Trong giới võ lâm từ sau 1930, võ phái Thái Lý Phật là tên gọi được cả hắc bạch lưỡng đạo Sài Gòn - Chợ Lớn nể trọng, bởi người đem võ phái ấy vào Việt Nam chính là võ sư Đặng Tây (Đặng Văn Thành) - nhị tổ (tổ đời thứ hai) của võ phái Bắc Thắng Thái Lý Phật và tứ tổ (tổ đời thứ 4) của Hồng Thắng Thái Lý Phật.
Lịch sử Thái Lý Phật có gốc từ Nam Thiếu Lâm, là sự dung hòa, kết hợp tinh hoa của tam đại môn phái đương thời gồm Thái gia (quyền pháp), Lý gia (mã bộ) và Phật gia (chưởng pháp), gồm ba nhánh chính với Hồng Thắng Thái Lý Phật, Hùng Thắng Thái Lý Phật và Bắc Thắng Thái Lý Phật.
Võ sinh nhí của võ phái Thái Lý Phật trong bài đối luyện tại võ đường.
Lịch sử Thái Lý Phật ở Việt Nam ghi nhận “Sấy Bạc” - dịch từ âm Quảng Đông là Bác Tây (tên gọi thân mật của người Chợ Lớn dành cho võ sư Đặng Tây) - đến Việt Nam năm 1933, sống giản dị, ẩn dật, ngày làm nghề đan sọt sau chợ Thiếc, tối dạy võ cho người trong vùng. Nhưng võ nghệ của Sấy Bạc đạt đến mức thượng thừa, gắn với nhiều giai thoại đụng độ, hoặc các cuộc dàn xếp của Sấy Bạc với hắc bạch lưỡng đạo, sử dụng các tuyệt kỹ học được từ sáng tổ Bắc Thắng Thái Lý Phật là “thần thủ” Đàm Tam với tốc độ quá nhanh, quá chuẩn xác nên không cần nhắc lại kết quả, chỉ nghe qua danh xưng võ lâm giang hồ đặt cho Sấy Bạc là: “Tán thủ vương” hay “Quái thủ miêu trảo”… đủ cảm nhận được vị thế của ông trong võ lâm Chợ Lớn.
Một điều thú vị khi tìm hiểu về thân thế võ sư Đặng Tây, ấy là ngoài chuyện luyện - truyền võ đạo với nhiều công phu dị biệt, ông lưu giữ nguyên bản những giá trị tinh hoa, học được từ tiền bối, để xây dựng thành “tam bảo” bao gồm những răn dạy học trò thông qua liễn đối, thơ phú, thủ tắc (luật lệ cần tuân giữ), ẩn chứa trong đó nhiều triết đạo của võ phái. Võ sư Huỳnh Chí Dân - học trò thân cận nhất của Sấy Bạc ngày xưa, hiện thời giữ trọng trách là tam tổ (tổ thứ 3) của võ phái, kể về thầy của mình: “Chúng tôi luyện võ, nhưng được dạy rất kỹ là dùng võ để làm việc nghĩa chứ không phải mượn võ để lộng hành anh chị trong giang hồ”.
Du khách trải nghiệm các động tác đặc trưng trong luyện tập của Thái Lý Phật.
Từ gốc ban đầu là Bắc Thắng Thái Lý Phật, sau chuyển tên gọi Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, nguyên cớ được võ sư Huỳnh Chí Dân lý giải: “Sư phụ tôi thuộc hàng tổ của hai nhánh phái Thái Lý Phật (Hồng Thắng, Bắc Thắng), và lúc sanh thời sư phụ gửi tôi qua học luôn cả Hùng Thắng nên khi Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam thành lập (1998), để gia nhập và đăng ký, tôi đặt tên võ phái thành Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, ý là bao hàm cả ba nhánh phái thành một, phát triển tại Việt Nam.
