Saturday, July 26, 2025

CÓ NHỮNG SỰ VIỆC, CÓ NHỮNG CON NGƯỜI LUÔN LÀM CHÚNG TA THẤY CẢM ĐỘNG

Có những lúc chúng ta không biết họ là ai, nhưng tình yêu thương vô giá của họ mãi mãi tỏa sáng và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng ta. Họ nhỏ bé như những hạt bụi, cố gắng dùng hết sức mình để giúp đỡ người khác, và mang lại tình yêu thương ấm áp cho thế giới này.


Đi tàu có lẽ là một sự lựa chọn của rất nhiều người dân xa xứ mỗi lần về quê, nhưng cũng bởi số lượng ghế trên tàu có hạn, nên có rất nhiều người chỉ mua được vé phụ. Câu chuyện sau đây mặc dù rất đơn giản, nhưng lại để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc cảm động.

Chuyến tàu SE6 từ Hà Nội vào Sài Gòn ngày 28 tết hôm đó thật là đông, người người chen lấn như sắp nghẹt thở, quá tải một cách trầm trọng.

Ở khoang ghế ngồi nọ có một ông cụ ngồi ở số ghế cạnh cửa sổ vừa cười vừa chia sẻ với những người xung quanh về những sự việc may mắn của mình. Ông cụ mua vé về Ninh Bình, vì mua vé muộn nên hết vé, chỉ có thể mua ghế phụ, sau khi lên tàu cụ phát hiện thấy một cái ghế trống không ai ngồi nên ngồi tạm, nhưng đợi mãi cho tới khi tàu chạy cũng không có ai vào ghế đó ngồi cả.

Ở lối đi gần chỗ ghế ông cụ ngồi có một số người mua vé phụ phải đứng vì quá đông, trong số đó có một cô gái gầy gò, khoảng chừng 20 tuổi, bị những hành khách đi qua xô đi đẩy lại.

Nhìn thấy dáng vẻ tội nghiệp của cô bé, ông cụ hỏi han một cách đầy quan tâm: “Này cháu gái, trông con đứng vậy tội nghiệp quá, sao con không tới sớm một chút như ta tìm cái ghế nào mà ngồi. Con xuống đâu?”

“Dạ con không sao đâu ông ạ, con xuống ga Vinh ạ.”

“Thế thì phải đến tận chiều tối mới tới nơi nhỉ, xa vậy mà cứ đứng suốt thì phải làm sao?”,
ông cụ lắc đầu đầy lo ngại.

Một lát sau, ông cụ lại quay sang phía cô, nói một cách vui vẻ: “Này cháu gái, đợi sau khi ông xuống tàu, cháu qua đây ngồi ghế của ông này.”

“Dạ, vâng ạ, con cảm ơn ông”, cô gái trả lời vẻ mặt đầy cảm kích.

Một lát sau, nhân viên đường sắt bắt đầu đi kiểm tra vé. Anh nhân viên đường sắt nhìn nhìn vé của cô gái, hỏi một cách đầy thắc mắc: “Vé của em là vé ngồi mà, tại sao em lại không ngồi? “

Cô gái mỉm cười, rồi nhìn về phía ông cụ và nói nhỏ như sợ ông cụ nghe thấy: “Cụ ấy hơn 70 tuổi rồi, nếu để cụ đứng suốt vậy sẽ không chịu nổi đâu ạ”.

“Em không nói với ông cụ à? Ông cụ không biết à?”, anh nhân viên đường sắt hỏi tiếp.

Cô gái nháy mắt trả lời: “Làm sao mà có thể nói được ạ? Biết rồi chắc chắn cụ sẽ không ngồi được thoải mái đâu anh.”

Anh nhân viên quay đầu lại nhìn ông cụ đang ngủ thiếp trên ghế, sau đó trả lại vé cho cô gái, rồi nói nhỏ: “Đi lên chỗ khoang ăn, anh sẽ tìm cho em một chỗ ngồi.” Những hành khách xung quanh cô đều đã nghe hết câu chuyện, tấm tắc thầm khen ngợi cô bé và tránh ra nhường đường cho cô.


Cô gái khom lưng xuống, lấy chiếc ba toong của mình dưới gầm ghế… Những người vừa bị cô làm cảm động khi nãy, tận đáy lòng bỗng thấy đầy thương cảm xúc động và khâm phục tấm lòng của cô.

Chọn lương thiện, không phải bởi yếu đuối mà bởi vì, lương thiện chính là bản tính nguyên sơ nhất trong mỗi con người, làm người không thể làm điều ác, bởi làm điều ác sẽ bị báo ứng.

Chọn nhẫn nhường, không phải để lùi bước, mà bởi vì nhẫn một chút gió yên sóng lặng, nhường một chút biển rộng trời cao.

Chọn khoan dung, không phải vì sợ hãi, mà bởi khoan dung là lấy tâm tha thứ mình để tha thứ người.

Chọn hồ đồ (giả ngốc), không phải vì thật sự hồ đồ. Khi đối mặt với sự hiểu lầm oan ức và không công bằng, chỉ là không muốn tính toán thiệt hơn, người xưa nói chịu thiệt là phúc…

Chọn chân thật, bởi nói những lời trái với lòng mình chính là xu nịnh đối phó, còn lời nói thật mất lòng chính là sự chịu trách nhiệm.

Chọn hiền lành không phải bởi ngu ngốc bởi hiền lành mang đến niềm vui giản dị.

Có những sự việc, có những con người trong cuộc sống này luôn làm chúng ta thấy cảm động, có những lúc chúng ta không biết họ là ai, nhưng tình yêu thương vô giá của họ mãi mãi tỏa sáng và tồn tại trong lòng chúng ta. Họ nhỏ bé như những hạt bụi, cố gắng dùng hết sức mình để giúp đỡ người khác, và mang lại tình yêu thương ấm áp cho thế giới này.

An Nhiên / Theo: ĐKN

QUÝ CHÂU - KHÁM PHÁ BỨC TRANH VĂN HÓA ĐA DẠNG

Tỉnh Quý Châu - 贵州 - là tỉnh nằm về phía tây nam Trung Quốc, là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số, tạo nên một bức tranh văn hóa vô cùng đa dạng và phong phú. Cùng du học VIMISS khám phá những điều thú vị ở vùng đất Quý Châu này nhé!


1. Tổng quan về tỉnh Quý Châu

Về vị trí: Tỉnh Quý Châu nằm ở vùng nội địa phía Tây Nam và có thủ phủ là Thành phố Quý Dương. Giáp tỉnh Tứ Xuyên và thành phố Trùng Khánh ở phía bắc, tỉnh Hồ Nam ở phía đông , Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây ở phía nam và tỉnh Vân Nam ở phía tây.

Về địa lý: Địa hình Quý Châu thuộc vùng cao nguyên và núi non, địa hình cao hơn ở phía Tây và thấp dần ở phía Đông, dốc từ trung tâm về phía Bắc. Địa hình của tỉnh có thể chia thành 4 loại cơ bản: cao nguyên, núi, đồi và lưu vực, trong đó 92,5% là núi và đồi.


Về kinh tế: Quý Châu trước đây là một tỉnh kém phát triển về kinh tế ở Trung Quốc, tốc độ phát triển kinh tế tăng dần kể từ năm 2010. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP dẫn đầu Trung Quốc. Do sự cải thiện cơ sở hạ tầng, việc xây dựng mạng lưới đường cao tốc quốc gia và nhiều cơ sở đường sắt cao tốc, giao thông của Quý Châu dần trở nên thuận tiện hơn. Quý Châu rất giàu tài nguyên du lịch kể từ khi khai trương đường sắt cao tốc vào cuối năm 2014, đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Quý Châu, đặc biệt là khách du lịch từ Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và các khu vực lân cận khác.


Về dân số: Dân số thường trú đến năm 2022 khoảng 38,56 triệu người. Quý Châu là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Người Hán chiếm 63,89% tổng dân số toàn tỉnh, dân tộc thiểu số chiếm 36,11% dân số toàn tỉnh. Một số nhóm dân tộc như dân tộc Hán, Miêu, Bố Y, Thổ, Gia, Di... Các tôn giáo chính ở Quý Châu là tín ngưỡng dân gian Trung Quốc , Đạo giáo và Phật giáo. Trong hàng ngàn năm, các dân tộc đã chung sống hòa thuận và cùng nhau tạo nên nền văn hóa Quý Châu đầy màu sắc.


