Wednesday, June 26, 2024

CẤU TRÚC BÍ ẨN Ở LAS VEGAS BỊ THÁO DỠ

Chính quyền địa phương vừa tiến hành dỡ bỏ tảng đá sáng bóng nhô lên từ những ngọn núi gần Las Vegas. Nó xuất hiện ở đó bằng cách nào vẫn là điều bí ẩn.

Khối đá ở Las Vegas trước khi bị dỡ bỏ. (Ảnh: CNN)

Trong thông báo việc dỡ bỏ vật thể này trong bài đăng trên mạng xã hội X cuối tuần qua.

Tảng đá được phát hiện từ cuối tuần trước và nhanh chóng bị loại bỏ do lo ngại về an toàn cộng đồng và môi trường. Vật thể này gợi lại bí ẩn thời kỳ đại dịch COVID-19, kích thích trí tưởng tượng phong phú vì gợi nhớ đến vật thể xuất hiện trong bộ phim “2001: A Space Odyssey” của Stanley Kubrick.

Đội tìm kiếm và cứu hộ của cảnh sát Las Vegas tìm thấy vật thể này gần Gass Peak, một phần của khu bảo tồn động vật hoang dã trên vùng sa mạc rộng lớn.

Đó là phát hiện mới nhất trong một loạt cấu trúc bí ẩn được phát hiện từ năm 2020. Tháng 11 năm đó, một khối kim loại tương tự được tìm thấy ở khu vực có khung cảnh giống như trên sao Hỏa ở bang Utah. Sau đó, vật thể tương tự được tìm thấy ở miền trung California, bang New Mexico và trên phố Fremont ở trung tâm Las Vegas.

Tất cả vật thể biến mất nhanh chóng như cách chúng xuất hiện. Thời điểm đó, Trung úy Nick Street thuộc cơ quan an toàn cộng đồng bang Utah khẳng định: “Vật thể này không đến từ thế giới khác”.

Khối đá sau khi bị nhổ lên. (Ảnh: CNN)

Cấu trúc ở Utah là khối đá đầu tiên được phát hiện. Nó được gắn vào núi đá ở khu vực xa xôi đến mức giới chức không tiết lộ vị trí vì sợ người dân đi lạc hoặc mắc kẹt khi tìm đến đó.

Tuy nhiên, các “thám tử” internet nhanh chóng tìm ra tọa độ, và đám đông tò mò muốn nhìn tận mắt và chạm vào vật thể đã kéo đến, san phẳng cây cối bằng bánh xe ô tô rồi để lại rác thải ở vùng đất hoang sơ.

Giới chức địa phương cho biết, lo ngại tình trạng như vậy tái diễn khiến họ quyết định dỡ bỏ tảng đá từ hôm 20/6. Đó là khu bảo tồn động vật hoang dã sa mạc, là nơi sinh sống của động vật hoang dã lớn nhất ngoài Alaska.

Cảnh sát cho biết, khối đá đang được giữ tại nơi bí mật, trong khi cơ quan chức năng tìm ra cách tốt nhất để tiêu hủy hoặc cất giữ. Cấu trúc đồ sộ này được làm từ một tấm kim loại phản chiếu, bên trong là thép và bê tông.

Những bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy vật thể nằm nghiêng sau khi bị nhổ lên, để lại vết lõm lớn trên mặt đất vì cốt thép đã bị chôn sâu trong đất đá.

Tú Linh / Theo: CNN
Link tham khảo:



VẦNG TRĂNG TRONG ĐÊM TỐI CUỘC ĐỜI

Cuộc đời có đêm tối, có bình minh, có vui buồn đan xen, tìm đâu lối đi trong trăm năm kiếp người như gió bụi?


Đời người ai cũng có những lúc khó khăn, có những lúc cảm thấy lạc lối. Trong kiếp nhân sinh này, không thiếu lần ta nhìn lên vầng trăng kia mà tự hỏi: Ta là ai? Ta từ đâu tới? Chết rồi sẽ đi về đâu? Giữa những phù du ảo mộng, giữa xã hội phồn hoa, làm sao để có được ngọn đèn trong tâm giữa đêm tối cuộc đời muôn vàn sóng gió, để mang tới sự ấm áp và niềm hy vọng cho chính bản thân và cho những người quanh mình?

Chuyện kể rằng tại một đất nước chiến tranh liên miên, cảnh đói nghèo xảy ra khắp chốn, có một ngôi chùa nhỏ, nơi một nhà sư cư ngụ. Một đêm nọ, nhà sư chợt phát hiện ra có người ăn trộm đang tìm lục đồ.

Nhà sư nghĩ bụng: “Chùa giờ chẳng có thứ gì quý giá, anh ta rồi sẽ chẳng tìm được gì đâu”. Nghĩ rồi ông nép vào một bên, không muốn làm kinh động đến người ăn trộm.

Rồi nhà sư chợt nghĩ: “Trời lạnh, anh ta mặc chẳng đủ ấm. Chiếc áo trên người đã gắn bó với mình rất lâu, cũng có thể kể là vật quý giá với người ta. Vậy thì tặng chiếc áo này cho họ”.

Ông cởi chiếc áo ra và nép vào cạnh cửa chờ đợi. Khi kẻ trộm đi ra, nhà sư nhẹ nhàng nói: “Xin thí chủ hãy nhận chiếc áo này”. Nói rồi ông cẩn thận đưa chiếc áo về phía người ăn trộm.

Kẻ trộm giật mình sững lại, nhưng khi thấy nhà sư không nói gì cả, chợt giật phăng chiếc áo rồi chạy về phía khu rừng.


Nhà sư nhìn theo người nọ, bóng anh ta dần khuất trong màn đêm. Ông nghĩ: “Giá như ta có thể tặng thí chủ một vầng trăng để soi sáng con đường đi”.

Thời gian trôi qua, một ngày nọ, khi nhà sư tỉnh dậy vào buổi tối, ông chợt thấy chiếc áo của mình được xếp ngay ngắn ở trước hiên nhà cùng với một bức thư tạ lỗi và cảm ơn. Ông nhìn lên bầu trời và thầm nhủ: “Ta đã tặng được cho thí chủ một vầng trăng rồi”.

