Wednesday, July 2, 2025

NHỮNG CÂU HỎI CHƯA ĐƯỢC GIẢI MÃ VỀ VỤ ÁM SÁT MARTIN LUTHER KING

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng vụ ám sát nhà lãnh đạo nhân quyền người Mỹ gốc Phi Martin Luther King Jr. với nhiều câu hỏi chưa được giải đáp thỏa đáng, vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Martin Luther King Jr.

Biểu tượng của phong trào đòi quyền bình đẳng cho người da đen

Martin Luther King Jr. sinh năm 1929 tại thành phố Atlanta, bang Georgia, Mỹ, trong gia đình có cha là mục sư. Trước khi nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Boston vào năm 1954, ông đã trở thành mục sư tại một nhà thờ ở bang Alabama, cái nôi của các cuộc vận động cho phong trào dân quyền trên toàn cầu sau này.

Khi làm mục sư ở Montgomery, thành phố thủ phủ bang Alabama, Luther King đã lãnh đạo phong trào tẩy chay xe buýt sau khi cô thợ may da màu Rosa Parks bị bắt vì từ chối nhường chỗ cho người da trắng. Ông từng bị bắt giam và chỉ được phóng thích khi Tòa án Tối cao Mỹ tuyên bố phân biệt chủng tộc trên xe buýt là vi phạm hiến pháp. 

Mục sư Martin Luther King Jr. lúc sinh thời. Ảnh: KeystoneUSA-Zuma

Trong hành trình đấu tranh cho dân quyền, Luther King đi khắp nơi để diễn thuyết, truyền cảm hứng và kêu gọi bình đẳng. Ngày 28/8/1963, bài diễn văn “I Have a Dream” của ông tại Washington đã gây tiếng vang lớn, khắc sâu giấc mơ về một nước Mỹ, nơi mọi đứa trẻ, không phân biệt màu da có thể nắm tay nhau như anh em. Thông điệp mạnh mẽ ấy góp phần thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Dân quyền năm 1964, chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử. Cùng năm đó, Luther King trở thành người trẻ nhất được trao giải Nobel Hòa Bình, khẳng định con đường đấu tranh phi bạo lực của ông vì công bằng và hòa bình.

Vụ ám sát bất ngờ

Tuy nhiên, một biến cố khủng khiếp bất ngờ xảy ra, khiến các nỗ lực của vị mục sư đồng thời là nhà tranh đấu nhân quyền cho người Mỹ da đen trở thành ước mơ dang dở. Khoảng 18h01 chiều ngày 4/4/1968, Luther King bị ám sát khi đứng trên ban công khách sạn Lorraine ở Memphis, bang Tennessee, sắp sửa rời đi để dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis.

Người dân đọc tin về vụ ám sát mục sư King. Cái chết của ông khiến toàn nước Mỹ rúng động, dấy lên nhiều cuộc biểu tình trên cả nước. Ngày 7/4, tổng thống Mỹ khi đó là ông Lyndon B. Johnson đã tuyên bố quốc tang trong một ngày.

Luther King bị một tay súng bắn trúng cằm. Viên đạn làm gãy xương hàm, sau đó xuyên qua đốt sống cổ và nằm lại ở phần cơ lưng bên trái. Ông được đưa vào bệnh viện St. Joseph để cấp cứu và phẫu thuật. Song, ông đã không qua khỏi và từ trần lúc 19h05 ngày 4/4, khi mới 39 tuổi.

Cái chết của Luther King gây chấn động nước Mỹ, châm ngòi cho hơn 100 cuộc biểu tình bạo động tại nhiều thành phố lớn suốt nhiều tuần lễ. Vô số nhà cửa và xe cộ bị đốt phá, trong khi các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình khiến hàng trăm người thương vong.

Tổng thống Lyndon Johnson tuyên bố quốc tang dành cho Luther King vào ngày 7/4/1968. Tại Atlanta, hàng trăm nghìn người đã đến tiễn đưa Luther King, bày tỏ lòng sự tiếc thương và kính trọng dành cho ông.

Các nhà hoạt động da đen người Mỹ đến viếng mục sư King tại thành phố Memphis.

Lộ diện nghi phạm

Trước làn sóng phẫn nộ của cộng đồng người da màu và những tin đồn cho rằng Chính phủ Mỹ có liên quan đến vụ ám sát Luther King, Cục điều tra Liên bang (FBI) buộc phải nhanh chóng tìm ra kẻ thủ ác để xoa dịu dư luận.

