Monday, May 20, 2024

8 MÓN ĂN CÓ NGUỒN GỐC TỪ CHIẾN TRANH, MỘT SỐ MÓN CHÚNG TA VẪN ĂN ĐẾN NGÀY NAY

Một số thực phẩm chúng ta thường thấy hoặc rất thích ăn kỳ thực là có nguồn gốc từ những năm tháng chiến tranh, khi người ta phải trải qua bao thăng trầm, thậm chí là phải chịu đói.

Hạt socola M&M cho đến nay vẫn là món ăn vặt phổ biến của mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng từng bị quân đội Mỹ hạn chế khẩu phần. (Ảnh: Shutterstock)

Chiến tranh thường kích thích sự đổi mới kỹ thuật và thay đổi văn hóa. Kỹ thuật và văn hóa ẩm thực cũng là một phần trong đó. Thuận theo sự va chạm và hội nhập của các nền văn hóa cũng như sự xuất hiện của các kỹ thuật mới để bảo đảm nguồn cung lương thực, một số loại thực phẩm và món ăn mới đã xuất hiện, thậm chí đã dần trở nên phổ biến sau chiến tranh và còn trở thành món ăn hàng ngày hiện tại của chúng ta.

Sữa đặc

Thêm một chút sữa đặc khi pha cà phê hoặc làm món tráng miệng sẽ làm chúng có vị ngọt ngào và thơm nức mùi sữa. Loại thực phẩm này có thể khởi nguồn từ giữa thế kỷ 19. Vào thời điểm đó, học giả Gail Borden nhìn thấy rất nhiều người bị bệnh do uống sữa hết hạn sử dụng, vậy nên ông muốn phát minh ra một loại chế phẩm sữa có thể sử dụng được lâu dài. Ông đã sử dụng các phương pháp khử nước, tinh chế và đóng lon để sản xuất ra sữa đặc. Vào năm 1856, ông đã thành lập công ty sữa đặc đầu tiên trong lịch sử “Eagle Brand.”

Sữa đặc, một loại thực phẩm phổ biến, đã bắt đầu trở nên phổ biến từ thời Nội chiến Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, hai nhà máy đầu tiên của ông Borden đều bị phá sản, sữa đặc của ông cũng không trở nên phổ biến. Mãi cho đến thời kỳ Nội chiến Hoa Kỳ vào những năm 1860, khi chính phủ Hoa Kỳ mua số lượng lớn sữa đặc để cung cấp cho các binh sĩ ở tiền tuyến, sản phẩm này mới bắt đầu được hàng ngàn hộ gia đình biết đến. Nestle, một công ty sữa đặc rất nổi tiếng sau Nội chiến, đã thành công nhờ lấy cảm hứng từ “Eagle Brand.”

Thực phẩm đóng hộp

Nói đến sữa đặc thì phải kể đến kỹ thuật cơ bản của nó là đóng lon. Kỹ thuật này được phát triển trong những năm hỗn loạn của Cách mạng Pháp.

Rất nhiều loại thực phẩm đóng hộp ngày nay đều có lịch sử từ thời Cách mạng Pháp. (Ảnh: Shutterstock)

Vào năm 1795, quân đội Pháp đã treo giải thưởng 12,000 Franc cho người tìm ra kỹ thuật giúp thực phẩm không bị hỏng trong thời gian dài. Đến năm 1806, Nicolas Appert, người được mệnh danh là “Cha đẻ của khoa học thực phẩm,” đã phát minh ra kỹ thuật đóng lon. Quy trình sản xuất cơ bản của nó là nung nóng lon ở nhiệt độ cao để thực phẩm không bị hư hỏng trước khi mở.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, chính phủ Pháp đã không trao thưởng cho Appert. Mãi đến năm 1810, Bộ Nội vụ Pháp mới đồng ý thưởng 12,000 franc cho Appert, nhưng điều kiện là ông phải tiết lộ kỹ thuật này cho xã hội. Kết quả là cùng năm đó, Appert đã xuất bản cuốn sách với tựa đề “Nghệ thuật bảo quản thực phẩm làm từ động vật và thực vật.” Đây là cuốn sách đầu tiên về kỹ thuật bảo quản thực phẩm hiện đại.