Về văn hóa: Quý Châu nổi danh với nghề thủ công Batik. Do đặc điểm đa dạng về địa lý và sắc tộc của Quý Châu, công nghệ nhuộm và in dân gian truyền thống của Quý Châu đã phát triển mạnh mẽ các đặc điểm vùng, nghĩa là các nhóm dân tộc khác nhau hoặc các vùng khác nhau có những đặc điểm thủ công khác nhau. Batik Quý Châu chủ yếu phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số như dân tộc Miêu, Bố Y và Thủy. Đây là một nghệ thuật dân gian có lịch sử lâu đời, do người dân lao động sáng tạo ra. Vải batik Quý Châu gây ấn tượng nhờ tông màu hài hòa và hoa văn tinh tế. Nghệ thuật batik Quý Châu đã hình thành một phong cách nghệ thuật dân tộc độc đáo, đặc biệt ở Trung Quốc.

Với sự phong phú về văn hóa, tài nguyên du lịch đa dạng, cùng với những cải tiến trong cơ sở hạ tầng, Quý Châu trở thành địa điểm du lịch được nhiều người lựa chọn. Khám phá Quý Châu sẽ cho bạn những góc nhìn đa chiều về cuộc sống , trải nghiệm văn hóa đặc trưng của các nhóm dân tộc khác nhau. Dưới đây VIMISS sẽ gợi ý với bạn một số địa danh du lịch nổi tiếng tại Quý Châu nhé!

2. Địa điểm du lịch hấp dẫn tại Quý Châu

Thác Hoàng Quả Thụ


Thác Hoàng Quả Thụ (黄果树瀑布), cách Quý Dương khoảng 136 km về phía tây nam, là thác nước lớn nhất châu Á và là thác nước lớn thứ ba thế giới. Thác rộng 83 mét và cao 67 mét. Có tổng cộng 18 thác nước với nhiều kích cỡ khác nhau, một số thác dựng đứng và hùng vĩ, một số khác đẹp như tranh vẽ và tuyệt vời.

Núi Phạm Tịnh


Núi Phạm Tịnh nằm ở Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu cao 2.570m (8.430ft) so với mực nước biển. Bên cạnh việc nổi tiếng là ngọn núi Di Lặc linh thiêng đối với Phật tử, Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, Núi Phạm Tịnh cũng được thành lập và chỉ định là Khu dự trữ sinh quyển của UNESCO, và sau đó được công bố là Di sản thế giới vào năm 2018. Nơi đây có rất điểm tham quan nổi tiếng như: Đỉnh núi Vàng Mây Đỏ, Đá Nấm , Đỉnh Vàng Cổ ,...

Làng Miêu Tây Giang


Làng Miêu Thiên Hồ Tây Giang (西江千户苗寨)là làng Miêu lớn nhất Trung Quốc và thậm chí là trên thế giới, hiện có 1432 hộ, tổng dân số hơn 5000 người, trong đó 99,5% là dân tộc Miêu.

Làng Tây Giang là một nơi đẹp như tranh vẽ, nằm trong một lưu vực tự nhiên và những cánh đồng lúa được bao quanh bởi màu xanh tươi, với những ngôi nhà gỗ mọc lên trên sườn đồi. Du khách sẽ được trải nghiệm nền văn hóa nguyên thủy của người Miêu bao gồm các lễ hội, ca hát và nhảy múa, nghệ thuật, kiến ​​trúc, ngôn ngữ, trang phục, đồ bạc và ẩm thực.

Cổ trấn Trịnh Nguyên


Cổ trấn Trịnh Nguyên ngàn năm tuổi nằm ở phía đông Quý Châu, được biết đến là cửa ngõ của Hồ Nam-Quý Châu, nơi có đường sắt chạy qua huyện. Có rất nhiều kiến ​​trúc lịch sử, nhà dân gian truyền thống và bến tàu cổ dọc theo Sông Vũ Dương màu ngọc lục bảo như Động Thanh Long, Khu danh lam thắng cảnh Thiết Tây, v.v., thu hút vô số khách du lịch Trung Quốc và nước ngoài mỗi năm. Bên cạnh thành tựu về kiến ​​trúc, Trấn Nguyên Cổ Trấn là sự kết hợp đa dạng của người Hán, người Đồng và hơn 20 dân tộc thiểu số.

Khu danh lam thắng cảnh Tiểu Thất Khổng


Tiểu Thất Khổng (Xiaoqikong/小七孔) là khu thắng cảnh nằm ở huyện Lệ Ba thuộc Châu tự trị dân tộc Bố Y và dân tộc Miêu Kiềm Nam, ở tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Được ca ngợi là " Viên ngọc lục bảo trên vành đai của trái đất".

Trong khu danh lam thắng cảnh rộng lớn này, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thác nước chảy từ trên núi xuống như chiếc váy mỏng manh trắng tinh của nữ thần, tận hưởng việc chèo thuyền trong rừng trên mặt nước màu ngọc lục bảo, đi bộ dọc theo Thác nước, bước lên Cầu Tiểu Thất Khổng mang tính biểu tượng sẽ tạo nên bức tranh tuyệt đẹp đối với những người yêu thích chụp ảnh!

3. Ẩm thực Quý Châu

Quý Châu không chỉ có phong cảnh đẹp, phong tục dân tộc thiểu số đầy màu sắc và đồ ăn ngon ; đặc biệt là đồ ăn cay và chua. Nếu bạn thích đồ ăn cay hoặc có hương vị mạnh khác, Quý Châu sẽ là thiên đường ẩm thực dành cho bạn.

Tại sao đồ ăn cay lại được người dân Quý Châu ưa chuộng đến vậy?

Một lý do là khí hậu Quý Châu ẩm ướt, mưa nhiều, thời tiết u ám và lạnh lẽo dễ gây bệnh. Mọi người ăn đồ cay để xua tan cái lạnh và ẩm ướt.

Một lý do khác là muối là một mặt hàng khan hiếm ở Quý Châu cổ đại. Ngay cả cách đây vài thập kỷ, muối không thể được sản xuất ở Quý Châu và rất khó để vận chuyển, nhưng môi trường miền núi luôn thích hợp để trồng ớt.

Vì hai lý do này, người dân Quý Châu ngày xưa thường dùng ớt làm gia vị và thói quen này đã trở thành truyền thống.

Một số món ăn đặc trưng như:

Gà sốt ớt (辣子鸡)


Đây là món ăn nổi tiếng ở nhiều vùng của Trung Quốc, nhưng lại có hương vị đặc trưng ở Quý Châu. Bí quyết của Quý Châu là nước sốt ớt Hoa Tây đặc biệt. Nước sốt cay nhưng không gây khó chịu, có hương vị đặc trưng, ​​dễ chịu.

Xôi ngũ sắc


Gạo nếp rất phổ biến ở Quý Châu, đặc biệt là trong số những người dân tộc thiểu số. Ở các làng dân tộc thiểu số, mọi người chuẩn bị và ăn gạo nếp khi tổ chức lễ hội.

Bên lề đường Quý Châu, du khách có thể tìm thấy các nhà hàng hoặc người bán hàng rong phục vụ đủ loại gạo nếp với nhiều hương vị khác nhau. Ngọt, mặn, chua hay cay, bạn có thể chọn bất kỳ hương vị nào bạn thích!

Đậu hũ ngâm dầu ớt (红油米豆腐)


Đậu hũ ngâm dầu ớt là món ăn lạnh hoặc đồ ăn nhẹ phổ biến vào mùa hè. Mỗi đầu bếp sử dụng các thành phần khác nhau cho dầu ớt, vì vậy món ăn có thể có hương vị hơi khác nhau ở các nhà hàng khác nhau.

Canh chua Khải Lí (凯里酸汤鱼)


Đây là món canh có nguồn gốc từ dân tộc Miêu xung quanh Khải Lí và nổi tiếng ở Trung Quốc. Đây là một trong những món ăn mang tính biểu tượng của Quý Châu vì nó kết hợp hương vị yêu thích của người dân địa phương: cay, chua và tươi.

Mì thịt cừu (遵义羊肉粉)


Món ăn này có lịch sử hơn 300 năm. Mì thịt cừu được nấu và ăn ở khắp Quý Châu, nhưng chỉ có mì thịt cừu Tuân Nghĩa nổi tiếng khắp cả nước. Ở thành phố Tuân Nghĩa, có một phong tục: Vào ngày đông chí, mọi người trong thành phố đều ăn một bát mì thịt cừu. Người ta nói rằng điều này sẽ xua tan cái lạnh của mùa đông sắp tới.

