Nhạc Dương Lâu tiếp giáp hồ Động Đình, nằm ở Hồ Nam, cùng với Hoàng Hạc Lâu ở Vũ Hán và Đằng Vương Các ở Giang Tây được xưng là “Giang Nam tam đại danh lâu”. Danh tiếng của tòa lầu tháp này bắt đầu được truyền khai vào thời nhà Đường bởi một bài thơ của Lý Bạch.
Vào mùa thu năm Kiền Nguyên thứ 2 triều nhà Đường, Lý Bạch cùng bạn bè đi qua Nhạc Dương và dạo chơi ở hồ Động Đình. Ông đã sáng tác bài thơ “Dữ hạ thập nhị đăng Nhạc Dương Lâu”. Từ đó về sau, cái tên Nhạc Dương Lâu được truyền ra. Trải qua chiến tranh, Nhạc Dương Lâu bị hư hại nhiều. Đến thời Bắc Tống, Nhạc Dương Lâu được trùng tu và cũng được mở rộng thêm.
Nhạc Dương lâu và Hồ Động Đình. Hồ Động Đình là địa danh quan trọng trong huyền sử Việt. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)
Về tổng thể, Nhạc Dương Lâu được chia làm ba tầng. Toàn bộ tòa lầu không sử dụng một xà ngang và một cây đinh nào. Bên trong lầu dùng bốn trụ lớn bằng gỗ để đỡ toàn bộ trọng lượng và 12 trụ tròn đỡ ở 2 lầu, phía ngoài dùng 12 trụ bằng gỗ cây tử làm trụ thềm. Bên ngoài lầu, bốn phía mái hiên vểnh lên như đang bay lượn. Mái nhà được lợp bằng ngói lưu ly màu vàng. Lầu cao khoảng 19.42 m, sâu 14.54 m, rộng 17.42 m. Cả toà lầu rất vững vàng chắc chắn, cũng rất đồ sộ.
Mặc dù trải qua các triều đại thay đổi, nhưng kiến trúc này không hề bị người đời quên lãng. Trái lại, ở các triều đại khác nhau đều có các văn nhân mặc khách vì mộ danh mà đến đây thưởng thức, lên lầu ngắm cảnh, ca hát và làm thơ. Thi thánh Đỗ Phủ từng tới đây và viết bài thơ “Đăng Nhạc Dương Lâu”: “Tích văn Động Đình thuỷ, kim thượng Nhạc Dương lâu”, xưa kia nghe nước Động Đình, nay lên Lầu Nhạc Dương.
Ngoài ra, các thi nhân nổi tiếng khác như Trương Cửu Linh, Mạnh Hạo Nhiên, Bạch Cư Dị, Lý Thương Ẩn cũng từng đến đây làm thơ trữ tình, lưu lại rất nhiều tác phẩm xuất sắc. Nhờ vậy mà tòa lầu này cũng thêm phần nổi danh.
Nhạc Dương Lâu còn là địa danh gắn liền với những câu chuyện về tiên nhân. Theo “Nhạc Dương phong thổ ký”, Lã Động Tân từng ba lần say rượu ở đây và cũng lưu lại một bài thơ.
Truyền thuyết kể rằng Lã Động Tân chu du thiên hạ, một hôm đi qua hồ Động Đình thì kinh ngạc trước cảnh non sông tươi đẹp ở nơi đây. Ông phóng mắt nhìn xung quanh thấy đầm lớn Vân Mộng bị bao phủ trong sương mù, những dãy núi nhấp nhô lúc ẩn lúc hiện, Nhạc Dương Lâu với mái hiên uốn lượn thật kỳ diệu và tráng lệ. Thế là tiên nhân hạ mây xuống, lấy ra bình hồ lô bên hông và uống.
Có câu: “Tiên hoa nhân dịch, nhân hoa tiên nan” (tiên tìm người dễ mà người tìm tiên thì khó), Lã Động Tân uống rượu, thường xuyên say bên hồ Động Đình. Một hôm, có một ông lão tráng kiện đi đến quỳ trước mặt Lã Động Tân nói: “Đại tiên, xin ngài hãy độ tôi thành tiên đi!”
Lã Động Tân nói: “Ta cũng là phàm nhân, sao ngươi gọi ta là thần tiên?’
Ông lão đáp: “Ngài là một trong bát tiên, người khác không biết nhưng tôi biết”.
Lã Động Tân sau khi nghe xong, cảm khái nói: “Tinh biết tiên, người không biết”. Nguyên lai, ông lão kia là một cây cổ thụ già thành tinh. Thế là Lã Động Tân để lại một bài thơ:
Độc tự hành lai độc tự tọa
Vô hạn thế nhân bất thức ngã
Chích hữu thành nam lão thụ tinh
Phân minh tri đạo thần tiên quá.
Tạm dịch:
Một mình đi đến một mình ngồi
Thế nhân vô hạn không biết ta
Chỉ có lão thụ tinh Thành Nam
Hiển nhiên biết rõ thần tiên qua.
Lã Động Tân từng ba lần say rượu ở Nhạc Dương Lâu. Dân chúng vì để tưởng nhớ tiên nhân nên đã dựng lên một ngôi đình, đặt tên là “Tam Túy Đình”. Trong đình có đề thơ của Lã Động Tân.
An Hòa biên tập
Theo: Vision Times
Bài hát "Nhạc Dương Lầu ký"