Tuesday, June 18, 2024

HỒI KÝ CHUYẾN ĐI TÂY AN VÀ CON ĐƯỜNG TƠ LỤA THÁNG 5/2024 (NGÀY 1 VÀ 2)

Sau dịch bệnh đến giờ cũng gần 5 năm rồi mới dám xuất ngoại dù bạn bè cứ rũ đi hoài. Tuổi đã cao rồi còn chút sức nên quyết định chọn đi con đường tơ lụa vì biết thêm vài năm nữa là đi không nổi cũng như năm 2019 mình đã cố trèo lên được các núi Hoàng Sơn và Vũ Di Sơn.

 Phi trường Tullamarine Melbourne

Như những lần đi trước, mình chọn ViNa Express đưa ra phi trường dù chuyến bay 9 giờ nhưng vì là thứ Sáu nên mình book họ đến đón sớm lúc 4 giờ vì cũng còn phải đón thêm mấy người bạn khác cùng đi. Chiều thứ Sáu có chút mưa và ra gần city thì đúng là kẹt xe nhưng đến phi trường lúc 6 giờ rưỡi. Phi trường rất đông người, lâu quá không ra phi trường nên tự nhiên lọng cọng khi tìm đường lên lầu đến khu check in. Đến đây dù là đi sớm nhưng để đến quầy đăng ký gởi đồ lên máy bay cũng phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ.

Hành lý đã gởi xong, chúng tôi tìm gì ăn. Chắc chọn ăn nhẹ vì khi lên máy bay sẽ được ăn tối. Vậy là chọn đi Mc Donald. Bây giờ phi trường có lẽ được bố trí lại hay sao mà không biết khu vực ăn uống ở nơi nào. Lại phải tìm người hỏi mới tìm đi đến đó.

Ăn uống xong thì chúng tôi quyết định vào khu xuất cảnh. Đúng là lâu quá không đi nên vào khu check-in mà bỡ ngỡ vì nhân viên an ninh bắt mình phải cởi áo khoát, cởi dây nịch, đồng hồ, bỏ đồ mang theo vào khay để qua khu chụp x-ray, còn mình cũng phải qua cửa rà kim loại. Rà qua rà lại rồi rờ đến cái bóp nó cũng bắt mang qua x-ray...Thật ra lâu quá nên mình cũng chẵng biết là luật lệ như thế nào nhưng chắc chắn mình biết những nhân viên phi trường "người Úc" này bây giờ không giống như những "người Úc" của ngày trước. Nó mất đi tính thân thiện mà có nét thể hiện bản chất của nơi những "người Úc" này xuất xứ.

Rồi cũng qua được "ải", chúng tôi bước vào khu vực bán hàng miễn thuế nhưng chỉ đi qua mà cũng chẳng dòm ngó gì vì chẳng có gì để mua mà nếu mua cũng chẳng có ai để tặng. Lâu quá không đi nên đường đến cổng cũng khá xa. Bà xã hỏi anh có lấy nước chưa vì mỗi lần đi nước ngoài. có người chỉ là phải lấy nước của xứ mình qua bên ấy uống vài ngụm trong ngày đầu đến nước ngoài. Không phải là dị đoan nhưng cũng có lý cũng như trước khi vào phòng của khách sạn mình phải gõ cửa 3 lần trước khi mở vào, nó đã trở thành thói quen rồi.

Chúng tôi đến cổng lên máy bay, chưa đến giờ nhưng đã có rất nhiều người ngồi đợi. Gặp cô Tú Hồng và biết đoàn của mình có 40 người nhưng đến giờ chót có 1 người không đi được vì có chuyện gia đình. Nói là còn 39 người nhưng thật ra chỉ có 33 người đi từ Melbourne. Có 2 thành viên sẽ từ Đài Loan và 4 người khác sẽ từ Mỹ trực tiếp đến Tây An để nhập đoàn. Trong số 33 người ở Melbourne thì gần như là đa phần là đã biết nhau trong mấy lần đi trước, có mấy người ở Springvale cũng quen và nhất là gặp được vợ chồng người bạn mà mấy mươi năm mới gặp lại.

