Wednesday, October 16, 2024

ĐIỀU ĐẶC BIỆT PHÍA SAU CHIẾC DƯƠNG CẦM ĐẦU TIÊN TẠI TÒA BẠCH ỐC

Cảm hứng thơ ca của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing dành cho cây đàn dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc bắt nguồn từ những bộ sử thi Hy Lạp cổ đại và chín Nữ Thần Muse.

Cây dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc do Hãng Steinway & Sons sản xuất, có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing bên trong nắp đàn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Năm 1903, Hãng Steinway & Sons đã tặng một cây đại dương cầm cho Tổng thống Theodore Roosevelt. Cây đàn được đặt làm cho Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc. Cây đàn Steinway của ngài Roosevelt là cây dương cầm chính của vị tổng thống cho đến năm 1938, khi nó được quyên tặng cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hoa Kỳ Smithsonian. Cây đàn này từng chứng kiến nhiệm kỳ của các vị Tổng thống Roosevelt, William H. Taft, Woodrow Wilson, Warren G. Harding, Calvin Coolidge, Herbert Hoover, và Franklin D. Roosevelt.

Cây đàn được ông R. H. Hunt và ông J. H. Hunt thiết kế, hộp đàn mạ vàng được ông Juan Ayuso — một công dân Pháp sinh ra ở thành phố Bordeaux có cha mẹ là người Tây Ban Nha — chạm khắc tinh xảo. Ông tỉ mỉ khắc con dấu của 13 thuộc địa Mỹ thời đầu, bằng kỹ thuật ghép gỗ (marquetry) xung quanh thân đàn. Giới tinh hoa giàu có tha thiết muốn sở hữu những cây đàn dương cầm của Hãng Steinway được ông Ayuso chạm khắc: ông F.W. Woolworth (nhà sáng lập công ty F. W. Woolworth và chuỗi cửa hàng “Five-and-Dimes”), và các ông trùm kinh doanh của Hoa Kỳ như ông George J. Gould và ông Cornelius Vanderbilt đều từng ủy thác cho ông Ayuso chạm khắc hộp đàn dương cầm ở dinh thự của mình.

Năm 1897, nhà thiết kế nội thất người Mỹ Joseph Burr Tiffany (người sáng lập Hãng Trang sức Tiffany & Co) trở thành giám đốc bộ phận đàn dương cầm nghệ thuật của Hãng Steinway & Sons. Ông đã ủy thác cho họa sỹ người Mỹ Thomas Wilmer Dewing (1851–1938) vẽ phần nắp bên trong cây đàn dương cầm của Tòa Bạch Ốc.

Một chi tiết trên cây dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc do Hãng Steinway & Sons sản xuất, có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing bên trong nắp đàn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Để phù hợp với tinh thần ái quốc được truyền tải thông qua các biểu tượng như tấm khiên, chim đại bàng, vòng hoa lễ hội, và con dấu của các thuộc địa Mỹ thời đầu, họa sỹ Dewing đã vẽ một cảnh tượng phúng dụ khi Mỹ quốc chào đón chín Nữ Thần Muse.

Chín Nữ Thần Muse của Hy Lạp

Trong bài thơ sử thi “Theogony” (Thần Phả) của thi hào Hesiod (thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên), các Nữ Thần Muse được giới thiệu là con gái của Nữ Thần Ký ức Mnemosyne, và Thần Zeus, Vua của các vị Thần. Theo thi hào Hesiod, Thần Zeus đã ở cùng Nữ Thần Titan Mnemosyne tại Pieria trong chín đêm, và sinh ra chín Nữ Thần Muse.

Các Nữ Thần Muse đại diện cho các môn khoa học, văn học, và nghệ thuật. Họ đóng vai trò là hiện thân tượng trưng của nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn hóa vĩ đại. Điều quan trọng là Nữ Thần Ký ức, một vị Thần Titan, là mẫu thân của các Nữ Thần Muse. Trong một xã hội cổ đại mà hầu hết người dân đều không biết chữ, thì trí nhớ chính là yêu cầu đầu tiên để đọc thuộc lòng các tác phẩm thơ ca lỗi lạc.

Mở đầu các tác phẩm thơ ca của mình, các thi sỹ thời xưa thường khẩn cầu các Nữ Thần Muse giúp họ nhớ lại những thiên sử thi anh hùng. Qua đó, việc khẩn cầu Nữ Thần Muse sẽ chứng minh rằng, người kể chuyện đang sáng tác trong truyền thống thơ ca.

