Saturday, November 11, 2017

NGUỒN GỐC NHẠC ĐIỆU "CHA CHA"

Sao bạc ngân hà : Nguồn gốc cha cha

Trong số các nhịp điệu La Tinh, cha cha cha có lẽ là một trong những dòng nhạc khiêu vũ phổ biến nhất. Phần lớn cũng vì thể điệu này đơn giản và dễ nhảy hơn nhiều so với các vũ điệu mambo và salsa. Một cách chính thức, điệu cha cha cha sinh ra vào năm 1954, nhưng thật ra đã manh nha từ vài năm trước đó.



Điệu cha cha ra đời tại thành phố La Havana gần hai thập niên sau thể điệu mambo, và cả hai dòng nhạc này, đều là biến thể từ nhịp điệu danzón. Người sáng chế ra thể điệu cha cha là nhạc sĩ kiêm tác giả người Cuba Enrique Jorrín (1926-1987).

Sinh tại Pinar del Rio, Enrique học đàn vĩ cầm từ năm 12 tuổi. Nhờ có năng khiếu, nên ông được tuyển vào nhạc viện thành phố La Havana. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu đi diễn với dàn nhạc của Học viện Quốc gia Âm nhạc (Cuba's National Institute of Music) dưới sự điều khiển của nhạc trưởng González Mántici.

Từ cuối những năm 1940, Enrique Jorrín bắt đầu sáng tác khi ông tham gia vào nhiều ban nhạc nhẹ (thường được gọi là charanga), trong đó có nhóm Hermanos Contreras và nhất là dàn nhạc Orquesta América, dưới sự điều khiển của nhạc sư Ninón Mondéjar. Dàn nhạc này chuyên biểu diễn tại vũ trường Silver Star (có nghĩa là Sao Bạc), một trong những câu lạc bộ khiêu vũ nổi tiếng nhất La Havana thời bấy giờ.



Theo lời kể của chính tác giả Enrique Jorrín được nhà nghiên cứu Helio Oravio (1934-2008) ghi chép lại trong quyển tự điển âm nhạc Cuba (Diccionario de la Música Cubana) xuất bản vào năm 1981, thì bản nhạc cha cha đầu tiên là bài La Engañadora do Enrique Jorrín sáng tác vào năm 1951. Bài này ban đầu được chơi theo thể điệu mambo, nhưng Enrique nhận thấy rằng mambo hơi khó nhảy do có quá nhiều nhịp lẻ.

Bước nhảy của mambo dựa theo nhịp lẻ (syncope), chứ không trên nhịp mạnh (beat). Tác giả này khi sáng tác mới làm cho giai điệu đơn giản hơn, chỉ giữ lại những nhịp lẻ cần thiết nhất. Ông đem thể điệu này vào thử nghiệm trong bản nhạc La Engañadora, mở đầu với nhịp điệu đơn giản, đến phần cuối bài hát mới biến tấu phức tạp hơn một chút, thành điệu mambo.

Về từ ngữ, chữ cha cha cha xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1954, đánh dấu ngày ra đời chính thức của thể điệu này, cho dù cha cha đã được thử nghiệm từ vài năm trước đó. Theo nhà báo Israel Sanchez Coll, người đã viết quyển tiểu sử về Enrique Jorrín, thì tác giả này lần đầu tiên dùng chữ cha cha cha là trong nhạc phẩm Silver Star, y hệt như cái tên gọi của vũ trường nổi tiếng thủ đô La Havana.


Chữ cha cha cha chính là cái tiếng động của nhịp chân trên sàn gỗ, ở cuối câu thường có ba bước nhảy liền nhịp. Tuy không phải là bài cha cha quen thuộc nhất, nhưng ít ra, Silver Star đã định hình nền tảng cho các bước nhảy cơ bản sau này.

Khi nhắc tới các bài cha cha lừng danh trên khắp thế giới, rất quen thuộc với công chúng ở mọi nơi, thì nhiều người thường hay nghĩ tới những bài như Muñequita Linda (Búp bê xinh xắn) còn có tiểu tựa là Te Quiero Dijiste, bản Quien Sera, tức là Sway trong tiếng Anh hay là Đêm Vui theo cách đặt lời của tác giả Anh Bằng, bài Quizas Quizas (Nào biết Nào hay).

Bài Pepito Mi Corazón từng được dịch sang tiếng Việt thành bản Người tình Nam Mỹ hay là nhạc phẩm Cherry Pink and Apple Blossom White từng được tác giả Từ Vũ dịch thành nhạc phẩm Cánh bướm vườn xuân trong tiếng Việt (ông cũng là người viết lời Việt Cánh buồm xa xưa cho bài La Paloma), cho dù nhiều ca khúc được chuyển thể theo điệu cha cha, chứ không phải được viết ban đầu cho thể điệu này.

Bút sa gà chết. Ở đây phải nhắc tới trường hợp của bản Cherry Pink, tiêu biểu cho cách dùng hình tượng sai lầm mà không chi tháo gỡ nổi, một khi đã ghi âm. Trong nguyên tác, đây là một ca khúc tiếng Pháp mang tựa đề Cerisier rose et pommier blanc (Hoa anh đào màu hồng và hoa táo màu trắng), của nhạc sĩ Louiguy, nghệ danh viết tắt từ tên thật của ông là Louis Guglielmi (1916-1994).

Người đặt lời cho bài hát là Jacques Larue. Trong bản nhạc này, ông dùng hình tượng của hai loài cây ăn trái đang trổ hoa. Khổ nổi, cây anh đào (cerisier) của châu Âu trước khi sinh trái thường trổ hoa màu trắng còn cây táo (pommier) thì lại trổ hoa màu hồng. Chỉ có hoa anh đào Nhật Bản thuộc vào dạng cây kiểng, mới trổ hoa sắc hồng nhưng lại không sinh trái. Thành ra, nếu viết cho thật chính xác thì phải viết là Hoa anh đào trắng, hoa táo màu hồng, chứ không thể nào mà viết ngược lại.


Có người nói đùa rằng, do tác giả Jacques Larue sống ở thành thị, chưa bao giờ thấy cây ăn trái trổ hoa, nên ông mới nhầm lẫn đến nỗi dùng hai sắc hoa trái ngược hẳn nhau. Sai lầm này sau đó được lặp đi lặp lại vì các phiên bản phóng tác bám sát nguyên tác tiếng Pháp, bài từng được dịch sang tiếng Anh là Cherry Pink, còn trong tiếng Tây Ban Nha là Cereza Rosa. Thế nhưng, điều đó dường như không phải là một trở ngại lớn, vì bài hát này rất ăn khách với cả ngàn phiên bản trong nhiều thứ tiếng.

Từ khi ra đời cho tới nay, điệu cha cha tiếp tục ăn khách qua nhiều thời kỳ khác nhau, giai đoạn cực thịnh của thể điệu này vẫn là vào những năm 1960. Các nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, các quốc gia Trung Đông như Ai Cập và Liban, các nước Trung Mỹ như Mêhicô hay Guatemala đều duy trì truyền thống sáng tác nhạc cha cha. Còn tại Tây Âu, công chúng cỏ vẻ yêu thích salsa và bossa nova nhiều hơn.

Điệu cha cha gắn liền với những hình ảnh cổ xưa hoài niệm. Các tác giả thời nay khi viết nhạc theo điệu cha cha thật ra muốn tạo thế đối trọng, muốn đi ngược lại các trào lưu thời thượng. Một ví dụ điển hình là bài Joe Le Taxi (1987) qua phần thể hiện của Vanessa Paradis ra đời vào lúc mà nhạc pop đang trở nên cực thịnh tại Pháp. Một cách tương tự, bài Smooth Operator của Sade phá kỷ lục số bán vì mang sắc thái âm thanh hoàn toàn khác biệt so với phong trào new wave thịnh hành tại Anh Mỹ thời bấy giờ.


Thời nay, ít có người nào còn để ý tác giả Enrique Jorrín là ai. Cho dù lối sáng tác của ông đã đặt ra khuôn mẫu cho nhiều bản nhạc sau đó, các bài cha cha thường hay chuyển nhịp thành mambo trong các đoạn nhạc chuyển tiếp hay ở phần điệp khúc cuối. Hầu như ai ai cũng không còn để ý đến cái thuở khai sinh của thể điệu cha cha cha, thời mà dàn nhạc Orquesta America tung hoành tại vũ trường Silverstar, thời mà những gót chân ngọc ngà bước ra sàn nhảy thướt tha, thời của những tà áo dạ hội lấp lánh kiêu sa, lung linh muôn ánh sao bạc ngân hà.

Tuấn Thào
Theo: RFI Tiếng Việt