Wednesday, November 29, 2023

TRÔNG THEO - HOÀI KHANH


TRÔNG THEO

Bến sông này, bến sông này
trăng xưa lạnh xuống hàng cây gục đầu
người xưa chừ biết là đâu
này trăng gió cũ này câu giã từ
lối đi vàng nhạt mùa thu
nghe lau lách động niềm u uất buồn
mắt người mang cả quê hương
lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm
trăng chia niềm nhớ thì thầm
lệ chia niềm nhớ ướt đầm núi sông
lớn lên vì một tấm lòng
để bao nhiêu hận buộc vòng sơ sinh
bao nhiêu tuổi bấy nhiêu tình
bao nhiêu mộng ước giận mình bấy nhiêu
nhưng thôi buồn đã ra nhiều
trong ta là mấy vạn chiều rưng rưng
trong ta là núi là rừng
là trăm tiếng hát đã dừng trên môi
tiễn đưa thì tiễn đưa rồi
nhớ thương thì nhớ thương rồi người ơi
vòng tay không chặt luân hồi
xa xưa nghe nặng bóng trời luân lưu
người mang đi cả mùa thu
ta về mang chút tạ từ héo hon
bến sông này gió trăng còn
mênh mang vị cũ nghe buồn lay bay
tưởng chừng như chặt bàn tay
ta ôm vũ trụ tròn đầy mà mơ
nhưng khi đã biết tình cờ
thì hai thứ tóc đã mờ giấc xưa
với trăng chia nhớ đôi bờ
với sông bến nọ chia giờ ra đi
người ơi còn lại những gì
mai sau nếu chút tình sy cũng tàn.

Hoài Khanh

Nhà thơ Hoài Khanh và thầy Tuệ Sỹ.

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Hoài Khanh tên thật là Võ Văn Quế, sinh ngày 13/6/1933 tại Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận (có tài liệu ghi ngày 20/3/1934). Từ năm 1957, ông đã hiện diện trên bầu trời thi ca Việt Nam với thi phẩm Dâng rừng. Trước năm 1975, ông viết báo làm thơ, là người chủ trương và điều hành nhà xuất bản Ca Dao, một trong những nhà xuất bản đầy uy tín, có nhiều ấn phẩm giá trị, thu hút được đông đảo người đọc. 

Những năm cuối đời, bị đột quỵ Hoài Khanh về trú tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Ðồng Nai. Nhà thơ Hoài Khanh từ trần ngày 23 Tháng Ba, 2016, tại tư gia.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Thân phận (thơ, 1962)
- Lục bát (thơ, 1968)
- Gió bấc - trẻ nhỏ - đoá hồng và dế (thơ, 1970)
- Hương sắc mong manh (thơ, 2006)
- Trí nhớ hoang vu và khói (tập truyện, 1970)

 Nguồn: art2all