Bức tranh “Calliope Mourning Homer” (Nàng Calliope Khóc Thương Thi Hào Homer) của họa sỹ Jacques-Louis David, năm 1812. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Harvard, Cambridge. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Những dòng đầu tiên trong tác phẩm “Iliad” (thế kỷ thứ 8 trước Công Nguyên) của đại thi hào Homer — thiên sử thi Hy Lạp kể về chàng chiến binh lừng danh Achilles trong Cuộc chiến Thành Troy — mở đầu bằng câu, “Hỡi Nữ Thần, cơn thịnh nộ đang cất tiếng hát,” là lời khẩn cầu gửi đến Nữ thần Calliope, đại diện cho thơ sử thi. Các Nữ Thần Muse đóng vai trò là nguồn sức mạnh của ký ức, hoàn thành sứ mệnh của mình với tư cách là những nguồn cảm hứng thơ ca.

Cảm hứng sáng tạo — một hiện tượng vô hình và siêu việt từng làm say mê các nghệ sỹ suốt nhiều thế kỷ, vừa là động lực vừa là kết quả của những trải nghiệm với nghệ thuật vĩ đại. Các Nữ Thần Muse tượng trưng cho hiện tượng này. Vì vậy, thật hợp lý khi từ “museum” (bảo tàng) bắt nguồn từ chữ “muse,” bởi vì các viện bảo tàng vừa là nơi tiếp nhận và trưng bày những hiện vật được hình thành từ cảm hứng, vừa là nơi tạo điều kiện thuận lợi cho cảm hứng sáng tạo nảy sinh thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Cách sử dụng từ “nàng thơ” (muse) trong thời hiện đại của chúng ta còn chắt lọc khái niệm cổ xưa hơn nữa, khi miêu tả về người truyền cảm hứng cho động lực sáng tạo, thường mang tính lãng mạn hoặc bắt nguồn từ sự kính phục.

Vào thời cổ đại, tên gọi và số lượng của các Nữ Thần Muse sẽ khác nhau tùy theo khu vực. Có chín Nữ Thần Muse trong thời kỳ Cổ điển (Classical) ở Hy Lạp cổ đại. Họ thường được khắc họa đầy tính nghệ thuật với các biểu tượng liên quan. Nàng Calliope, Nữ Thần về thơ sử thi, cầm trên tay một cuộn giấy, cây bút, hoặc tấm bảng, trong khi đó nàng Euterpe, Nữ Thần về âm nhạc và thơ ca, thường được khắc họa với một cây kèn aulos — một loại nhạc cụ hơi của Hy Lạp cổ đại giống như sáo. Nàng Polyhymnia, Nữ Thần về tài hùng biện và thánh thi/thánh ca, đeo tấm mạng che mặt hoặc cầm chùm nho. Nàng Erato, Nữ Thần về thơ trữ tình và luyến ái, thường được khắc họa bên cạnh Thần tình yêu Eros có cánh, hoặc đang chơi đàn cithara — một loại nhạc cụ dây của Hy Lạp cổ đại giống như đàn lia, còn nàng Terpsichore, Nữ Thần về vũ đạo và hợp xướng, cầm theo một phím gảy đàn hoặc cây đàn lia.

Mỗi Nữ Thần Muse sẽ đeo hoặc cầm một chiếc mặt nạ bi hoặc hài kịch tương ứng với mình: Nàng Thalia, Nữ Thần về hài kịch và thơ điền viên, và nàng Melpomene, Nữ Thần về bi kịch. Nàng Thalia còn được khắc họa cùng cây gậy của người chăn cừu hoặc vòng dây thường xuân, trong khi đó nàng Melpomene đôi khi cầm một thanh gươm, cây chùy, hoặc mang giày kothornos — một loại giày ống có dây buộc thời Hy Lạp cổ đại. Nàng Clio, Nữ Thần về lịch sử, cầm một cuốn sách, cuộn giấy, hoặc vòng nguyệt quế, trong khi nàng Urania, Nữ Thần về thiên văn học và chiêm tinh học, thường được thấy đội vương miện có các vì sao, hoặc cầm một chiếc compa và quả cầu.