Một con sông lớn bắt nguồn từ những con thác nhỏ, những hành động tưởng chừng vô nghĩa lại nhóm lên ngọn lửa ấm áp trong đêm đông. Biết nghĩ cho người khác và có tấm lòng bao dung, thì không cần lời nói cũng có thể khiến người ta cảm động sâu sắc. Hãy rộng lòng và bạn sẽ hiểu được niềm vui của sự cho đi không cầu được mất, bởi vì được mất của kiếp người rồi cũng chỉ là hư không.

Con người đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, khi rời khỏi nơi đây cũng với hai bàn tay trắng. Cát bụi lại trở về với cát bụi. Cuộc đời tất nhiên không chỉ có đêm tối, nhưng nhân sinh vô định, thời gian như nước, vạn vật biến chuyển, được mất vô thường, phúc họa đan xen – Ấy chính là kiếp người.

Con người sống trên thế gian có quá nhiều nỗi khổ. Có những chuyện người ta cứ mong muốn ôm giữ mãi mà không thể nào thoát ra. Nhưng giống như nắm cát nằm trong tay, nắm càng chặt thì cát rơi càng nhanh, không thể nào tránh được. Nguồn gốc của những phiền não trong lòng người, phần lớn đều là do không minh bạch được rằng thế gian có những chuyện chẳng thể bền lâu.

Năm xưa Lý Bạch từng cảm khái:

Sinh giả vi quá khách,
Tử giả vi quy nhân.
Thiên địa nhất nghịch lữ,
Đồng bi vạn cổ trần.

Nghĩa là:

Sống là khách qua đường,
Chết tựa về cố hương.
Trời đất này khác chi quán trọ,
Người ở trong cõi trần ai đó mà bi thương [không biết chốn về].


Sinh mệnh bi thương nhất là không biết chốn về. Người xưa có câu: “Triêu văn đạo, tịch khả tử”, sáng sớm nghe đạo, tối chết cũng an lòng. Trong tâm có thấu hiểu, có lĩnh ngộ, thì mới có thể an yên mà vượt qua. Nhân sinh là vô thường, nhưng trời đất không vận chuyển một cách tùy ý ngẫu nhiên. Từ xưa đến nay, niềm tin về một quy luật, một dòng năng lượng hài hòa chảy xuyên suốt toàn vũ trụ đã là trọng tâm của nhiều nền văn minh. Đạo gia gọi sự cân bằng ấy là “Đạo”. Đức Phật thể hiện quy luật ấy thông qua lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh.

Con người từ khi sinh ra vẫn luôn vô ý hay hữu ý không ngừng tự hỏi: “Ta là ai? Ta từ đâu tới? Đến thế gian này để làm gì? Chết rồi sẽ đi về đâu?”. Con người chỉ có tu luyện, hướng về quy luật vũ trụ mà hòa tan vào, thì mới có thể vượt thoát khỏi nhân thế gian, thì mới có thể thực sự nhìn thấy được sự bất biến chân thực bên trong lẽ vô thường của Trời đất. Nhân sinh suy cho cùng, chính là để trả lời những câu hỏi ấy.

Thanh Phong / Theo: trithucvn

BẦN NỮ - TRƯƠNG BÍCH


BẦN NỮ - TRƯƠNG BÍCH

Khởi thị muội dung hoa,
Khởi bất tri cơ chức.
Tự thị sinh hàn môn,
Lương môi bất tương thức.


貧女 - 張碧

豈是昧容華
豈不知機織
自是生寒門
良媒不相識


Gái nghèo (Dịch thơ: Nguyễn Minh.)

Nào phải không xinh đẹp?
Nào phải không biết dệt?
Chỉ tại con nhà nghèo
Mai mối không thèm biết


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Trương Bích 張碧 tự Thái Bích 太碧, thi nhân đời Đường Mạt, năm sinh mất không rõ. Ông từng thi tiến sĩ không đỗ, gửi tình vào thơ và rượu, học chí theo Lý Bạch. Phong cách thơ ông tiếp thu và chịu ảnh hưởng của Lý Bạch 李白, Lý Hạ 李賀, Quán Hưu 貫休. Ông giỏi thơ cổ phong, đa phần viết về hiện thực u ám, đồng tình với nỗi khổ của nhân dân, có "Trương Bích ca thi tập" 張碧歌詩集 một quyển. Con của ông là Trương Doanh 張瀛 cũng giỏi thơ, làm quan cho Nam Hán đời Ngũ Đại đến chức Tào lang. Có nơi nói Trương Bích sống vào năm Trinh Nguyên đời Đường Đức Tông, có Mạnh Giao mộ thơ của ông.

Nguồn: Thi Viện

VÙNG ĐẤT ĐẸP NHƯ TRANH VẼ TRỞ THÀNH ĐIỂM DU LỊCH HOT NHẤT TRUNG QUỐC DỊP HÈ NÀY NHỜ PHIM "ALTAY CỦA TÔI"


Nhờ có sức nóng của phim "Altay của tôi", (我的阿勒泰 My Altay). Altay, hay còn gọi là A Lặc Thái, ở Tân Cương (Trung Quốc) đã và đang trở thành điểm đến du lịch cực "hot" trong mùa hè này.


"Altay của tôi" là tác phẩm chuyển thể từ tập san cùng tên của nhà văn Lý Quyên đến từ Tân Cương (Trung Quốc). Sau buổi trình chiếu tại Cannes, bộ phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả quốc tế nhờ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ tuyệt đẹp của vùng Altay, cùng với nét đặc sắc của phong tục Tân Cương. Không thể không nói, từng khung hình như có phép màu chữa lành cho những bộn bề trong cuộc sống vội vã.