Theo lời khai của một nhân chứng, vài giây sau khi nghe tiếng súng nổ, ông thấy có người chạy ra khỏi khu nhà trọ ở phía sau và đối diện với bãi đậu xe của khách sạn Lorraine. Cảnh sát đã tìm thấy một khẩu súng trường và một chiếc ống nhòm trên khu đất gần công viên giải trí Canipe trên đường South Main. Trên hai vật chứng này có dấu vân tay của một tên tội phạm đang vượt ngục tên James Earl Ray.

Vào ngày 8/6/1968, tức 2 tháng sau vụ ám sát, Ray bị bắt giữ tại sân bay Heathrow ở London khi làm thủ tục rời Anh để bay đến Brussels, Bỉ. Nhân viên bán vé phát hiện tên giả Ramon George Sneyd trên hộ chiếu, một cái tên có mặt trong danh sách theo dõi của cảnh sát Canada. Họ còn tìm thấy một hộ chiếu khác mang tên Harvey Lowmeyer, tên Ray đã dùng để mua khẩu súng gây án.

Cảnh sát đã bắt thủ phạm James Earl Ray tại sân bay Heathrow ở London khi anh ta cố gắng rời nước Anh bằng hộ chiếu giả.

Ngày 10/3/1969, Ray bị tuyên phạt 99 năm tù giam vì tội ám sát mục sư Luther King. Theo lời khuyên của luật sư Jack Kershaw, hắn đã nhận tội để tránh án tử hình. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, Ray bất ngờ kêu oan, với niềm tin nếu George Wallace, Thống đốc bang Alabama có quan điểm phân biệt chủng tộc, đắc cử tổng thống Mỹ, hắn sẽ được ân xá. Song, khi ứng viên tổng thống Lyndon B. Johnson chiến thắng, mọi hy vọng của Ray tan biến.

Năm 1977, Ray cùng 6 phạm nhân khác trốn khỏi nhà tù Peny Mountain ở bang Tennessee. 3 ngày sau, cả nhóm bị bắt lại và bản án dành cho Ray tăng lên thành 100 năm tù giam.

Thuyết âm mưu và những bí ẩn chưa có đáp án

Dù Ray qua đời ở tuổi 70 tại bệnh viện Memorial Columbia Nashville, bang Tennessee vì chứng viêm gan C vào ngày 23/4/1998, nhưng theo yêu cầu của gia đình mục sư Luther King, Tổng Chưởng lý Janet Reno đã ra lệnh điều tra lại vụ ám sát ông vào ngày 26/8 cùng năm.

Hai năm sau, Bộ Tư pháp Mỹ công bố báo cáo 150 trang, khẳng định không có âm mưu nào đứng sau. FBI cũng khẳng định Ray hành động một mình, nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp, như nguồn tiền giúp hắn trốn chạy từ Mỹ qua Canada, Mexico và châu Âu. Ray từng khai một người tên Raul mới là kẻ chủ mưu. Trong khi, con gái Luther King cũng bày tỏ nghi ngờ về một âm mưu lớn hơn, có thể liên quan đến chính phủ và mafia.

Năm 2000, luật sư Barry Kowalski được giao tái điều tra và vẫn giữ nguyên kết luận rằng Ray là thủ phạm duy nhất và không có âm mưu nào sau vụ ám sát. Song, với gia đình Luther King, sự thật dường như vẫn còn bị che giấu, nhất là khi có thông tin cho thấy Giám đốc FBI Edgar Hoover từng ra lệnh nghe lén ông từ năm 1963. Ngoài ra, mục sư James Lawson, người thường xuyên thăm Ray sau khi hắn bị kết án, kể Ray từng khẳng định một người tên Raul đã hướng dẫn hắn mua súng và chính người này mới là kẻ nổ súng. Cũng theo Ray, lúc ông Luther King bị bắn, hắn đang ở một trạm xăng.

Đài tưởng niệm của mục sư Martin Luther King Jr. ở thủ đô Washington. Chính phủ Mỹ chọn thứ 2 của tuần thứ 3 trong tháng 1 là Ngày Martin Luther King Jr., một ngày lễ chính thức của cả nước, để ghi nhớ những nỗ lực không mệt mỏi của ông trong các cuộc đấu tranh bất bạo động vì quyền lợi nhân dân.

