Chuyện nàng Trác Văn Quân bỏ chốn khuê phòng, cãi lại lời cha, quyết theo chàng Tư Mã Tương Như, đã trở thành điển tích cho những câu chuyện tình yêu nổi tiếng.
Tài nữ dùng thơ tình giành lại tình yêu
Tư Mã Tương Như, tự Tràng Khanh, người thời Hán, sống ở Thành Đô, nổi tiếng với tài văn thơ và gảy đàn. Từ nhỏ, Tương Như giao thiệp rộng rãi, được người người ngưỡng mộ, trong đó, không thiếu những bậc giai nhân ngồi trong rèm trướng ngưỡng mộ chàng từ xa. Nhưng bản tính thích cuộc sống tự do tự tại, Tư Mã Tương Như không vội vàng trong chuyện thành gia lập thất.
Trong một lần ghé đất Lâm Cùng, Tư Mã Tương Như làm quen với Trác Vương Tôn, một viên ngoại giàu có trong vùng. Trác Vương Tôn có người con gái là Trác Văn Quân, nổi tiếng xinh đẹp và có tài thơ ca. Tuy nhiên, Văn Quân còn trẻ mà đã sớm góa bụa, sống lạnh nhạt phòng không chiếc bóng.
Biết Văn Quân yêu thích tiếng đàn, Tương Như nảy ý dùng tài hoa của mình để trêu ghẹo người thiếu phụ trẻ cô đơn. Khúc Phượng cầu hoàng nổi tiếng của tài tử đã làm say lòng giai nhân. Cũng từ khúc nhạc này, Trác Văn Quân quyết tâm bỏ vành khăn tang thờ người chồng đã chết được nửa năm, đi theo tiếng gọi con tim. Cô quyết cãi lời cha, nguyện theo Tư Mã Tương Như đến chân trời góc bể.
Từ ý định trêu hoa ghẹo nguyệt lúc ban đầu, Tư Mã Tương Như đã dần bị tình cảm của Văn Quân chinh phục. Hai người bỏ đi khỏi huyện nhà, tìm đến mảnh đất mới cùng nhau làm uyên ương liền cành dù gia cảnh khá bần hàn.
Không lâu sau đó, Tương Như được Hán Vũ Đế trọng dụng, cho vời vào triều ban chức tước. Thỏa nguyện bút mực bấy lâu, Tương Như rời xa người vợ hiền, tiến vào đất đô thành, ngày ngày bận rộn việc quan dân, tối tối được vây quanh bởi những bậc phong lưu chốn kinh thành, trong đó có không thiếu những giai nhân tuyệt sắc. Cuộc sống phồn hoa khiến Tương Như dần quên thê tử nơi quê nhà, trong khi Văn Quân ngày đêm vò võ ngóng trông.
Trong lịch sử phong kiến Trung Quốc, Trác Văn Quân được coi là một trong những tài nữ với nhan sắc chim sa cá lặn và tài năng xuất chúng. |
Những bức thư cứ thưa thớt dần, thậm chí, Tương Như còn có ý định lập thêm thê thiếp. Có lần, Văn Quân nhận được bức thư từ chồng, chỉ vẻn vẹn vài chữ: “"Một hai ba bốn năm sáu bảy tám chín mười trăm ngàn vạn”. Tư Mã Tương Như có ý chỉ sự xa cách giữa hai người, đồng thời muốn thử thách người vợ tào khang của mình, như muốn xem nàng còn xứng với một tài tử bậc nhất chốn kinh thành hay không.
Lạnh lẽo chốn quê nhà, lòng người cũng buốt giá, khi cầm bức thư đòi phải hồi âm ngay, Trác Văn Quân đã cầm bút thảo một mạch và gửi ngay cho người đem thư tới kinh thành khi thư còn chưa ráo mực.
Thơ trách chồng
“Sau khi một biệt, lòng gởi hai nơi,
Chỉ hẹn rằng ba bốn tháng,
Nào ngờ lại năm sáu năm,
Bảy dây trống trải đàn cầm,
Tám hàng thư không thể gởi,
Chín mối bội hoàn dang dở,
Mười dặm trường đình mỏi mắt ngóng trông,
Trăm tương tư, ngàn dằn vặt, muôn chung nào nỡ oán chàng.
