Sunday, October 13, 2024

CHARLES I.D. LOOFF: NGƯỜI TẠO RA VÒNG QUAY NGỰA GỖ

Trong mục ‘Hồ sơ lịch sử’ kỳ này, chúng ta gặp gỡ một thợ chạm khắc gỗ nhập cư tới Brooklyn và thay đổi tương lai của vòng quay ngựa gỗ.

Gia đình Looff chụp ảnh bên Vòng quay ngựa gỗ Công viên Crescent, công trình do ông Charles Looff xây dựng tại Riverside, Rhode Island, từ năm 1905 đến năm 1910. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Trong suốt thời niên thiếu vào những năm 1860, ông Karl Jurgen Detlev Looff bắt đầu làm nghề chạm khắc gỗ. Về sau, năng khiếu thiết kế nghệ thuật bằng gỗ của ông đã có ảnh hưởng đáng kể đến giới giải trí.

Những xung đột và hậu quả địa chính trị đã giải thích vì sao nhiều nguồn tin thường cho rằng ông Looff (1852–1918) là người Đan Mạch hoặc người Đức. Ông được sinh ra tại Công quốc Holstein. Trước khi ông chào đời vào năm 1852, Công quốc này có một lịch sử thú vị. Nơi đây trở thành một quận trong Thánh Chế La Mã vào năm 1111 và rồi là một công quốc từ năm 1459 đến năm 1815. Sau năm 1815, công quốc được sáp nhập vào Liên bang Đức — cũng phù hợp thôi, vì phần lớn người sống trong công quốc này đều là người Đức.

Ông Looff lớn lên trong thời kỳ xung đột quân sự giữa Đan Mạch, Phổ, và Áo. Đan Mạch bắt đầu cố gắng thôn tính công quốc này vào khoảng năm 1864. Sau hai năm xung đột tiếp theo, Đan Mạch thất bại, Holstein trở thành một phần của nước Áo (1864) và rồi là nước Phổ (1866).

Ông Charles l.D. Looff là người nhập cư tới Hoa Kỳ. Ông đã thành công trong việc xây dựng những vòng quay ngựa gỗ ở nhiều thị trấn ven biển trên toàn quốc. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Đến Hoa Kỳ

Vào năm 1870, khi 18 tuổi, ông Looff di cư tới Hoa Kỳ. Theo nhiều nguồn tin, ông đã đổi tên thành Charles I.D. Looff khi nhân viên hải quan ở Đảo Ellis hỏi tên đệm của ông. Nhân viên đó giải thích rằng ông cần tên đệm cho giấy tờ tùy thân của mình (Tức là I.D). Để ý thấy chữ viết tắt trước mặt, ông chọn I.D làm tên đệm.

Khi ông Looff định cư ở Brooklyn, New York, ông sớm bắt đầu làm việc cho một công ty nội thất với công việc thợ chạm khắc gỗ. Thú vị là, ông cũng dạy khiêu vũ. Thông qua đó, ông gặp người vợ tương lai của mình. Họ kết hôn vào năm 1874.

Ông Looff chuyển tới Brooklyn vào một thời điểm rất thích hợp. Sau khi cuộc Nội chiến kết thúc, khi ông Looff vẫn đang ở Holstein, Đức, Thời đại Mạ vàng của Mỹ quốc bắt đầu. Kỷ nguyên này kéo dài cho đến đầu những năm 1900 và tạo ra những thành tựu kiến trúc, những tiến bộ công nghệ vĩ đại. Cụ thể hơn, sự mở rộng và phát triển của Brooklyn, đặc biệt là khu vực dọc theo bờ biển của nơi này vào thời điểm ông Looff đến [đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông].

Vòng quay ngựa gỗ ở khu vực Coney Island

Sự cạnh tranh giữa Bãi biển Brighton, Bãi biển Manhattan, và Coney Island thật khốc liệt, khi các nhà đầu tư và thương nhân đua nhau xây dựng những khách sạn đẹp hơn, những nhà hàng cao cấp hơn, địa điểm giải trí hào nhoáng hơn, và những cung đường đi tới biển nhanh hơn. Khi những người dân địa phương và khách du lịch tiếp tục đổ về các bãi biển phía nam Brooklyn, ông Looff đã nảy ra một ý tưởng nhằm tăng thêm sức hấp dẫn cho các điểm đến bên bờ biển này.