Cũng như mấy lần trước, kỳ này chúng tôi cũng ngồi China Southern Airlines (中国南方航空) thường tiếng Trung gọi là Nam Hàng (南航). Phục vụ của hảng này khá tốt, lần này là loại máy bay Boeing 787-9 Jet, tôi không thích vì cách phân ghế ngồi là 3-3-3, loại cũ thì phân 2-4-2 vì lẽ nên có khi khó bắt được cặp. Thôi kệ dù gì thì mấy tiếng, từ 9 giờ tối Melbourne chúng tôi cũng hạ cánh an toàn ở phi trường Bạch Vân lúc khoảng hơn 5 giờ sáng Quảng Châu.

Phi trường Bạch Vân Quảng Châu

Sáng sớm nên bên trong phi trường cũng vắng lắm, chuyến bay mấy trăm người ào một cái rồi chỉ còn mấy chục người nước ngoài còn loay quay điền mẫu đơn nhập cảnh. Vợ chồng tôi thì lấy đơn trên máy bay còn những người trong đoàn thì chẳng ai điền vì nghĩ là mình chỉ nộp khi đến Tây An nhưng thật ra xuống máy bay vào đất Trung Quốc là phải làm thủ tục nhập cảnh ngay tại Quảng Châu. Chúng tôi điền rồi nên đi trước vào khu nhập cảnh. Lần này cũng phải lấy dấu vân tay cả 10 ngón. Khi gặp bà chị vợ ra, tôi hỏi có bị lấy dấu tay không thì chị nói là không cần. Thì ra chị vẫn còn dùng cái passport cũ còn tụi tôi thì đã đổi passport mới nên phải lấy dấu tay lại.

Bây giờ cả đoàn lại vào khu chuyển tiếp, chị Tú Hồng có hứa là sẽ đãi chúng tôi ăn sáng nên cả đám vào bên trong để tìm quán ăn. Dù biết là thức ăn rất rẻ ở Trung Quốc nhưng bên trong phi trường thì ở đâu trên thế giới này cũng vậy, cũng bị chặt rất đẹp. Ăn xong thì tìm cổng lên máy bay. Lần này tôi tài khôn nên đi trước mà không đợi ai vì xem vé thấy cổng rồi. Đi một hồi không thấy ai đi phía sau, mười mấy phút trôi qua, bà xã sốt ruột nói không lẽ mình đi lộn. Tôi còn khẳng định chắc họ đi từ từ vì còn rất nhiều thời gian nhưng rồi một hồi cũng chằng thấy ai. Tôi và bà xã đi tìm bảng hướng dẫn, đợi đến khi chuyến bay mình nổi lên thì mới biết cái cổng in trên vé không phải là cổng mình lên máy bay. Tôi và bà xã vội vã chạy ngược về phía sau thật mau vì mình đã đi lộn hướng. Khi tìm được cổng thì cô Tú Hồng nói có điện thoại cho tôi mấy lần nhưng không nghe trả lời. Tôi nói trước khi lên máy bay thì tôi đã tắc máy rồi.

Tôi tìm chổ ngồi mở điện thoại thì thấy mấy tin nhắn của cô Tú Hồng, mở qua FB thì thấy được, tôi không biết thế nào cứ nghĩ là mình có chuẩn bị VPN rồi nên chỉ gởi một tin nhắn đã đến Quảng Châu an toàn cho con gái ở Úc rồi tắc máy vì đã đến giờ lên máy bay đến Tây An.

