VỌNG LƯ SƠN BỘC BỐ - LÝ BẠCH
Nhật chiếu hương lô sinh tử yên,
Dao khan bộc bố quải tiền xuyên.
Phi lưu trực há tam thiên xích,
Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên.
望廬山瀑布 - 李白
日照香爐生紫煙
遙看瀑布掛前川
飛流直下三千尺
疑是銀河落九天
Xem dòng thác ở núi Lư
(Người dịch: Tương Như)
Nắng rọi Hương Lô khói tía bay,
Xa trông dòng thác trước sông này:
Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước,
Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Lý Bạch 李白 (701-762) tự Thái Bạch 太白, hiệu Thanh Liên cư sĩ 青蓮居士, sinh ở Tứ Xuyên (làng Thanh Liên, huyện Chương Minh, nay là huyện Miện Dương). Quê ông ở Cam Túc (huyện Thiên Thuỷ - tức Lũng Tây ngày xưa). Lý Bạch xuất thân trong một gia đình thương nhân giàu có. Lúc nhỏ học đạo, múa kiếm, học ca múa, lớn lên thích giang hồ ngao du sơn thuỷ, 25 tuổi “chống kiếm viễn du”, đến núi Nga My ngắm trăng, ngâm thơ rồi xuôi Trường Giang qua hồ Động Đình, lên Sơn Tây, Sơn Đông cùng năm người bạn lên núi Thái Sơn “ẩm tửu hàm ca” (uống rượu ca hát), người đời gọi là Trúc khê lục dật. Sau đó được người bạn tiến cử với Đường Minh Hoàng, ông về kinh đô Trường An ba năm, nhưng nhà vua chỉ dùng ông như một “văn nhân ngự dụng” nên bất mãn, bỏ đi ngao du sơn thuỷ.
Đến Lạc Dương, gặp Đỗ Phủ kết làm bạn vong niên (Đỗ Phủ kém Lý Bạch 11 tuổi). Họ cùng Cao Thích vui chơi, thưởng trăng ngắm hoa, san bắn được nửa năm. Rồi ông lại tiếp tục chia tay Đỗ Phủ viễn du về phương nam. Những năm cuối đời ông ẩn cư ở Lư Sơn. Tương truyền năm 61 tuổi ông đi chơi thuyền trên sông Thái Thạch, tỉnh An Huy, uống say, thấy trăng lung linh đáy nước, nhảy xuống ôm trăng mà chết. Nay còn Tróc nguyệt đài (Đài bắt trăng) ở huyện Đăng Đồ, An Huy, là địa điểm du lịch nổi tiếng. Người đời phong danh hiệu cho ông là Thi tiên, Trích tiên, Tửu trung tiên,...
Sau khi ông qua đời, Lý Đăng Dương sưu tầm thơ ông. Theo đó thì ông làm khoảng 20.000 bài, nhưng ông không để tâm cất giữ nên nay chỉ còn khoảng 1.800 bài. Thơ ông viết về mọi đủ mọi đề tài: vịnh cảnh, thưởng hoa, tình bạn, nỗi khổ đau của người dân, nỗi cay đắng của người vợ trẻ xa chồng (chinh phụ, thương phụ), của người cung nữ, nỗi cô đơn và bất lực trước vũ trụ vô cùng vô tận, nỗi cay đắng vì có tài mà không được dùng... Đề tài nào cũng có những bài tuyệt tác.
Nguồn: Thi Viện