơ bị sa thải. Bạn có thể có tương lai nào?"
Lai cười trừ nói: "Tôi biết bạn đang có công việc tốt, nhưng mỗi người đều có tham vọng của chính mình, quan trường không phải con đường tôi muốn theo đuổi".
Bạn học cũ vẫn không ngừng nói: “Cậu đi làm không phải để mưu cầu sự ổn định và lương cao, hay là để làm người tốt và làm việc tốt?”
Lai im lặng một lúc và ngừng trả lời.
Sau sự cố này, bầu không khí trên bàn ăn tối trở nên vô cùng khó xử.
Trong tiểu thuyết "Người trộm bóng" có một đoạn: "Bạn không thể can thiệp vào cuộc sống của người khác, cho dù đó là vì lợi ích của người ta, bởi vì đó là cuộc sống của họ".
Đôi khi, thuyết phục người khác một cách áp đặt cũng là một dạng bạo lực ngôn ngữ. Liên tục can thiệp vào cuộc sống của người khác sẽ chỉ đẩy họ xa bạn.
Những người thông minh đã từ bỏ mong muốn đưa ra lời khuyên cho người khác, chỉ có những kẻ ngu ngốc mới lý luận không mệt mỏi với người khác. Rốt cuộc, mỗi người đều có cách sống của riêng mình, không có câu trả lời nào chuẩn trên thế giới này.
Thấu hiểu lựa chọn của người khác và tôn trọng quan điểm của họ, đó là sự tỉnh táo lớn nhất của người trưởng thành.
3. Thay vì chỉ đường cho người khác, tôn trọng sự khác biệt của nhau sẽ tốt hơn.
Mỗi người có những trải nghiệm và môi trường sống khác nhau, vì vậy sẽ có thái độ và thói quen hành vi khác nhau. Yêu cầu người khác hành động theo ý mình chẳng khác nào bắt họ uống thứ họ không thích, hiệu quả thường phản tác dụng.
Mối quan hệ lý tưởng là bạn biết tôn trọng sự khác biệt của nhau, có thể hiểu những khó khăn của và dành cho nhau sự bao dung, không gian riêng.
Một nhà văn đã nói: "Sự tiến bộ của quan niệm là tôn trọng trật tự giá trị và lựa chọn cuộc sống của mọi người".
Có một cặp vợ chồng mới cưới, người đàn ông thích ăn cay, nhưng người phụ nữ lại không biết ăn cay. Ban đầu, họ từng tranh cãi vì món này quá cay còn món kia thì không. Ồn ào nên không ăn chung mà ăn riêng, giao tiếp tình cảm tự nhiên giảm sút.
Một lần, khi người phụ nữ về nhà mẹ đẻ ăn tối, cô thấy cha trước khi ăn sẽ đặt một bát nước trước mặt mình, vừa ăn vừa nhúng rau trong nước. Bố cô giải thích, bây giờ khẩu vị của ông đã trở nên nhạt hơn, mẹ cô thích ăn mặn hơn nên ông rửa rau trong nước để vị của nó trở nên nhạt hơn.
Biết nghĩ đến người khác trước, mối quan hệ sẽ bền lâu và hạnh phúc. (Pixabay)
Mải mê suy nghĩ, người phụ nữ kết thúc bữa ăn của mình mà không nói lời nào. Sau khi trở về nhà, người phụ nữ chiên một số món ăn theo sở thích của người chồng, đợi chồng về cùng ăn tối sau khi tan sở.
Khi ăn, người phụ nữ cũng đặt một bát nước trước mặt, nhặt rau và rửa sạch trong nước. Người đàn ông không nói gì, im lặng ăn nốt bữa ăn của mình.
Ngày hôm sau, người phụ nữ đi làm về và thấy rằng người đàn ông đã chuẩn bị một bữa ăn và đang đợi cô quay lại ăn cùng anh ta. Nhưng lần này món ăn không cay chút nào. Người đàn ông đặt một đĩa nước sốt nóng trước mặt, nhặt rau và nhúng chúng vào nước sốt nóng.
Từ đó, trên bàn ăn có nhiều tiếng cười nói vui vẻ hơn, mối quan hệ giữa hai người cũng được cải thiện rất nhiều.
Một chuyên gia phân tích tích cách từng nói: "Chúng ta cần sử dụng cả phép cộng và phép trừ trong cuộc sống, giảm bớt một số góc cạnh, tranh chấp, đồng thời tăng thêm một số khả năng chịu đựng và thích ứng".
Mọi người đều có những thói quen khác nhau và những thói quen này chứa đựng sở thích và mục tiêu theo đuổi của một người. Thay vì đưa ra lời khuyên một cách mù quáng, tốt hơn hết là bạn nên im lặng và lắng nghe một cách có lý trí.
Một người thực sự khôn ngoan biết cách không tự cho mình là trung tâm, phù hợp với sở thích và lựa chọn của người khác. Nếu bạn khăng khăng muốn chuyển hóa người khác, muốn uốn nắn họ thành những gì bạn muốn, cuộc sống của bạn chắc chắn sẽ đầy xung đột và tổn thương.
Chỉ bằng cách hiểu, tôn trọng tính cách, thói quen của nhau, chúng ta mới có thể đạt được viên mãn và gặt hái hạnh phúc.
4. Không bắt người khác thắp sáng là cách tu thân cơ bản nhất của người trưởng thành
Một nhà văn nói: "Một trong những dấu hiệu của sự thiếu tu dưỡng bản thân là tham gia vào cuộc sống của người khác, dễ ảnh hưởng đến tâm trạng tốt và làm phiền hạnh phúc nhỏ nhoi của người khác".
Mỗi người có một cách hiểu, định nghĩa và nhận thức riêng về hạnh phúc, mục tiêu theo đuổi hạnh phúc của mỗi người cũng khác nhau. Đừng tùy ý hướng dẫn người khác, bởi vì bạn chưa hẳn đã hiểu rõ cuộc sống của họ, cái gọi là ý tốt của bạn có thể là chướng ngại trong cuộc đời người khác.
Tôn trọng sự lựa chọn của người khác là khởi đầu để nhận được sự tôn trọng. Một mối quan hệ lâu dài đòi hỏi sự thỏa mãn lẫn nhau và thành tựu chung.
Theo: Vương Hòa - Aboluowang
Tuyết Liên biên dịch