Ảnh: Medical News Today.
Tình yêu của con người với hoa hồng luôn nồng cháy và mãnh liệt trong suốt chiều dài lịch sử. Hoa hồng xuất hiện trong thần thoại và truyền thuyết tôn giáo, hình ảnh cánh hoa hồng hiện diện trong các lăng mộ cổ, và loài hoa này thậm chí còn được cả hai phe sử dụng làm biểu tượng trong Cuộc Chiến tranh Hoa hồng đẫm máu tại nước Anh.Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi con người vẫn yêu thích loài hoa này cho đến ngày nay, đặc biệt là ở Morocco, nơi có lễ hội hoa hồng kéo dài tới ba ngày.
Nhưng hoa hồng không chỉ nổi tiếng vì hương thơm hay cánh hoa đẹp. Nước hoa hồng – một loại chất lỏng với mùi thơm ngọt ngào được chiết xuất từ cánh hoa hồng thông qua quá trình chưng cất hơi nước – cũng xuất hiện trong nhiều loại sản phẩm phổ biến trong đời sống, từ món tráng miệng cho đến các sản phẩm cải thiện sức khỏe, nước cân bằng da (toner) và sản phẩm chăm sóc sắc đẹp. Thị trường nước hoa hồng toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên tới 921 triệu USD vào năm 2032, theo National Geographic.
Người ta đã tìm thấy những mô tả về các chất cô đặc và tinh dầu chiết xuất từ hoa hồng và quả hồng (phần còn lại sau khi hoa tàn) từ thời Lưỡng Hà cổ đại, với các ghi chép trên những tấm bảng chữ hình nêm có niên đại từ năm 2630 trước Công nguyên.
Để tạo ra hương thơm ngọt ngào và mùi hương đặc trưng của nước hoa hồng, những người thu hoạch thường hái hoa vào buổi sáng sớm. Đây là thời điểm lý tưởng khi nụ hoa chưa nở hoàn toàn nhưng đã được ánh nắng Mặt trời sưởi ấm, giúp đảm bảo tối đa tinh chất tự nhiên của hoa hồng.
Một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu gắn liền với nước hoa hồng là Ibn-i Sina. Ông là một bác sĩ nổi tiếng trong triều đình Ba Tư vào thế kỷ 10 trước Công nguyên. Ông khuyến nghị dùng nước hoa hồng để chữa nhiều bệnh, từ say rượu cho đến các vấn đề trí nhớ, bệnh về mắt và đau đầu. Ông cũng được coi là người đầu tiên sử dụng hơi nước để chưng cất tinh dầu hoa hồng.
Thiết bị chưng cất nước hoa hồng theo cách truyền thống tại hợp tác xã Flora Sina Rose ở Maroc. Ảnh: Rena Effendi
Kể từ đó, nước hoa hồng đã trở thành một phương thuốc dân gian phổ biến, tồn tại song hành cùng các sản phẩm hiện đại hơn trong những quy trình làm đẹp và chăm sóc sức khỏe. Vào thế kỷ 19, nhiều phụ nữ thường xuyên sử dụng mặt nạ tự chế và các sản phẩm trang điểm, bao gồm “Bloom of Roses” – một hỗn hợp của nước hoa hồng, amoniac lỏng, carmine và cồn.
Nước hoa hồng đã đồng hành cùng với con người trong suốt một thời gian dài. Nhưng niềm tin của chúng ta về lợi ích sức khỏe của nó có thực sự đúng đắn hay không?
Trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa thể chứng minh những lợi ích của nước hoa hồng một cách rõ ràng bằng thực nghiệm. Hầu hết các nghiên cứu về lợi ích tiềm năng của nó – chẳng hạn như khả năng làm giảm lo âu, làm sáng hoặc mịn da – chủ yếu được thực hiện trong lĩnh vực y học thay thế hoặc y học bổ sung, bao gồm cả phương pháp trị liệu bằng hương thơm. Nhưng các phương pháp này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng khoa học.
Dù vậy, điều đó không ngăn cản các nhà khoa học cố gắng hiểu rõ hơn về hoa hồng. Trong một bài viết trên tạp chí Molecules vào tháng 1/2021, Milka Mileva tại Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria và các cộng sự đã xem xét các nghiên cứu về những lợi ích sức khỏe tiềm năng của hoa hồng từng được công bố trên hàng chục tạp chí khoa học và tạp chí về y học thay thế. Họ phát hiện, chiết xuất từ hoa hồng có đặc tính kháng virus, kháng khuẩn và chống viêm, với hiệu quả khác nhau tùy theo quy trình sản xuất và nồng độ của tinh dầu hoa hồng.
Tuy nhiên, đa số các nghiên cứu mà Mileva trích dẫn đều được tiến hành trên cơ thể của động vật thay vì con người. Chỉ có một số ít các thí nghiệm về lợi ích sức khỏe của nước hoa hồng đối với con người, nhưng đối tượng thử nghiệm là các tế bào người trong phòng thí nghiệm thay vì trên cơ thể người sống.
Do đó, chúng ta không thể kết luận liệu con người có trải qua những tác động tương tự nếu sử dụng nước hoa hồng và các sản phẩm chiết xuất từ hoa hồng hay không. Ví dụ, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Puerto Rico Health Sciences vào năm 2019, các nhà khoa học tại Đại học Adnan Menderes (Thổ Nhĩ Kỳ) nhận thấy nước hoa hồng có tác dụng chống lại tổn thương DNA ở chuột chứ không phải ở người.
“Các nghiên cứu trên động vật rất hữu ích trong việc nhận biết một hợp chất nào đó có độc hại hay không, nhưng liều lượng và các phương pháp sử dụng trong những thí nghiệm này không thể áp dụng cho con người trong đời sống thực”, Lauren Plogh, bác sĩ tại Học viện Da liễu Mỹ, nhận định.
Tuy vậy, nhiều hóa chất riêng lẻ có trong nước hoa hồng đã được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Chúng bao gồm citronellol và tricosane – thành phần hương liệu trong các mỹ phẩm – cũng như phenyl ethyl alcohol, hợp chất đóng vai trò là chất bảo quản hoặc chất thơm trong một số sản phẩm chăm sóc sắc đẹp.
Mặc dù thiếu bằng chứng cụ thể cho thấy nước hoa hồng mang lại những lợi ích sức khỏe có thể đo lường được đối với con người, nhưng các nghiên cứu về những ứng dụng tiềm năng của nó vẫn đang diễn ra, từ nước súc miệng cho đến nước nhỏ mắt. Công dụng của nước hoa hồng trong lĩnh vực chăm sóc da – thường được dùng như một loại nước cân bằng da có mùi thơm – ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Ví dụ, trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Medicinal Food vào năm 2020, các nhà khoa học Hàn Quốc phát hiện nước hoa hồng có tác dụng làm trắng da và chống hình thành nếp nhăn.
Chúng ta có một số điều cần lưu ý khi sử dụng nước hoa hồng. Trước tiên, tình trạng dị ứng với nước hoa hồng có thể xảy ra, vì vậy các chuyên gia khuyên người mới sử dụng nên bắt đầu bằng việc thử một lượng nhỏ trên da để loại trừ phản ứng dị ứng.
“Một điều quan trọng nữa là bạn nên kiểm tra nhãn của bất kỳ sản phẩm nào mà bạn đang sử dụng để đảm bảo an toàn, đặc biệt là đối với thành phần phenyl ethyl alcohol trong nước hoa hồng”, Plogh cho biết. Hợp chất này có thể gây độc cho thai nhi ở liều lượng cao, chỉ được chấp thuận sử dụng trong mỹ phẩm với nồng độ tối đa 1%. Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ cũng lưu ý rằng hóa chất này có liên quan đến bệnh tự kỷ, bệnh celiac, viêm loét đại tràng và các rối loạn phát triển ở người.
Nước hoa hồng tự làm có khả năng gây nguy hiểm vì các hóa chất trong hỗn hợp có thể vượt ngưỡng liều lượng an toàn. “Việc sử dụng một sản phẩm nước hoa hồng có thành phần hoạt chất đã được biết rõ sẽ an toàn hơn so với sản phẩm tự làm tại nhà”, Plogh nhận định.
Theo National Geographic
Bá Lộc / Theo: KH&PT
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.