Các Nữ Thần Muse (từ trái sang phải): Nàng Calliope, Thalia, Terpsichore, Euterpe, Polyhymnia, Clio, Erato, Urania, và Melpomene được khắc trên quách đá “Muses Sarcophagus,” thế kỷ thứ 2. Bảo tàng Louvre, Paris. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Các Nữ Thần Muse sống trên Núi Helicon ở Boeotia, Hy Lạp, cùng với Thần Apollo — vị Thần Hy Lạp-La Mã cai quản ánh sáng, các lĩnh vực thơ ca, âm nhạc, và vũ đạo.

Thần Apollo và các Nữ Thần Muse xuyên suốt lịch sử nghệ thuật

Bức tranh “The Parnassus” của danh họa Raphael, năm 1511, trong Phòng Raphael tại Bảo tàng Vatican. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Danh họa thời kỳ Phục hưng Raphael (1483-1520) vẽ bức tranh “The Parnassus” tại Stanza della Segnatura (Phòng Raphael) ở Cung điện Vatican, Rome. Bức bích họa miêu tả Thần Apollo đang chơi một loại nhạc cụ thời kỳ Phục hưng, xung quanh ông là chín Nữ Thần Muse. Khung cảnh diễn ra trên đỉnh Núi Parnassus huyền thoại, từng được cho là nơi Thần Apollo cư ngụ. Bức tranh khắc họa một nhóm chín thi nhân thời cổ đại, chín thi nhân đương thời, và chín Nữ Thần Muse đang vây quanh Thần Apollo. Được Giáo hoàng Julius II đặt vẽ, bốn bức tường ở Stanza della Segnatura minh họa bốn lĩnh vực tri thức của nhân loại: tôn giáo, triết học, thơ ca, và luật pháp — cùng bức tranh “Parnassus” tượng trưng cho thơ ca.

Bức tranh sơn dầu “Apollo and the Muses on Mount Parnassus” (Thần Apollo và Các Nữ Thần Muse Trên Núi Parnassus) của họa sỹ Nicolas Poussin (1594-1665), lấy cảm hứng từ bức bích họa của danh họa Raphael và cũng khắc họa chủ đề tương tự. Chín Nữ thần Muse vây quanh Thần Apollo, bên cạnh đó là thi hào Homer, thi hào Virgil, và một số thi nhân khác tề tựu bên bờ Suối Castalia.

Bức tranh “Parnassus” của họa sỹ Nicolas Poussin, khoảng năm 1630 đến năm 1631. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Prado, thành phố Madrid. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Trong khung cảnh mà họa sỹ Poussin tái hiện, Thần Apollo đang ngồi và để ngực trần với tấm vải phủ lên đôi chân, xung quanh ngài là chín Nữ Thần Muse. Giống như trong bức bích họa của danh họa Raphael, nguồn cảm hứng sáng tạo mang tính phúng dụ có thể dễ dàng được nhận thấy thông qua những thuộc tính biểu tượng của các nhân vật. Nàng Melpomene vận áo choàng màu nâu sẫm (một loại áo choàng hoặc khăn choàng không tay mà đàn ông và phụ nữ Hy Lạp mặc, có tác dụng như khăn choàng hoặc áo khoác hiện đại), tay trái cầm một con dao găm nhọn mạ vàng và tay phải cầm chiếc mặt nạ bi kịch. Nàng Euterpe mặc áo chiton dài màu vàng kim (kiểu áo dài buộc vai của Hy Lạp cổ đại), tay trái nắm chặt cây sáo bè (panpipes).

Năm 1916, Bảo tàng Mỹ thuật Boston ủy quyền cho họa sỹ John Singer Sargent (1856–1925) thiết kế và trang hoàng mái vòm của bảo tàng này. Sau một sự nghiệp vô cùng lừng lẫy với tư cách là một trong các họa sỹ vẽ chân dung hàng đầu thế kỷ 19, ông Sargent khi đó vừa hoàn thành một ủy thác đáng mơ ước khi trang trí các đại sảnh uy nghi tráng lệ của Thư viện Công cộng Boston bằng một loạt tranh tường mà ông gọi là “Triumph of Religion” (Sự Khải Hoàn của Tôn Giáo) (1895–1919). Đối với Bảo tàng Mỹ thuật Boston, ông đã nảy ra ý tưởng vẽ một loạt tranh tường như một hành động nhằm tôn vinh nghệ thuật, gắn liền với các chủ đề từ thế giới cổ đại và thần thoại cổ điển.

