Thursday, November 21, 2024

MÓN BACON TRONG KÝ ỨC

Sáng nay ăn lại một miếng bacon nhớ đủ thứ. Nhớ ông Paulus Của nói ba rọi là thịt nạc có lộn mỡ. Dân gian phái sinh ba rọi thành “pha tạp một cách lố lăng” (Hồ Ngọc Đức). Kiểu như ngày xưa mới học tiếng Tây, không biết “nhảy mũi” là éternuer khi khai bịnh với cha giáo kiêm thầy thuốc nhà bịnh mới xài tiếng Tây ba rọi là “sauter le nez” (sauter: nhảy; le nez: lỗ mũi).


Cha giáo Nédélec phụ trách nhà bịnh nhờ ngày xưa từng làm y tá chiến trường trong WWII. Tưởng tượng cái bộ xương cách trí của ông ấy xách thùng cứu thương lon ton nơi sa trường thấy ngồ ngộ…

Vậy thì cũng có thể gọi thịt ba rọi mỡ nạc lộn nhau là thịt ba lăng nhăng, tại sao không?

Ba rọi muối theo nhiều nguồn rập khuôn nói rằng có nguồn gốc bên Tàu vào khoảng 1500 trCN. Nhưng không thấy dẫn chứng. Nói đến bên Tàu mới nhớ sách “Việt sử tiêu án” cũng nói “ở bên Tàu”, mà sao ông Paulus Của lại giải thích từ “bên Tàu” mới có gần đầy do giao thương với chệc?


Vào thế kỷ 12, một nhà thờ ở thị trấn GreaMón bacon trong ký ứct Dunmow của Anh đã hứa tặng một phần thịt xông khói cho bất kỳ người đàn ông đã lập gia đình nào có thể thề trước cộng đoàn và Chúa rằng ông ta đã không cãi nhau với vợ mình trong một năm một ngày. Người chồng giỏi “mang thịt xông khói về nhà” được cộng đoàn đánh giá cao vì sự nhẫn nại.

Ba chỉ xông khói không chỉ làm từ heo mà còn từ “game” – GS Google translate dịch là thịt “trò chơi” – như nai và gà lôi. Từ game có lẽ ngày xưa luôn cả việc đi săn vào như một loại trò chơi chăng? Thịt thà từ việc đi săn mang tên là game chăng?

Mỗi lần ra nước ngoài, món comfort food của tôi buổi sáng bao giờ cũng là vài lát bacon, một lát sandwich và hủ yogurt lạc. Gọi là món comfort food (món tẩm quất) vì trước mặt thức ăn ê hề quá, người Việt phồn thực khiến mình muốn tuột mood vì khiếp hãi.


Yogurt lạc ở Thụy Sĩ sao mà ngon quá. Khi ăn sữa chua lạc của bà Mai Kiều Liên mới nhớ quay quắt món bên trời tây. Vi khuẩn trong món đó ở bển chắc chắn bảo đảm vì có hiệp hội tư nhơn quản lý. Vi khuẩn trong món đó bên này chỉ có tivi quản lý. Tôi hỏi ông bạn, ông chỉ nói một câu chỉ có sữa chua ở Việt Nam là sống trên kệ thuộc hàng vô địch thế giới.

Mỗi năm tôi chỉ có ba cơ hội được má cho ăn món bacon. Tuy là đồ hộp Mỹ và ba tôi là lính đồng minh của Mỹ, nhưng lon đồ hộp Mỹ lại do thị trường quản lý, muốn có cho các con ăn Má tôi phải lăn ra chợ. Suốt quảng đời trung học đệ nhứt cấp, tôi học theo học chế tam cá nguyệt. Mỗi năm ba học kỳ, kết thúc học kỳ sẽ thi viết và vấn đáp – ngắn chớ không dài dằng dặc như ngư tiều vấn đáp của bác sĩ Nguyễn Đình Chiểu. Sau đó được nghỉ chừng một chục ngày vào hai kỳ đầu và nghỉ dài hơn vào kỳ thứ ba nhằm vào mùa hè. Từ đó, miếng ba chỉ xông khói mặn mà của Mỹ găm một nhát poignard vào trong ký ức ẩm thực của tôi.


Phải lâu lắm kể tử thuở thập niên 1970 ấy đến những năm cuối của thập niên 1990, lúc sang Thái Lan, tôi mới tương phùng với loại bacon dây xoắn như hình AND. Vừa ăn, vừa bị xô ngã vào những ngày của thuở ấu thơ thần tiên. Thuở đó Nha Trang yên vui làm sao mặc dầu miền Nam đang khét lẹt mùi chiến tranh. Còn nhỏ chẳng biết khỉ gì về súng ống, bom đạn ý thức hệ. Về sau này mới hay bacon loại dây xoắn đó là đặc trưng của người Mỹ.

Những chuyến đi nước ngoài về sau này buổi sáng nào tôi cũng miêu thực vài lát bacon dây xoắn với lát sandwich như một thứ kinh nhựt tụng bằng tiếng La-tinh mà các ông cha nhà thờ đọc mỗi ngày, có ông – 75%, một cựu giáo sĩ áng chừng với tôi – không hiểu điều mình đọc nghĩa là gì cả.

Trần Công Khanh
Theo: saigonthapcam