Sunday, July 20, 2025

NĂM MỚI, HỌC TƯ DUY KẺ MẠNH CỦA SÓI VÀ ĐẠI BÀNG: THẤY TÌNH THẾ KHÔNG ỔN, LẬP TỨC RÚT LUI!

Người mạnh mẽ luôn dứt khoát và quyết đoán - giống như phẩm chất kiên định, dũng mãnh của Sói đầu đàn và đại bàng giữa trời xanh.


Có một tình tiết hấp dẫn trong bộ phim "Oppenheimer": Nhà khoa học Oppenheimer bị coi là gián điệp và phải đối mặt với sự nghi ngờ của dư luận. Trong phiên điều trần, người bạn cũ Taylor bất ngờ trở giáo, cáo buộc Oppenheimer là kẻ chủ mưu ở nơi làm việc, can thiệp vào việc nghiên cứu của các nhà khoa học khác và ngăn cản mọi người đóng góp cho đất nước. Sau đó, thậm chí còn ra vẻ bắt tay Oppenheimer và nói lời tạm biệt.

Một người bình thường chắc chắn sẽ tức giận. Nhưng Oppenheimer vẫn lịch sự đáp lại cái bắt tay của Taylor. Sau đó âm thầm cắt đứt liên lạc với anh ta và hoàn toàn gạt chuyện vừa xảy ra sang một bên.

Xem xong đoạn phim này, tôi đã cảm thán: đây chính là tư duy của kẻ mạnh. Trong thực tế cuộc sống, rất nhiều người có xu hướng đối đầu trực diện với kẻ xấu và cuối cùng phải trả giá đắt hơn về mặt tinh thần. Nhưng người mạnh mẽ luôn dứt khoát và quyết đoán, khi thấy tình thế không ổn, họ rút lui kịp thời và không bao giờ đứng im tại chỗ.

01

Kết quả của những trận chiến không ngừng nghỉ với người khác là gì?

Để tôi kể cho bạn nghe hai câu chuyện: Một người là nhà toán học Leibniz. Trong môn giải tích có một công thức quan trọng gọi là "công thức Newton-Leibniz". Nhìn thấy cái tên này, bạn có thể nghĩ rằng hai người này là bạn tốt hoặc đối tác có mối quan hệ tốt. Sự thật hoàn toàn ngược lại.

Leibniz đã đấu tranh với Newton cả đời để chứng minh rằng ông là người đầu tiên phát minh ra công thức.

Newton buộc tội Leibniz ăn cắp công thức của ông. Leibniz cho biết ông đã độc lập phát hiện ra lý thuyết này và công bố kết quả sớm hơn Newton. Newton tin rằng ông đã đề cập đến công thức trong ghi chú của mình mười năm trước và rằng ông đã thành công hơn trong việc áp dụng nó. Nhưng Leibniz nói rằng các khái niệm và thuật toán giải tích mà ông đề xuất nằm ngoài tầm với của Newton.

Trong mắt thế giới bên ngoài, nghiên cứu của hai người có trọng tâm và đóng góp khác nhau, thực sự không cần phải tranh cãi không ngừng. Tuy nhiên, cả hai vẫn dẫn đầu những người ủng hộ và phát động một cuộc tranh luận kéo dài hơn mười năm. Sau khi Newton trở thành chủ tịch Hiệp hội Hoàng gia, ông đã thành lập một đội điều tra đặc biệt để thay mặt ông giành quyền phát minh ra công thức. Leibniz ở thế yếu đã đưa ra nhiều tuyên bố nhưng đều bị bác bỏ.

Dành nhiều thời gian để lo lắng về vấn đề này, cơ thể vốn đã yếu ớt của Leibniz lại càng trở nên tồi tệ hơn. Năm 1713, hoàng gia Anh công bố Newton là người đầu tiên phát minh ra công thức. Sau khi nghe điều này, Leibniz đổ bệnh và qua đời ba năm sau đó.

Khi ông qua đời, chỉ có thư ký và bác sĩ tiễn ông.


02

Câu chuyện thứ hai kể về nhà văn Oscar Wilde.

Wilde, người xuất thân từ một gia đình danh giá, là "con nhà người ta" trong nửa đầu cuộc đời. Ông là một người vô cùng tài năng, giành được Huân chương Putola về Văn học khi mới 10 tuổi, xuất bản một tập thơ ở tuổi 20, đi diễn giảng ở Hoa Kỳ ở tuổi 28 và trở thành chủ biên của một tạp chí nổi tiếng ở tuổi 33. Ông có một gia đình hạnh phúc, một người vợ đảm đang, xinh đẹp, hai cậu con trai thông minh, dễ thương và đạt được nhiều thành công trong tình yêu cũng như sự nghiệp. Tuy nhiên, tất cả điều này đã thay đổi đáng kể vào năm 1895.

Năm đó, có người dán một tấm áp phích trước cửa câu lạc bộ mà ông thường lui tới, vu khống các tác phẩm của ông là "hạ lưu", chỉ trích con người ông là giả tạo. Người dán tấm áp phích này không ai khác chính là Hầu tước Queensberry khét tiếng. Lý do ông làm điều này là vì cãi nhau với con trai khi phát hiện con trai mình thường xuyên qua lại với Wilde nên nghĩ đến việc ra tay với Wilde.

Bạn bè khuyên Wilde rằng chẳng có ai để tâm lời nói của Hầu tước Queensberry, tốt nhất là hãy cứ phớt lờ ông ta. Nhưng Wilde không thể nuốt trôi cục tức này và nhất quyết nộp đơn kháng cáo. Ông ngưng mọi công việc viết kịch bản và tiểu thuyết và dành toàn bộ tâm sức cho việc kiện tụng.

Cả hai tranh cãi gay gắt trước tòa, kết quả, Wild khởi kiện thất bại, và còn bị tòa án kết tội "có hành vi sai trái". Sau khi thua kiện, Wilde bị kết án hai năm lao động khổ sai, tương lai của ông bị hủy hoại và vợ ông tái hôn với người khác. Sau khi thụ án và được ra tù, cuộc sống trước kia cũng không thể lấy lại được. Không còn được thế giới văn học chính thống chấp nhận, ông chỉ có thể một mình chịu đựng cảnh nghèo khó và qua đời ở tuổi 46.


03

Cả hai đều là những người xuất sắc trong lĩnh vực tương ứng của mình. Nếu họ tập trung vào công việc trước mắt, họ chắc chắn sẽ còn đạt được thêm điều gì đó. Nhưng họ lại phớt lờ tương lai tươi sáng của mình để vướng vào những chuyện vặt vãnh.

Kết quả là phải trả giá bằng cả cuộc đời còn lại, điều đó thực sự đáng buồn và cũng đáng trách. Vì vậy, việc con người có ham muốn chiến thắng mạnh mẽ đôi khi không phải là điều tốt.

Những người cố tình gây chiến có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi trong cuộc sống.

Bạn được thăng chức và tăng lương, nhưng anh ta lại nói bạn dựa vào các mối quan hệ;

Bạn đang lái xe trên đường, anh ta vô tình tông vào bạn, rồi lại mắng bạn không có mắt;

Bạn nói trái đất hình tròn, anh ta cười nhạo sự thiển cận của bạn và nói với bạn rằng trái đất hình vuông.

Tức giận, bạn quyết định chiến đấu. Nó giống như việc vật lộn trong vũng lầy, ngay cả khi bạn thắng, bạn cũng sẽ lãng phí rất nhiều thời gian, sức lực và mất nhiều hơn là được. Nhưng nếu thua, sự thù địch và không can tâm sẽ khiến bạn dễ hành động bốc đồng.

Dù kết quả thế nào thì bạn cũng thua. Thay vì để tính nóng nảy nhất thời dẫn đến những hậu quả không hay, tốt hơn hết bạn nên coi mình là kẻ xui xẻo và nhanh chóng rời khỏi vũng lầy.

Nhà khoa học chính trị Parkinson từng đề xuất một định luật rất thú vị có nội dung: Đối với hầu hết mọi người, thời gian họ dành để suy nghĩ về một việc nào đó tỷ lệ nghịch với tầm quan trọng của việc đó. Chứng minh sự vô tội của bạn trước những người nói xấu sau lưng bạn hay tập trung vào việc cải thiện hiệu suất của bạn; La hét với người đã tông vào xe của bạn hay tập trung lái xe tới nơi cần đến; Cố gắng giải thích cho người có trình độ nhận thức thấp hay giữ im lặng và tập trung vào việc học. Lãng phí thời gian vào những việc tầm thường hay đầu tư công sức vào những thứ có giá trị thực sự.

Sự lựa chọn của bạn quyết định tư duy và tầm nhìn của bạn. Người thực sự khôn ngoan sẽ chủ động đầu hàng.

Không phải họ không muốn chiến đấu, cũng không phải là không thể thắng, chỉ là họ cảm thấy không nhất thiết phải tham gia một cuộc chiến vô nghĩa mà thôi.


04

Có một cầu thủ huyền thoại trong lịch sử bóng chày Mỹ - Jackie Robinson. Để tri ân con số 42 phía sau áo của anh ấy, các cầu thủ Major League Baseball hiện tại đã cố tình tránh con số này.

Vào ngày 15 tháng 4 hàng năm, tất cả các cầu thủ và huấn luyện viên sẽ mặc áo số 42 để kỷ niệm. Jackie Robinson là một cầu thủ bóng chày da màu được người quản lý đội bóng tình cờ phát hiện và gia nhập đội bóng Brooklyn Dodgers nổi tiếng.

Đây là một đội bóng da trắng, và vào thời điểm đó, tình trạng phân biệt chủng tộc diễn ra rất nghiêm trọng, anh không thể ăn cùng đồng đội hoặc sử dụng nhà vệ sinh và phòng tắm cùng các đồng đội người da trắng.

Trong quá trình tập luyện, các đồng đội đã cô lập anh, huấn luyện viên cũng đối xử với anh rất khác.

Trong trận đấu, các đối thủ thỉnh thoảng ném những cú khá mạnh vào đầu anh, khán giả thậm chí còn chửi bới anh.

Tức giận, nhưng mỗi khi muốn lao vào trả thù, anh luôn nghĩ đến cuộc trò chuyện với sếp của mình. Khi được thuê, ông chủ đã cảnh báo anh: Đừng để sự tức giận chiếm lấy đầu óc khi gặp phải sự bất công.

Jackie Robinson bối rối: Anh đang tìm một cầu thủ không có gan đánh trả? Ông chủ nói: Tôi muốn tìm một cầu thủ có đủ can đảm để không đánh trả. Cậu biết đấy, chúng ta sẽ chiến thắng miễn là thế giới thừa nhận hai điều: cậu là một quý ông có giáo dục tốt và là một cầu thủ bóng chày cừ khôi.

Trong sự nghiệp sau này, anh tránh mọi xung đột, chịu đựng mọi bất công, dành thời gian và sức lực cho việc tập luyện và thi đấu.

Cuối cùng, anh giành được chức vô địch World Series đầu tiên cho Dodgers vào năm 1973, giành được sự tôn trọng của mọi người bằng chính sức mạnh và thực lực của mình.

Câu chuyện này khiến tôi nhớ đến một lý thuyết trong tâm lý học. Mọi thứ mà mọi người đều phải giải quyết đều là một quá trình "định hình lại bộ não".

Dù bạn giải quyết vấn đề gì, bạn sẽ vô tình "đóng" vai trò tương ứng cho đến khi bạn thực sự trở thành người đó.

Khi bạn so đo với những người tính toán, bạn sẽ mất đi lý trí trước khi bạn nhận ra điều đó.

Khi bạn tranh luận với một người kiêu ngạo, bạn sẽ dần dần trở nên kiêu ngạo.


Người dễ dàng quyết tâm thì không có cảm xúc, còn người dễ bị tổn thương thì không có lòng quyết tâm.

Chỉ khi hiểu rõ những gì bạn muốn và điều gì là quan trọng nhất đối với bạn vào lúc này, bạn mới không dễ dàng bị kích động bởi những ý đồ xấu xa của thế giới bên ngoài.

Cuộc sống rất ngắn ngủi, và mỗi phút bạn lãng phí cho những người xấu, những điều tồi tệ là lãng phí thời gian và thiếu tôn trọng chính mình.


Khi gặp bẫy, các loài thú khác sẽ chỉ tru lên và vùng vẫy, trong khi sói sẽ tự cắn đứt chân mình để trốn thoát. Khi đại bàng bị quạ làm phiền, nó sẽ không tức giận hay đánh trả mà chỉ bay cao hơn. Kết quả là những con thú khác trở thành bữa ăn của thợ săn, con sói trốn thoát, con quạ rơi xuống vì thiếu oxy ở độ cao cao hơn còn đại bàng thì bay vút lên trời cao.

Sự lựa chọn giữa sói và đại bàng là điều mà tôi gọi là "hình mẫu và tư duy của kẻ mạnh".

Diệu Đan / Theo: thanhnienviet

BỒ ĐÀO THẦN TỬU?

Thần tửu manh nha từ cuối thập niên 80, khi giới quan sát thấy rằng, dân Pháp có tỷ lệ người mắc và tử vong vì bệnh động mạch vành thấp so với dân Mỹ và các nước châu Âu khác, mặc dù dân Pháp tiêu thụ thịt đỏ, bơ sữa không kém gì các nước khác, thậm chí còn hơn. Chất béo bão hòa từ thịt đỏ bơ sữa được cho là yếu tố rủi ro gây bệnh tim mạch.


Nghịch lý dân Tây

Vài năm sau, tiến sĩ Serge Renauld của đại học Bordeaux, Pháp, lần đầu tiên đã gọi phát hiện kỳ lạ này là “Nghịch lý dân Tây” (French paradox), và giải thích, có thể là do ẩm thực Tây có nhiều chất béo omega-3, chất chống oxid hóa, và dân Pháp uống chừng mực vang đỏ. Ngay sau đó, đài truyền hình CBS của Mỹ đã cho rượu vang lên sóng “60 Minutes”, chương trình ăn khách nhứt của CBS.

Dân Mỹ vốn có số tử vong cao về bệnh tim mạch, ngay lập tức ngưỡng mộ rượu vang đỏ. Mức tiêu thụ rượu vang ở Mỹ tăng 40% trong vòng một năm. Truyền thông Mỹ đã nâng rượu bồ đào thành thần tửu, mặc dù giải thích của S. Renault mới chỉ là cái nhìn sơ khởi. Sau này còn thêm nhiều giải thích khác cho hiện tượng “nghịch lý dân Tây”, trong đó có cả sai lầm về thống kê.

Sức mạnh của truyền thông cao vời vợi hơn cả thi ca. Vào các trang web bán rượu vang, cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, xem thử thì biết. “Nghịch lý dân Tây” đã được trích dẫn như kinh thánh, vẫn quyến luyến trong lòng rất nhiều bợm nhậu.


Thần tửu đến từ đâu?

Cái gọi là “nghịch lý dân Tây” là nguồn cảm hứng cho cả trăm nghiên cứu về rượu vang. Người ta tìm thấy trong rượu vang có chất resveratrol. Đây là một trong những chất chống oxid hóa thuộc nhóm polyphenol, có nhiều trong vỏ và cuống trái nho. Vang đỏ được lên men từ trái nho còn nguyên vỏ, nên lượng resveratrol nhiều hơn vang trắng. Lượng resveratrol có trong vang đỏ từ 0,2 – 5,8 mg/lít. Nho vỏ dày như loại Malbec cho nhiều revesratrol hơn. Ngoài ra cũng còn tùy cách chế biến vang, thời gian tiếp xúc lâu với vỏ nho, lượng resveratrol trong rượu cũng cao hơn.

Những nghiên cứu về resveratrol cho thấy có một đặc tính có lợi như sau: 
  • Revesratrol có tính kháng viêm, làm tăng cholesterol tốt (HDL), chống đông tập tiểu cầu, tránh hình thành các cục máu đông dễ gây những cơn đau tim.
  • Resveratrol ngăn ngừa việc kháng insulin, là yếu tố dẫn đến bệnh tiểu đường.
  • Resveratrol hoạt hóa gen SIRT 1, một cơ chế sinh học làm chậm quá trình lão hóa.
  • Resveratrol còn bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi hư hỏng và tránh đóng vữa (plaque), có thể dẫn đến bệnh alzheimer.
Đó là những nghiên cứu về lợi ích của chất revesratrol. Còn nghiên cứu trực tiếp về rượu nho trên sức khỏe con người thì sao? Năm 2002, viện Nghiên cứu Y học Pháp (INSERM) đã làm nghiên cứu với những tay “bợm” từ 35-65 tuổi ở Toulouse, vùng nổi tiếng về rượu vang của Pháp. Kết quả cho thấy, những người uống rượu vang đỏ đều đều, mỗi ngày cỡ chừng hơn 1 xị (khoảng 300 ml), thì hàm lượng cholesterol tốt (HDL) trong máu cao hơn so với những người không uống rượu. Cả omega-3, một loại acid béo, tốt cho tim mạch, cũng cao hơn. Toàn là những chỉ số liên quan đến bệnh tim mạch, quá phù hợp với cái gọi là “nghịch lý dân Tây”.

Dĩ nhiên còn nhiều nghiên cứu khác hỗ trợ cho lợi ích ”thần thánh” của rượu vang như của giáo sư Marty Mayo (University of Virginia Health System), hay nghiên cứu của Martin Wabitsch, giáo sư Đại học Ulm (Đức), và còn nhiều nhiều nữa…


Thần tửu trở thành thần… thoại

Những nghiên cứu về đặc tính của revesratrol đa số đều làm thí nghiệm trên… chuột, chứ không phải trên người: Cải thiện huyết áp, tim mạch được tìm thấy trên chuột. Ngăn ngừa kháng insulin, hạ đường huyết được tìm thấy ở loài gặm nhấm. Bảo vệ tế bào thần kinh, ngừa bệnh alzheimer tìm thấy trên nhiều động vật trong phòng lab. Làm chậm lão hóa từ việc hoạt hóa gen SERT 1 được thấy trên các loại nấm men, sau này mới tìm thấy trên chuột.

Dĩ nhiên, ở các thí nghiệm trên, người ta không thể cho chuột hay thằn lằn uống rượu vang, mà dùng resveratrol tinh khiết với liều cao – nếu quy từ chuột qua người phải cần tới cả ngàn mg resveratrol, hay phải uống tới 500 -700 lít rượu vang.

Liều cao thì mặc kệ liều cao, thực phẩm chức năng vẫn nhập cuộc với những viên bổ sung revesratrol 200-500 mg, hay cao hơn nữa cũng chẳng nhằm nhò gì. Cho đến nay, giới khoa học chưa dám khuyến cáo nên dùng những viên bổ sung reveratrol này để phòng ngừa tim mạch, hay chống lão hóa… chỉ vì liều lượng reveratrol phải dùng cỡ nào mới đạt hiệu quả vẫn chưa được biết rõ, hiệu quá tốt xấu, có an toàn cho người không cũng chưa biết luôn.

Trong rượu vang, ngoài resveratrol còn nhiều chất có hoạt tính sinh học và chất chống oxid hóa khác, và đó lợi ích “tập thể”, chứ không chỉ tập trung vào các viên bổ sung resveratrol. Nói chung, lợi ích sức khỏe của rượu vang hay các viên bổ sung resveratrol chưa được khoa học xác nhận. Hơn nữa, revesratrol đáp ứng tốt với chuột, nhưng chưa chắc đáp ứng tốt với người. Nhưng không sao, thực phẩm chức năng lại rất thường “lầm lẫn” giữa chuột và người.

Vũ Thế Thành
Theo: Sài Gòn Thập Cẩm

CA (KHA) THƯ CA - TÂY BỈ NHÂN


Ca (Kha) Thư ca - Tây bỉ nhân

Bắc Đẩu thất tinh cao,
Kha Thư dạ đới đao.
Chí kim khuy mục mã,
Bất cảm quá Lâm Thao.

Chú thích:

1/ Ca Thư tức Ca Thư Hàn, một danh tướng đời Đường, cầm quân ngăn giặc Thổ Phồn tại cửa ải Lâm Thao (nay là huyện Mân tỉnh Cam Túc) trên biên giới tây bắc. Vạn lý trường thành đắp từ đời Tần phát xuất từ ải này.

2/ Mục mã tức là ngựa của dân du mục Thổ Phồn, ỷ chỉ quân giặc Thổ Phồn.


哥舒歌 - 西鄙人

北斗七星高
哥舒夜帶刀
至今窺牧馬
不敢過臨洮


Bài ca về Ca (Kha) Thư
(Dịch thơ: Anh Nguyên)

Bẩy sao Bắc Đẩu lên cao,
Kha Thư đêm vắng mang đao đứng chờ.
Nay người chăn ngựa còn ngờ,
Lâm Thao, chẳng dám bao giờ đi qua...


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tây bỉ nhân 西鄙人 là một quan trấn thủ biên cương tây bắc dưới thời Vãn Đường, không rõ tên và năm sinh năm mất. Để lại một bài thơ duy nhất là "Kha Thư ca" 哥舒歌 lưu truyền hậu thế.

Nguồn: Thi Viện



CHÙA TUYẾT ĐẬU - VIÊN NGỌC TÂM LINH CỦA PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA

Chùa Tuyết Đậu (雪窦寺), tọa lạc tại vùng đất Hàng Châu thanh bình, được biết đến như một trong những đạo tràng Phật giáo Đại Thừa danh tiếng và lâu đời nhất Trung Hoa. Nơi đây không chỉ nổi bật với kiến trúc cổ kính, hài hòa giữa thiên nhiên và tâm linh, mà còn là biểu tượng sống động của lòng từ bi và niềm tin về tương lai an lạc qua hình ảnh Phật Di Lặc – vị Bồ Tát mang thông điệp hạnh phúc và hy vọng.


Đến với Chùa Tuyết Đậu, bạn sẽ có cơ hội hòa mình vào không gian thiền định tĩnh lặng, chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc tinh tế và cảm nhận sâu sắc dòng chảy văn hóa Phật giáo Đại Thừa đã tồn tại qua hàng nghìn năm. Cùng Taditours khám phá về ngôi chùa linh thiêng này, biểu tượng từ bi và an lạc của nền Phật Giáo Đại Thừa.

Đôi nét về Chùa Tuyết Đậu

Chùa Tuyết Đậu, tên đầy đủ là Tuyết Đậu Tư Thánh Thiền Tự (雪窦资圣禅寺), nằm tại trung tâm núi Tuyết Đậu thuộc trấn Khê Khẩu, thành phố Phụng Hóa, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Với lịch sử hơn 1.000 năm, chùa Tuyết Đậu không chỉ là trung tâm hành hương quan trọng mà còn là điểm đến văn hóa, lịch sử có giá trị vô cùng to lớn.

Toàn cảnh Chùa Tuyết Đậu giữa lòng núi rừng thanh tịnh.

Núi Tuyết Đậu nổi bật với độ cao 645m cùng hệ thống núi non trùng điệp, rừng cây xanh mát quanh năm và các dòng suối trong vắt. Không gian núi rừng yên bình với khí hậu ôn hòa đã tạo điều kiện lý tưởng cho việc tu hành thiền định của tăng ni phật tử cũng như thu hút du khách, nghiên cứu sinh tâm linh đến tìm kiếm sự an lạc. Nhiều cảnh quan tự nhiên kỳ vĩ như thác nước, hang động, đỉnh núi cao tạo nên vẻ đẹp hòa quyện giữa thiên nhiên và tín ngưỡng.

Lịch sử phát triển

Chùa được xây dựng từ thời nhà Tấn (khoảng thế kỷ thứ 4) và trải qua nhiều triều đại mở rộng, trùng tu, đặc biệt là dưới triều nhà Đường và Bắc Tống. Trong lịch sử, chùa không chỉ là nơi thờ tự mà còn là trung tâm nghiên cứu Phật học quan trọng, từng đón tiếp nhiều tăng sĩ nổi tiếng và học giả. Vào thế kỷ 10, chùa được nhà Tống ban sắc phong “Tư Thánh Thiền Tự”, thể hiện vị thế cao quý trong hệ thống Phật giáo thời bấy giờ.


Tuy nhiên, qua các thời kỳ chiến loạn, chùa từng bị hủy hoại nặng nề, nhất là trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa. Từ cuối thế kỷ 20, với sự quan tâm của chính phủ và các tổ chức Phật giáo, chùa được phục dựng và mở rộng lại, vừa giữ được nét kiến trúc truyền thống vừa ứng dụng các phương pháp bảo tồn hiện đại.

Lối kiến trúc và nghệ thuật

Chùa Tuyết Đậu sở hữu nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, từ cổng tam quan, các điện thờ đến các hành lang dài và các tháp chuông, tháp trống được chạm khắc tinh xảo. Điểm nhấn nổi bật là Đại điện Di Lặc, nơi đặt tượng Bồ tát Di Lặc cao hơn 56m giữa núi non hùng vĩ tạo nên không gian linh thiêng, hài hòa giữa nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc Phật giáo. Ngoài ra, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như kinh sách cổ, tượng Phật bằng đồng, gốm sứ cổ, là kho báu văn hóa quý giá.

Tượng Phật Di Lặc bằng đồng cao 56,74 mé, biểu tượng cho sự hạnh phúc, niềm an lạc của nền Phật Giáo Đại Thừa.

Kiến trúc của chùa phản ánh rõ nét phong cách thời nhà Tống với mái cong, cột gỗ lớn, và họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên như hoa lá, mây trời, động vật linh thiêng trong Phật giáo.

Vai trò văn hóa và tôn giáo

Chùa Tuyết Đậu là một trong những trung tâm truyền bá Phật pháp lớn ở miền Đông Trung Quốc. Tại đây thường xuyên tổ chức các khóa tu thiền, giảng pháp, lễ hội Phật giáo truyền thống, thu hút hàng nghìn tín đồ và khách hành hương mỗi năm. Đặc biệt, chùa còn có mối liên hệ đặc biệt với gia đình Tưởng Giới Thạch, một nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc và mẹ của ông từng xuất gia tại đây, góp phần tạo nên giá trị tâm linh sâu sắc và lịch sử đáng ghi nhớ.

Kiến trúc cổ kính của Chùa Tuyết Đậu, mái cong, cột gỗ và hoa văn tinh xảo đậm dấu ấn thời Tống.

Chùa cũng là điểm đến của các nhà nghiên cứu Phật học, các tăng sĩ quốc tế, trong đó có Nhật Bản, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa – tôn giáo trong khu vực Đông Á.

Ý nghĩa và giá trị cho đến ngày nay

Ngày nay, chùa Tuyết Đậu không chỉ là nơi tu hành, lễ bái mà còn là điểm tham quan du lịch văn hóa tâm linh nổi bật của tỉnh Chiết Giang và Trung Quốc. Qua sự kết hợp hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc cổ kính và đời sống Phật giáo, chùa trở thành biểu tượng của sự thanh tịnh, lòng từ bi và trí tuệ.


Du khách khi đến đây không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp nghệ thuật, thiên nhiên mà còn được cảm nhận sự an yên, tĩnh lặng trong tâm hồn, hiểu thêm về nền văn hóa Phật giáo lâu đời và ý nghĩa của con đường tu tập, giác ngộ.


Chùa Tuyết Đậu, qua bao biến thiên lịch sử, vẫn vững chãi như một chứng nhân lặng lẽ của thời gian, mang theo hơi thở của Phật pháp. Giữa cảnh núi non hùng vĩ, ngôi chùa như một chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người với thiên nhiên, giữa lòng từ bi với hy vọng về một tương lai an lành. Không chỉ là chốn tôn nghiêm dành cho người tu hành, nơi đây còn mở ra một không gian để mỗi người tìm lại chính mình, giữa tiếng chuông ngân vang, làn khói hương trầm và khung cảnh núi rừng thanh khiết.

Theo: taditours.com



VÌ SAO CON VẬT ĐỘC VÀ NGUY HIỂM NHƯ RẮN LẠI TRỞ THÀNH BIỂU TƯỢNG CỦA NGÀNH Y CHUYÊN CỨU NGƯỜI?

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam, sử dụng biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy làm biểu tượng ngành y. Nhiều người có thể cảm thấy khó hiểu vì rắn phần nhiều là có độc và rất nguy hiểm với con người, trong khi ngành y lại chuyên cứu người.

Phác họa hình tượng thần trong thần thoại Hy Lạp.

Tại Đại hội Y tế Thế giới lần thứ nhất vào năm 1948, logo Liên Hợp Quốc được đặt trên một cây gậy có tạc một con rắn quấn quanh được chọn làm biểu tượng chính thức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Trang web chính thức của WHO mô tả cây gậy có con rắn quấn quanh từ lâu đã là biểu tượng của y học và ngành y. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng chọn biểu tượng này làm biểu tượng ngành y, bao gồm Việt Nam.

Biểu tượng bắt nguồn từ câu chuyện về Asclepius – người được người Hy Lạp cổ đại tôn kính như một vị thần chữa bệnh và đặc biệt chuyên về sử dụng rắn. Asclepius thành công trong việc cứu người đến nỗi, theo truyền thuyết, Hades - vị thần địa ngục - đã phải phàn nàn với thần tối cao Zeus, rằng việc chữa bệnh có thể làm thay đổi cán cân sinh tử. Zeus sau đó quyết định sát hại Asclepius bằng một tia sét.

Để tưởng nhớ Asclepius, người dân ở các quốc gia Địa Trung Hải thời xa xưa xây dựng đền thờ ở khắp nơi. Tàn tích của những ngôi đền này vẫn còn cho đến ngày nay.

Nguồn gốc của Asclepius

Tượng thần Asclepius cầm cây gậy có con rắn quấn quanh.

Theo thần thaọi Hy lạp, Asclepius là con trai của thần Apollo và Coronis – một phụ nữ phàm trần sống tại Thessaly (Hy Lạp cổ đại). Asclepius được xem là Á thần (nửa người, nửa thần). Tuy nhiên, cuộc đời của Asclepius bắt đầu với bi kịch.

Trong lúc Coronis mang thai Asclepius, bà đã phản bội Apollo để yêu một người phàm khác tên là Ischys. Khi phát hiện ra sự việc, Apollo tức giận và nhờ chị gái mình, nữ thần Artemis, giải quyết. Artemis đã thiêu sống Coronis.

Tuy nhiên, trong lúc nhìn Coronis bị thiêu, Apollo cảm thấy hối hận vì khiến đứa con của mình cũng mất mạng. Ông liền dùng sức mạnh của mình để mổ bụng người mẹ và cứu lấy đứa trẻ. Đây được coi là trường hợp "mổ lấy con" đầu tiên trong thần thoại, một tiền đề gợi liên tưởng đến y học hiện đại. Apollo sau đó giao Asclepius cho nhân mã Chiron – sinh vật nửa người nửa ngựa nổi tiếng với trí tuệ và kỹ năng chữa bệnh – nuôi dưỡng và dạy dỗ.

Tài năng chữa bệnh

Việc Asclepius cứu chữa người bệnh đã khiến thần cai quản địa ngục Hades tức giận.

Dưới sự hướng dẫn của Chiron, Asclepius nhanh chóng trở thành “thần y” xuất chúng. Ông không chỉ học cách thực hiện phẫu thuật mà còn thông thạo việc sử dụng các loại thảo dược, thần chú và các phương pháp điều trị khác.

Một trong những truyền thuyết Hy Lạp chép rằng nữ thần Athena đã tặng Asclepius một lọ máu của Gorgon, quái vật nửa người nửa rắn. Lọ máu của Gorgon vừa có khả năng giết người, nhưng lại có thể hồi sinh người vừa mới qua đời hoặc cứu người bệnh nặng.

Nhờ lọ máu đặc biệt này, Asclepius đã thực hiện được nhiều ca chữa bệnh kỳ diệu, kể cả việc “hồi sinh người chết”.

Asclepius đi khắp nơi, dùng tài năng của mình để chữa lành bệnh tật và đau đớn cho con người. Tên tuổi của ông trở thành biểu tượng của sự hi vọng và sự cứu rỗi, được ngưỡng mộ khắp vùng Địa Trung Hải.

Cây gậy nổi tiếng

Trong các bức vẽ và tượng điêu khắc cổ, Asclepius thường được miêu tả là một người đàn ông trung niên, cầm cây gậy với một con rắn quấn quanh. Cây gậy này, được gọi là "Rod of Asclepius", trở thành biểu tượng của y học từ thời cổ đại.

Con rắn trong biểu tượng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Thời xưa, vết rắn cắn là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, rắn cũng gắn liền với sự tái sinh và chữa lành, vì nó có khả năng lột da để tái sinh một lớp da mới. Điều này tượng trưng cho sự phục hồi và đổi mới trong y học.

Trong các đền thờ Asclepius, người xưa còn sử dụng những con rắn không độc trong các nghi lễ chữa bệnh, thả tự do gần khu vực bệnh nhân để mang lại sự may mắn và chữa lành.

Theo truyền thuyết Hy Lạp, Asclepius cưới một người vợ tên Epione và có 9 người con, gồm 3 con trai và 6 con gái. Một số học cách chữa bệnh của cha. Cũng theo truyền thuyết, Asclepius từng đứng về phía Hy Lạp trong cuộc chiến thành Troy, giúp cứu chữa Phyloctetes - một anh hùng Hy Lạp nổi tiếng.

Bi kịch cuộc đời

Di tích đền thờ thần Asclepius ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù mang lại nhiều điều tốt đẹp, khả năng cứu người của Asclepius đã khiến các vị thần khác tức giận. Hades – vị thần cai quản địa ngục, không hài lòng khi những linh hồn vốn thuộc về ông lại được Asclepius cứu rỗi. Thần Zeus cũng lo ngại rằng việc Asclepius phá vỡ quy luật sinh tử có thể làm mất cân bằng tự nhiên.

Để ngăn chặn, Zeus đã dùng tia sét giết chết Asclepius. Tuy nhiên, Zeusd vẫn công nhận những đóng góp lớn lao của Asclepius cho con người và quyết định biến Asclepius thành một chòm sao trên bầu trời để vinh danh mãi mãi.

Sau cái chết của Asclepius, người Hy Lạp tiếp tục thờ phụng ông như một vị thần chữa bệnh. Nhiều đền thờ, được gọi là Asclepieion, được xây dựng trên khắp Hy Lạp và các vùng lân cận ở Địa Trung Hải.

Asclepieion không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là trung tâm chữa bệnh. Người dân đến đây để tìm kiếm cách điều trị, tập thể dục, tắm nước nóng chữa bệnh. Trong những đêm nghỉ tại đền, người xưa tin rằng Asclepius sẽ xuất hiện trong giấc mơ và chỉ dẫn cách chữa bệnh.

Những đền thờ nổi tiếng nhất của Asclepius nằm ở Epidaurus, Trikala (Hy Lạp) – quê hương ông và đảo Kos, nơi cha đẻ ngành y học Hippocrates từng học tập.

Dù sự thờ phụng Asclepius giảm dần khi Kitô giáo lan rộng, những di tích đền thờ vẫn tồn tại, nhắc nhở về thời kỳ mà y học và tín ngưỡng hòa quyện trong lịch sử.

Theo: Nhật Minh - Greeka (Tri thức & Cuộc sống)

Saturday, July 19, 2025

ĐẠI LỘ NGÔ ĐỒNG - NÉT CHẤM PHÁ DỊU DÀNG TRONG BỨC TRANH NAM KINH

Giang Nam – vùng đất được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”, nơi sông nước uốn lượn mềm mại, những ngôi vườn cổ kính đan xen cùng những con đường thơ mộng len lỏi qua các thành phố xinh đẹp và trầm mặc. Giữa vẻ đẹp tinh tế và đầy thi vị ấy, Nam Kinh hiện lên như một viên ngọc sáng, nơi giao thoa giữa lịch sử nghìn năm và hơi thở hiện đại.


Và nếu có một điểm đến làm say lòng biết bao du khách khi ghé thăm Nam Kinh, thì đó chính là đại lộ Ngô Đồng, con đường rực rỡ sắc màu mỗi khi thu đến. Cùng Taditours khám phá con đường này có gì mà lại khiến người ta đắm say đến thế nhé!

Đại lộ Ngô Đồng – Tuyệt tác lãng mạn

Nằm uốn mình bên chân núi Tử Kim, đại lộ Ngô Đồng là một trong những tuyến đường ven sông và rừng đẹp nhất Nam Kinh. Không ồn ào, không náo nhiệt, con đường này như dải lụa rũ nhẹ giữa thiên nhiên, nối liền các điểm đến mang tính biểu tượng của thành phố, trong đó có Cung điện Mỹ Linh (Meiling Palace), nơi gắn liền với câu chuyện tình nổi tiếng giữa Tưởng Giới Thạch và phu nhân Tống Mỹ Linh.


Những cây ngô đồng thuộc họ Tiêu huyền với tán lá rộng và thân cây vững chãi, tạo nên những hàng cây kéo dài bất tận. Tương truyền rằng chính Tưởng Giới Thạch đã cho trồng hàng ngàn cây ngô đồng quanh cung điện như một “vòng tay ngọc” dành tặng người vợ yêu quý. Và cho đến nay, khi nhìn từ trên cao, Cung điện Mỹ Linh như viên ngọc lục bảo tỏa sáng giữa dải vàng rực rỡ, chính đại lộ Ngô Đồng khiến bao trái tim lữ khách thổn thức.

Cung điện Mỹ Linh, viên ngọc lục bảo ẩn mình giữa rừng ngô đồng mang vẻ đẹp hoài cổ pha lẫn nét thanh lịch.

Không chỉ là một cung đường đẹp, nơi đây còn là không gian sinh sống của người dân nơi đây, người dân Nam Kinh thường hay đạp xe, tản bộ, đọc sách… Mọi hoạt động đều diễn ra nhẹ nhàng trong không khí chậm rãi và sâu lắng, rất “Giang Nam” và rất tình.

Bức tranh sống động của Đại lộ Ngô Đồng qua từng mùa

Bên cạnh câu chuyện tình yêu đầy lãng mạn đó thì vẻ đẹp của đại lộ Ngô Đồng là điều không thể phủ nhận và càng rực rỡ hơn khi ta được chiêm ngưỡng nơi đây qua từng mùa trong năm. Mỗi thời điểm, đại lộ lại khoác lên mình một tấm áo mới, mang đến cho du khách những cảm xúc khác nhau, từ trong trẻo tươi vui đến lãng mạn, trầm mặc.

Mùa xuân – Sức sống trên từng tán lá

Mùa xuân chạm ngõ, cũng là lúc đại lộ Ngô Đồng bừng tỉnh sau giấc ngủ đông. Những chồi xanh non bắt đầu hé mở, phủ lên không gian một lớp áo mới dịu dàng, tươi mát. Gió xuân mang theo hương đất trời, len qua từng tán lá, khiến khung cảnh trở nên trong trẻo, nhẹ nhõm như một bản nhạc khai xuân. Đây là thời điểm lý tưởng để du khách dạo bộ dưới vòm cây, cảm nhận nhịp đập của thiên nhiên đang hồi sinh từng chút một.


Mùa hè – Vòm trời xanh mát rợp bóng

Bước sang mùa hè, con đường ngô đồng trở thành “hành lang xanh” của thành phố. Những tán cây dày đặc tỏa bóng che mát cả một khoảng trời, lọc qua ánh nắng chói chang để chỉ còn lại những tia nắng nhẹ nhàng lấp lánh. Con đường không chỉ là lối đi mà còn là điểm dừng chân lý tưởng để trú nắng, để ngắm nhìn sự yên bình giữa thành phố từng là cố đô. Đâu đó, trên thân cây cổ thụ phủ đầy rêu phong, người ta thấy một vẻ đẹp vừa hoài cổ vừa vững chãi, như chính lịch sử nơi đây.


Mùa thu – Bản giao hưởng của sắc màu

Thu về, đại lộ ngô đồng dường như khoác lên mình tấm áo lộng lẫy nhất. Lá ngô đồng đổi màu từ xanh sang vàng rực, rồi chạm đến sắc đỏ cam ấm áp, tạo nên khung cảnh như bước ra từ một bộ phim điện ảnh cổ điển. Những tấm thảm lá trải dài dưới chân, những tia nắng thu xuyên qua kẽ lá và cả cái se lạnh nhẹ nhàng, tất cả tạo nên một bản hòa ca thị giác và cảm xúc.


Đây cũng là mùa “check-in” được mong chờ nhất trong năm. Những bức ảnh được chụp ở đây như thể chỉ cần đưa máy lên là có một khung hình nghệ thuật. Đặc biệt, khi hoàng hôn buông xuống, ánh nắng chiều hòa quyện với sắc vàng đỏ khiến cả đại lộ rực rỡ như một bức tranh sơn dầu sống động.

Mùa đông – Tĩnh lặng và sâu lắng

Khi tiết trời chuyển lạnh, đại lộ Ngô Đồng khoác lên mình chiếc áo trắng xóa và tĩnh lặng. Những tán cây trút lá, chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu đầy thi vị. Dù Nam Kinh hiếm khi tuyết rơi dày, nhưng chỉ một lớp tuyết mỏng cũng đủ để nơi đây biến thành bức tranh mùa đông tĩnh mịch và thanh tao. Đại lộ dường như chậm lại giữa guồng quay của cuộc sống – không dành cho sự vội vã, mà là dành cho những ai biết lắng nghe, chiêm nghiệm và tận hưởng vẻ đẹp trầm lắng của thời gian.


Hơi thở cuộc sống trên Đại lộ Ngô Đồng

Không chỉ đẹp như một bức tranh thiên nhiên sống động, đại lộ Ngô Đồng còn là nơi dung hòa nhịp sống hiện đại và sự tĩnh lặng đầy chất thơ. Vào mỗi buổi sáng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân Nam Kinh thong dong đạp xe, dắt chó đi dạo, hay đơn giản chỉ là ngồi dưới tán cây đọc sách, trò chuyện cùng nhau. Cái nhịp sống chậm rãi ấy chính là điểm quyến rũ rất riêng, như thể thời gian nơi đây cũng muốn ngừng lại để tận hưởng từng khoảnh khắc.

Người dân Nam Kinh đạp xe, dạo phố thư giãn dưới tán cây ngô đồng.

Dọc theo đại lộ là những quán cafe nhỏ, hàng trà địa phương hay tiệm bánh mang phong cách cổ điển, nơi du khách có thể dừng chân, nhâm nhi một tách trà hoa ngô đồng và ngắm nhìn khung cảnh lặng lẽ trôi qua trước mắt. Với những ai yêu nhiếp ảnh, đại lộ này là thiên đường góc máy, mỗi mùa một khung hình, mỗi khúc quanh một câu chuyện.


Trong hành trình Hành hương và Thưởng ngoạn Giang Nam của Taditours, đại lộ Ngô Đồng chính là điểm dừng chân đầy thi vị, nơi du khách có thể thả bước thư thái dưới hàng cây rợp bóng, tận hưởng không khí mát lành và phóng tầm mắt về phía mặt sông mênh mang sóng nước. Đặc biệt vào những buổi chiều tà, ánh hoàng hôn nhuộm vàng mặt sông, phản chiếu qua từng tán lá, từng khung cửa sổ của những ngôi nhà bên đường, tất cả tạo nên một khung cảnh yên bình đến nao lòng.

Theo: taditours.com



ĐÔNG CẢNH - LƯU KHẮC TRANG


Đông cảnh-Lưu Khắc Trang

Tình song tảo giác ái triêu hy
Trúc ngoại thu thanh tiệm tác uy
Mệnh phốc an bài tân noãn các
Hô đồng hủy chiếm cựu hàn y
Diệp phù nộn lục tửu sơ thục
Đẳng thiết hương hoàng giải chính phì
Dung cúc mãn viên giai khả tú
Thưởng tâm tòng thử mạc tương vi.


冬景 - 劉克莊

晴窗早覺愛朝曦
竹外秋聲漸作威
命僕安排新暖閣
呼童熨貼舊寒衣
葉浮嫩綠酒初熟
橙切香黃蟹正肥
蓉菊滿園皆可羨
賞心從此莫相違


Cảnh mùa đông
(Dịch thơ: Hải Đà)

Thức dậy, bên song, ánh nắng vàng
Bờ tre xào xạc tiếng thu vang
Lầu cao truyền dặn người kê dọn
Áo lạnh dành nhau đám trẻ làng
Rượu ấm hâm vừa, cây lá thắm
Thức ăn ngon miệng xếp đầy bàn
Vườn hoa cúc nở đầy hương sắc
Cảnh thế nào ai dám chẳng vâng!


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lưu Khắc Trang 劉克莊 (1187-1269) tự Tiềm Phu 潛夫, hiệu Hậu Thôn cư sĩ 後村居士, người Bồ Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây). Ông bác học đa tài, tác phẩm của ông có Hậu Thôn đại toàn tập gồm 196 quyển, riêng về từ có tập Hậu Thôn biệt điệu. Ông là một chí sĩ bão phụ vĩ đại, lại vừa là một từ nhân hào phóng.

Nguồn: Thi Viện

KHI VIP BỊ ÁM SÁT - KỲ 5: KẺ HOANG TƯỞNG NỔI HỨNG BẮN TỔNG THỐNG PHÁP

Một buổi tối nọ, gã thanh niên theo xu hướng cực hữu Maxime Brunerie (25 tuổi) nằm trong phòng suy nghĩ vẩn vơ. Hắn muốn chết theo kiểu "phong độ" để thoát ly cuộc sống khốn khổ bằng cách ám sát tổng thống.

Tổng thống Jacques Chirac trong buổi duyệt binh 14-7-2002. Hai hiến binh GSPR ngồi sau xe - Ảnh: SIPA

Ánh mắt hắn tình cờ nhìn thấy tờ lịch ngày Quốc khánh Pháp 14-7-2002 màu đỏ trên tường nên quyết định sẽ thực hiện cơn điên ám sát vào hôm đó dù chẳng có ác cảm đặc biệt nào với tổng thống.

Điểm độc đáo của GSPR là chúng tôi không muốn nhốt tổng thống vào lồng. Chúng tôi phải thích ứng với các yêu cầu và nhu cầu của tổng thống.

ALAIN LE CARO

Đơn vị GSPR bảo vệ tổng thống

Quá trình chuẩn bị ám sát kéo dài chỉ khoảng một tuần. Brunerie mua một khẩu súng trường 22 LR, vào rừng bắn vài ba phát thử súng rồi tuyên bố vung vít với bạn bè: "Tao sẽ giết tổng thống", "Đừng quên xem truyền hình ngày 14-7 nhé!".

Ai cũng tưởng hắn ba xạo. Hơn 6h sáng 14-7-2002, Brunerie tắm rửa, cạo râu rồi rời khỏi nhà, cầm theo khẩu súng giấu trong hộp đàn guitar của cha. Đến đại lộ Champs-Elysées ở Paris, hắn đứng tại nơi có nhiều người chờ xem diễu hành ngày Quốc khánh.