Bức tranh “Apollo and the Muses” (Thần Apollo và Các Nữ Thần Muse) của họa sỹ John Singer Sargent, năm 1921. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Mỹ thuật Boston. (Ảnh: Tư liệu công cộng)

Khi đặt cạnh bức tranh “The Parnassus” của danh họa Raphael, bức tranh “Apollo and the Muses” (Thần Apollo và Các Nữ Thần Muse) của họa sỹ Sargent rõ ràng là đang đối thoại với loạt tranh bích họa của Ý. Tuy nhiên, với cùng một chủ đề được đơn giản hóa theo cách hiện đại, ông Sargent đã giản lược sự đa dạng về màu sắc trên y phục của các nhân vật, khắc họa tất cả họ trong trang phục xếp nếp màu kem, và lược bỏ các biểu tượng đặc trưng của họ. Nhờ những hiểu biết trực quan tích lũy được sau nhiều thế kỷ thể hiện nghệ thuật trước đó, ông Sargent tự do đơn giản hóa biểu tượng của các Nữ Thần Muse mà không làm mất đi mối liên kết chủ đề ngay lập tức [với khán giả] ở thế kỷ 20.

Thần Apollo — nhân vật trung tâm — đứng giữa vòng tròn các Nữ Thần Muse đang nhảy múa, tay trái của ông nâng niu cây đàn lia, còn tay phải giơ lên cao trong một cử chỉ đầy thư thái và tự tin. Theo nhịp chuyển động, vòng xoắn vải trên những chiếc váy mỏng manh của các Nữ thần Muse tăng thêm tính chuyển động tròn, đầy mê hoặc cho bố cục. Bức tranh chỉ có hai màu, các nhân vật có nước da màu kem hoặc sáng nổi bật trên nền xanh lam phẳng, gợi nhớ đến kiểu trang sức chạm nổi (cameo).

Chín Nữ Thần Muse của họa sỹ Dewing

Mặt trong nắp đàn có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing. Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian, Hoa Thịnh Đốn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Sau khi thưởng lãm các bức tranh tái hiện Nữ Thần Muse trong nhiều truyền thống nghệ thuật khác nhau, chúng ta có thể chiêm ngưỡng các Nữ Thần Muse của họa sỹ Dewing bằng nhãn quan mới mẻ. Họa sỹ vẽ màu trung tính (tonalist) đã tiến một bước xa hơn từ truyền thống mỹ học xoay quanh quá trình miêu tả Nữ Thần Muse. Để phù hợp với chủ đề về nước Mỹ, ông Dewing thay thế Thần Apollo bằng hình tượng nữ nhân đại diện cho Mỹ quốc, người ngồi ở ngoài cùng bên trái. Bên cạnh đó, ông còn phá vỡ truyền thống miêu tả các Nữ Thần Muse vận trang phục xếp nếp kiểu Hy Lạp, và để các nữ nhân vật của mình diện váy dạ hội theo phong cách Phục hưng thuộc địa (Colonial revival).

Bằng việc đặt Mỹ quốc vào không gian mà Thần Apollo thường ngự trị, và để các Nữ Thần Muse của Hy Lạp đồng hóa với ngôn ngữ thời trang của thuộc địa Mỹ, họa sỹ Dewing đã du nhập truyền thống nghệ thuật Hy Lạp vào Tân thế giới. Mỹ quốc, thay vì Hy Lạp, trở thành nơi tiếp quản văn hóa cổ điển. Sự dung nhập này được thể hiện trong tiêu đề của bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse). Vào lúc mở nắp cây đàn dương cầm đầu tiên của tổng thống, những người có mặt tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc được chiêm ngưỡng cảnh tượng rực rỡ khi Mỹ quốc chào đón sự phong phú của nền nghệ thuật Tây phương kinh điển.

Cây dương cầm đầu tiên của Tòa Bạch Ốc do Hãng Steinway & Sons sản xuất có bức tranh “America Receiving the Nine Muses” (Mỹ Quốc Chào Đón Chín Nữ Thần Muse) của họa sỹ Thomas Wilmer Dewing bên trong nắp đàn. (Ảnh: Được Mr.TinMD/CC BY-ND 2.0 chỉnh sửa màu sắc)

Hữu Minh biên dịch
Theo: epochtimesviet
Link tham khảo: