Saturday, September 21, 2024

TRUNG QUỐC CÓ VAI TRÒ GÌ TRONG THẾ CHIẾN THỨ II?

Hơn 2 năm trước khi xe tăng Đức tiến vào Ba Lan và 4 năm trước khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, “chiến tranh thế giới thứ 2” đã nổ ra sớm nhất ở Trung Quốc, theo nhiều chuyên gia.

Quân Nhật tiến vào tỉnh Sơn tây của Trung Quốc năm 1937. Ảnh History.com

Trung Quốc làm gì trong Thế chiến II?

Nhiều thập kỷ sau Chiến tranh Trung – Nhật lần thứ nhất (1894 – 1895), quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc vẫn không mấy dễ chịu. Trong khi Trung Quốc chìm vào cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu và lực lượng đảng Cộng sản, đế quốc Nhật đã chiếm được vùng Mãn Châu giàu tài nguyên. Ở Mãn Châu (vùng đông bắc Trung Quốc), Nhật Bản thiết lập chính quyền bù nhìn do Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh – đứng đầu.

Bản đồ đế quốc Nhật Bản và Mãn Châu Quốc (Manchukuo) năm 1931 (ảnh: Sohu).

Đến mùa hè năm 1935, từ Mãn Châu, khoảng 1,5 triệu quân Nhật từng bước lấn sâu vào Trung Quốc. Trong tình thế dầu sôi lửa bỏng, Tưởng Giới Thạch không lo chống quân xâm lược mà chỉ "hướng mũi giáo" vào lực lượng của đảng Cộng sản. Tưởng chủ trương "bình định" trong nước trước, kháng Nhật sau.

Theo Sohu, tháng 12/1936, nội bộ Quốc dân đảng xảy xa cuộc binh biến chấn động. Tưởng Giới Thạch bị 2 tướng quân đội dưới quyền bắt cóc.

Vụ việc Tưởng Giới Thạch bị bắt cóc được giới sử học đặt tên là "Sự biến Tây An". Tháng 12/1936, Tưởng Giới Thạch đến Tây An đốc chiến, ra lệnh cho 2 tướng Trương Học Lương và Dương Hổ Thành tấn công quy mô lớn vào Diên An – đại bản doanh của phe đối thủ. Không muốn thấy cảnh "huynh đệ tương tàn" trong khi đất nước có ngoại xâm, 2 tướng Trương, Dương khẩn cầu Tưởng Giới Thạch đình chỉ nội chiến, cùng liên minh kháng Nhật nhưng bị cự tuyệt.

Tưởng Giới Thạch (phải) và Trương Học Lương (trái) (ảnh: Sohu).

Đêm ngày 12/12/1936, Trương Học Lương và Dương Hổ Thành cho quân bao vây, bắt sống Tưởng Giới Thạch. Sau nhiều cuộc đàm phán, Tưởng Giới Thạch chấp nhận nghị hòa với lực lượng đảng Cộng sản, cùng liên minh chống Nhật.

Tháng 7/1937, bất chấp thái độ hòa hoãn của Trung Quốc, quân Nhật đóng gần thành Uyển Bình – cách Bắc Kinh khoảng 16km – liên tục khiêu khích bằng các cuộc tập trận quy mô lớn.

Theo Alphahistory, đêm ngày 7/7/1937, quân Nhật tập trận rầm rộ gần cầu Lư Câu (thuộc Uyển Thành) mà không báo trước. Cho rằng Nhật tấn công trước, quân Trung Quốc từ Uyển Thành nổ súng bắn trả. Vụ việc khiến một binh sĩ Nhật mất tích.

Quân Nhật do tướng Kawabe Masakazu dẫn đầu kiên quyết vào Uyển Thành tìm người nhưng phía Trung Quốc không đồng ý. Quân Nhật lập tức tuyên chiến. Uyển Thành và cả Bắc Kinh nhanh chóng thất thủ.

Bị áp đảo về hỏa lực, quân đội Trung Quốc không thể cản nổi đà tiến của Nhật. Đầu tháng 8/1937, quân Nhật đã áp sát Thượng Hải.

"Chúng ta không thể chịu đựng thêm. Chúng ta sẽ không nhận nhượng. Chúng ta sẽ đứng lên, chiến đấu chống quân Nhật cho đến khi tiêu diệt hết chúng và bảo vệ cuộc sống của chúng ta", Tưởng Giới Thạch động viên quân đội trước khi bắt đầu chiến dịch Thượng Hải. Đây cũng là một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Trung – Nhật.

Theo History, ngày 12/8/1937, Tưởng Giới Thạch điều quân bao vây "khu định cư quốc tế Thượng Hải" nơi có khoảng 30.000 dân Nhật sinh sống. Ngày 13/8, quân Quốc dân đảng tấn công một số căn cứ của Nhật ở Thượng Hải. Một ngày sau, máy bay Trung Quốc ném bom "khu định cư quốc tế Thượng Hải" khiến nhiều thường dân thiệt mạng.

Giữa tháng 8, Nhật điều hơn 200.000 quân tăng viện cho mặt trận Thượng Hải, tàu chiến Nhật từ ngoài khơi cũng nã pháo dữ dội vào thành phố. Phía Quốc dân đảng huy động khoảng 700.000 quân cho trận chiến nhưng gặp nhiều bất lợi về không quân. Hải quân Trung Quốc cũng không đủ sức đối phó với tàu chiến Nhật.

Quân Nhật chiếm Bắc Kinh (ảnh: History).

Ngày 26/10, Nhật chiếm được huyện Đại Xưởng – vị trí án ngữ nhiều tuyến đường lớn ở Thượng Hải. Mười ngày sau, hải quân Nhật đổ bộ từ Vịnh Hàng Châu, quân Quốc dân đảng buộc phải rút lui khỏi Thượng Hải. Thương vong đối với cả 2 bên lên tới hơn 300.000 người, trong đó phần lớn thuộc về Trung Quốc.

Tháng 12/1937, Nhật chiếm Nam Kinh. Tức giận trước sự kháng cự quyết liệt của quân đội Trung Quốc ở Nam Kinh, quân Nhật tổ chức thảm sát ở thành phố này. Sau năm 1945, tòa án Nam Kinh ước tính có khoảng 300.000 người Trung Quốc mất mạng sau vụ thảm sát và hàng chục nghìn phụ nữ bị cưỡng hiếp.

"Đầu năm 1938, khi Nhật Bản tiến sâu về phía nam và phía tây, thất bại đối với Trung Quốc dường như không thể tránh khỏi. Họ không có đồng minh, thiếu vũ khí và từng bước rút lui", Rana Mitter – tác giả cuốn "China World War II" – nhận xét.

Tuy nhiên, người Trung Quốc không nhượng bộ trước các thất bại ở giai đoạn đầu cuộc chiến. Họ cố gắng kháng cự và khiến chiến sự kéo dài vượt xa tính toán của Nhật Bản. Tưởng Giới Thạch dời bộ chỉ huy quân đội về Trùng Khánh, xây dựng căn cứ ở Vân Nam, Tứ Xuyên.

Xe tăng Trung Quốc trong chiến tranh với Nhật (ảnh: Sina).

Theo Sohu, ở khu vực nông thôn, những người lính của đảng Cộng sản Trung Quốc đặc biệt thành công với lối đánh du kích. Họ tổ chức các đơn vị tự vệ ở từng ngôi làng, thành lập chính quyền địa phương và từng bước củng cố lực lượng. Thế trận giằng co diễn ra suốt năm 1938. Quân Nhật cố gắng thiết lập nhiều chính quyền bù nhìn để quản lý các khu vực chiếm đóng nhưng không mấy hiệu quả.

Ngày 1/9/1939, Đức tấn công Ba Lan, Thế chiến II bùng nổ. Lúc này, Nhật đang cố gắng khuất phục sự kháng cự của Trung Quốc bằng chiến thuật bao vây. Nhiều cảng biển ở Trung Quốc cũng bị phong tỏa. Năm 1940, Pháp thua Đức ở châu Âu, Nhật nhân cơ hội này tấn công khu vực Đông Dương. Tuy nhiên, điều này lại khiến quân Nhật phải dàn mỏng lực lượng ở Trung Quốc và tạo điều kiện cho lực lượng đảng Cộng sản phản công ở Mãn Châu.

Alphahistory nhận định, trong khi phe Quốc dân đảng mất dần quyển kiểm soát ở các thành phố lớn do Nhật chiếm đóng, lực lượng của đảng Cộng sản lại từng bước lớn mạnh ở khu vực nông thôn (nơi quân Nhật ít để mắt tới). Điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình nội chiến ở Trung Quốc sau Thế chiến II.

Viện trợ nước ngoài bắt đầu đổ về Trung Quốc sau khi đà tấn công của Nhật Bản bị đình trệ. Năm 1941, Liên Xô viện trợ vũ khí cho cả lực lượng đảng Cộng sản và Quốc dân đảng. Joseph Stalin – lãnh tụ Liên Xô – lúc bấy giờ cho rằng Nhật Bản với bộ máy quân sự đang phát xít hóa là mối nguy lớn và hy vọng 2 phe ở Trung Quốc có thể hợp tác kháng Nhật.

Tháng 8/1941, Mỹ cản trở cuộc chiến của Nhật Bản ở Trung Quốc bằng cách ngừng bán cho Nhật máy bay, dầu mỏ, xăng và kim loại. Điều này khiến Nhật Bản – quốc gia vốn nghèo tài nguyên – rất tức giận và là nguyên nhân quan trọng khiến Nhật ra lệnh tấn công căn cứ Trân Châu Cảng của Mỹ. Trước đó, Mỹ cũng ký đạo luật "Cho vay – Cho thuê" vũ khí và cung cấp vũ khí cho lực lượng Trung Quốc.

Mỹ tham chiến chống Nhật ở châu Á – Thái Bình Dương (ảnh: History).

