Âm đức là gì?
Thời xưa cho rằng có phúc là phúc thọ an khang, con cháu đầy đàn, trường thọ, khỏe mạnh, bình an, tới tuổi già thì ra đi một cách thanh thản, không bị chết bất đắc kỳ tử. Đây được gọi là phúc. Nó cũng được gọi là đại âm đức. Con người ngày nay lý giải phúc báo chỉ đơn giản là sở hữu nhiều tiền tài và nhà cửa. Đây là một sự hiểu lầm rất lớn.
Có khả năng chống đỡ trước tai hoạ, chính là âm đức. Âm đức có nghĩa là luôn luôn nghĩ cho người khác nhiều hơn. Làm việc đường đường chính chính, tin vào ông Trời có mắt, khi tai họa ập đến có thể được Thiên Thượng chiếu cố.
Âm đức là kiếm tiền mà không làm tổn hại đến lợi ích của người khác. Nếu kiếm tiền không phải của bản thân, thì ngay cả khi cúng dường Tam Bảo, cũng sẽ không có được âm đức. Ngày nay, con người bị tổn âm đức chủ yếu là do tà dâm, cộng thêm việc khi kiếm tiền thì dễ dàng nói dối, lừa người. Như thế họ lại càng tổn hao thêm nhiều âm đức.
Đôi khi những người giàu lại tạo nghiệp nhanh, đồng nghĩa với tai họa sẽ lại xảy ra thường xuyên hơn. Những người bình thường không tạo nghiệp thì sống an phận, đến hết thọ mệnh thì ra đi thanh thản. Vì vậy, tiền tài và âm đức không cùng đẳng cấp. Đôi khi nhiều tiền, lãng phí nhiều, còn làm phương hại đến âm đức.
Con người phải có Đạo, có Đạo thì mới có âm đức. An phận thủ thường, sống một cuộc sống bình thường và không theo đuổi thành công một cách quá cực đoan. Nên nắm bắt tốt thước đo âm đức. Những người làm việc xấu, có thể kiếm được rất nhiều tiền, nhưng sẽ bị mất rất nhiều âm đức. Người giàu hay người nghèo đều bình đẳng trước âm đức.
Những việc làm gây tổn hại âm đức
Con người làm việc gì cũng nên nghĩ cho con cháu mai sau. Ai không nghĩ cho thế hệ sau, đều là ích kỷ, Thiên Đạo sẽ không dung thứ. Kể cả người xuất gia tu hành cũng là giáo hóa chúng sinh, cũng là vì nghĩ cho con cháu, không nghĩ cho con cháu, đó đều là ích kỷ.
Vì vậy, trong văn hoá Á Đông, điều người ta sợ nhất là ‘đoạn tử tuyệt tôn”. Người xuất gia cũng muốn Phật tử Phật tôn, đó cũng là vì nghĩ cho thế hệ tiếp theo.
Như vậy, những thứ gây hại cho con cháu chính là những thứ làm tổn âm đức nghiêm trọng nhất. Ví dụ như hiện nay có rất nhiều trò chơi điện tử đã làm hư hỏng giới trẻ, quả báo này là vô cùng nghiêm trọng.
Ngày nay có rất nhiều trò chơi khiến con người bị trầm mê trong đó mà không thể tự giải thoát nổi. Có thể nói, ngành truyền thông có nhiều điểm tốt, ví như chúng ta muốn kiểm tra thông tin gì, trên Internet đều có. Nhưng đồng thời nó cũng tích tụ rất nhiều thứ ác. Kể cả những bức ảnh và trò chơi thô tục, tất cả đều đang lôi kéo và làm hư hỏng trẻ em.
Khi tôi còn học đại học, nhiều người bị nghiện trò chơi điện tử. Thử nghĩ xem, những người như thế liệu có thể có phúc báo được chăng. Vì vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học không bằng người ít học ở xã hội bình thường, điều này có liên quan đến việc họ bị Internet làm hư hỏng. Tuy nhiên, ngày nay ngành công nghiệp trò chơi điện tử ngày càng phát triển, có lẽ chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ác nghiệp ở trong đó.
Nhiều sinh viên đại học không có đủ phúc, đặc biệt là phúc báo trong hôn nhân. Nó có liên quan đến những hành vi ngoại tình, tà dâm, cộng thêm việc họ bị ảnh hưởng bởi những quan niệm xã hội sai lầm. Trước đây, khi đi học, ít nhất họ được học về những tác phẩm xưa đề cao đạo đức. Ngày nay trên Internet lại tràn lan những chiêu trò láu cá, kể cả buôn bán cổ phiếu, lợi dụng các kẽ hở của xã hội và luật pháp.
Nhiều người sẽ lợi dụng các kẽ hở của pháp luật. Họ không nghĩ tới âm đức, chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để lách luật. Thực tại này rất nguy hiểm.
Cho nên tai họa của con người ngày nay đều do những mánh khoé, chiêu trò của họ mà ra. Khôn vặt quá mức sẽ làm huỷ hoại âm đức, đó là điều khó tránh khỏi. Bao gồm cả các quan niệm sai lầm về hôn nhân do các đài truyền hình trước kia lan truyền, khiến bầu không khí xã hội trượt dốc. Những người làm việc này đều cũng phải gánh chịu ác nghiệp.
Một số người nổi tiếng làm phát ngôn viên cho trò chơi điện tử cũng phải gánh chịu nghiệp nặng. Hiện nay cũng có rất nhiều phim hoạt hình có nội dung sắc tình, bạo lực, thù hận, những người sản xuất và truyền bá những phim hoạt hình này đều phải gánh ác nghiệp. Vì vậy, hãy thận trọng.
Trong tất cả các âm đức, thì việc giáo dục con cái trở thành bậc hiền nhân là âm đức lớn nhất. Tổn hại âm đức nghiêm trọng nhất là làm hư con cái.
Giáo dục con cái trở thành bậc hiền nhân là âm đức lớn nhất. (Ảnh pexels)
Bồi đắp và tích luỹ âm đức
Tuổi trẻ có thể lực tốt, thị giác tốt và trí nhớ tốt. Chúng ta nên tích đức nhiều hơn khi còn trẻ. Tuổi trẻ rất quan trọng. Đừng để thời gian quý báu này trôi qua.
Tích lũy âm đức và đồng thời tiết kiệm tinh khí thần. Giữ đời sống vật chất càng đơn giản càng tốt, giữ ở mức tối thiểu, không nên lãng phí tài nguyên thiên nhiên, đây cũng chính là tích lũy âm đức. Nó tuyệt đối không phải như nhiều người nghĩ, rằng hủy hoại môi trường, rồi lấy một số tiền để làm việc thiện, mà cho đó là âm đức.
Môi trường tự nhiên thuộc về tất cả mọi người, không chỉ là nhân Đạo, mà bao gồm cả động vật, cũng như những thứ không phải con người mà không nhìn thấy.
Cũng giống như nước, nó không chỉ thuộc về con người mà còn thuộc về cá, và nước có Thần, rồng và Thần Long. Núi cũng vậy, núi cũng có Thần núi, con người nên tôn trọng tự nhiên. Không phải là phá hoại núi sông, lấy ít tiền cho người khác thì gọi là âm đức.
Ngày nay, nhiều thứ được sản xuất khoa học có hại cho môi trường. Chúng có thể mang tới lợi ích tạm thời nhanh chóng, nhưng kết quả là môi trường không thể tiêu hóa chúng.
Cái lớn nhất của con người là dục vọng, và tâm hưởng thụ dục vọng không cách nào dừng lại. Người mà có chút phúc báo nếu sau này dục vọng rất nặng thì sẽ giống như bị mê muội.
Do đó, hiện chúng ta đang có chút thời gian và phúc báo, nên bồi đắp nội tâm tốt đẹp bằng cách đọc những kinh điển và kinh sách của bậc Thánh hiền.
Khi hưởng thụ vật chất, con người có thể cảm thấy một chút hạnh phúc, đây chỉ là cái rất hời hợt. Kỳ thực khi con người ta đọc kinh, sẽ có được sự an vui, mà đây là điều rất vi tế.
Nếu lục căn quá thô tháo thì chỉ thấy được hạnh phúc thô tháo mà không thể cảm nhận được được hạnh phúc vi tế, hạnh phúc của nội tâm. Vậy phải làm sao? Hãy đọc tốt các kinh điển. Cả Phật giáo và Đạo giáo đều tin vào công đức của việc tụng kinh.
Tại sao có công đức? Kinh điển có thể sinh ra một loại năng lượng tường hòa và thay đổi khí bẩn của thế giới này. Đây chính là công đức, cũng chính là âm đức.
Theo: Vương Hoà - Aboluowang
Minh An biên dịch