Tuesday, April 8, 2025

BIẾN CỐ KHIẾN MỸ GIỚI HẠN NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG

Việc tổng thống Roosevelt qua đời khi vừa bước vào nhiệm kỳ thứ 4 khiến các nghị sĩ Mỹ phải đặt câu hỏi về thời gian nắm quyền của người đứng đầu Nhà Trắng.

Tổng thống Franklin D. Roosevelt trong buổi trò chuyện "bên lò sưởi" đầu tiên trên đài phát thanh tại Washington vào năm 1933. Ảnh: AP

Năm 1940, gần như cả nước Mỹ rơi vào khủng hoảng và không mong gì hơn ngoài một liều thuốc tinh thần. Đang chật vật ngoi lên từ cuộc Đại suy thoái, vẫn còn mang trong mình nỗi đau mất mát từ Thế chiến I và rùng mình trước cảnh Thế chiến II đang lan rộng khắp châu Âu, người dân Mỹ chỉ muốn thu mình lại, quây quần bên lò sưởi và trò chuyện với tổng thống được yêu mến của họ.

Kể từ khi tổng thống đảng Dân chủ Franklin D. Roosevelt mở ra chương trình "trò chuyện bên lò sưởi" trên đài phát thanh vào năm 1933 để trấn an những người dân lo âu về cuộc Đại suy thoái cũng như giải thích các chính sách của chính quyền, cử tri Mỹ đã hình thành sợi dây gắn kết chưa từng có với ông. Khi ông chạy đua vào Nhà Trắng cho nhiệm kỳ thứ ba, ổn định đất nước là chủ đề tranh cử chính.

"Tôi đã nói điều này trước đây, nhưng tôi sẽ nói đi nói lại nhiều lần nữa: Con trai của các bạn sẽ không bị đưa vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài", tổng thống Roosevelt phát biểu khi vận động tranh cử tại Boston ngày 30/10/1940. "Họ đang được huấn luyện để tạo nên một lực lượng mạnh mẽ đến mức, bằng chính sự tồn tại của mình, họ sẽ giữ mối đe dọa chiến tranh tránh xa chúng ta".

Ông sau đó giành chiến thắng vang dội với 54,7% số phiếu bầu trước ứng viên đảng Cộng hòa Wendell L. Willkie trong cuộc bầu cử ngày 5/11/1940.

4 năm sau, ông tiếp tục tranh cử và giành chiến thắng, trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ phục vụ 4 nhiệm kỳ. Nhưng nhiệm kỳ thứ tư của tổng thống Roosevelt lại kết thúc sớm, khi ông qua đời vào ngày 12/4/1945 vì xuất huyết não, chỉ hơn hai tháng sau khi nhậm chức.

Cái chết của ông khiến các cuộc thảo luận về giới hạn nhiệm kỳ trở nên cấp bách và hiện tại, nó lại được đốt nóng khi Tổng thống Donald Trump nêu ý tưởng về việc chạy đua cho nhiệm kỳ thứ ba.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nói về việc giành nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là tổng thống. Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images

Thực tế, ý tưởng về giới hạn nhiệm kỳ tổng thống đã có từ thời George Washington, người từng nêu rõ rằng việc "ngăn chặn một vị vua hay Caesar lãnh đạo một quốc gia non trẻ" là nguyên tắc cơ bản. Ông rời ghế sau khi phục vụ hai nhiệm kỳ với tư cách tổng thống được bầu cử dân chủ.

Tổng thống Thomas Jefferson cũng đồng tình và làm theo. Ông tự nguyện từ chức sau nhiệm kỳ thứ hai, giải thích rằng việc làm tổng thống liên tục sẽ khiến công việc này "trước tiên trở thành chức vụ trọn đời và sau đó là khiến nó có tính cha truyền con nối".

Mặc dù tổng thống Ulysses S. Grant và Theodore Roosevelt từng ngụ ý rằng họ sẽ theo đuổi nhiệm kỳ thứ ba, Mỹ đã chứng kiến 164 năm các lãnh đạo tuân theo tấm gương của Washington cho đến khi Roosevelt được bầu với 4 nhiệm kỳ.

Trong bài báo ngày 16/2/1947 về cuộc tranh luận liên quan đến giới hạn nhiệm kỳ, tờ Los Angeles Times lưu ý rằng có khoảng 140 đề xuất hạn chế quyền lực tổng thống đã được đưa ra giữa nhiệm kỳ thứ hai của Washington và nhiệm kỳ thứ ba của Roosevelt.

"Các thành viên Hội nghị Lập hiến lo sợ về chế độ chuyên quyền", hạ nghị sĩ Cộng hòa Chauncey Reed lập luận trước Hạ viện năm 1947, sau khi Tu chính án thứ 22 quy định một người chỉ được bầu tối đa hai nhiệm kỳ tổng thống được đề xuất.

Sau 4 lần thất bại bầu cử trước Roosevelt, phe Cộng hòa muốn thay đổi hiến pháp và giới hạn nhiệm kỳ tổng thống. Quan điểm này được một số đảng viên Dân chủ ở miền Nam bảo thủ ủng hộ.

Nhưng các đảng viên Dân chủ khác, sau quãng thời gian dài tổng thống Roosevelt cầm quyền, lại trở thành những người kiên định với chủ nghĩa nguyên bản hiến pháp và không muốn thay đổi nó.

Chủ nghĩa nguyên bản hiến pháp là một học thuyết pháp lý cho rằng việc giải thích hiến pháp nên dựa trên hiểu biết ban đầu tại thời điểm văn kiện được thông qua. Những người theo chủ nghĩa này cho rằng ý nghĩa của hiến pháp Mỹ là cố định và không nên thay đổi theo thời gian.

"Tôi nhớ rất rõ những người bạn Cộng hòa của tôi từng không ít lần kêu gọi 'bảo vệ hiến pháp'. Nhiều tuyên bố đã được họ đưa ra, những giọt nước mắt có thể đã rơi, vì hiến pháp", hạ nghị sĩ Dân chủ bang Illinois Adolph J. Sabath lúc bấy giờ nói, chế giễu nỗ lực sửa đổi hiến pháp của đảng Cộng hòa khi vận động bỏ phiếu cho "nghị quyết chống Roosevelt".

Tấm biển ủng hộ tổng thống Roosevelt tranh cử nhiệm kỳ thứ tư tại New York năm 1944. Ảnh: Bảo tàng và Thư viện Tổng thống Franklin D. Roosevelt

Hạ nghị sĩ Dân chủ John McCormack cho rằng Tu chính án thứ 22 sẽ hạn chế cử tri trong các tình huống thời chiến mà họ cần một tổng thống lãnh đạo liên tục, không gián đoạn.

"Tất nhiên, chúng ta đã có trải nghiệm này, nhưng tôi có thể hình dung ra viễn cảnh một, hai hoặc ba thế hệ sau nữa, khi người Mỹ bị cuốn vào một cuộc chiến mà họ bị dồn vào chân tường", McCormack nói. "Chúng ta sẽ không còn ở đây nữa. Chúng ta lúc đó đã qua đời hết rồi. Nhưng chúng ta sẽ áp đặt lệnh cấm này lên họ. Họ có thể bị dồn vào chân tường với một tổng thống sắp kết thúc nhiệm kỳ thứ hai".

Nhưng cái chết của tổng thống Roosevelt dường như đã tăng thêm sự ủng hộ cho đảng Cộng hòa. Tu chính án thứ 22 được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1947 và được nghị viện các bang phê chuẩn vào ngày 27/2/1951.

Tu chính án thứ 22 quy định: "Không người nào được giữ vị trí Tổng thống nhiều hơn hai nhiệm kỳ. Người đã giữ vị trí tổng thống hoặc quyền tổng thống hơn hai năm trong nhiệm kỳ của người khác không được bầu vào vị trí tổng thống thêm quá một nhiệm kỳ".

Kể từ đó, các nghị sĩ Mỹ đã không ít lần tìm cách bãi bỏ tu chính án này, như trong nỗ lực nhằm giúp tổng thống Ronald Reagan tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1988 hay chiến dịch kêu gọi hủy bỏ Tu chính án thứ 22 để bầu lại cho Bill Clinton năm 2000.

