Saturday, November 11, 2017

HAI QUẢ HỒNG

Kho tàng lục bát dân gian
HAI QUẢ HỒNG

"Hai tay cầm hai quả hồng
Quả chát phần chồng, quả ngọt phần trai
Đêm nằm vuốt bụng thở dài
Thương chồng thì ít, thương trai thì nhiều"


Người gì mà quái lạ đến như vậy? Ca dao đã từng nói đến chuyện có vẻ lạ lùng:

"Gió sao gió mát sau lưng
Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này"

Hoặc quá hơn chút nữa:

"Lấy chồng chẳng biết mặt chồng
Đêm nắm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng".

Nhưng người đời rồi cũng chấp nhận. Còn người đàn bà này lại cư xử với chồng như thế thì không thể nào... thương được! Rành rành đây là cách ăn ở cư xử của một người và cũng là một loại người thiếu chính chuyên, được đưa ra đây để mọi người chê bai, diễu cợt, làm gương cho khách hồng quần.
Bao năm nay, người viết bài này vẫn yên tâm với cách hiểu như vậy. Nhưng gần đây ngẫm lại, chợt nhận thấy hình như mình thiếu công bằng và khắt khe.
Người con gái này không yêu chồng hoặc yêu chồng ít hơn yêu trai thì đã hẳn. Nhưng chúng ta đừng vội đem ngay luân lý đạo đức ra kết án cô mà tội nghiệp. Trên đời này có người phụ nữ nào lại không muốn yêu chồng, thương con. Nhưng chẳng may lấy phải người chồng chẳng bao giờ yêu mến thì làm sao mà yêu cho được? Cái thời của những câu ca dao là cái thời "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" thì những chuyện trái duyên không phải là hiếm hoi. Có bao nhiêu cảnh cọc cạch: "chồng thấp vợ cao, như đôi đũa lệch so sao cho bằng". Có bao nhiêu trường hợp chồng chỉ là một "ông lão móm", cô gái "lấy cho qua lần thì thôi". Hay đây nữa một anh chồng:

"Chồng em vừa xấu vừa đen
Vừa kém con mắt vừa hèn chân đi
Chồng em rỗ sứt rỗ sì
Chân đi chữ bát mắt thì ngưỡng thiên".


Người chồng bị ép gả như thế làm sao cô gái có thể yêu cho được? Ông chồng đó chỉ là người được ràng buộc vào cuộc đời người con gái bằng tập tục, lễ giáo mà thôi. Chồng của cô gái này chắc cũng là một người như thế. Còn người được gọi là "trai" đối lập với ông chồng kia là ai? Dĩ nhiên, đó là người không lấy được cô, là người không được thừa nhận trong giấy tờ là chồng. Nhưng có thể anh chính là người bạn "biết nhau từ thuở buông thừng", anh chính là người trai làng mà cô đã từng hò hẹn thề nguyền. Chỉ tại bác mẹ, tại mối manh, tại bao nhiêu trắc trở mà cô không lấy được anh. Nhưng tình xưa vẫn còn nguyên đó, "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng". Làm sao có thể ngăn được lòng cô vẫn hướng về anh? So ra, người khác còn quyết liệt hơn cô nhiều:

"Ví dù thầy mẹ đan rọ
Thả trôi thì thả, lòng tôi vẫn thương chàng"

Còn cô không dám cưỡng lại tập tục, cô đi lấy người chồng mà mình không yêu. Vậy nên cô mới cư xử với trai hậu hơn với chồng, dành phần hơn cho cái người không phải là chồng về danh nghĩa nhưng là chồng trong tình cảm, trong tâm trí của cô.


Điều đáng nói ở đây là đức hy sinh của cô gái này và sự nhân hậu vốn như là bản tính tự nhiên trong tấm lòng phụ nữ. Anh chồng, tuy cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một trái, dù là trái hồng chát. Và dù cô không yêu, nhưng cô vẫn dành cho anh ta một phần tình thương chứ không phải "bỏ rơi" tuyệt đối. Duy có bản thân mình thì cô chẳng dành cho mình một chút gì hết. Hai quả hồng, cô đem cho cả hai người. Tình thương cô cũng dành chia cho hai người tất cả. Cô chẳng giữ lại chút gì cho mình, cô chẳng hề nghĩ về mình. Mặc dù hoàn cảnh của cô chắc chắn là hết sức ái ngại, đáng thương.
Dân tộc ta quả thật là nhân ái và độ lượng!
Vũ Nho
(1990)