Wednesday, June 10, 2020

GHÉ PHƯỢNG HOÀNG LẠC MẤT TRÁI TIM

Tôi biết và nghe đến Phượng Hoàng Cổ Trấn khá nhiều qua “thế giới mạng” vì nơi này nổi lên như một điểm chụp hình rất đẹp. Trong một chuyến đi công tác, tôi đã dành hẳn thời gian một ngày để ghé Phượng Hoàng lạc mất trái tim.


Với tôi, đây là nơi ấn tượng nhất từng đến bởi vì người ta hay nói hình ảnh trên mạng thường được chỉnh sửa “ảo diệu” so với ngoài đời thực. Nhưng với Phượng Hoàng thì ngược lại. Tận mắt nhìn, tận tai nghe, tự tay chạm vào dòng Đà Giang chảy qua cổ trấn không quá sâu, đáy sông có nhiều tảo và rêu tạo cho mặt nước một màu xanh lục mát lạnh như nước đá. Ngồi trên thuyền ngắm dòng đời trôi qua hai bên sông, lắng nghe giọng ca ngọt ngào văng vẳng bên sông của cô gái Miêu, thả bước quanh những con phố cổ… mới thấy được bức ảnh không thể nói hết vẻ đẹp của Phượng Hoàng.


Sáng sớm, tôi vừa ghé Phượng Hoàng lạc mất trái tim bởi vẻ cổ kính, thanh bình đến lạ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều thành quách, những dãy phố, căn nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa… Tuổi đời hơn 1.300 năm đã giúp Phượng Hoàng trở thành một trong những bảo tàng sống về văn hóa các dân tộc địa phương đầy màu sắc. Du khách tấp nập ra vào nhưng cổ trấn vẫn giữ cho mình được nét trầm mặc soi bóng xuống dòng Đà Giang. 


Hãy dạo bước trên những cây cầu đủ hình dạng bắc ngang hai bờ sông, đặc biệt nhất là cây cầu được đổ trụ bằng những cột đá theo nhịp bước chân, có hai luồng đi cho hai chiều ngược nhau. Cách đó không xa, một cây cầu gỗ khác gồm những đoạn cầu bắc qua mố trụ đứng chênh vênh, bề rộng chỉ chừng hơn nửa mét kiêu hãnh soi bóng nước. Ngắm những chiếc thuyền chèo tay lượn lờ, mái ngói phủ màu rêu phong, tất cả phủ lên nét cổ kính của Phượng Hoàng, một vẻ đẹp hiếm nơi nào có được. 
 
Đừng lo Phượng Hoàng cổ kính sẽ buồn, vì nó lại mang một vẻ đẹp khác hẳn khi “phố lên đèn”. Người người thả bộ ven sông mát mẻ, ngắm những ánh đèn đủ màu trang trí quanh những ngôi nhà cổ. Những cây cầu cũng được thắp sáng lung linh huyền ảo, vừa hiện đại nhưng vẫn giữ nét cổ kính không quá lòe loẹt, xô bồ. Hai bên sông về đêm nhộn nhịp những hàng quán địa phương, quán bar sát mép sông và những quán cà phê xinh xắn để du khách dừng chân nghỉ ngơi sau ngày dài dạo bước. 


Tự thưởng cho mình những món ăn địa phương hấp dẫn, mua quà lưu niệm tinh xảo của người dân bản địa hay chỉ đơn giản là ngồi ven sông ngắm dòng người qua lại nhộn nhịp và đông vui. Một ngày ở Phượng Hoàng khép lại trong sự thư thái nhẹ nhàng của tâm hồn bởi cái không khí bình yên nơi đây. Nhờ cơ duyên, tôi đã có dịp ghé Phượng Hoàng lạc mất trái tim.


+ Phượng Hoàng cổ trấn nhộn nhịp du khách từ sáng đến tối nên để có những bức ảnh “sống ảo” hết nấc, hãy ngủ lại đây một đêm. Chịu khó dậy sớm tầm 5 - 7h sáng, lúc này mặt trời vừa lên, mọi người còn đang say ngủ. Đây là cơ hội tuyệt vời để “tậu” những bức ảnh không bị phá hỏng bởi “người và người”. Đặc biệt, bình minh vừa lên và trấn cổ còn ẩn mình trong sương sớm sẽ là thời điểm để có những bức ảnh đẹp nhất trong ngày. 

+ Đừng quên mua quà lưu niệm của người dân tộc địa phương như trà hoa, lược sừng, những chiếc vòng tay đá chu sa, khăn tay dệt thổ cẩm... Món đậu hủ thúi trứ danh, bánh tép chiên giòn từ những chú tép tươi rói vừa bắt dưới sông rất đáng để thử.

+ Trước đây, muốn đến Phượng Hoàng phải vừa đi tàu, đi xe, bay quá cảnh vài chặng. Hiện tại đã có chuyến bay thẳng đến thành phố “tiên cảnh” Trương Gia Giới cách cổ trấn hơn 200km, bạn sẽ tiết kiệm đến 6 giờ bay và quá cảnh.

Nguồn: Vietravel