Xanh lá ôm trọn Altay


Nếu nói Tân Cương là nơi gần nhất với thiên đường, thì Altay chính là trung tâm của thiên đường. Ở đó, dãy núi tuyết và thảo nguyên liền kề, hồ nước và rừng rậm song hành, bạn có thể chiêm ngưỡng hầu như tất cả vẻ đẹp diệu kỳ và lãng mạn của thế giới này. Ảnh @sukijiangzi


Mỗi chuyến đi đến Altay giống như bước vào một giấc mơ huy hoàng, không nỡ tỉnh lại. Mỗi buổi bình minh, hồ nước lại bao phủ bởi làn sương mù ảo diệu, khói sương tỏa ra khắp mặt hồ, qua kẽ cây, giữa lưng chừng núi, làm mờ đi ranh giới giữa thế gian và thiên đàng. Ảnh @KUN


Không trách có người nói rằng: "Nếu không đến Altay, tức là bạn đã bỏ lỡ một nửa vẻ đẹp của Tân Cương!". Bất kể xuân hạ thu đông, vẻ đẹp của Altay luôn khiến người ta kinh ngạc. Ảnh @Eleven Li


Tháng 9-10, Altay sở hữu sắc thu lộng lẫy nhất trên khắp đất nước Trung Quốc. Hiện tại là một trong những thời điểm tuyệt vời để đến Altay, tháng 5-6, cỏ đã xanh, hồ đã biếc, du khách rất ít, tạo nên không gian yên bình và trầm lắng hơn. Ảnh @xiaojihaotian


Bầu trời trong, thảm cỏ xanh, về đêm ngẩng đầu là bầu trời đầy sao. Altay vào mùa xuân và mùa hè là lúc đẹp nhất, nhiệt độ vô cùng dễ chịu, mùa hè đích thực là thiên đường tránh nóng! Dòng sông uốn lượn chảy qua giữa những dãy núi tuyết trắng và rừng rậm, những tán lá xanh thẫm, mặt hồ yên bình lóng lánh ánh sóng... Mỗi bước đi, như thể bước trên chốn bồng lai tiên cảnh. Ảnh @xiaoyeailiuwa


Đi rồi mới biết, Altay là chốn chữa lành rất hiệu nghiệm. Không khí lành lạnh, cây cối xanh ngắt, những bận lòng bởi guồng quay cuộc sống bỗng mất đi lúc nào không hay. Ảnh @Mimoxiamomo


Mùa hè ở đây có bồ công anh nở rộ khắp nơi, phía xa là những dãy núi tuyết triền miên. Trên bãi cỏ, những chú ngựa thong dong. Mọi thứ vào mùa hè ở đây, đều khiến người ta cảm giác như bước vào thế giới cổ tích. Ảnh @mengxinTravel

Xanh biển giữa lòng Altay


Hồ Bạch Sa là viên ngọc lam lấp lánh trên cao nguyên Pamir, không hề nói quá chút nào. Khi gió thổi qua, những hạt cát trắng bay lên, lướt qua mặt hồ xanh biếc và trôi dạt về phía những dãy núi tuyết xa xôi. Ảnh @mengxinTravel


Nếu đến Tân Cương để ngắm hoa hạnh, hồ Bạch Sa chính là một điểm tham quan không thể bỏ qua trên hành trình ấy. Một nửa là những đụn cát trải dài màu trắng xóa, nửa kia là hồ nước trong xanh màu lam, thực sự là cảnh đẹp như trong thơ đã được chuyển thể thành hiện thực. Ảnh @doudouDOUoo


Hồ Ulungur giống như viên ngọc màu xanh lạnh lẽo được đính kết vào sa mạc mênh mông, đẹp đến nao lòng. Hơn nữa, nơi đây không có quá nhiều sự phát triển du lịch, cho nên cảm giác tham quan thoải mái hơn nhiều. Hồ Ulungur thật sự giống như biển cả yên bình và dịu dàng trong lúc tĩnh lặng, nối liền với bầu trời xanh thẳm phía chân trời. Ảnh @Supermickii

Ảnh @Supermickii

Một Altay chứa đủ mỹ vị Tân Cương


Ẩm thực Altay cũng rất đáng để thưởng thức, Tân Cương thực sự nổi tiếng với thịt nướng và những suất ăn lớn, bánh mì nướng cũng quyến rũ đến mê mẩn. Ảnh @Eleven Li


Khi nói đến ẩm thực đậm đà hồn cốt của Tân Cương, không thể không nhắc đến xiên thịt cừu nướng. Xiên nướng Tân Cương khác ở chỗ sử dụng nhành cây Hồng Liễu để làm xiên, có vị thơm đặc trưng không lẫn vào đâu được.


Xiên thịt nướng Hồng Liễu không chỉ ấn tượng bởi kích thước lớn hơn, mà còn bởi cách sử dụng cành cây Hồng Liễu đã được cắt tỉa thành que để nướng thịt. Ảnh @yikouchaorenmian


Đến Tân Cương, làm sao có thể bỏ qua một bữa thưởng thức thịt cừu nướng trọn vẹn đúng điệu? Cả con cừu non được phết một lớp dầu mỏng, đặt lên bếp lửa để nướng từ từ. Vỏ ngoài dần chuyển sang màu vàng óng ánh, giòn tan, những giọt mỡ trong suốt chảy nhẹ xuống, không mấy chốc đã lan tỏa khắp nơi mùi thơm phức của thịt cừu. Cắn một miếng, hương vị bùng nổ, không hề có mùi hôi đặc trưng, không cần quá nhiều gia vị, chỉ cần chính hương vị tươi ngon của thịt cừu là đã đủ khiến người ta không thể cưỡng lại! Ảnh @DORAsu


Bánh nướng mè Tân Cương là món "bắt buộc" phải ăn khi đến vùng đất này. Vỏ ngoài giòn tan, bên trong mềm mịn và mượt mà. Bạn cũng có thể thử bánh nướng nhân thịt, cắn một miếng, nước sốt bên trong lập tức trào ra ngoài. Đương nhiên, đây cũng chỉ là một trong hàng trăm loại bánh nướng ở Tân Cương mà thôi. Ảnh @chunhaoqingru


Trong bức tranh muôn màu của ẩm thực, cơm chiên có thể nói là một nghệ thuật độc đáo, nhất là tại vùng đất rộng lớn của Tân Cương, nơi mà phong vị của món cơm chiên được biến tấu muôn hình vạn trạng. Cơm chiên rời hạt nhưng không quá khô, thêm topping đủ thứ, từ sườn cừu, đùi cừu, thịt băm, cho đến bò. Kỹ thuật chế biến cơm chiên cũng vô cùng tinh tế, gạo thường được ngâm nửa giờ để tăng độ dẻo và mềm mại, dầu sử dụng lại là dầu mè để đảm bảo hương vị thơm ngon đặc trưng. Dầu sôi vừa, hành tây được chiên giòn đến khi tỏa ra hương thơm lừng trước khi thịt được thả vào. Và rồi là quá trình xào đi xào lại không ngừng nghỉ hàng trăm lần, cuối cùng là sự góp mặt của cà rốt cắt hạt lựu và bột cumin. Mỗi miếng cơm, mỗi miếng thịt, mang lại sự thỏa mãn tột đỉnh. Ảnh @chunhaoqingru



Bánh bao nướng là món ăn truyền thống, nhân bánh thường được làm từ thịt đùi cừu và mỡ cừu băm nhỏ, nhồi đầy vào lớp vỏ bánh bao vàng giòn rụm. Vỏ bánh dày ở giữa và mỏng ở hai bên, khi bẻ ra, thịt cừu ngậy ngọt cùng dầu mỡ sẽ ồ ạt trào ra, nước sốt thấm vào từng lớp vỏ bánh, thơm ngon đến mức dù nóng đến độ muốn rát lưỡi cũng không nỡ buông tay! Ảnh @chunhaoqingru

Trung Hạ / Nguồn: The Paper



Tuesday, June 25, 2024

DÙ CUỘC SỐNG CÓ KHÓ KHĂN THẾ NÀO, ĐỪNG BAO GIỜ THAN VÃN VỚI CON CÁI

Dù cuộc sống có khó khăn thế nào cũng đừng phàn nàn, kể khổ hay than vãn với con cái, các bậc cha mẹ nhé. Dưới đây là những lý do…

Dù cuộc sống có khó khăn thế nào, đừng bao giờ than vãn với con cái (ảnh: Pixabay).

Cố vấn tâm lý Ruoshan đã chia sẻ một câu chuyện.

Cậu con trai 7 tuổi nói với mẹ một cách nghiêm túc: “Mẹ, con không nghĩ mẹ sẽ có cuộc sống tốt sau khi sinh con”.

“Mỗi ngày mẹ phải dậy sớm, đúng giờ đưa con đi học, quanh năm suốt tháng đều không ngủ nướng được, còn phải đưa con đi học đàn dương cầm, có đôi khi vì vấn đề ai đưa con, còn phải cãi nhau với ba, về nhà còn phải cùng con làm bài tập. Nếu không có con, mẹ và ba có thể sống rất thoải mái!”.

Người mẹ sững sờ tại chỗ, bà không bao giờ nghĩ rằng con trai mình sẽ cảm thấy mình là gánh nặng.

Vì áp lực công việc nhiều nên người mẹ thường tâm sự với con trai về cuộc sống vất vả, nói kiếm tiền không dễ.

Ý định ban đầu của người mẹ là động viên con trai chăm chỉ học hành, hiếu thuận với cha mẹ, không ngờ cậu con trai lại hiểu lời than vãn của mẹ mình thành: Con là gánh nặng của mẹ, chính con là người làm mẹ đau khổ biết bao.

Nhớ tới lời một người mẹ nói, đừng bao giờ kể khổ với con mình, bởi vì những lời than vãn hay phàn nàn của bạn vô tình sẽ khiến con hình thành áp lực vô hình, mà bạn không bao giờ biết, áp lực như vậy sẽ có tác dụng như thế nào.

Năng lượng tiêu cực do việc bạn kêu ca, phàn nàn mang lại là một gánh nặng mà tâm hồn non nớt của trẻ không thể gánh nổi.

Đừng nói về bất hạnh của cuộc sống

Có người trên trang mạng xã hội hỏi: Cha mẹ thường kể khổ với con cái, có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con?

Một người trả lời, trong cuộc sống tràn ngập oán trách của mẹ, tôi trở thành nạn nhân lớn nhất.

Khi cô mới năm, sáu tuổi, mẹ cô thường rót vào tai cô những lời cay đắng: Phàn nàn đủ thứ chuyện không hay về ông chủ, rồi lại than vãn về việc bà ngoại không giúp đỡ, bố không quan tâm đến gia đình, và ba anh chị em của cô ấy không sống như mong đợi…

Tiếp theo, lại lải nhải nói mệnh mình khổ như thế nào, dưỡng dục mấy đứa nhỏ chúng tôi chịu tội gì, nhịn ủy khuất nào, thân thể cũng bởi vì quanh năm vất vả mà rơi vào bệnh tật.

Đùng bao giờ kể khổ với con cái (ảnh: Pexels).

Mẹ nói rất kích động, và thỉnh thoảng rơi nước mắt vì uỷ khuất. Cô còn nhỏ, từng cảm thấy mẹ quá khổ, luôn cho rằng mình nên làm gì đó để gánh vác cực khổ này. Nhưng sự thật là cô ấy không thể làm gì, bị hãm sâu trong tâm muốn làm bất cứ điều gì để cứu mẹ mình, đồng thời phải chịu đựng năng lượng tiêu cực từ mẹ mình.

Cứ như vậy, cô càng ngày càng áp lực, ngày càng trở nên chán nản và bi quan, được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi học năm thứ hai trung học cơ sở. Cho đến tận bây giờ, hàng tháng cô đều phải vào phòng tư vấn tâm lý để chữa lành vết thương lòng thời thơ ấu.

Chuyên gia tâm lý học Lý Tuyết nói: Than vãn về sự bất hạnh của mình với con trẻ là một trong những cách hủy hoại con cái hiệu quả nhất. Bởi trẻ em là những người tiếp nhận năng lượng tự nhiên.

Cha mẹ kể khổ hay than vãn với con cái, về cơ bản là một “thuật chuyển dời đau khổ”: đem lo âu, ủy khuất, oán hận, bất mãn của mình chuyển dời sang con cái. Khi con cái bị cha mẹ bóp nghẹt tinh thần, năng lượng tâm lý bên trong của chúng sẽ cạn kiệt.

Đứa nhỏ như vậy, dù tương lai có ưu tú hơn nữa, cũng sẽ bị hãm sâu trong năng lượng tiêu cực, nhìn không thấy ánh mặt trời.

Cha mẹ kể khổ, cuối cùng sẽ tạo thành quả đắng cho cả đời con cái.

Đừng than vãn với con cái về sự nghèo khó của gia đình

Giáo sư Bành Khải Bình từng nói trong một cuộc phỏng vấn:

“Nếu bạn nói với trẻ rằng gia đình ‘thiếu thốn’ và chúng ta không tốt bằng những người khác, thì thực tế là đang gieo vào đầu trẻ cảm giác nghèo khó. Nó tạo ra tâm lý thiếu tự tin ở trẻ”.

Cha mẹ than nghèo kể khổ, suốt đời con cái không ngóc đầu lên được.

Diễn giả Tịch Thụy lớn lên trong gia đình mồ côi cha, từng bộc lộ câu nói được nghe nhiều nhất từ nhỏ là: “Ở nhà không có tiền, một mình mẹ nuôi con thật không dễ dàng”.

Câu nói này thành chân lý và là câu thần chú đã theo ông suốt thời thơ ấu. Vì vậy, mỗi lần đi siêu thị với người lớn, ông luôn nhìn xuống sàn nhà vì sợ nhìn thấy thứ mình muốn.

Có lần không kìm được, cậu nhìn chằm chằm vào lọ cam đóng hộp rất lâu, thậm chí còn chạm tay vào, tình cờ bị bà ngoại phát hiện. Bà do dự một lúc, nhưng vẫn mua nó.

Nhưng trên đường về, bà nội lẩm bẩm: Chai đồ hộp này bảy chín tệ, đủ để chúng ta ăn một bữa. Tịch Thuỵ cảm thấy rất khó chịu, đêm đó mặc dù là đồ hộp ngọt ngào nhưng ông chỉ nếm được vị đắng.

Khi lớn lên, ông làm việc chăm chỉ để thay đổi cuộc sống không giàu có nhưng nỗi sợ hãi không có tiền luôn đeo bám ông.

Cho đến ngày nay, khi đến nơi tiêu dùng, chỉ cần không mang theo số tiền gấp ba lần số tiền trên người, ông sẽ cảm thấy bất an. Thậm chí, chỉ cần không bệnh nặng, ông sẽ không đến bệnh viện.

Đối diện với lòng tốt của người khác đối với mình, phản ứng đầu tiên của ông không phải là vui mừng, mà là cảm thấy “Mình không xứng đáng”.

Nhà tâm lý học Tăng Kỳ Phong từng nói: “Cha mẹ than vãn kể nghèo kể khổ với con cái, không phải giáo dục, mà là đầu độc”.

Đừng than vãn với con cái về sự nghèo khó của gia đình (Pexels).

Khi cha mẹ kể khổ, than nghèo với con cái, đó có thể chỉ là một lời phàn nàn thông thường, nhưng điều mà đứa trẻ cảm thấy là một loại áp bức về mặt cảm xúc, khiến đứa trẻ có thói quen kìm nén bản thân, giảm thiểu nhu cầu của mình hoặc thậm chí không dám có.

Sự hạn chế không phải ham muốn mua sắm của trẻ, mà là ranh giới nhận thức của trẻ. Cuối cùng, sự thiếu thốn tạm thời về vật chất được coi là sự nghèo đói lâu dài về tâm lý của đứa trẻ.

Đừng nói xấu nửa kia của bạn

Trong phim truyền hình “Niềm vui nhỏ”, có một màn như vậy.

Sau khi Anh Tử mắc bệnh trầm cảm, bác sĩ đã chỉ ra mấu chốt vấn đề, tất cả đều liên quan đến mối quan hệ bất hòa giữa bố mẹ Anh Tử.

“Nói xấu nhau trước mặt con cái, thứ nhất, sẽ khiến mối quan hệ của trẻ với nửa kia trở nên căng thẳng, thứ hai, sẽ khiến trẻ thiếu nhìn nhận và thiếu tự tin vào bản thân… Cho dù là mẹ nói xấu cha, hay cha nói xấu mẹ, trong tiềm thức đứa trẻ sẽ cho rằng mình không tốt”.

Đúng vậy, khi cha mẹ nói xấu nửa kia của mình trước mặt con cái, con cái sẽ luôn phải trả giá.

Trong phim “Son Trapped in the Mind” (con trai bị mắc kẹt trong tâm trạng), mẹ của nhân vật chính Nicholas cũng là một người hay phàn nàn. Vì không hài lòng với chồng cũ, cô đã buộc tội và chửi bới chồng cũ trước mặt Nicholas.

Nicholas mâu thuẫn: Một mặt, anh quả thực bị cha bỏ rơi, trong lòng anh cảm thấy rất mất mát; mặt khác, anh vẫn vô cùng yêu thương, kính trọng cha và luôn mong mỏi cha trở về.

Về những lời than vãn, phàn nàn liên tục của mẹ, anh thẳng thắn nói: “Tôi dường như bị chia làm hai”.

Cuối phim, Nicholas tự kết liễu đời mình bằng một khẩu súng trong phòng tắm.

Là cha mẹ, nếu bạn không thể tôn trọng người bạn đời của mình, ít nhất đừng nói xấu hay chỉ trích họ trước mặt con cái. Vì mọi lời vu khống bạn nói với nửa kia của mình thực chất là đánh vào đứa trẻ.

Ba câu chuyện, ba đứa trẻ, cho chúng ta thấy một sự thật:

Đối với cha mẹ, đó có thể chỉ là một vài lời than vãn hay phàn nàn thông thường, nhưng đối với trẻ em, tác hại có thể kéo dài suốt đời.

Diễn viên Lại Bội Hà từng hỏi: Tại sao hạnh phúc lại khó khăn như vậy? Cô ấy nói, khi mẹ bạn đầy đau khổ, bạn có dám hạnh phúc không? Đúng vậy, cha mẹ luôn phàn nàn, và con cái không dám hạnh phúc.

Một cư dân mạng nói, mẹ cô thường kể khổ với cô. Lớn lên trong môi trường như vậy, mỗi khi được ăn thứ gì ngon hay mua một chiếc váy mới, cô sẽ tự trách mình rất lâu, cảm giác sẽ luôn có một đôi mắt ai oán nhìn chằm chằm cô nói: “Ta còn khổ, tại sao con có thể hưởng sự sung sướng?”. Vì vậy, cô luôn sống trong đau đớn.

Con cái lớn lên trong cảnh khốn khổ của cha mẹ, không dám sống tốt, cũng không dám vui vẻ, bởi vì trong mắt họ, đây chính là một loại phản bội đối với cha mẹ. Vì vậy cuộc sống của họ thường khó khăn hơn những người bình thường.

Có lẽ, sẽ có cha mẹ nói: Cuộc sống chính là khổ như vậy, tôi còn không thể kể khổ, để cho con hiểu chuyện một chút?

Tôi hoàn toàn hiểu những bậc cha mẹ hay phàn nàn, cuộc sống không dễ dàng, ai cũng gặp muôn vàn khó khăn và khổ đau. Nhưng không phải bạn bẻ đôi cái khổ đưa cho con một nửa, để rồi cái khổ của bạn vẫn còn đó, và con cái lại tiếp tục đau khổ.

Nhà thơ Mỹ Maya Angelou từng nói: Không thích điều gì thì thay đổi điều đó, nếu không thể thay đổi được thì hãy thay đổi thái độ của mình, đừng phàn nàn.

Gia đình là môi trường đầu tiên mà đứa trẻ lớn lên. Thái độ đối nhân xử thế của bạn, cất giấu dáng vẻ tương lai của con bạn.

Mạc Ngôn đã đề cập trong bài “Ký ức về mẹ”:

“Trong lúc làm việc chăm chỉ, miệng thật sự ngâm nga một bài hát. Khi đó, trong đại gia đình đông người của chúng tôi, mẹ tôi là người lao động vất vả nhất và là người đói nhất.

Mẹ vừa đập rau rừng vừa khóc, đó cũng là lẽ thường tình, nhưng không phải mẹ khóc, mà mẹ đang hát. Sự lạc quan của mẹ đã cho tôi cảm giác an toàn và hy vọng vào tương lai”.


Cha mẹ luôn tích cực và lạc quan khi đối mặt với nghịch cảnh, điều mà họ mang lại cho con cái là tình yêu và hy vọng vào cuộc sống, điều lấp đầy trái tim trẻ là niềm tin và sức mạnh, dám đối mặt với mọi khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Giống như người cha da đen Chris trong “Khi hạnh phúc đến gõ cửa”, ông là một nhân viên nghiệp vụ nghèo túng, một mình mang theo con trai lưu lạc đầu đường góc phố. Mặc dù trải qua muôn vàn sóng gió trong cuộc sống, nhưng ông vẫn cố gắng mang ánh mặt trời đến cho con trai.

Những lời nói tích cực từ cha mẹ sẽ viết lên trang sách cuộc đời con (ảnh: Pixabay).

Khi bế tắc đến mức chỉ có thể đưa con trai đi qua đêm trong nhà vệ sinh công cộng của tàu điện ngầm, ông đã so sánh nhà vệ sinh với hang động, nói với con trai rằng đó là để tránh khủng long.

Khi họ buộc phải vào trại tị nạn, Chris đã học tập, bán thiết bị và thực tập chăm chỉ trong một công ty chứng khoán, dù khó khăn đến đâu, ông cũng tin chắc rằng chỉ cần mình làm việc chăm chỉ, hạnh phúc sẽ gõ cửa.

Cuối cùng, Chris trở thành nhân viên duy nhất được công ty thuê.

Người con nói với ông: “Cha là một người cha tốt”. Ông đúng là một người cha tốt, dạy con biết không bỏ cuộc, không nản lòng, biết mỉm cười với cuộc đời.

Có một câu nói trên Internet:

“Ý nghĩa sự tồn tại của cha mẹ không phải là mang đến cho con một cuộc sống thoải mái và sung túc, mà là khi con nghĩ đến cha mẹ, trái tim con sẽ tràn đầy sức mạnh và sự ấm áp, để con có ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, để đạt được niềm vui và tự do thực sự trong cuộc sống”.

Bất cứ lúc nào, một gia đình ấm áp, yêu thương và tích cực cũng là món quà đầu tiên mà chúng ta nên dành cho con mình.

Mong các bậc cha mẹ hiểu được: dù cuộc sống có gian khổ đến đâu, lông mày chúng ta nhướng lên, khóe miệng mỉm cười, cảm xúc thả lỏng, tâm trạng tích cực, chính là ánh mặt trời chiếu vào thế giới của con cái.

Vì con trẻ, hãy nâng đỡ bầu trời tươi sáng và đầy nắng cho các con, đồng hành cùng các con trên hành trình của mình.

Liên Hoa / Theo: ntdvn

HỒI KÝ CHUYẾN ĐI TÂY AN VÀ CON ĐƯỜNG TƠ LỤA THÁNG 5/2024 (NGÀY 3)

Mới vừa 7:00 sáng là điện thoại báo thức đã reo vang. Cô May có nói là bữa ăn sáng sẽ bắt đầu từ 7:30 ở lầu 5. Gần như là tất cả khách sạn đều cho ăn buổi sáng buffet, có rất nhiều món nhưng tôi không có thói quen ăn sáng.

Có một quầy chuyên làm mì, có cả món mì biang biang, tôi chỉ múc chén cháo trắng với chút cải chua mặn, nửa miếng trứng muối, cái bánh bao và 1 cái trứng gà luộc, như vậy là quá nhiều cho buổi sáng.

Khi du lịch Tây An, ai ai cũng sẽ nghĩ đến "Binh Mã Dũng" (兵馬俑) nơi đào lên được đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. Sáng nay chúng tôi sẽ đến khu lăng mộ của ông trước khi qua "Binh Mã Dũng". Trên xe cô May có giới thiệu về cả 2 nơi này nhưng cho biết là tạm thời hiện nay cả hai nơi đều được dừng lại công việc khai quật. 

Chúng tôi đến cổng của khu lăng mộ và lại chuyển qua xe điện để được đưa vào bên trong. Xe chạy qua khu công viên rất rộng đến một nơi như cái gò cao, có một con đường đưa vào bên trong. Đây là một khu trưng bày các cổ vật đào được trong lúc khai quật khu vực này. Cái quý nhất là 2 chiếc xe ngựa bằng đồng được phục dựng trưng bày trong lồng kính. Cô May có giải thích và nói là xe thật và được các chuyên gia ráp lại từ hàng nghìn mãnh vụn lúc đào lên, rồi chúng tôi đi lên lầu là một khu bảo tàng rất rộng. Cũng mất rất nhiều thời gian nếu xem kỹ các cổ vật này, rồi qua một dãy hành lang khác lên lầu để đi ra ngoài. Chúng tôi lại lên xe điện để được đưa ra bãi đậu xe bus. Dọc hai bên đường nhìn kỹ mới biết là họ trồng rất nhiều cây lựu, như là cả một khu rừng đầy lựu đang trổ hoa đỏ ối.

Lên xe cô May cho biết là chúng tôi sẽ qua tham quan "Binh Mã Dũng" và ăn trưa ở đó. Tôi đã đến Binh Mã Dũng năm 1990, lúc đó nơi đây chưa có gì, xe có thề đậu gần cổng vào và  chỉ tham quan khu 1 và 2 khu 3 chưa mở, có thêm một căn nhà chứa các tượng nung cho du khách chụp hình vì thời đó cấm chụp khi vào khu triển lãm. Nếu tôi nhớ không lầm thì dường như gần cửa vào khu này có một ông già ngồi đó cho du khách chụp hình cùng ông vì ông ta là người phát hiện ra khu vực chôn các pho tượng đất này khi đào giếng lấy nước.

Bây giờ thì khác rồi, xe bus đậu lại ngoài đường chính, chúng tôi phải đi bộ vào, qua một khu buôn bán sầm uất, bán hàng kỷ niệm, trái cây, nước uống, thức ăn,...chúng tôi vào một nhà hàng ở đây ăn trưa. Nhà hàng rất rộng và dường như chuyên phục vụ cho các du khách theo đoàn nên khi ngồi vào là đồ ăn được mang ra rất nhanh chóng. 

Tôi ăn nhanh vì chằng thấy đói lắm nên ra ngoài nhìn quanh mới biết ở đây đã thành một khu phố bao bên ngoài Binh Mã Dũng để phục vụ du khách trong và ngoài nước vì số lượng người đến tham quan quá đông. Kinh nghiệm đi Trung Quốc du lịch là không nên đi vào những ngày lễ lớn vì có thể bạn phải sắp hàng vài giờ mới có thể vào cảnh điểm và có khi bạn không mua được vé vào.

Cô May tập họp chúng tôi lại và trao cho mỗi người một máy nghe đeo vào tai để nghe được lời giải thích của cô khi vào trong. Chúng tôi đến cổng vào và cũng phải sắp hàng gần nửa tiếng mới qua được khu kiểm soát vé, hộ chiếu và an ninh mới vào được.

Với tôi Binh Mã Dũng bây giờ cũng chẳng khác gì, phải chen lấn mới vào xem được một chút trong cái ồn ào, nóng bức, qua hết mấy khu này rồi vào một rạp hát xem phim giới thiệu trong một khu bán hàng kỷ niệm mà giá cả quá trời mắc dường như tôi chẳng thấy ai mua.

Tôi có đọc được một bài viết cho biết tại sao hiện nay 2 khu vực này không được tiếp tục đào xới để khai quật nữa nên post để các bạn tham khảo nhé.

Tại sao các nhà khảo cổ không đào sâu hơn vào Lăng mộ Tần Thủy Hoàng?

Có nhiều lý do khiến các nhà khảo cổ học vẫn chưa khai quật sâu hơn vào Lăng mộ Tần Thủy Hoàng, mặc dù phần lớn khu vực xung quanh đã được khám phá.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng - nơi an nghỉ của vị hoàng đế đầu tiên Trung Hoa - từ lâu đã khơi gợi trí tò mò của giới khảo cổ và du khách. Kể từ khi được phát hiện vào năm 1974, khu lăng mộ với đội quân đất nung hùng vĩ đã thu hút hàng triệu lượt tham quan mỗi năm.

Đối với các nhà khảo cổ học, Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ẩn chứa rất nhiều bí ẩn và có ý nghĩa lịch sử to lớn nhưng tại sao các nhà khảo cổ không đào sâu hơn về phía bên trong của Lăng Tần Thủy Hoàng?


Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tọa lạc trên dãy núi Li Sơn, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Khu lăng mộ rộng lớn bao gồm nhiều lăng mộ phụ, tượng đá, và điểm nổi tiếng nhất là đội quân đất nung. Theo truyền thuyết, lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xây dựng với nhiều cơ quan bẫy nguy hiểm để bảo vệ vị hoàng đế. Một số ghi chép lịch sử cho rằng lăng mộ chứa đầy thủy ngân lỏng, có thể gây ngộ độc cho những kẻ xâm nhập. Những lời đồn thổi này càng khiến các nhà khảo cổ thêm thận trọng trong việc khai quật.

Ngày nay, công nghệ nghiên cứu vệ tinh của Trung Quốc rất tiên tiến nên một số chuyên gia nhận thấy vị trí địa hình của Hoa Công đến Giao Sơn rất giống hình rồng, Lăng Tần Thủy Hoàng nằm trong mắt rồng dựa trên ảnh vệ tinh. Ở Trung Quốc có một thành ngữ gọi là "Họa long điểm tinh" tức vẽ rồng điểm mắt, có nghĩa là vẽ thân con rồng trước, sau đó mới vẽ hai mắt. Câu thành ngữ này thường dùng để ví trong hội họa, văn chương hoặc lời nói chỉ cần chấm phá thêm ở một đôi chỗ quan trọng sẽ làm cho nó càng thêm sinh động và có thần. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cho rằng nếu Lăng Tần Thủy Hoàng được khai quật toàn bộ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến bố cục tổng thể.


Khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một thách thức to lớn về mặt công nghệ và bảo tồn. Kích thước khổng lồ của lăng mộ, cùng với cấu trúc phức tạp và các hiện vật quý giá bên trong, đòi hỏi một kỹ thuật tiên tiến và nguồn lực khổng lồ để khai quật mà không gây hư hại. Việc bảo tồn các hiện vật sau khi khai quật cũng là một vấn đề lớn. Các nhà khoa học lo ngại rằng việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm sau khai quật có thể khiến các hiện vật bị hư hại nghiêm trọng.

Trên thực tế, trước đây đã có nhiều đội khảo cổ học nộp đơn để được phép khai quật Lăng Tần Thủy Hoàng nhưng đều không thành công. Vào thời điểm đó, nhiều yếu tố đã được xem xét. Trước hết, lăng mộ hoàng gia đã bị chôn vùi trong lòng đất từ lâu, bên trên có một lớp phong ấn chặt chẽ. Nếu lăng mộ được mở ra, nhiều báu vật có thể bị oxy hóa do các vấn đề môi trường bên trong và bên ngoài, có thể gây hư hại cho lăng mộ, theo đó rất nhiều di tích văn hóa quý giá trong lăng mộ có thể bị mất.


Việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng cũng dấy lên tranh luận về giá trị lịch sử và đạo đức. Một số người cho rằng việc khai quật sẽ giúp chúng ta hiểu biết thêm về lịch sử Trung Quốc và triều đại nhà Tần. Tuy nhiên, những người khác lại lo ngại rằng việc khai quật sẽ phá hủy di sản văn hóa quý giá và thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với vị hoàng đế.

Thứ hai, việc khai quật Lăng Tần Thủy Hoàng không hề dễ dàng. Theo thông tin từ Sohu, một số lượng lớn công nghệ đặc biệt đã được sử dụng trong việc xây dựng lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Nếu chỉ dựa vào công nghệ khảo cổ lúc bấy giờ thì sẽ không thể tiến hành khai quật một cách suôn sẻ và nếu lăng mộ bị sập thì đó sẽ là một tổn thất rất lớn đối với cộng đồng khảo cổ thế giới.

Ngoài ra, khai quật Lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một dự án tốn kém đòi hỏi nguồn kinh phí khổng lồ cho các hoạt động nghiên cứu, nhân lực, trang thiết bị và bảo quản di vật. Việc huy động đủ kinh phí cho dự án này là một thách thức lớn đối với các nhà khảo cổ và chính quyền địa phương.

Cho đến nay, các chuyên gia khảo cổ học thông qua sử dụng những dụng cụ hiện đại đã phát hiện thi thể Tần Thủy Hoàng chứa một lượng lớn thủy ngân, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao khi khai quật. Mặc dù công nghệ khảo cổ học hiện nay đã được cải tiến rất nhiều nhưng chúng ta vẫn không dám khai quật lăng mộ này vì không ai biết liệu việc khai quật trực tiếp có gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho các lăng mộ hoàng gia hay không.


Công nghệ khảo cổ hiện đại đã đạt được những tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên, việc khai quật một lăng mộ phức tạp như lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn là một thách thức không hề đơn giản. Các nhà khoa học cần có những phương pháp và kỹ thuật tiên tiến hơn để bảo vệ các hiện vật và cấu trúc bên trong lăng mộ trong quá trình khai quật.

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ẩn chứa vô số bí ẩn lịch sử và văn hóa, nhưng việc khai quật nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ và thách thức. Các nhà khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp để có thể khai quật lăng mộ một cách an toàn và hiệu quả, bảo tồn tối đa di sản quý giá này cho thế hệ sau. Việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng hứa hẹn sẽ mang đến những khám phá lịch sử quan trọng, tuy nhiên, nó đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng, sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khảo cổ, các nhà khoa học và chính quyền để đảm bảo việc khai quật được tiến hành một cách khoa học, có trách nhiệm và tôn trọng di sản văn hóa.

Đức Khương / Tham khảo: Sohu

Tham quan xong Binh Mã Dũng chúng tôi ra ngoài chờ xe trong cái nóng gay gắt. Cô May đã đặt vé cho chúng tôi xem show biểu diễn tối nay nên cô có nói là chúng tôi sẽ ăn cơm sớm hơn rồi trở về khách sạn vì có một số bạn trong đoàn không muốn đi xem show. 


Xe chở chúng tôi tới nơi, tôi cảm thấy lạ vì rạp hát ngay trong thành phố và không xa khách sạn lắm. Cái show mà tôi muốn xem là là show "Trường Hận Ca" nói về chuyện tình của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi mà tôi xem quảng cáo trên Youtube, còn show tối nay ngay trước cửa rạp lại treo cái hình của Võ Tắc Thiên thật to.

Lỡ rồi, vé đã mua thì cứ vào xem nhưng nói chung show biểu diễn cũng hoành tráng và rất công phu dàn dựng. Xem xong trở về khách sạn, hàng quán vẫn còn nhộn nhịp đông người. Tôi và mấy người bạn lại đi một vòng, tôi thì mua mấy lon bia về uống còn bà xã thì mua mấy cái bánh ngọt, trái cây thì hôm qua mua nhiều ăn chưa hết.

Tối nay cũng phải xếp lại hành lý vì ngày mai phải rời Tây An qua Lan Châu.

(còn tiếp)
LKH