Binh lính và thủy thủ từ nhiều quốc gia xếp hàng trước Tòa nhà Tổng hành dinh quân Đồng minh. Hoa Kỳ được đại diện. Tháng 9 năm 1918.
Quân Mỹ từng thảm bại trên đất Nga như thế nào?
Ngày nay, có lẽ không còn nhiều người Nga biết đến lần duy nhất Mỹ đưa hàng ngàn binh sĩ đến tham chiến trên đất Nga.
Trả lời phỏng vấn trên tờ La Times những năm 1980, người đàn ông tên Fyodor Kobuishev nhớ về những ngày tháng ban đầu Mỹ muốn can thiệp vào tình hình nội bộ ở Nga.
"Lính Mỹ rất thích Vodka", ông Kobuishev nói. "Họ thường uống cho đến khi say mèm".
Đó là vào mùa hè năm 1918. Một năm sau khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, chính quyền Bolshevik mới được thành lập. Hồng quân Liên Xô thuở ban đầu vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ của phong trào Bạch Vệ.
Phong trào này bao gồm những người theo trường phái bảo thủ, muốn khôi phục Sa Hoàng và Đế quốc Nga. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm kéo theo cuộc nội chiến bùng nổ không lâu sau đó.
Theo War History Online, lo sợ ảnh hưởng của Nga lan rộng khắp châu Âu, phe Hiệp ước với 4 nước chủ yếu là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật quyết định hỗ trợ phong trào Bạch Vệ.
Thế chiến 1 khi đó đang dần đi đến hồi kết nên các nước đồng minh có thêm nguồn lực để tập trung giải quyết mâu thuẫn với Nga.
Quân đội Mỹ ở Vladivostok, tháng 8 năm 1918.
Tháng 8/1918, một trung đoàn bộ binh Anh đổ bộ lên Arkhangelsk ở phía bắc nước Nga, chiếm thành phố này, làm bàn đạp để mở rộng các chiến dịch quân sự.
Mỹ cũng đưa khoảng 10.000 lính thuộc "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" đến đóng quân tại Murmansk, Arkhangelsk và Vladivostok.
Mục tiêu của "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" Mỹ là hội quân với quân đoàn Tiệp Khắc 40.000 người đang kiểm soát tuyến đường sắt xuyên Siberia. Trong khi đó, hai trung đoàn Mỹ đóng quân thường trực ở Vladivostok.
Andrei I. Krushanov, một học giả người Nga nói Mỹ đã đem đến đây 800.000 khẩu súng và các vũ khí khác, cùng hàng triệu quân trang cho lực lượng phiến quân chống chính quyền Bolshevik.
Nhắc đến nhiệm vụ tham chiến ở Nga, Thiếu tướng William S. Graves, chỉ huy lực lượng viễn chinh Mỹ từng nói: "Tôi phải thừa nhận là mình không hiểu giới lãnh đạo Mỹ mong muốn điều gì khi can thiệp quân sự vào Nga".
Tướng Graves ám chỉ chiến dịch quân sự ở Nga do Tổng thống Mỹ khi đó là Woodrow Wilson phát động.
Tại mặt trận phía bắc, đợt tiến công vào mùa thu của liên quân Anh-Mỹ trước Hồng quân ở Siberia khởi đầu với những chiến thắng vang đội. Cuộc chiến diễn ra trên hai mặt trận dọc sông Dvina và đường sắt Vologda khiến Hồng quân bị đẩy lùi.
Không chịu nổi giá lạnh, Mỹ đã rút quân khỏi Nga vào năm 1920.
Nhưng đội quân của chính quyền Bolshevik nhanh chóng củng cố lực lượng, chuyển sang chiến thuật đánh du kích, khiến quân Mỹ khó giữ vững được chiến tuyến.
Địa hình đồng bằng rộng lớn của Nga khác xa với chiến tranh chiến hào mà quân đồng minh vốn quen thuộc ở châu Âu.
Mùa đông khắc nghiệt đến cũng là lúc mà liên quân Mỹ-Anh bị đẩy vào thế phòng thủ, trong khi gần như không thể kết nối được với quân đoàn Tiệp Khắc.
Trong khi đó, Hồng quân tiếp tục phát động tiến công trong những tháng đầu mùa đông ở mặt trận sông Dvina, buộc liên quân Mỹ-Anh phải rút lui, củng cố lại lực lượng.
Vào thời điểm đó, tin tức về Thế chiến 1 kết thúc, Đức đầu hàng đồng minh lan rộng khiến các binh sĩ thuộc "Đội viễn chinh Gấu Bắc Cực" Mỹ cảm thấy nhớ nhà.
Trước tình trạng thương vong ngày càng lớn, tâm lý nổi loạn trong lực lượng viễn chinh bắt đầu diễn ra khi binh sĩ yêu cầu được trở về Mỹ. Cảng Arkhangelsk bị đóng băng trong những tháng mùa đông đầu năm 1919, khiến hầu hết lính Mỹ thuộc rơi vào cảnh tuyệt vọng.
Tháng 5/1919, Anh triển khai 4.000 quân tình nguyện giải nguy cho quân Mỹ ở Arkhangelsk. Lực lượng Mỹ được sơ tán cùng hầu hết quân đồng minh đồn trú ở miền bắc nước Nga. Binh sĩ Mỹ đóng quân tại Vladivostok và Murmansk cũng rời đi sau đó một năm.
Tượng đài Gấu Bắc Cực tại Nghĩa trang White Chapel, Troy, Michigan, của nhà điêu khắc Leon Hermant. Bolandera – CC BY-SA 3.0
Bản báo cáo tháng 10/1919 ghi nhận 210 lính Mỹ thương vong, bao gồm 110 người chết, 30 người mất tích và những người khác chết vì bệnh tật trong cuộc đối đầu duy nhất với Hồng quân Liên Xô ở vùng Sibera lạnh giá.
Đăng Nguyễn / Theo: Dân Việt
Link tham khảo: