Friday, July 5, 2024

MÀU CỦA LINH HỒN

Vô tình xem được một buổi trò chuyện của thầy Thích Pháp Hòa về linh hồn trong tôn giáo, chợt nhớ lại câu chuyện linh hồn từng một thời được hợp pháp hóa trong truyền thông nhà nước vô thần. Đã có lúc trên báo chí, có người đưa lên chuyện nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng nói chuyện được với hồn ma, và đã từng giúp tìm được hàng ngàn hài cốt. Người thì e sợ, người thì kính phục. Nhưng trên nhiều trang mạng ngày nay khi nhắc lại về chuyện bà Hằng, không ít người đã cười nghiêng ngã.

Một ngõ vào nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi xưa ở Sài Gòn (Ảnh: MH)

Mọi thứ ngỡ là quá khứ xa lắm, phút chốc dội về với bao nhiêu thứ.

Chuyện một phụ nữ tuyên bố mình có khả năng nhìn thấy một cõi khác, có thể can thiệp và cứu giúp sự tồn tại trong hai thế giới cùng lúc, có thể là chuyện thú vị trà nước, nhưng ngay cả với nhận thức của một Phật tử chân chính, cũng có thể nhìn thấy đó là một sự thao túng tiến trình sống thực tế của con người. Nó không khác gì việc các nhà triết học viễn mơ đưa ra lý thuyết đi về một xã hội cộng sản ở một cảnh giới nào đó, xa lắm nhưng lại thao túng con người ở xã hội đương thời với từng ngày, từng giờ, hành xác buộc phải đi đến.

Bà Hằng từng là nhân vật showbiz hạng nhất của xã hội Việt Nam từ giai đoạn 2009 đến 2013, đỉnh cao là những chương trình truyền hình theo chân bà, gọi là tìm hài cốt liệt sĩ.

Hàng triệu người đã khóc cười, ngã nghiêng theo các điều được ca ngợi là kỳ diệu của bà, cho đến khi show truyền hình của đài VTV, có tên “Trở về từ ký ức” bất ngờ nói ngược lại mọi thứ, nói toẹt tất cả là một trò lường gạt của bà Hằng. Thậm chí các mẫu xương cốt tìm được và đưa lên bàn thờ cúng vái, có sự xác nhận của Viện Pháp y Quân đội là toàn xương chó, mèo, heo.

"Nhà ngoại cảm" niệm Phật cầu gia bị  chùa Hoằng Pháp

Có vẻ như show truyền hình ấy đã theo chỉ đạo, kết thúc giai đoạn tôn vinh và sử dụng bà Hằng vì lý do nào đó, đặc biệt vào thời điểm có tin các nhóm sinh hoạt thờ ông Hồ Chí Minh có ước muốn bà trò chuyện với ông ở cõi âm. Và dù là bị tố là lừa gạt, và xúc phạm đến hài cốt bậc tiền bối cộng sản như Phùng Chí Kiên, lại không thấy bà bị khởi tố, thậm chí bà cũng chẳng đưa ra lời giải thích nào.

Một lần được phỏng vấn trên báo nhà nước vào năm 2010, bà Hằng khi được hỏi là ngoài việc thấy các linh hồn liệt sĩ, bà còn thấy gì khác không; bà nói là thấy mọi thứ, kể cả thấy nhiều linh hồn lính Ngụy chết, sợ sệt và mặc cảm vì mình là kẻ “có tội”. Vào năm tháng đọc được phần trả lời ấy, tôi nhớ rõ mình bật cười khan, vứt tờ báo sang một bên, từ chối nghe thêm những lời vẽ chuyện của bà ta, vốn tỏa sáng từ các câu chuyện huyền diệu được xưng tụng.

Trong bài “Chuyện chưa kể về nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng”, xuất hiện ở nhiều báo nhà nước, thật tình có đoạn nghe mà buồn nôn. Bà Hằng kể là khi đi tìm mộ liệt sĩ ở công viên Lê Thị Riêng, Sài Gòn, bà thấy một linh hồn lính Ngụy muốn nhờ bà nhắn giùm với gia đình, nhưng không dám vì luôn e sợ các liệt sĩ bộ đội chôn ở gần đó.

 Quang cảnh buổi giao lưu của "Nhà ngoại cảm" ở chùa Hoằng Pháp.

Trong một đoạn khác mô tả đi tìm mộ ở Bình Định, bà Hằng dành hẳn một đoạn kể là bọn Mỹ Ngụy ngày xưa ác lắm, mổ bụng moi gan một người trong làng và đóng đinh treo lên cây. Và còn mô tả là bà nhân đức nên thắp hương cho lính Ngụy nhưng “người trong làng xô ra không cho thắp”.

Lời mô tả rập khuôn sách giáo khoa dạy căm thù. Thậm chí mô tả là dân làng nhắc đến Mỹ Ngụy là giận đến mức muốn lấy đá, búa… dần xương cốt được tìm thấy, may mà bà can ngăn.

Cuối cùng, linh hồn một anh lính Ngụy dắt bà đến chỉ chỗ một hài cốt bộ đội, và trong bài ghi chép ấy kể như sau: Hằng bảo với dân làng: “Vậy là anh ta đã lấy công chuộc tội rồi, mọi người không nên căm thù nữa nhé!”.

Trong cảnh giới tâm linh của bà Hằng, rõ ràng linh hồn có màu: Màu cách mạng, màu Mỹ Ngụy và màu nhân ái cao cả của tinh thần chủ nghĩa cộng sản. Sự thù hận và phi nghĩa hiện lên trong thế giới của những người quá cố, nghe như loại thầy pháp tự bịa bùa phép đeo cho mình.

"Nhà ngoại cảm" cùng "chư Tôn đức".

Có thể bà Hằng rất giỏi chuyện tâm linh, có thể bà nhìn thấy được cõi âm, nhưng khả năng ấy cúc cung phục vụ cho định kiến, cho chính trị, nên mọi thứ của bà đọng lại, cũng chỉ là một loại tà quyền, hay tệ hơn, là nô dịch của tà quyền. Có thể nhờ những công lao tạo dựng rõ cảnh trí “địch-ta” đó ở khung cảnh đại vĩ tuyến, mà bà Hằng bình an vô sự không bị xét tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”, thậm chí hôm nay vẫn nhận lời đi tìm hài cốt và diễn thuyết tự tin ở chùa Hoằng Pháp.

Một ngày của tháng 4, gợi nhớ giờ phút kết thúc một cuộc chiến nhưng không phải là thôi những cái chết oan khiên trên đất nước Việt Nam. Rồi nhớ đến chuyện của nhà ngoại cảm rẻ tiền Phan Thị Bích Hằng, nên tự hỏi, có bao giờ bà lắng nghe những linh hồn thanh niên miền Bắc chết vô danh trên những chiếc võng ở dãy núi Trường Sơn, chết ngậm ngùi ở đồi Charlie, hay bà có nghe thấy lời của cô gái Đặng Thùy Trâm, chết mang theo một giấc mơ hòa bình thiếu nữ, vùi thân trong một cuộc chiến tranh khốc liệt mà không thể hiểu được, phía sau tiếng súng cuối cùng ấy, là gì?

Tuấn Khanh / Theo: saigonnhonews

TRƯỜNG AN VÃN THU - TRIỆU HỖ


Trường An vãn thu - Triệu Hỗ

Vân vật thê lương phất thự lưu
Hán gia cung khuyết động cao thu
Tàn tinh kỷ điểm nhạn hoành tái
Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu
Tử diễm bán khai ly cúc tĩnh
Hồng y lạc tận chử liên sầu
Lư ngư chính mỹ bất quy khứ
Không đới nam quan học Sở tù.


長安晚秋 - 趙嘏

雲物淒涼拂署流
漢家宮闕動高秋
殘星幾點雁橫塞
長笛一聲人倚樓
紫艷半開籬菊靜
紅衣落盡渚蓮愁
鱸魚正美不歸去
空戴南冠學楚囚


Ngắm cảnh thu ở Trường An 
(Dịch thơ: Trần Trọng San)

Mây phất phơ trôi lướt sáng vào
Chập chờn cung Hán cõi thu cao
Vài ngôi sao nhạt nhạn qua ải
Một tiếng sáo vang người tựa lầu
Sắc tím hé tươi rào cúc lặng
Áo hồng trút hết bến sen sầu
Cá lư ngon vị về không được
Chỉ học ai kia đội mũ tù


Chú thích: Bài thơ này còn có tựa là Trường An thu vọng 長安秋望.

Sơ lược tiểu sử tác giả:

Triệu Hỗ 趙嘏 (810-856) tự Thừa Hựu 承祐, sinh quán ở huyện Sơn Dương, thuộc Sơn Ðông ngày nay. Tên ông cũng có khi đọc là Giả. Ngay khi còn bé, ông đã tỏ ra có biệt tài, từng làm khách Nguyên Chẩn lúc bấy giờ đang là Quan sát sứ tỉnh Chiết Ðông, rồi làm Tòng sự cho bạn của Ðỗ Mục là Thẩm Truyền Sư. Ðược Thẩm Truyền Sư mến mộ tài năng, năm mới 17 tuổi ông đã được cử làm Hương cống lên cư ngụ Trường An. Ở đây ông kết du rộng rãi với các văn nhân đương thời, thường chỉ suốt ngày “nghêu ngao vui thú yên hà.” Ông quen biết và đã từng thề thốt nặng lời với một ca kỹ, nhưng nàng này lại bị Tiết độ sứ của Chiết Tây cưỡng ép bắt đem về làm thiếp.

Vì thấy mình không thể đòi lại người ngọc nếu chẳng có công danh, Triệu quyết chí đi thi. Năm 32 tuổi, ông đậu tiến sĩ dưới triều Ðường Vũ Tông. Vừa mới biết mình đậu, mặc dù chưa có chức phận gì lớn lao, ông đã gởi ngay một bài tứ tuyệt "Toạ thượng hiến Nguyên tướng công" cho viên Tiết độ sứ kia. Viên Tiết độ sứ kia chẳng biết vì thẹn hay vì sợ, vội trả ngay người ngọc về cho Triệu. Hai người gặp nhau ngay trên đường Triệu vinh quy, người con gái khóc lóc thảm thiết rồi chết. Triệu mai táng nàng ngay chỗ họ gặp lại nhau.

Sau khi đậu tiến sĩ, Ðường Vũ Tông có ngày hỏi đến thơ của Triệu. Ông dâng lên vài bài trong đó có bài "Ðề Tần hoàng". Nhà vua đọc tới hai câu "Đồ tri lục quốc tuỳ cân phủ, Mạc hữu quần nho định thị phi" nghĩ rằng Triệu luận cổ suy kim nên tỏ ý không ưa thích. Có lẽ vì lý do này mà đường công danh của Triệu rất lận đận, mãi đến năm 42 tuổi, tức là 10 năm sau khi thi đậu, mới được bổ làm một chức quan nhỏ ở Vị Nam. Ông mất không lâu sau đó.
Thơ Triệu phần lớn có nội dung nhớ nhung quê hương, buồn bã đường công danh, hoặc để thù tiếp với bạn bè. Ðỗ Mục đọc bài "Trường An thu vọng" của ông rất thích hai câu "Tàn tinh kỷ điểm nhạn hoành tái, Trường địch nhất thanh nhân ỷ lâu" cứ ngâm nga mãi và gọi luôn Triệu là Triệu Ỷ Lâu.

Nguồn: Thi Viện

VÌ SAO MỸ NÉM QUẢ BOM NGUYÊN TỬ THỨ HAI SAU KHI HỦY DIỆT HIROSHIMA?

Lý do công khai là nhằm nhanh chóng chấm dứt chiến tranh với Nhật Bản, kết thúc cuộc Đại chiến thế giới thứ 2. Nhưng đằng sau đó có thể là một động cơ khác.

Kể từ khi người Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki, Nhật Bản ngày 9/8/1945, một câu hỏi vẫn luôn tồn tại: Liệu quy mô chết chóc và sự hủy diệt đó có thực sự cần để kết thúc Thế chiến thứ II? (Nguồn: baotintuc.vn).

Giới lãnh đạo Mỹ rõ ràng đã nghĩ là có. Chỉ 16 tiếng sau khi chiếc máy bay ném bom B-29 của Mỹ mang biệt danh “Enola Gay” gây chấn động thế giới với việc thả quả bom A đầu tiên có tên “Little Boy” (Cậu bé) xuống thành phố Hiroshima, Nhà Trắng đã phát đi tuyên bố từ Tổng thống Harry S. Truman.

Một cuộc tấn công bom nguyên tử thứ hai đã sẵn sàng. Theo một sắc lệnh được soạn thảo vào cuối tháng 7/1945, Tổng thống đã cho phép thả thêm bom xuống các thành phố Kokura, Niigata và Nagasaki ngay khi điều kiện thời tiết cho phép. (Nguồn: baotintuc.vn)

Sáng sớm ngày 9/8/1945, chiếc B-29 “Bockscar” cất cánh từ đảo Tinian ở Tây Thái Bình Đương, chở theo quả bom hạt nhân gốc plutoni nặng 454 kg, biệt danh “Gã béo”, hướng về phía Kokura, nơi đặt kho vũ khí lớn của Nhật Bản. “Gã béo” nổ tung vào lúc 11h02 theo giờ địa phương, ở độ cao 500 mét.

Quả bom này gây ra số người tử vong bằng khoảng một nửa so với quả bom “Cậu bé”, gốc urani, thả xuống Hiroshima trước đó 3 ngày. Mặc dù vậy, sức hủy diệt của quả bom vẫn rất khủng khiếp: gần 40.000 người thiệt mạng lập tức và 1/3 thành phố Nagasaki bị phá hủy. (Nguồn: violet.vn).

“Màn phô trương sức mạnh bom nguyên tử thứ hai khiến Tokyo hoảng loạn, ngay sáng hôm sau đã có những dấu hiệu cho thấy Đế quốc Nhật Bản sẵn sàng đầu hàng”, Tổng thống Mỹ Truman viết trong hồi ký của ông sau này. (Nguồn: Nghiên cứu Quốc tế).

Theo ông Truman và những người khác trong chính quyền Mỹ, việc sử dụng bom nguyên tử nhằm mục đích rút ngắn chiến tranh ở Thái Bình Dương, tránh việc Mỹ phải đưa quân tới Nhật Bản và cứu mạng hàng ngàn lính Mỹ. (Nguồn: baotintuc.vn)

Bất chấp lập luận của Ngoại trưởng Stimson và những người khác, các sử gia từ lâu tiếp tục tranh luận liệu Mỹ có hành xử hợp lý không khi sử dụng bom nguyên tử ở Nhật Bản, lại còn sử dụng tới hai lần. (Nguồn: MarvelVietNam)

Các quan chức dân sự và quân sự công khai phát biểu rằng hai vụ đánh bom không phải là một phản ứng quân sự cần thiết. Ngay cả, tướng “diều hâu” nổi tiếng của Mỹ Curtis LeMay cũng phát biểu với báo chí vào tháng 9/1945 rằng “bom nguyên tử không liên quan gì tới việc kết thúc chiến tranh”.

Những tuyên bố như vậy khiến nhiều sử gia như Gar Alperovitz, tác giả cuốn “The Decision to Use the Atomic Bomb” (Quyết định sử dụng bom nguyên tử), cho rằng mục đích thực sự của việc đánh bom nguyên tử là nhằm giành thế thượng phong với Liên Xô. (Nguồn: Báo Nhân Dân)

Những người khác tranh cãi rằng cả hai cuộc tấn công chỉ đơn giản là một thí nghiệm, để kiểm chứng hai dạng bom nguyên tử (gốc urani và plutoni). Đô đốc William “Bull” Halsey cho rằng quả bom nguyên tử đầu tiên là “một thí nghiệm không cần thiết… Họ đã sở hữu món đồ chơi này và muốn thử nghiệm nó, vì thế họ đã thả bom”. (Nguồn: Vietgiaitri.com)

Liệu quả bom nguyên tử thứ hai có cần thiết để buộc Nhật Bản đầu hàng? Thế giới có thể không bao giờ biết được câu trả lời. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Harry Truman dường như không lung lay với niềm tin rằng hai vụ đánh bom là hợp lý. (Nguồn: Vietgiaitri.com)

PV (Theo Kiến Thức)
Link tham khảo:



Thursday, July 4, 2024

TẠI SAO THUỐC TRƯỜNG SINH LUÔN LÀM TỪ THỦY NGÂN?

Mỗi triều đại lịch sử Trung Hoa lại có phương pháp chế tạo thuốc trường sinh riêng nhưng đều tồn tại một điểm chung đó là sử dụng thủy ngân làm nguyên liệu chính.


Thủy ngân - Giấc mộng trường sinh

Xuyên suốt lịch sử loài người, sự trường sinh bất tử luôn là khao khát của bất cứ ai, đặc biệt đối với những vị vua chúa quý tộc, họ luôn mong muốn được sống mãi, để có thể kéo dài triều đại, duy trì sự thống trị của mình tới muôn đời sau.

Tuy nhiên, cho đến ngày nay, khi khoa học kỹ thuật đã phát triển đến đỉnh cao, việc tạo ra một phương pháp giúp con người trở nên trường sinh bất lão vẫn là một bài toán khó mà các nhà khoa học luôn đau đầu tìm lời giải.

Vị vua đầu tiên thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), cũng từng đau đáu giấc mộng về sự bất tử. Vào thời nhà Tần, các phương sĩ chủ yếu là tìm kiếm thực vật, động vật hoặc khoáng chất trong tự nhiên, vậy nên mặc dù đã cố gắng rất nhiều nhưng họ đều không thể thực hiện được yêu cầu của Tiên đế.

Năm 219 TCN, Từ Phúc, vị ngự y được Tần Thủy Hoàng giao phó trách nhiệm đã lên đường đi tìm bài thuốc giúp vị hoàng đế có thể sống mãi cùng triều đại của mình nhưng rồi Từ Phúc không quay lại, giấc mộng cũng ra đi theo Tần Thủy Hoàng 9 năm sau đó.

Tần Thủy Hoàng cử ngự y Từ Phúc đi tìm phương thuốc trường sinh trong suốt 9 năm. Ảnh: Sohu

Theo cuốn Sử ký, vị vua thứ 7 của triều đại Tây Hán, Hán Vũ Đế (156 TCN - 87 TCN) thông qua "thuật luyện đan", không ngừng theo đuổi thần dược trường sinh. Thuật luyện đan thực chất là khởi đầu của công nghệ nấu chảy, ông thường sử dụng chu sa, khoáng vật cinnabarit của thủy ngân sẵn có trong tự nhiên, có dạng bột, màu đỏ để luyện thành đan dược uống.

Dưới thời Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều (220 – 589), thuật luyện đan và uống tiên đan rất phổ biến trong xã hội, điển hình là Ngũ thạch tán, một loại xuân dược – viagra của thời đại này. Tới thời Đông Tấn, nhà luyện đan nổi tiếng nhất lịch sử Trung Quốc, Cát Hồng (283-343) cũng dành cả cuộc đời để nghiên cứu bào chế loại thuốc tiên kéo dài tuổi thọ con người.

Trong thời đại này vì khoa học công nghệ chưa phát triển mạnh nên những nhà giả kim rất được trọng vọng, người đương thời cũng có niềm tin rất lớn vào sự kỳ diệu của đan dược.

Thuốc trường sinh được tìm thấy trong nhiều lăng mộ quý tộc thời Đông Tấn. Ảnh: Sohu

Trên thực tế khảo cổ, ngoài hàm lượng thủy ngân đậm đặc được tìm thấy trong các lăng mộ như lăng Tần Tiên Đế, các nhà khoa học cũng đã không ít lần phát hiện những viên thuốc trường sinh làm từ thủy ngân tại các khu di tích cổ.

200 viên 'tiên đan' trong lăng mộ 1.800 tuổi

Vào những năm 1960, các nhà khảo cổ đã khai quật một ngôi mộ hợp táng rất lớn từ thời Đông Tấn (317 - 420) ở Tương Sơn, ngoại ô Nam Kinh, Trung Quốc.

Đồ tùy táng ở đây rất phong phú, trong đó có các di vật như đĩa sứ vàng, đồ trang sức bằng vàng bạc... Trong số những đồ vật được khai quật, nổi bật nhất là hơn 200 viên thuốc được đặt ngay bên cạnh chủ nhân ngôi mộ.

Tuy thi thể chủ mộ đã mục nát nhưng tấm văn bia vẫn được bảo quản rất tốt. Theo ghi chép từ văn bia, người đàn ông trong ngôi mộ hợp táng này tên là Vương Bân, một viên quan quyền cao chức trọng của triều đại Đông Tấn. Vương Bân là chú của nhà thư pháp nổi tiếng "Thư Thánh" Vương Hi Chi (303-361).

Người phụ nữ được chôn cùng Vương Bân là con gái ông, Vương Đan Hổ.

Chum vại đựng 'tiên đan' bên trong lăng mộ hợp táng Vương Đan Hổ. Ảnh: Sohu

Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, các nhà khoa học xác định những viên thuốc kia là vị thuốc trường sinh trong thuật giả kim cổ đại, thành phần chính của những viên thuốc trên là thủy ngân (II) sunfua, một hợp chất của hai nguyên tố hóa học là thủy ngân và lưu huỳnh, có công thức hóa học là HgS.

Việc những viên thuốc trường sinh được đặt trong quan tài chôn cùng Vương Đan Hổ đã chứng minh nỗi ám ảnh đến mức điên cuồng của chủ mộ với những phương pháp bất tử, cũng là một niềm tin phổ biến của giới quý tộc dưới thời Đông Tấn.

Thần dược hay độc dược?

Thông qua nghiên cứu một số tiên dược được tìm thấy trong các khu di tích cổ, kết hợp thêm ghi chép lịch sử, các nhà khoa học đưa ra kết luận: Mỗi triều đại đều có phương pháp chế tạo thuốc trường sinh riêng, trong đó cách thức được ưa chuộng nhất đó là luyện đan dược và tất cả đều có một điểm chung đó là sử dụng thủy ngân làm thành phần chính.

Thủy ngân sunfua là một chất độc đối với cơ thể con người do bản thân thủy ngân vốn đã độc, các hợp chất và muối của thủy ngân lại càng độc. Những hợp chất này hoàn toàn có thể gây hại tới sức khỏe ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da.

Việc tiêu thụ một lượng lớn thủy ngân sunfua sẽ hủy hoại hệ thần kinh và khả năng sinh sản của con người. Đặc biệt nếu ăn nhiều sẽ gây nghiện, người dùng có thể tử vong do ngộ độc kim loại bất kỳ lúc nào.

Dung dịch có màu vàng, đục và có mùi giống rượu này là thuốc trường sinh được tìm thấy trong một lăng mộ cổ. Ảnh: QQ

Trong thực tế lịch sử, tiên dược trường sinh chưa gây ra một vụ án mạng nào, nhưng nó lại là nguyên nhân gây ra nhiều loại bạo bệnh cho giới quý tộc cổ đại. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao người xưa lại ưa chuộng sử dụng loại độc dược này đến vậy? Câu trả lời bắt nguồn từ... màu sắc.

Từ thời kỳ đồ đá, tổ tiên của con người đã sử dụng các sắc tố tự nhiên như hematit, quặng sắt vàng, phấn, máu thú, than củi và các sắc tố tự nhiên khác để vẽ những bức tranh tường sớm nhất trong hang động nơi họ sinh sống.

Tuy nhiên, các sắc tố của thời đại đó chủ yếu được làm từ vật liệu tự nhiên, mức độ tinh khiết của màu sắc và chất lượng sắc tố không cao, không thể đáp ứng việc sử dụng hàng ngày của con người.

Con người bắt đầu dần dần bắt đầu chế biến các sắc tố tự nhiên tinh khiết hoặc tự làm sắc tố. Cũng chính từ nhu cầu điều chế màu sắc này, nhiều loại chất độc cũng dần được phát hiện ra.

Theo cuốn Sử ký, trong xã hội Trung Quốc cổ đại, thuyết ngũ hành quy định tất cả mọi thứ trên thế giới có thể được phân loại trong năm dòng, sau đó màu sắc và phương vị cũng có thể được chia thành năm dòng, bao gồm xanh lá cây, đỏ, trắng, đen và vàng.

Người dân trong xã hội phong kiến ưa chuộng sử dụng đồ trang sức và đồ dùng chứa 5 màu sắc này, vì vậy công nghệ chiết xuất, điều chế màu giản đơn dần được hình thành. Tuy nhiên, không may thay, màu đỏ, vàng và thậm chí là màu trắng đều được tạo ra từ những thứ có độc tính không nhỏ.

Chu sa là hợp chất thủy ngân sunfua được dùng nhiều trong sản xuất tiên đan, tiên dược cho các bậc quý tộc. Ảnh: Internet

Chu sa là hợp chất được sử dụng trong điều chế màu đỏ son, thực ra là thủy ngân sunfua, người xưa cho lưu huỳnh phản ứng tự nhiên với thủy ngân, chuyển đổi thủy ngân bạc thành màu đỏ bạc, từ đó có được một sắc tố màu đỏ rất tinh khiết.

Thủy ngân là kim loại có nhiệt độ nóng chảy thấp đầu tiên (-38,83 °C) được phát hiện bởi con người, điều này đã làm cho nó trở nên thần bí hơn trong tư tưởng của người Trung Quốc và cả các nhà khoa học phương Tây.

Đầu tiên, sắc đỏ tự nhiên của chu sa được coi là khí huyết của trời đất, tượng trưng cho sự vĩnh cửu. Thủy ngân dưới tác động của nhiệt độ cao sẽ không ngừng thăng hoa, chu kỳ qua lại này từ thể lỏng đến thể khí.

Sự thay đổi này khiến người Trung Quốc nghĩ đến quá trình 'Vũ Hóa thăng tiên', người phương Tây nghĩ đến cái chết và tái sinh, bởi vậy bọn họ cho rằng để luyện thuốc trường sinh chắc chắn phải sử dụng thủy ngân.

Thứ hai, phú quý và tuổi thọ là 2 thứ mà con người luôn theo đuổi. Vàng dường như là một biểu tượng của cả 2 thứ ấy, nó không chỉ quý giá - tượng trưng cho sự giàu có, mà còn luôn giữ được trạng thái ổn định, không bị tác động bởi các yếu tố môi trường, tức là tượng trưng cho sự vĩnh cửu.

Mặt khác, thủy ngân là kim loại duy nhất có thể phản ứng với nhiều kim loại khác, bao gồm cả vàng, vậy nên nó như một cầu nối chuyển giao giữa những kim loại thường và kim loại quý.

Những viên chu sa tiên đan thực chất lại là thuốc độc chết người. Ảnh: Sohu

Các nhà giả kim thuật thông thường nghĩ rằng thủy ngân là vật chất khởi đầu để các kim loại khác được tạo ra. Họ cho rằng thủy ngân là thiết yếu để biến đổi của các kim loại gốc (hay không tinh khiết) thành vàng. Đây là nguyên lý và mục đích cơ bản của giả kim thuật, xét cả về phương diện tinh thần hay vật chất.

Từ đó, thủy ngân đã trở thành một phần quan trọng trong văn hóa tinh thần của người cổ đại, đồng thời thủy ngân sunfua đã trở thành một trong những sắc tố tổng hợp đầu tiên được nắm giữ bởi con người.

Do sự hiểu biết về khoa học chưa hoàn thiện, những đặc tính cơ bản của thủy ngân được hiểu thành biểu tượng sức mạnh của đất trời, thiên nhiên, của sự vĩnh cửu.

Chính vì vậy, từ một hợp chất có hại cho sức khỏe, thủy ngân được các nhà giả kim Trung Quốc đề cao, coi là một vị thuốc quý và ưa chuộng sử dụng trong điều chế các loại thuốc bổ, thuốc hồi xuân, thuốc trường sinh. Trong đó, những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự thiếu hiểu biết này chính là giới quý tộc cổ đại, bao gồm cả những người trong hoàng tộc và hoàng đế.

Mai Thúy / Theo: Dân Việt



ĐỐI XỬ VỚI VONG

Vong là tôi gọi theo cách của Ba Vàng. Giờ xin kể một chút trải nghiệm của bản thân về chuyện này. Năm 2017 tôi rời phố chuyển vào một nơi hẻo lánh, dựng một cái chòi lá giữa vườn trúc và sống một mình ở đó. Một năm sau, vì thấy căn nhà xây nằm cạnh vườn mình giữa khung cảnh rất đẹp nhưng bỏ hoang đã cả chục năm, tôi hỏi mua lại.


Người dân ở gần đấy nói với tôi rằng, không ai ở được căn nhà này đâu. Chủ lên tiếng bán đã lâu nhưng người ta đến xem rồi cũng bỏ đi hết, ai thuê cũng chỉ ở được một thời gian ngắn. Vì nhà này có ma, quấy phá kinh lắm. Tôi chỉ cười.

Hồi đó tôi mới nghỉ dạy lần thứ nhất, rất chăm chỉ, trường chay và tập thiền rất nghiêm, đời sống đúng nghĩa “thiểu dục tri túc”. Sau 1 năm sống ở cái chòi trong vườn trúc, tôi dọn vào căn nhà ấy. Chủ nhà ở ngoài phố năm thì mười họa mới vào thăm. Và chắc để phòng kẻ trộm, nên họ thắp mấy cái bòng đèn quả nhót đỏ lòm trên ban thờ, từ năm này qua năm nọ; còn một chiếc máy niệm Phật cũng mở suốt ngày đêm, không khi nào tắt. Tôi vào thì dọn dẹp hết, sửa sang lại nhà cửa, vườn tược, hồ ao.

Những đêm đầu tiên trong căn nhà ấy, tôi cũng có cảm giác lạ và khi ngủ thường hay bị bóng đè. Nhưng tôi cũng không quan tâm là có ma quỷ thật không, cứ kệ như thế mà sống. Nói thêm, tôi trước đây rất sợ ma, sợ đến phát khóc nếu buổi tối phải đi một mình. Nỗi sợ ấy xâm chiếm, làm thần hồn nát thần tính. Nhưng từ khi biết đến đạo Phật và thực hành trong đời sống, những nỗi sợ ấy tan dần và biến mất khi nào không hay.

Ở đó, một mình giữa nơi vắng vẻ, buổi tối ngồi thiền trong nhà hoặc trên cầu ao, tôi luôn nhủ thầm, nếu có vị nào ở đây, dù là ma quỷ hay oan hồn vất vưởng, cứ vào tự nhiên, nếu thích thì có thể ngồi cạnh, buông xả những phiền não vướng mắc mà cùng tôi tập trung tinh thần hướng vào những điều tốt đẹp, niệm Phật để “siêu thoát” khỏi nơi đau khổ này. Mọi chuyện yên, căn nhà ấm áp và hoa cỏ nở tràn.


Mấy năm ở đây có lẽ là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc sống của tôi. Thấy mình hòa vào và tan ra với thiên nhiên, cảm nhận rõ từng hơi sương, lá cỏ, từng vạt nắng và sâu thẳm tiếng trùng đêm. Tôi cũng chẳng còn lo lắng hay bất an gì với những chuyện ma quỷ, và nghĩ nếu có họ ở đây cũng vui chứ sao. Tôi đặt cho nó cái tên là Tây Lạc Viên, đôi khi gọi đó là Walden, vì nhớ tác phẩm Một mình sống trong rừng của triết gia người Mỹ Henry David Thoreau.

Sách vở Phật giáo có nói đến các cảnh giới khác nhau, trong đó có thế giới của những đọa lạc khốn khổ. Và tôi nghĩ, nếu đúng là có những chúng sinh như thế, họ ắt phải khổ sở hơn mình. Việc của một người học Phật, ngoài cầu giải thoát khỏi tham lam si mê, là phát tâm an ủi và giúp đỡ tất cả. Chứ không phải là sợ hãi họ hoặc xua đuổi họ.

Viết đến đây lại nhớ sư Minh Tuệ, khi có người hỏi ông rằng có trì chú Đại bi không, ông nói không. Vì chú ấy xua đuổi tà ma, niệm nó là không từ bi. Và tôi cũng nghĩ, một người học Phật là phải thương yêu hết thảy, từ ngọn cỏ lá cây đến những cào cào châu chấu, từ thân bằng quyến thuộc đến người dưng kẻ lạ, từ dương giới đến âm giới… Cái tâm rộng lớn ấy sẽ không những nuôi dưỡng hạnh phúc trong ta mà còn giúp ta vượt qua mọi nỗi sợ hãi một cách tự nhiên mà chẳng cần cố gắng. Không cần phải cầu viện gì cả, chỉ cần thương yêu thì tinh thần vô úy sẽ hiện diện. Người ta chỉ hung ác khi sợ hãi.

Tôi không hiểu những người tu hành như ở chùa Ba Vàng, họ học ở đâu và tu hành kiểu gì mà “sợ vong, hối lộ vong, trục vong” và bày ra đủ thứ tà ma như thế. Chưa nói đến cái chuyện có hay không một thế giới của ma quỷ, nhưng người tu hành mà sợ hãi, thù ghét và xua đuổi những chúng sinh khác như thế, thì tâm họ là tâm gì? Đáng ra, là những người được học và có đầy đủ phương tiện trong tay, họ phải là nơi cho những kẻ khốn khổ nương tựa, phải hướng dẫn và bao dung, giúp các oan hồn ấy thức tỉnh và buông bỏ để sinh về cõi lành; đằng này họ dùng đó để gây nên nỗi sợ hãi cho người khác và làm tiền với những nhân danh rất thô bỉ như “vong đòi nợ”. Nhà tu hành mà lại cúi đầu trước những kẻ cướp và bày mưu đánh đuổi và hối lộ cho ma quỷ như thế sao?


Tôi tin rằng, không một nhà tu hành chân chính nào làm như thế cả. Cứ nhìn sư Minh Tuệ thì biết, ông từ bi nên lòng ông luôn bình an, ông có thể ngủ ở bất cứ đâu, dù là nơi nhà hoang hay nghĩa địa. Ông không cần phải niệm chú hay hay dùng bất cứ thế lực, thủ đoạn nào để xua đuổi hoặc mua chuộc. Tâm bình đẳng và thương yêu ấy sinh ra năng lực vô biên làm nên hạnh phúc. Tu hành chân chính là thế, hòa bình trong tự tâm, chứ không phải hù dọa chúng sinh để lấy tiền, như cái cách mà Ba Vàng và nhiều chùa khác đang bày ra để thao túng và lừa dối người dân. Đó là tâm tà ác, hoàn toàn xa lạ với tinh thần đạo Phật.

Thái Hạo / Theo: saigonnhonews



CẤM TRUNG THU DẠ - THÁI THUẬN


CẤM TRUNG THU DẠ - THÁI THUẬN

Tỉnh ngô cung diệp cộng tiêu tao,
Toạ giác phù lương đáo thuý bào.
Lãm nhiễu tây phong liêm ảnh động,
Thành lâm bắc đẩu cổ thanh cao.
Tam sinh hương hoả kinh tàn mộng,
Bán thế quang âm cảm nhị mao.
Đăng hạ Uyên Minh thi lãn độc,
Cố hương quy tứ chính thao thao.


禁中秋夜 - 蔡順

井梧宮葉共蕭騷
坐覺浮涼到翠袍
欖繞西風簾影動
城臨北斗鼓聲高
三生香火驚殘夢
半世光陰感二毛
燈下淵明詩懶讀
故鄉歸思正滔滔


Đêm thu nơi cung cấm (Dịch thơ: Quách Tấn)

Lá cung rụng tiếng ngô đồng,
Phòng tiêu nghe đã lạnh lùng áo xiêm.
Gió tây đoanh lộn bóng rèm,
Thành vươn Bắc đẩu vươn thêm trống thành.
Mộng tàn hương lửa ba sanh,
Quang âm nửa gối, trắng xanh mái đời.
Thơ Đào lửng ngọn đèn côi,
Tấm lòng cố lý sụt sùi khôn ngăn.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Thái Thuận 蔡順 (1440-?) tự Nghĩa Hoà, hiệu Lục Khê, biệt hiệu Lữ Đường, sinh 1440. Đậu tiến sĩ 1475 (niên hiệu Hồng Đức thứ 6).
 
Thái Thuận sinh ra trong một gia đình bình dân ở thôn Đoài, tổng Liễu Lâm, phủ Siêu Loại, thừa tuyên Kinh Bắc (nay thuộc xã Song Liễu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).

Thuở trai trẻ, có thời ông làm lính dạy voi, về sau mới đi học. Năm Ất Mùi (1475), đời Lê Thánh Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ.

Ban đầu, ông làm quan ở Viện Hàn lâm trải 20 năm; sau giữ chức Tham chính sứ Hải Dương, và được cử đi công cán qua các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thuận Hóa...

Ông là người có đạo đức, lại có tài văn chương, được người đương thời rất kính trọng. Vì vậy, ông được vua Lê Thánh Tông cho dự chức Tao đàn Sái phu (sau thăng Tao đàn Phó nguyên súy) trong Hội Tao Đàn do chính nhà vua thành lập năm 1495.

Nhà thơ Thái Thuận mất năm nào không rõ.


Sinh thời, ông sáng tác hàng nghìn bài thơ chữ Hán, nhưng chưa soạn thành tập. Sau khi ông mất, người con là Thái Đôn Khác và người học trò là Đỗ Chính Mô mới ra công sưu tập được vài trăm bài, viết bài Tựa, đặt tên là Lã Đường di cảo (Bản thảo còn lại của Lã Đường), và hoàn thành vào năm Hồng Thuận thứ 10 (1510) đời vua Lê Tương Dực.

Sau, phần lớn trong trong tập thơ này được trích tuyển trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (125 bài), và trong Toàn Việt thi lục của Bùi Huy Bích (25 bài).

Tập Lã Đường di cảo hiện nay chỉ còn 264 bài thơ chữ Hán. Gần đây, thơ ông được thi sĩ Quách Tấn tuyển dịch, đặt tên là Lữ đường thi, và đã được nhà xuất bản Văn học ấn hành năm 2001.

Vua Lê Thánh Tông từng khen Thái Thuận là thi sĩ "luôn luôn nổi tiếng ở trường thơ". Các danh sĩ như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Ngô Thì Nhậm, Bùi Huy Bích đều xưng tụng ông là "nhà thơ có khuôn thước, có phong cách đời Vãn Đường", là "thanh nhã, dồi dào", là "sau tập thơ Giới Hiên của Nguyễn Trung Ngạn, ít khi có thể văn ấy"...

Theo một số nhà nghiên cứu gần đây, thì thơ Thái Thuận có phong cách độc đáo, ít khi rơi vào khuôn sáo, thù tạc như thơ ca của nhiều tác giả cùng thời, nhất là những tác giả cung đình. Thơ ông ít có những nét bút hoành tráng, khí phách, tình cảm mạnh mẽ, sắc màu thắm rực như thơ Nguyễn Trãi, cũng ít có giọng khoa trương, tự đắc thường thấy trong thơ Lê Thánh Tông. Thơ ông thanh thoát, bình dị, không màu mè, hoa mỹ, tứ thơ mới mẻ, độc đáo, phóng khoáng giàu chất hiện thực, đậm đà ý vị trữ tình..

Nguồn: Thi Viện

NHẠC SĨ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN: "YÊU NGƯỜI ĐÃ BỎ ĐỜI VUI"

Ai đó từng nói rằng: “Cuối cùng, thì cái mà chúng ta nhớ nhất, không phải là con người, mà là kỷ niệm.” Thế nên, có lẽ điều đáng sợ nhất mà con người phải đối diện, đó là dần dần mất đi trí nhớ. Mất trí nhớ, là mất kỷ niệm, là ký ức bị tan dần theo ngày tháng. Mà xót xa hơn nữa, là với người ở lại, nhớ về một người, vốn đã mất ký ức và đã đi xa, rất xa.


Ông là một nhà thơ, một nhà văn, một nhạc sĩ, người đã mang đến cho thế hệ thính giả Sài Gòn gần 50 năm trước một cách nghe nhạc hoàn toàn mới lạ trên đài phát thanh với chương trình “Nhạc chủ đề.” Ông là Nguyễn Đình Toàn, người mà cố thi sĩ Du Tử Lê từng gọi là “Người tình không chân dung” của thính giả Việt Nam.

Ông đẹp trai, tài hoa, đa tình. Những ngày tháng đó, cứ mỗi tối Thứ Năm, trên đài phát thanh Sài Gòn, tiếng nói của Nguyễn Đình Toàn lại vang lên, ru người nghe vào những ca khúc trữ tình bằng lời nói ngọt ngào, tình tứ về những cuộc tình được ươm mầm, sinh ra, lớn lên, rồi… chết. Chết trong bất tử, trên chính mảnh đất quê hương. Ai lại không mềm lòng, ngây ngất với những lời tha thiết, thơm nồng hương hoa đồng nội:

“…Tình chúng ta bắt đầu như mùa thu trở lại. Khi những chùm hoa thạch thảo ngát hương trên lối đi quen. Mùa thu bắt đầu trên dòng sông bát ngát. Mùa thu nhuộm vàng những cánh rừng. Mùa thu phơi áo mơ phai, chiều võ vàng với xác hoa trên hình bướm…” (Lời giới thiệu trong chương trình ‘Nhạc chủ đề’ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn do chính ông diễn đọc).


“‘Bồ’ của ông hả? Nhiều vô số kể!” Chị Phượng Uyên cười giòn khi nói về cái số đào hoa của bố mình. Nhưng với mẹ chị, ông là mối tình đầu và cũng là tình cuối.

Cả cuộc đời của bà dành hết cho ông, cho con, cho sự nghiệp sáng tác của ông. Năm tháng ông bị tù đày, bà đón hai, ba chuyến xe đò, xe lam để vào thăm ông. Thời đó, rất nhiều người phải đi thăm thân nhân ở các trại tù cải tạo. Mà để vào được trại Bố Lá, nơi ông bị giam, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe duy nhất. Một tay bà giữ chặt cái giỏ đựng thức ăn chuẩn bị cho ông, một tay bám chặt thành xe trên chiếc xe lam luôn chật kín người, bà thậm chí có lúc chỉ còn có thể trụ tạm một chân ở phía đuôi xe. Cứ thế mà gồng mình cho hết đoạn đường.

Bà là chỗ dựa vững chắc cho ông từ ngày trở thành ‘bà Nguyễn Đình Toàn’. Bà chu toàn trong ngoài của cuộc sống để ông thoả sức vẫy vùng trong cõi nhạc thơ. Ở nhà, xe hư cũng bà, bóng đèn hư cũng bà… Bà hy sinh tất cả để người nhạc sĩ của bà sống trọn với đam mê sáng tác.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng. Ảnh: Nguyễn Đình Phượng Uyển

Rồi, bà ngã bệnh, căn bệnh lấy đi kỷ niệm, chia lìa ký ức của con người với nhau. Thật ra, bà đã bệnh hơn 20 năm, từ khi còn ở Việt Nam. Cái quên (thường xuyên) của bà đôi khi làm cho ông phải cằn nhằn. Những lúc đó, bà chỉ ngập ngừng, “em đâu có muốn quên đâu?”

Bệnh quên quên nhớ nhớ của bà càng trở nặng khi ông bà đặt chân đến Mỹ. Câu nói “Chào cô” bà dành cho con gái của mình trong một ngày gặp mặt vào năm 2012 là dấu mốc bắt đầu cho chuỗi ngày dài bà bước vào đời sống vô tư lự. Nhìn người con trai của mình đang đứng trước mặt, bà ngước nhìn bằng đôi mắt lạ lẫm, rồi nói: “Sao thằng này giống con mình quá vậy?”

Từ đó, bà trở thành “đứa trẻ” hồn nhiên trong những tháng ngày đầy ắp những ký ức chắp nối rời rạc nhiều mảnh ghép quá khứ. Hình như bà vẫn cảm nhận được sự quên nhớ vô vọng của mình, hoặc cũng vì bà không còn nhận ra một người thân quen nào nữa, nên mỗi khi có khách đến thăm nhà, bà lặng lẽ ẩn mình không xuất hiện.

Nhưng bà quên gì thì quên, bà không bao giờ quên nhạc Nguyễn Đình Toàn. Có những ngày vui, bà luôn miệng huýt sáo những bài nhạc của ông. Âm thanh vang lên từ trong tiềm thức của bà. Đó là một khung trời riêng của bà mà không sức mạnh bệnh tật nào có thể bước vào, chiếm đoạt.

Từ ngày biết căn bệnh của bà trở nặng, ông không cằn nhằn như khi còn ở Việt Nam nữa. Từ chỗ trú riêng cho mình một cõi nhạc thơ, ông bước vào việc gánh vác tất cả chuyện trong nhà, một cách rất tự nhiên. Ông từ chối những cuộc gặp gỡ bạn bè ở quán cà phê bằng câu nói: “Thôi, đến nhà anh pha cho uống. Anh không bỏ chị ở nhà được.”

Ngày xưa, khi ông bước đến bàn ăn, cơm canh nóng đã có sẵn do bà chuẩn bị. Ngày nay, ông xới chén cơm cho bà, để bên cạnh tấm khăn giấy, đôi đũa, ly nước, và cả cây tăm, rồi đưa bà ngồi vào ghế. Ông ngồi bên cạnh, dùng cơm và nói với bà đủ chuyện, không cần biết bà có nghe, có hiểu hay không.

Đêm nhạc chủ đề “Một ngày sau chiến tranh” vinh danh dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn diễn ra tại Westminster, California ngày 13 Tháng Tư năm 2019, không thể thiếu hình bóng của người phụ nữ đời ông. Bà lặng lẽ, vô hồn ngồi trên chiếc xe lăn bên cạnh ông. Có thể bà không hiểu vì sao đêm đó lại đông người như thế? Vì sao ánh đèn chói chang như thế? Và cũng không hiểu trên sân khấu kia đang nói về điều gì mà người ta vỗ tay vang rền như thế? Bà lơ đãng đưa mắt nhìn vào không gian ấy, thỉnh thoảng lại đòi về, và nói những điều gì đó chắc chỉ có bà mới hiểu. Vậy mà mỗi khi một ca khúc của ông vang lên, bà hướng về sân khấu, vẫn ánh mắt đó, nhưng sáng hơn, vui hơn.

Đó cũng là lần cuối cùng bà ngồi cạnh ông trong không gian đầy ắp dòng nhạc của ông.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, bên cạnh vợ và con gái (thứ 2 và 3 từ phải), tại đêm nhạc “Một ngày sau chiến tranh.” Ảnh: Văn Lan/Người Việt.

Ngày bà ra đi trong bệnh viện, ông không hay biết. Gia đình chưa dám cho ông hay. Cho đến mãi tận chiều hôm sau, được tin, ông bình tĩnh đến lạ lùng.

Chiều hôm ấy, ông ngồi lặng lẽ trước bàn thờ chưa kịp làm di ảnh của vợ, mắt nhìn vào khoảng không với những làn khói nhang váng vất. Nhân dáng gầy gò của ông như viết lên hai chữ CÔ ĐỘC giữa không gian nhỏ còn vương đầy hơi ấm của bà.

Vì bà ra đi quá đột ngột, chưa kịp làm di ảnh, ông lục tìm được mấy tấm hình cũ : “Mẹ của con có mấy tấm hình đẹp lắm. Mẹ của con đẹp như hoa hậu.” Rồi ông bật khóc. Hình như rất hiếm khi ông khóc trong đời. Những ngày tháng tù đày khổ ải, ông không khóc. Những ngày tháng sau 1975 bị tước đi quyền tự do sáng tác của người nghệ sĩ, ông không khóc. Những ngày tháng phải viết lời nhạc, câu thơ bằng cây bút chì vụn trong ngục tù, rồi xoá nhanh, ông không khóc. Ngày bước chân xuống tàu rời quê hương, mang theo nỗi sợ hãi khôn cùng vì đối diện với sương đêm và nỗi chết, ông cũng không khóc. Ông chỉ âm thầm tự nói:

“Mai tôi đi, tôi đi vào sương đêm/ Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết/ Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt/ Chảy về đâu những nước mắt đưa tin…” (Mai tôi đi – Nguyễn Đình Toàn)


Nhưng hôm nay, khi một mình đối diện mình, trong ngôi nhà không còn bà bên cạnh, ông đã khóc. Ông khóc mà không biết mình khóc, như Phạm Thái tráng sĩ từng tự hỏi lòng:

“Này Tiêu Sơn chuông chùa nào nín lặng,/ Hãy chiêu hồn cho đội mộ nàng lên./ Nàng chết rồi ư?/ Ta khóc rồi ư?” (Khúc ca Phạm Thái – Nguyễn Đình Toàn)

Cả cuộc đời, ông có việc đi đâu thì đi, gặp gỡ bạn bè bao lâu cũng được, nhưng về nhà thì phải có bà. Nếu không, ông bứt rứt, khó chịu, tựa như “người không có chỗ trú thân. Tách rời ra khỏi quê hương, từ bỏ quê hương thật của mình thì chỗ khác không thể nào thay thế được đâu” – ông đã nói như thế. Giờ đây, câu nói mà ông hay nói nhất với những người con của mình là: “Bây giờ nhìn đâu cũng thấy mẹ của con.”


Hơn 20 năm qua, bà không còn có thể trò chuyện, đáp lời những câu chuyện ông kể, nhưng bà đã là một “quê hương thu nhỏ” của ông, như cách ông từng định nghĩa về tình yêu: “Tình yêu giữa người đàn ông và đàn bà, thu nhỏ là tình yêu, nhưng phóng lớn lên nó là tình hoài hương”. Ngày ông phải xuống tàu lìa bỏ quê hương, ông kể rằng “có cảm tưởng như mình đứng không vững nữa, mình chênh vênh trên một cái gì đó”, và tự nhủ: “Từ đó trở đi chắc là mình đứng không vững nữa, quả thật là như vậy.”

Rồi khi bà đi xa. Thêm một lần nữa, ông phải lìa xa “quê hương” của mình.

Kalynh Ngô / Theo: saigonnhonews

LTS: Bài được viết theo lời kể lại của cô Nguyễn Đình Phượng Uyên – con gái nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, về kỷ niệm với người mẹ quá cố của cô, bà Nguyễn Thị Thu Hồng, mất ngày 24 Tháng Hai, năm 2021 tại Hoa Kỳ. Bài có sử dụng cả tài liệu của người viết trong cuộc nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn vào năm 2015.



Wednesday, July 3, 2024

CÁI ÁC TRONG CÁCH ĂN

Ăn sao gọi là ác? Dễ lắm, khi người ta ăn con thú đang quằn quại, đau đớn với sự hả hê thích thú vậy thì không ác thì gọi là gì mới đúng?

Từ Hy Thái Hậu (Empress Dowager Cixi, 1835-1908) (ảnh: Art Images/Getty Images)

Lịch sử Trung Hoa dưới thời Từ Hy Thái Hậu đã ghi lại tỉ mỉ việc chiêu đãi của triều đình đối với phái đoàn sứ thần, tướng lãnh các quốc gia Tây phương. Tiệc được chuẩn bị gần một năm trời, sử dụng 1,750 người phục vụ, tốn kém 374 ngàn lượng vàng ròng, gồm 400 thực khách và đại tiệc kéo dài suốt 7 ngày đêm bắt đầu từ Giao thừa Tết nguyên đán Giáp Tuất.

Triều đình nào của Trung Hoa cũng giống nhau ở điểm càng hoành tráng càng tốt vì để giữ sĩ diện và cũng là dịp chứng tỏ với nước ngoài sức mạnh của Trung Hoa. Tuy nhiên trong đại tiệc của Từ Hy Thái Hậu việc được lịch sử ghi lại không phải là mức độ xa hoa tốn kém mà do một món ăn được chuẩn bị tỉ mỉ trong nhiều tháng để khoản đãi khách mời. Món ăn được đặt tên là Hầu não, tức là não con khỉ còn sống, bị gọt mất phần vỏ não và người ăn chỉ việc cầm muỗng múc chất nhầy trong bộ óc và… thưởng thức.

Con khỉ mang ra tế sống cũng không phải là khỉ thường gặp mà nó được bắt tận một khu rừng được đồn đãi là có những quả lê quý khi bọn khỉ ăn vào sẽ làm cho trí óc của chúng sạch sẽ và tăng thêm sinh lực trong bộ não. Khỉ được bắt về nuôi trong lồng bạc, cho ăn uống những loại thực phẩm cao cấp như cháo tổ yến, cho uống nhân sâm và rượu nhung hươu. Người Tàu tin rằng ăn uống như vậy con khỉ sẽ tẩy uế dòng máu đang chảy trong người và từ đó não bộ sẽ tinh anh hơn.

Tới ngày đãi tiệc, một chú khỉ được mang ra cho một bàn ăn năm người. Để tăng thêm phần long trọng, Từ Hy Thái Hậu lập một kịch bản không khác mấy với cách đấu tố trong Cải cách ruộng đất của Việt Nam, đó là một thái giám trước khi gọt não con khỉ sẽ tuyên đọc tội trạng của con khỉ này tùy theo tên mà chúng được đặt. Những cái tên gian ác trong lịch sử Trung Hoa sẽ được nêu lên như Tần Cối, Bí Trọng, Vưu Hồn, Bàng Hồng, Trương Bang Xương, Mao Diên Thọ… và sau mỗi cái tên được hô lên là một con khỉ “đền tội” trước thực khách.

Lịch sử không ghi chép việc khách mời có ý kiến như thế nào trước bữa tiệc mang hình ảnh dã man mà bà Từ Hy sáng tác cho họ, chỉ biết rằng kể từ đó thế giới Tây phương nhìn Trung Hoa như một đất nước man rợ và hợp sức “thanh toán” nó như để giải quyết cho một giống dân khát máu.


Hầu não tuy bị lên án một cách giận dữ nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở… Việt Nam! Tôi nhớ rất rõ vào khoảng năm 1990 tình cờ xem một video clip chiếu cảnh ăn óc khỉ ở Nha Trang mà lạnh mình. Trên một hòn đảo nào đó, đôi tình nhân trung niên ra du lịch và được mời món óc khỉ. Con khỉ mang ra bàn với thân hình tiều tụy, lông lá xác sơ như lâu ngày bị bỏ đói. Nó bị cột tay chân ngồi co ro dưới chiếc bàn gỗ có chừa một cái lỗ trên đầu và cách làm thịt chú khỉ cũng không khác đời Từ Hy là mấy. Cũng cầm dao gọt vỏ não, sọ được rắc lên chút muối tiêu chanh và hai ông bà vừa ăn vừa… nhợn!

Cái video ấy ám ảnh tôi cho tận tới bây giờ khi đang ngồi viết lại những gì tận mắt chứng kiến. Người ta tàn ác cỡ nào cũng không thể đành lòng ăn sống nuốt tươi một sinh vật đáng thương như chú khỉ. Con người được tạo hóa ban cho đức tính từ tâm và việc ăn tươi nuốt sống một sinh vật được xem là bất thường nếu nói nặng hơn là mọi rợ.

Trung Hoa trong suốt thời kỳ lập quốc có không biết bao nhiêu là món ăn mà chỉ nghĩ đến thôi người ta đã rùng mình. Đầu bếp người Hoa nổi tiếng là giàu óc tưởng tượng, chi tiết hóa món ăn đến mức cầu kỳ không cần thiết. Họ tin rằng một con vịt nếu được đặt chân chúng lên một chiếc chảo nóng khi còn sống thì máu của chúng sẽ trương nở tụ xuống chân và làm cho mọi chất dinh dưỡng tập trung ở đó.

Chưa hết, muốn thưởng thức trọn vẹn mùi vị ngon ngọt thì đầu bếp phải chặt hai chân con vịt khi vừa “nướng sống” trên chảo, lúc này máu không còn chảy mà đọng lại trong từng lóng xương con vịt tạo hương vị bất ngờ không thể diễn tả! Làm sao diễn tả được chính xác sự man rợ mà một con người nghĩ ra như thế?

Người Việt thì sao? Có dã man như người Hoa hay không? Sau năm 1975, quán nhậu mọc lên khắp nơi, món ăn nào cũng được nghĩ tới và đầu bếp trong các nhà hàng thường là tay ngang, có chút đỉnh vốn liền mở nhà hàng bán đồ… nhậu! Ai cũng biết bán rượu bia sẽ mau làm giàu và cách phục vụ càng khác lạ quán xá càng đông.

Có bao giờ bạn và gia đình vào một nhà hàng kêu món lẩu cá kèo chưa? Nếu chưa xin đừng thử, vì nếu thử tôi đoan chắc vợ con bạn sẽ bị ám ảnh ít nhất là suốt nửa quãng đời của họ.

Lẩu cá kèo (dienmayxanh)

Lẩu thì cũng bình thường như bao món lẩu khác. Cũng các loại rau như lá vang, rau đắng, bạc hà, bông súng… nhưng cá để nấu món này thì còn bơi lội trong một chiếc sô bằng nhôm. Những con cá kèo hồn nhiên chơi đùa với nhau, tranh nhau bơi, tranh nhau thở và đến một lúc chúng cùng nhau bị đổ vào nồi lẩu đang sôi sùng sục. Khi chiếc vung bằng thủy tinh được đậy lại thực khách vẫn chứng kiến sự đau đớn cùng tận của bầy cá vừa giãy dụa vừa trồi lên cố thở, cố tranh nhau chút sự sống bên trên nồi nước đang sôi…

Cái vung bằng thủy tinh là sự cố ý của chủ quán. Ông ta muốn thực khách chứng kiến món hải sản “tươi sống” mà quán ông ta phục vụ và cái nắp vung ấy là chiếc sân khấu không ánh đèn đủ soi rọi vào từng ngõ ngách mang tên lòng trắc ẩn.

Con đuông dừa là một thí dụ khác chứng minh sự vô minh của con người, những con người khi ăn chỉ biết hương vị mà quên hẳn sự sống khác của một sinh vật, dù sinh vật ấy không biết nói tiếng người, cũng không biết la lên tố cáo cái hàm răng bẩn bựa đang cật lực xé hai chúng ra trong những vòm họng thơm tho đầy lời nhân nghĩa.

Món đuông dừa (afamily)

Con đuông dừa không xa lạ gì với dân Bến Tre, nơi cây dừa được xem là thóc là gạo cho toàn tỉnh. Chúng sống trong thân cây dừa và khi cây bị chặt chúng bị tập trung để bán cho các nhà hàng sang trọng. Những con đuông có miệng mà không có mắt chúng bò tung tăng trong rổ của nhà hàng và được bỏ vào một tô nước mắm có cắt vài lát ớt cho khách hàng… thưởng thức.

Nhìn người ta cầm đũa gắp từng con đuông đang bơi lội trong tô, đưa chúng lên miệng rồi “bụp” một tiếng, con đuông trở thành món ăn tươi sống. Tiếng bụp lạnh mình ấy không đủ để tố cáo sự bất nhẫn khi con đuông đã trôi tuột xuống khỏi cuống họng con người. Con đuông cũng như con vịt, con khỉ, con cá kèo… chỉ là những sao chép từ một nền văn hóa thiếu lòng trắc ẩn.

Chúng ta đang sống trong một thế kỷ mà một tiếng động bên bờ Đại Tây Dương cũng đủ khiến cho bờ bên kia thức giấc. Đừng đánh động lòng trắc ẩn của người nước khác khi thấy chúng ta nhe răng cấu xé những sinh vật khi chúng còn sống. Hãy văn minh hơn bằng cách giết chúng trước khi ăn, dù sau khi chết chúng kém ngon hơn nhưng bù lại không ai nhìn mình với cặp mắt khinh bỉ và giận dữ.

Cá kèo: https://www.youtube.com/watch?v=aY25QGVJtlY

Óc khỉ: https://www.youtube.com/watch?v=7rKnOzkBqSk

Đuông dừa: https://www.youtube.com/watch?v=I64_YETKXhI

Mặc Lâm / Theo: Saigonnhonews

"SỢ NGƯỜI KHÁC PHẬT LÒNG" - CÒN GIỮ CÁI TÂM LÝ NÀY BẠN SẼ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC VIỆC GÌ LỚN

Việc bạn cần làm, là vào những lúc cần thiết, chấm dứt sự nhiệt tình một cách mù quáng, thỉnh thoảng làm “người xấu” một lần, dũng cảm nói ra câu “không, tôi không muốn”.


Trong cuộc sống, bạn có phải là người như này hay không?

Khi muốn biểu đạt ý kiến và đối mặt với lợi ích, vì sợ xảy ra xích mích với người khác, vì muốn tránh xung đột mà sẽ chủ động hi sinh lợi ích của mình, phủ nhận ý kiến của bản thân để duy trì ảo tưởng về sự hòa hợp, hòa bình.

Một hai lần thì không sao, nhưng tới lần thứ 3, thứ 4 rồi lần thứ n, sẽ khiến bạn mất đi cái tư cách để đưa ra ý kiến và giành lấy lợi ích chính đáng cho mình. Bạn cho rằng sự nhượng bộ của mình sẽ có lại được sự tôn trọng, nhưng thực ra nó sẽ chỉ khiến người khác được nước lấn tới, không xem trọng giá trị của bạn hơn mà thôi.

Trước đó, tôi có đọc được một bài biết có tựa đề là "Đứa trẻ quậy phá, mệnh tốt nhất", cụ thể thì tôi không nhớ rõ, nhưng nội dung đại khái kể về câu chuyện của một cô gái.

Đó là N., một cô gái vô cùng nhiệt tình và tốt bụng, nhưng cô lại không giỏi trong các mối quan hệ ngoại giao cho lắm.

Ở công ty, vì để tránh tối đa việc khiến người khác phật lòng, cô giúp đồng nghiệp A dịch tài liệu vô điều kiện, giúp đồng nghiệp B đi mua đồ ăn dù có mất cả nửa tiếng trời cũng không than vãn, giúp đồng nghiệp C chỉnh sửa tài liệu dù có phải tan làm muộn hơn một chút.

Cô vốn cho rằng làm như vậy sẽ nhận được sự công nhận và tôn trọng của mọi người, không ngờ rằng, thứ cô nhận lại được lại là những lời "nhờ vả" kiểu sai khiến ngày một công khai và quá quắt hơn.

Vài tháng sau, một nhân viên mới tới công ty, cô nhân viên mới tên Y. này trẻ trung, năng nổ hơn N., chỗ ngồi trong văn phòng cũng đã hết, chỉ còn một chỗ ngồi cạnh cửa sổ, mùa hè nắng chiếu vào sẽ rất chói mắt.

Cô nhân viên mới không vui, vừa nhõng nhẽo vừa "làm loạn" lên một hồi, nhưng ai sẵn sàng đổi chỗ cho cô ấy?


Vậy là giám đốc và phần lớn nhân viên trong bộ phận đã tìm N. thương lượng, nói cô đổi chỗ cho Y. Nguyên nhân là nếu không đổi, Y. sẽ không vui, nhưng N. lại là người "hiểu chuyện" nên sẽ không như vậy.

Lúc này, N. mới hiểu ra được rằng, sự nhượng bộ của mình không đem lại bất kì sự tôn trọng nào, ngược lại chỉ khiến người khác được nước lấn tới.

Bạn thiết lập cảm giác an toàn của mình trên nền tảng "dĩ hòa vi quý", nhưng sự bình yên này lại được đánh đổi bằng quyền lợi, bằng sự tự tôn của bạn. Sự bình yên này mong manh như một tờ giấy trắng, và có thể bị rách bất cứ lúc nào chỉ với một cú chọc.

Mọi mối quan hệ trong cuộc sống đều nên được thiết lập trên cơ sở bình đẳng, khi bạn không ngừng nhượng bộ, không ngừng đánh mất đi lập trường của mình, bạn sẽ phát hiện ra, khi quay lại nhìn người khác, bạn chỉ có thể ngước lên mà nhìn.

Cái hậu quả của việc không ngừng nhượng bộ đó là bạn sẽ ngày càng bị đẩy ra rìa, bị vô giá trị hóa, lâu dần bạn sẽ trở thành một "người tử tế" để mặc cho ai thích bắt nạt thì bắt nạt.

Sống ở xã hội này, đừng làm người "quá tử tế", tử tế quá chết nhanh lắm.

Đừng xem thường điều này, bởi lẽ một người không biết phản công lại người khác, cũng như không có kênh để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực, sẽ rất dễ có xu hướng "tấn công", trút bỏ vào chính mình, và những người "quá tử tế" lại có xu hướng làm vậy lớn hơn.

Điều này nó không khác cái khái niệm "sống sĩ diện chết đền tội", nhưng ít nhất thì người ta còn vớt vát lại được cái sĩ diện, còn bạn thì sao? Cứ liên tục "tra tấn tinh thần" như vậy, bạn có sống vui vẻ, có sống khỏe mạnh được không?


Chúng ta từ nhỏ đã được giáo dục rằng phải tử tế, tốt bụng, hòa đồng với người khác, "sự thân thiện" là quy tắc an toàn nhất trong giao tiếp với mọi người. Nói chung, những người thân thiện luôn giữ nguyên hiện trạng, cố gắng tránh những thay đổi, kẻo gây lo lắng cho những người xung quanh.

Tuy nhiên, lòng tốt này thường trở thành chướng ngại vật chết người trên con đường thoát khỏi sự tầm thường và đạt được thành công của một người.

Chúng ta đối xử quá tốt với mọi người, nhưng ngược lại lại vô cùng nghiêm khắc với bản thân. Trong khi người chúng ta nên yêu thương, nên tử tế nhất lại là chính mình, thế gian này, có thứ còn quan trọng hơn cả cảm nhận của người khác, đó chính là nội tâm của bản thân.

Chúng ta đều nên yêu mình trước rồi hãy yêu người.

Nhà văn Liu Tong từng nói: "Đừng sợ một kiểu tính cách nào đó sẽ khiến bạn đắc tội với người khác, nên biết rằng thế gian này không tồn tại một kiểu tính cách nào mà không đắc tội với người khác cả, nếu đều phải đắc tội với người khác, vậy thì thôi hãy cứ là chính mình, đừng sợ đắc tội với họ, bởi lẽ, bạn hoàn toàn có thể gánh được cái hậu quả này."

Sự nhượng bộ tự làm tổn hại tới quyền lợi và lợi ích của bản thân sẽ chẳng thể đem lại cho bạn cảm giác an toàn, cảm giác an toàn của bạn vĩnh viễn không phải do người khác cho, cảm giác an toàn chỉ có thể là tự mình cho mình.

Nói cách khác, cảm giác an toàn không tới từ việc không đắc tội người khác mà tới từ việc bạn biết cách làm sao để ứng phó với mấy người mà bạn cho là mình đắc tội.

Người khác tôn trọng bạn là vì năng lực của bạn, chứ không phải là bộ dạng nịnh nọt lấy lòng của bạn.

"Người quá tử tế" có khuynh hướng lấy lòng người khác, hay nói cách khác là họ không biết cách từ chối. Họ cho rằng chỉ cần duy trì sự hòa thuận với người khác, vô điều kiện thỏa mãn yêu cầu của đối phương, đối phương sẽ thích họ.

Thực ra mọi giao tiếp đều như vậy, sự "xâm phạm" của người khác nó giống như một kiểu thăm dò vậy, thăm dò xem phạm vi lớn nhất mà bạn có thể tiếp nhận là tới đâu, bạn không kêu dừng, người khác sẽ được nước lấn tới, thậm chí còn trở nên quá quắt hơn.


Mọi người sẽ không tôn trọng một người không có chủ kiến, một người nhu nhược, người như vậy ở trong đám đông sẽ rất dễ bị coi thường, sẽ bị người khác cho là họ thiếu năng lực nên mới phải làm như vậy.

Lâu dần, dù bạn có năng lực, nhưng vì bạn không dám thể hiện ra bên ngoài, người khác cũng sẽ không công nhận, bạn sẽ không có chút địa vị nào trong tập thể, thậm chí không có được sự tôn trọng cơ bản nhất.

Vì vậy, đừng sợ làm phật lòng, hay từ chối người khác. Việc bạn cần làm, là vào những lúc cần thiết, chấm dứt sự nhiệt tình một cách mù quáng, thỉnh thoảng làm "người xấu" một lần, dũng cảm nói ra câu "không, tôi không muốn".

Đây không phải chuyện quá khó khăn gì, cứ nghe theo mong muốn của nội tâm là được. Chúng ta không cần phải từ bỏ lòng tốt, nhưng cũng hãy học cách tôn trọng chính mình.

Theo: CafeB

LỘC TRẠI - VƯƠNG DUY


Lộc trại - Vương Duy

Không sơn bất kiến nhân,
Đãn văn nhân ngữ hưởng.
Phản cảnh nhập thâm lâm,
Phục chiếu thanh đài thượng.

Chú thích: Chữ 柴 trong tên bài đọc là “trại”, thông với 寨, 砦, chỉ nơi được dùng cây quây lại làm hàng rào.


鹿柴 - 王維

空山不見人
但聞人語響
返景入深林
復照青苔上


Trại Hươu - (Dịch thơ: Nguyen Gia Dinh)

Núi không chẳng thấy bóng người,
Chỉ nghe văng vẳng tiếng người từ đâu.
Cảnh phong ngược tận rừng sâu,
Chiếu lên cả đám rêu màu xanh xanh.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Duy 王維 (699-759) tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm nên Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Ông tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ vương Lý Phạm mến tài, đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại nhạc thừa rồi bị giáng làm Tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung thư lệnh, ông được mời về làm Hữu thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian.

Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài Ngưng Bích trì. Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm Hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.

Ông giỏi văn nghệ, ưa tiêu dao, nên tuy làm việc với triều đình nhưng vẫn thích nơi có cảnh quan yên tĩnh. Ông được gần vua, các cận thần và được quý trọng vì am hiểu văn chương nghệ thuật. Song trong lòng đã sẵn hướng về thiên nhiên nên thơ ông tả nhiều thú điền viên sơn thuỷ. Ông có một trang viên riêng cho mình, ở đó ông gảy đàn, thổi sáo và làm thi phú. Ông để lại khoảng 400 bài thơ, trong đó có những bài thơ thời trẻ bộc lộ tâm trạng của lớp tri thức có tài có chí không được dùng, sống trong cảnh hàn vi, còn bọn công tử quý tộc dốt nát lại giàu có, rong chơi xa hoa, truỵ lạc.


Những tháng năm ở biên cương, thơ ông có tình điệu khẳng khái, hiên ngang, đề cao lòng yêu nước, tinh thần hăng hái của những người lính canh giữ biên cương, sẵn lòng vì một triều đại đang mở mang, hướng tới thịnh vượng (Sứ chí tái thượng, Lũng đầu ngâm, Lão tướng hành,...). Thơ ông có một phần nổi bật quan trọng đó là thơ thiên nhiên. Do thú ưa thích một lối sống thanh tao, phong nhã, tâm hồn ông hoà nhập với cảnh sống thanh bình của làng quê yên ấm. Thơ ông miêu tả núi sông hùng vĩ, cảnh làm ruộng, gặt hái, lấy sự chất phác đôn hậu của đời sống dân chúng cần mẫn trên đồng ruộng làm nền. Thơ ông còn đắm trong tư tưởng hỷ xả từ bi của đạo Phật.

Thơ ông có chất hùng tráng và thâm trầm. Tài thơ của ông giàu có ở cách thể hiện những đề tài khác nhau, việc miêu tả thiên nhiên tinh tế và đầy sống động. Ngôn ngữ thơ cô đọng và điêu luyện, phù hợp với những ý tứ sâu sắc, truyền cảm. Ngoài tài thơ ra, Vương Duy còn sành âm nhạc, giỏi thư pháp và hội hoạ. Tranh sơn thuỷ của ông mở đầu cho lối hoạ Nam Tông. Người ta thường khen ông là: “Trong thơ có hoạ, trong hoạ có thơ” (Thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu thi). Ðối với Phật giáo đương thời, Vương Duy có địa vị cao trong Nam phái thiền tông. Người đời sau gọi ông là Thi Phật.

Nguồn: Thi Viện