Tuesday, October 11, 2016

MẮT KHÔNG VÔ CỚ BỖNG MỜ !


Có thể bạn đã biết là sinh tố A rất cần cho hoạt động tối ưu của thần kinh thị giác. Nhưng có thể bạn chưa biết là nguyên nhân nào khiến mắt cần hoạt chất này đến 50 lần nhiều hơn bình thường?! Đó là công việc trước máy vi tính!, đó là khi ngồi trước máy truyền hình liên tục hơn 3 tiếng đồng hồ! Không lạ gì khi hình ảnh tiêu biểu cho cuộc sống văn minh ở thế kỷ 21, ở thời đại của công nghệ thông tin, là mười người chưa bước qua tuổi 60 đã đeo kính hết chín! Người thứ mười sở dĩ không đeo không vì khá hơn mà vì quên… kính!


Nhưng nếu tưởng như thế chỉ cần bổ sung sinh tố A, càng nhiều càng tốt, càng thường càng hay, thì sai! Ngoài trừ trường hợp bệnh lý cần được điều trị bằng thuốc sinh tố A với liều cao, như ở người quáng gà, mụn nặng dù đã trưởng thành…, nghĩa là có chỉ định rõ ràng của thầy thuốc, nhồi nhét sinh tố A một cách cường điệu là điều nên tránh vì hại nhiều hơn lợi do sinh tố một khi tích lũy đến độ dư thừa sẽ phát huy độc tính nhiều hơn tác dụng như mong muốn!

Khéo hơn nhiều là cung cấp đều đặn tiền sinh tố A cho cơ thể. Như tên gọi, chất này là tiền thân của sinh tố A. Chất này khi vào cơ thể mới được chuyển thể thành sinh tố A tùy theo nhu cầu thực tế nên tránh được tình trạng tích lũy. Hơn thế nữa, tự bản thân tiền sinh tố A cũng là hoạt chất cần thiết cho thị lực, thậm chí đa dạng hơn xa sinh tố A. Nhiều hoạt chất trong nhóm tiền sinh tố A như betacaroten, lutein, zeaxanthin… có tác dụng cộng hưởng để qua đó cùng lúc bảo vệ cấu trúc của thần kinh thị giác, ổn định tính thẩm thấu của mạng lưới mạch máu trên đáy mắt cũng như tăng cường sức đề kháng của giác mạc. Người biết cách tiếp tế tiền sinh tố A đúng lúc cho cơ thể nhờ đó có thể phòng tránh nhiều căn bệnh của mắt, từ cườm nước (tăng áp lực nội nhãn) bước qua cườm khô (đục thủy tinh thể) cho đến thoái hóa võng mạc. Đó là lý do tại sao các loại rau quả dồi dào tiền sinh tố A như rau dền, dâu tằm, đu đủ, cà-rốt… nên có cho thường trên bàn ăn của người phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày với máy vi tính, phải sinh hoạt trong môi trường thiếu ánh sáng thiên nhiên, phải tiếp xúc với phế phẩm kỹ nghệ…

Riêng trong bối cảnh của nước mình với nguy cơ bội nhiễm rõ ràng vẫn còn là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng, đừng quên các chất màu thuộc nhóm anthocyane thường tìm thấy trong vỏ đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen… Nhóm hoạt chất này bên cạnh công năng bảo vệ thị lực còn có tác dụng kháng sinh rất hiệu quả lại thêm không có phản ứng phụ như với thuốc kháng sinh thông thường. Chén chè, chén cháo với đủ loại đậu không đãi vỏ, càng nhiều màu càng tốt, nên là món ăn xế của người hay bị đau mắt hột, viêm giác mạc vì không lẽ lần nào cũng dùng thuốc kháng sinh đề rồi lờn thuốc!


Chuyện gì cũng có lý do. Đèn không vô cớ bỗng hết sáng. Nếu không đứt bóng thì cũng chập điện. Xài đèn liên tục mà không bảo quản, dùng đèn ngày đêm không nghỉ mà mong đèn vẫn sáng rực như mới mua thì chỉ có trong chuyện thần tiên!
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.