Vạn lời ngàn tiếng nói sao đang,
Trăm cô liêu tựa mười hiên vắng,
Mùng chín tháng chín lên cao trông lẻ nhạn,
Tháng tám trung thu tròn trăng chẳng thấy người,
Tháng bảy nửa vầng hương cầm đuốc hỏi ông trời,
Tháng sáu phục hiên ai ai lay quạt lạnh lòng ai,
Tháng năm lửa lựu lập loè sầm sập mưa dầm hoa tả tơi,
Tháng tư tỳ bà lạnh vắng người toan soi gương tâm ý loạn,
Chợt hối hả tháng ba hoa đào theo nước trôi,
Cháng hai gió gảy tiếng rã rời.
Ôi chàng, chàng ơi,
Nguyện cho được sau một kiếp,
Chàng thành nhi nữ để thiếp làm phận trai”
怨郎詩
一別之後,
二地相懸,
雖說是三四月,
誰又知五六年,
七絃琴,無心彈,
八行書,無可傳,
九連環從中折斷,
十里長亭望眼欲穿,
百絲想,
千繫念,
萬般無奈把郎怨。
萬語千言道不完,
百無聊賴十依欄,
重九登高看孤雁,
八月中秋月圓人不圓,
七月半,秉燭燒香問蒼天,
六月伏天人人搖扇我心寒,
五月石榴如火,偏遇陣陣冷雨澆花端,
四月琵琶未黃,我欲對鏡心意亂,急匆匆,
三月桃花隨水轉,飄零零,
二月風箏線兒斷,
噫,郎呀郎,
巴不得下一世,
你為女來我為男。
Oán lang thi
Nhất biệt chi hậu,
Nhị địa tương huyền,
Tuy thuyết thị tam tứ nguyệt,
Thuỳ hựu tri ngũ lục niên,
Thất huyền cầm, vô tâm đàn,
Bát hành thư, vô khả truyền,
Cửu liên hoàn tòng trung chiết đoạn,
Thập lý trường đình vọng nhãn dục xuyên,
Bách ty tưởng,
Thiên hệ niệm,
Vạn bàn vô nại bả lang oán.
Vạn ngữ thiên ngôn đạo bất hoàn,
Bách vô liêu lại thập y lan,
Trùng cửu đăng cao khán cô nhạn,
Bát nguyệt trung thu nguyệt viên nhân bất viên,
Thất nguyệt bán, bỉnh chúc thiêu hương vấn thương thiên,
Lục nguyệt phục thiên nhân nhân dao phiến ngã tâm hàn,
Ngũ nguyệt thạch lựu như hoả, thiên ngộ trận trận lãnh vũ kiêu hoa đoan,
Tứ nguyệt tỳ bà vị hoàng, ngã dục đối kính tâm ý loạn, cấp thông thông,
Tam nguyệt đào hoa tuỳ thuỷ chuyển, phiêu linh linh,
Nhị nguyệt phong tranh tuyến nhi đoạn,
Y, lang nha lang,
Ba bất đắc hạ nhất thế,
Nhĩ vy nữ lai ngã vy nam.
Sau khi nhận được bức thư hồi đáp, đọc những dòng thư thấm đẫm nỗi lòng người phương xưa, mỗi câu, mỗi vần đều được sử dụng khéo léo từ những từ ngắn ngủi mà mình đã gửi, Tương Như không khỏi xúc động, nghĩ về tình nghĩa phu thê. Ông không khỏi khâm phục người vợ tài sắc của mình và thấu hiểu hơn nỗi lòng người phương xa. Sau đó không lâu, Trác Văn Quân còn gửi đến chồng bài thơ Bạch đầu ngâm, trong đó có câu: “Mong được tấm lòng chàng, bạc đầu không chia cách”.
Đọc những bức thư chứa những vần thơ đó, Tư Mã Tương Như từ quan, quay về Thành Đô, đoàn tụ cùng vợ. Hai người chung sống bên nhau đến bạc đầu, và ngày nay. Chuyện tình cũng những vần thơ mà Trác Văn Quân gửi cho chồng, vẫn được người đời sau đọc với tất cả sự ngưỡng mộ và đồng cảm.
Q.N.
Theo: Zing.vn