Ngày 7/12/1941, Nhật tấn công Trân Châu Cảng. Mỹ ngay lập tức tuyên chiến với Nhật và hải chiến ở Thái Bình Dương bùng nổ. Nhân cơ hội này, Trung Quốc tuyên bố tham gia phe Đồng minh cùng chống phát xít. Tháng 1/1942, Trung Quốc đẩy lui cuộc tấn công quy mô lớn của Nhật vào một thành phố ở tỉnh Hồ Nam. Thắng lợi này giúp Trung Quốc gây được tiếng vang lớn đối với phe Đồng minh.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng gặp bất lợi lớn khi tất cả các cảng chính bị Nhật kiểm soát. Tuyến đường sắt ở Vân Nam và tuyến đường bộ thông với Myanmar của Trung Quốc cũng bị phong tỏa. Điều này khiến Trung Quốc chỉ có thể nhận được số lượng nhỏ vũ khí do phe Đồng minh viện trợ bằng đường hàng không. Theo History, để "chia lửa" với Trung Quốc, năm 1942, Washington cử tướng Joseph Stilwell chỉ huy lực lượng Mỹ tấn công Nhật ở Myanmar, Ấn Độ và Trung Quốc.

Quan hệ giữa phe Quốc dân đảng và tướng Joseph Stilwell không mấy tốt đẹp. Trong khi tướng Stilwell liên tục thúc giục Quốc dân đảng phản công, Tưởng Giới Thạch bác bỏ vì cho rằng lực lượng của ông chưa đủ sức. Tưởng cũng bất mãn với Stilwell do lo ngại quyền lực của ông bị người Mỹ uy hiếp.

Từ năm 1943 – 1944, phe phát xít liên tục thất bại ở châu Á, châu Âu và bị lực lượng Đồng minh phản công. Tháng 9/1944, quân Trung Quốc đã khai thông tuyến đường bộ nối với Myanmar và nhận được nhiều tiếp tế. Ở mặt trận Thái Bình Dương, hải quân Mỹ đẩy lùi tuyến phòng thủ của Nhật và ném bom rải thảm vào đất Nhật khiến hàng trăm nghìn người thương vong.

Để đáp trả Mỹ, Nhật Bản quyết định mở chiến dịch Ichi Go (kéo dài từ tháng 4/1944 đến tháng 12/1944) nhằm phá hủy toàn bộ căn cứ Mỹ ở khu vực đông nam Trung Quốc và thoát khỏi tình trạng sa lầy. Nhật Bản huy động khoảng 500.000 quân cho chiến dịch này và khiến lực lượng Quốc dân đảng tổn thất lớn.

Trong giai đoạn cuối của Thế chiến II, phòng không Nhật đã không còn đủ sức kháng cự Mỹ. Đất Nhật liên tục bị ném bom.

Đầu năm 1945, Trung Quốc phát động các chiến dịch tái chiếm tỉnh Hồ Nam và Quảng Tây. Do thành công của chiến dịch, Trung Quốc lên kế hoạch tái chiếm Quảng Đông – nơi có nhiều cảng biển quan trọng – vào mùa hè cùng năm. Tuy nhiên, kế hoạch này chưa kịp thực hiện.

Lễ đầu hàng của quân Nhật ở Trung Quốc (ảnh: China Daily).

Theo China Daily, tháng 8/1945, Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki khiến khoảng 200.000 người chết. Cùng thời điểm này, Hồng quân Liên Xô cũng đánh tan đạo quân Quan Đông của Nhật ở Mãn Châu. Ngày 15/8/1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân đồng minh. Mỹ yêu cầu quân Nhật ở Trung Quốc phải đầu hàng. Nhật Bản thực hiện điều này vào ngày 9/9/1945.

Chuyên gia Rana Mitter nhận định, nhiệm vụ chính của Trung Quốc trong Thế chiến II là kìm chân lực lượng lớn của Nhật và "chia lửa" với Liên Xô, Mỹ. Nếu Trung Quốc đầu hàng Nhật Bản trước khi Thế chiến II nổ ra, cục diện chiến tranh có thể thay đổi lớn.

"Nếu Trung Quốc đầu hàng sớm, Nhật Bản có thể sẽ không cảm thấy lo ngại khi bị Mỹ cấm vận dầu mỏ và kim loại. Nếu Nhật không tấn công Trân Châu Cảng, Mỹ sẽ không có cớ can thiệp vào châu Á và sau đó là tham chiến ở châu Âu", ông Mitter viết.

Vương Nam / Theo: Khám Phá
Link tham khảo:




Friday, September 20, 2024

MỘT LỖI ĐÁNH MÁY ĐÃ KHIẾN HÀNG TRĂM TRIỆU USA "KHÔNG CÁNH MÀ BAY" NHƯ THẾ NÀO

Không biết là do vô tình hay còn lý do nào khác, nhưng những tình huống hi hữu "dở khóc dở cười" này lại gây nên ảnh hưởng và hậu quả vô cùng nghiêm trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau.


Dưới đây là những trường hợp “không đỡ nổi” chỉ vì một lỗi sai xảy ra trong chưa đầy một giây, mà gây nên thiệt hại lên đến hàng triệu USD.

1. Năm ngoái, Tòa án Tối cao đã phát hiện ra Companies House có trách nhiệm pháp lý đối với sự sụp đổ của Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Taylor & Sons. Tuy nhiên, website của Chính phủ đã vô tình nhầm lẫn tai hại khi quy đổ trách nhiệm liên quan đến doanh nghiệp trên.


Thật ra, vụ việc này gắn liền với một cái tên khác: Taylor & Son mới là công ty thực sự bị phá sản. Chỉ một chữ “s” nhỏ bé đã khiến công ty “nạn nhân bất đắc dĩ” đánh mất hàng loạt hợp đồng, trong đó có cam kết trị giá 400.000 USD với Tata Steel, đồng thời Companies House cũng phải gánh chịu hậu quả cùng khi bỏ ra số tiền lên đến 8,8 triệu bảng (tương đương 12,9 triệu USD).

“Những lỗi sai đánh máy trên là hết sức bình thường và vẫn hay xảy ra,” Phó Chủ tịch Marketing tại Quark Enterprise Solutions, ông Gavin Drake cho biết. “Có thể ít người biết đến chúng nhưng hậu quả mà chúng để lại thì luôn vô cùng nặng nề và khó lường.”

2. Năm 1963, Robert Barker và Martin Lucas, thuộc hãng in Royals, đã bị tước giấy phép xuất bản đồng thời nộp phạt 300 bảng (tương đương 10.000 USD hiện nay) sau khi lỡ gõ thiếu 3 chữ cái “not”, dù ít ỏi nhưng lại vô cùng quan trọng trong một cuốn Kinh thánh.


Điều răn thứ 7, trong 100 bản in của Kinh thánh, đã “răn dạy” các con chiên rằng: “Thou shalt commit adultery.” (tạm dịch: “Hãy dính líu đến tội thông dâm”).

Vua Charles khi đó đã ra lệnh đốt toàn bộ số bản in đó, nhưng 9 cuốn được cho là vẫn tồn tại đến ngày nay, thậm chí 1 phiên bản còn được đặt lên bàn đấu giá với giá trị lên đến 15.000 bảng vào năm ngoái.

3. Một trường hợp đánh máy sai mang tính lịch sử nữa là vào năm 1872, Chính phủ Mỹ đã thiệt hại 2 triệu USD (tương đương 50 triệu USD ngày nay), sau khi một dấu phẩy “trời đánh” len lỏi vào giữa Bộ luật quy định Thuế xuất nhập khẩu của Mỹ. Đúng ra phải là “fruit-plants” (cây ăn quả) thì thay vào đó, nhầm lẫn tai hại đã biến nó trở thành “fruit, plants” (cây và quả) được miễn thuế.


4. Năm 2007, chai rượu Arctic Ale của Allsopp, vốn được ủ lên men riêng cho Ngài Edward Belcher trong chuyến đi thám hiểm Bắc Cực nổi tiếng năm 1852 của mình bởi công ty AB InBev (sau này), đã được bán đấu giá trên eBay. Sản phẩm quý hiếm này, sau khi được “hồi hương” trở lại và đặt trên bàn của Tổng thống Mỹ trong Nhà Trắng, đã thu hút đến 157 lần trả giá và mức giá cuối cùng được đưa ra lên đến 503.300 USD.


Thế nhưng điều đáng nói ở đây là người bán thực ra đã thu về một món hời vô cùng khổng lồ, vì trước đó anh mua lại chai rượu này chỉ với giá 304 USD vì chủ nhân trước đã điền thiếu một chữ “p” trong tên, chỉ còn lại “Allsop”. Một chữ cái đánh đổi nửa triệu USD, không thể tưởng tượng nổi!

5. Đây cũng không phải trường hợp duy nhất liên quan đến việc đề nhầm giá vé máy bay, nhưng lần này thì đặc biệt và đáng nhớ hơn cả, vì hãng Hàng không Alitalia đã thua lỗ hơn 7 triệu USD sau khi 2000 người đã đặt vé từ Toronto đến Cyprus chỉ với mức giá. 39 USD (lẽ ra phải là 3.900 USD) vào năm 2006.


6. Lại một tình huống hi hữu nữa xảy ra khi quân đội Mỹ mất đến 70 triệu USD trong hợp đồng với hãng Lockheed Martin vì công thức tính chi phí cho những chiếc máy bay đắt đỏ lại có một… dấu phẩy thập phân không đúng chỗ đúng lúc gì cả.


7. Ba năm trước, hãng trang sức Macy đã đem bỏ đi hàng trăm đơn đặt hàng vòng cổ với giá mỗi chiếc chỉ 47 USD - một lỗi sai ngớ ngẩn khiến cho công ty mất số tiền gấp cả chục lần như thế vì chiếc vòng cổ, giá gốc 1500 USD, lẽ ra chỉ giảm giá là 497 USD, chứ không phải 47.


8. Lần phóng thử đầu tiên của Mỹ vào năm 1962 khi cố gắng đưa một con tàu vũ trụ lên Sao Kim đã khiến NASA ngậm ngùi “nếm trái đắng” khi 80 triệu USD đã ra đi chỉ vỏn vẹn 293 giây sau khi tàu Marine 1 khởi hành, vì thiếu một dấu nối trong mã lập trình mà con tàu được cài đặt tuân theo.


9. Mizuho Securities, một nhánh thuộc Tập đoàn Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã lỗ 340 triệu USD trong năm 2005 vì một lỗi lầm “đảo ngược” hết sức ngớ ngẩn: Quyết định bán ra 610.000 cổ phiếu của một công ty con với giá chỉ 1 yen/cổ phiếu, trong khi thực tế phải là mỗi cổ phiếu có giá 610.000 yen. Sở Chứng khoán Tokyo đã từ chối can thiệp và sửa đổi vụ việc này.


10. Một trong những minh chứng tiêu biểu nhất cho câu nói “chuyện bé xé ra to” có lẽ phải dành cho anh chàng này: Juan Pablo Davilar, làm việc cho một công ty trực thuộc bang có tên gọi Codelco, đã “ném tiền qua cửa sổ” mất 30 triệu USD khi nhập dữ liệu giao dịch nhầm giữa bên mua và bên bán. Hoảng loạn và lo sợ, Davilar càng đâm đầu vào ngõ cụt khi số tiền thiệt hại đã lên đến 175 triệu USD cho tới cuối ngày, và cứ tiếp tục như thế trong vòng 6 tháng tiếp theo, để rồi con số cuối cùng là 206 triệu USD thua lỗ cho công ty.


Hậu quả là anh bị đuổi việc, chịu mức án 3 năm tù giam và thậm chí còn được lấy tên đặt cho một động từ mới - “davilar” - với ý nghĩa diễn tả bạn đã làm hỏng một việc vô cùng hệ trọng.

11. Một công ty giao dịch ô-tô tại Roswell, New Mexico đã tổ chức một sự kiện, chiến dịch cổ vũ, kích cầu người tiêu dùng và quảng bá cho sản phẩm của mình bằng cách giấu giải thưởng 1000 USD phía sau 50.000 tấm thẻ cào được phát ra ngẫu nhiên.


Tuy vậy, không hiểu tại sao bất kỳ một tấm thẻ nào cũng đều chứa mã nhận giải đằng sau, khiến cho hãng sản xuất ô-tô thiệt hại đến 50 triệu USD. Nỗ lực “cứu vớt” của công ty bằng cách giải thích và đền bù cho sự nhầm lẫn bằng một voucher 5 USD tại Walmart không nhận được sự đồng ý nào cả. Thật đáng sợ và đen đủi cho họ.

12. Một trang quảng cáo trên tạp chí Yellow Pages trở thành hiện tượng nổi bật vào năm 1988 khi một hãng du lịch từ California đã tình cờ phát hiện ra thông tin của mình đã bị ghi nhầm trên poster giới thiệu đích đến có đặc điểm “erotic” (khiêu dâm) thay vì “exotic” (độc đáo và hấp dẫn).


Sau khi kinh doanh tụt dốc thảm hại đến 80%, công ty trên đã khởi kiện. Về phần Yellow Pages, với đề nghị bồi thường 230 USD/tháng không được chấp nhận, cuối cùng đã phải chịu bỏ ra 18 triệu USD đền bù thiệt hại do mình gây ra.

Tham khảo: Telegraph
NPQM / Theo: genk
Link tham khảo:



DÃ VỌNG - VƯƠNG TÍCH


Dã vọng - Vương Tích

Đông Cao bạc mộ vọng,
Tỉ ỷ dục hà y.
Thụ thụ giai thu sắc,
Sơn sơn duy lạc huy.
Mục nhân khu độc phản,
Liệp mã đới cầm quy.
Tương cố vô tương thức,
Trường ca hoài thái vi.

(Bài thơ này ý than nỗi mình và ví mình như Bá Di, Thúc Tề, bỏ đi hái rau trên núi Thú Dương, không chịu ăn một hạt thóc nhà Chu, sau bị chết đói ở đó.)


野望 - 王績

東皋薄暮望
徙倚欲何依
樹樹皆秋色
山山唯落暉
牧人驅犢返
獵馬帶禽歸
相顧無相識
長歌懹采薇


Ngắm cảnh đồng
(Dịch thơ: Trần Trọng Kim)

Chiều hôm ngắm cảnh đồng không
Tựa kề vơ vẩn biết trông nẻo nào
Vẻ thu cây nhuộm một màu
Bóng chiều muôn núi úa rầu xiết bao
Người đi bắn kẻ chăn trâu
Xách chim xua nghé ruổi mau về nhà
Trông người người chẳng biết ta
Hát ngao trạnh nhớ ông già hái rau


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Vương Tích 王績 (585-644) tự Vô Công 無功, hiệu Đông Cao tử 東皋子, người Long Môn, Giáng Châu (nay thuộc huyện Giáng Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc), là một thi nhân đời Sơ Đường.

Nguồn: Thi Viện



SÓNG ROSSBY LÀ GÌ VÀ TẠI SAO CHÚNG LẠI ẢNH HƯỞNG TỜI THỜI TIẾT CỦA CHÚNG TA?

Bạn có thể chưa nghe nói về sóng Rossby, nhưng chúng ảnh hưởng đến thời tiết trên hành tinh của chúng ta 24 giờ một ngày.


Được xác định và giải thích bởi Carl-Gustaf Arvid Rossby, những sóng này xảy ra do sự quay của Trái Đất, theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA). So với những con sóng đại dương điển hình mà chúng ta thấy dọc theo bờ biển, sóng Rossby di chuyển chậm hơn đáng kể. Chúng cũng cực kỳ lớn, với một số trải dài hàng trăm dặm (hoặc hơn) trên đại dương. Nói chung, sóng Rossby di chuyển về phía tây, tách không khí vùng cực lạnh với không khí tại chỗ ấm hơn (theo Britannica ).

Khi nhắc tới biến đổi khí hậu, chúng ta thường nghĩ tới hiện tượng ấm lên của Trái Đất, băng tan ở 2 cực hay tác động của ENSO (El Niño, La Nina) tới sự hình thành và phát triển của các cơn bão, hạn hán, vòi rồng, sự dâng lên của nước biển... Thế nhưng, đi sâu hơn tất cả, các "thảm họa toàn cầu" trên đều bị chi phối bởi một loại sóng có tên là sóng hành tinh hay sóng Rossby. Có thể nói đây là loại sóng vĩ mô chi phối các hiện tượng khí hậu trên toàn thế giới, tác động tới toàn bộ sự sống trên Trái Đất.

Sóng Rossby có hai thành phần: sóng dài và sóng ngắn. Sóng dài có thể trải dài từ 3.700 đến 8.000 dặm, và chúng có thể nằm ngang hoặc dọc. Sóng ngắn tồn tại bên trong sóng dài, nhưng không phải lúc nào chúng cũng khớp với hướng của chúng. Do đó, sóng ngắn có thể thay đổi hình dạng của sóng dài vì chúng thường di chuyển về phía đông, theo Dịch vụ Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ (NWS).

Độ sâu của đại dương, vĩ độ của sóng và sự biến động giữa các lớp ấm và lạnh của đại dương ảnh hưởng đến chuyển động của sóng Rossby. Ngoài ra, chúng cũng bị ảnh hưởng bởi các khối đất có hình dạng khác nhau tạo ra nhiệt độ không đều khi Mặt Trời sưởi ấm bề mặt Trái Đất.

Sóng Rossby là sóng tự nhiên được sinh ra khi chất lưu động (như không khí, nước) di chuyển theo vòng xoáy do sự quay của hành tinh. Vì thế loại sóng này không chỉ có ở trên Trái Đất mà còn có thể ở cả Mặt Trời. Khi Trái Đất quay sẽ tạo ra các xoáy thuận hành tinh (có trục trùng với trục ảo của Trái Đất, tâm ở 2 cực) và sinh ra các sóng Rossby. Trên Trái Đất, loại sóng này tồn tại ở cả bầu khí quyển và đại dương, do sự dịch chuyển của không khí hay các dòng hải lưu đều có tác động tới khí hậu nên loại sóng này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự biến đổi khí hậu.

Cũng giống như nhiệt độ ảnh hưởng đến sóng Rossby, bản thân sóng cũng có tác động đến bầu khí quyển của Trái Đất và tạo ra sóng Rossby trong khí quyển. Nói một cách đơn giản thì nó chính là không khí ấm từ xích đạo di chuyển về các cực, và không khí mát hơn từ các cực di chuyển về xích đạo. Mặc dù chuyển động này không nhất quán, nhưng nó khá đều đặn và nó giúp hình thành dòng phản lực trong bầu khí quyển.

Không khí di chuyển trên hoặc xung quanh các ngọn núi và sự chênh lệch độ cao cũng góp phần hình thành sóng Rossby - Gió thay đổi tốc độ hoặc hướng nhằm mục đích khôi phục sự cân bằng cho bầu khí quyển luôn thay đổi. Nhưng miễn là mặt trời chiếu sáng và tạo ra nhiệt, sự mất cân bằng sẽ vẫn còn.

Sóng Rossby ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết trên khắp các lục địa vì chúng rất lớn. Nhưng sóng ngắn cũng có tác động đến thời tiết. Trên thực tế, chúng là thứ mà NWS gọi là "kẻ chủ mưu chính của các đợt mưa", lưu ý rằng các dải mưa thường ở gần chúng khi chúng đi qua các phần của hành tinh.

Trong đại dương, loại sóng này có rất nhiều hình dạng và kích cỡ và di chuyển rất phức tạp, chúng có thể tác động tới ENSO và thủy triều, sự dâng lên của nước biển. Hiện tượng El Niño vốn có quan hệ mật thiết với dao động Nam (SO) mà thực chất SO là một dạng sóng Rossby (dao động dưới dạng sóng dài) tồn tại trong khí quyển của khu vực Nam Thái Bình Dương. Còn sóng Rossby trong khí quyển đóng vai trò mang nguồn nhiệt từ các vùng nhiệt đới về hai cực và ngược lại, mang không khí lạnh từ 2 cực về vùng xích đạo, giúp cân bằng nhiệt cho toàn bộ hành tinh. Do sóng hành tinh có vai trò tiên quyết trong việc điều hòa khí hậu nên đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học đã bắt đầu chú ý quan tâm nghiên cứu và với những đột phá của vật lý khí quyển đã dẫn tới sự hình thành của dự báo thời tiết bằng phương pháp số hiện đại.

Bởi vì sóng dài di chuyển chậm, chúng có thể làm cho các hình thái thời tiết kéo dài trong một thời gian dài. NOAA báo cáo rằng chúng cũng có thể thay đổi thời tiết, lưu ý rằng chúng có thể góp phần làm mực nước biển dâng cao và gây ra lũ lụt ven biển ở một số khu vực. Ví dụ, ảnh hưởng của sóng El Niño và La Niña ở Thái Bình Dương mất vài tháng đến một năm để vượt qua đại dương, dẫn đến thủy triều dâng cao.

