Friday, October 18, 2024

HOẰNG NHẤT ĐẠI SƯ: GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI KHÔNG NÊN QUÁ THÂN THIẾT NHAU

Sau khi quen biết nhiều người, tôi nhận ra rằng, tất cả mọi ân oán đều là do con người quá gần gũi với nhau. Khi ta quá gần nhau, phiền phức sẽ xảy ra.


Điều này có thể áp dụng cho cả gia đình, đơn vị làm việc và thậm chí trong mối quan hệ bạn bè. Khi mối quan hệ còn tốt đẹp, họ có thể rất thân thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, khi có xích mích hoặc tranh cãi, mối quan hệ đó có thể trở nên căng thẳng và xa cách. Vì vậy, thân thiết quá mức sẽ dẫn đến phiền toái.

Trong giai đoạn cuối đời, đại sư Hoằng Nhất đã viết một bài thơ: “Quân tử chi giao, kỳ đạm như thuỷ. Chấp tượng nhi cầu, chỉ xích thiên lý.” Ý nói rằng, tình cảm giao hảo của người quân tử nên nhạt nhẽo như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt. Tình cảm của người quân tử tuy đạm bạc nhưng lâu dài thân thiết, tình cảm của kẻ tiểu nhân tuy ngọt ngào, vồ vập nhưng lại dễ dàng dẫn đến tuyệt giao.

Lão Tử đã nói rằng: “Đại viết thệ, thệ viết viễn, viễn viết phản”. Nghĩa là Đạo lớn thì lưu hành không ngừng, lưu hành thì đi xa, đi xa thì trở về. Mối quan hệ cứ nóng lên thì nhất định sẽ nguội lạnh, đó là quy luật của vũ trụ.

Tôi luôn ít khi gọi điện thoại cho bạn bè, thậm chí khi họ để lại tin nhắn trên trang cá nhân, tôi cũng không trả lời, tin nhắn trên QQ, đôi khi tôi cũng quên trả lời. Tôi cảm thấy cứ đơn giản, bình thường là tốt nhất. Dù lâu lâu mới gặp nhưng chúng tôi vẫn là bạn bè. Vì trong ấn tượng của chúng tôi, những kỷ niệm tốt đẹp của quá khứ vẫn được lưu giữ lại.

Giữa người với người, cần phải giữ khoảng cách. Khi nói chuyện với mọi người, cần phải giữ khoảng cách nhất định. Khoảng cách này thể hiện trong cách nói chuyện, phải nói ít lại, nói nhiều hóa ra vô nghĩa, không có ích lợi gì cả. Cho dù là vợ chồng, cha mẹ hay những người trong gia đình, cần phải giữ khoảng cách phù hợp, có khoảng cách thì mới có tình cảm.

Trước đây tôi có quen biết một chị cấp trên. Vì chúng tôi quá thân thiết, cô ấy bèn nói với tôi rằng: “Em đừng nói cho chị nghe về Phật pháp, em có thể độ hóa người khác, nhưng em không thể độ hóa được chị.” Tôi suy nghĩ và cảm thấy cũng đúng, chúng tôi quá gần gũi nhau. Sau đó cô ấy rời khỏi Hạ Môn, tôi cũng lười liên lạc, vì vậy dần dần cô ấy có thể nhớ đến công đức của tôi, nhớ đến những lời tôi nói và thấy rằng lời nói của tôi có lý. Sau đó, cô ấy thích xem trang cá nhân của tôi và dần giác ngộ được nhiều điều. Vì vậy tôi nhận ra rằng vẫn cần phải giữ khoảng cách nhất định.

Tôi đã đọc được một câu nói, tại sao bên cạnh Phật Đà lại từng xuất hiện tỳ khưu La Hầu La và kẻ phản bội như Đề Bà Đạt Đa. Đó là do ở quá gần, gần đến mức không thể nhìn thấy công đức của đối phương, không thể quan sát được pháp thân của đối phương. Do vậy họ không nhìn thấy 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật, mà chỉ nhìn thấy 14 chủng xấu của Đức Phật. Vì ở quá gần nên thiếu tâm cung kính, không thể nhìn thấy công đức của Đức Phật. Khi quá thân thiết, lòng tham thường phát sinh, mà lòng tham này lại là căn nguyên của lòng oán hận về sau. Nếu không có tình yêu thì cũng sẽ không có oán hận.


Vì quá thân cận, Đức Phật thực sự không có cách nào độ hóa được họ, nhưng họ lại thường thấy các khiếm khuyết của Đức Phật. Thỉnh thoảng tôi hay nhớ đến một câu nói của Đạo sư Truyền Hỷ: “Các con cần phải rời xa ta, hãy xem khải thị của ta, suy nghĩ về ta là đủ, không cần phải gần gũi ta”. Rất nhiều người khi gần gũi, thường không thể nhìn thấy công đức của đối phương mà chỉ nhìn thấy khiếm khuyết của nhau, đây không phải là một hình thức tạo nghiệp hay sao?