Mì bò Hoa Tây (花溪牛肉粉)


Hoa Tây là vùng ngoại ô của thủ phủ Quý Dương của Quý Châu, và mì thịt bò ở đây có thể là một điều kỳ diệu. Súp được nấu với nhiều nguyên liệu, bao gồm cả thảo mộc Trung Quốc. Khi phục vụ, mì và súp được phủ lên trên bằng bắp cải chua, rau mùi tây và tất nhiên là những lát thịt bò lớn. Nếu muốn, bạn có thể thêm nhiều dầu ớt vào súp.

Một bát mì thịt bò được chế biến khéo léo phải có nước dùng tươi ngon và thịt bò thơm. Sau nhiều năm phát triển, mì thịt bò Hoa Tây có thể trở thành điểm nhấn của ẩm thực Quý Châu.

Theo: vimiss.vn



Friday, July 25, 2025

"CHIẾC CẦU BẮC QUA NĂM THÁNG" CỦA ELEANOR H. PORTER

Tác phẩm truyện ngắn này cho thấy ký ức là một phần tài sản của con người và kết nối quá khứ với hiện tại như thế nào.

Trong tác phẩm truyện ngắn này, ký ức đã kết nối quá khứ với hiện tại. (Ảnh: Mihai_Andritoiu/Shutterstock)

Khi năm cũ qua đi và năm mới đến, bao ký ức lại ùa về trong tâm trí chúng ta khi ta háo hức đón chờ năm mới. Dù ngọt ngào hay khổ đau, ta cần phải trân trọng những hồi ức này. Ký ức nối liền quá khứ với hiện tại, dạy dỗ và dẫn dắt chúng ta đi qua năm tháng.

Tiểu thuyết gia Eleanor H. Porter nhấn mạnh tầm quan trọng của ký ức trong truyện ngắn “The Bridge Across the Years” (Chiếc Cầu Bắc Qua Năm Tháng) của mình. Trong câu chuyện này, bà Porter truyền tải giá trị về những kỷ niệm của Ông Bà Burton, khi người con trai John của họ muốn vứt bỏ tài sản cũ.

Bà Porter cho thấy rằng ký ức mang đến hy vọng và tình yêu cho hiện tại và soi sáng tương lai.

Cuộc bán đấu giá

Ông bà Burton đã sống trong trang trại cũ của mình suốt 60 năm, nuôi nấng và cả tiễn đưa những đứa con của mình, chăm sóc nông trại, và cất giữ những kỷ niệm. Rồi một ngày, cô con dâu Edith và anh con trai John gửi cho họ một lá thư, nói rằng họ đã quá lớn tuổi để sống một mình trong trang trại cũ đó. Cô Edith và anh John sẽ đưa họ về nhà mình [để tiện chăm sóc] và bán đấu giá lại trang trại cùng đồ đạc của họ.

Điều này đã làm cuộc sống của họ thay đổi đột ngột! Ông bà Burton tự hỏi họ sẽ chia tay trang trại và tất cả những kỷ niệm của mình như thế nào đây: “Một cuộc đấu giá, thật ư! Xin hỏi, chúng ta có gì để bán?” Mọi thứ, ngoại trừ một vài bức vẽ và quần áo, đều được lên danh sách để bán đấu giá. Chiếc nôi từng đung đưa tất cả những đứa con của họ, chiếc ghế bập bênh rất vừa vặn với ông, và cả vòng hoa cài tóc của bà, nơi lưu giữ những lọn tóc của đại gia đình, đều bị đem bán.

Cô Edith và anh John đến rất sớm, thu dọn đồ đạc cần thiết của ông bà Burton và nhanh chóng bán đấu giá mọi thứ. Sân nhà đông nghịt khách mua, nhiều người tám chuyện, và một người xướng giá. Tiếng rao “Ra giá đi, ra giá đi, đã bán!” vang lên khắp sân và lên tận căn gác trống, nơi ông bà Burton đang buồn bã trốn tránh.

Sau khi mọi thứ được đấu giá hết, cô Edith và anh John đưa hai ông bà đang buồn rầu về căn nhà của mình trong thành phố, phớt lờ tâm trạng buồn bã của hai người. Ngôi nhà mới của họ có đầy đủ đồ nội thất mới nhất, tốt nhất, sành điệu và xa hoa. Nhưng những thứ mới mẻ này không giống như những gì mà họ từng có. Chúng không mang theo những kỷ niệm thiêng liêng; Ông bà Burton cố hết sức để tỏ ra bình thản.

Chiêm nghiệm và ghi nhớ

Tuy nhiên, thời gian sống trong ngôi nhà mới của ông bà Burton không kéo dài lâu. Ngôi nhà của cô Edith và anh John gặp hỏa hoạn, nhiều món đồ quý giá của cô Edith đã bị thiêu rụi: “Sẽ không thể giống như trước đây nữa — không thể như trước được nữa. Vì sao vậy, một số đồ vật trong đó chúng ta đã có từ khi mới kết hôn. Chúng như một phần của em vậy.”

Việc mất mát tài sản đột ngột và bi thảm như vậy khiến cô Edith bừng tỉnh. Cô và anh John đã tước đi tất cả tài sản của ông bà, và trong những tài sản đó, có cả kỷ niệm của họ. Cô Edith ngay lập tức nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm thay đổi.


Qua câu chuyện này, tiểu thuyết gia Porter cho thấy ký ức quan trọng đến thế nào, chúng đan cài vào cuộc sống của chúng ta một cách đẹp đẽ. Tác giả khuyến khích chúng ta chiêm nghiệm và ghi nhớ, giống như bà L.M. Montgomery viết trong cuốn tiểu thuyết “The Story Girl” (Cô Gái Kể Chuyện) của mình rằng: “Không có gì thực sự mất đi chừng nào chúng ta còn ghi nhớ.”

Chúng ta phải trân quý những hồi ức của mình, dù là đau đớn hay ngọt ngào, vì những hồi ức đó sẽ gắn kết cuộc sống của ta lại với nhau và dạy ta bài học khi ta tiếp tục tiến bước. Nỗi buồn giúp dạy bảo và soi sáng ta, còn những điều ngọt ngào mang lại cho ta niềm an ủi, hy vọng, và tình yêu. Vậy nên, hãy chiêm nghiệm và ghi nhớ, bởi vì ký ức rất quan trọng.

Kate Vidimos / Theo: epochtime
Hòa Long biên dịch
Link tham khảo:

https://www.online-literature.com/eleanor-porter/across-the-years/10/

KHUÊ Ý - (CẬN THÍ THƯỚNG TRƯƠNG THỦY BỘ) - CHU KHÁNH DƯ


Khuê ý (Cận thí thướng
Trương thuỷ bộ) - Chu Khánh Dư

Động phòng tạc dạ đình hồng chúc,
Đãi hiểu đường tiền bái cữu cô.
Trang bãi đê thanh vấn phu tế:
“Hoạ mi thâm thiển, nhập thì vô?”

Trương thuỷ bộ tức Trương Tịch. Trước khi đi thi, Chu Khánh Dư làm bài thơ này dâng lên Trương Tịch, ở đây ngụ nghĩa bóng hỏi xem văn chương có hợp thời không.


閨意-近試
上張水部 - 朱慶餘

洞房昨夜停紅燭
待曉堂前拜舅姑
妝罷低聲問夫婿
畫眉深淺入時無


Ý khuê phòng - Gần đi thi,
dâng quan thuỷ bộ họ Trương
(Dịch thơ: Trần Đông Phong)

Động phòng nến đỏ đêm qua
Sáng mai lên gác chào cha mẹ chồng
Vẽ mi đậm nhạt vừa xong
Nghiêng đầu khẽ hỏi đẹp không hỡi chàng?


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Chu Khánh Dư 朱慶餘 (797-?) tên là Khả Cửu 可久, Khánh Dư là tự của ông, người Việt Châu (nay là Thiện Hưng, Chiết Giang) đỗ tiến sĩ năm 826. Trước khi đi thi, Khánh Dư làm bài thơ Khuê ý với câu đầu là “Ðộng phòng tạc dạ đình hồng chúc” dâng lên Trương Tịch 張籍, lúc này đang làm chức Thuỷ bộ lang trung. Trương Tịch làm thơ đáp lại, nhờ đó tiếng tăm họ Chu lang rộng khắp nơi, được Trương Tịch rất hâm mộ đề cao.

Nguồn: Thi Viện

9 MÓN NGON CHÍNH GỐC CỦA HOA KỲ THƯỜNG BỊ HIỂU SAI THÀNH MÓN ĂN CỦA NƯỚC KHÁC

Ở Hoa Kỳ, có nhiều món ăn phổ biến thường bị hiểu sai thành các món ăn của nước ngoài. Trên thực tế, những món ăn này là chính gốc ở Hoa Kỳ.