Thông thường, các nghị sĩ sẽ tìm cách giúp đảng của họ nắm quyền và duy trì quyền kiểm soát. Tuy nhiên, câu chuyện không phải lúc nào cũng như vậy.

Hạ nghị sĩ Dân chủ Steny H. Hoyer năm 2005 nói rằng ông không phải người ủng hộ tổng thống George W. Bush nhưng vẫn "thấy có những lý do hợp lý liên quan đến chính sách công để xóa bỏ" Tu chính án thứ 22.

"Việc giới hạn số nhiệm kỳ mà một tổng thống có thể phục vụ đã không được các nhà lập quốc thảo luận đầy đủ", ông viết, trích dẫn bài luận của nhà lập quốc Alexander Hamilton, trong đó lập luận rằng cử tri nên có quyền quyết định liệu họ có muốn một lãnh đạo tiếp tục tại vị hay không.

Dwight D. Eisenhower, cựu chỉ huy quân đội và tổng thống cực kỳ được lòng đảng Cộng hòa, từng cân nhắc tranh cử nhiệm kỳ thứ ba vào năm 1960, nhưng đã không thể thực hiện vì Tu chính án thứ 22. Một số nhà sử học nói rằng Tu chính án thứ 22 là "đòn nhắm vào Roosevelt, nhưng nó lại đánh trúng Eisenhower".


Ngay sau khi Tu chính án thứ 22 được phê chuẩn, Eisenhower đã nói rằng giới hạn nhiệm kỳ không "hoàn toàn sáng suốt". Ông tin cử tri "nên có quyền chọn bất kỳ ai mà họ muốn làm tổng thống, bất kể số nhiệm kỳ của người đó".

Trong một cuộc họp báo vào tháng 1/1960, khi được hỏi về động lực ủng hộ của mình đối với chiến dịch tranh cử của phó tổng thống Richard M. Nixon, Eisenhower cho hay điều duy nhất ông biết là ông "không thể ra tranh cử". Câu trả lời khiến cả đoàn báo chí bật cười.

Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)
Link tham khảo:



Monday, April 7, 2025

16 ĐIỀU THÚ VỊ VỀ VATICAN

Du khách đến Italy không thể bỏ qua thành Rome và một khi đến Rome họ nhất định ghé thăm Vatican - đất nước bé nhỏ và hiền hòa bậc nhất hành tinh.


Những bí mật thú vị về Vatican

Tuy khiêm tốn về mặt diện tích nhưng Vatican được xem là một trong những quốc gia quyền lực nhất hiện nay, là nơi ở chính thức của Đức Giáo Hoàng cùng các vị chức sắc tôn giáo của Giáo hội Thiên chúa giáo khác.

Gói gọn và ngăn cách với Rome bởi bức tường thành được xây dựng từ thời Trung cổ và giai đoạn Phục hưng, quốc gia quyền lực nhất thế giới này ẩn chứa nhiều điều thú vị mà có thể bạn chưa biết.

1. Vatican là quốc gia nhỏ nhất trên thế giới

Nằm gọn trong lòng nước Italy với chiều dài đường biên giới 2 dặm (3,2km), Vatican City State, tiếng Italy là Stato della Città del Vaticano hay thường gọi Vatican có diện tích 44 ha (chỉ bằng 1/8 công viên trung tâm ở New York, Mỹ). Vatican có chế độ chính trị quân chủ do giáo hoàng (Pope) đứng đầu, ngài chính là vị vua chuyên chế duy nhất ở châu Âu, nắm quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp tối cao.

Tiền tệ của Vatican là đồng Euro, đất nước có con tem, hộ chiếu, bảng số xe, quốc kỳ và quốc ca riêng. Một điểm mà chính phủ này không có là hệ thống thuế. Tiền bán vé vào bảo tàng, tem và quà lưu niệm cùng sự đóng góp từ nhiều tổ chức là nguồn thu nhập của Vatican.

2. Nhà thờ thánh Peter nằm trên một nghĩa trang cổ

Vatican với quảng trường thánh Peter nhìn từ trên cao. (Ảnh: womenofgrace.com)

Xưa kia, nghĩa địa của La Mã nằm trên ngọn đồi Vatican. Khi một trận hỏa hoạn lớn san bằng thàng phố vào năm 64 sau CN, hoàng đế Nero đã tìm cách “mượn gió bẻ măng” và ghép tất cả những người theo Cơ Đốc giáo vào tội đã gây ra vụ cháy. Ông đã cho hành hình họ bằng cách thiêu trên cột, xé xác bởi những quái thú và đóng đinh trên giá. Trong số đó có thánh Peter người đứng đầu nhóm tông đồ của Jesus và cũng là vị giám mục đầu tiên của La Mã. Thi hài ông được cho là an táng tại đồi Vatican.

Vào thế kỷ thứ 4, Cơ Đốc giáo được thừa nhận một cách hợp pháp tại Rome, hoàng đế Constantine bắt đầu cho xây dựng nhà thờ trên khu mộ cổ và nơi an nghỉ của thánh Peter được tin là nằm chính giữa công trình. Ngôi nhà thờ hiện tại được bắt đầu khởi công vào những năm 1500.

3. Tháp đá chính giữa quảng trường thánh Peter là do hoàng đế Cligula mang về

Trong thời kỳ trị vì, hoàng đế La Mã Caligula đã cho xây dựng một bùng binh trong khu vườn của mẹ ông ngay dưới chân đồi Vatican. Ông dùng nơi này để huấn luyện các chiến xa binh và người ta tin rằng những người theo Cơ Đốc giáo bị hành hình chính tại đây. Để trang trí cho quảng trường, Caligula cho quân đội mang về từ Ai Cập một tháp môn vốn được dựng ở Helioplis.

Ngọn tháp này làm từ đá granite đỏ nguyên khối có trọng lượng hơn 350 tấn được dựng lên dưới thời các Pharaoh ở Ai Cập khoảng trên 3.000 năm trước. Năm 1586, nó được mang về quảng trường thánh Peter với mục đích trang trí và cũng đồng thời tạo thành chiếc đồng hồ mặt trời khổng lồ.

Tháp môn chính giữa quảng trường do hoàng đế Cligula cho mang về. (Ảnh wpr.org)

4. Khoảng 60 năm trong thế kỷ 19, các giáo hoàng từ chối rời Vatican

Khi Vatican còn là một bang nằm trong lãnh thổ Italy với tên gọi Papal States, các giáo hoàng từ chối thừa nhận Vatican tồn tại dưới sự quản lý của Italy. Giáo hoàng Pius IX (13/3/1792 - 7/2/1878, triều đại: 1846 – 1878) từng tuyên bố ông là “tù nhân ở Vatican”. Trong vòng 60 năm các giáo hoàng từ chối rời khỏi Vatican và công nhận quyền lực của chính phủ Italy. Khi quân đội Italy có mặt tại quảng trường thánh Peter, các giáo hoàng cũng không xuất hiện ngoài ban công và từ chối luôn việc cầu phúc cho họ.

5. Benito Mussolini ký kết văn bản thừa nhận sự độc lập của Vatican City

Tranh cãi giữa chính phủ Italy và giáo hội công giáo tại Vatican chấm dứt năm 1929 với thỏa thuận Lateran Pacts, để Vatican tồn tại và độc lập với khoản tiền được chi cho Papal States là 93 triệu USD (ngày nay tương đương 1 tỷ USD). Vatican dùng số tiền này làm nền tảng cho ngân khố quốc gia. Mussolini, người đứng đầu chính phủ Italy lúc đó đã ký hiệp ước thay mặt cho nhà vua Victor Emmanuel III.

6. Các giáo hoàng không sống ở Vatican cho đến thế kỷ 14

Dù nhà thờ thánh Peter đã được hoàn thành, các giáo hoàng vẫn sống chủ yếu tại cung điện Lateran thuộc thành Rome. Họ thậm chí còn rời khỏi thành phố cùng nhau đến Avignon, Pháp vào năm 1309 khi vua Philip IV sắp xếp cho một vị giáo chủ người Pháp được chọn làm giáo hoàng. 7 vị giáo hoàng, tất cả đều là người Pháp đã lãnh đạo giáo hội từ Avignon và họ không trở về Rome cho đến năm 1377, thời điểm mà cung điện Lateran bị cháy và Vatican bắt đầu được sử dụng là nơi cư trú của các giáo hoàng.