Lẩu bộ đội (Budae Jjigae)

Lẩu bộ đội cổ điển thường có nước dùng cay, sền sệt và nhiều loại thịt đã qua chế biến cùng với rau và mì ống v.v. Phương thức nấu ăn này xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Triều Tiên. Vào thời điểm đó, những người lính thiếu lương thực thường cho giăm bông, thịt ăn trưa, xúc xích và các loại thịt khác được nhập lậu từ căn cứ quân sự Hoa Kỳ vào súp, sau đó thêm vào bất cứ thực phẩm nào hiện có để nấu.

Lẩu bộ đội Hàn Quốc là món ăn dùng giăm bông, thịt ăn trưa và các hàng viện trợ khác của Hoa Kỳ, thêm vào kim chi và mì ăn liền để giải quyết tình trạng thiếu nguyên liệu trong Chiến tranh Triều Tiên. (Ảnh: Dương Tiệp/ Epoch Times)

Do đó, chúng ta có thể thấy lẩu bộ đội thường bao gồm nhiều loại thịt chế biến sẵn của Hoa Kỳ, thậm chí cả đậu đóng hộp và phô mai Mỹ. Đồng thời, trong nồi lẩu cũng sẽ có nhiều món ăn Hàn Quốc đa dạng như kim chi, tương ớt Hàn Quốc, mì ramen, súp cá cơm, v.v.

Spam

Người ta thường cho rằng thịt hộp Spam được sản xuất bởi công ty Hormel vào năm 1937. Nó đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới sau khi quân đội Hoa Kỳ tham gia Đệ nhị Thế chiến.

Thịt hộp Spam là thịt hộp được chế biến từ thịt lợn, muối, đường, tinh bột và gia vị, có thể ăn ngay sau khi mở. Đây là bữa ăn khẩn cấp của quân đội Hoa Kỳ trong Đệ nhị Thế chiến khi nguồn cung cấp thực phẩm khan hiếm. (Ảnh: Shutterstock)

Là thực phẩm tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ, thịt hộp Spam đã cùng quân đội đi đến rất nhiều khu vực ở châu Âu và châu Á. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp thực phẩm ở rất nhiều nơi đều bị chiến tranh tàn phá và thịt hộp Spam đã trở thành nguồn cung cấp thịt để binh sĩ sinh tồn.

Sau chiến tranh, thịt hộp Spam bắt đầu hòa nhập vào văn hóa ẩm thực của các vùng miền. Hàn Quốc có lẩu bộ đội, Singapore có cà ri Spam, Philippines có Spam sisig… Thịt hộp Spam đã trở thành nguyên liệu chính cho rất nhiều món ăn mỹ vị.

Thanh dinh dưỡng socola

Tiền thân của thanh dinh dưỡng socola hiện đại là thanh socola được gọi là “Logan bar.” Trong Đệ nhị Thế chiến, thanh năng lượng do Hershey sản xuất này là thực phẩm tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ. Chúng có lượng calo rất cao và có vị ngọt nên được binh lính ưa chuộng. Nhưng nó cũng có một nhược điểm, đó là socola rất dễ tan chảy, hơn nữa vì quá ngon nên dễ bị quân lính ăn trước. Sau đó, công ty Hershey cũng phát triển một loại thanh năng lượng mới dành riêng cho quân đội. Socola trong đó không dễ tan chảy và hương vị cũng không ngon lắm.
Những thanh socola của Hershey từng là mặt hàng thực phẩm tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Sản phẩm socola tương tự còn có hạt socola “M&M’s.” Loại kẹo này có lớp phủ bên ngoài cứng hơn, nên việc socola ở giữa có tan chảy hay không không thành vấn đề. Khi hạt socola này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1941, nó là thực phẩm khẩu phần chỉ dành cho quân đội Hoa Kỳ. Phải đến sau Đệ nhị Thế chiến, khi nhà sản xuất Forrest Mars đưa sản phẩm này ra thị trường thì nó mới dần trở nên phổ biến.

Bánh Woolton (Woolton Pie)

Bánh Woolton cũng là sản phẩm của Đệ nhị Thế chiến. Tên của nó xuất phát từ tên của ông Lord Woolton, Bộ trưởng Bộ Thực phẩm Anh vào thời điểm đó.

Woolton Pie là món ăn tiện lợi của người Anh trong Đệ nhị Thế chiến. (Ảnh: Shutterstock)

Bánh Woolton lúc đó không phải là một món ăn cầu kỳ mà chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên của các nguyên liệu thông thường. Nó được làm bằng cách nấu rau trong nước thịt đặc, sau đó thêm bột yến mạch để hút nước, cuối cùng phủ lên trên bằng bánh mì giòn hoặc khoai tây. Người ăn chay cũng có thể chọn bánh mì nướng với súp rau củ và dầu thực vật.

Trong những năm chiến tranh, khi việc phân chia khẩu phần lương thực được thực hiện, loại thực phẩm với nguyên liệu đơn giản và cách chế biến dễ dàng này đã giúp rất nhiều người có được những bữa ăn bổ dưỡng và hấp dẫn.

Bánh sừng bò (Croissant)

Bánh sừng bò còn được gọi là bánh mặt trăng, bánh mì sừng bò, bánh mì sừng cừu. Bánh sừng bò có thể có nguồn gốc từ thời chiến tranh nhưng vấn đề này cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi.

Có nhiều cách nói ​​​​khác nhau về nguồn gốc của bánh sừng bò. Một trong những cách nói phổ biến nhất là nó bắt nguồn từ Vienna vào năm 1683. (Ảnh: Pixabay)

Về nguồn gốc của bánh sừng bò, một trong những cách nói phổ biến nhất là vào năm 1683, người Áo đã làm ra một loại bánh mì hình trăng lưỡi liềm có tên là “kipfel” để ăn mừng việc đánh bại quân đội Đế chế Ottoman tấn công Vienna. Hình dạng của chiếc bánh mì này giống với hình trăng lưỡi liềm trên lá cờ Ottoman. Sau này, người Pháp đã phát minh ra phương pháp làm bánh ngọt và sử dụng phương pháp này để nướng bánh sừng bò, từ đó làm ra loại bánh mì mà chúng ta thấy ngày nay.

Chính bởi đoạn lịch sử này, bánh sừng bò đã bị một số lực lượng Hồi giáo coi là biểu tượng cho chiến thắng của người châu Âu trước người Hồi giáo. Trong cuộc nội chiến ở Syria năm 2013, phiến quân phản chính phủ thậm chí còn cấm bán loại bánh mì này ở Aleppo.

Nước sốt thịt cay (Chili con carne)

Nước sốt thịt cay có lẽ xuất hiện lần đầu tiên ở San Antonio, Texas. Vào đầu thế kỷ 19, khu vực này vẫn là lãnh thổ của Vương quốc Tây Ban Nha. Một nhóm phiến quân chủ yếu bao gồm người Tây Ban Nha-Mexico, người Mỹ gốc Pháp và hậu duệ của thực dân Anh, đã tấn công khu vực này. Phiến quân ban đầu hứa sẽ bảo vệ các quý tộc địa phương, nhưng sau đó đã sát hại họ. Động thái này đã khiến người dân địa phương phẫn nộ. Do đó, người dân từ chối cung cấp lương thực cho quân nổi dậy.

Nước sốt thịt cay có khẩu vị đậm đà. Đằng sau nó là một câu chuyện tình yêu trong thời kỳ chiến tranh. (Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, có một cô gái quý tộc và một người lính của phiến quân đã yêu nhau. Cả hai đã mở một nhà hàng Mexico ở San Antonio và nấu ăn cho quân nổi dậy. Một trong những món ăn nổi tiếng của họ là nước sốt thịt cay. Người phụ nữ quý tộc có tên Jesusita de la Torre này cũng trở thành “Nữ hoàng cay San Antonio” đầu tiên.

Những thực phẩm trên đều có nguồn gốc từ thời chiến tranh. Ngày nay, với những cải tiến trong kỹ thuật công nghiệp và kỹ thuật nấu nướng, chúng có thể đã thay đổi đáng kể so với những ngày đầu. Khi ăn những món ăn này và nghĩ đến những cuộc chiến tranh cách đây nhiều năm, chúng ta có lẽ sẽ cảm nhận được cảm giác đặc biệt về những thăng trầm của cuộc sống thời đó.

Lưu Cảnh Diệp thực hiện
Toàn Phong biên dịch / Theo: epochtimesviet



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.