Có rất nhiều món ăn phổ biến ở Hoa Kỳ thường bị hiểu sai thành các món ăn có xuất xứ từ nước ngoài. Trên thực tế, các món này là món ăn chính gốc của Hoa Kỳ. Ví dụ như món bánh pizza xúc xích Ý không phải do người Ý phát minh. (Ảnh: Shutterstock)

Quả thật văn hóa ẩm thực đa dạng của Hoa Kỳ được dung hợp từ những món ăn truyền thống của các dân tộc khác nhau do người dân nhập cư mang đến. Tuy nhiên có rất nhiều món ăn trông giống như món ăn của nước khác, nhưng thực tế lại là món ăn do chính người Mỹ tự sáng tạo ra. Ví dụ như món mỳ Spaghetti và thịt viên (Spaghetti and Meatballs) nổi tiếng.

Còn có một số món ăn được sáng tạo dựa trên việc lấy cảm hứng từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc khác. Chẳng hạn như món thịt xay cay (Chili Con Carne), đa số mọi người đều cho rằng đây là món ăn Mexico, thực tế không phải vậy. Các đầu bếp Mexico khi hầm thịt thường kết hợp với ớt, nhưng Mexico không có món thịt xay cay.

Ngoài ra, trong tên gọi của một số món ăn có kèm theo tên gọi của một số quốc gia, nhưng không hề liên quan gì đến quốc gia đó. Ví dụ như món English Muffin, nhưng món này không xuất xứ từ Anh quốc, món German Chocolate Cake cũng không dính dáng gì đến nước Đức.

1. Món bánh English Muffin

Hình ảnh bánh English Muffin, hoàn toàn khác với món bánh nướng xốp kiểu truyền thống của Anh. (Ảnh: Shutterstock)

Món bánh English Muffin thực ra là một món ngon được thợ làm bánh người Anh có tên là Samuel Bath Thomas phát minh ra sau khi di cư đến New York vào năm 1894. Bánh English Muffin ban đầu được gọi là bánh nướng xốp Toaster Crumpet. Thực tế, bánh English Muffin với bánh nướng xốp của Anh (Crumpet) là hai loại bánh khác nhau. Bề mặt bánh nướng xốp của Anh có rất nhiều lỗ nhỏ, còn các lỗ nhỏ của bánh English Muffin nằm bên trong bánh. Hơn nữa, bánh Crumpet ăn nguyên cái, còn bánh English Muffin có thể cắt đôi ra đặt trên lò nướng để dùng.

Trên mặt bánh nướng xốp truyền thống của Anh quốc có rất nhiều lỗ nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

Ông Thomas đã phát triển loại bánh English Muffin với các lỗ xuất hiện bên trong chứ không phải trên bề mặt bánh. Như vậy, bánh có thể nướng dễ dàng hơn. Hơn nữa, những lỗ nhỏ lồi lõm này rất thích hợp để phết mứt trái cây hoặc bơ, đồng thời cũng có thể cho lên đó một lớp trứng Benedict. Lớp vỏ của bánh English Muffin đặc và chắc, khi thưởng thức có độ đàn hồi và tỏa ra mùi thơm.

2. Món thập cẩm Chop Suey

Chop Suey không phải là một câu chửi mắng, mà đó là một món ăn của người Mỹ gốc Hoa. Có nhiều ý kiến ​​​​khác nhau về nguồn gốc của món Chop Suey này. Ở vùng Quảng Đông của Trung Quốc thực sự có một món ăn địa phương được gọi là Chop Suey (Tsap Seui hoặc Shap Suì), thường được làm từ nội tạng động vật. Tuy nhiên, món Chop Suey của Mỹ được làm từ thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo băm nhỏ, xào chung với giá đậu, cần tây và các loại rau khác.

Món thập cẩm Chop Suey của Mỹ là dùng thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo băm nhỏ, xào chung với giá đậu, cần tây và các loại rau khác. (Ảnh: Shutterstock)

Đa số mọi người cho rằng món Chop Suey của Mỹ chắc chắn không phải xuất xứ từ Trung Quốc. Rất có thể vào cuối thế kỷ 19, một số đầu bếp người Mỹ gốc Hoa (ở San Francisco) đã nấu ra món này trong các bữa ăn để cung cấp cho các công nhân làm việc trên đường xe lửa hoặc thợ mỏ người Mỹ gốc Quảng Đông. Đây là một món ăn vừa rẻ vừa có thể no bụng. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng, khu vực Đài Sơn ở vùng phía nam Quảng Đông có một món ăn truyền thống rất giống với món Chop Suey của Mỹ. Một số người gọi món ăn này là “món thập cẩm Lý Hồng Chương”. Các chuyên gia phán đoán rằng, có thể vào thời đó, đã có người muốn mượn danh tiếng của Lý Hồng Chương để thu hút người Mỹ, bởi vì Lý Hồng Chương từng du lịch đến Hoa Kỳ vào năm 1896.

3. Bánh ngọt German Chocolate

Bánh ngọt Chocolate này kết hợp với lớp đường áo làm từ hạt hồ đào Mỹ và dừa. Vừa mới nhìn qua còn cho rằng German Chocolate là một loại bánh chocolate có xuất xứ từ nước Đức. Thực tế thì loại bánh này hoàn toàn không liên quan gì đến nước Đức. Năm 1957, một người phụ nữ ở Dallas, Hoa Kỳ đã cung cấp công thức làm bánh này. Bà đã sử dụng chocolate nướng do thợ làm bánh người Mỹ Samuel German sáng chế làm nguyên liệu chính. Vì vậy bà đã lấy tên họ của German để đặt tên cho bánh.

Món German Chocolate Cake hoàn toàn không liên quan đến nước Đức. (Ảnh: Shutterstock)

Nguyên liệu chocolate nướng mà bà sử dụng là sản phẩm do ông German nghiên cứu cho Công ty Baker’s Chocolate. Nếu quý vị muốn làm một chiếc bánh chocolate có hương vị giống như công thức, thì nên sử dụng “Baker’s German’s Sweet Chocolate” do Công ty Baker sản xuất. Hiện nay nguyên liệu này đã có bán trên thị trường.

4. Món Sushi cuộn

Quý vị sẽ không bao giờ tìm thấy món Sushi cuộn California ở Osaka, Nhật Bản. Sushi có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng những cuộn sushi đầy sáng tạo và đầy màu sắc được bán trong các nhà hàng sushi ở Hoa Kỳ mới là món ăn chính thống của nước này. Vào năm 1966, sushi của Nhật Bản lần đầu tiên được du nhập vào Hoa Kỳ. Nhưng phải đến những năm 1970, các đầu bếp sushi Mỹ mới bắt đầu thử kết hợp cơm và cá sống để làm món sushi cuộn nhằm thu hút vị giác của người Mỹ. Thế nên, món Sushi cuộn California và Sushi cuộn cá ngừ cay đã ra đời.

Hình ảnh món sushi cuộn cá ngừ cay. Món sushi cuộn cơm được bọc trong lá rong biển là một sáng tạo của người Mỹ. (Ảnh: Shutterstock)

Sushi cuộn California lúc đầu xuất hiện tại Los Angeles vào những năm 1960. Món này dùng quả bơ bản xứ kết hợp với thịt cua, sau đó lại dùng lá rong biển bọc bên ngoài cơm. Vài năm sau, một đầu bếp khác đã làm ngược lại, bọc cơm bên ngoài lá rong biển. Trong khi đó, Sushi cuộn cá ngừ cay xuất hiện vào những năm 1980. Các đầu bếp sushi ở Los Angeles muốn giảm thiểu lãng phí, đã nghiền nhuyễn phần cá ngừ sống còn dư, kết hợp với sốt mù tạt (Mayonnaise-chili Sauce) làm thành Sushi cuộn. Sốt mù tạt vừa có thể giúp át đi mùi tanh của cá, vừa có thể hòa quyện với vị ngọt của cá ngừ.

5. Món mỳ Spaghetti thịt viên kinh điển

Ở Italia có món mì Spaghetti và thịt viên. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19 khi người Italia di cư sang Hoa Kỳ, thì họ chưa bao giờ nấu mì Spaghetti và thịt viên cùng nhau, mà họ ăn riêng từng món này. Món thịt viên truyền thống của Italia thông thường dùng nguyên liệu thịt từ cá, gà tây, rất ít sử dụng thịt bò. Bởi vì sản lượng thịt bò ở Italia không dồi dào như ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, thịt viên của Ý chủ yếu được dùng làm món chính hoặc nấu súp, chứ không cho chung vào với món mì ống Spaghetti.