Theo BBC, vẫn còn một số câu hỏi khác chưa được giải đáp liên quan đến vụ án. Ví dụ bằng cách nào, Ray, vốn chỉ là một tên trộm vặt, lại có thể bắn một phát chính xác để hạ sát mục sư Luther King như chuyên gia bắn tỉa; hay tại sao sau khi gây án, Ray lại cẩu thả vứt súng và một số vật dụng khác, được bọc trong khăn trải giường ngay trên vỉa hè ở Memphis.

Trong một cuộc họp nội các hôm 11/4 vừa qua, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard thông báo sẽ công bố loạt hồ sơ giải mật cuối cùng về vụ ám sát mục sư Luther King “trong vài ngày tới”, theo sắc lệnh hồi tháng Một của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, một số ý kiến bình luận cho rằng những tài liệu này khó có khả năng chứa thông tin gây chấn động.

Thanh Thảo / Theo: VietNamNet



Tuesday, July 1, 2025

NHỮNG LỄ DIỄU BINH, DUYỆT BINH HOÀNH TRÁNG NHẤT TRONG LỊCH SỬ THẾ GIỚI

Trên thế giới, các lễ diễu binh hay duyệt binh lớn thường được tổ chức vào các ngày lễ trọng đại hoặc kỷ niệm sự kiện quân sự. Những hoạt động phô trương sức mạnh kiểu này đã được tổ chức ít nhất từ thời Lưỡng Hà cổ đại.

Lễ duyệt binh của quân đội Mỹ năm 1865

Quân đội Sherman diễu hành trong cuộc duyệt binh lớn vào ngày 24 tháng 5 năm 1865

Sau khi Liên minh miền Nam đầu hàng để chấm dứt nội chiến Mỹ và Tổng thống Abraham Lincoln bị ám sát, Tổng thống Andrew Johnson đã ra lệnh tổ chức một lễ duyệt binh lớn để vinh danh những người lính đã chiến thắng trong cuộc nội chiến. Cuộc duyệt binh kéo dài 2 ngày với sự tham gia của 145.000 binh sĩ thuộc quân đội Potomac, quân đội Georgia và quân đội Tennessee. Đây được xem là cuộc duyệt binh lớn nhất trong lịch sử nhân loại và lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Lễ duyệt binh nhân Ngày Quốc khánh Pháp

Ảnh: Paris guide

Kể từ năm 1880, Pháp đã tổ chức lễ duyệt binh thường niên để chào mừng Ngày Quốc khánh. Lễ duyệt binh ở Pháp là một trong những sự kiện hàng năm lâu đời nhất thế giới. Vào một số năm, các quân đội nước ngoài cũng được mời tham gia.

Lễ khải hoàn của quân đội La Mã

Theo trang History, khoảng năm 223 trước Công nguyên, tướng quân La Mã Marcus Claudius Marcellus đã dẫn đội quân của mình tới Rome sau khi đánh bại người Gauls. Marcellus trở thành một trong những chỉ huy La Mã được ca ngợi nhất sau khi đánh bại tướng của đối phương trong trận chiến tay đôi.

Diễu binh mừng chiến thắng trong Thế chiến I

Một năm sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết để chấm dứt Thế chiến thứ nhất, vào tháng 9/1919, Tướng John J.Pershing, chỉ huy Lực lượng Viễn chinh Mỹ đã dẫn đầu 25.000 quân diễu binh tại Đại lộ số 5 ở thành phố New York, Mỹ. Một tuần sau, họ lại diễu binh ở thủ đô Washington.

Trung Quốc duyệt binh mừng ngày thành lập quân đội

Ảnh: Xinhua

Năm 2017, để kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc, nước này đã tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn tại Bắc Kinh. Tham gia lễ duyệt binh có 12.000 quân nhân, 570 phương tiện và 129 máy bay phản lực.

Duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng ở Nga 

Ảnh: Xinhua

Năm 1945, sau thất bại của Đức Quốc xã, các lực lượng vũ trang Liên Xô đã tổ chức lễ duyệt binh dài nhất, lớn nhất tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moscow với sự tham gia của 40.000 lính Hồng quân, 1.850 xe quân sự cùng các thiết bị quân sự khác. Cuộc duyệt binh kéo dài hơn 2 giờ vào ngày 24/6/1945, hơn một tháng sau khi phát xít Đức đầu hàng.

Triều Tiên duyệt binh mừng Ngày Quốc khánhDuyệt binh Triều Tiên

Ảnh: KCNA

Các cuộc duyệt binh ở Triều Tiên được coi là một trong những sự kiện thu hút nhất. Tất cả các cuộc duyệt binh ở đất nước Đông Bắc Á này thường mang tính quốc gia và diễn ra tại Quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Triều Tiên thường tổ chức các lễ duyệt binh nhân ngày thành lập quân đội, ngày sinh của các cố lãnh đạo Kim Jong Il và Kim Nhật Thành, ngày Quốc khánh... quy tụ hàng chục nghìn binh sĩ, xe tăng, pháo và máy bay tham gia.

Hoài Linh / Theo: vietnamnet.vn

TÂN DI Ổ - VƯƠNG DUY


Tân di ổ - Vương Duy

Mộc mạt phù dung hoa,
Sơn trung phát hồng ngạc.
Giản hộ tịch vô nhân,
Phân phân khai thả lạc.

Tân di 辛夷 là hoa mộc lan, còn ổ 塢 là vùng đất trũng thấp, bốn phía xung quanh cao. Như vậy tân di ổ 辛夷塢 nên dịch là "thung lũng mộc lan". Các sách chú giải Vương Duy, chẳng hạn như Vương Duy tập hiệu chú 王維集校注 của Trần Thiết Dân, Trung Hoa thư cục 1997 (trang 423) cũng đều hiểu như vậy, và thung lũng hoa này đương thời là một cảnh đẹp ở nơi Vương Duy ẩn cư, biệt thự Võng Xuyên 輞川 đất Lam Điền 藍田 (ở tỉnh Thiểm Tây ngày nay).


辛夷塢 - 王維

木末芙蓉花
山中發紅萼
澗戶寂無人
紛紛開且落


Thung lũng mộc lan
(Dịch thơ: Chi Nguyen)

Đài hồng đẹp tựa cánh sen.
Giữa lưng chừng núi, bon chen sắc hồng.
Non khe vắng lặng ai trông.
Hoa nở hoa rụng, mất công hoa chờ.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Duy 王維 (699-759), tự là Ma Cật 摩詰, người huyện Kỳ (thuộc phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây). Cha mất sớm, mẹ là một tín đồ thờ Phật suốt ba mươi năm. Do đó, Vương Duy chịu ảnh hưởng tư tưởng của đạo Phật. Vương Duy tài hoa từ nhỏ, đàn hay, vẽ giỏi, chữ đẹp, văn chương xuất chúng. Năm 19 tuổi, Vương Duy đến Trường An, được Kỳ Vương Lý Phạm mến tài; đỗ đầu kỳ thi của phủ Kinh Triệu. Năm 21 tuổi, thi đậu tiến sĩ, được bổ làm Ðại Nhạc thừa rồi bị giáng làm tham quân ở Tế Châu. Sau nhân Trương Cửu Linh làm Trung Thư lệnh, ông được mời về làm Hữu Thập di, Giám sát ngự sử, rồi thăng làm Lại bộ lang trung. Trong thời gian này, thanh danh của ông và em là Vương Tấn vang dậy Trường An. Sau đó đến lượt Trương Cửu Linh lại bị biếm, Vương Duy đi sứ ngoài biên ải và ở Lương Châu một thời gian. Khi An Lộc Sơn chiếm kinh thành, Vương Duy bị bức bách làm chức Cấp sự trung, sau khi bị câu lưu tại chùa Bồ Ðề. Một hôm An Lộc Sơn mở đại yến tại ao Ngưng Bích, có các nhạc công của Lê viên tấu nhạc, khiến mọi người cảm xúc rơi lệ. Vương Duy nghe bài ấy cảm thương làm bài "Ngưng Bích trì".
 
Sau khi loạn yên, Vương Duy được tha tội và phục chức, chính nhờ bài thơ này, và nhờ có Vương Tấn, đang làm hình bộ thượng lang, xin giải chức chuộc tội cho anh. Về sau, Vương Duy làm đến chức Thượng thư hữu thừa.
 
Ông giỏi văn nghệ, ưa tiêu dao, nên tuy làm việc với triều đình nhưng vẫn thích nơi có cảnh quan yên tĩnh. Ông được gần vua, các cận thần và được quý trọng vì am hiểu văn chương nghệ thuật. Song trong lòng đã sẵn hướng về thiên nhiên nên thơ ông tả nhiều thú điền viên sơn thủy. Ông có một trang viên riêng cho mình, ở đó ông gảy đàn, thổi sáo và làm thi phú.
Ông để lại khoảng 400 bài thơ, trong đó có những bài thơ thời trẻ, bộc lộ tâm trạng của lớp tri thức có tài có chí không được dùng, sống trong cảnh hàn vi, còn bọn công tử quý tộc dốt nát lại giàu có, rong chơi xa hoa, trụy lạc.


Những tháng năm ở biên cương, thơ ông có tình điệu khẳng khái, hiên ngang, đề cao lòng yêu nước, tinh thần hăng hái của những người lính canh giữ biên cương, sẵn lòng vì một triều đại đang mở mang, hướng tới thịnh vượng (Sứ chí tái thượng, Lũng đầu ngâm, Lão tướng hành,...)
 
Thơ Vương Duy có một phần nổi bật quan trọng đó là thơ thiên nhiên. Do thú ưa thích một lối sống thanh tao, phong nhã, tâm hồn ông hoà nhập với cảnh sống thanh bình của làng quê yên ấm. Thơ ông miêu tả núi sông hùng vĩ, cảnh làm ruộng, gặt hái, lấy sự chất phác đôn hậu của đời sống dân chúng cần mẫn trên đồng ruộng làm nền. Thơ ông còn đắm trong tư tưởng hỷ xả từ bi của đạo Phật.
 
Thơ Vương Duy có phong cách riêng, có chất hùng tráng và thâm trầm. Tài thơ của ông giàu có ở cách thể hiện những đề tài khác nhau, việc miêu tả thiên nhiên tinh tế và đầy sống động. Ngôn ngữ thơ cô đọng và điêu luyện, phù hợp với những ý tứ sâu sắc, truyền cảm.
Ngoài tài thơ ra, Vương Duy còn sành âm nhạc, giỏi thư pháp và hội họa. Tranh sơn thủy của ông mở đầu cho lối họa Nam Tông. Người ta thường khen ông là: "Trong thơ có họa, trong họa có thơ" (Thi trung hữu hoạ, hoạ trung hữu thi).
 
Ðối với Phật giáo đương thời, Vương Duy có địa vị cao trong Nam phái thiền tông. Người đời sau gọi ông là Thi Phật.

Nguồn: Thi Viện



CÔNG DỤNG CỦA YẾN SÀO CÓ THẦN THÁNH NHƯ QUẢNG CÁO?

Yến sào là thực phẩm quý giá, giàu dinh dưỡng, có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu dùng đúng cách, đúng đối tượng.


Từ xa xưa, yến sào đã được xếp vào hàng cao lương mỹ vị, là món ăn chỉ dành cho vua chúa, giới quý tộc nhờ giá trị dinh dưỡng cao và sự quý hiếm trong tự nhiên.

Ngày nay, khi công nghệ nuôi yến phát triển và việc tiếp cận tổ yến trở nên phổ biến hơn, sản phẩm này được tung hô như một loại thần dược có thể bồi bổ toàn diện cho mọi lứa tuổi.

Tuy nhiên, liệu những lời quảng cáo hoa mỹ ấy có cơ sở khoa học không? Hay đó chỉ là một phần trong chiến lược tiếp thị đầy khôn khéo.

Yến sào - thượng phẩm từ thiên nhiên

Yến sào là tổ của chim yến, được hình thành từ nước bọt tiết ra trong quá trình loài chim này làm tổ. Quá trình tạo tổ thường kéo dài từ 30 đến 45 ngày, mỗi tổ nặng khoảng 7 – 15g. Trước đây, việc khai thác yến chủ yếu thực hiện trong hang động tự nhiên, nguy hiểm và hiếm có, nên tổ yến rất quý giá. Hiện nay, nhờ công nghệ nuôi chim yến trong nhà, nguồn cung tổ yến đã dồi dào hơn, nhưng giá trị của yến sào vẫn ở mức cao, dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/kg.

Theo các phân tích dinh dưỡng hiện đại, tổ yến chứa khoảng 45 – 55% protein (dễ hấp thụ); 18 loại axit amin, trong đó có nhiều axit amin thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được như valine, leucine, isoleucine, threonine; 7 – 10% carbohydrate; Khoáng chất như sắt, kẽm, kali, canxi, magie, phốt pho; Các yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) có vai trò trong tái tạo mô và tế bào.

Đặc biệt, yến sào còn chứa axit sialic thành phần quan trọng trong cấu trúc tế bào thần kinh, giúp tăng cường trí nhớ và glycoprotein hỗ trợ miễn dịch.


Công dụng của yến sào, khoa học nói gì?

Tăng cường sức đề kháng

Một số nghiên cứu cho thấy các hợp chất trong yến sào có khả năng kích thích sản sinh tế bào miễn dịch, giúp cơ thể tăng cường khả năng phòng chống vi khuẩn, virus. Điều này lý giải tại sao tổ yến thường được dùng để bồi bổ cho người mới ốm dậy, người cao tuổi, phụ nữ sau sinh…

Hỗ trợ phục hồi sau bệnh

Với hàm lượng dinh dưỡng cao, dễ tiêu hóa, yến sào được xem là thực phẩm lý tưởng cho người đang suy nhược, sau phẫu thuật, hay bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất. Nhiều bệnh viện đã đưa tổ yến vào thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân trong quá trình hồi phục.

Làm đẹp và chống lão hóa

Glycoprotein và EGF trong yến sào có vai trò quan trọng trong việc tái tạo da, cải thiện độ đàn hồi và dưỡng ẩm. Vì thế, nhiều phụ nữ dùng tổ yến với mục đích làm đẹp từ bên trong. Một số hãng mỹ phẩm cũng sử dụng chiết xuất tổ yến trong các sản phẩm chống lão hóa, làm trắng da.

Cải thiện trí nhớ

Axit sialic vốn đóng vai trò trong phát triển hệ thần kinh và trí não, có mặt trong yến sào với tỷ lệ đáng kể. Một vài nghiên cứu sơ bộ trên động vật cho thấy yến sào có thể cải thiện khả năng học tập và trí nhớ, tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng trên người vẫn chưa đầy đủ để khẳng định chắc chắn hiệu quả này.


Những hiểu lầm, quảng cáo thổi phồng

Bên cạnh những giá trị dinh dưỡng có thật, thị trường hiện nay tràn lan những lời quảng cáo phóng đại, thậm chí sai sự thật về công dụng của yến sào như: Trẻ uống yến sẽ cao lớn vượt trội; Người bị ung thư dùng yến sẽ khỏi bệnh; Yến sào giúp “trẻ mãi không già”, “đẹp không cần thẩm mỹ”...

Những tuyên bố này chưa có cơ sở khoa học để xác nhận. Tổ yến là thực phẩm bổ dưỡng, nhưng không thể thay thế thuốc và không có tác dụng điều trị bệnh như nhiều người lầm tưởng.

Không phải ai cũng nên dùng yến sào

Dù yến sào bổ dưỡng, nhưng không phải ai cũng phù hợp:

Trẻ dưới 1 tuổi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện, sử dụng dễ dị ứng.

Người có cơ địa dị ứng: Dễ phản ứng với protein lạ.

Người bị tiểu đường: Một số sản phẩm yến chưng có đường tiềm ẩn nguy cơ tăng đường huyết.

Người bệnh gout hoặc có vấn đề chuyển hóa đạm: Cần cẩn trọng do hàm lượng protein cao.

Ngoài ra, lạm dụng yến sào trong chế độ ăn có thể gây mất cân bằng dinh dưỡng, dẫn đến chán ăn các thực phẩm khác.


Nguy cơ từ hàng giả và sản phẩm trôi nổi

Trên thị trường, không ít sản phẩm yến sào bị làm giả bằng cách pha tạp gelatin, lòng trắng trứng, thạch agar, hoặc dùng hóa chất tẩy trắng, tạo mùi. Việc sử dụng yến giả không chỉ gây lãng phí tiền bạc mà còn tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe.

Người tiêu dùng nên chọn mua tại các thương hiệu uy tín, có chứng nhận nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm và có mã QR truy xuất rõ ràng. Đừng vì ham rẻ mà đánh cược sức khỏe của bản thân và gia đình.

Trương Hiền / Theo: Kiến Thức