Mối quan hệ giữa con người với nhau thật sự rất thú vị, nếu thiếu lòng tôn trọng thì rất khó để duy trì. Điều này cũng áp dụng cho mối quan hệ vợ chồng. Chúng ta nói về việc cần có ân cần và uy nghiêm, chỉ có như vậy mới có thể duy trì mối quan hệ tốt. Giống như Ân Sư của tôi, khi Người nổi giận, ai trong đền Quan Âm cũng đều sợ Người, khi Người vui vẻ trở lại, chúng tôi cũng dễ chịu hơn. Trên người Sư Phụ có mang theo trường năng lượng, vì vậy khi chúng tôi nghĩ đến Người, chúng tôi sẽ cảm nhận được lực gia trì, cảm nhận được lòng tôn kính. Chúng tôi có thể phát lòng tôn kính đối với Sư Phụ, đó cũng đều là do công đức của Người.

Tôi nhớ có một Pháp Sư đã giảng câu này, khi bạn thật sự gặp được Đức Phật, bạn sẽ không còn ý định trở thành Đức Phật nữa. Vì Đức Phật là như vậy, rất đơn giản, rất bình thường. Vì vậy khi bạn gặp gỡ, bạn sẽ cảm thấy Đức Phật cũng chỉ vậy thôi. Làm sao chúng ta có thể nghĩ đến việc trở thành một vị Phật? Những người thực sự có công đức, trông họ cũng rất bình thường, khi chúng ta chưa có phúc báo thì thường sẽ không nhìn thấy được công đức của đối phương.

Sự hòa hợp giữa con người với nhau thực sự là một nghệ thuật, là kiến thức quan trọng trong cuộc sống. Việc học điều này thật là khó khăn. Tôi nghĩ có một điểm quan trọng, trước hết là hãy mang tâm lý không đòi hỏi bất cứ điều gì từ đối phương. Sau đó, hãy làm nhiều việc cho đối phương, qua đó mối quan hệ sẽ dần tốt hơn. Nhiều mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn và bị hủy hoại vì đặt quá nhiều kỳ vọng lên người kia. Đó là nguyên nhân dẫn đến mọi người trở mặt nhau.

Giao tình của quân tử cần phải nhạt như nước. Hãy để mọi người sống một cuộc sống bình thường, không cần quá nhiều sự tốt đẹp qua lại. Đồng thời cần phải biết ơn mọi điều người khác đã mang lại cho chúng ta, có như vậy mối quan hệ mới có thể bền vững. Vợ chồng với nhau mà không có lòng biết ơn thì sẽ trở thành những kẻ đòi nợ lẫn nhau. Hai kẻ đòi nợ cùng chung sống với nhau, liệu có thể hạnh phúc được không? Giữa người với người, nếu không có lòng biết ơn thì đó chỉ là một hình thức trả nợ, khi nợ trả xong thì mọi thứ liền kết thúc. Lần sau lại muốn đối phương đối xử tốt với mình nữa thì đều không thể. Chung quy lại đều là do luật nhân quả.


Càng gặp nhiều người, tôi càng tin vào vận mệnh, càng tin vào mối quan hệ giữa con người, đó thực sự là do duyên phận. Mối nhân duyên này nói dễ nghe thì gọi là ân, nói khó nghe thì gọi là nợ. Có duyên có nợ, có ân có oán. Chỉ vậy thôi. Tôi đã chứng kiến một cô gái cùng trường, yêu một người đàn ông đã kết hôn. Mặc dù người đàn ông này thường đánh cô ấy, nhưng cô ấy không hiểu tại sao vẫn yêu anh ta. Tôi nói rất đơn giản. Bạn nợ anh ta tình cảm, anh ta thì nợ bạn tiền. Chỉ đơn giản như vậy. Cuối cùng sau khi nợ đã trả xong thì sẽ giải thoát. Vì vậy, khi người khác tốt với chúng ta, hãy có lòng biết ơn. Nếu không biết ơn, không biết báo ân, duyên số sẽ rất ngắn ngủi. Khi đối phương trả nợ xong, mọi thứ liền kết thúc, nhiệm vụ của họ đã hoàn thành.

Mỗi người khi đến thế gian này đều mang theo một hoặc một số nhiệm vụ quan trọng. Khi nhiệm vụ hoàn thành, họ sẽ rời đi. Mối nhân duyên giữa người với người cũng là một loại nhiệm vụ. Chỉ có vậy thôi. Nếu quan hệ qua lại nhẹ nhàng, chúng ta có thể tiếp tục mối nhân duyên tốt trong kiếp sau.

Lan Chi biên dịch
Nguồn: aboluowang (Tống Vân)
Link tham khảo:
https://www.aboluowang.com/2015/0606/567353.html

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.