Tên gọi là vậy nhưng các bài học về Tam Đạo gồm Văn - Võ - Y hay Tam Đức với Trung - Hiếu - Nghĩa, đều là những giá trị nguyên bản tổ để lại”.
“Truyền Thừa Các” - không gian trưng bày văn vật, kỷ vật của môn phái Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật.
Cũng trong võ lâm Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay, hiếm gặp võ phái nào có những nguyên tắc khắt khe, thậm chí cực bảo thủ với học trò như Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật. Để được thâu nhận làm đồ đệ, người theo học buộc phải “không” ít là bốn thứ: không xăm mình, không nhuộm tóc, không xỏ khuyên tai, không chửi thề.
Võ sư Huỳnh Chí Dân kể: “Du nhập vào Việt Nam từ 1933, đến 1979 thầy tôi mở đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường để phát triển võ phái, các nguyên tắc này cho đến nay vẫn không thay đổi. Nhiều em mê võ thuật, mê múa lân sư rồng lắm, nhưng khi đến đoàn lân tham quan với nguyện vọng học, khi đọc biết các quy định trong thập đại thủ tắc, bèn đứng dậy đi về vì không đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi tuân thủ các nguyên tắc ấy tuyệt đối, không có khái niệm ngoại lệ cho bất kỳ ai”.
Môn sinh của đoàn lân sư rồng Thắng Nghĩa Đường biểu diễn lân trường phái Phật Sơn cho các em nhỏ tham quan.
Nghe qua những luật định khắt khe, cứ nghĩ yếu tố chân truyền sẽ ngày càng gặp khó, nhưng câu chuyện truyền thừa lại là một chi tiết nổi trội trong võ đạo của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, khi được biết các thế hệ Huỳnh gia của võ sư chưởng môn Huỳnh Chí Dân đều theo nghiệp võ. Bài học đạo đức, các chiêu thức, tuyệt đỉnh công phu của Thiếu Lâm Chánh Tông Thái Lý Phật, đến cả những dụng cụ luyện tập vẫn không hề thay đổi, nhưng cách để vun đắp cho sự vĩnh tồn của võ phái, chính ở các thế hệ kế thừa trong gia đình Huỳnh gia, với việc sử dụng và biến hình ảnh, kỷ vật, câu chuyện, công phu luyện tập của võ phái… thành sản phẩm mang giá trị di sản, phục vụ du lịch, hấp dẫn lữ khách khi đến với Chợ Lớn hôm nay.
Các bạn trẻ trải nghiệm hội họa trong tuyến du lịch "Dấu ấn Thắng Nghĩa: Họa sư - truyền thuyết niên thú".
Thắng Nghĩa Tổ Quán - một nơi để tôn thờ, vinh danh các vị tổ, nơi để lưu lại những kỷ niệm hùng tráng của võ phái, của đoàn lân, tưởng chừng luôn khép cửa với người ngoại đạo, nhưng những xâu chuỗi, tập hợp, trình bày, diễn thuyết, góp nhặt tư liệu, hiện vật… đều do người trong cuộc thực hiện, đã tạo nên một “bảo tàng” thu nhỏ về võ phái, rộng cửa chia sẻ cho du lịch tham quan với những thông tin, cảm xúc, trải nghiệm thật đặc biệt trong hành trình khám phá Chợ Lớn dành cho mọi độ tuổi, quốc tịch, văn hóa. Thắng Nghĩa Tổ Quán như một ví dụ điển hình trong việc khai thác di sản truyền đời của võ phái và biến di sản ấy trở nên gần gũi hơn thông qua hình ảnh, thông tin, trải nghiệm múa lân sư rồng, tham gia cùng võ sinh vào những bài đối luyện để hiểu hơn về một võ phái độc đáo, một dấu son thắm đậm tinh hoa ở Chợ Lớn xưa và nay.
Nguyễn Đình
Theo: Người Đô Thị Online
No comments:
Post a Comment