Người Italia chẳng bao giờ nấu mì Spaghetti cùng với thịt viên, hai món này được tách riêng ra thành hai món khác nhau. (Ảnh: Shutterstock)

Khi người Italia di cư đến Hoa Kỳ, tất nhiên họ cũng mang theo văn hóa ẩm thực của mình, trong đó có cả công thức làm món thịt viên Italia. Tuy nhiên, nguồn thịt ở Hoa Kỳ rất dồi dào, giá cả tương đối rẻ. Thế nên, người Italia nhập cư đến môi trường mới đã điều chỉnh công thức món thịt viên Italia phù hợp với điều kiện địa phương. Vì vậy, họ bắt đầu sử dụng thịt bò xay làm nguyên liệu, hơn nữa viên thịt cũng to hơn. Đồng thời, mì sợi và cà chua đóng hộp được bán rộng rãi khắp nơi, giá lại rẻ. Vì vậy vào khoảng giữa năm 1880 đến 1920, món mì Spaghetti thịt viên kinh điển hợp thời thế ra đời.

6. Món Chimichangas

Chimichangas là một loại burrito của Mexico chiên giòn, bên trong có nhân gồm thịt, hạt đậu, cơm và các nguyên liệu khác. Đây là món ngon đặc sắc của vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Nguồn gốc xuất xứ của món này còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng bánh Chimichangas có nguồn gốc ở Tucson, Arizona, Hoa Kỳ.

Bà Monica Flynn người Mỹ, đã vô tình làm rơi chiếc bánh burrito vào một chảo dầu nóng, bà đã bật thốt lên một câu bằng tiếng Tây Ban Nha là “chimichanga”, vì vậy món Chimichanga được ra đời. (Ảnh: Shutterstock)

Theo thời báo “Los Angeles Times”, vào những năm 1940 hoặc 1950, bà Monica Flynn, chủ nhà hàng El Charro ở Tucson, đã vô tình làm rơi chiếc bánh burrito vào một chảo dầu nóng. Bà đã thốt lên một câu bằng tiếng Tây Ban Nha là “chimichanga”, từ đó món Chimichangas ra đời.

Món Chimichangas ngon nhất là được làm từ bánh bắp thủ công kiểu Sonoran. Loại bánh bắp này được ép mỏng và rất dai, sau khi chiên cảm giác rất giòn, hơn nữa còn có thể truyền nhiệt độ nóng của dầu vào bên trong cuộn bánh rất tốt.

7. Món thịt hầm cay (Chili Con Carne)

Mặc dù thịt hầm là một món ăn khá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, nhưng món thịt hầm cay Chili Con Carne lại có một hương vị độc đáo riêng biệt, được nhiều người yêu thích. Hiện nay, nguồn gốc của món này vẫn còn gây tranh cãi. Có người nói rằng thịt hầm cay ban đầu là thức ăn được nhà bếp của nhà tù tiểu bang nấu cung cấp cho tù nhân, số lượng vừa nhiều, giá lại rẻ.

Món thịt hầm cay (Chili Con Carne) có thể được tạo ra vào giữa thế kỷ 19 bởi các chàng cowboy ở Texas trong quá trình chăn bò. (Ảnh: Shutterstock)

Song, đa số mọi người đều đồng ý rằng, món thịt hầm cay có thể đã được tạo ra vào giữa thế kỷ 19 bởi các chàng cowboy ở Texas trong quá trình chăn bò. Món thịt hầm cay này có mặt khắp nơi ở tiểu bang Texas, trong khi ở Mexico không phổ biến. Năm 1893, tại Hội chợ triển lãm Thế giới Chicago, tiểu bang Texas đã thiết lập gian hàng bán món thịt hầm cay San Antonio. Từ đó danh tiếng của món thịt hầm cay Chili Con Carne ngày càng lan xa.

8. Xúc xích đỏ Italia (Pepperoni)

Nếu quý vị du lịch đến Italia và muốn gọi một cái bánh pizza pepperoni Ý, có thể quý vị sẽ nhận được một cái bánh pizza có lớp phủ là ớt chuông thay vì xúc xích pepperoni Ý. Bởi vì “ớt chuông” trong tiếng Italia là “peperone,” còn “pepperoni” không phải là tiếng Italia.

Xúc xích đỏ Italia (Pepperoni) không phải là món ăn của Italia, nhưng được phát triển bởi những người Italia nhập cư ở New York vào đầu thế kỷ 20. Từ đó, nó trở thành nguyên liệu phối trên mặt bánh pizza được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

Pepperoni Ý được làm từ thịt heo hoặc thịt bò băm nhỏ, hoặc kết hợp cả hai, ướp với muối, thêm gia vị và ớt bột, tiêu cho vừa vị rồi đem phơi khô. Món này không phải là một món ăn của người Italia, mà là một sáng tạo của người Italia sau khi di cư đến sống tại New York vào đầu thế kỷ 20. Sau này, nó trở thành một trong những nguyên liệu phối trên mặt bánh pizza được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ.

9. Kem Häagen-Dazs

Vào những năm 1920 tại quận Brooklyn, New York, một người Do Thái gốc Ba Lan có tên là Reuben Mattus, cùng với người chú của mình bắt đầu bán kem Italia. Khi đó Reuben vẫn còn là một cậu bé nhỏ tuổi.

Häagen-Dazs trong tiếng Đan Mạch không có ý nghĩa gì, chỉ là khi đọc lên nghe giống như tiếng Đan Mạch mà thôi. (Ảnh: Shutterstock)

Về sau, vào những năm 1960, khi Reuben trở thành người đứng đầu doanh nghiệp gia đình, anh đã quyết định sản xuất hàng loạt loại kem cốc chất lượng cao cấp, và lấy các chữ phát âm theo tiếng Đan Mạch để đặt tên cho sản phẩm. Có thể là do người dân Đan Mạch yêu thích kem cốc, cũng có thể là để tưởng nhớ các anh hùng của tổ chức đấu tranh của Đan Mạch. Những anh hùng này đã cứu sống vô số người dân Do Thái ở Đan Mạch trong Đệ nhị Thế chiến.

Có thông tin cho rằng, anh Reube đã thử đặt rất nhiều cái tên giống tiếng Đan Mạch vào thời điểm trước khi quyết định chọn cái tên Häagen-Dazs. Häagen-Dazs không có nghĩa gì trong tiếng Đan Mạch, nó chỉ nghe có vẻ giống tiếng Đan Mạch mà thôi.

Tạ Thi Ân thực hiệnLam Yên biên dịch
Theo: Epoch Times

Thursday, July 24, 2025

NHẠC PHÁP LỜI VIỆT: MIKE BRANT, TÌNH KHÚC TRONG ĐÊM VẪN CÒN SÁNG MÃI

Cuối tháng 4 năm 2025 đánh dấu đúng nửa thế kỷ ngày Mike Brant qua đời. Nhân dịp này, Paris đã khánh thành một quảng trường mang tên Mike Brant, trong khi gia đình của nam danh ca người Israel cho ra mắt bộ sưu tập đĩa nhựa « Mais dans la lumière » (Trong đêm vẫn sáng) kỷ niệm 50 năm ngày anh mất.

Ca sĩ Mike Brant. © AFP/Stringer

Việc đặt tên Mike Brant cho một quảng trường ở Paris đã được Hội đồng thành phố chính thức thông qua vào năm 2018, nhưng mãi đến bây giờ mới được khánh thành, với sự hiện diện của ông Jérémy Redler, thị trưởng quận 16 và Yona Brant, cháu gái của nam danh ca quá cố. Không phải ngẫu nhiên, Paris đã chọn quảng trường này, nằm giữa đại lộ Victor Hugo và đường Spontini, nằm đối diện với căn hộ lưu trú đầu tiên của Mike Brant khi anh vừa mới đến Paris thử thời vận.

Trong sự nghiệp ngắn ngủi, chỉ kéo dài trong 5 năm tại Pháp, Mike Brant luôn thuê những căn hộ trong cùng quận 16, cho dù anh đã nhiều lần thay đổi địa chỉ để tránh sự săn lùng của giới phóng viên nhiếp ảnh và của người hâm mộ, thường xuyên tụ họp trước nhà anh cả ngày lẫn đêm, với hy vọng được gặp thần tượng của họ. Đây là cái giá phải trả vì Mike Brant lúc bấy giờ là một nghệ sĩ cực kỳ nổi tiếng.

Mike Brant và Sylvie Vartan : Không hẹn mà gặp

Bản thân Mike Brant cũng không thể ngờ rằng anh sẽ thành công tại Pháp nhanh đến như vậy. Năm 1969, anh đã dành toàn bộ tiền tiết kiệm của mình để mua một vé máy bay sang Pháp (khứ hồi Tel Aviv-Paris). Vài tháng trước đó, anh tình cờ gặp thần tượng nhạc trẻ Sylvie Vartan tại một quán nhạc, nơi anh thường xuyên biểu diễn vào buổi tối. Trên sân khấu phòng trà, Mike Brant không chỉ hát dân ca Do Thái mà còn trình bày những bản nhạc tiếng Anh (của Elvis Presley, Frank Sinatra) hay tiếng Pháp quen thuộc (của Aznavour và Bécaud).


Trong số các khán giả hôm ấy có Sylvie Vartan và thư ký riêng của cô, sau này là nam danh ca hài hước Carlos. Sau khi được nghe chất giọng thiên phú của Mike Brant, Sylvie Vartan mới nói với anh rằng : làng nhạc Pháp cần có những giọng hát xuất sắc như vậy, nên cô khuyên Mike Brant đến Paris lập nghiệp, và nếu cần, thì cô (và Carlos) sẽ giúp anh một tay.

Sylvie Vartan đã để lại số điện thoại của mình (và của Carlos) cho Mike Brant. Thế nhưng vài tháng sau, không ai lại bắt máy trả lời khi Mike Brant đến Pháp vào mùa xuân năm 1969. Nam ca sĩ đã hoài công chờ đợi hơn một tuần tại khách sạn. Tưởng chừng như không có giải pháp nào khác, Mike Brant, do hết sạch tiền, cho nên anh đành phải trở về Israel. Tại sân bay Orly, anh đã thử gọi điện thoại một lần cuối cùng.

May mắn thay, thư ký riêng của Sylvie Vartan bỗng bắt máy trả lời, và xin lỗi anh đã không thể trả lời sớm hơn, vì anh phải tháp tùng Sylvie Vartan bận đi lưu diễn ở Nhật Bản. Theo lời khuyên của anh thư ký riêng, Mike Brant quyết định ở lại Paris, trong thời gian đầu anh tạm ở nhà của Carlos, ngay tại khu phố Saint-Germain des Prés. Vài ngày sau đó, anh được giới thiệu với tác giả Jean Renard, người chuyên soạn nhạc cho Sylvie Vartan : La Maritza / Dòng sông tuổi nhỏ, lời Việt của Vũ Xuân Hùng, Non je ne suis plus la même / Sầu tình, lời Việt của Khúc Lan).

Click để nghe "Trong đêm vẫn còn sáng" (Lời Việt)

Tác giả Jean Renard đã chấp bút sáng tác bản nhạc đầu tay cho Mike Brant. Nhạc phẩm Laisse moi t’aimer (Yêu trọn đêm nay) lập kỷ lục số bán vào đầu năm 1970. Thành công bước đầu này mở đường cho Mike Brant chinh phục thị trường Pháp và ngự trị trong vòng nhiều năm liền.
 
Người đi xa nên biết chọn đường

Tuy Mike Brant trở nên nổi tiếng nhờ các giai điệu trữ tình của Jean Renard, trong đó có Rien qu'une larme (Chỉ cần một giọt lệ) hay Parce que je t'aime plus que moi (Yêu người hơn yêu ta), một số bản nhạc đồng sáng tác với Michel Jourdan và Michel Mallory, nhưng hai năm sau, mỗi người lại đi một hướng, không còn hợp tác với nhau. Mike Brant chọn làm việc với những nhà sản xuất khác, nhưng lại không ngờ rằng, anh sẽ bị phản bội : người nhẹ dạ cả tin, mà lại không biết chọn mặt gửi vàng.


Mặc dù thành công trên thị trường châu Âu nhờ bán được hàng triệu đĩa nhạc, các vòng lưu diễn tại châu Âu (Pháp, Đức, Hà Lan, Canada) hay Nhật Bản đều bán sạch vé, nhưng Mike Brant vẫn nghèo nếu không nói là hai bàn tay trắng, do anh ký hợp đồng ghi âm mà lại không đọc kỹ các điều kiện về tiền thù lao. Vừa sống xa nhà mà còn gặp phải lừa đảo, chính cũng vì thế, anh bị suy sụp tinh thần, tự tử hụt một lần vì chứng trầm cảm. Vào đầu năm 1975, anh gặp lại tác giả Jean Renard và hai người quyết định cùng nhau hợp tác lần thứ nhì. Nhưng cơ hội ấy sẽ chẳng bao giờ diễn ra, vài hôm trước khi ký hợp đồng ghi âm chính thức, Mike Brant lại tự kết liễu cuộc đời : sự ra đi quá đột ngột của anh khiến cho biết bao người hâm mộ bàng hoàng thương tiếc.

Hoàn cảnh khá mơ hồ về cái chết của Mike Brant đã làm nảy sinh nhiều lời đồn đoán, nhưng theo cô cháu gái Yona Brant, giả thuyết đáng tin cậy nhất vẫn là tự sát. Gia đình của nam danh ca muốn duy trì di sản âm nhạc của Mike Brant. Bộ đĩa nhựa vừa được phát hành là một tuyển tập bao gồm những giai điệu đẹp nhất. Gia đình Mike Brant cũng chuẩn bị cho ra mắt vào mùa thu một bộ toàn tập với đầy đủ các album phòng thu, các bản ghi âm live, cũng như nhiều tài liệu lưu trữ chưa từng được xuất bản.

Theo gia đình Mike Brant, do sinh thời nam danh ca đã đi lưu diễn khắp nơi cho nên vẫn còn những tài liệu quý báu, còn bị thất lạc bỏ quên, nhưng một điều chắc chắn là giọng ca truyền cảm của Mike Brant vẫn làm say đắm nhiều thành phần thính giả mới. Có lẽ cũng vì thế mà bộ đĩa nhựa vừa được phát hành mang tựa đề Mais dans la lumière, ý muốn nói rằng 50 năm sau ngày Mike Brant rời cõi tạm, vầng hào quang của anh vẫn luôn ngời sáng.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt



KHI VIP BỊ ÁM SÁT - KỲ CUỐI: BI KỊCH CỦA GIA ĐÌNH THỦ TƯỚNG INDIRA GANDHI

Sáng 31-10-1984, chính trường và người dân Ấn Độ rúng động trước sự kiện bi thảm: nữ Thủ tướng Indira Gandhi bị chính hai lính cận vệ thân tín nã hàng chục phát đạn ngay tại thủ đô New Delhi.

Bà Indira Gandhi là người gần gũi với nhân dân và ít chịu mặc áo chống đạn - Ảnh: NDTV

Kết quả điều tra sau đó cho thấy nữ thủ tướng xấu số này đã "góp phần" tự kết liễu mình khi bà khước từ các cảnh báo và yêu cầu bảo vệ.

Những phát đạn ám sát của chính vệ sĩ thủ tướng Ấn Độ

Sáng định mệnh đó là buổi làm việc bình thường của Thủ tướng Indira Gandhi. Khoảng 9h20 (giờ Ấn Độ), sau khi giải quyết xong một phần công việc vào đầu buổi sáng tại tư dinh, bà cùng vài trợ lý đi bộ băng qua khu vườn dinh thủ tướng ở số 1 đường Safdarjung để tới văn phòng cho cuộc phỏng vấn đã hẹn của nam diễn viên người Anh Peter Ustinov đang thực hiện phim tài liệu truyền hình Ireland.

Khi bước qua chốt bảo vệ có mặt hai vệ sĩ thân quen là Satwant Singh và Beant Singh, bà Indira Gandhi, như lịch thiệp thường lệ, vẫn mỉm cười thân thiện chào họ. Tuy nhiên, đúng lúc đó, họ lại bất ngờ móc súng ra bắn xối xả hàng chục viên đạn vào người bà.

Cận vệ Beant Singh là người bắn ba viên đạn vào bụng bà từ khẩu súng lục ổ quay có 6 viên đạn. Vệ sĩ Satwant Singh là người kế tiếp bắn trọn băng đạn 30 viên vào người bà từ khẩu súng tiểu liên Sterling mà anh ta được trang bị làm hỏa lực mạnh bảo vệ phủ thủ tướng Ấn Độ.

Thủ tướng Indira Gandhi ngã gục ngay xuống lối đi bộ đang rực rỡ ánh nắng ngày đẹp trời. Cùng lúc đó, đội vệ sĩ thường trực tại phủ thủ tướng đã ập đến bắn chết Beant tại chỗ và bắt Satwant trong tình trạng cũng đã bị thương vì trúng đạn.

Tuy nhiên, dù rất nhanh chóng nhưng họ vẫn chậm hơn hai kẻ ám sát vài phút. Bà Indira Gandhi không thể qua khỏi dù đã được chở vào bệnh viện cấp cứu ngay sau đó. Bà trút hơi thở cuối cùng vào lúc 13h20 phút ngày 31-10-1984, chỉ 4 tiếng sau khi bị trúng đạn.

Indira Gandhi, người con gái xinh đẹp của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, chỉ thọ 67 tuổi trong sự bàng hoàng và xót thương của người dân Ấn Độ cũng như quốc tế. Kẻ trực tiếp thủ ác còn sống sót Satwant đã bị kết án tử hình và chịu treo cổ cùng một đồng lõa khác là Kehar Singh tại nhà tù Tihar (New Delhi) vào ngày 6-1-1989.

Nếu tôi chết hôm nay, từng giọt máu của tôi sẽ tiếp thêm sinh lực cho quốc gia và dân tộc Ấn Độ vĩ đại
Lời Thủ tướng Indira Gandhi nói với công chúng như tiên tri cho chính mình chỉ trước một ngày bà bị ám sát.
Sự chủ quan của bà Indira Gandhi

Sau khi thảm kịch xảy ra, các cuộc điều tra đã chỉ rõ nguyên nhân phạm tôi, và trong đó có cả một phần trách nhiệm của Thủ tướng Indira Gandhi khi bà không thực hiện các khuyến cáo của lực lượng bảo vệ.

Ngược lại dòng thời gian, hai năm sau ngày cha bà là cựu Thủ tướng Jawaharlal Nehru qua đời vào năm 1964, người con gái duy nhất của ông là Indira Gandhi đã nhanh chóng tiếp tục vị trí lãnh đạo Đảng Quốc đại. Bà hai lần đắc cử thủ tướng Ấn Độ và tại chức15 năm trong hai giai đoạn 1966 - 1977 và 1980 - 1984.

Thời kỳ bà cầm quyền, Ấn Độ đã xảy ra nhiều diễn biến lớn, đặc biệt cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 với kết quả là ra đời Nhà nước Bangladesh, sự phát triển chương trình vũ khí hạt nhân của cả Ấn Độ lẫn Pakistan.

Trong thời gian tại nhiệm, nữ thủ tướng Ấn Độ này cũng có tiếng là người quyết liệt thực hiện các chiến dịch trấn áp phong trào đòi ly khai và quyền lợi tôn giáo của tín đồ đạo Sikh.

Đỉnh điểm căng thẳng là tháng 6-1984, chính phủ của bà đã triển khai quân đội chính quy tiến vào Đền Vàng, nơi thờ tự được xem là đặc biệt linh thiêng của người Sikh ở tỉnh Punjab, để bắt giữ các thủ lĩnh tôn giáo cực đoan phản đối chính phủ.

Cuộc bắt giữ đã dẫn tới bùng nổ bạo lực nghiêm trọng với kết quả hàng trăm tín đồ đạo này bị chết và bị bắt giữ, làm tăng thêm sự phẫn nộ công khai lẫn âm ỉ nguy hiểm trong các tín đạo Sikh.

Thủ tướng Indira Gandhi liên tục bị biểu tình phản đối cũng như bị dọa giết để trả thù. Thế rồi, chỉ 4 tháng sau cuộc bạo lực đẫm máu ở Đền Vàng, thảm kịch không thể cứu vãn đã xảy ra với bà.

Những cuộc điều tra sau vụ ám sát đã cho thấy chính Satwant Singh và Beant Singh, hai vệ sĩ thân tín của bà, là tín đồ sùng đạo Sikh. Sáng định mệnh ngày 31-10-1984, họ đã chủ động đổi ca trực gác cùng nhau để cùng hiệp đồng ra tay ám sát.

Thật ra, chuyện hai tín đồ đạo Sikh đang bị chính phủ trấn áp quyết liệt lại là thành viên đội bảo vệ phủ thủ tướng Ấn Độ cũng chẳng có gì bí mật, bất ngờ. Sự sùng đạo của họ công khai từ lâu.

Các cố vấn và lãnh đạo cảnh sát, quân đội đã khuyến cáo bà Indira Gandhi nên thay thế các nhân vật thân cận là người theo đạo Sikh, đặc biệt là thành viên trong đội bảo vệ, để đảm bảo an toàn, phòng ngừa sự trả thù vì lý do tôn giáo.

Tuy nhiên, nữ thủ tướng này đã từ chối với lý do Satwant Singh và Beant Singh đều là hai vệ sĩ thân tín có thời gian bảo vệ bà, trong đó Beant đã bảo vệ an toàn cho bà suốt 10 năm.

Hơn nữa, bà không thay những vệ sĩ theo đạo Sikh là còn lý do bà muốn cho thấy sự khách quan, công bằng và đoàn kết Ấn Độ của người lãnh đạo chính phủ, và đó cũng là tôn chỉ Đảng Quốc Đại của bà.

Trước đó, nếu bà chịu nghe theo lời khuyến cáo đổi vệ sĩ, có thể đã không xảy ra thảm kịch bi thương này.

Ngoài ra, Thủ tướng Indira Gandhi cũng nhiều lần làm lực lượng an ninh của mình phải căng thẳng khi bà không chịu mặc áo chống đạn lúc ra ngoài, tiếp xúc công chúng. Lý do cũng vì bà Indira Gandhi giống như cha mình và các lãnh đạo khác của Đảng Quốc Đại luôn thể hiện sự đoàn kết, gần gũi và tin tưởng người dân.

Vụ ám sát và đám tang Thủ tướng Indira Gandhi trên báo chí Ấn Độ

Bi kịch tiếp nối

Sau khi mất, Thủ tướng Indira Gandhi được hỏa táng và gìn giữ tro cốt trang trọng tại Đài tưởng niệm Raj Ghat (New Delhi), bên cạnh lãnh tụ tinh thần Mahatma Gandhi.

Tuy nhiên, bi kịch gia đình bà vẫn chưa dừng lại ở đây. Rajiv Gandhi, một người con trai sinh năm 1944 của bà, được tiếp quản vị trí quyền lực của mẹ và trở thành thủ tướng Ấn Độ khi Đảng Quốc Đại đang thiếu người lãnh đạo.

Là thủ tướng khi mới 40 tuổi, trẻ nhất trong lịch sử Ấn Độ, nhưng Rajiv đã nhanh chóng đạt được nhiều thành công trong những vấn đề hóc búa như hòa giải với tín đồ đạo Sikh, đưa nền kinh tế Ấn Độ phát triển...

Tuy nhiên, một lần nữa thảm kịch ám sát lại xảy ra với gia tộc Gandhi. Ngày 21-5-1991, Thủ tướng Rajiv Gandhi đến một cuộc vận động tái tranh cử ở Sriperumbudur. Khi ông rời khỏi xe bọc thép, đi bộ đến vị trí phát biểu thì được nhiều người mang hoa tặng và chúc mừng.

Cùng lúc đó, kẻ ám sát là Kalaivani Rajaratnam cũng tiến đến gần chào ông và kích hoạt thắt lưng chứa thuốc nổ giấu trong váy của cô ta. Cùng thiệt mạng với Rajiv Gandhi còn có 15 người khác cũng không qua khỏi trong vụ nổ và hàng chục người bị thương.

Điều hy hữu là vụ ám sát đã được Haribabu (một kẻ tòng phạm với Kalaivani Rajaratnam) ghi lại bằng phim. Haribabu cũng bị chết trong vụ nổ, nhưng phim ảnh của cô ta được tìm thấy tại hiện trường và được cảnh sát phục hồi thành công để nhanh chóng phá án.

Những kẻ phạm tội là người của phong trào Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) ở Sri Lanka. Động cơ của họ là trả thù cho việc Thủ tướng Rajiv Gandhi đã quyết định đưa quân đến gìn giữ hòa bình ở Sri Lanka để kiềm chế phong trào kháng chiến này.

Nhiều nghi phạm tham gia vụ ám sát này đã bị bắt giữ. Tòa án tối cao Ấn Độ đã kết án tử hình 3 người là Murugan, Santhan và Perarivalan sau nhiều phiên tòa.

Thùy Chi / Theo: tuoitre.vn
Xem lại từ đầu:


OANH THOA - LƯU KHẮC TRANG


Oanh thoa - Lưu Khắc Trang

Trịch liễu thiên kiều thái hữu tình,
Giao giao thì tác lộng cơ thanh.
Lạc Dương tam nguyệt hoa như cẩm,
Đa thiểu công phu chức đắc thành?


