Wednesday, June 10, 2020

CỒN HẾN - ĐẢO NHỎ GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ MỘNG MƠ

Tôi có đến Huế một lần năm 1992, có nghe nói đến cồn Hến nhưng cứ tưởng là một cái cồn hay đảo nhỏ ngoài biển cho đến hôm nay xem clip của Tung Tăng TV giới thiệu về Huế và món ăn "con chầm chậm". Mới biết là cồn Hến trên sông Hương và món "con chầm chậm" là món cơm hến, đặc sản Huế.(LKH)


CỒN HẾN - ĐẢO NHỎ GIỮA LÒNG THÀNH PHỐ MỘNG MƠ

Các bạn có tin giữa lòng thành phố Huế có một hòn đảo nhỏ? Hòn đảo đó chính là Cồn Hến. Cồn Hến ban đâu chỉ là một mô đất nhỏ giữa dòng sông. Lâu dần được phù sa và đất bồi lấp trở thành một bãi đất lớn, một hòn đảo nhỏ giữa lòng sông Hương với diện tích 24,6 ha.

Ban đầu, Cồn Hến có tên là “xứ cồn cạn” do hai khe nước ở giữa cồn bị bồi lấp cạn dần, nhiều loài cá tôm đến đây sinh sống. Ban đêm nhiều người tới đây đánh bắt, đốt đèn đuốc soi sáng cả một vùng nên cồn được gọi là Cồn Soi. Cũng bởi sự hình thành cồn do bồi lấp mà về sau, quần cư ở đây đã lập nên làng có tên là Bồi Thành. Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát xây dựng phủ chúa ở Phú Xuân, ông Huỳnh được coi là người đầu tiên đến dựng chòi định cư và làm nghề cào hến, về sau nhiều người mưu sinh bằng nghề này. Cái tên cũng Cồn Hến bắt đầu từ đó.


Cồn Hến có hình dài theo hướng Bắc Nam, chia sông Hương như ra làm hai nhánh. Đảo là nơi tách biệt với đất liền, nhưng đảo giữa lòng sông hương thì không lo, muốn đi vào cồn, có cây cầu Phú Lưu hay còn gọi là cây cầu Cồn dẫn từ đường Nguyễn Sinh Cung, Vỹ Dạ bắt ngang sông đi vào Cồn.

Cầu được xây dựng khá lâu và cũng đã được nhiều lần trùng tu, câu rộng chỉ 3m nên chỉ dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy. Qua hết cầu, sẽ dẫn ngay vào cồn, vào đến con đường duy nhất trong Cồn đó là đường Ưng Bình. Được biết, tên Ưng Bình là tên của một nhà thơ thời tiền chiến, tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Ưng Bình. Con đường này như một truc xương sống giao thông đi lại trên Cồn, chia đôi Cồn theo chiều ngang.


Đến Cồn Hến thăm thú những gì?

Mặc dù diện tích không lớn, tuy nhiên nơi đây chứa đựng rất nhiều di tích lịch sử và công trình lịch sử. Như các đình làng xưa, chùa chiền, miếu mạo, các nhà thờ thời Pháp thuộc.

Đến Cồn Hến ăn gì?

Nhắc đến dân cư nơi đây, thì đa số là dân tái định cư, dân của xã Phú Xuân ( Phú Vang) chuyển đến sinh sống và gắn bó với nghề cào hến. Nghề cào hến và chế biến hến được truyền – nối và phát triển, trong một thời gian dài là nghề chính của cư dân cồn Hến. Chính vì vậy mà nơi đấy nỗi tiếng với món cơm Hến Huế. Đến Huế chưa ăn cơm Hến chưa phải đến Huế, tuy nhiên đến đâu để được ăn ngon và đúng vị cơm Hến Huế thì phải đến Cồn Hến.


Cồn Hến là một “đảo ẩm thực” với các món đặc sản liên quan đến hến, tiêu biểu là món cơm hến, bún hến, mỳ hến, cháo hến. Nơi đây, có một món ăn nỗi tiếng nữa đó chính là món chè bắp. Bắp trồng đất cồn ngon hơn Bắp ở nơi khác trên đất Huế. Nhắc đến chè bắp cơm hến là nhắc đến Cồn Hến.

Cuộc sống ở Cồn Hến?

Cuộc sống nơi đây vô cùng yên bình, như một ốc đảo bốn phía đều có thể ngắm sông ngắm nước, ngày trăng lên đứng đâu cũng thấy trăng nơi đáy nước, cuộc sống nơi đây yên bình như một vùng quê giữa lòng phố xá tấp nập. Tuy nhiên, không phải vì tách biệt mà con người nơi đây sống thiếu thốn các nhu cầu thiết yếu.


Trẻ con nơi đây vẫn được học mầm non, được hoàn thành chương trình tiểu học ngay tại nơi các em sống. Trên hòn đảo nhỏ này có một trường tiểu học tên là Phú Lưu, nằm ngay đầu đường Ưng Bình phía cầu thuộc địa bàn phường Vỹ Dạ. Giờ tan học của các em là lúc Cồn Hến tấp nập, rộn rã nhất, vui tươi nhất.

Nhìn từ xa Cồn Hến trông như thế nào?

Đứng ở cầu Tràng Tiền nhìn về phía Đông, đứng ở cầu chợ Dinh nhìn về phía Tây thì ta có thể ngắm toàn cảnh Cồn. Lúc này cồn trông như một viên ngọc xanh biết giữa long sông mênh mang. Mấy ai khi đứng tại những vị trí này lại nghĩ một cồn đất, một bãi bồi cây cối um tùm, xanh rợp bóng vậy mà bên trong lại chứa đựng tất cả những văn hóa tinh túy của xứ mộng mơ này.


Ai chưa một lần đến, hãy đến ngay nào. Huế sẽ cho các bạn những trãi nghiệm bất ngờ nhất từ những điều nhỏ nhất, bình dị nhất.

Hồ Liên