Điều đó nói lên rằng, đôi khi sóng Rossby có thể đóng một vai trò nào đó trong "các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt", theo tạp chí Environmental Research Letters. Hơn nữa, một báo cáo được công bố trên tạp chí Nature Climate Change cho thấy rằng sóng Rossby có thể gây ra các đợt nắng nóng và lũ lụt ở bắc bán cầu.

Tham khảo: Grunge; Britannica; Nature Climate Change
Đức Khương / Theo: trithuctre
Link tham khảo:



Thursday, September 19, 2024

TRUYỆN NGẮN CỦA O. HENRY: "TRONG LÚC CHIẾC XE HƠI ĐỢI KHÁCH"

Giả vờ là một người nào đó có thể sẽ phá hủy cơ hội có được một mối quan hệ đích thực.

Chiếc xe hơi màu trắng đang chờ khách trong truyện ngắn “While the Auto Waits” (Trong Lúc Chiếc Xe Hơi Đợi Khách) của nhà văn O. Henry. (Ảnh: byvalet/Shutterstock)

Trong truyện ngắn “While the Auto Waits” (Trong Lúc Chiếc Xe Hơi Đợi Khách) của nhà văn O. Henry, ông cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi con người không thể kết nối với nhau. Khi một cô gái trẻ gặp một chàng trai trẻ trong công viên, cả hai đều khoác lên mình lớp ngụy trang, che giấu con người thật của mình.

Sự chân thành và cởi mở có thể nuôi dưỡng những mối quan hệ đích thực và lâu dài, nhưng các nhân vật trong câu chuyện này lại giả vờ trở thành những người mà họ không phải, và mọi chuyện đã không kết thúc như họ mong đợi.

Một buổi tối trong công viên

Một cô gái trẻ đến công viên thành phố để đọc sách. Ban đầu, cô không hề chú ý đến chàng trai trẻ đang ngồi gần đó, nhưng anh đã để ý cô vài đêm gần đây, ở cùng chỗ cũ. Khi cô đánh rơi cuốn sách, cuối cùng anh cũng nhìn thấy cơ hội để làm quen với cô.

Tức khắc, chàng trai trẻ vội vàng nhặt lấy cuốn sách và trao nó lại cho cô. Sau khi anh đánh bạo nhận xét về thời tiết, cô gái mời anh ngồi xuống. “Thật ra, tôi cũng muốn anh ngồi lại,” cô nói. “Ánh sáng quá yếu để đọc sách. Tôi thích trò chuyện hơn.”

Chàng trai trẻ buông một lời nhận xét táo bạo về vẻ đẹp của cô. Điều đó là không thể chấp nhận được. Cô lập tức chỉnh đốn anh, khẳng định rằng mình là một quý cô, và anh nên cư xử lịch thiệp với cô như một quý cô. Anh nhanh chóng xin lỗi và, để trấn an anh, cô hướng sự chú ý của anh vào những người đang đi lướt qua.


Thấy cô chuyển chủ đề, “chàng trai trẻ nhanh chóng rũ bỏ vẻ tán tỉnh,” và như cô đề nghị, anh bắt đầu lớn tiếng suy đoán về cuộc sống cá nhân của những người đang đi ngang qua. Còn cô gái trẻ thì tỏ vẻ là một quý cô thượng lưu. Cô dường như không quan tâm đến việc tìm hiểu bất cứ điều gì về những người qua đường. Thay vào đó, cô muốn cảm nhận và trải nghiệm “nhịp tim chung, vĩ đại, rộn ràng của nhân loại.”

Mặc dù cô vận trang phục rất bình thường, nhưng lại tự nhận mình thực sự là một quý cô giàu có và nổi tiếng. Cô quả quyết với anh rằng, tiếc là cô không thể tiết lộ danh tính của mình cho anh biết bởi vì anh sẽ nhận ra cô ngay lập tức. Cô mặc quần áo giản dị (như cô nói, là lớp ngụy trang, có được nhờ người hầu gái) giúp cô ẩn danh, nhờ vậy mà cô có thể sống bình thường trong một khoảng thời gian ngắn. Chiếc xe hơi màu trắng sang trọng đậu ở góc công viên là của cô, nhưng tài xế của cô nghĩ rằng cô đang đi mua sắm.

Cô giải thích, cuộc sống của cô xoay quanh giới thượng lưu và sự nổi tiếng. Tuy giàu có, nhưng cô lại cảm thấy cuộc sống của mình và những người xung quanh rất tẻ nhạt, sáo rỗng, và điên rồ. Cô gái trẻ kể về những xu hướng đơn điệu, rỗng tuếch mà giới nhà giàu theo đuổi, nhưng lại liên tục thay đổi. Đôi khi, cô thậm chí còn ước mình có thể kết hôn với một người đàn ông có địa vị thấp hơn: “Không một công việc nào là quá thấp kém nếu người đàn ông đó là người tôi muốn chọn.”

Chào tạm biệt

Rồi cô gái hỏi chàng trai về công việc của anh. Anh thú nhận rằng mình làm thu ngân ở nhà hàng bên kia đường. Bất chấp sự khác biệt về địa vị xã hội, chàng trai hỏi liệu anh có thể gặp lại cô không. Cô gái đi bộ ngang qua công viên về phía chiếc xe hơi màu trắng. Và anh cũng vậy.


[Thông qua câu chuyện này,] nhà văn Henry muốn truyền tải đến chúng ta thông điệp, như đại văn hào William Shakespeare từng nói: “Nếu quý vị yêu, hãy nói lên điều đó một cách trung thực.” Nếu chúng ta mong muốn bước vào một mối quan hệ thực sự với người khác, chúng ta phải chân thành, thủy chung, và trung thực.

Nhà văn Henry cho thấy những khó khăn nảy sinh từ sự giả dối. Khi chúng ta thiếu thành thật trong các mối quan hệ với người khác, chúng ta không thể thực sự kết nối với họ hoặc hình thành những mối quan hệ ý nghĩa và lâu dài.

Kate Vidimos / Hữu Minh biên dịch
Theo: epochtimesviet
Link tham khảo:

THÚ YÊU THƯƠNG: PHIÊN BẢN MỚI NHÂN 50 NĂM NHẠC PHIM "THE GODFATHER"

Có những giai điệu mà chỉ cần nghe qua một lần là con tim không hiểu vì sao lại yêu hoài nhớ mãi. Bản nhạc chính của bộ phim ''Bố Già'' nằm trong số này. Được phát hành vào năm 1972, tức cách đây nửa thế kỷ, ''The Godfather'' chẳng những đoạt giải Oscar dành cho bộ phim xuất sắc nhất, mà còn nâng giai điệu của Nino Rota lên hàng ca khúc vượt thời gian.


Dựa vào tác phẩm ăn khách cùng tên của nhà văn Mario Puzo, đạo diễn người Mỹ Francis Ford Coppola đã thành công trong việc chuyển thể quyển tiểu thuyết dày lên màn ảnh lớn, kịch bản chặt chẽ, lời thoại cô đọng, nội dung thâm thúy. Bộ phim sau đó được Viện phim ảnh Mỹ xếp vào hàng 100 tác phẩm điện ảnh hay nhất thế kỷ (XX), ''Bố già'' đứng hàng thứ ba, chỉ sau ''Citizen Kane'' và ''Casablanca''. Đỉnh cao thành công ấy che khuất phần nào sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Nino Rota. Sinh thời, ông đã sáng tác hơn 150 nhạc phim đủ loại, ngoài ra còn có thêm 10 vở kịch opera, 5 vở múa ballet và hơn một chục khúc nhạc thánh ca và giao hưởng.

Một cảnh trong phim The Godfather (Bố Già) của đạo diễn Francis Ford Coppola, công chiếu năm 1972. © flickr.com

Do mến phục tài năng của Nino Rota, từng nổi tiếng trước đó nhờ soạn nhạc phim La Strada (1954) và La Dolce Vita (1960) cho Federico Fellini cũng như Chuyện tình Romeo & Juliet (1968) cho Franco Zefirelli, cho nên đạo diễn Coppola mới ngỏ lời mời Nino Rota hợp tác với mình. Nhà đạo diễn Mỹ đã đích thân đến Roma vào mùa thu năm 1971 để gặp tác giả người Ý.

Speak Softly Love vượt trội giai điệu chủ đề bộ phim Bố Già

Trong hành lý, đạo diễn Coppola mang theo một bản phim nhựa của ''Bố Già'' và yêu cầu nhạc sĩ soạn giai điệu sao cho hợp với các màn quay trong phim. Trong số này, nổi tiếng nhất vẫn là khúc nhạc minh họa cho mối tình trên đất Ý giữa hai nhân vật Apollonia và Michael Corleone. Bài hát tiếng Anh ''Speak Softly Love'' do Larry Kusik đặt lời, được ca sĩ Andy Williams trình bày lần đầu tiên. Từ đó cho tới nay đã có gần cả ngàn phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong tiếng Pháp, phiên bản phóng tác ăn khách đầu tiên là ''Parle plus bas'' qua giọng ca của Dalida, gần đây hơn nữa có phiên bản tiếng Ý ''Parla più piano'' của Petra Berger.


Tuy rất ăn khách và được đặt nhiều lời khác nhau trong cả chục thứ tiếng, nhưng giai điệu tình yêu ''Speak Softly, Love'' không phải là đoạn nhạc quan trọng nhất trong phim ''Bố Già'. Khúc nhạc quan trọng mà khán giả được nghe thường xuyên, do giai điệu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong phim, chính là Điệu valse của Bố Già (The Godfather Waltz), khi ông bố Vito Corleone dìu đứa con gái cưng là Connie trong điệu vũ nhân ngày cưới. Giai điệu ''Speak Softly, Love'' chỉ xuất hiện trong phần sau của bộ phim, khi con trai út Michael Corleone buộc phải đến đảo Sicilia để lánh nạn. Giai điệu tình yêu nổi lên khi Michael lần đầu tiên bị cú sét ái tình khi tình cờ bắt gặp Apollonia, cô gái miền thôn dã với sắc đẹp mặn mà. Hai người làm đám cưới, nhưng mối tình của họ không được lâu dài, khi cô vợ mới cưới lại chết tức tưởi, khi ngồi vào xe của chồng cô, bị cài chất nổ.

''Speak Softly Love'' tuy không phải là giai điệu chính lại lấn lướt hẳn khúc nhạc chủ đề, do đây là bản nhạc tha thiết và lãng mạn nhất trong phim "Bố Già". Tuy nhiên, Nino Rota lại không đoạt giải Oscar một năm sau đó, chủ yếu cũng vì đoạn nhạc này từng được dùng vào năm 1958 trong bộ phim ''Fortunella'' của đạo diễn Eduardo de Philippe, trong khi giải Oscar thường được trao cho những khúc nhạc ''nguyên tác'' (chưa từng được phổ biến). Mãi đến hai năm sau, Nino Rota mới được trao giải nhờ soạn nhạc phim cho tập nhì của ''Bố Già''.

Andy Williams từng ghi âm lại bản tiếng Pháp ''Parle plus bas''


Trong tiếng Pháp, lời phóng tác của nhạc phẩm ''Speak Softly Love'' là của tác giả Boris Bergman. Nhắc tới tên ông, nhiều người Pháp nghĩ đến ngay nam danh ca quá cố Alain Bashung, do cặp bài trùng này đã hợp tác thành công trong gần ba thập niên liền từ năm 1980 đến năm 2008. Tuy nhiên, trước khi trở thành tác giả thân thuộc nhất của Alain Bashung, Boris Bergman đã sáng tác rất nhiều cho các ca sĩ khác. Tính tổng cộng, ông đã viết lời cho hơn một ngàn ca khúc, kể cả nguyên bản hay phóng tác. Ông đã từng hợp tác với Dalida vào năm 1970 và đã đặt lời tiếng Pháp cho nhạc phim ''Bố Già'' theo yêu cầu của hãng đĩa Barclay. Sau Dalida sẽ có nhiều nghệ sĩ Pháp khác ghi âm bài này kể cả Marie Laforêt, Georgette Lemaire và đáng ngạc nhiên hơn nữa, ca sĩ đầu tiên Andy Williams cũng đã ghi âm một phiên bản tiếng Pháp (Parle plus bas). Một trong những bản ghi âm gần đây là của Patrick Fiori trên album chuyên đề nhạc phim hay nhất mọi thời đại.

Còn trong tiếng Ý, bản nhạc có ít nhất hai lời : ''Parla più piano'' là phiên bản quen thuộc nhất của tác giả Gianni Boncompagni, phiên bản thứ hai với tựa đề ''Brucia la terra'' (hiểu theo nghĩa Nung cháy mặt đất) là của tác giả Giuseppe Rinaldi trong thổ ngữ Sicilia, từng ăn khách qua giọng ca tenor người Ý Andrea Bocelli trên album chuyên đề ''Cinema'', phát hành vào mùa thu năm 2015 cùng với ''Moon River'' nhạc phim Breakfast at Tifany's và nhất là ''Bài hát của Lara'' trích từ bộ phim kinh điển Bác sĩ Jivago. Hàng thập niên sau ngày ra đời, những tình khúc vàng tiếp tục ngời sáng nhờ được nhiều thế hệ nghệ sĩ ghi âm lại.


Còn trong tiếng Việt, giai điệu ''Speak Softly Love'' trước năm 1975 từng được tác giả Trường Kỳ việt hóa một cách tài tình thành nhạc phẩm ''Thú yêu thương'', cho dù có nhiều trang mạng vẫn ghi lầm là ''Thú đau thương''. Bản nhạc này từng ăn khách qua phần trình bày của nam danh ca Elvis Phương. Sau đó đã có khá nhiều nghệ sĩ khác như Don Hồ, Kenny Thái hay Thế Sơn ghi âm lại.

Một trong những bản ghi âm tiếng Việt gần đây nhất là của nam ca sĩ Kasim Hoàng Vũ với đoạn mở đầu như sau : Tình như thoáng mây, tình đến cùng ta, âm thầm không ngờ / Tình như cánh hoa, tình chiếm hồn ta, đâu ngờ là tình / Tình như mưa gió, thoảng vào trong tim / Tình như cánh chim, bay đến trong ta, sao nghe bồi hồi... Quả thật là có những giai điệu mà chỉ cần một lần lọt vào tai, con tim không hiểu vì sao lại yêu hoài nhớ mãi.

Tuấn Thảo
Theo: RFI Tiếng Việt



TỲ BÀ ĐÌNH - ÂU DƯƠNG TU


TỲ BÀ ĐÌNH - ÂU DƯƠNG TU

Lạc Thiên tằng trích thử giang biên,
Dĩ thán thiên nhai thế huyễn nhiên.
Kim nhật thuỷ tri dư tội đại,
Di Lăng thử khứ cánh tam thiên.


琵琶亭 - 歐陽修

樂天曾謫此江邊
已嘆天涯涕泫然
今日始知予罪大
夷陵此去更三千


Đình Tỳ Bà (Dịch thơ: phanlang)

Lạc Thiên từng biếm ở ven sông
Than thở trời xa lệ đầm khăn
Nay mình mới biết vì tội lớn
Thêm ba nghìn dặm trích Di Lăng

Chú thích:

Năm 1036, Âu Dương Tu bị đày xuống Di Lăng (nay là Nghi Xương, Hồ Bắc) làm huyện lệnh, khi đi ngang qua đình Tỳ Bà ở Cửu Giang, có lên đình làm thơ này nhớ đến Bạch Cư Dị.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Âu Dương Tu 歐陽修 (1007-1072) tự Vĩnh Thúc 永叔, người huyện Lư Lăng tỉnh Giang Tây, ông là một vị cổ văn gia, lịch sử học gia có tiếng, lại là một thi nhân tài tình phong phú. Ông hiện còn lại "Lục nhất từ" 3 quyển.

Nguồn: Thi Viện

TRÍ TUỆ LÃO TỬ: BẠN SẼ KHÔNG BAO GIỜ HẠNH PHÚC NẾU BỊ MẮC KẸT TRONG CHỮ "TÀNG"

Lão Tử nói: “Đa tàng tất hậu vong”. Thu về càng nhiều thì mất cũng càng nhiều. Trở ngại mê hoặc lớn nhất đời người là nằm ở chữ ‘Tàng’. Một khi bị chữ này vây khốn thì con người sẽ không thể có được cuộc sống hạnh phúc.


1. Tàng là tham lam

Trong lễ sinh nhật của Nghiêm Tung, vị quan đứng đầu nội các triều đại nhà Minh, cả triều văn võ đều tới chúc tụng, quà mừng chất đầy như núi.

Khi đó, Nghiêm Tung bán quan bán tước, Nghiêm Thế Phiên nắm giữ Công bộ, tài sản của ông nhiều hơn cả ngân khố quốc gia.

Khi yến tiệc kéo dài đến nửa đêm, khách khứa đều đã ra về, Nghiêm gia bắt đầu khóa cửa cài then.

Thời điểm đó là mùa đông, khí trời rất lạnh, không may có vị quan ngự sử bị lạc đường, ở trong sân lạnh cóng đến phát sợ. Đại tổng quản của Nghiêm gia liền mời viên quan đến chỗ của mình nghỉ ngơi và cho ngủ lại một đêm. Vì thế, vị quan Ngự sử tỏ ra rất cảm kích.

Quản gia nói: “Bây giờ ta giúp ông, thế nhưng tương lai rất có thể phải nhờ ông giúp ta. Ông nợ ta một ân tình, ngày sau xin hãy tha cho ta một mạng”.

Nghe vậy, trong lòng viên quan Ngự sử cảm thấy rất lo lắng và nói: “Lão Nghiêm ở nội các giống như mặt trời lúc giữa trưa, thân phận của ngài cũng tôn quý như vậy, đâu cần đến lượt ta tới tha mạng cho ngài chứ”.

Kết quả mấy năm sau, thế lực của Nghiêm Tung bị lật đổ, Nghiêm Thế Phiên bị giết, Nghiêm phủ nhận tra xét. Viên quản gia cũng bị bỏ tù vì tội nhận tham ô hối lộ, sau khi phán hình phạt, vị quan Ngự sử cũng giúp giảm bớt tội danh cho ông. Cuối cùng vị quản gia được miễn tử hình, bị lưu đày tới vùng biên cương.

Phùng Mộng Long từng nói: “Nghiêm Tung và Nghiêm Thế Phiên đã đọc đủ các loại thi thư, nhưng nhận thức của họ lại không bằng một quản gia, mạng mất nhà vong, còn gì đáng tiếc hơn chứ”.

Trăng tròn rồi lại khuyết, nước đầy thì sẽ tràn. Thịnh cực tất suy, đây chính là thiên đạo. Nếu không biết kiềm chế thì chỉ có thể nhận về sự bại vong.

Hòa Thân, viên quan thời nhà Thanh, làm quan 20 năm đã vơ vét 1,1 tỷ lượng bạc trắng, mấy ngàn khoảnh đất, mấy trăm căn nhà. Sự giàu có của ông vượt quá thu nhập ngân sách quốc gia trong 15 năm.

Thế nhưng về sau thì sao? Hòa Thân té ngã, Gia Khánh ăn no. Cuối cùng Gia Khánh ban cho ông một dải lụa trắng để kết liễu cuộc đời. Cho đến hôm nay, cuộc đời của Hòa Thân bất quá cũng chỉ là một trò đùa viết nên chuyện cười mà thôi.


2. Tàng là chiếm giữ của riêng

Chu Quốc Bình từng kể một câu chuyện.

Một con thỏ trắng rất yêu thích vẻ đẹp thiên nhiên. Nó đặc biệt thích mặt trăng, trong mắt thỏ, việc tròn khuyết của mặt trăng đều ẩn chứa nét đẹp riêng. Vì vậy, Vương của chư Thần đã gặp mặt và nói rằng nó có tài năng ngắm trăng nên đã quyết định ban mặt trăng cho nó. Từ đó trở đi, mặt trăng không còn thuộc về mọi người nữa mà chỉ thuộc về một mình con thỏ trắng này.

Hằng đêm thỏ trắng vẫn vào rừng và nằm trên bãi cỏ ngắm trăng. Tuy nhiên, kỳ lạ thay, tâm trạng nhàn nhã trước đó đã không còn, trong đầu nó chỉ còn một suy nghĩ: “Đây là ánh trăng của ta!” Nó nhìn mặt trăng một cách chăm chú, giống như một người giàu nhìn chằm chằm vào kho vàng của mình. Khi mây đen che khuất mặt trăng, nó lại trở nên lo lắng, sợ rằng kho báu sẽ bị mất. Mỗi khi trăng tròn khuyết, lòng nó đau như cắt, giống như có ai đó đã cướp mất của nó vậy. Ở trong mắt con thỏ này, sự tròn khuyết của mặt trăng không còn đẹp như trước nữa, thay vào đó là chứa đựng mối nguy hiểm, khiến nó lún sâu vào sự được mất.

Nhưng khác với con người, thỏ trắng cuối cùng cũng vẫn giữ được trái tim trong sáng, nó đi bái kiến Vua của các vị Thần, thỉnh cầu thu hồi lại quyết định kia.

Ngày nay có rất nhiều người thực hiện việc tàng trữ. Họ làm vậy đơn giản chỉ vì thích, lặng lẽ chiêm ngưỡng cũng thấy bằng lòng. Thế nhưng khi bắt đầu thực hiện việc mua đi bán lại thì việc thưởng thức cái đẹp đối với món đồ mà bản thân cất trữ liền bị che mất. Tâm trạng cũng dần dần thay đổi. Để cho văn vật có giá trị hơn, ngọc khí đẹp hơn, họ không quan tâm đến sức khỏe của bản thân, từ mặt bạn bè, thậm chí còn buông thả nguyên tắc sống của chính mình.

Lão Tử nói: Yêu thích càng nhiều thì hao tổn càng lớn. Tham lam quá mức thì tất nhiên sẽ có tiêu hao lớn. Mọi thứ bên ngoài đều chỉ là mây khói thoảng qua, sao cứ phải cố chấp sở hữu, lo được lo mất mà khiến cho nội tâm không còn được an bình.

Ngàn năm trước, ở nơi mà trận chiến Xích Bích diễn ra, Tô Đông Pha đã cảm khái nói: Gió mát trên sông, trăng sáng trên đỉnh núi, tai nghe được âm thanh, mắt nhìn thấy cảnh sắc. Tay có thể lấy không giới hạn và dùng mãi không hết, đây là kho báu vô tận của Tạo Hóa.

Hưởng thụ gió mát trăng thanh là niềm vui lớn nhất của cuộc đời, sao cứ phải giữ cho riêng mình?


3. Tàng là không biết nên làm thế nào

Một đạo diễn từng cảm khái rằng: “Sau khi bước sang tuổi 50, xem ngắm cảnh sắc chỉ để khiến bản thân vui vẻ, những điều khác đều không cần thiết”.

Nhưng thật không hiểu vì sao mấy đồng bạc lẻ tiền lời mà có thể khiến anh em trở mặt? Thứ đó có lực lớn mạnh như vậy sao? Kiếm bao nhiêu tiền mới đủ, liệu có thể mang đi được không?

Khi đi ngắm cảnh vùng Sơn Tây, tôi nhìn thấy hơn chục khu nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Chủ nhân của những ngôi nhà này đều đã qua đời và không thể tìm được thông tin về họ. Người cầm chìa khóa nhà đều không có liên hệ gì với họ.

Vậy mới nói, những đồ vật ngoài thân, sinh chẳng đem đến chết không mang theo. Thời gian người sống trên đời bất quá cũng chỉ mấy chục năm, sao cứ phải chấp nhất vào những thứ đó?

Lão Tử nói: “Người biết đủ mới giàu có”.

Biết đủ, biết thỏa mãn mới là tài phú của con người. Người biết đủ sẽ không nghĩ quá nhiều, không đặt mục tiêu quá cao, không để cho ham muốn lợi dục làm vấy bẩn thân tâm, không lừa gạt thì tâm không sầu lo, sống được thoải mái an nhiên.

Trên đời có hàng ngàn thứ cám dỗ, ham muốn quá nhiều sẽ khiến thân tâm mệt mỏi và nhận lấy cái chết, cho nên đến lúc cần buông tay thì hãy cứ bình thản buông tay đi.

Có đủ cơm ăn áo mặc, không lo âu đã là một chuyện may mắn rồi. Không bị bệnh tật hay tai họa thì bản thân đã có đủ phúc trạch. Đời người không có không hạnh phúc mà chỉ có không biết đủ nên mới khiến người sầu khổ mà thôi.

San San biên dịch
Theo: Vision Times

Wednesday, September 18, 2024

TRUNG QUỐC ĐÃ BẮT "CON HỔ" CHU VĨNH KHANG NHƯ THẾ NÀO?

Để bắt được con hổ to nhất mang tên Chu Vĩnh Khang (周永康), Trung Quốc đã phải tiến hành chiến dịch đập rất nhiều "ruồi".

Chu Vĩnh Khang (周永康) lúc là Bộ trưởng Công an Trung Quốc.

Ngày 29/7/2014, Trung Quốc công khai tuyên bố mở cuộc điều tra chính thức đối với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, quan chức cao cấp nhất nước này bị rơi vào vòng lao lý trong hàng chục năm trở lại đây, và nó minh chứng cho một điều: Muốn bắt được "hổ" ở Trung Quốc, cần phải đập rất nhiều "ruồi" trước.

Chưa đầy một tháng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, Tân Hoa Xã đưa tin một quan chức cấp cao ở một tỉnh phía tây nam bị điều tra với tội danh tham nhũng, và đây được coi là phát súng đầu tiên cho chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi" do ông Tập phát động.

Mãi đến sau này, người ta mới biết rằng đó cũng là phát súng đầu tiên của một chiến dịch chính trị quy mô cực lớn nhằm bủa vây và hạ bệ một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới lãnh đạo Trung Quốc kể từ sau thời Mao Trạch Đông đến nay, đó chính là cựu Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang.

Chiến dịch bắt ruồi

Ngay sau phát súng mở đầu nhắm vào Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Li Chuncheng (李春城 Lý Xuân Thành) nổ ra, hàng loạt quan chức cấp cao khác của tỉnh này cũng rơi vào vòng lao lý với cùng một kịch bản tương tự - điều tra chống tham nhũng. Tứ Xuyên được coi là căn cứ quyền lực của Chu Vĩnh Khang, và các quan chức có mối quan hệ với cựu trùm an ninh đầy quyền lực này cứ lần lượt rơi vào "lưới trời".

Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên Li Chuncheng (李春城 Lý Xuân Thành) 

Thời gian sau đó, đã có hàng trăm quan chức, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành mục tiêu của chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi", và tấm lưới dần dần siết chặt lại xung quanh Chu Vĩnh Khang. Cuối cùng mẻ lưới được cất lên với thông báo điều tra chính thức Chu Vĩnh Khang vào ngày hôm qua.

Chu Vĩnh Khang – con hổ lớn nhất từ trước tới nay sa lưới – là một nhân vật chính trị có tầm ảnh hưởng quyền lực bao phủ trong chính phủ, ngành công nghiệp và ngành an ninh Trung Quốc. Ông này từng là ủy viên Bộ Chính trị và là ông chủ cao nhất của ngành dầu khí đầy quyền lực ở Trung Quốc.

Khi ông này được giao phụ trách lĩnh vực an ninh, tư pháp và tòa án của Trung Quốc, ngân sách dành cho lực lượng an ninh của nước này lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua cả ngân sách quốc phòng. Người ta coi quyền lực và tầm ảnh hưởng của Chu bằng cả cựu Phó Tổng thống Dick Cheney, Edgar Hoover của FBI và ông trùm dầu mỏ John D. Rockefeller của nước Mỹ gộp lại.

Trong thời gian qua, điều dễ nhận thấy là hầu hết các quan chức Trung Quốc bị khai trừ đảng, điều tra với tội danh tham nhũng đều ít nhiều có mối liên hệ với Chu Vĩnh Khang. Họ hoặc là đồng nghiệp, là tay chân thân tín, là trợ thủ làm ăn, hay thậm chí là họ hàng máu mủ với ông trùm an ninh này.

Chu Vĩnh Khang (周永康) chính thức bị điều tra sau 18 tháng rơi vào tầm ngắm.

Việc hạ bệ một nhân vật quyền lực "một tay che trời" như vậy là điều gần như không thể làm được trong các thế hệ lãnh đạo trước của Trung Quốc. Bởi khi làm vậy, họ đã vi phạm một điều luật "bất thành văn" trong giới lãnh đạo nước này, đó là không điều tra các quan chức cấp cao nhất ngay cả khi họ đã về hưu nhằm đảm bảo cho hệ thống chuyển giao quyền lực được vận hành trơn tru sau nhiều thập nhiên biến động chính trị.

Tuy nhiên, dư luận Trung Quốc cũng bắt đầu lờ mờ đoán ra điều gì sẽ xảy đến với Chu Vĩnh Khang sau khi một loạt thông tin về những vụ "chặt vây cánh" của ông trùm an ninh này xuất hiện trên báo chí.

Chuẩn bị dư luận

Quá trình bủa lưới xung quanh Chu Vĩnh Khang thể hiện sự thận trọng của ông Tập Cận Bình trong việc thuyết phục những người bất đồng, giữ thống nhất trong đảng và quan trọng hơn là chuẩn bị dư luận sẵn sàng cho một vụ scandal có thể hủy hoại hình ảnh của đảng.

Ông Joseph Fewsmith, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Boston nhận xét: "Trong thời kỳ đổi mới ở Trung Quốc, chưa có bất cứ ủy viên thường trực Bộ Chính trị nào bị điều tra với tội danh tham nhũng. Lãnh đạo Trung Quốc sợ rằng nếu cuộc đấu đá nội bộ diễn ra ngay trong Bộ Chính trị, nó sẽ làm bất đồng sâu sắc thêm và khiến việc duy trì thống nhất trong đảng càng thêm khó khăn."

Giống như hành động bóc vỏ một củ hành tây, chiến dịch hạ bệ Chu Vĩnh Khang được thực hiện dần dần bằng cách bóc từng lớp một những quan chức thân tín. Đầu tiên là những quan chức ở Tứ Xuyên, sau đó là những trợ thủ của ông Chu trong ngành dầu khí. Tiếp đến, cơ quan an ninh bắt giữ con trai và con rể của ông này, và cuối cùng là những cố vấn cấp cao, trợ lý riêng của ông Chu.

