Đời người ai cũng có những lúc khó khăn, có những lúc cảm thấy lạc lối. Trong kiếp nhân sinh này, không thiếu lần ta nhìn lên vầng trăng kia mà tự hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Giữa những phù du ảo mộng, giữa xã hội phồn hoa, làm sao để có được ngọn đèn trong tâm giữa đêm tối cuộc đời muôn vàn sóng gió, để mang tới sự ấm áp và niềm hy vọng cho chính bản thân và cho những người quanh mình?
Chuyện kể rằng tại một đất nước chiến tranh liên miên, cảnh đói nghèo xảy ra khắp chốn, có một ngôi chùa nhỏ, nơi một nhà sư cư ngụ. Một đêm nọ, nhà sư chợt phát hiện ra có người ăn trộm đang tìm lục đồ.
Nhà sư nghĩ bụng: “Chùa giờ chẳng có thứ gì quý giá, anh ta rồi sẽ chẳng tìm được gì đâu”. Nghĩ rồi ông nép vào một bên, không muốn làm kinh động đến người ăn trộm.
Rồi nhà sư chợt nghĩ: “Trời lạnh, anh ta mặc chẳng đủ ấm. Chiếc áo trên người đã gắn bó với mình rất lâu, cũng có thể kể là vật quý giá với người ta. Vậy thì tặng chiếc áo này cho họ”.
Ông cởi chiếc áo ra và nép vào cạnh cửa chờ đợi. Khi kẻ trộm đi ra, nhà sư nhẹ nhàng nói: “Xin thí chủ hãy nhận chiếc áo này”. Nói rồi ông cẩn thận đưa chiếc áo về phía người ăn trộm.
Kẻ trộm giật mình sững lại, nhưng khi thấy nhà sư không nói gì cả, chợt giật phăng chiếc áo rồi chạy về phía khu rừng.
Nhà sư nhìn theo người nọ, bóng anh ta dần khuất trong màn đêm. Ông nghĩ: “Giá như ta có thể tặng thí chủ một vầng trăng để soi sáng con đường đi”.
Thời gian trôi qua, một ngày nọ, khi nhà sư tỉnh dậy vào buổi tối, ông chợt thấy chiếc áo của mình được xếp ngay ngắn ở trước hiên nhà cùng với một bức thư tạ lỗi và cảm ơn. Ông nhìn lên bầu trời và thầm nhủ: “Ta đã tặng được cho thí chủ một vầng trăng rồi”.
Một con sông lớn bắt nguồn từ những con thác nhỏ, những hành động tưởng chừng vô nghĩa lại nhóm lên ngọn lửa ấm áp trong đêm đông. Biết nghĩ cho người khác và có tấm lòng bao dung, thì không cần lời nói cũng có thể khiến người ta cảm động sâu sắc. Hãy rộng lòng và bạn sẽ hiểu được niềm vui của sự cho đi không cầu được mất, bởi vì được mất của kiếp người rồi cũng chỉ là hư không.
Con người đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi nơi đây cũng với hai bàn tay trắng. Cát bụi lại trở về với cát bụi. Cuộc đời tất nhiên không chỉ có đêm tối, nhưng nhân sinh vô định, thời gian như nước, vạn vật biến chuyển, được mất vô thường, phúc họa đan xen – Ấy chính là kiếp người.
Con người sống trên thế gian có quá nhiều nỗi khổ. Có những chuyện người ta cứ mong muốn ôm giữ mãi mà không thể nào thoát ra. Nhưng giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì cát rơi càng nhanh, không thể nào tránh được. Nguồn gốc của những phiền não trong lòng người, phần lớn đều là do không minh bạch được rằng thế gian có những chuyện chẳng thể bền lâu.
Năm xưa Lý Bạch từng cảm khái:
Sinh giả vi quá khách,
Tử giả vi quy nhân.
Thiên địa nhất nghịch lữ,
Đồng bi vạn cổ trần.
Nghĩa là:
Sống là khách qua đường,
Chết tựa về cố hương.
Trời đất này khác chi quán trọ,
Người ở trong cõi trần ai đó mà bi thương [không biết chốn về].
Sinh mệnh bi thương nhất là không biết chốn về. Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.
Con người từ khi sinh ra vẫn luôn vô ý hay hữu ý không ngừng tự hỏi: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”. Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất. Nhân sinh suy cho cùng, chính là để trả lời những câu hỏi ấy.
Thanh Phong / Theo: trithucvn