Diễm sắc thiên hạ trọng,
Tây Thi ninh cửu vi.
Triêu vi Việt khê nữ,
Mộ tác Ngô cung phi.
Tiện nhật khởi thù chúng,
Quý lai phương ngộ hy.
Yêu nhân phó chi phấn,
Bất tự trước la y.
Quân sủng ích kiêu thái,
Quân liên vô thị phi.
Đương thì hoán sa bạn,
Mạc đắc đồng xa quy.
Trì tạ lân gia tử,
Hiệu tần an khả hy.
西施詠 - 王維
艷色天下重,
西施寧久微。
朝為越溪女,
暮作吳宮妃。
賤日豈殊眾,
貴來方悟稀。
邀人傅脂粉,
不自著羅衣。
君寵益驍態,
君憐無是非。
當時浣紗伴,
莫得同車歸。
持謝鄰家子,
效顰安可希。
Vịnh Tây Thi
(Dịch thơ: Tản Đà)
Thế gian, sắc đẹp ai bì,
Tây Thi khôn nhẽ hàn vi suốt đời.
Sớm còn gái Việt bên ngòi,
Cung Ngô, tối đã lên ngồi cạnh vua.
Lúc hèn, ai chẳng hơn thua,
Khi sang mới biết đời chưa mấy người.
Phấn son gọi kẻ tô, giồi,
Áo là em mặc, có người xỏ tay.
Vua yêu càng lắm vẻ hay;
Vua thương, phải trái mặc bay sá gì.
Đặt xa những bạn đương thì,
Cùng xe chẳng được đi về với ta.
Xin van cô ả bên nhà,
Cũng đòi “nhăn mặt” khó mà như nhau.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Vương Duy 王維 (699-759) tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm nên Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Ông tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ vương Lý Phạm mến tài, đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại nhạc thừa rồi bị giáng làm Tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung thư lệnh, ông được mời về làm Hữu thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian.
Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài Ngưng Bích trì. Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm Hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.
Nguồn: Thi Viện