Rất nhiều hoạt động sửa chữa đã được thực thi bởi hạ tầng kiến trúc của Vatican đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng, những con sói đào bới tử thi trong nghĩa trang, còn bò thì lang thang quanh nhà thờ.

7. Lính Thụy Sĩ được thuê làm lực lượng quân đội quốc gia

Khi đến Vatican, du khách dễ dàng gặp “The Swiss Guard” - đội vệ binh người Thụy Sĩ. Trong bộ quần áo đầy màu sắc theo phong cách thời phục hưng, họ bắt đầu bảo vệ giáo hoàng từ năm 1506. Đó là khi giáo hoàng Julius II lên nắm quyền, ngài theo bước rất nhiều người có địa vị tại châu Âu, thuê một đội quân Thụy Sĩ để đảm bảo an toàn.

Đội quân này thường xuyên đi tuần và canh phòng cẩn mật cho cả thành quốc Vatican. Họ được huấn luyện bài bản, có sức mạnh, kỷ cương và là những tay thiện xạ. Tất nhiên, các thành viên trong đội đều là người Thụy Sĩ.

Đội vệ binh Thụy Sĩ đã bảo vệ Vatican và giáo hoàng từ năm 1506. (Ảnh: dogsqueen.pixnet.net)

8. Nhiều lần trong lịch sử Vatican, các giáo hoàng được đưa ra khỏi thành phố bằng lối đi bí mật

Năm 1277, tuyến đường Passetto di Borgo được xây dựng để nối Vatican với Castel Sant’Angelo nằm bên bờ sông Tiber. Nó được sử dụng để làm lối thoát hiểm cho các giáo hoàng.

Điển hình năm 1527, giáo hoàng Clement VII đã an toàn sau khi được đưa ra khỏi Vatican khi khắp thành Rome bị đe dọa bởi quân đội của Charles V. Họ điên cuồng giết hại các đức cha và sơ trong thành phố, đội cận vệ Thụy Sĩ đã chống trả đủ lâu để giáo hoàng cùng một số tu sĩ theo lối đi bí mật đến Castel Sant’Angelo nhưng cũng đã có 147 đức cha thiệt mạng trong cuộc đàn áp này.

9. Đa phần người dân Vatican sống ở nước ngoài

Năm 2011, dân số Vatican là 594 và số liệu mới nhất năm 2013, Vatican có 839 người. Nhiều công dân mang quốc tịch Vatican nhưng họ lại sống ở nước ngoài (thật ra là ngay tại Rome, Italy). Ngoài đội quân Thụy Sĩ khoảng hơn 100 thành viên, cộng đồng lớn nhất ở Vatican là những vị cha xứ từ khắp nơi trên thế giới đến sống và học tập tại đây.

10. Cơ quan thiên văn học của Vatican sở hữu một kính viễn vọng ở Arizona (Mỹ)

Khi Rome phát triển thành một đô thị nhộn nhịp, ánh sáng trong thành phố khiến các nhà thiên văn học của đất nước nhỏ bé nhất hành tinh này không thể quan sát các chòm sao một cách rõ ràng. Đài thiên văn của Vatican tọa lạc cách trung tâm thành phố 15 dặm tại Castel Gdandolfo.

Năm 1981, Vatican cho đặt thêm một trung tâm nghiên cứu nữa ở Tucson và trang bị chiếc kính viễn vọng hiện đại đặt trên đỉnh Graham, phía đông nam bang Arizona, Mỹ.

Vatican còn nhiều điều thú vị hơn nữa đang chờ bạn khám phá với nhà thờ thánh Peter tràn ngập các tác phẩm nghệ thật, thư viện tòa thánh Vatican hàng triệu đầu sách hay chỉ đơn giản là đứng giữa quảng trường thánh Peter. Biết đâu bạn sẽ được nhìn thấy giáo hoàng Francis vẫy chào mọi người từ ban công.

11. Quốc gia có lượng khách du lịch đông nhất thế giới

Tính đến năm 2015, ước tính dân số của Vatican vào khoảng 1000 người. Và với con số khách du lịch lên tới… 5 triệu lượt khách/năm, Vatican trở thành quốc gia có lượng khách du lịch đông nhất thế giới tính theo bình quân đầu người.

Dân số Vatican bao gồm các Hồng y, thành viên của Đội lính gác Thụy Sĩ, các thành viên của hàng Giáo phẩm và một nữ tu bên trong tòa thánh Vatican. Ngoài ra còn có các thành viên của hàng Giáo phẩm đang công tác trong các chức vụ ngoại giao ở nước ngoài.

12. Vatican có đồng tiền riêng

Năm 2000, Italy và Vatican đã ký một thỏa thuận, theo đó Tòa thánh chấp nhận đồng Euro làm tiền tệ chính thức. Và Thành phố Vatican bắt đầu đúc tiền xu Euro của riêng mình từ năm 2002. Điều thú vị cần lưu ý là đồng Euro của Vatican là hợp pháp ở cả Italy và Vatican, và có thể được lưu hành tự do trong toàn bộ khu vực đồng euro.

Bên cạnh đó, Vatican cũng phát hành hộ chiếu và biển số xe cũng như in tem của riêng mình.

Vatican đúc đồng euro riêng.

13. Có bưu điện tốt nhất thế giới

Dịch vụ bưu chính của Vatican được cho là tốt nhất trên thế giới, với số lượng thư từ được gửi từ mã bưu chính mỗi năm lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Người ta tin rằng hầu hết người dân thay vì dựa vào dịch vụ bưu điện quốc gia của Italy, lại đến bưu điện này hàng tuần để gửi thư của họ. Bưu điện này đã tồn tại từ năm 1929.

14. Đường sắt ngắn nhất thế giới

Với mạng lưới đường sắt chỉ gồm hai đường ray dài 300m, Vatican tự hào là nơi có mạng lưới đường sắt ngắn nhất thế giới, chỉ có một ga đường sắt, gọi là Citta Vaticano. Đường sắt chủ yếu được sử dụng để vận chuyển hàng hóa. Một sự thật thú vị khác về mạng lưới đường sắt này là không có chuyến tàu chở khách thường xuyên nào.

15. Cả đất nước là Di sản Thế giới

Vatican là quốc gia duy nhất được công nhận là Di sản Thế giới bởi UNESCO và nhận danh hiệu này vào năm 1984.

Vatican cũng có quốc kỳ và quốc ca riêng. Doanh thu chính của đất nước đến từ phí vào cửa bảo tàng và bán đồ lưu niệm.

16. Không có bệnh viện và nhà tù

Thực tế, không có em bé nào chào đời ở Vatican vì quốc gia này không có bệnh viện. Tuy nhiên, quyền công dân không dựa trên việc sinh ra ở đất nước này. Không ai có thể là công dân của Vatican ngay từ khi sinh ra. Công dân đất nước tí hon này chỉ được cấp quyền công dân với lý do là được bổ nhiệm để làm việc phục vụ Tòa Thánh.

Theo: khoahoc (t/h)



TIỂU TRÙNG SƠN - NHẠC PHI


Tiểu trùng sơn - Nhạc Phi

Tạc dạ hàn cung bất trú minh.
Kinh hồi thiên lý mộng,
Dĩ tam canh.
Khởi lai độc tự nhiễu giai hành,
Nhân tiễu tiễu,
Liêm ngoại nguyệt lung minh.

Bạch thủ vị công danh.
Cựu sơn tùng trúc lão,
Trở quy trình.
Dục tương tâm sự phó dao tranh.
Tri âm thiểu,
Huyền đoạn hữu thuỳ thinh.

Năm Thiệu Hưng thứ 9 (1139) đời Tống Cao Tông, triều đình Nam Tống ký “Hoà nghị” với nhà Kim với các điều khoản: hoàng đế Nam Tống xưng thần với nước Kim; mỗi năm Nam Tống cống cho nước Kim 25 vạn lạng bạc, 25 vạn súc lụa; nước Kim rút quân khỏi vùng Thiểm Tây, Hà Nam (ngày nay), đồng thời đưa quan tài Tống Huy Tông về Tống. Nhạc Phi và đông đảo tướng lĩnh kiên quyết phản đối. Ông từng tâu với Tống Cao Tông rằng: “Việc ngày hôm nay là việc lo chứ không phải việc đáng chúc mừng”, đồng thời dâng biểu nêu kế lớn khôi phục Trung Nguyên nhưng không được Cao Tông chấp nhận. Bài từ này ra đời trong hoàn cảnh đó.


