Cuối thu, khi miền Trung đón những cơn mưa bất chợt kèm giông gió cũng chính là mùa bông dề - loài hoa lạ lẫm có một không hai đất Phú Yên. Tiếng là hoa, nhưng không phải để chơi mà là để… ăn rất ngon. Ngon tới mức trở thành “đặc sản”.
Loài hoa ấy cũng được gọi là “khoai”, bởi gốc có củ, ăn được, mát lành. Có điều củ không đặc biệt đáng nói, thứ làm nên “thương hiệu” của cây bông dề chính là hoa và hương hoa.
Sau những ngày hè dài nắng oi, đất vườn khô tới mức rắn câng, nứt nẻ. Nhưng chỉ một cơn mưa rào cuối thu đổ xuống, hôm sau ra vườn đã thấy những ngòi bông dề hình mũi tên long lanh tím biếc trồi lên, vài ba ngày đã bung cánh, khoe lấp ló bên trong những cánh “hoa thật” màu vàng.
Dạo vườn, nếu ai đó vô ý đưa chân giẫm phải hoa, lập tức hương bông dề dậy lên, thơm sực. Cái mùi hương đánh động khứu giác, gợi ngay liên tưởng tới một tô canh tập tàng nấu với hoa bông dề bốc khói. Không chỉ nấu canh, vào chính vụ, hoa bông dề vườn nhà nhiều, mẹ đem luộc cả rổ. Luộc chín vớt ra gắp chấm mắm dằm cá rô đồng ăn cơm cũng rất tuyệt. “Sang” hơn nữa thì đem thái nhỏ rưới đúc bánh xèo cùng với thịt, tôm…
Hái hoa bông dề vừa cữ nhất khi ngòi hoa tím chính vừa tách mào, lấp ló cánh vàng bên trong. Hái sớm, ăn ngon nhưng hoa chưa đủ độ trưởng thành, phí phạm. Hái muộn thì hoa bị già, xơ, giảm cả hương lẫn vị.
Vườn nhà tôi rộng, đất thịt, lại nhiều bóng mát nên rất “thiên thời địa lợi” để trồng cây bông dề. Bông dề trừ trường hợp tới mùa khô đào lấy củ mới phải trồng lại; còn nếu để thu hoa thì chỉ cần trồng một lần, cứ đến hẹn mỗi đầu mùa mưa cây lại tự động trồi lên.
Tuy không ngon như hoa nhưng lá bông dề non cũng là một món rau dùng luộc hoặc nấu canh. Mùa hoa bông dề khá ngắn ngủi nên ăn hết bông rồi người ta sẽ “vớt vát” bằng cách xách rổ ra vườn tìm… lá. Những chiếc lá non xanh nhạt còn cuốn loa kèn vừa đâm lên giữa đọt, đem nấu canh hay luộc tuy không ngon ngọt như hoa, nhưng dù sao vẫn có hương bông dề…
Ngày nhỏ, thú thật, tôi không thích hương bông dề, do nhà trồng nhiều bông dề, ăn quá nhiều đâm ngán. Vậy nhưng, đó là chuyện xa lắc. Lớn lên, khi bắt đầu thấm thía, “nghiện” hương vị bông dề thì cũng là lúc bông dề ngày càng ít đi.
Giờ ở quê không ai trồng bông dề, chỉ có những gốc cây sót lại từ ngày xưa vẫn âm thầm sống, nhẫn nại cho hoa cho lá mỗi đầu mùa mưa. Vườn nhà tôi cũng còn một hai lùm như thế, là “di tích” của vườn bông dề mẹ trồng.
Y Nguyên / Theo: PNO