鶯梭 - 劉克莊

擲柳遷喬太有情
交交時作弄機聲
洛陽三月花如錦
多少工夫織得成
Thoi oanh
(Dịch thơ: Vũ Minh Tân)

Tình tứ luồn trong tơ liễu xanh,
Như thoi dệt cửi, tiếng gieo thanh.
Lạc Dương xuân muộn, hoa như gấm,
Hẳn phải dầy công mới dệt thành.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lưu Khắc Trang 劉克莊 (1187-1269) tự Tiềm Phu 潛夫, hiệu Hậu Thôn cư sĩ 後村居士, người Bồ Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Tế, tỉnh Sơn Tây). Ông bác học đa tài, tác phẩm của ông có Hậu Thôn đại toàn tập gồm 196 quyển, riêng về từ có tập Hậu Thôn biệt điệu. Ông là một chí sĩ bão phụ vĩ đại, lại vừa là một từ nhân hào phóng.

Nguồn: Thi Viện

ĐIỂM DANH 6 LOẠI TRÀ NHẬT BẢN NỔI TIẾNG TRONG VĂN HÓA TRÀ ĐẠO

Nhật Bản xứ sở hoa anh đào vốn dĩ nổi tiếng là quốc gia sản xuất nhiều trà trên thế giới. Và một những loại trà được yêu thích nhất ở Nhật Bản là trà xanh. Tuy vậy, đây không phải là loại trà duy nhất của quốc gia này được sản xuất trong nước dù trà xanh chiếm gần 90% sản lượng trà. Trong bài viết dưới đây, Tâm Trà Thái giúp bạn khai sáng tâm trí về 6 loại trà Nhật Bản trứ danh trong văn hóa trà đạo. 

Điểm danh những loài trà Nhật Bản trứ danh khiến dân sành trà mê mẩn.

6 loại trà Nhật Bản được yêu thích nhất hiện nay

Trà Matcha

Trà Matcha thuộc loại trà xanh. Cây trà được trồng trong khu vực có bóng râm để lá có thể phát triển lớn và xanh hơn. Điều này nhằm giúp lá trà sản sinh chất diệp lục với số lượng lớn. Kỹ thuật trồng trà này mang lại cho trà màu sắc tươi mới cùng hương vị độc đáo.

Matcha – loại trà xanh truyền thống của Nhật Bản.

Trà Matcha là sự hòa trộn giữa vị ngọt và đắng, được người Nhật dùng trong nghi lễ trà đạo. Matcha còn được các thiền sư sử dụng giúp tăng khả năng tập trung trong lúc luyện tập. Trong suốt 750 năm dài, Matcha được xem như một loại trà bí mật của giới thượng lưu Nhật Bản. Bởi lẽ, chúng được các Samurai sử dụng như một thức uống thiết yếu để tăng cường tinh thần và sức khỏe.
 
Trà Sencha

Nếu Matcha là niềm tự hào của người dân xứ mặt trời mọc thì Sencha là người bạn thân nhất trong cuộc sống hằng ngày của người Nhật. Dù không nổi tiếng như Matcha, Sencha vẫn đóng vai trò quan trọng trong thú thưởng thức trà – thú vui tao nhã của người dân đất nước này. Trà Sencha có nhiều loại. Sau đây là một số loại trà Sencha phổ biến thường được dùng:
  • Shincha: có vị ngọt hậu, được thu hoạch vào mùa xuân.

  • Asamushi Sencha: loại trà nhẹ, được hấp hơi nước trong thời gian ngắn.

  • Fukamushi Sencha: loại trà mạnh, được chế biến bằng cách hấp hơi lá trong thời gian dài. Nước trà có màu tối, hương vị đặc trưng.

  • Chumushi Sencha: sự pha trộn giữ trà Fukamushi và trà Asamushi. Lá trà được ngâm vừa phải, nước trà có màu xanh vàng. 
Trà Sencha là người bạn thân nhất của người Nhật.

Trà Genmaicha

Bạn đã bao giờ thử trà làm từ gạo rang chưa? Nếu chưa, bạn có thể thử món trà độc đáo này mang tên Genmaicha. Trà Genmaicha là loại trà đặc biệt của Nhật Bản. Sự đặc biệt này ở sự kết hợp giữa trà xanh và gạo rang chia theo tỷ lệ 50/50. Nghe có vẻ kỳ lạ phải không? Khi bạn ngửi sẽ cảm nhận được độ tinh khiết của trà xanh và mùi hương đậm đà của gạo rang. Một sự kết hợp thật hoàn hảo! Hầu hết trà sẽ có vị đắng. Nhưng ở loại trà này, gạo rang đã làm giảm đi vị đắng đó. Đặc biệt bạn có thể pha chế nó với các loại trà xanh khác như Matcha và Sencha để thay đổi hương vị theo sở thích của mình. 

Trà Genmaicha là sự kết hợp giữa trà xanh và gạo rang chia theo tỷ lệ 50/50.

Trà Houjicha

Houjicha trong tiếng Nhật có nghĩa là “trà rang”. Trà được chia làm hai loại chính: trà rang Houjicha lá và trà rang Houjicha bột. Mặc dù cũng là trà xanh Nhật nhưng Houjicha có điểm khác biệt riêng không thể hòa lẫn. Bằng kỹ thuật sấy trà xanh trong bình sứ bằng than, trà có hương vị nồng nàn được nhiều người Nhật yêu thích, Khi được rang lên với nhiệt độ thích hợp lá trà Houjicha được chuyển từ màu xanh lá sang màu nâu sẫm. Trong khi Houjicha dạng lá chỉ dùng để uống, thì Houjicha dạng bột có thể dùng cho việc pha chế, làm bánh, làm kem rất thơm.

Thoạt nhìn, màu sắc bên ngoài của Houjicha giống như một loại trà đen. Tuy nhiên, trà này không bị oxy hóa như trà đen. Thay vào đó, nó rất thơm và dễ uống, không gây mất ngủ. Vì vậy, cả người già và trẻ nhỏ ở Nhật đều dùng loại trà này mỗi ngày.

Houjicha được chia làm trà rang Houjicha lá và trà rang Houjicha bột.

Trà Gyokuro

Gyokuro có nghĩa là “ngọc sương”. Đây là loại trà cao cấp và đắt tiền nhất của Nhật. Trà có nguồn gốc từ giống trà Asahi, Okumidori, Yamakai và Saemidori. Loại trà Gyokuro rất giống trà Sencha. Điểm khác biệt nằm ở chỗ lá trà Gyokuro được che phủ bằng lưới đen trước khi thu hoạch 20 ngày. Công đoạn cách ly ánh sáng giúp tăng hàm lượng một số dưỡng chất trong lá trà, nhất là L-theanine. 

Gyokuro là dòng trà cao cấp, thượng hạng được dùng trong các dịp trọng đại.

So với trà Sencha, thì trà Gyokuro có màu xanh đậm hơn, vị ít chát. Cách pha trà loại này cũng có chút khác biệt. Người Nhật sẽ dùng nước ấm chỉ khoảng 50 – 60 độ C để pha trà. Bởi lẽ, nếu dùng nước nóng hơn sẽ làm tăng vị đắng và làm mất đi vị ngọt thanh vốn có của nó. Trà Gyokuro thường xuất hiện nhiều trong những dịp lễ Tết và các dịp quan trọng của gia đình, dòng họ, quốc gia. Đây là dòng trà cao cấp, thượng hạng nên được người Nhật dùng trong các dịp trọng đại.
 
Trà Sakura

Trà Sakura là một trong những biểu tượng khi nhắc đến đất nước mặt trời mọc. Loại trà này làm từ cánh hoa anh đào muối có màu hồng đẹp mắt. Đây là thức uống tuyệt vời để thưởng thức vào những thời điểm giao mùa. Khi đổ nước nóng vào, những cánh hoa sẽ mở và nổi bồng bềnh trong nước vô cùng độc đáo với ý nghĩa hương sắc của hoa anh đào sẽ tỏa sáng suốt mùa xuân. Ngoài ra, trà Sakura còn là thức uống mang hàm ý chúc mừng hạnh phúc. Do vậy, loại trà này thường xuất hiện trong các dịp lễ kỷ niệm như ngày tết, đám cưới,…

Trà Sakura làm từ cánh hoa anh đào muối có màu hồng đẹp mắt.

Tổng kết

Vừa rồi là 6 loại trà Nhật Bản trứ danh mà Tâm Trà Thái muốn giới thiệu đến bạn. Đây là những cái tên đại diện cho văn hóa trà đạo lừng danh của đất nước Nhật Bản. Hy vọng qua chia sẻ trên, bạn đọc, đặc biệt cho những ai sành trà hiểu tường tận hơn về những loại trà tên tuổi của xứ sở hoa anh đào.

Theo: Tâm Trà Thái