Quách Vĩnh Tường (郭永祥), một trợ thủ đắc lực của Chu Vĩnh Khang.

Ông Fewsmith nhận định: "Họ đi từ dưới lên trên, tích lũy bằng chứng để lập hồ sơ và thuyết phục các nhân vật chính trị quyền lực rằng cần phải có bước đi tiếp theo quyết liệt hơn."

Kết quả là hơn 480 quan chức trên khắp Trung Quốc đã trở thành những "con ruồi" bị vướng vào tấm lưới công lý do cơ quan điều tra chống tham nhũng giăng ra. Có những nơi quan chức bị bắt nhiều đến mức chính quyền bị thiếu cán bộ trầm trọng khiến nhiều người phải kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau.

Cơ quan điều tra

Phụ trách chiến dịch điều tra này là Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), một cơ quan đầy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng lại hoạt động vô cùng bí mật. Mãi tới năm ngoái, cơ quan này mới lập trang web riêng và công bố đường dây nóng của mình.

Về mặt pháp luật, CCDI lại không có quyền bắt giữ hay truy tố những người vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế, cơ quan này lại là một trong những tổ chức có quyền lực nhất ở Trung Quốc, có thể bắt giữ và điều tra bất cứ ai trong số gần 90 triệu đảng viên ở nước này.

CCDI thuộc sự quản lý của trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và không nằm trong vòng kiểm soát của cơ quan an ninh nội địa, nơi Chu Vĩnh Khang vẫn còn có ảnh hưởng rất sâu sắc. Cơ quan này chỉ chịu sự quản lý các lãnh đạo đảng và có thể báo cáo trực tiếp lên cấp cao nhất là Tổng Bí thư Tập Cận Bình, bỏ qua các khâu trung gian để khỏi bị lộ bí mật thông tin.

Chu Vĩnh Khang (周永康) trong một phiên xét xử

Mẻ lưới cuối cùng

Lần cuối cùng Chu Vĩnh Khang xuất hiện trước công chúng là tại một buổi họp lớp được tổ chức vào ngày Quốc khánh 1/10/2013 tại Đại học Dầu khí Trung Quốc. Sau đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay ông này đã bị giam lỏng tại nhà.

Trong suốt 18 tháng tổ chức chiến dịch vây bắt Chu Vĩnh Khang và các tay chân thân tín, không một quan chức cấp cao dù là đương chức hay đã nghỉ hưu nào của Trung Quốc đề cập công khai về số phận của Chu. Theo các chuyên gia phân tích, sự im lặng tuyệt đối này thể hiện sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Trung Quốc đối với việc hạ bệ Chu Vĩnh Khang.

Ông Kerry Brown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney nhận định: "Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đồng thuận rằng họ phải tự thanh lọc mình, nếu không cuộc khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn. Bởi vậy, họ cần phải có những bước đi quyết liệt để cắt đi ung nhọt".

Trí Dũng / Theo: Khám Phá



NỘI HÀM THÂM SÂU VỀ TẾT TRUNG THU LƯU TRUYỀN NGHÌN NĂM

Mỗi khi đến Tết Trung thu, ngẩng đầu ngắm Trăng sáng vằng vặc, nhiều người lại nhớ đến các câu chuyện thần thoại đã có từ xa xưa như Hằng Nga bôn nguyệt, Ngô Cương chặt quế hay Thỏ ngọc giã thuốc… Phải chăng chính nội hàm của những truyền thuyết này đã giúp chúng được lưu truyền suốt nghìn năm qua.


Người thời nay không thể thấy vầng Trăng xưa, nhưng Mặt trăng ngày nay đã từng chiếu sáng bầu trời đêm cho người cổ đại. Thế sự xoay vần, mấy ngàn năm qua đi, vì sao những truyền thuyết về tết Trung thu vẫn in dấu trong lòng người như xưa?

1. Hằng Nga bôn nguyệt – Chớ đánh mất bản tâm tốt đẹp và cơ duyên trân quý trong sinh mệnh

Hằng Nga là nhân vật chính trong câu chuyện thần thoại về Tết Trung thu, dẫn dắt ngàn vạn sợi tơ tình yêu. Có rất nhiều câu chuyện về Hằng Nga, nhưng phần “Lãm minh huấn” trong cuốn sách ra đời thời Tây Hán mang tên “Hoài Nam Tử” có lẽ là ghi chép đầu tiên và sớm nhất có hệ thống về “Hằng Nga bôn nguyệt”.

Nhìn thấy Trắng sáng tròn vành vạnh, tâm nguyện chung của mọi người chính là muốn người thân trong gia đình đoàn tụ, sum vầy. Thế nhưng, có một điều nan giải là vào đêm Trung thu Trăng tròn, Hằng Nga lại một mình bay lên cung Trăng!

Hậu Nghệ là người anh hùng cổ đại đã bắn hạ chín Mặt trời, Hằng Nga là mỹ nữ đẹp tựa thiên tiên lại thông minh hiền thục. Tương truyền, vào thời xa xưa, trên trời từng cùng lúc xuất hiện 10 Mặt trời, làm cho mặt đất trở nên nóng bỏng và khô cằn, hoa mầu chết héo, dân chúng lầm than.

Khi đó, Hậu Nghệ sức mạnh vô song đồng tình với dân chúng khổ cực, leo lên đỉnh núi Côn Lôn, vận dụng thần lực kéo cây cung thần, một mạch bắn hạ chín Mặt trời, cũng mệnh lệnh Mặt trời cuối cùng ở trên bầu trời mọc và lặn đúng giờ. Hậu Nghệ tạo phúc cho muôn dân nên rất được dân chúng tôn kính cùng yêu quý.

Hậu Nghệ và Hằng Nga kết thành vợ chồng đằm thắm, giống như cây liền cành, chim liền cánh, tình cảm vợ chồng keo sơn gắn bó. Vậy mà có một ngày Hằng Nga bỏ lại chồng, một mình bay lên cung Trăng, để lại Hậu Nghệ ở dưới trần gian vô cùng đau buồn phẫn nộ và hối hận.

Xả hết nhân tâm, Hằng Nga một mình bay lên cung Trăng

Hằng Nga vì sao một mình bay lên cung Trăng? Trong các câu chuyện truyền lưu đến ngày nay có vài kiến giải khác nhau. Có chuyện nói rằng Hằng Nga ích kỷ, vì thành tiên mà trộm ăn viên thuốc tiên duy nhất do Tây Vương Mẫu ban cho, vứt bỏ Hậu Nghệ mà đi.

Hằng Nga bay lên cung trăng. (Ảnh: Kknews)

Sau khi lên trời, Hằng Nga bị Thiên Đế trách phạt ở trong cung Quảng Hàn vắng vẻ. Thi sĩ nhà Đường Lý Thương Ẩn phỏng đoán uẩn khúc của nàng qua câu thơ “Thường Nga ưng hối thâu linh dược, bích hải thanh thiên dạ dạ tâm”. Có nghĩa là Thường Nga chắc hẳn hối hận đã ăn trộm thuốc thiêng, hằng đêm phơi bày tấm lòng giữa nơi trời xanh, biển biếc.

Thế nhưng nếu Hằng Nga là người bạc tình, ích kỷ, làm việc tổn thương người khác thì sao có thể lên trời? Người xấu như vậy sao có thể thành tiên? Hơn nữa, ở nhân gian, địa ngục còn phải gặp báo ứng nữa.

Một cách nói khác là vợ chồng Hậu Nghệ và Hằng Nga ân ái, hòa thuận. Hậu Nghệ có lòng nhân ái lại hào khí, truyền dạy thần kỹ cho người trong thiên hạ, kẻ ác lợi dụng tình thế đó, giả trang thành người học kỹ năng lẻn vào cung cướp thuốc tiên. Vì ngăn kẻ xấu, dưới tình thế cấp bách Hằng Nga đã nuốt thuốc tiên, kết quả là nàng bay lên trời, từ đó phải xa cách Hậu Nghệ…

Ngẫm lại tình tiết câu chuyện sẽ có người thắc mắc vì sao Tây Vương Mẫu chỉ ban một viên thuốc tiên? Đây là khảo nghiệm chăng? Hay là tiên tri? Kẻ xấu tham lam tàn nhẫn dù ăn được viên thuốc cũng không thể thành tiên. Bởi người không tu tâm hướng thiện, muốn dùng mánh khóe, thậm chí là thủ đoạn trộm cắp lừa dối để thành tiên thì sao Thần có thể cho phép. Để thành tiên cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm khắc.

Phải chăng Tây Vương Mẫu đã nhìn thấy lòng nhân ái của Hậu Nghệ quá nặng, mê đắm vào danh lợi tình nơi nhân gian mà rơi vào luân hồi, đã không còn khả năng thăng thiên, nên mới chỉ ban một viên thuốc tiên. “Hằng Nga bôn nguyệt” không phải bất đắc dĩ, cắt đứt tình ái “chạy” lên Mặt trăng, mà hẳn là nàng nóng lòng về trời!

Hậu Nghệ nhập thế mê muội, Hằng Nga về trời phục mệnh

Còn có một kiến giải rằng sau khi Hậu Nghệ bắn hạ chín Mặt trời gây hại cho dân chúng, vạn dân ủng hộ chàng lên làm vua, nhưng chàng lại kể công kiêu ngạo, càng ngày càng cuồng vọng, phóng túng bản thân, xa hoa dâm đãng, bạo ngược dân chúng. Hằng Nga suy nghĩ vì dân chúng, không thể để cho bạo quân trường sinh bất lão, nên mới ăn thuốc tiên.

Hậu Nghệ bắn hạ chín mặt trời. (Ảnh: NTDTV)

Hậu Nghệ và Hằng Nga vốn nên là sứ giả của Thần, sau khi hạ thế cứu vớt con người thế gian phải cùng nhau về trời phục mệnh. Nhưng Hằng Nga quản không được, không kêu tỉnh được Hậu Nghệ đang mê muội ở nhân gian, đành phải một mình bôn nguyệt, đi về trời phục mệnh.

Đêm nay là đêm nào? Chớ đánh mất bản tâm tốt đẹp và cơ duyên trân quý trong sinh mệnh

Đêm nay là đêm nào? Có khi Trăng sáng sao thưa, có khi Trăng bị mây che còn sao hiện rõ, mà có lúc bầu trời lại tối mịt không thấy cả Trăng lẫn sao. Con người trên thế gian cũng giống như vậy, có khi thiện tính nổi lên, có khi ma tính lấn át, có lúc mê muội mà quên mất ai là ai. Sau khi hạ xuống nhân gian, nhập phàm trần, ma tính từ từ khiến Hậu Nghệ mê đắm trong trần thế, phóng túng bản thân, cũng không thể quay về trời được nữa, càng không thể thăng lên tầng thứ cao hơn.

Đây không phải là lời cảnh báo cho con người thế gian sao? Câu chuyện về Hằng Nga và Hậu Nghệ thức tỉnh những ai ngàn vạn năm qua vẫn không thoát được vòng luân hồi, người đến thế gian là vì hoàn thành sứ mệnh đồng thời tu luyện thăng tiến để quay về trời, nhất thiết không được đánh mất cơ duyên trân quý nhất trong sinh mệnh!

2. Ngô Cương chặt quế – Tu luyện loại bỏ chướng ngại và chấp trước, phản bổn quy chân

Cuốn sách thời Bắc Tống “Thái Bình ngự lãm” dẫn “Hoài Nam Tử” ghi lại “cây quế trong Mặt trăng”, chính là câu chuyện thần thoại Ngô Cương chặt quế.

Sách “Dậu dương tạp trở” của của Đoàn Thành Thức thời Đường có nói về truyền thuyết Ngô Cương chặt quế thời bấy giờ như sau: “Cách nói xưa cây quế trong Mặt trăng, sách cũ nói cây quế cao 500 trượng, dưới gốc có một người chặt cây mãi, cứ chặt xong là dấu chặt liền lại. Người ấy họ Ngô tên Cương quê ở Tây Hà, tu tiên có lỗi bị phạt chặt cây“.

Ngày đêm liên tục chặt cây chưa ngộ đạo

Ngô Cương tu tiên phạm lỗi bị sư phụ phạt đến cung Trăng chặt cây quế. Cây quế này cao tới 500 trượng lại có năng lực tự chữa lành vết thương thần kỳ, cứ vừa vung búa chặt một nhát là dấu vết lập tức liền lại, cho qua thời gian rất dài, cây quế cũng không mảy may nghiêng ngả, vẫn đứng sừng sững trên Mặt trăng. Ngô Cương bất đắc dĩ phải chặt cây hết ngày này sang ngày khác, không ngưng nghỉ.

Ngô Cương chặt quế. (Ảnh: chinadaily)

Ngô Cương bất lực trước cây quế cao lớn, cứ chặt một nhát lập tức liền lại, tới lúc nào mới có thể đốn ngã đây? Đến khi nào mới có thể phục mệnh? Có lẽ việc chặt quế chính là một cách tu đạo mà vị sư phụ kia đã an bài, chịu khổ để tiêu nghiệp. Thế nhưng Ngô Cương gượng ép mà làm thì sao có thể hoàn thành nhiệm vụ để thoát khỏi phàm trần?

Cảnh giới siêu phàm, thoát tục đắc đạo

Điều then chốt của tu luyện chính là tu tâm, sư phụ giao cho Ngô Cương chặt quế, một mặt vừa có thể chịu khổ đẻ tiêu nghiệp, mặt khác cũng là để khảo nghiệm ngộ tính của Ngô Cương. Nếu Ngô Cương cung kính tuân theo an bài của sư phụ, chuyên tâm vào quá trình chặt cây để tu luyện, ngộ đạo thì nhất định sẽ có thành tựu. Chặt cây không phải để đốn củi, mà là trong quá trình này tu luyện bỏ đi các tư tưởng không tốt của bản thân và đủ loại chấp trước, loại trừ hết thảy can nhiễu, chướng ngại, tất cả những thứ không tốt cản trợ việc tu luyện thành tiên đều phải gạt bỏ.

Dù sư phụ đã an bài con đường tu hành giúp đệ tử, nhưng mức độ thành công của mỗi người khác nhau. Nếu đệ tử nghe lời sư phụ thì sự phụ sẽ giúp ngươi ngộ đạo, sẽ cho ngươi thứ tốt. Tôn kính và tin tưởng sư phụ, kiên trì bền bỉ thì có thể thành tiên.

Buông bỏ danh lợi tình, thoát khỏi nỗi lo thọ mệnh

Người tu luyện phải đạt tới cảnh giới siêu phàm thì mới có thể thoát khỏi thế tục và đắc đạo, cũng chính là cần vượt qua tầng thứ hiện tại của bản thân mới có thể bước vào cảnh giới cao hơn. Chỉ khi loại bỏ những chấp trước ngăn trở về danh lợi tình trong thế gian, mới có thể đề cao cảnh giới và tầng thứ của sinh mệnh, mới có thể tu thành đắc đạo.

Đối với một người bình thường, chẳng phải đạo lý cũng như vậy hay sao? Người đời vì trăm ngàn lo âu về những thứ vật chất xung quanh mà tổn hại nhân tâm. Có những việc đôi khi cố gắng cả đời cũng không thể giải quyết được, bởi có những điều mà bản thân không thể làm chủ. Có người chưa tròn trăm tuổi mà đã lo làm sao sống đến nghìn tuổi! Nỗi lo này chồng chất thành cây quế cao 500 trượng, luôn hiện diện ngay trước mắt.

Những điều con người cả một đời theo đuổi đều không nằm ngoài những truy cầu về danh lợi tình. Kỳ thực, phúc phận của đời người sớm đã được an bài sắp đặt. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, tạo nghiệp đời trước sẽ phải hoàn trả kiếp này. Nếu bản thân có thể coi nhẹ mọi việc, lùi một bước biển rộng trời cao thì con người mới có thể thoát khỏi khổ ải trầm luân. Chỉ cần cố gắng làm tốt mọi việc, tuỳ kỳ tự nhiên, thuận thiên nhi hành, thì con người mới được sống an nhiên và tự tại. Thần Phật luôn bảo hộ những người lương thiện, những người luôn tích đức hành thiện thì phúc báo sẽ mãi dài lâu.

3. Thỏ ngọc giã thuốc – Xả bỏ tự ngã giúp người trường sinh bất lão

Trên cung Trăng có thỏ ngọc giã thuốc làm bạn với Hằng Nga. Câu chuyện về thỏ ngọc cũng là một trong những truyền thuyết được lưu truyền trong ngày tết Trung thu.

Trong “Nghĩ thiên vấn” của Phù Hàm có câu: “Trong Trăng có gì thế? Có con thỏ trắng giã thuốc, cầu mong hưng thịnh, phúc lành”. Trong bài “Đổng đào hành” của nhạc phủ thời Đông Hán có câu: “Thải thủ thần dược nhược mộc đoan, bạch thố trường quỵ đảo dược hà mô hoàn“, tạm dịch là “hái lấy ngọn cây trên núi thần dược, thỏ trắng giã thành viên thuốc tắc kè, dâng lên bệ hạ với cả tấm lòng”.

Từ bỏ bản thân, nhảy vào lửa hồng

Kinh Veda kể rằng có bốn con vật, gồm khỉ, chó, rái cá và thỏ hằng ngày đến lắng nghe một vị đạo sĩ thuyết giáo. Một ngày nọ vị đạo sĩ tu thành và chuẩn bị rời khỏi thế gian; trước khi đi ông đã yêu cầu cả bốn con vật đi tìm thức ăn cho mình. Tất cả các con vật đều tìm được thức ăn, ngoại trừ thỏ. Vì để cung cấp thức ăn cho vị đạo sĩ, thỏ lao mình vào đống lửa, nhưng đống lửa lại biến thành băng tuyết và thỏ được cứu sống. Vị đạo sĩ hiển lộ thân phận thật và đưa thỏ lên cung Quảng Hàn, kể từ đó thỏ được lưu lại ở đây làm bạn với Hằng Nga.

Thỏ ngọc giã thuốc – Xả bỏ tự ngã giúp người trường sinh bất lão. (Ảnh: Pinterest)

Thỏ ngọc không phải là một chú thỏ bình thường. Từ xa xưa ngọc luôn tượng trưng cho phẩm hạnh đạo đức cao thượng, bởi vậy thỏ ngọc chính là một cảnh giới thăng hoa của sinh mệnh. Vì người khác, thỏ ngọc có thể hoàn toàn xả bỏ sinh mệnh, không màng tới an nguy của bản thân, vậy nên cảnh giới của thỏ ngọc đã thoát khỏi cõi phàm trần.

“Thỏ ngọc giã thuốc” chính là bản nguyên của sinh mệnh sau khi không ngừng xả bỏ những tạp chất hậu thiên, hiển lộ bản chất hồn nhiên, thiện lương, thuần khiết vốn có. Thiện lương vốn là bản tính của con người, bản chất vô tư vô ngã chính là loại tiên đơn thần dược trường sinh bất lão chân chính nhất.

Hàng ngày hàng giờ, năm này qua năm khác, chúng ta đang đắm chìm trong vòng quay nơi thế tục. Trong những bon chen chìm nổi đó, con người dễ dàng nảy sinh các chủng nhân tâm như toan tính, ganh ghét, tranh đấu… Do vậy nếu muốn được thanh thản, muốn được thăng hoa, con người cần phải giữ cho mình sự thư thái thiện lương và không ngừng loại bỏ những nhân tâm bất hảo của bản thân.

Thỏ ngọc giã thuốc là tượng trưng cho sinh mệnh con người, ở vào bất cứ thời điểm nào cũng không ngừng tu luyện bản thân, phản hồi về bản tính tiên thiên vốn có của sinh mệnh khi tới thế gian này.

Ánh Trăng vẫn hàng ngày hàng giờ chiếu sáng thế gian, đưa đường chỉ lối cho con người mỗi khi đêm đến. Trong những năm tháng của tiến trình sinh mệnh, hãy giống như ánh trăng đang hàng ngày soi tỏ kia, luôn giữ được sự thuần khiết của mình. Hãy không ngừng đề cao cảnh giới tư tưởng đạo đức, quay về bản tính Chân, Thiện, Nhẫn tiên thiên vốn có của bản thân, đó mới là thứ tiên dược chân chính giúp con người “trường sinh bất lão”.

Phải chăng đây cũng chính là hàm ý sâu xa trong những câu chuyện thần thoại về tết Trung thu được lưu truyền cho đến ngày nay?

Theo: tinhhoa.net