Chiều hôm đó, tôi cho nhân viên ra café Nhật Nguyên ngắm Đà Lạt hoàng hôn bên hồ Xuân Hương. Rồi bỗng buột miệng, tôi muốn đi dạo một vòng hồ… Nổi hứng nói thế thôi, chứ trong lòng cũng ngại. Nhưng nhìn ánh mắt chế diễu của đám nhân viên trẻ, tôi nổi cáu, … Ngồi yên đó, chờ tao về.
Tôi khởi đầu từ cầu Ông Đạo, đi vòng về hướng ngã ba Bùi Thị Xuân. Bề ngang của hồ ngắn, nên tưởng bở, nhưng chiều dài của nó thì lòng vòng, nhìn trước tưởng bờ, đến gần là khúc nghẹo, và cứ thế… Thoạt đầu tôi cũng jogging bài bản hẳn hòi, sau đó chỉ là…thả bộ.
Thả bộ cũng đến lúc chùn chân. Tiến thì không biết còn vòng đến đâu. Thoái thì lại quá muộn. Nhìn qua bên kia hồ lại ngắn như tầm tay… Phone reo, sếp đi đến chỗ nào rồi, để đem xe đến đón đi ăn tối… Chúng nó đổ dầu vào lửa – Ngồi yên đó, chờ tao về rồi mới được đi…. Đi một quãng, phone lại reo. Không bắt máy.
Tất cả mất 90 phút. Vận tốc 4 km/giờ, chu vi hồ khoảng 6 cây số. Ai không tin, cứ thử. Với tôi đó là thành tích không (nên) tái diễn. Thành tích này xảy ra cách nay… 18 năm, khi tôi chưa là di dân Đà Lạt.
Hồ Xuân Hương dài như mỏ quạ. Nơi đây là thung lũng, nước từ những ngọn núi cao ở Lạc Dương, theo dòng suối Cam Ly qua hồ Than Thở, đến hồ Xuân Hương, rồi vòng vèo thêm nữa, qua rạch nước (hay cống rãnh?), đổ “ầm ầm” xuống thác Cam Ly.
Ít ai ngờ được, hồ Xuân Hương là hồ nước nhân tạo (mà đa số các hồ ở Đà Lạt đều thế). Trước đây hồ Xuân Hương là nguồn nước cung cấp cho Đà Lạt. Trước đây thôi, chứ bây giờ lấy nước từ em Xuân Hương uống có mà…chết (mẹ)!
Nước sinh hoạt cho Đà Lạt hiện nay lấy từ hồ Dankia và Suối Vàng. Hồ Suối Vàng còn hoang sơ và đẹp lạ thường… Thỉnh thoảng tôi vẫn lên Suối Vàng (lên chứ không phải xuống), ngồicafé quán cóc ngồi cả buổi, có khi chỉ mình tôi là khách duy nhất.
Gần Suối Vàng là hồ Dankia. Bác sĩ Alexandria Yersin năm xưa đã đề nghị chọn vùng Dankia để xây dựng thành phố. Một trạm nông nghiệp đã được dựng tạm nơi đây, nhưng khoảng 20 năm sau, không hiểu sao địa điểm Đà Lạt hiện nay lại được chọn.
Nhân đây cũng nói thêm một ngộ nhận khác, sách vở đều nói bác sĩ Yersin là người đầu tiên khám phá ra Đà Lạt. Thật ra, trước đó 30 năm, khi Pháp mới chiếm Nam Kỳ, Nguyễn Thông, một quan chức nhà Nguyễn đã lần mò đến cao nguyên Langbiang (Lâm Viên). Đến được đây, nghĩa là ông đã phải đi qua cao nguyên Di Linh có độ cao thấp hơn nhiều so với cao nguyên Langbiang (1.000 so với 1.500 mét). Nguyễn Thông đã đề nghị triều đình đưa quân đến nơi đây lập trại, chăn nuôi trồng trọt và chờ cơ hội tái chiếm. Đề nghị của ông bị bác bỏ.
Ông Tô Văn Lai, nguyên là chủ Paris by night, trước đây là sinh viên của Viện đại học Đà Lạt vào đầu thập niên 60, nửa đêm cùng bè bạn ra chơi hồ Xuân Xuân Hương đã thách đố, đứa nào bơi qua hồ bằng một tay sẽ thưởng cái radio-cassette. Vậy mà cũng có một tay sinh viên chấp nhận cuộc chơi điên cuồng đó chỉ vì món hàng đắt giá thời thượng thuở đó.
“Trông như bãi cứt trâu nổi lên từ mặt hồ”.
Hồ Xuân Hương đẹp vào những tháng cuối năm, khi sương mù bao phủ cả mặt hồ vào sáng sớm. Ven hồ gần nhà thủy cục, hơn 10 năm trước vào một tối khuya tháng 12, tôi đã gặp Kiều lão Đà Lạt và xe gỏi khô bò xắp xắp…
Giờ đây, người xưa không còn, cảnh vật quanh hồ thay đổi nhiều, công trình này nọ lổn ngổn hoành tráng. Quả cầu vàng xanh trên nóc siêu thị Big C bên bờ hồ trông thật kỳ dị. Cô bạn tôi, một tiến sĩ văn học ra chơi Đà Lạt, ngồi từ quán café Bích Câu nhìn ra, buột miệng, “Trông như bãi cứt trâu nổi lên từ mặt hồ”.
Vũ Thế Thành
Theo: saigonthapcam
No comments:
Post a Comment
Note: Only a member of this blog may post a comment.