Trước 10h, khi xe chở Tổng thống Jacques Chirac chuẩn bị chạy qua, hắn lấy súng ra nhắm vào đầu tổng thống rồi bóp cò từ khoảng cách 20m. Một tiếng click nhẹ vang lên. Hắn đã bắn trượt. Tổng thống Chirac vẫn điềm tĩnh chào công chúng.

Ông nghe như có tiếng pháo nổ nên không để ý. Hắn lên đạn và quay súng về phía mình định tự sát nhưng quên rằng ở tư thế đó không thể bóp cò vì cò quá thấp. Ngay lập tức hắn bị người dân và cảnh sát khống chế tại chỗ.

Ngay sau vụ mưu sát, bộ trưởng Bộ Nội vụ đã yêu cầu cảnh sát trưởng Paris và Tổng cục Cảnh sát quốc gia trình báo cáo nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho nhóm An ninh tổng thống nước cộng hòa (GSPR), đơn vị đảm trách nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho tổng thống.

Trước đây trách nhiệm bảo vệ tổng thống được giao hoàn toàn cho lực lượng cảnh sát. Ngày 5-1-1983, Tổng thống François Mitterrand quyết định thành lập đơn vị GSPR bao gồm cảnh sát lẫn hiến binh. Đại tá Alain Le Caro là chỉ huy đầu tiên của GSPR (năm 1983-1989).

Ban đầu quân số GSPR chủ yếu là hiến binh. Khi nhậm chức tổng thống vào năm 1995, Tổng thống Jacques Chirac đã chỉ định thành phần GSPR gồm 50% hiến binh và 50% cảnh sát. Nhiệm vụ chỉ huy GSPR được thay đổi luân phiên giữa một sĩ quan cảnh sát và một sĩ quan hiến binh.

Hiện nay, GSPR trực thuộc Vụ Bảo vệ (SDLP) của Tổng cục Cảnh sát quốc gia với quân số 78 người. Phần lớn hiến binh xuất thân từ đội đặc nhiệm Đơn vị can thiệp hiến binh quốc gia (GIGN) còn cảnh sát là người của Vụ Bảo vệ.

GSPR bảo vệ an ninh cho tổng thống trong công việc cũng như trong đời sống riêng tư ở Pháp và ở nước ngoài. Thông thường luôn có một tổ ba thành viên GSPR lập hàng rào bảo vệ bên cạnh tổng thống và gần đó có khoảng mười người sẵn sàng can thiệp.

Lúc tổng thống di chuyển, ngoài GSPR còn có lực lượng cảnh sát được triển khai ở phía đám đông. Các tay súng bắn tỉa được bố trí ở các điểm cao lúc cần thiết.

Maxime Brunerie bị bắt giữa đại lộ Champs-Elysées - Ảnh: francetvinfo.fr

Khi tổng thống tin rằng "trời kêu ai nấy dạ"

Ông Frédéric Auréal - nguyên giám đốc Vụ Bảo vệ từ năm 2012-2020 - nhận xét tại Mỹ, tổng thống không được quyền can thiệp vào công tác bảo vệ an ninh nhưng ở Pháp thì ngược lại. Ông giải thích: "Tổng thống Pháp có thể trao đổi về các yêu cầu an ninh và ý kiến cuối cùng luôn thuộc về tổng thống".

Ông Gilles Furigo - nguyên giám đốc Vụ Bảo vệ yếu nhân (SPHP, tiền thân của Vụ Bảo vệ hiện nay) - đã từng phụ trách công tác bảo vệ ba đời tổng thống gồm François Mitterrand, Nicolas Sarkozy và Jacques Chirac.

Ông nhận xét Chirac là nguyên thủ quốc gia khó bảo vệ nhất. Trong hai nhiệm kỳ từ năm 1995-2007, ông Chirac luôn muốn gần gũi người dân. Ông thích hòa mình vào đám đông và thoải mái tiến tới bắt tay với dân. Lực lượng bảo vệ an ninh phải vò đầu bứt tai với phương án bảo vệ một nguyên thủ quốc gia thích gần dân như ông.

Ông Furigo nhận xét: "Jacques Chirac không thích an ninh, ông ấy là người theo chủ nghĩa định mệnh xuất phát từ nguyên lý nếu phải xảy ra chuyện gì thì chuyện đó đương nhiên sẽ xảy ra. Để công tác bảo vệ đạt hiệu quả, nguyên tắc chính là công tác bảo vệ ấy phải được tổng thống chấp thuận, vì vậy chúng tôi phải thích nghi và trở nên vô hình nhất có thể".

Cách hành xử và quan niệm về số mạng của ông Chirac đã truyền cảm hứng cho Tổng thống François Hollande vài năm sau đó. Ông Hollande thường xuyên phớt lờ các biện pháp an ninh, ví dụ sau vụ tấn công khủng bố tại tòa soạn tuần báo trào phúng Charlie Hebdo ở Paris ngày 7-1- 2015, trong vòng một tiếng sau ông đã đến hiện trường mặc dù các quy tắc an ninh không cho phép.

Đôi khi tổng thống đột xuất nảy ra sáng kiến và đội GSPR phải ứng xử linh hoạt. Vào tháng 6-2011, trong khi Tổng thống Nicolas Sarkozy đang bắt tay người dân trong chuyến đi tới Brax (tỉnh Lot-et-Garonne), ông bị chen lấn giữa đám đông rồi bất ngờ bị một người đàn ông chìa tay ra chộp lấy vai ông làm ông mất thăng bằng.

Ngay lập tức người này đã bị lực lượng an ninh khống chế. Trong chuyến đi Tain-l'Hermitage (tỉnh Drôme) vào tháng 6-2021, Tổng thống Emmanuel Macron bước ra khỏi xe mà không được lực lượng an ninh chấp thuận. Sau đó, ông đã bị một người đàn ông tát trong lúc tiếp xúc với dân.

Nhận xét về công tác bảo vệ yếu nhân hiện nay, cựu đại tá Alain Le Caro giải thích: "Không ai nhìn thấy các cơ chế mà chúng tôi thiết lập. Nhiều người nhìn thấy tổng thống đi lại thoải mái trên đường phố Paris và nghĩ rằng không có an ninh. Đối với chúng tôi, đây là dấu hiệu tốt vì họ không thấy cơ chế bảo vệ an ninh nhưng chúng tôi vẫn có mặt ở đó".

Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron trong vòng bảo vệ của đội GSPR lần ông đến Bretagne tháng 6-2018 - Ảnh: ouest-france.fr

Sau nhiều lần giám định tâm thần, cuối cùng các chuyên gia giám định tâm thần kết luận hung thủ Maxime Brunerie phải chịu trách nhiệm hình sự. Tháng 12-2004, Brunerie bị kết án 10 năm tù. Tại tòa, bị cáo giải thích: "Tôi muốn làm điều gì đó mang tính lịch sử". Sau bảy năm ngồi tù, Brunerie được trả tự do vào tháng 8-2009.

20 năm sau biến cố mưu sát Tổng thống Jacques Chirac, Brunerie giải thích về động cơ gây án với báo Paris Match: "Nhiều yếu tố hội tụ để tạo nên hỗn hợp bùng nổ như nỗi thất vọng hiện sinh, thái độ từ chối của xã hội biến thành cơn thịnh nộ và hận thù trên thế giới. Và còn có rất nhiều hoang tưởng...".

Trả lời câu hỏi: "Anh đã gặp lại Jacques Chirac chưa?", Brunerie cho biết: "Không. Tôi đã viết thư cho ông ấy vài ngày sau sự việc. Một bức thư rất ngắn kết thúc bằng câu: Tôi hy vọng ngày nào đó ông sẽ tha thứ cho tôi. Tôi biết ông ấy đã đọc thư nhưng tôi chưa bao giờ nhận được phản hồi". Đầu tháng 5-2011, cuốn sách Một cuộc sống bình thường: Tôi muốn giết Jacques Chirac dày 224 trang của Brunerie đã được xuất bản ở Pháp.

----------------------------

15 giây rưỡi sau phát súng đầu tiên của hung thủ ám sát ông Trump, một tay súng đội bắn tỉa phản công Sở Mật vụ đã bắn một phát duy nhất tiêu diệt hung thủ. Mỹ đã ban hành đạo luật riêng trừng phạt người thực hiện các hành vi sát hại, bắt cóc hoặc tấn công tổng thống.

Dạ Thảo / Theo: tuoitre.vn
Còn tiếp:

KHI VIP BỊ ÁM SÁT - KỲ 6: ÁM SÁT TỔNG THỐNG MỸ BỊ TRỪNG PHẠT THẾ NÀO?

HOÀN CẢNH SÁNG TÁC CỦA "AI VỀ SÔNG TƯƠNG" (THÔNG ĐẠT) - SÔNG TƯƠNG LÀ CON SÔNG NÀO?

“Ai Về Sông Tương” là bài hát nổi tiếng nhất của Thông Đạt, một bút danh khác của nhạc sĩ Văn Giảng. Bài hát được sáng tác năm 1949 ở Huế và được nhạc sĩ Mạnh Phát hát lần đầu trên đài Pháp Á. Lúc bấy giờ, Mạnh Phát là một trong những ca sĩ hát tân nhạc nổi tiếng nhất thập niên 1940 – 1950.


Hơn 70 năm trôi qua, nhưng Ai Về Sông Tương vẫn được nhiều thế hệ yêu thích. Có lẽ là bởi lời hát tha thiết, êm đềm như lời tình tự mà những người yêu nhau muốn gửi đến cho nhau:

Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên
Hương tình mộng say dịu êm…


Nhạc sĩ Văn Giảng vốn sinh trưởng và làm việc ở Huế trước khi chuyển vào Saigon sau sự kiện Mậu Thân 1968. Nơi ông sống có dòng Hương Giang hiền hòa thơ mộng. Tuy nhiên bài hát nổi tiếng nhất của ông lại là “Ai Về Sông Tương” chứ không phải là “Ai Về Sông Hương”. Vì sao lại như vậy?

Nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt)

Khi tìm hiểu về hoàn cảnh sáng tác của bài hát nay, người viết tình cờ bắt gặp bài viết của một học trò cũ của nhạc sĩ Văn Giảng tại Huế. Người này cho biết là khi nhạc sĩ Văn Giảng đứng lớp giảng dạy, ông thường kể về các giai thoại âm nhạc. Một lần, nhạc sĩ cao hứng kể về hoàn cảnh sáng tác của ca khúc “Ai Về Sông Tương”. Câu chuyện như sau:

Thời trẻ, Văn Giảng ở trong Thành Nội và yêu một cô gái bên làng Kim Long. Làng này nằm bên bờ sông Hương, nổi tiếng có nhiều cô gái đẹp được các đời vua Nguyễn tuyển chọn vào cung. Đời vua Thành Thái còn có câu ca dao:

Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi


Ngay cả nhà vua mà còn si mê như vậy, huống hồ là anh chàng mới lớn Ngô Văn Giảng. Tuy nhiên, duyên không thành vì gia đình nho phong của cô gái không có cái nhìn thiện cảm với những người nghệ sĩ trong ngành âm nhạc, vốn bị người đời gán cho cái tội “xướng ca”. Vậy là họ chia tay và cô gái đi lấy chồng.

Nhiều năm sau, nhạc sĩ Văn Giảng vào rạp cine Tân Tân ở gần cầu Trường Tiền bên bờ Bắc Sông Hương để coi phim “Bé Nhà Trời” (Les enfants du paradis). Bỗng ở hàng ghế trước mặt, ông thấy một cô gái tóc dài. Tuy nhìn không rõ mặt nhưng từ dáng dấp đến hương tóc thoang thoảng mùi hoa Ngâu của người thiếu nữ đã làm sống lại hình ảnh người tình Kim Long khi xưa. Nhạc sĩ Văn Giảng bị xúc động mạnh đến nỗi không thể ngồi lại lâu hơn trong rạp chiếu bóng để xem phim. Ông vội vàng ra khỏi rạp, rồi cỡi chiếc xe đạp Dura Mercier của mình chạy xe dọc theo bờ sông Hương đến cửa Thượng Tứ để về nhà ở Thành Nội.

Trong thoáng chốc, dòng sông Hương hiện ra như dòng sông Tương chia biệt trong truyện tình cổ thư Trung Quốc. Về đến nhà, nhạc sĩ thả ngay chiếc xe đạp ngoài hiên, rồi vội vã vào nhà lấy giấy bút, hoàn thành bản nhạc bằng tất cả những hoài niệm và xúc cảm chấn động dị thường như thể có phép màu. Bản nhạc Ai Về Sông Tương được nhạc sĩ cấp tốc hoàn thành chỉ trong vòng mười lăm phút!

Hình vợ chồng nhạc sĩ Văn Giảng chụp năm 1949

Với bài hát này, nhạc sĩ Văn Giảng ký tên là Thông Đạt, ghép từ pháp danh Nguyên Thông của ông và Tâm Đạt của người vợ, rồi gởi đến đài phát thanh toàn quốc là đài Pháp Á. Bài hát với tiếng hát Mạnh Phát đã được giới sinh viên, học sinh đón nhận nồng nhiệt.

Khi nhạc sĩ Văn Giảng kể xong câu chuyện về hoàn cảnh sáng tác này của bài Ai Về Sông Tương, có một học trò xung phong hỏi:

“Thưa Thầy, tại sao mình có sông Hương, mình cũng có Hương giang đầu, Hương giang vỹ mà Thầy lại phải vay mượn sông Tương của Tàu như rứa ạ?”

Nghe xong thì nhạc sĩ Văn Giảng cắt nghĩa là vì sông Hương chưa có câu chuyện tình nào nổi tiếng trong tình sử như sông Tiêu Tương. Dòng Tương Giang là một con sông nổi tiếng của Trung Hoa, bắt nguồn từ núi Duyên Hải, chảy qua Hồ Nam dài hơn hai ngàn dặm. Ý nghĩa của tựa đề “Ai Về Sông Tương” là bắt nguồn từ cảm hứng của bốn câu thơ tình sử, trích từ khúc Trường Tương Tư của nàng Lương Ý, đời Hậu Chu.

Đời Hậu Chu (907- 955) thời Ngũ Đại, ở vùng sông Tiêu Tương tỉnh Hồ Nam có nàng Lương Ý vừa đẹp lại hay chữ. Nhà nàng có chàng Lý Sinh hàn sĩ phong lưu tuấn tú ở trọ. Có lần hai người gặp nhau lúc đi ngắm trăng, trai tài gái sắc tâm đầu ý hợp nên sau đó thường hay lui tới và đem lòng yêu nhau. Cha của Lương Ý là Lương Công hay chuyện, rất tức giận bèn đuổi Lý Sinh đi.

Ý Nương đau đớn, thương nhớ rồi đổ bệnh. Nàng làm bài Trường Tương Tư để gởi gắm niềm tâm sự của mình. Lý Sinh nhận được bài thơ cảm xót vô cùng, chàng nhờ người mai mối đến năn nỉ với Lương Công xin hỏi cưới Ý Nương. Ban đầu Lương Công còn dùng dằng nhưng sau đọc được bài thơ này của con gái mình, ông cảm động mà chấp nhận cho hai người nên duyên.

Click để nghe Tuấn Ngọc hát Ai Về Sông Tương

Bốn câu thơ trích trong bài Trường Tương Tư mà nhạc sĩ Văn Giảng lấy cảm hứng viết thành Ai Về Sông Tương, đó là:

Ngã tại tương giang đầu,
Quân tại tương giang vĩ.
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm tương giang thủy.

(Đầu sông Tương em đợi
Cuối sông Tương chàng mong
Nhớ nhau mà chẳng gặp
Cùng uống nước chung dòng)


Thông tin bên trên được tác giả Trần Kim Đoàn, học trò cũ của nhạc sĩ Văn Giảng viết.

Ông còn cho biết thêm, khi gặp lại Văn Giảng năm 1963, lúc này nhạc sĩ vẫn còn sinh sống ở Huế, lúc 2 thầy trò đang đi đò Thừa Phủ ra giữa sông Hương, học trò đã hỏi thầy Văn Giảng để bắt chuyện:

“Thưa Thầy, đã có ai về sông Tương chưa ạ?”

Nhạc sĩ cười đáp lại:

“Đối với tôi thì sông Tương là sông Hương. Tôi chỉ mong cuối đời về lại con sông này…”

Vậy là nhạc sĩ Văn Giảng cũng thừa nhận rằng sông Tương với sông Hương, với ông tuy 2 mà là 1. Mượn sông Tương để nói chuyện sông Hương. Ông chỉ mong cuối đời về lại được con sông này, nhưng ước nguyện không thành. Ông định cư ở Úc từ khoảng đầu thập niên 1980 rồi mất tại đây năm 2013, hưởng thọ 89 tuổi.

Phần giới thiệu ca sĩ Mạnh Phát phía sau bìa tờ nhạc

Liên quan tới ca khúc Ai Về Sông Tương còn có một câu chuyện khá thú vị do nhạc sĩ Lê Dinh – một người bạn với nhạc sĩ Văn Giảng từng nhiều năm cùng làm việc chung ở đài phát thanh Sài Gòn – kể lại:

Thập niên 1940 – 1950 ở Huế, ông Tăng Duyệt khi đó là giám đốc nhà Xuất bản Tinh Hoa Huế (Khác nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam ở Saigon do nhạc sĩ Lê Mộng Bảo làm giám đốc). Nơi in ấn và phát hành số lượng nhạc phẩm khá ít ỏi của thời đó.

Là nhạc sĩ, Văn Giảng có mối quan hệ khá thân thiết với ông Tăng Duyệt. Một số hành khúc của nhạc sĩ Văn Giảng đều do nhà xuất bản Tinh Hoa Huế của ông Tăng Duyệt ấn hành. Một hôm trong lúc vui miệng, ông Tăng Duyệt có ngụ ý bảo rằng nhạc sĩ Văn Giảng chỉ viết được những bài hùng ca thôi, những bản tình ca không phải sở trường của Văn Giảng.

Nhạc sĩ Văn Giảng nghe xong không nói gì, chỉ về nhà và âm thầm lấy giấy bút viết bài “Ai Về Sông Tương”, không ghi tên tác giả là Văn Giảng như mọi khi mà đề tên tác giả là Thông Đạt – một bút hiệu mới toanh trong làng tân nhạc Việt Nam thời đó.


Bản “Ai Về Sông Tương” được tác giả Thông Đạt gửi đến các đài phát thanh ở Hà Nội, Huế và Saigon. Bản nhạc được phát trên đài phát thanh khắp cả nước, rồi nhanh chóng trở nên được yêu thích bởi những ca từ đậm chất thơ, mềm mại và dịu êm:

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương, bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mờ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn, mong vài lời em ngập hương


Bài hát đã tạo được một hiện tượng thời đó, rất nhiều khán giả yêu tân nhạc muốn tìm nhạc bản để tập đàn, tập hát. Ông Tăng Duyệt là giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa, dĩ nhiên là rất quan tâm đến việc đó. Một lần ông gặp nhạc sĩ Văn Giảng, bèn để hỏi thăm rằng có biết nhạc sĩ Thông Đạt là ai không để ông thương lượng mua bản quyền xuất bản nhạc phẩm Ai Về Sông Tương. Nghe vậy, nhạc sĩ Văn Giảng tảng lờ như không biết Thông Đạt là ai.

Một hôm, hai người bạn của Văn Giảng là nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng và nhà văn Lữ Hồ đến nhà Văn Giảng chơi, tình cờ nhìn thấy bản thảo bài “Ai Về Sông Tương” trong xấp nhạc trên bàn, nên bèn nói cho ông Tăng Duyệt biết. Ông này mới lái xe ngay tới nhà Văn Giảng, và vài ngày sau đó, giới ngưỡng mộ tân nhạc mới có một bản nhạc tờ được phát hành của ca khúc Ai Về Sông Tương trong tay, để mà ngân nga cho đỡ thương nhớ những khi trái tim rung động vì một bóng hình nào đó:

Thu nay về vương áng thê lương
Vắng người duyên dáng tôi thương, mối tình tôi vẫn cô đơn
Xa muôn trùng lưu luyến nhớ em
Mơ hoài hình bóng không quên, hương tình mộng say dịu êm


Chính nhờ những lời ca giàu chất thơ, bay bổng, lãng mạn này mà Ai Về Sông Tương ngay từ khi ra mắt đã được thính giả Đài phát thanh Pháp Á bình chọn là bài hát hay nhất năm 1949. Dù được sáng tác khá muộn, nhưng Ai Về Sông Tương thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến, bởi chất nhạc bàng bạc, mang hơi hướm cổ phong với những mùa thu lê thê, sầu mộng rất đặc trưng:

Bao ngày qua, Thu lại về mang sầu tới
Nàng say tình mới hồn tôi tơi bời
nhìn hoa cười đón mừng vui duyên nàng
Tình thơ ngây từ đây nát tan

Hoa ơi! Thôi ngưng cười đùa lả lơi
Cùng tôi buồn đắm đừng vui chi tình
Đầy bao ngày thắm dày xéo tâm hồn này
Lệ sầu hoen ý thu


Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương, sao đành nỡ dứt tơ vương
Ôi duyên hờ từ nay bơ vơ
Dây tình tôi nắn cung tơ, rút lòng sầu trách người mơ


Cái hay nhất của nhạc phẩm Ai Về Sông Tương là dù viết cho “mối tình thơ ngây nát tan” nhưng người nghe không hề cảm thấy nặng nề, bi luỵ, thê thiết mà chỉ thấy một nỗi buồn thanh tao, chừng mực phảng phất trên nền nhạc du dương, nhẹ nhàng và sang trọng.

Đông Kha (nhacxua.vn)



Friday, July 18, 2025

HUYỀN THOẠI HẠT CHIA, NỖI BUỒN HẠT É

Hạt chia và hạt é trông giống nhau, nhưng số phận khác nhau. Hạt chia được marketing tôn vinh là siêu thực phẩm. Hạt é sống đời lặng lẽ.


Xuất xứ hạt chia

Hạt chia thuộc họ bạc hà, xuất xứ đâu đó ở vùng Nam Mỹ. Hạt chia được tôn vinh vì dồi dào chất xơ, dồi dào chất béo tốt lành omega-3, nhiều khoáng magnesium, kẽm, sắt, postasium, calcium, selenium…

Và đặc biệt là hàm lượng cao các chất chống oxid hóa. Từ những thành phần này mà giới marketing suy (diễn) ra vô số lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe của hạt chia: chống viêm, ngừa ung thư, hạ mỡ máu, trị tiểu đường, tim mạch, táo bón, chống béo phì…

Nguồn gốc hạt é

Hạt é (basil seeds) là hạt của cây húng quế, nhưng hạt é giải khát không có mùi vị của rau húng quế ăn phở.

Cây húng quế này (Ocimum basilicum) có nhiều ở Đông Nam Á, dĩ nhiên trong đó có Việt Nam.

Hạt é ngâm vào nước nở to do lớp biểu bì ngoài chứa chất nhầy (mucilage), hút nước trương nở ra tạo ra lớp gel bao bọc quanh hạt. Hạt é nở to hơn hạt chia.

Hạt é cũng giàu chất xơ, nhiều chất chống oxid hóa, các loại polyphenols và flavonoids, nhiều khoáng, vitamin gì gì đó như hạt chia, và cũng lành mạnh đâu kém gì hạt chia, nhưng không ai màng nhắc tới.

Thành phần hạt é và hạt chia tính trên một muỗng 13g

Luận về dinh dưỡng hạt chia-hạt é

Những dưỡng chất như protein, carbs, khoáng này nọ, hạt chia, hạt é đều ngang ngửa nhau. Thật ra, mức tiêu thụ cả hai loại hạt quá ít, không đóng góp vào mức dinh dưỡng bao nhiêu.

Có hai thành phần đáng lưu ý, đó là omega-3 và chất xơ

Chất béo omega-3

Chất béo omega-3 trong hạt chia nhiều gấp đôi hạt é

Nhưng giới marketing lại quên”không nói, omega-3 trong hạt chia là loại ALA (acid alpha-linolenic), chứ không loại DHA và EPA trong dầu cá, cần thiết cho phát triển não của trẻ. Cái gì chứ omega-3 loại ALA trong hạt chia chưa nhằm nhò gì cả (về số lượng) so với ALA có trong các loại hạt, trong dầu ăn như dầu hạt cải, dầu hạt lanh….

Chất xơ

Hạt chia/hạt é đều chứa rất nhiều chất xơ. Một muỗng 13g hạt, hạt é có tới 7g, hạt chia 5g chất xơ. Nhu cầu chất xơ mỗi ngày khoảng 20-25g.

Chất xơ trong cả hai loại hạt chia và é đa số là là chất xơ hòa tan, tập trung ở phần gel bọc ngoài hạt khi trương nở.
  • Loại chất xơ tan trong nước sẽ hấp thu nước tạo thành dạng dẻo, sệt, làm mềm phân, dễ di chuyển trong ruột hơn, có tác dụng nhuận tràng.
  • Cũng chính nhờ ở dạng dẻo sệt này mà xơ hoà tan làm chậm lại việc hấp thu đường glucose, không để đường máu tăng đột ngột, có lợi cho người tiểu đường type 2.
  • Dạng dẻo sệt của chất xơ hòa tan này còn có thể bắt dính acid mật (có chứa chloesterol) trong ruột, ngăn không cho acid mật được tái hấp thu trở lại. Do đó loại xơ này làm hạ cholesterol trong máu, một trong những yếu tố dây dưa đến bệnh tim mạch.
Lợi ích của hạt chia/hạt é chính là giúp nhuận tràng, kiểm soát đường máu, và hạ mỡ máu (cholesterol).

Chất xơ trong hạt é còn nhiều hơn trong hạt chia. Hạt é có 7g, còn hạt chia có 5g. Tính chi li bủn xỉn là thế. Thật ra tôi xem nguồn chất xơ của hai thứ như nhau.

Chưa hết, hạt é còn bị tiếng thị phi

Có dạo hạt é bị “kết án” là chứa chất estragole (có trong tinh dầu của hạt é), một chất được xem là gây ung thư và gây độc cho gen khi thử trên loài gậm nhấm. Báo chí Hong Kong ì xèo lên như thế. Vài tờ báo trong nước ì xèo ăn theo.

Estragole không chỉ có trong hạt é, mà còn được tìm thấy trong dầu thông, dầu hồi, thìa là…với hàm lượng rất ít. Vả lại, lượng tiêu thụ cũng rất ít, khoảng 5g hạt é có thể cho ra một ly nước giải khát, nên các cơ quan an toàn thực phẩm không đưa ra khuyến cáo nào về tiêu thụ hạt é là có hại. Cây gia vị thìa là hay dầu hồi cũng không bị khuyến cáo tương tự, mà muốn ăn nhiều mấy thứ cây cỏ gia vị này cũng không được.

Khuyến cáo nếu có, đó là nên ngâm hạt é khoảng 1-2 tiếng đồng hồ, trương nở đầy đủ để trẻ em ăn khỏi bị hóc. Hạt é trương nở đầy đủ sẽ phóng thích ra nhiều enzyme tiêu hóa hơn, giúp phát huy tác dụng của chất xơ hơn.

Hạt é vẫn còn trong ký ức

Người ta chuộng hạt chia ngoại nhập, loại hạt đến từ vùng Nam Mỹ xa xôi hoang dã, đầy tính “hữu cơ” lành mạnh.

Marketing còn huyền thoại hạt chia là loại hạt thần thánh, là nguồn năng lượng tiềm tàng cho thổ dân Aztec xa xưa xung trận. Mỗi ngày ăn được bao nhiêu muỗng hạt chia mà năng lượng dồi dào?

Hạt é, sương sáo, đười ươi.

Có điều ít ai biết, hạt é vẫn âm thầm được xuất khẩu ra nước ngoài, dù với số lượng nhỏ. Nơi xứ lạ quê người, biết đâu hạt é lại được marketing tôn vinh là loại hạt “thần thánh” đến từ vùng nhiệt đới hoang dã nào đó ở châu Á.

Ở Việt Nam, hạt é có vẻ đã chìm vào quên lãng. Dù sao hạt é sương sa đười ươi vẫn nằm trong ký ức tuổi học trò mê ăn vặt.

Vũ Thế Thành 
(trích bộ sách “Ăn để sướng hay ăn để sợ ?, tập II “Rau quả thời lên ngôi”, xb năm 2023)