Chim cú muỗi tai dài (Hình tổng hợp)
Vào ban ngày, chúng như những bậc thầy ngụy trang bắt chước màu sắc của môi trường xung quanh, chúng gần như tàng hình. Chúng có thể ngụy trang giống một khúc gỗ hay một cành cây gãy. Các hoa văn loang lổ trên lông của chim cú muỗi mào, với sự kết hợp nhiều sắc độ của màu nâu, màu xám giúp chúng tự do phá cách hình dáng của mình, tạo nên một lớp ngụy trang hoàn hảo hòa vào thiên nhiên.
Chim cú muỗi mào đậu trên cành cây. (Nigel Voaden/CC BY-SA 2.0 DEED)
Loài chim này có cái đầu phẳng khá đặc biệt, chúng thường cụp xuống để ngụy trang giống như một cái cành khô khi chúng đậu trên cây, hoặc hòa mình với đống lá khô rụng trong rừng khi chúng làm tổ trên mặt đất.
Chim cú muỗi mào khi làm tổ dưới đất, chúng ngụy trang giống một đống lá khô rơi trong rừng. (Shutterstock)
Điểm nổi bật nhất của loài chim này là chùm lông tai dài giống như tai của linh miêu, đặc điểm này cũng chính là nguồn gốc của cái tên khoa học của chúng: Lyncornis macrotis, có nghĩa là "chim linh miêu tai dài".
(Ảnh: @fly_with_jenisha)
Khi nói về tên gọi, chúng còn được gọi là chim cú muỗi vì tiếng kêu "chói tai" vào ban đêm, làm phiền giấc ngủ của người nghe và thậm chí có thể khiến họ gặp ác mộng. Tiếng kêu của cú muỗi mào là một tiếng "tsiik" sắc nét đặc biệt, tiếp theo là một khoảng lặng và một tiếng "ba-baaww" gồm hai âm tiết, được mô tả là có vẻ mê hoặc. Các loài cú muỗi khác thì không kêu được tiếng hay như vậy. Một số loài thậm chí còn được biết đến với những tiếng kêu rít ghê rợn hoặc nghe giống như tiếng mụ phù thuỷ già cười man rợn trong đêm.
Chim cú muỗi là một họ chim phong phú (gọi là Caprimulgidae, thuộc bộ Caprimulgiformes) với khoảng 100 loài. Chúng phân bố khắp mọi châu lục ngoại trừ Nam Cực, tuy nhiên loài chim cú muỗi mào này sống chủ yếu ở Tây Nam Ấn Độ và một số vùng Đông Nam Á.
Là loài lớn nhất trong họ, chim cú muỗi mào có đôi cánh tương đối rộng so với kích thước cơ thể, chân ngắn và mỏ rộng dễ dàng tóm gọn côn trùng khi đang bay (chúng là những vận động viên nhào lộn thực thụ!). Chiều dài của chúng khoảng 30 cm. Là những kẻ săn mồi về đêm, võng mạc của chúng có các tế bào hình kim có thể tiếp nhận vật có ánh sáng yếu, vì thế, ngay cả trong đêm tối, loài chim này vẫn có khả năng nhìn rất nhạy bén.
Trong mùa sinh sản, chim mái sẽ đẻ một trứng duy nhất trong tổ được xây trên nền đất. Cả chim bố và chim mẹ sẽ thay phiên nhau ấp trứng. Sau khi chim non nở, chúng sẽ cùng nhau nuôi con cho đến khi chim non có đủ khả năng tự kiếm ăn.
(Naba Choudhury/Shutterstock)
Liên quan đến tên gọi, chim cú muỗi mào còn có những biệt danh khác nhưng không mấy hay ho. Một số lời kể lâu nhất đến tận ngày nay là do các nhà khoa học thời xưa như Aristotle, Pliny và một số người khác đã truyền miệng một truyền thuyết. Người xưa tin rằng chim cú muỗi mào sẽ bám vào vú của những con dê, hút sữa đến khi chúng khô và thậm chí làm mù mắt chúng, vì vậy loài chim cú này còn có tên là "kẻ hút sữa dê".
Các nhà khoa học hiện nay cho rằng lời kể này là điều vô lý, nhưng họ vẫn phân tích về sự tương đồng: Chiếc mỏ rộng và to của loài chim này có vẻ như vừa vặn hoàn hảo với vú của dê, và có lẽ chim cú muỗi mào đêm bị thu hút bởi những loài côn trùng thường bám quanh gia súc vào thời đó. Các nhà khoa học thời nay cho rằng chúng không hút gì trực tiếp từ lưng, bụng, vú hoặc bất kỳ bộ phận nào khác của động vật. Có thể chúng bị phát hiện khi đang bắt những côn trùng trên móng guốc đầy ruồi của con dê.
(Ảnh: @fly_with_jenisha)
Ông Adrian Burton viết trong một bài báo cho Tạp chí hệ sinh thái và môi trường rằng: "Tôi đã từng nhìn thấy rất nhiều chim cú muỗi mào đêm ở Châu Phi, cùng với một vài con ở Tây Ban Nha, nhưng chưa bao giờ thấy chúng có hành vi như các loài ký sinh chuyên hút máu hay sữa từ gia súc vào ban đêm!" .
Về việc này chúng ta có thể không bao giờ biết chắc chắn. Nhưng ắt hẳn các nhà văn và nhà khoa học này đều đã từng nghe những lời kể huyền bí này với một thái độ hoài nghi!
Theo Michael Wing- The Epoch Times
Khả Vy biên dịch / Theo: ntdvn