Chuyến bay từ Quảng Châu qua Tây An cũng mất gần 3 tiếng. Khi xuống máy bay là đi tìm chổ nhận hành lý, thủ tục đơn giản chúng tôi ra ngoài thì cảm thấy nóng vì ở đây nhiệt độ hơn 30, tôi phải cởi áo khoát và cả luôn cái áo lạnh. Ra đến bên ngoài thì có cô hướng dẫn ở Tây An đang cầm tấm bảng "K & R Travel" chờ. Cô dẫn chúng tôi ra xe, cả đám phải đi một đoạn đường dài dưới cái nóng gay gắt mới đến chổ xe bus đang chờ. Ai cũng bỏ hành lý cho tài xế sắp xếp rồi chạy lên xe có máy lạnh.

Phi trường Tây An

Xe bus bắt đầu lăn bánh và cô dẫn đoàn cũng tự giới thiệu bằng tiếng Anh, tên cô là Tiểu Mi nhưng hãy gọi cô là May, tiếng Anh của cô rất tốt. Xe vẫn chạy bên trong phi trường Tây An nhưng qua một cổng khác, xe dừng lại, cô Tú Hồng xuống xe chạy vào bên trong mới biết cô đang tìm đón 4 người ở Mỹ và 2 người ở Đài Loan đã qua và chờ ở phi trường. Một hồi cô chạy ra nói là không thấy ai, cô May chạy xuống nói có lẽ họ chờ ở cổng khác nên 2 cô lại chạy vào tìm. Nhân viên trật tự của phi trường không cho xe đậu quá lâu nên tài xế phải chạy một vòng ra ngoài rồi mới tìm đường quay lại. Và rồi cũng ở cổng đó 6 thành viên còn lại lên xe và chúng tôi đã hội đủ 39 người cho hành trình "Tây An & Con đường tơ lụa".

Cô May nói bây giờ sẽ đi ăn trưa, trên xe bắt đầu tự giới thiệu mỗi người mới biết người trẻ nhất cũng là U60 còn lớn tuổi nhất là 83 trong đó hơn nửa đã quá 70. Chúng tôi đến một nhà hàng rất lớn, lên lầu 3 vào phòng riêng có 4 bàn. Bữa cơm đầu tiên và cũng gần như suốt hành trình là bữa cơm nào cũng có hơn 10-12 món ăn, 2 món canh, trái cây, nước ngọt và 2 chai bia. Tôi ăn cay được nên cũng cảm thấy bình thường chứ không như các món ăn của Tứ Xuyên. Sau khi ăn xong là chúng tôi về khách sạn nhận phòng. Khách sạn cũng tương đối tốt, rộng và sạch nhưng cái tốt nhất là ở ngay trên con đường có rất nhiều cừa hàng, trung tâm thương mãi và siêu thị. Chúng tôi sẽ ở đây 2 đêm.

Cô May hẹn chúng tôi phải xuống lobby lúc 3 giờ để đi tham quan Trường Thành Tây An, trên xe cô giới thiệu về thành phố của cô, rất tự hào cô cho biết sự phát triển nhanh chóng và gần như là một thành phố đáng sống ở Trung Quốc vì sinh hoạt phí rẻ dù mức lương không cao như ở Thưương Hải hay Bắc Kinh nhưng gần như những công nhân đều sở hữu được một căn hộ để sinh sống.

Tôi đồng ý với cô vì năm 1990, tôi đã đến Tây An mấy ngày. Lúc đó không có nhiều nhà cao tầng, đường xá bụi bậm. Tôi ở trong khách sạn Peace Hotel, có lẽ là một trong mấy khách sạn lớn nhất thời đó ngay trung tâm và đối diện với lầu chuông, còn lầu trống thì ở con đường bên cạnh. Đứng trên lan can khách sạn nhìn xuống phía sau thì nhà lụp xụp, Nhưng bây giờ xe chạy lòng vòng trong thành phố chỉ thấy những tòa nhà cao tầng, đường xá rộng rãi rợp cây xanh, xe cộ tấp nập...


Xe đã đến Trường thành, chúng tôi leo lên thành trong cái nóng gay gắt của xế trưa, bề ngang của trường thành rất rộng, rộng hơn Vạn lý trường thành nhiều nhưng có lẽ độ dài sẽ kém hơn vì trường thành này chỉ bao trong chu vi một cổ thành ngày trước. Đoạn trường thành ở đây có một ngôi nhà cổ nên mọi người cũng vào tìm bóng mát, người khác tìm cảnh để tạo dáng chụp hình, quay một vài cảnh làm kỷ niệm.

Click để xem video ngày đầu tiên.

Tôi có một thói quen là trước khi đến tham quan nơi nào thì trước đó tôi đã tìm đọc và xem những clip video giới thiệu trước về nơi mình sẽ đến, để mình biết những cái cần xem. Hôm nay đến trường thành thì được xem tận mắt nhưng không đẹp bằng những clip video trên Youtube. Lúc ngồi nghỉ chân, tôi mở điện thoại vào xem FB thì được, Youtube cũng có, livestream cũng được luôn, tôi check lại mấy cái app VPN thì chẳng có cái nào đang mở. Cái điện thoại của mình mở được tất cả và dùng bình thường như đang ở Úc.

Cô May tập họp chúng tôi lại và cùng nhau bước dọc theo trường thành, cô giải thích thật nhiều về lịch sử rồi đến một đoạn có cầu thang đi xuống dẫn chúng tôi đến một khu phố ẩm thực rất lớn dưới chân trường thành. Ồn ào lắm tiếng người, tiếng loa nhạc, tiếng rao,...làm náo nhiệt cả lên. Cô May cho chúng tôi 40 phút tự do đi nhưng phài tập họp ở khu cổng chào Vĩnh Hưng Phòng khi đến giờ. Tôi với bà xã và bà chị đi lòng vòng xem các cửa hàng bán đồ ăn thức uống. Nhiều loại, nhiều kiểu nhưng không dám mua ăn dù rất rẻ vì lúc nào những người dẫn đoàn đều căn dặn là đừng ăn những thứ bán bên ngoài, có lẽ họ cũng sợ trách nhiệm phiền phức.Tôi nhớ những clip video của người Việt mình đi du lịch mua ăn một cách ngon lành mà thèm nhưng chưa dám thử.

Vĩnh Hưng Phòng

Đến giờ chúng tôi tập họp lại đợi xe đến đón. Trong đoàn có một anh bạn chỉ cái bảng hiệu cái quán bên kia đường hỏi tôi có biết chữ gì không. Tôi nhìn qua thì may quá tôi có tìm hiểu trước nên biết đó là chữ Biang Biang, tên của một loại mì đặc sản ở đây. Cô May thấy chúng tôi chỉ trỏ cái bảng hiệu, cô liền giới thiệu về loại mì này và nói có khách sạn chúng tôi ở ăn sáng có loại mì này nhưng chiều nay lúc ăn tối, cô cũng đã đặt trước cho chúng tôi ăn thử món mà cô nói cô có thể ăn mỗi ngày không bao giờ ngán.

(Ảnh minh họa cho thấy 3 chữ mì Biang Biang)

Vậy là đến nhà hàng ăn tối. Tối nay vào VIP room, mỗi phòng một bàn và như cô May nói sẽ có thêm 2 tô mì biang biang. Nói thiệt tôi không thích vì mì trộn với nước sốt cay cay mặn mặn, không có thịt thà vì cả nhưng có mấy người trong đoàn lại thích và kêu thêm. Ăn xong chúng tôi được chờ đến một cảnh điểm nổi tiếng nhất của Tây An hiện nay là "Đại Đường Bất Dạ Thành" mà người Việt mình gọi là con đường không ngủ.

Xe đến nơi, đậu lại để chúng tôi xuống rồi chạy đi vì. Xuống xe trời tối rồi nhưng đèn hoa rực rỡ và người là người quá đông, chúng tôi vào một quảng trường ở đây như lạc vào khu cổ trang của các mỹ nữ đời Đường, đời Hán. Cách phân biệt là áo đời Đường thỉ hở một chút ngực. Nếu ai có xem phim "Hoàng Kim Các" thì biết, còn áo đời Hán thì kín mít, có khăn trùm trên đầu nhưng ở đây đa phần đều cởi mở tí vì thời tiết mùa này rất nóng. Quay được một lúc thì tôi bật máu mũi. Cũng nên nói là lỗ mũi tôi rất nhạy cảm với thời tiết lạ, cứ mỗi lần ra nước ngoài, hôm đầu tiên là nhất định bật máu mũi, biết vậy nên cả ngày nay tôi không dám hỉ mũi dù mũi rất khô và ngứa, cho tới bây giờ thì không hỉ nó vẫn chảy ra. Ai nấy cũng cười nói là tôi thấy quá nhiều người đẹp xung quanh nên mới bật máu mũi. Tôi cũng ráng cười đáp trả là bây giờ thấy người đẹp bật máu mũi là chuyện có thật đó.


Máu rồi cũng cầm, chúng tôi thả bộ dài theo con đường rồi băng qua lộ để đến gần ngắm tháp Đại Nhạn, nơi nhà sư Huyền Trang dịch kinh thư khi thỉnh từ Thiên Trúc về. Người đông quá muốn đi thêm cũng không nổi nhưng các bạn xem video clip thì vẫn đẹp và huy hoàng hơn. Hiện trường có đẹp nhưng cái nóng, cái ồn ào cũng làm cho mình mệt.


Trong lúc đợi xe đến tôi đưa cô May 20 tệ hỏi cô có thể bỏ vào Alipay của tôi xem có được không vì tôi có cài Alipay sẵn bên Úc rồi nhưng không thể nhập tiền vì không có trương mục ngân hàng Trung Quốc và tôi lại không muốn mua Tourcard. Cô nói được chứ rồi cô kêu tôi mở QR code, cô scan và nhập tiền, bên máy tôi Alipay báo đã nhận được số tiền rồi. Mừng quá tôi nói muốn đổi tiền và chuyển hết vào Alipay. Cô May nói "no problem".

Trên đường về khách sạn xe chạy qua tất cả các con đường đều đèn hoa rực rỡ, các tòa nhà đều có đèn màu lấp lánh rất đẹp. Đến khách sạn chúng tôi rất vui vì cả con đường hàng quán, trung tâm thương mại đều còn mở. Chúng tôi không lên phòng mà đi tìm mua trái cây. Trung tâm thương mại phải nói là quá lớn, siêu thị thì không thua Costco, cái gì cũng có. Khu trái cây thì gần như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, thanh long ruột đỏ, đào, táo,... mà giá thì rất rẻ. Tôi tìm mua xoài rừng trái nhỏ, hột mõng, rất ngọt và thơm, mua măng cục, đào và nhất định là mấy lon bia Tsingtao.

Tắm rữa xong tôi bật cái laptop, kết nối wifi của khách sạn, rồi mở VPN nhưng không vào được FB hay Youtube, tôi bật điện thoại rồi kết nối wifi của khách sạn rồi mở VPN cũng không vào được. Tôi restart cái điện thoại, tắt wifi, mở FB rồi Youtube thì thấy đều được, mở hotspot rồi nối vào laptop thì tất cả các mạng đều hoạt động bình thường và nhanh như ở Úc. Bây giờ biết rồi, hồi nào tới giờ cứ hà tiện dùng wifi công cộng hay mua sim card Trung Quốc nên phải chịu sự hạn chế và theo luật của Trung Quốc, còn dùng mạng mobile network của Úc sẽ trực tiếp qua data roaming nên không bị ảnh hưởng hay hạn chế của mạng Trung Quốc, cũng chẳng cần VPN để vượt tường lửa một cách không hợp pháp.

Tôi lấy bia ra uống, lên mạng xem chút tài liệu, post vài bài, copy ảnh và clip video vào mày tính và vào cả cái usb rồi đi ngủ chuẩn bị cho hành trình ngày mai.

(Còn tiếp)

LKH