小重山 - 岳飛

昨夜寒蛩不住鳴。
驚回千里夢,
已三更。
起來獨自繞階行。
人悄悄,
簾外月朧明。

白首為功名。
舊山松竹老,
阻歸程。
欲將心事付瑤箏。
知音少,
弦斷有誰聽。


Tiểu trùng sơn
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Nỉ non tiếng dế đêm qua.
Canh ba tỉnh mộng, xót xa trong lòng.
Bóng nguyệt còn sáng bên song.
Trước hiên quanh quẩn, sầu đong càng đầy.
Công danh biết tình sao đây ?.
Tuổi già tóc bạc, vui vầy rừng thông.
Tiếng đàn ai có nghe không.
Lấy ai tri kỷ, tơ đồng cùng ta ?.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nhạc Phi 岳飛, Nhạc Vũ Mục 岳武穆 (1103 - 27/1/1142) tự Bằng Cử 鵬舉, người ở Thang Âm, Tương Châu (nay là huyện Thang Âm, tỉnh Hà Nam) là nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, danh tướng chống quân Kim thời Nam Tống. Trước sau tổng cộng quân của ông đã có 2 lần bắc phạt nước Liêu trong năm 1122, 6 lần bắc phạt nước Đại Tề (quốc gia vùng đệm giữa Tống và Kim do Kim hậu thuẫn) và nước Kim vào các năm 1134, 1135, 1136, 1137, 1140 - 1141, 1141. Tổng cộng 126 trận chiến mà ông đã đánh với quân Liêu, Đại Tề, Kim và toàn thắng. Ông là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc, chức tước của ông trước khi bị sát hại là Đại nguyên soái.

Người Trung Hoa đời sau luôn lấy Nhạc Phi làm tấm gương, xem ông là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, một bậc sĩ phu dũng liệt trung thần. Cùng với Triệu Đỉnh, Lý Cương, Hàn Thế Trung, Văn Thiên Tường, ông là 1 trong 5 vị quan trong thời Nam Tống được thờ tại Đế vương miếu (历代帝王庙) được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, trong đó thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.

Do Tần Cối ngày trước đó đã xóa bỏ mọi chiến công của Nhạc Phi, thiêu hủy mọi tài liệu về Nhạc Phi liệu. Bởi vậy, thông tin về Nhạc Phi được biết đến như ngày nay đều do con trai Nhạc Lâm và cháu nội Nhạc Kha của Nhạc Phi tìm lại và biên soạn rồi trình vua Tống Ninh Tông vào năm 1203. (Theo: wikipedia)

Nguồn: Thi Viện



ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC BỞI VẺ BỀ NGOÀI

Phật Thích Ca Mâu Ni có một đệ tử vẻ ngoài rất xấu xí. Mặc dù anh ta tu luyện rất tốt, anh vẫn luôn bị những thầy tu khác xem thường bởi vẻ ngoài khó coi của mình. Một ngày nọ đệ tử đó đến nghe Phật Thích Ca Mâu Ni giảng pháp.


Khi nhiều thầy tu trông thấy anh từ đàng xa, vài người đang tại đó lắng nghe giảng pháp bắt đầu cảm thấy khinh thường thậm chí còn có ác cảm với anh.

Đức Phật nhanh chóng biết được cảm nghĩ của các đệ tử. Phật Thích Ca Mâu Ni bèn nói với chúng đệ tử: “Các con đều trông thấy vị thầy tu đến đây và bề ngoài của anh ta thì rất xấu xí. Chẳng ai muốn nhìn anh ta. Khuôn mặt xấu xí khiến các con cảm thấy khinh thường anh ta. Đúng không?”. Chúng đệ tử đều trả lời: “Vâng”.

Phật Thích Ca Mâu Ni bảo chúng đệ tử: “Các con không được có suy nghĩ coi thường vị thầy tu ấy. Tại sao? Bởi anh ta đã buông bỏ hết thảy các loại tâm chấp trước, không còn gì cả … Tâm anh ta tràn ngập từ bi, trí anh ta không còn truy cầu nữa. Các con không thể tùy tiện đánh giá người khác. Chỉ có Giác Giả mới có thể đánh giá được người khác”.

Sau đó Phật Thích Ca Mâu Ni tiếp tục bảo đệ tử: “Không được chỉ nhìn bề ngoài một người để rồi ghét bỏ người ấy”.


Sau khi đọc câu chuyện, tôi nghĩ rằng chúng ta thực sự không nên phán xét một người nào chỉ bởi vẻ ngoài của họ. Chúng ta có thiện cảm đối với những ai xinh đẹp, và muốn ngắm nhìn họ nhiều lần; ngược lại, với những ai chẳng được dễ nhìn, chúng ta không muốn ngắm nhìn họ nhiều như thế.

Đó chẳng phải là ta thiếu lòng nhân từ và không thể đối xử với mọi người như nhau đó sao? Hơn nữa, dùng hình thức mà phán xét người khác thì chứng tỏ chúng ta chỉ đánh giá một con người một cách nông cạn, không quan tâm đến phẩm chất Đức Hạnh và tấm lòng của họ. Chẳng phải ấy chính là dục vọng đang ẩn náu nơi nào đó sao?

An Hậu / Theo: vandieuhay

TÒA NHÀ CHỌC TRỜI KHÔNG NGƯỜI Ở CAO NHẤT THẾ GIỚI BỊ "ĐẮP CHIẾU" GẦN 40 NĂM

Đây là tòa nhà khiến nhiều người hiếu kỳ khi du lịch Triều Tiên.

Khách sạn Ryugyong, lấy tên từ một biệt danh cổ của Bình Nhưỡng mang ý nghĩa “thủ đô của những cây liễu”, ban đầu dự kiến sẽ đi vào hoạt động chỉ hai năm sau khi khởi công. Thế nhưng, điều đó chưa bao giờ thành hiện thực.

Khách sạn Ryugyong được đặt tên theo một biệt danh trong lịch sử của Bình Nhưỡng có nghĩa là "thủ đô của cây liễu". Ảnh: CNN

Khách sạn cao 329m với 105 tầng, mang thiết kế kim tự tháp đặc trưng với ba cánh đối xứng. Theo kế hoạch ban đầu, phần chóp tòa nhà được dành cho một nhà hàng xoay sang trọng, nhưng đến nay, nơi đó vẫn chỉ là một khối kiến trúc chưa được hoàn thiện.

Dù phần thô của tòa nhà đã hoàn tất theo đúng kế hoạch vào năm 1992, nhưng suốt 16 năm sau đó, nó vẫn sừng sững giữa thành phố với vẻ ngoài hoang lạnh - không cửa sổ, trần bê tông trơ trọi, tựa như một gã khổng lồ đáng sợ lặng lẽ quan sát mọi thứ xung quanh. Sự đồ sộ đến lạ lùng của nó khiến nhiều người đặt cho biệt danh "khách sạn diệt vong".

Tòa nhà được mệnh danh là "khách sạn diệt vong" bởi vẻ ngoài đồ sộ và đầy bí ẩn. Ảnh: NK News

Sau này, công trình được phủ kính, ốp kim loại và trang bị hệ thống đèn LED để tỏa sáng về đêm. Tuy nhiên, tiến độ hoàn thiện liên tục bị trì hoãn, làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng mở cửa đón khách. Đến nay, khách sạn Ryugyong vẫn giữ kỷ lục là tòa nhà cao nhất thế giới chưa từng có người ở.

Một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh, được xây dựng hoàn toàn bằng bê tông thay vì thép

Khách sạn Ryugyong là một minh chứng cho cuộc chạy đua giữa hai miền Triều Tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Hàn Quốc có sự hậu thuẫn từ Mỹ, còn miền Bắc nhận sự hỗ trợ từ Liên Xô. Năm 1986, một công ty Hàn Quốc đã khởi công xây dựng Westin Stamford tại Singapore - khách sạn cao nhất thế giới lúc bấy giờ. Cùng thời điểm, thủ đô Seoul đang trong quá trình chuẩn bị tổ chức Thế vận hội Mùa hè 1988 và dần chuyển mình theo mô hình kinh tế tư bản.

Khách sạn Ryugyong là một sản phẩm của Chiến tranh Lạnh. Ảnh: KTG North Korea Travel

Không chịu kém cạnh, Bình Nhưỡng đã quyết định tổ chức Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới vào năm 1989, một sự kiện mang màu sắc xã hội chủ nghĩa được xem như đối trọng với Olympic. Để khẳng định vị thế, Triều Tiên công bố kế hoạch xây dựng một khách sạn khổng lồ, với tham vọng vượt qua kỷ lục chiều cao của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, do những vấn đề kỹ thuật, công trình không thể hoàn thành đúng tiến độ. Chính phủ Triều Tiên đã đổ hàng tỷ USD vào sự kiện này, bao gồm việc xây dựng sân vận động mới, mở rộng sân bay Bình Nhưỡng và phát triển hệ thống giao thông. Những khoản chi khổng lồ này càng khiến nền kinh tế vốn đã mong manh của đất nước thêm gánh nặng.

Bên trong khách sạn Ryugyong. Ảnh: Alamy

Hệ quả là Bắc Triều Tiên rơi vào khủng hoảng kinh tế. Dù phần khung bên ngoài của khách sạn đã được hoàn tất, nhưng việc thi công bị đình trệ vào năm 1992, để lại một chiếc cần cẩu hoen gỉ nằm chơ vơ trên đỉnh tòa nhà như một dấu lặng của tham vọng dang dở.

Tòa nhà được thiết kế với ba cánh mở rộng, tạo thành các góc 75 độ và hội tụ ở phần đỉnh, nơi bố trí nhà hàng cùng đài quan sát. Tổng thể kiến trúc tạo thành một hình nón vững chắc.

Điểm đặc biệt của Ryugyong không chỉ nằm ở hình dáng kim tự tháp mà còn ở cách xây dựng khác biệt so với những tòa nhà chọc trời thông thường. Khách sạn này được làm hoàn toàn từ bê tông thay vì thép.

Từng được tái khởi động nhưng lại tiếp tục bị bỏ dở vì lý do "bất khả thi"

Sau 16 năm gián đoạn, đến năm 2008, công trình khách sạn Ryugyong bất ngờ được tiếp tục như một phần trong thỏa thuận hợp tác với tập đoàn Orascom của Ai Cập, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng mạng 3G tại Triều Tiên.

Chiếc cần cẩu cũ kỹ, han gỉ vốn án ngữ trên nóc tòa nhà suốt hai thập kỷ cuối cùng cũng được tháo dỡ. Dưới sự hỗ trợ của các kỹ sư Ai Cập, công nhân tiến hành lắp đặt hệ thống kính và kim loại lên phần khung bê tông đồ sộ với tổng chi phí 180 triệu USD, khoác lên tòa tháp một diện mạo mới sáng bóng. Dự án hoàn thành vào năm 2011 đã làm dấy lên nhiều suy đoán về khả năng mở cửa cho công chúng.

Một cảnh sát giao thông trước khách sạn Ryugyong năm 2019. Ảnh: Business Insider

Cuối năm 2012, tập đoàn khách sạn danh tiếng Kempinski (Đức) công bố kế hoạch đưa một phần khách sạn vào hoạt động vào giữa năm 2013. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau đó, Kempinski bất ngờ rút lui, tuyên bố rằng việc gia nhập thị trường lúc này là "bất khả thi".

Ngay lập tức, những lo ngại về kết cấu của tòa nhà lại xuất hiện. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng thi công và vật liệu xây dựng kém có thể khiến công trình không đủ an toàn. Năm 2014, một vụ sập tòa nhà chung cư 23 tầng tại Bình Nhưỡng đã xảy ra do lỗi thi công, theo truyền thông nhà nước Triều Tiên. Điều này càng làm dấy lên nghi vấn về độ vững chắc của Ryugyong.

Những bức ảnh chụp nội thất Ryugyong vào năm 2012 cho thấy không gian bên trong vẫn còn khá ngổn ngang. Simon Cockerell, giám đốc điều hành của Koryo Group - một công ty chuyên tổ chức tour du lịch đến Triều Tiên, là một trong số ít người nước ngoài từng bước chân vào tòa nhà này.

Các thành viên của đoàn tuyên truyền Liên hiệp phụ nữ xã hội chủ nghĩa biểu diễn trước khách sạn Ryugyong. Ảnh: loveEXPLORING

Năm 2018, khách sạn Ryugyong một lần nữa thu hút sự chú ý khi trở thành màn trình diễn ánh sáng khổng lồ tại Bình Nhưỡng. Tòa nhà được biến thành một "cỗ máy" tuyên truyền, với màn trình chiếu kéo dài 4 phút kể về lịch sử Triều Tiên kèm theo những khẩu hiệu chính trị. Trên đỉnh tòa nhà, một lá cờ lớn của Triều Tiên cũng được lắp đặt, góp phần tăng hiệu ứng thị giác mạnh mẽ.

Những năm gần đây, người dân và du khách có thể thoải mái tham quan khu vực quảng trường phía trước Ryugyong, nhưng không được vào trong. Vào tháng 6/2018, một tấm biển in tên "Khách sạn Ryugyong" bằng tiếng Hàn và tiếng Anh đã được gắn thêm vào.

Công trình đồ sộ, khách sạn Ryugyong vẫn chưa có dấu hiệu được hoàn thành để mở cửa đón khách sau gần 4 thập kỷ xây dựng. Ảnh: Greg Baker

Thế nhưng, câu hỏi "Bao giờ khách sạn mở cửa?" vẫn chưa có lời giải. Ngay cả Cockerell - người từng vào trong tòa nhà, cũng không thể đưa ra dự đoán chính xác về những gì đang diễn ra bên trong.

Dù từng giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất bán đảo Triều Tiên, Ryugyong giờ đây đã bị tháp Lotte World ở Seoul (hoàn thành năm 2017) vượt qua về chiều cao. Tuy vậy, nó vẫn là công trình cao nhất Triều Tiên, giữa bối cảnh thủ đô Bình Nhưỡng ngày càng xuất hiện nhiều tòa nhà chung cư hiện đại và cao tầng.

Hải Châu / Theo: nguoiquansat
Link tham khảo:




Sunday, April 6, 2025

CHUYỆN TỐT XẤU NGÀY NÀO CŨNG CÓ, NHẬN HAY KHÔNG TÙY Ở TÂM NGƯỜI

Cuộc sống là một dòng chảy bất tận của những sự kiện, biến cố và cảm xúc, chuyện tốt xấu… Mỗi ngày trôi qua, con người đối diện với muôn vàn tình huống, có vui, có buồn, có may mắn, có thử thách.


Nhưng điều quan trọng không phải là cuộc đời mang đến điều gì, mà là cách ta đón nhận chúng ra sao. Như câu nói: “Chuyện tốt xấu ngày nào cũng có, nhận hay không tùy ở tâm người.”

Chuyện tốt xấu nằm ở tâm mình

Có người trong cùng một hoàn cảnh nhưng lại có cách nhìn nhận hoàn toàn khác nhau. Một người gặp thất bại có thể xem đó là bài học để đứng lên mạnh mẽ hơn, trong khi người khác lại coi đó là dấu chấm hết cho mọi nỗ lực.

Một người bị phản bội có thể chọn tha thứ để lòng thanh thản, nhưng cũng có người ôm hận cả đời, tự nhấn chìm mình trong đau khổ. Điều này cho thấy, tốt hay xấu không phải chỉ nằm ở sự việc, mà nằm ở chính tâm người đối diện nó. Hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ ngã về phía sau bạn.


Có một câu chuyện kể rằng, hai anh em sinh ra trong một gia đình có người cha nghiện rượu, suốt ngày say xỉn và bạo hành vợ con. Khi lớn lên, một người trở thành kẻ nghiện rượu như cha mình, còn người kia lại là một doanh nhân thành đạt. Khi được hỏi lý do, cả hai đều trả lời giống nhau: “Với một người cha như vậy, tôi còn có thể trở thành ai khác được nữa?”. Điều này minh chứng rằng, cùng một hoàn cảnh nhưng mỗi người có thể lựa chọn một cách đối diện khác nhau.Sưu tầm.