Vòng quay ngựa gỗ đầu tiên mà ông Looff xây dựng được lắp đặt tại công trình Mrs. Vanderveer’s Bathing Pavilion tại khu Coney Island, New York, năm 1876. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Ông Looff áp dụng chuyên môn của mình vào việc chạm khắc những con vật từ gỗ. Trong khi Coney Island đang phát triển, tòa nhà Mrs. Vanderveer’s Bathing Pavilion được hoàn thành vào năm 1875. Công trình ba mái vòm này có một nhà hàng. Đó là địa điểm tuyệt vời để đặt một vòng quay. Vào năm tiếp theo, ông Looff đã xây dựng vòng quay ngựa gỗ và lắp đặt nó trong nhà hàng. Đây là vòng quay ngựa gỗ đầu tiên tại Coney Island, và đó chính là vòng quay đầu tiên trong nhiều vòng quay ngựa gỗ mà ông Looff xây dựng.

Ông Looff đã thay đổi cách thiết kế vòng quay ngựa gỗ bằng việc chọn tạo ra những “bản gốc” thay vì sử dụng các thiết kế có sẵn. Tất cả những con vật của ông đều mang diện mạo và phong cách khác nhau. Khi ông bắt đầu khắc những chú ngựa, công việc giúp ông trở nên nổi tiếng nhất về sau, ông đã tạo kiểu độc nhất cho từng chiếc bờm và biểu cảm gương mặt. Ngay cả miệng của những chú ngựa cũng có những biểu cảm khác nhau.

Trong suốt cuộc đời của mình, ông Looff xây hơn 50 vòng quay ngựa gỗ, nhưng những vòng quay ngựa gỗ thanh lịch và tự động này không phải là sáng kiến duy nhất của ông.

Tiếng gọi từ California

Ông Looff để lại dấu ấn của mình ở vùng đông bắc đất nước thông qua các hoạt động kinh doanh có trụ sở tại New York, sau đó dời đến Providence, Đảo Rhode. Đầu những năm 1900, ông Looff quyết định chuyển đến California để tiếp tục công việc của mình. Trước khi rời Providence, ông đã hoàn thành một vòng quay ngựa gỗ với 54 chú ngựa, để làm quà cưới cho con gái và con rể.

Giống như trải nghiệm của ông ở Brooklyn, ông đến California vào năm 1910, thời điểm các thành phố ven biển đang trải qua tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân. Trước khi đến California, ông Looff bắt đầu xây dựng một vòng xoay ngựa gỗ to lớn cho Công viên Santa Cruz Boardwalk. Vòng quay ngựa gỗ với 73 chú ngựa và hai cỗ xe La Mã này được chuyển đến lối đi lót ván dọc bờ biển và lắp đặt vào năm 1911. Ông Looff cũng xây dựng trường đua ngựa để đặt vòng quay ngựa gỗ. Sau hơn một thế kỷ, vòng quay này vẫn hoạt động ở công viên Boardwalk.

Việc ông Looff di chuyển tới California ngay lập tức tạo nên ảnh hưởng. Cách khoảng 350 dặm về phía nam Santa Cruz, kỹ năng sáng tạo của ông Looff là rất cần thiết. Bãi biển Santa Monica nhận thấy mình đang phải cạnh tranh khốc liệt với khu Ocean Park và Venice Beach, chẳng khác gì các bãi biển ở Brooklyn cạnh tranh với nhau.

Ông Looff đã chứng minh năng lực sáng tạo của mình ngay cả trước khi ông đặt chân đến California. Việc cho phép ông nắm quyền dẫn dắt tương lai của ngành giải trí bờ biển tại Santa Monica là điều không thể bàn cãi. Ông Looff đã thiết kế và xây dựng Bến tàu Giải trí Looff. Để đến bến tàu, mọi người đều cần đi qua Trường đua ngựa Looff, vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Tòa nhà được thiết kế trang nhã này có 12 tháp sọc với những bức tường xẻ rãnh châu mai giống kiểu lâu đài trên những tháp góc, cùng với mái vòm củ hành kiểu Nga. Vòng quay bên trong có những chú ngựa gỗ và 1,100 bóng đèn điện. Đây là vòng quay ngựa gỗ cuối cùng mà ông Looff xây dựng. Bến tàu Giải trí Looff vẫn hoạt động cho đến ngày nay nhưng dưới cái tên khác, dễ nhận biết hơn: Bến tàu Santa Monica.

Cho dù bạn ở Bờ Đông hay Bờ Tây, bạn nhất định sẽ tìm thấy một vòng quay ngựa gỗ do ông Charles Looff xây dựng. (Ảnh: MusikAnimal/CC BY-SA 4.0)

Ông Looff để lại dấu ấn của mình trên khắp đất nước từ San Diego đến Spokane, Hoa Thịnh Đốn; từ Fair Park, Texas đến Meridian, Mississippi; từ Providence, Đảo Rhode, tới Coney Island. Sức ảnh hưởng của ông đối với việc xây dựng vòng quay ngựa gỗ vẫn tồn tại lâu dài như những công trình này; nhiều chiếc vẫn hoạt động cho đến ngày nay.

Nhật Phương biên dịch
Theo: epochtimesviet



No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.