Cuộc thử vũ khí hạt nhân do Mỹ tiến hành ở đảo san hô Bikini ngày 24/7/1946, tạo ra vụ nổ có sức công phá tương đương 21.000 tấn TNT. Ảnh: Vintag
Mặc dù Mỹ đã chế tạo những quả bom nguyên tử đầu tiên và từng thả chúng xuống 2 thành phố Hiroshima, Nagasaki của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2 nhưng chương trình hạt nhân của Liên Xô cũng không hề kém cạnh khi nước này thử nghiệm bom hạt nhân vào năm 1949. Đến đầu những năm 1950, hai nước thậm chí còn phát triển những vũ khí mạnh mẽ hơn: bom hydro.
Trong cuộc cạnh tranh này, các bên đã nỗ lực chế tạo nhiều bom hạt nhân hơn với kích thước ngày càng lớn hơn cho đến khi kho dự trữ vũ khí hạt nhân đạt đỉnh vào cuối những năm 1960. Ở thời điểm đó, Mỹ có tổng cộng 31.255 quả bom hạt nhân còn Liên Xô có 40.159 quả. Một trong những quả bom hạt nhân "khủng" nhất của Liên Xô là Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba), được thử nghiệm vào năm 1961 ở Novaya Zemlya, một quần đảo tại Bắc Băng Dương. Đến thời điểm hiện tại, đây vẫn là quả bom hạt nhân mạnh nhất mà con người từng thử nghiêm trong lịch sử nhân loại.
Ngày nay, dù quy mô kho vũ khí hạt nhân đã bị thu hẹp, nhưng vẫn có lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân, với xuất hiện của nhiều nhân tố mới. Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên có thể đang nắm giữ từ 20 đến 60 quả bom. Còn Iran, dù khẳng định theo đuổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình song vẫn bị phương Tây nghi ngờ về khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.
Bom Sa Hoàng (Tsar Bomba) của Nga, được thử nghiệm vào năm 1961 ở Novaya Zemlya.
Dưới đây là những sự thật về vũ khí hạt nhân mà trang Stacker tổng hợp lại thông qua tài liệu của các chính phủ, báo cáo và các nghiên cứu học thuật.
Các quốc gia trang bị vũ khí hạt nhân
Theo các chuyên gia an ninh, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel. Trong số này, Israel không xác nhận cũng như không phủ nhận sự tồn tại của vũ khí hạt nhân. Mỹ và Liên Xô là 2 quốc gia đầu tiên phát triển loại vũ khí này, tiếp đến là Anh, Pháp, Trung Quốc.
Hiện nay, Mỹ và Nga chiếm tới gần 90% trên tổng số 13.500 đầu đạn hạt nhân của thế giới. Theo Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, Mỹ có khoảng 5.800 đầu đạn hạt nhân, trong khi Nga có 6.375 đầu đạn. Cả 2 nước đã triển khai khoảng 1.350 đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hoặc máy bay ném bom.
Trung Quốc có kho vũ khí hạt nhân tương đối khiêm tốn với khoảng 250 đầu đạn và bom hạt nhân. Nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964.
Nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân
Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua năm 1968 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/3/1970. Kể từ đó đến nay đã có 191 quốc gia tham gia, trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp. Các nước này được phép giữ lại các vũ khí hạt nhân của mình, nhưng đang có chiều hướng cắt giảm số lượng. Ấn Độ, Pakistan và Israel không tham gia hiệp ước này, Triều Tiên đã rút khỏi hiệp ước năm 2003 và nước này đã 6 lần thử nghiệm vũ khí hạt nhân kể từ năm 2006.
Số lượng bom và thiết bị hạt nhân bị mất hoặc thất lạc
Theo Viện Brookings, Mỹ đã bị mất 11 quả bom hạt nhân trong các vụ tai nạn. Vào ngày 5/2/1958, Không quân Mỹ đã đánh mất một quả bom khinh khí nặng 3.500kg ở Wassaw Sound thuộc bang Georgia và cho đến nay quả bom này vẫn chưa được tìm thấy.
Năm 1965, máy bay ném bom A-4 Skyhawk chở vũ khí hạt nhân B43 đã được nạp sẵn của Hải quân Mỹ đang di chuyển lên tàu USS Ticonderoga để chuẩn bị tập trận thì xảy ra sự cố. Nó chệch khỏi thang kéo và nhanh chóng chìm sâu 5km dưới mặt nước biển. Không rõ quả bom đã phát nổ hay chìm sâu dưới lỏng biển. Đến năm 1968, một máy bay B-52 chở 4 quả bom hạt nhân đã bị rơi ở Greenland. Ít nhất ba quả đã vỡ tan. Với phần lớn mảnh vỡ thu thập được, các nhà điều tra phát hiện họ không tìm thấy bất kỳ mảnh nào của quả bom thứ 4. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc khác khiến thiết bị hạt nhân của Mỹ bị nổ hoặc thất lạc.
Một nghiên cứu năm 1989 cho thấy 50 đầu đạn và 9 lò phản ứng hạt nhân đã bị mất tích dưới đáy đại dương do hậu quả của các vụ tai nạn liên quan đến phương tiện chiến đấu của Mỹ và Liên Xô ở thời điểm đó.
Quả bom hạt nhân có kích thước bằng 1 chiếc xe tải
Bom B53 được đưa vào sử dụng từ năm 1962 khi tình hình căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh lên đến đỉnh điểm. Quả bom này nặng hơn 3,7 tấn và có kích cỡ tương đương một xe tải nhỏ, có thể phá hủy những cơ sở nằm sâu bên dưới lòng đất. Đến năm 1997, nó được đưa ra khỏi kho dự trữ các loại vũ khí hạt nhân đang hoạt động và sau đó bị tháo rời vào năm 2011.
Vũ khí hạt nhân lớn nhất trong kho dự trữ của Mỹ
Dù có kích thước khủng nhưng B53 chưa phải là vũ khí hạt nhân lớn nhất của Mỹ. Loại vũ khí lớn nhất trong kho dự trữ của Mỹ là B83, có đương lượng nổ 1,2 megaton. Sức công phá của nó lớn gấp 80 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Với 35% năng lượng, tất cả mọi người trong vòng bán kính 420km sẽ bị bỏng cấp độ 3 do phóng xạ nhiệt của vụ nổ tạo ra. Với 50% năng lượng , B83 đã có thể "thổi bay" mọi công trình trong bánh kính 16,8km.
Kế hoạch kích hoạt bom hạt nhân trên Mặt Trăng
Không quân Mỹ từng ấp ủ kế hoạch tối mật nhằm kích nổ một quả bom hạt nhân trên Mặt Trăng như một cách thức phô diễn sức mạnh quân sự vào thời kỳ cao trào của Chiến tranh Lạnh. Nhà thiên văn học Carl Sagan là người đưa ra mô hình toán học cho vụ nổ này. Vào thời điểm đó, các nhà khoa học tin rằng có thể có sự sống của vi sinh vật trên Mặt Trăng và Sagan đã đề xuất kích hoạt một vụ nổ hạt nhân để phát hiện các sinh vật này.
Chương trình "Nổ hạt nhân vì kinh tế quốc gia" của Liên Xô
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô bắt đầu khám phá khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích hòa bình, chẳng hạn như tạo kênh đào, hồ chứa hay khoan dầu. Một trong những cuộc thử nghiệm nổi tiếng nhất là vụ thử hạt nhân tại Chagan, cạnh bãi thử Semipalatinsk ở Kazakhstan vào tháng 1/1965.
Vụ thử nghiệm này nhằm kiểm trả khả năng sử dụng hạt nhân để tạo ra các hồ chứa. Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên và lớn nhất trong kế hoạch sử dụng hạt nhân cho chương trình Kinh tế Quốc gia. Họ đã đặt một thiết bị hạt nhân 140 kiloton trong một hố sâu 178m dưới lòng sông Chagan. Khi thiết bị phát nổ, một hố rộng 400m và sâu 100m hình thành. Sau đó, người ta đào kênh để dẫn nước vào hồ. Vụ thử nghiệm khiến nước ở hồ Chagan bị nhiễm xạ và có mức phóng xạ cao gấp 100 lần mức cho phép.
Hồ Chagan có mức phóng xạ cao gấp 100 lần mức cho phép. Ảnh: Getty
Vật thể kỳ lạ xuất hiện từ vụ thử bom hạt nhân đầu tiên trên thế giới
Mỹ tiến hành vụ thử bom nguyên tử đầu tiên tại Trinity, thuộc bang New Mexico của Mỹ vào năm 1945. Sức nóng của vụ nổ đã khiến cát ở khu vực xung quanh chuyển thành vật liệu giống thủy tinh, được gọi là "Trinitite", đặt theo tên của địa điểm xảy ra vụ nổ. Bên trong trinitite, các nhà khoa học phát hiện ra một dạng vật chất hiếm được gọi là "giả tinh thể" (quasicrystal).
Theo: Hồng Anh / VOV
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.