Tâm thanh tịnh, mọi chuyện đều nhẹ nhàng. Tâm chấp niệm, điều nhỏ cũng hóa thành đau khổ. Khi ta biết buông bỏ những oán hờn, sân si, ta sẽ thấy lòng mình nhẹ hơn, cuộc đời tươi sáng hơn. Không phải vì thế gian thay đổi, mà vì chính tâm ta đã thay đổi.

Giống như trong hôn nhân, một người vợ đồng ý lấy một người chồng hút thuốc, uống rượu. Ban đầu đã chấp nhận như vậy, nhưng sau một thời gian, người vợ lại cảm thấy khó chịu với thói quen đó, từ đó xảy ra mâu thuẫn. Rốt cuộc, chẳng phải người chồng thay đổi, mà chính tâm của người vợ đã thay đổi.


Nhìn đời bằng lòng bao dung, ta sẽ thấy xung quanh đều là bài học quý giá. Nhìn đời bằng sự hẹp hòi, ta chỉ thấy bất công và khổ đau. Do đó, trong hành trình sống, mỗi người nên học cách lựa chọn những điều đáng giữ lại trong tim, buông bỏ những điều không cần thiết, để cuộc đời trở nên an yên hơn.

Hạnh phúc hay đau khổ, tốt hay xấu, suy cho cùng đều do chính ta quyết định. Cuộc đời có thể không hoàn hảo, nhưng tâm thế sống của mỗi người mới là điều làm nên sự khác biệt.

Mỹ Mỹ biên tập
Theo: vamdieuhay

HÀN THỰC - HÀN HOẰNG


Hàn thực - Hàn Hoằng

Xuân thành vô xứ bất phi hoa,
Hàn thực đông phong ngự liễu tà.
Nhật mộ Hán cung truyền lạp chúc,
Khinh yên tán nhập ngũ hầu gia.

Hàn thực: tiết trước tiết thanh minh một ngày. Giới Tử Thôi có công với Tấn Văn Công, nhưng không nhận, cõng mẹ vào núi ở ẩn. Tấn Văn Công lại chỗ mời không ra bèn đốt lửa khiến Thôi bị chết cháy trong đó. Tấn Văn Công tưởng nhớ Giới Tử Thôi, ngày đó cấm không được đốt lửa.


寒食 - 韓翃

春城無處不飛花
寒食東風御柳斜
日暮漢宮傳蠟燭
輕煙散入五侯家


Tiết Hàn Thực
(Dịch thơ: Nguyễn Minh)

Hoa bay phấp phơí thành xuân
Gió đông lay liễu trong sân tiết Hàn
Hán cung nến thắp sáng choang
Khói bay tới phủ năm quan tước hầu


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Hàn Hoằng 韓翃 tự là Quân Bình 君平 (thế kỷ thứ 8), người Nam Dương 南陽, thi nhân đời Đường, đỗ tiến sĩ năm Thiên Bảo thứ 13 (775). Ông nổi tiếng là một trong thập tài tử đời vua Đường Đại Tông (763-826).

Nguồn: Thi Viện



CÂU NÓI: "BA THẤY, BỐN KHÔNG THẤY" ĐỀ CẬP ĐẾN ĐIỀU GÌ TRONG PHONG THỦY?

Ngày nay, nhiều gia đình đặc biệt chú trọng đến phong thủy khi bài trí nhà cửa. Người ta quan niệm rằng, phong thủy tốt có thể mang lại may mắn cho gia chủ. Thông thường, các thầy phong thủy sẽ đề cập đến “ba thấy, bốn không thấy”. Vậy chúng có ý nghĩa gì?

Phong thuỷ khi bước vào cửa quan trọng (ảnh: linlingzhi).

“Ba thấy, bốn không thấy” ý nói là cửa nhà cần trang hoàng 3 vật phẩm này để người ta thường xuyên nhìn thấy; còn “bốn không thấy” là bốn thứ không nên bài trí đối diện cửa ra vào.

Ba thứ nên thấy là những thứ gì?

1. Vào cửa nên thấy niềm vui

Cũng giống như khi mở cửa ra cần nhìn thấy niềm vui, khi bước trong nhà, trước hết đôi mắt cũng cần được nhìn thấy màu sắc vui tươi, để người ta có được cảm giác tươi mới, vui vẻ.

Vật trang trí màu sắc đẹp, vui mắt (ảnh: Aboluowang).

Ngoài ra, khi con người vào cửa, Thần Tài cũng sẽ vào cửa, đương nhiên Thần Tài sẽ vui vẻ hơn nếu gia chủ có khánh hỉ (như tranh vẽ cung hỷ, những vật phẩm chào đón Thần Tài). Hơn nữa, các đồ vật mang tính chất tâm linh đó có tác dụng tránh tà khí nhất định, và cũng có thể trấn trạch.

2. Vào cửa nên nhìn thấy màu xanh lá cây

Màu xanh lá cây là biểu tượng của sinh khí. Mở cửa nhìn thấy màu xanh lá cây, con người tự nhiên sẽ cảm thấy thoải mái.

Vậy nên, khi trang trí nhà cửa, chúng ta có thể bố trí thêm nhiều cây xanh ở cửa ra vào; để người ta vừa bước vào cửa đã cảm thấy được sống hòa mình với thiên nhiên. Đồng thời, cây xanh cũng là vật trang trí tốt nhất, hoặc một số loại thảo mộc cũng có tác dụng tương tự.

(ảnh: Aboluowang).

3. Vào cửa nên nhìn thấy thư pháp và tranh vẽ

Thư pháp và tranh vẽ phong thuỷ mang đến cho người ta cảm giác thanh tịnh và trang nhã. Hai thứ này làm nổi bật lối sống tao nhã của gia chủ và khiến căn phòng thêm phần sang trọng.

(ảnh: aboluowang)

Bốn thứ không nên thấy là gì?

1. Gương

Người ta quan niệm, gương sẽ phản chiếu hung khí vào nhà; cho nên vào cửa không nên nhìn thấy mặt gương. Sẽ tốt hơn nếu gia chủ xếp đặt gương ở một vị trí khác.

2. Vào cửa không nên nhìn thấy vật sắc nhọn

Một số người có sở thích với vũ khí như đao và kiếm; nhưng tốt hơn hết là nên bày những vật mang tính sát thương như vậy càng ít càng tốt. Vật sắc nhọn cũng tượng trưng cho xung khắc; trong nhà vì thế sẽ nảy sinh mâu thuẫn, không có lợi cho sự hòa thuận của gia đình.

3. Vừa vào cửa không nên nhìn thấy phòng tắm

Phòng tắm là nơi bài tiết, nếu mở cửa ra là đối mặt với phòng tắm thì khí từ cửa đi vào sẽ bị ô nhiễm bởi khí bẩn trong phòng tắm. Ngoài ra, chúng ta luôn muốn nhìn thấy một số thứ đẹp đẽ, tươm tất sau khi mở cửa, đây là ấn tượng đầu tiên. Nhưng sẽ hơi khó coi khi vừa bước vào đã nhìn thấy phòng tắm.

(ảnh: aboluowang).

4. Vào cửa không nên nhìn thấy đồ lặt vặt

Đồ vật lặt vặt chất đống thường tạo cho người ta cảm giác người trong gia đình không thích sạch sẽ, bừa bộn. Ngoài ra, đồ lặt vặt không cần thiết cũng sẽ ảnh hưởng đến tài vận của chủ nhà.

Những điểm mấu chốt về kiến ​​thức phong thủy liên quan đến “ba thấy, bốn không thấy” khi bước vào cửa trên đây, chúng ta cũng có thể tham khảo khi bài trí, để tạo vận khí tốt cho gia đình.

Những thông tin trên chỉ mang tính tham khảo!

Minh Nguyệt biên dịch.
Nguồn: Aboluowang (Tống Vân)

VÌ SAO NGÀY THỨ HAI ĐẦU TIÊN CỦA NĂM MỚI ĐƯỢC GỌI LÀ "NGÀY LY HÔN" TẠI MỸ?

Tháng 1 thường chứng kiến ​​sự gia tăng các cuộc chia tay tại Mỹ, thậm chí ngày thứ Hai đầu tiên của năm mới được ví là "Ngày ly hôn".

Tháng 1 là thời điểm nhiều cặp đôi tại Mỹ nộp đơn ly hôn. (Ảnh minh họa: Getty Images)

Tại Mỹ, nhiều cặp đôi thường có xu hướng tránh chia tay trong kỳ nghỉ, mà nhẫn nhịn chờ đến đầu năm mới. Họ coi mùa lễ hội cuối năm là giới hạn nhẫn nhịn cuối cùng cho mối quan hệ.

Điều này khiến tháng 1 trở thành thời điểm khó khăn nhất đối với các cặp vợ chồng. Tháng này thậm chí còn được gọi là "Tháng ly hôn" trong giới luật sư.

"Thời điểm nửa đầu năm, đặc biệt trong tháng 1 là lúc mà chúng tôi tiếp nhận rất nhiều khách hàng đăng ký dịch vụ tư vấn ly hôn. Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ thường rất bận rộn", luật sư Laura Wasser, người hỗ trợ pháp lý cho nhiều vụ ly hôn của người nổi tiếng chia sẻ.

Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Washington phát hiện ra rằng tại tiểu bang Washington, Mỹ từ năm 2001 đến năm 2015 đã ghi nhận ​​sự gia tăng các vụ ly hôn vào tháng 1, nhiều hơn hẳn so với thời điểm tháng 12.


Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2020 của Richard Nelson LLP, mội công ty luật đa quốc gia, cho thấy lượt tìm kiếm cho các từ khóa như "tự ly hôn", "ly hôn nhanh" và "cách ly hôn với với vợ/chồng" thường tăng hơn 100% khi bước sang năm mới. Các yêu cầu thuê luật sư ly hôn cũng tăng 30% vào tháng 1.

Alberta Tevie, một luật sư tư vấn tại Richard Nelson LLP, cho biết: "Khi đã có vấn đề từ trước lại thêm áp lực phải có một kỳ nghỉ lễ hoàn hảo, khiến nhiều cặp đôi thường coi Giáng sinh là giọt nước tràn ly trong mối quan hệ của mình. Họ nhẫn nhịn đến cuối năm vì con cái và gia đình, xong sau đó mọi thứ đổ vỡ".

Tiến sĩ - bác sĩ trị liệu tâm lý Karen Phillip chia sẻ rằng khi mọi người bắt đầu nghĩ về mục tiêu cho năm tới và suy ngẫm về chuyện năm cũ đã qua, họ cảm thấy khó chịu hoặc thất vọng về mối quan hệ của mình. Nhiều người ngay lập tức muốn thoát khỏi gánh nặng trong năm mới.

Tiến sĩ Karen Phillip giải thích thêm: “Lý do các cuộc ly dị xảy ra là vì nhiều người có thể đã bao dung cho hành vi của bạn đời nhưng khi năm cũ kết thúc, họ sẽ đánh giá lại năm đã qua và đưa ra quyết định lý trí hơn thay vì cảm tính như trước".


Bà cũng cho biết mọi người có quyết tâm vào thời điểm năm mới và mong muốn cải thiện cuộc sống của mình. Đôi khi, sự thay đổi tốt nhất có thể thực hiện là giải thoát bản thân khỏi những ràng buộc, mệt mỏi đang phải trải qua.

Một nhà tâm ly học khác nhận định trên tạp chí Forbes, để vượt qua những cảm xúc phức tạp của cuộc ly hôn vào tháng 1, điều quan trọng nhất là phải thành thật với cảm xúc mình và dành đủ thời gian cho nỗi buồn.

Vì ly hôn mang rất nhiều cảm xúc tiêu cực, nên lời khuyên là đừng thực hiện thêm bất kỳ thay đổi lớn nào khác trong cuộc sống vào thời điểm này. Ngoài ra, nếu cặp đôi đã có con, hãy đảm bảo ưu tiên sức khỏe và thực hành cùng nuôi dạy để giúp chúng thích nghi với sự thay đổi.

Hoàng Hà (Nguồn: NYPost)
Link tham khảo:




Saturday, April 5, 2025

NHẠC PHÁP LỜI VIỆT: "VỀ ĐÂU HỠI NGƯỜI" CỦA NICOLE RIEU

Nhắc tới Nicole Rieu, giới yêu nhạc nghĩ đến một trong những giọng ca trong sáng mượt mà nổi tiếng vào những năm 1970, hầu như cùng thời với Jeane Manson. Nhiều bài hát tiếng Pháp ăn khách của Nicole Rieu từng được đặt thêm lời Việt, chẳng hạn như những giai điệu « Ngất ngây bên anh » hay « Về đâu hỡi người » ...

Nữ ca sĩ Nicole Rieu tại buổi hòa nhạc ở Aniche, Pháp, ngày 5 tháng 2 năm 2023. © CC / Ottaviani Serge

Sinh trưởng (1949) tại thành phố Chaumont vùng Haute-Marne, miền đông nước Pháp, Nicole Rieu từ thời còn nhỏ đã có nhiều năng khiếu âm nhạc. Cô khởi nghiệp ca hát vào giữa những năm 1960, thời Nicole gia nhập nhóm nhạc Les Spits, cho dù về mặt phong cách biểu diễn, cô không thiên về phong trào nhạc trẻ yéyé tại Pháp những năm 1960.

Sau những bước đầu không mấy thành công với ban nhạc trẻ này, dịp may lại đến với Nicole Rieu vào năm 1969, khi giọng hát của cô tình cờ lọt vào tai của ông Lucien Morisse, lúc bấy giờ là giám đốc đài phát thanh Europe 1. Nhờ vào sự dìu dắt của người đã từng gây dựng sự nghiệp cho thần tượng Dalida, Nicole Rieu có cơ hội ký hợp đồng ghi âm đầu tiên trong đời và hợp tác với hãng đĩa Barclay.

Sự nghiệp của Nicole Rieu thực sự cất cánh vào đầu thập niên 1970. Vào năm 1974, Nicole Rieu hợp tác với nhà soạn nhạc Jean-Pierre Goussaud để phát hành album đầu tiên của mình với tựa đề mang khá nhiều ý nghĩa là « Naissance » (Chào đời), album này thành công lớn về mặt thương mại và trong cùng một năm, Nicole Rieu tiếp tục cho ra mắt nhiều bản nhạc ăn khách, trong đó có nhiều giai điệu từng được dịch sang tiếng Việt như « Je m'envole » (Ngất ngây bên anh) hay « Ma maison près de l'eau » (Căn nhà bên dòng nước) do ca sĩ Khánh Hà ghi âm.

Click để nghe: "Nicole Rieu - Et Bonjour a Toi L'Artiste"

Trên đà thành công này, Nicole Rieu được chọn làm gương mặt đại diện cho nước Pháp tại cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision năm 1975 với nhạc phẩm « Et bonjour à toi l'artiste » (Chào người nghệ sĩ) của tác giả Pierre Delanoë. Cho dù Nicole Rieu không giành giải nhất năm ấy nhưng cuộc thi này lại mở ra cho cô nhiều cánh cửa, chinh phục thêm nhiều khán giả nước ngoài. Sự nghiệp quốc tế của Nicole bắt đầu từ năm 1975 trở đi, ngoài việc ghi âm trong nhiều ngôn ngữ kể cả tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Ý, Tây Ban Nha và tiếng Nhật.

Giong ca của Nicole Rieu vượt qua Đại Tây Dương, thành công tại Canada và tại Nam Mỹ nhờ những bài hát ghi âm bằng tiếng Tây Ban Nha. Thành công này mở ra giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp của cô ca sĩ người Pháp. Nicole Rieu quyết định ở lại Québec một thời gian để ghi âm với nhà soạn nhạc Paul Baillagon. Nhờ vào những nỗ lực hợp tác, Nicole Rieu đã giành được giải thưởng sáng tác Grand Prix de la Chanson với nhạc phẩm « La goutte d'eau » (Giọt nước), soạn theo giai điệu dân ca Ai Len « The foggy dew ».


Sau gần 10 năm thành công với hãng đĩa Barclay, Nicole Rieu quyết định tạm ngừng đi hát. Sau khi sinh con đầu lòng, cô muốn giành thời gian cho gia đình, trong khi theo hợp đồng, cô phải đi biểu diễn thường xuyên ở nước ngoài. Dù xa ánh đèn sân khấu, Nicole Rieu vẫn tiếp tục sáng tác và ghi âm, giữ mối liên lạc với người hâm mộ và trở thành một giọng ca quen thuộc trong khối Pháp ngữ.

Kể từ năm 1994 đến 2023 Nicole Rieu đã cho ra mắt 12 album, tham gia vào nhiều dự án sáng tác nhạc kịch và ca khúc thiếu nhi. Sau một thời gian vắng bóng sân khấu, Nicole Rieu xuất hiện trở lại những năm gần đây nhân vòng lưu diễn « Âge tendre et tête de bois » (Tuổi xanh cứng đầu khó bảo).

Trong số những bài hát quen thuộc của Nicole Rieu, ngoài « Căn nhà bên dòng nước » (Ma maison au bord de l'eau) và « Ngất ngây bên anh » (Je m'envole), còn phải kể đến nhạc phẩm « En courant ». Đây là bản phóng tác tiếng Pháp của nhạc phẩm « Do you know where you're going to », một bài hát ban đầu được Thelma Houston ghi âm, nhưng sau đó trở nên phổ biến nhờ giọng ca của Diana Ross, bản nhạc này được chọn làm ca khúc chủ đề của bộ phim « Mahagony », trong đó Diana Ross đóng một trong những vai chính ...

Click để nghe: "Ngất Ngây Bên Anh (Je M'envole)"

Trong tiếng Việt, bài này từng được tác giả Nhật Ngân phóng tác thành nhạc phẩm « Về đâu hỡi người » do Ngọc Lan trình bày. Ca sĩ Kiều Nga cũng có ghi âm bài này nhưng lại được ghi chép với một tựa đề khác là « Người yêu ơi ». Lời Việt thứ nhì là của ca sĩ kiêm tác giả Nguyễn Thảo, phóng tác thành nhạc phẩm « Rồi em sẽ đi về đâu ». Còn trong phiên bản tiếng Pháp, nhờ vào chất giọng rõ ràng trong sáng, Nicole Rieu tạo được thêm nhiều nét quyến rũ mơ màng, đưa người nghe nhẹ nhàng vào thế giới mộng du, say đắm dịu dàng.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt



THANH MINH - VƯƠNG VŨ XỨNG


Thanh minh - Vương Vũ Xứng

Vô hoa vô tửu quá thanh minh,
Hứng vị tiêu nhiên tự dã tăng.
Tạc nhật lân gia khất tân hoả,
Hiểu song phân dữ độc thư đăng.


清明 - 王禹偁

無花無酒過清明
興味蕭然似野僧
昨日鄰家乞新火
曉窗分與讀書燈


Thanh Minh
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Thanh minh không rượu không hoa.
An nhiên tự tại, cành nhà chùa quê.
Hàng xóm xin lửa đem về.
Thắp đèn đọc sách bề bề sớm hôm.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Vũ Xứng 王禹偁 (954-1001) tự Nguyên Chi 元之, người Cự Dã, Tề Châu đời Tống (nay thuộc Sơn Đông, Trung Quốc), xuất thân hàn vi, đỗ tiễn sĩ năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 8 đời vua Thái Tông (983).

Nguồn: Thi Viện

BÍ ẨN VỀ CUỐN SÁCH CHỈ VỎN VẸN 10 TRANG MÀ KHÔNG AI CÓ THỂ ĐỌC XONG TRONG ĐỜI!

Trong tiếng Anh, tiêu đề Cent mille milliards de poèmes được dịch là One hundred thousand billion poems, hoặc One hundred million million poems, hoặc One hundred trillion poems.


Năm 1961, Gallimard đã xuất bản một tác phẩm vô cùng độc đáo mang tên Một trăm nghìn tỷ bài thơ (“Cent Mille Milliards de Poèmes”) của Raymond Queneau. Dù chỉ gồm 10 trang, cuốn sách này không phải là một bản tóm lược ngắn gọn hay đơn thuần là tổng hợp các bài thơ. Ngược lại, nó được thiết kế như một cỗ máy sáng tác, cho phép người đọc tự tạo ra một số lượng bài thơ khổng lồ mà họ không bao giờ có thể đọc hết trong suốt cuộc đời.

Thủ pháp thơ tổ hợp

Raymond Queneau, nhà văn và nhà thơ người Pháp, đã khai sinh ra một phong cách sáng tác mới mà ông gọi là "thơ tổ hợp". Ý tưởng độc đáo này bắt nguồn từ khái niệm tạo ra nhiều bài thơ chỉ từ một tập hợp hạn chế các câu thơ được chuẩn bị sẵn. Trong Một trăm nghìn tỷ bài thơ, Queneau đã viết tổng cộng 140 câu thơ. Tuy nhiên, nhờ vào cách tổ chức đặc biệt của cuốn sách, thông qua các tổ hợp khác nhau, bạn có thể tạo ra đúng 100.000.000.000.000 bài thơ hoàn chỉnh.


Kỹ thuật sáng tác

Cuốn sách do Robert Massin thực hiện dàn trang được thiết kế như sau: mỗi trang sách được cắt thành các dải ngang, mỗi dải chứa một dòng thơ. Mỗi dòng trong 14 dòng thơ của mỗi bài sonnet được thay thế bằng 10 phiên bản khác nhau, tất cả đều tuân theo một kết cấu nhất định về nhịp điệu và gieo vần.

Chính nhờ kết cấu này, cuốn sách trở thành một cỗ máy sáng tác thơ. Bạn có thể tùy chọn mỗi câu trong mỗi vị trí, kết quả là bạn sẽ có được những bài sonnet hoàn chỉnh mà không bài nào giống bài nào. Theo Queneau, để đọc hết tất cả 100 nghìn tỷ bài thơ, bạn sẽ cần 190 triệu năm liên tục, đọc suốt 24 giờ mỗi ngày!

Phong cách hài hước độc đáo

Ngoài cấu trúc tổ hợp phức tạp, Queneau còn thể hiện phong cách hài hước độc đáo trong ngôn ngữ. Ông thích chơi chữ bằng cách bóp méo ngôn ngữ thông dụng, kết hợp các cấp độ ngôn ngữ khác nhau. Các câu thơ của ông đôi khi mang dáng vẻ khôi hài, tinh nghịch nhưng cũng chứa đựng chiều sâu trí tuệ.


Bằng cách này, Một trăm nghìn tỷ bài thơ không chỉ là một tác phẩm văn học mà còn là một trò chơi sáng tạo kích thích trí tưởng tượng. Người đọc được khuyến khích khám phá và tương tác với cuốn sách theo cách của riêng mình, biến mỗi trải nghiệm trở thành duy nhất.

Tác phẩm của Queneau không chỉ đơn thuần là một thách thức về mặt văn học mà còn là biểu tượng của tư duy sáng tạo. Bằng việc kết hợp văn học và toán học, ông đã chứng minh rằng nghệ thuật có thể vượt ra khỏi giới hạn truyền thống. Tác phẩm này còn truyền cảm hứng cho nhiều lĩnh vực khác như lập trình máy tính và trí tuệ nhân tạo, nơi các thuật toán tổ hợp được sử dụng để sáng tạo nội dung.


Trong thế giới hiện đại, nơi công nghệ phát triển vượt bậc, tư duy tổ hợp của Queneau vẫn giữ nguyên giá trị. Từ việc tạo ra nhạc phẩm cho đến các nội dung giải trí tương tác, ý tưởng "thơ tổ hợp" đã mở ra cánh cửa mới cho sáng tạo đa chiều.

Một trăm nghìn tỷ bài thơ không chỉ là một cuốn sách, mà còn là một thách thức vượt thời gian đối với khả năng đọc hiểu và sáng tạo của con người. Với kết cấu độc đáo và ý nghĩa sâu sắc, tác phẩm này đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lịch sử văn học thế giới. Dù không ai có thể đọc hết toàn bộ những bài thơ mà cuốn sách chứa đựng, điều đó không làm giảm đi giá trị mà nó mang lại: một hành trình bất tận vào thế giới của trí tưởng tượng và sáng tạo.

Đức Khương / Theo: thanhnienviet
Link tham khảo: