Thursday, January 23, 2025

5 LOẠI BÁNH CÓ TÊN ĐỘC LẠ Ở VIỆT NAM MÀ DU KHÁCH NÀO CŨNG NÊN THỬ

Các món ăn truyền thống của nước ta rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là sự đa dạng các loại bánh Việt Nam ở nhiều vùng miền khác nhau. Từ Bắc vào Nam, danh sách các loại bánh Việt từ mặn đến ngọt vô cùng đa dạng, không thể nào liệt kê hết. Tuy nhiên, còn có một số món bánh độc lạ tại Việt Nam, chúng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với thực khách bốn phương, không khỏi khiến họ tò mò mỗi khi nhắc đến.


Bánh vạc

Bánh quai vạc còn được gọi là bạch hồng (hoa hồng trắng), là một món ẩm thực độc đáo và quyến rũ, thường được thấy tại Hội An. Với hình dáng xinh xắn, giống như bông hồng trắng, bánh quai vạc là một phần không thể thiếu trong thực đơn của nhiều quán ăn và nhà hàng tại đây.

Nguyên liệu chính để làm bánh quai vạc là tinh bột gạo. Quá trình làm ra bánh này đòi hỏi sự tinh tế, công phu. Tinh bột gạo phải được lọc qua nhiều lần để đảm bảo được độ mịn và đàn hồi hoàn hảo.

Với hình dáng xinh xắn, giống như bông hồng trắng, bánh quai vạc còn được gọi là bánh bạch hồng.

Nhân bánh chủ yếu làm từ tôm tươi, rau củ được xay nhuyễn và trộn kỹ cùng với gia vị như tiêu, hành, nấm, muối và nước mắm. Trên mỗi chiếc bánh, hành lá được thái nhỏ rồi rắc lên trên, tạo thêm hương thơm cho món ăn này. Cắn vào chiếc bánh quai vạc, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của tôm, độ giòn của lớp vỏ bánh, hương thơm của hành, vị cay mặn của ớt và nước mắm tạo nên sự kết hợp hoàn hảo, làm cho món ăn này trở thành một phần không thể thiếu của ẩm thực Hội An.

Bánh cóng

Bánh cóng hay còn gọi bánh cống, đây là đặc sản xuất phát từ vùng Khmer Nam Bộ, đặc biệt nổi tiếng tại xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng. Ban đầu, món bánh này được gọi là bánh sển hoặc sài cá nại trong tiếng Khmer.

Bánh cóng - một đặc sản của vùng Khmer Nam Bộ.

Tuy nhiên, do tên gọi ban đầu không dễ nhớ nên sau đó món ăn này được đặt tên là bánh cóng. Ý để chỉ hình thức bánh được đổ vào chiếc cóng - một dụng cụ có dáng tựa như phin cà phê. Sau khi chiên, bánh cóng thường có màu sậm và vị giòn ngon.

Thường thì bánh cóng được thưởng thức kèm với rau xanh và nước mắm chua ngọt, tạo nên một món ăn độc đáo, ngon miệng đặc trưng của vùng đất này.

Bánh cáy

Nói về các món đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy. Nguyên liệu chính của bánh cáy bao gồm nếp cái hoa vàng, gấc, mạch nha, mứt dừa, mè và đậu phộng rang thơm lừng.

Về Thái Bình thưởng thức món bánh cáy đặc sản trứ danh.

Món bánh này được đặt tên là "bánh cáy" bởi màu sắc của nó khiến người ta liên tưởng đến trứng con cáy (một loại cua màu đỏ). Có một truyền thuyết khác kể rằng, vì hương vị ngon mê ly, bánh cáy đã được chọn làm vật phẩm dâng vua trong một dịp đặc biệt. Khi vua nếm thử, vị bùi, ngọt, hơi cay của gừng trong bánh đã khiến ông hỏi tên món ăn. Một viên quan đã đáp rằng đó là "bánh cay". Tuy nhiên, do một sự hiểu lầm nhỏ, tên "bánh cáy" đã được duy trì và trở nên phổ biến cho đến ngày nay.

Bánh uôi

Bánh uôi, một đặc sản là niềm tự hào của người Mường tại tỉnh Hòa Bình, thường được gọi là "peẻng uôi" trong tiếng Mường, mặc dù từ này không có một ý nghĩa rõ ràng trong tiếng Việt. Ngoài tên gọi gốc, món bánh này còn được biết đến bằng nhiều cái tên khác nhau như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hoặc bánh đoàn kết.

Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, chia thành hai loại chính: nhân mặn và nhân ngọt.

Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, chia thành hai loại chính: nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn thường được làm từ thịt lợn sau khi đã được tẩm ướp trong các loại gia vị thơm ngon. Trong khi đó, nhân ngọt có thể được làm từ hạt nho nhe, một loại hạt đặc biệt có sẵn tại địa phương hoặc từ đậu xanh. Bánh uôi thể hiện sự đa dạng và sáng tạo trong nguyên liệu và vị trí địa lý, tạo nên một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Mường.

Bánh gật gù

Bánh gật gù, một đặc sản của huyện Tiên Yên trong tỉnh Quảng Ninh, được làm từ bột gạo. Bánh này có ngoại hình khá giống với bánh phở hoặc bánh cuốn.

Bánh gật gù có ngoại hình khá giống với bánh phở hoặc bánh cuốn.

Người dân vùng này truyền tai nhau rằng ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Từ đó, cái tên "bánh gật gù" ra đời và trở nên phổ biến đến ngày nay.

Hà Mai Trinh / Theo: Travellive

Wednesday, January 22, 2025

BANG Ở AUSTRALIA PHẠT TÙ TRẺ 10 TUỔI NHƯ NGƯỜI LỚN

Bang Queensland thông qua luật áp dụng các mức phạt tù như người lớn đối với trẻ em 10 tuổi trở lên mắc một số trọng tội.


Bang Queensland, đông bắc Australia, ngày 12/12/2024 thông qua luật cho phép áp dụng mức phạt tù tương tự người lớn đối với trẻ em từ 10 tuổi trở lên bị kết tội giết người, hành hung nghiêm trọng, đột nhập và 10 trọng tội khác.

Trước đây, mức phạt tối đa đối với tội phạm nhỏ tuổi mắc tội giết người là 10 năm tù, án tù chung thân chỉ được cân nhắc với hành vi "đặc biệt tàn ác". Với luật mới, mức phạt đối với tội giết người là tù chung thân, phải ngồi tù ít nhất 20 năm trước khi được cân nhắc ân xá.

Luật mới cũng xóa bỏ các điều khoản coi "án tù là biện pháp cuối", vốn ưu tiên đưa ra các hình thức trừng phạt với tội phạm nhỏ tuổi như phạt tiền, phục vụ công ích thay vì giam giữ. Thay đổi nhằm giúp thẩm phán xem xét tiền án của tội phạm thiếu niên hiệu quả hơn khi xét xử.


Trước khi bỏ phiếu thông qua luật mới, các nhà lập pháp Queensland thống nhất rằng bang đang phải đối mặt với làn sóng tội phạm thiếu niên, cần có biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn.

Chính quyền Queensland cho biết luật mới nhằm đáp lại "nỗi phẫn nộ của cộng đồng về tội ác do tội phạm thiếu niên gây ra" và sẽ có tác dụng răn đe. Đảng Tự do Australia (LNP), bên chiến thắng trong cuộc bầu cử bang hồi tháng 10, mô tả luật mới "đặt quyền của nạn nhân lên trên quyền của tội phạm".

Cảnh sát Queensland tại Brisbane, tháng 11/2014. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo các hình phạt nghiêm khắc hơn không giảm tình trạng tội phạm thiếu niên, thậm chí làm trầm trọng vấn đề. LHQ cũng chỉ trích luật mới của Queensland, cho rằng nó vi phạm luật quốc tế và các công ước về quyền của trẻ em.

Dù coi luật mới là "bước tiến đúng hướng", tân Tổng chưởng lý Queensland Deb Frecklington lưu ý luật "xung đột trực tiếp" với các tiêu chuẩn quốc tế, cảnh báo trẻ em bản địa Australia có thể bị phân biệt đối xử.

Đức Trung (Theo BBC, AFP, CNN)
Link tham khảo:




VỤ ÁM SÁT TỔNG THỐNG HÀN QUỐC PARK CHUNG-HEE GÂY RÚNG ĐỘNG: BỊ BẠN THÂN ĐOẠT MẠNG

Tổng thống Park Chung-hee, người biến Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, bị người bạn thân đoạt mạng trong một bữa tối định mệnh, theo Korea Times.

Tổng thống Park Chung-hee là người đưa Hàn Quốc vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới nhưng ông cũng hứng chịu nhiều chỉ trích trong giai đoạn nắm quyền.

Bữa tối cuối cùng

Theo báo Hàn Quốc Korea Times, tối ngày 26/10/1979, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee ngồi dự một bữa tối có vẻ như bình thường cùng những người bạn thân thiết nhất của mình. Tại bàn ăn, ngoài ông còn có Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA) Kim Jae-kyu, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống Kim Gae-won, và vệ sĩ trưởng Cha Ji-chul. Bữa tối được tổ chức tại Phủ Tổng thống.

Để tạo không khí thư giãn, hai cô gái trẻ cũng được mời tới để biểu diễn. Ca sĩ Shim Soo-bong, người từng nhiều lần hát cho Tổng thống Park, và Shin Jae-soon, một sinh viên ngành kịch nghệ, là hai nhân vật được chọn. Với phong thái nghiêm nghị quen thuộc, ông Park yêu cầu Shim Soo-bong trình diễn bài hát "Người đó năm ấy" - ca khúc sau này được xem là gắn với biến cố lịch sử đẫm máu của tối hôm đó.

Những người đàn ông trong bữa tiệc không chỉ là bạn đồng hành trong đời sống chính trị của ông Park mà còn là những người từng tham gia cuộc đảo chính năm 1961, đưa ông lên nắm quyền. Kim Jae-gyu là bạn học cùng lớp với ông Park tại Học viện Quân sự Đại Hàn Dân Quốc và hai người xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiết kể từ đó, theo Korea Times.

Trong giai đoạn ông Park nắm quyền, Kim được coi là "cánh tay phải" đắc lực, từng giúp ông Park trấn áp các cuộc biểu tình của sinh viên. Trước khi trở thành Giám đốc KCIA, Kim là chỉ huy Bộ Tư lệnh An ninh - một cơ quan quân sự có chức năng chính là bảo vệ chính quyền của ông Park.


Tuy nhiên, quan hệ giữa họ đã không còn bền chặt như trước. Từ lâu, Cha Ji-chul, vệ sĩ trưởng kiêm cố vấn thân cận nhất của ông Park, đã bị chỉ trích vì lạm quyền, thậm chí từng sử dụng bạo lực với các quan chức cấp cao. Giám đốc KCIA, Kim Jae-kyu nhiều lần bất đồng với Cha Ji-chul.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm

Trong lúc dùng bữa, câu chuyện dần chuyển sang các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra khắp nơi, đặc biệt là sau khi lãnh đạo đối lập Kim Young-sam (người sau này trở thành Tổng thống Hàn Quốc) bị trục xuất khỏi Quốc hội. Ông Park, với thái độ khó chịu, chất vấn Kim Jae-kyu về việc KCIA đã không dự báo được tình hình, theo Korea Times.

Kim trả lời rằng những người tham gia biểu tình không phải là "phần tử bất hảo" như trước đây vẫn bị cáo buộc, mà là những công dân bình thường, phản ánh bất mãn lan rộng trong xã hội.

Cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng khi ông Park nhắc đến khả năng sử dụng biện pháp bạo lực để trấn áp. Cha Ji-chul lên tiếng, so sánh tình hình với nước ngoài và khẳng định "dù có một hoặc hai triệu người chết, chính quyền vẫn đứng vững". Phát biểu này khiến Kim Jae-kyu, vốn đã bức xúc với Cha, tỏ ra không thể kiềm chế được nữa.

Kim Jae-gyu tái hiện vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee. Nguồn: Văn phòng Lưu trữ Quốc gia Hàn Quốc.

Hành động bộc phát

Khoảng 7h40 tối, Kim Jae-kyu rời phòng ăn, ra lệnh cho các cận vệ KCIA ở bên ngoài, sẵn sàng nổ súng hạ nhân viên an ninh của ông Park nếu nghe thấy tiếng súng trong phòng ăn.

Kim trở lại với một khẩu súng ngắn giấu trong người. Sau khi tranh cãi tiếp tục nổ ra, Kim bất ngờ rút súng bắn Cha Ji-chul, khiến Cha bị thương ở tay. Kim sau đó nhắm vào ông Park và bắn một phát trúng ngực.

Cha Ji-chul cố gắng chạy vào nhà vệ sinh để trốn. Ở bên ngoài, nhân viên an ninh của ông Park và cận vệ KCIA giao chiến, dẫn đến ba nhân viên an ninh bị bắn chết.

Có một sự cố xảy ra là khẩu súng của Kim bị kẹt đạn. Kim ra ngoài lấy một khẩu súng khác từ cận vệ, quay lại bắn chết Cha Ji-chul bằng phát đạn vào bụng và kết liễu ông Park bằng một phát súng sau tai phải.

Tổng thống Park Chung-hee qua đời tại hiện trường, chấm dứt gần hai thập kỷ lãnh đạo đất nước.

Hậu quả chính trị

Cái chết của ông Park đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ. Dưới thời ông, Hàn Quốc từ một quốc gia nghèo đói đã vươn lên thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, được mệnh danh là "kỳ tích sông Hàn". Tuy nhiên, ông Park cũng bị chỉ trích vì các chính sách khắc nghiệt và sử dụng bạo lực để duy trì quyền lực.

Kim Jae-kyu bị lực lượng an ninh Hàn Quốc bắt giữ ngay trong đêm. Kim không tìm cách chạy trốn mà chỉ gọi một chiếc taxi rời khỏi hiện trường. Cuộc điều tra sau đó kết luận hành động của Kim mang tính bộc phát hơn là một âm mưu đảo chính có tổ chức. Việc khẩu súng của Kim bị kẹt đạn là một trong những tình tiết khiến người ta nhận định đây là hành động bộc phát chứ không phải được chuẩn bị kỹ từ trước, Korea Times dẫn thông tin lưu trữ của chính phủ Hàn Quốc.

Tang lễ ông Park được tổ chức ở Seoul năm 1979. Ảnh: Gamma-Rapho/Getty Images.

Kim bị xử tử vào ngày 24/5/1980, cùng với bốn nhân vật khác trong KCIA, những người liên quan trực tiếp đến vụ ám sát.

Chánh văn phòng Kim Gae-won, người cũng có mặt tại hiện trường, bị nghi ngờ biết trước kế hoạch của Kim nhưng không ngăn cản. Tuy nhiên, ông được miễn tội đồng lõa và được ân xá sau đó.

Cuộc đời thay đổi của các nhân chứng

Hai nhân chứng trong vụ việc, Shim Soo-bong và Shin Jae-soon, đều trải qua những biến động lớn sau thảm kịch. Shim không được xuất hiện trên truyền hình suốt nhiều năm, nhưng sau này cô tiếp tục sự nghiệp ca hát và phát hành nhiều album. Trong khi đó, Shin viết một cuốn sách kể lại trải nghiệm đêm đó và chuyển đến sống tại thành phố Los Angeles, Mỹ.

Có thể nói, vụ ám sát Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee không chỉ gây chấn động mà còn trở thành một dấu mốc lịch sử, mở ra giai đoạn chuyển tiếp đầy sóng gió với nền chính trị nước này. Nó là bài học về sự xung đột trong nội bộ quyền lực và những hậu quả khôn lường khi các mâu thuẫn bị đẩy lên đỉnh điểm.

________________________

Sau khi ông Park Chung-hee qua đời, Hàn Quốc rơi vào khoảng trống quyền lực. Chỉ sau hơn một tháng, một cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra dẫn đến chính quyền tiếp tục rơi vào tay quân đội. Đây là một trong những dấu mốc quan trọng nhất ở Hàn Quốc. Mời độc giả cùng tìm hiểu về sự kiện này trong bài kỳ 2:

CUỘC ĐẢO CHÍNH LỊCH SỬ Ở HÀN QUỐC: TƯỚNG QUÂN ĐỘI LẬT ĐỔ THAM MƯU TRƯỞNG, GIÀNH QUYỀN LÀM TỔNG THỐNG

Đăng Nguyễn / Theo: Người Đưa Tin
Link tham khảo:




THỦY TIÊN - NGUYỄN KHUYẾN


Thuỷ tiên - Nguyễn Khuyến

Bất tri thử tử tòng hà lai,
Băng ngọc thiên nhiên nãi nhĩ tài.
Toạ thượng trí chi nhất thạch hải,
Minh triêu hốt kiến sổ hoa khai.
Tịnh quy đại cổ tương hề trạch,
Độc đối suy ông thù khả ai.
Phương xú phân minh thiên tải hậu,
Cách tường đào lý mạc tương sai!


水仙 - 阮勸

不知此子從何來
冰玉天然乃爾裁
座上置之一石海
明朝忽見數花開
并歸大賈將奚擇
獨對衰翁殊可哀
芳臭分明千載後
隔墻桃李莫相猜


Thủy tiên
(Dịch thơ: Trương Việt Linh)

Từ đâu mà lại đến nơi nầy
Cốt cách thiên nhiên vẻ ngọc say
Bể đá đặt vào hôm trước đó
Giò hoa bỗng nở sáng hôm nay
Vào tay phường lái đâu còn chọn
Đối mặt ông già thật tội thay
Để lại ngàn sau thơm lẫn thối
Cách tường đào lý chớ chua cay


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Nguyễn Khuyến 阮勸 (15/2/1835 - 5/2/1909) tự Miễn Chi 勉之, hiệu Quế Sơn 桂山, vốn tên là Nguyễn Thắng 阮勝, sau vua Tự Đức mến tài ban tên Khuyến với nghĩa là đáng khuyến khích. Ông sinh tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông là làng Và, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ. Cha ông là Nguyễn Tông Khởi 阮宗起 (1796-1853), thường gọi là cụ Mền Khởi, đỗ ba khoá tú tài, dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan 陳氏湍 (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc 陳公鐲, từng đỗ tú tài thời Lê Mạt.

Nguồn: Thi Viện

TRUNG QUỐC BẮT ĐẦU MÙA XUÂN VẬN 2025


Trung Quốc khởi động Xuân Vận, "mùa di cư" lớn nhất thế giới, cao điểm di chuyển trước Tết Nguyên đán với hàng tỷ chuyến hồi hương và du lịch.

Trong ảnh, nhân viên đường sắt tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam, kiểm tra tàu cao tốc trước giờ vận hành vào ngày 13/1.

Trong mùa Xuân Vận năm nay, giới chức Trung Quốc dự báo ghi nhận con số kỷ lục 9 tỷ lượt di chuyển. Đợt cao điểm đi lại của người dân Trung Quốc, gồm những chuyến hồi hương hay du lịch, sẽ kéo dài khoảng 40 ngày, khởi động từ ngày 14/1 và kết thúc vào ngày 22/2.

Nhân viên đường sắt kiểm tra tàu cao tốc ở Nam Ninh, Quảng Tây vào ngày 14/1.

Các cơ quan đường sắt và hàng không dân dụng Trung Quốc đang tăng cường năng lực vận hành để đảm bảo giao thông thông suốt.

Trong khoảng thời gian này, Trung Quốc dự báo hơn 510 triệu lượt hành khách sẽ sử dụng hệ thống đường sắt để di chuyển, với trung bình 12,75 triệu lượt hành khách mỗi ngày trên cả nước, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong ngày đầu tiên của đợt cao điểm, giới chức đường sắt ước tính có khoảng 10,3 triệu lượt khách đi tàu.


Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc có kế hoạch vận hành hơn 14.000 chuyến tàu chở khách mỗi ngày, cung cấp thêm 500.000 chỗ ngồi mỗi ngày so với năm trước.

Trung Quốc đã đưa vào khai thác trên toàn quốc 185 tàu cao tốc mới, có thể đạt tốc độ tối đa 350 km/h.

Cảnh sát điều phối hành khách xếp hàng ở nhà ga Trùng Khánh vào ngày 14/1.

Giới chức Trung Quốc nhận định xu hướng di chuyển bằng ôtô chiếm ưu thế trong mùa Xuân Vận 2025, chiếm khoảng 80% tổng số lượt di chuyển liên vùng, với dự báo 7,2 tỷ chuyến đi bằng đường bộ. Các tuyến cao tốc có thể ghi nhận mức kỷ lục về lưu lượng giao thông trong một ngày.


Hình thức đi chung xe cũng được thảo luận phổ biến trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Trên ứng dụng Xiaohongshu, các bài đăng có hashtag "đi chung xe về quê đón Tết" đã thu hút hơn 5,6 triệu lượt xem và gần 180.000 bình luận.

Xe điện cũng là phương tiện được ưa chuộng trong mùa Xuân Vận này. Tính đến tháng 11/2024, Trung Quốc đã lắp đặt tổng cộng 33.100 trạm sạc tại các trạm dừng trên cao tốc, với 97% trong số đó đã được trang bị đầy đủ hệ thống sạc, theo Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc.


Ngành hàng không Trung Quốc cũng dự kiến phục vụ con số kỷ lục 90 triệu lượt hành khách trong dịp lễ. Bình quân có khoảng 18.500 chuyến bay mỗi ngày, tăng 8,4% so với năm 2024.


Một bé trai xin chữ đón xuân từ nghệ nhân ở nhà ga Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Chương trình do chính quyền địa phương tổ chức, tặng tác phẩm thư pháp cho người dân mang theo về quê.

Nghệ nhân kinh kịch Trung Quốc trình diễn ở ga Bắc Trùng Khánh.


Nhân viên Tập đoàn Đường sắt Thượng Hải trình diễn ca nhạc truyền thống trên chuyến tàu C3685, ngày 13/1, rời tỉnh An Huy.

Đây là mùa Xuân Vận đầu tiên kể từ khi Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời cũng là lần đầu tiên kỳ nghỉ Tết ở Trung Quốc được kéo dài đến 8 ngày.


Một bé trai cầm tấm biển với dòng chữ "Về quê đón Tết" trên đoàn tàu số hiệu K4159 rời ga Tây Bắc Kinh.

Thanh Danh (Theo AFP, Xinhua, Reuters)




GIẢI MÃ KÊNH ĐÀO PANAMA - KỲ CUỐI: THỦY LỘ CHIẾN LƯỢC LẠI GẶP NẠN TRỜI

Nếu như chuyến tàu đầu tiên khánh thành kênh đào Panama năm 1914 là chiếc SS Ancon của công ty Mỹ Boston Steam Ship có trọng tải 9.600 tấn với mớn nước 8,8m thì về sau những con tàu qua con kênh đào này lớn hơn gấp nhiều lần.

Kênh đào Panama được mở rộng - Ảnh: safety4sea.com

Theo xu hướng phát triển hàng hải thế giới, kích thước tàu ngày càng tăng đã khiến kênh đào Panama dần trở nên chật hẹp.

Thủy lộ huyết mạch dài 82km nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương qua eo đất hẹp Panama được Mỹ đào từ đầu thế kỷ 20 buộc phải tiếp tục mở rộng, nếu không thì ngày con kênh này bị tắc nghẽn sẽ chẳng còn xa...

Dự án mở rộng kênh đầy trắc trở

Hơn 100 năm kể từ thời điểm bắt đầu thông luồng năm 1914, lịch sử vận hành kênh đào Panama liên tục tăng. 1999, năm cuối cùng của thế kỷ 20 bước sang thiên niên kỷ mới và cũng là thời điểm Mỹ chính thức chuyển giao quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào về đất mẹ Panama, thủy lộ này đã đón 14.336 tàu với tổng tải trọng gần 228 triệu tấn.

Nhìn chung đây là con kênh đào khá an toàn mặc dù nó có quy thức vận hành rất đặc biệt với hệ thống âu thuyền hoạt động như "thang máy nước" để đưa tàu vào - ra con kênh vốn cao hơn mực nước biển trung bình đến 26m.

Tuy nhiên nếu xem xét lại cụ thể các lộ trình thì từng có những trục trặc xảy trên kênh đào, mà gần nhất lại chính là chiến hạm USS Montgomery hiện đại của hải quân Mỹ.

Khi băng kênh đào từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương, chiến hạm này bị thủng phần thân tàu ngay dưới buồng lái. Vết thủng có đường kính rộng tới 0,5m và chỉ cách mặt nước khoảng 2,5m nên được đánh giá là tai nạn nghiêm trọng với chiến hạm mới xuất xưởng.

Hải quân Mỹ đã vào cuộc điều tra và chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố quá tải của con kênh đào chiến lược.

Thật ra ngay trong thế kỷ 20, Mỹ cũng đã có kế hoạch mở rộng kênh đào này nhưng phải đến đầu thế kỷ 21 việc lớn lao đó mới được chính người Panama tự thực hiện.

Tháng 9-2007, dự án được Chính phủ Panama triển khai với mục tiêu mở rộng kênh đào bằng luồng âu tàu thứ ba có thể đáp ứng các con tàu hàng chở đến 12.000 container, nhiều hơn gấp đôi so với trước.

Chiều rộng thông tàu của cửa kênh mới là 55m, trong khi cửa cũ chỉ có 34m và chiều sâu mớn nước từ 12m tăng lên đến 18m. Khi hoàn thành dự án, kênh sẽ đạt công suất trung chuyển gấp đôi với 600 triệu tấn mỗi năm thay vì 300 triệu tấn.

Khả năng mới này sẽ đem lại cho Panama mỗi năm hơn 3 tỉ đô la là chi phí các hãng tàu phải trả và nó sẽ vượt gấp đôi so với trước.

Ban đầu cũng có nhiều ý kiến lo ngại năng lực triển khai dự án của Panama. Họ nhắc lại người Pháp đã mất hơn 20 năm cho việc đào kênh cuối thế kỷ 19 mà vẫn thất bại, người Mỹ vào thay với nhân - vật lực đều hùng hậu hơn nhưng cũng phải mất hơn 10 năm.

Đó là chưa kể quốc gia vùng Trung Mỹ này có điều kiện rất khắc nghiệt với lượng mưa nhiều sẽ ảnh hưởng đến thi công, đặc biệt là nguy cơ động đất rất cao.

Sau đó, chủ đầu tư ở Panama đã mời ba công ty liên doanh quốc tế nộp hồ sơ tham gia đấu thầu.

Ngoài Công ty liên doanh Mỹ Bechtel được đánh giá có năng lực nhất và thực hiện thành công nhiều dự án lớn trên thế giới còn có liên doanh Công ty Grupo Unidos por el Canal của Tây Ban Nha, Panama, Ý và Bỉ...

Mặc dù được đánh giá không bằng Bechtel nhưng sau 15 tháng với nhiều vòng đàm phán quyết liệt, Công ty liên doanh Grupo Unidos por el Canal đã trúng thầu với mức giá ban đầu là 3,1 tỉ đô la (thực tế khi hoàn thành là hơn 5 tỉ đô la).

Đúng như dự đoán, khi bắt tay vào thực hiện thi công, liên doanh nhà thầu này đã gặp rất nhiều trục trặc, kể cả những bất đồng không đáng có từ cung cách làm việc khác nhau đến từ bốn quốc gia Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Panama.

Hợp đồng cam kết hoàn tất vào năm 2014 đúng kỷ niệm 100 năm khánh thành con kênh đào. Các phần việc thi công được thực hiện trong 1.883 ngày để đáp ứng tiến độ.

Trong khi đó, phía chủ đầu tư là Cơ quan quản lý kênh đào đưa ra những yêu cầu kỹ thuật cao hơn kỹ thuật người Mỹ vào thời điểm đầu thế kỷ 20.

Các cửa kênh, luồng âu tàu không chỉ rộng hơn, dài hơn, sâu hơn để đáp ứng được các con tàu hiện đại khổng lồ, mà còn phải tiết kiệm được nước khi vận hành các âu tàu này.

Một vấn đề rất được chú ý ở kênh đào Panama khi mỗi con tàu qua đây đã làm thất thoát mất 200 triệu khối nước ngọt ra biển vì kỹ thuật vận hành ở các âu tàu gần cửa biển.

Những khó khăn khác cũng dần bộc lộ theo tiến độ công trình. Trong đó có cả vấn đề lớn là kỹ thuật trộn bê tông không đạt tiêu chuẩn yêu cầu làm chảy nước vách ngăn âu tàu. Các kỹ sư Bỉ bất đồng và rút đi.

Tiến độ thực hiện dự án bị chậm trễ hẳn cùng với chi phí phát sinh tăng chóng mặt khiến các nhà thầu đứng trước nguy cơ lỗ nặng...

Đến đầu năm 2015, ông Giuseppe Quarta phải đến công trình Panama, thay thế người tiền nhiệm đã thất bại, để tiếp quản trọng trách lãnh đạo liên doanh tiếp tục việc thi công trong tình hình khủng hoảng tài chính, bất đồng gay gắt với đối tác cung cấp nguyên vật liệu.

Đặc biệt, hình ảnh các vách tường vẫn đang trong tình trạng thi công hư hỏng nặng bị lọt ra báo chí ngay thời điểm lẽ ra phải hoàn thành kênh đào như hợp đồng.

Kênh đào Panama sẽ đối mặt với vấn đề thiếu nước ngày càng gay gắt hơn - Ảnh: Cơ quan quản lý kênh đào Panama

Những vấn đề mới phát sinh

Cuối cùng sau khi phải vượt qua rất nhiều khó khăn, dự án mở rộng kênh đào Panama cũng được hoàn thành ngày 26-6-2016. Tuyên bố khánh thành kênh đào Panama mở rộng, Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đã phát biểu đầy ý nghĩa: "Đây là tuyến đường kết nối thế giới".

Tính ra dự án kéo dài chín năm, đã bị trễ hai năm so với hợp đồng, làm đội vốn đầu tư lên gần 5,5 tỉ đô la. Người ta đã nói rằng con kênh đào này bị "dớp" lịch sử: người Pháp mất hai thập niên vẫn không hoàn thành, người Mỹ mất 10 năm và người Panama cũng phải mất chín năm.

Tuy nhiên vấn đề đội vốn đầu tư cũng không đáng lo ngại với Panama vì các tính toán chỉ sau ba năm họ sẽ lấy lại được vốn từ nguồn thu các con tàu trung chuyển.

Đến giai đoạn này, vấn đề trầm trọng mới phát sinh nan giải với họ không phải do yếu tố con người hay kỹ thuật nữa, mà lại chính từ... ông trời.

Tình trạng biến đổi khí hậu khiến quốc gia vùng Trung Mỹ giảm lượng mưa. Đầu năm 2024 hạn hán nghiêm trọng gây ra vấn đề lớn đối với Panama khi kênh đào bị hụt nước ảnh hưởng đến khả năng thông tàu.

Hồ Gatun là nguồn nước ngọt để vận hành các âu tàu qua kênh đào đã không thể hoạt động như bình thường vì thiếu nước. Số lượng tàu hàng chuyên chở container từ 32 tàu mỗi ngày vào năm 2023 đã giảm chỉ còn 20 tàu mỗi ngày trong đầu năm 2024.

Đặc biệt trong khi đó lượng hàng hóa tàu chở cũng phải giảm xuống vì mớn nước bình thường là 15m đã hạ chỉ còn 13m.

Tình trạng kênh đào Panama gặp nạn hạn hán này được các nhà khoa học cho rằng sẽ lặp lại thường xuyên vì xu hướng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt hơn.

Trong khi đó, Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump lại rục rịch tuyên bố "lấy lại" đường thủy do chính người Mỹ làm. 111 năm đã trôi qua kể từ năm 1914 kênh đào Panama được khánh thành, thủy lộ chiến lược vẫn luôn nóng rực thời sự nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương…
Ngoài ra, tương lai kênh đào Panama còn bị đe dọa cạnh tranh từ dự án kênh đào của quốc gia láng giềng Nicaragua.

Cụ thể chính phủ và quốc hội nước này đã thông qua Đạo luật 840 năm 2012 nhằm nhượng quyền cho một công ty Trung Quốc đầu tư, xây dựng và quản lý kênh đào trong 50 năm kèm điều khoản gia hạn thêm 50 năm tiếp theo.

Chiều dài kênh đào Nicaragua 278km với vốn đầu tư 50 tỉ USD, dự kiến động thổ năm 2014 và hoàn thành sau năm năm.

Mới đây Quốc hội Nicaragua đã hủy bỏ dự án vì công ty đối tác chậm thi công do thiếu năng lực, cũng như vấp phải sự phản đối của người dân Nicaragua. Tuy nhiên giới lãnh đạo nước này vẫn tuyên bố sẽ nỗ lực tiếp tục dự án.
Thùy Chi / Theo: TTO

Tuesday, January 21, 2025

TỔNG THỐNG MỸ CÓ QUYỀN LỰC ÂN XÁ THẾ NÀO

Tổng thống Mỹ có quyền ân xá cho bất cứ công dân nào phạm tội, nhưng chỉ áp dụng ở cấp liên bang và có thể phải trả giá chính trị nếu sử dụng không phù hợp.


Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/12 thông báo đã ký lệnh ân xá "toàn diện và vô điều kiện" cho Hunter Biden, đồng nghĩa con trai ông sẽ không bị truy tố hay lĩnh án vì "những hành động đã hoặc có thể đã thực hiện trong giai đoạn từ ngày 1/1/2014 đến 1/12/2024", tránh được các bản án dự kiến được tuyên trong tháng này.

Ân xá là một trong những đặc quyền của tổng thống Mỹ được quy định trong hiến pháp. Điều 2, Mục 2, Khoản 1 hiến pháp Mỹ ghi "Tổng thống có quyền hoãn thi hành án và ân xá với các tội danh chống lại nước Mỹ, ngoại trừ những trường hợp bị luận tội".

Tổng thống Mỹ có thể thực hiện quyền ân xá bất cứ khi nào trong nhiệm kỳ, nhưng họ thường tận dụng đặc quyền này để miễn hình phạt cho bạn bè, nhà tài trợ, đồng minh chính trị trong ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, hay còn gọi là "lệnh ân xá lúc nửa đêm".

Một số ông chủ Nhà Trắng đã ân xá cho người thân, nhưng ông Biden là lãnh đạo Mỹ đầu tiên dùng quyền này với con trai. Ông cũng là một trong số ít tổng thống Mỹ ký lệnh ân xá cho người thân không phải vào ngày cuối nhiệm kỳ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 1/12. Ảnh: AFP

Tòa án Tối cao Mỹ mô tả quyền ân xá của tổng thống là "toàn diện", tức có phạm vi khá rộng và thường không chịu sự điều chỉnh của quốc hội. Tuy nhiên, quyền này có một số hạn chế là chỉ áp dụng với người phạm tội liên bang, không áp dụng cho các vụ kiện dân sự và không thể can thiệp vào các vụ truy tố cấp bang.

Người bị kết tội thường sẽ gửi đơn đến Phòng Ân xá thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, bộ phận hỗ trợ tổng thống thực thi quyền này. Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu người xin ân xá phải chờ ít nhất 5 năm sau khi lĩnh án hoặc đã ra tù trước khi nộp đơn.

Phòng Ân xá sau đó sẽ đưa ra khuyến nghị có chấp thuận đơn hay không, dựa trên các yếu tố như cách họ hành xử sau khi lĩnh án, mức độ nghiêm trọng của tội danh và đã chịu trách nhiệm thế nào. Công tố viên phụ trách vụ truy tố tương ứng cũng sẽ được đề nghị tham gia quy trình.

Phòng Ân xá gửi báo cáo cho Thứ trưởng Tư pháp để bổ sung ý kiến, trước khi chuyển đến Nhà Trắng, nơi Tổng thống ra quyết định cuối cùng. Thời điểm ân xá thường là gần Lễ Tạ ơn hoặc Giáng sinh.

Tổng thống Mỹ cũng có thể ký lệnh ân xá trước khi người đó bị kết tội, trường hợp được áp dụng đối với Hunter.

Trong nhiệm kỳ, ông Biden đã ký một số lệnh ân xá theo khuyến nghị từ Bộ Tư pháp nhằm thực hiện các đợt trao đổi tù nhân với nước ngoài, giảm án cho hơn 6.500 người bị kết án vì tàng trữ cần sa.

Tuy nhiên, quyền ân xá cũng là "con dao hai lưỡi", có thể gây hệ lụy chính trị đáng kể, đặc biệt là nếu dùng cho những vụ án gây tranh cãi hoặc tội phạm tai tiếng. Đây là lý do "lệnh ân xá lúc nửa đêm" ra đời, khi tổng thống Mỹ chờ đến những giờ phút cuối cùng của nhiệm kỳ để ân xá cho ai đó thuộc nhóm này.

Cựu tổng thống Gerald Ford và Bill Clinton là những người đứng sau một số lệnh ân xá gây nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. ( AP, Reuters: Gary Cameron )

Ngày 20/1/2001, vài giờ trước khi chuyển giao quyền lực cho ông George W. Bush, ông Bill Clinton đã ký lệnh ân xá cho 140 người, trong đó có em trai cùng mẹ khác cha Roger Clinton Jr.. Roger lĩnh án tù vì tàng trữ và buôn bán ma túy năm 1985. Lệnh ân xá của ông Clinton giúp em trai xóa án tích và đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ dùng quyền này với người trong gia đình.

Trường hợp thứ hai là khi ông Donald Trump ân xá cho ông thông gia Charles Kushner, bố của con rể Jared Kushner, vào tháng 12/2020. Ông Charles Kushner từng lĩnh án hai năm tù năm 2005 cho 18 tội danh, trong đó có trốn thuế và mua chuộc nhân chứng. Quyết định ân xá của ông Trump đã giúp ông thông gia xóa án tích.

Hiến pháp Mỹ không quy định trường hợp tổng thống tự ân xá. Vấn đề làm dấy lên tranh cãi sau khi ông Trump nhắc đến khả năng này vào những ngày cuối nhiệm kỳ tháng 1/2021, nhằm tránh bị truy tố sau khi rời Nhà Trắng. Lịch sử Mỹ cũng chưa ghi nhận trường hợp tổng thống nào tự ân xá.

Một số chuyên gia pháp lý nói câu trả lời là "không", trích quan điểm của Bộ Tư pháp Mỹ trước khi ông Richard Nixon phải từ chức vì bê bối Watergate năm 1974. Cơ quan này cho rằng ông Nixon không thể tự ân xá vì "nguyên tắc cơ bản là không ai được phép làm thẩm phán trong vụ kiện của chính họ".

Ông Nixon sau đó được ân xá bởi người kế nhiệm Gerald Ford, quyết định đến nay vẫn gây tranh cãi. Một số cho rằng ông Ford đã có lựa chọn khó khăn nhưng đúng đắn, số khác nói hành động này khiến ông thất cử năm 1976.

Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu ở Washington ngày 13/11. Ảnh: AP

Ông Trump năm 2023 đối mặt 4 vụ truy tố, gồm hai vụ cấp bang và hai vụ cấp liên bang, một lần nữa làm dấy lên câu hỏi về quyền tự ân xá của ông chủ Nhà Trắng. Cựu tổng thống từng trả lời phỏng vấn NBC News rằng "tự ân xá là điều sau cùng ông muốn làm".

Sau khi ông Trump đắc cử, công tố viên đặc biệt Jack Smith đã từ bỏ hai vụ truy tố cấp liên bang mà ông phụ trách. Trong khi đó, hai vụ truy tố cấp bang khả năng cao sẽ tạm dừng cho đến khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ hai.

Như Tâm (Theo AP, ABC News)
Link tham khảo:





NHỮNG PHỤ NỮ CAO TUỔI NHẬT BẢN PHẠM PHÁP ĐỂ ĐƯỢC NGỒI TÙ

Tại hành lang nhà tù nữ Tochigi, nhiều phạm nhân cao tuổi lê bước chậm rãi, phải bám vào bờ tường để đi cho vững hoặc dùng xe tập đi.

For Many of Japan’s Elderly Women, Prison Is a Haven (Bloomberg Businessweek)

Nhà tù nữ Tochigi là trung tâm giam giữ phụ nữ lớn nhất Nhật Bản. Những người thụ án ở đây phản ánh xã hội già hóa bên ngoài, cũng như tình trạng cô độc của người cao tuổi Nhật Bản. Một số quản giáo cho biết vấn nạn cô độc nghiêm trọng đến nỗi một số tù nhân lớn tuổi chỉ muốn ngồi sau song sắt đến chết.

"Thậm chí có những người muốn trả 20.000-30.000 yen (130-190 USD) mỗi tháng để sống ở đây vĩnh viễn", Takayoshi Shiranaga, quản giáo tại nhà tù nữ Tochigi nói, trong lần hiếm hoi nhà tù đồng ý gặp gỡ truyền thông hồi tháng 9/2024.

"Có rất nhiều người tốt trong nhà tù này. Đây có lẽ là cuộc sống ổn định nhất với tôi", Akiyo, phạm nhân 81 tuổi, đang thụ án vì tội ăn cắp vặt đồ ăn, bày tỏ.

Những nữ phạm nhân ở Tochigi phải làm việc trong các nhà máy của nhà tù, nhưng nhiều người không coi lao động là vấn đề lớn. Họ được ăn uống, chăm sóc sức khỏe miễn phí, lại có người bầu bạn, điều họ thiếu ở cuộc sống bên ngoài.

Yoko, 51 tuổi, đang thụ án tội danh ma túy lần thứ 5 trong vòng 25 năm qua, cho biết mỗi khi quay lại, bà thấy các phạm nhân ở Tochigi ngày càng già hóa. "Một số cố tình phạm pháp để được vào tù lần nữa, nếu hết tiền", bà Yoko nói.

Nhà tù nữ Tochigi ở Nhật Bản. Ảnh: CNN

Đây là lần thứ hai bà Akiyo ngồi tù vì tội trộm đồ ăn, sau lần thụ án đầu tiên những năm ngoài 60 tuổi. "Tôi sẽ không làm vậy nếu có cuộc sống thoải mái, tài chính ổn định", bà Akiyo giải thích.

Thời điểm thực hiện vụ trộm thứ hai, bà Akiyo phải sống vật lộn với khoản lương hưu "rất khiêm tốn", được trả hai tháng một lần.

"Khi còn chưa đầy 40 USD, trong khi hai tuần nữa mới có lương hưu, tôi đã có quyết định tồi tệ là ăn trộm vặt, nghĩ đó chỉ là vấn đề nhỏ", bà nhớ lại. Trước khi vào tù, con trai 43 tuổi sống cùng bà đã nói: "Con ước rằng mẹ biến mất".

"Sau đó tôi không còn quan tâm đến những gì xảy ra xung quanh nữa. Tôi nghĩ mình sống chẳng có ý nghĩa gì, chỉ muốn chết", cụ bà 81 tuổi nói.

Trộm cắp là tội danh phổ biến nhất mà các tù nhân lớn tuổi ở Nhật Bản phạm phải, đặc biệt là ở nữ giới. Theo thống kê của chính phủ năm 2022, 80% phạm nhân nữ đang phải thụ án trong các nhà tù trên toàn quốc là do tội trộm cắp.

Một số người như bà Akiyo làm vậy để "sinh tồn". Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), 20% người Nhật Bản trên 65 tuổi sống trong cảnh nghèo đói, so với mức trung bình 14,2% của 38 quốc gia thành viên.

"Nhiều người tìm đến nhà tù vì lạnh hoặc đói. Họ còn được điều trị y tế miễn phí khi ngồi tù, nhưng sẽ phải tự trả tiền khi tự do, nên một số người muốn ở lại đây lâu nhất có thể", quản giáo Shiranaga cho hay.

Nữ phạm nhân trong buồng giam ở nhà tù Tochigi, Nhật Bản. Ảnh: PC

Lượng tù nhân trên 65 tuổi ở Nhật Bản tăng gấp 4 lần từ năm 2003 đến 2022, làm thay đổi bản chất xử phạt của án tù. 20% phạm nhân ở nhà tù nữ Tochigi là người cao tuổi, buộc nhà tù phải điều chỉnh cơ chế quản lý tù nhân phù hợp.

"Chúng tôi đang phải thay bỉm cho họ, giúp họ ăn uống, tắm rửa", Shiranaga nói. "Nơi đây giờ giống viện dưỡng lão hơn là nhà tù".

Megumi, một quản giáo khác, cho biết một phần vấn đề là các phạm nhân không được hỗ trợ đầy đủ, hiệu quả khi mãn hạn tù, tái hòa nhập xã hội. "Khi về với cuộc sống bình thường, họ không có ai chăm sóc. Một số bị gia đình bỏ rơi sau nhiều lần phạm pháp. Họ không có nơi nào để về".

Giới chức Nhật Bản thừa nhận vấn đề này. Bộ Phúc lợi từ năm 2021 đã tăng cường can thiệp sớm, cải thiện khả năng hỗ trợ người cao tuổi dễ bị tổn thương trong các trung tâm cộng đồng. Bộ Tư pháp cũng triển khai các chương trình riêng cho phạm nhân nữ, hướng dẫn tự lập, định hướng các mối quan hệ gia đình.

Nhóm dân cao tuổi ở Nhật Bản đang tăng nhanh. Nước này dự kiến cần 2,72 triệu điều dưỡng viên vào năm 2040 để chăm sóc người cao tuổi. Chính phủ đang nỗ lực khuyến khích người trẻ, thu hút lao động nước ngoài tham gia ngành điều dưỡng.

Khoảng trống này hiện hữu rõ nét tại nhà tù Tochigi, khi các quản giáo phải chủ động yêu cầu những phạm nhân có kinh nghiệm điều dưỡng chăm sóc cho các bạn tù cao tuổi khác. Một trong những người như vậy là Yoko, 51 tuổi, thụ án vì tội danh ma túy.

Một phạm nhân nữ lớn tuổi trong khuôn viên nhà tù Tochigi, Nhật Bản. Ảnh: PC

Nhà tù tiếp tục chật kín phạm nhân tóc hoa râm. Cụ bà Akiyo mãn hạn tù hồi tháng 10/2024. Trả lời các phóng viên một tháng trước khi được trả tự do, bà cho biết bản thân vô cùng xấu hổ, sợ phải đối mặt với con trai.

"Ở một mình rất khó khăn. Tôi rất xấu hổ khi rơi vào hoàn cảnh này. Nếu mạnh mẽ hơn, tôi có thể đã có cuộc sống khác. Nhưng giờ tôi đã quá già", bà nói.

Đức Trung (Theo CNN, Japan Times, Nikkei, Manichi)
Link tham khảo:





TÂY TÁI SƠN HOÀI CỔ - LƯU VŨ TÍCH


Tây Tái sơn hoài cổ

Vương Tuấn lâu thuyền há Ích Châu,
Kim Lăng vương khí ảm nhiên thâu.
Thiên tầm thiết toả trầm giang để,
Nhất phiến hàng phan xuất Thạch Đầu.
Nhân thế kỷ hồi thương vãng sự,
Sơn hình y cựu chẩm hàn lưu.
Tòng kim tứ hải vi gia nhật,
Cố luỹ tiêu tiêu lô địch thu.

Núi Tây Tái nay ở huyện Đại Trị, tỉnh Hồ bắc, xưa là nơi Tôn Sách đánh Hoàng Tổ. Có sách nói rằng Lưu Vũ Tích cùng Vị Sở Khách, Nguyên Chẩn đến chơi nhà Bạch Cư Dị. Trong tiệc rượu, bốn người này ước hẹn mỗi người làm một bài thơ Kim Lăng hoài cổ. Sau khi Vũ Tích làm xong bài Tây Tái sơn hoài cổ, Bạch Cư Dị thán phục nói: trong bốn người đi kiếm loài ly long, bác đã bắt được ngọc châu trước, còn lại vẩy móng, thì dùng làm gì nữa! Rồi cả ba người đều thôi không làm tiếp.


西塞山懷古

王濬樓船下益州
金陵王氣黯然收
千尋鐵鎖沈江底
一片降旛出石頭
人世幾回傷往事
山形依舊枕寒流
從今四海為家日
故壘蕭蕭蘆荻秋


Nghĩ lại chuyện xưa ở núi Tây Tái
(Dịch thơ: Trần Trọng San)

Vương Tuấn xuôi thuyền xuống Ích Châu,
Kim Lăng vương khí ủ ê rầu.
Đáy sông chằng chịt giăng xiềng sắt,
Cờ trắng lơ thơ ló Thạch Dầu.
Nhân thế bao lần thương chuyện cũ,
Hình non còn gối lạnh dòng sâu.
Từ nay bốn bể nhà chung một,
Lũy cũ, lau thu tiếng xạc xào.


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Vân, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Văn bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.

Nguồn: Thi Viện



GIẢI MÃ KÊNH ĐÀO PANAMA - KỲ 6: KÊNH ĐÀO PANAMA VỀ ĐẤT MẸ

Thế giới bước sang thập niên 1970 với tình hình Chiến tranh lạnh hết sức căng thẳng. Các phong trào đòi độc lập được khích lệ từ những chiến thắng trước đó, cũng như được sự hỗ trợ từ các lực lượng quốc tế mà nhất là Liên Xô.

Tổng thống Jimmy Carter và lãnh đạo Panama Omar Torrijos ký hiệp ước kênh đào Panama năm 1977 - Ảnh: Cơ quan Lưu trữ và quản lý hồ sơ quốc gia Mỹ

Những cuộc biểu tình đòi trả lại kênh đào cho Panama buộc Mỹ phải có giải pháp chính trị phù hợp, chứ không thể cử chiến hạm đổ bộ thêm binh lính phòng vệ "chủ quyền Mỹ" ở the Canal Zone như trước nữa.

Nỗ lực xoa dịu từ các đời tổng thống Mỹ

Nếu như Tổng thống Mỹ thứ 26 Theodore Roosevelt đã cho đào thành công kênh Panama và lấy quyền kiểm soát về Mỹ, thì tổng thống thứ 39 Jimmy Carter chính là người đã trả lại con kênh này sau gần 100 năm nó soi bóng ngọn cờ hoa.

Thật ra, những nỗ lực lẫn áp lực buộc phải thay đổi Hiệp ước Hay-Bunau Varilla năm 1903 trao quyền đào kênh và quản lý vĩnh viễn cho người Mỹ đã xuất hiện từ sớm trước nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter.

Sau cuộc biểu tình đẫm máu ngày 9-1-1964 được gọi là Ngày cảm tử của phong trào sinh viên Panama ở vùng kênh đào dẫn đến nhiều thương vong cho cả hai phía, Tổng thống Panama Roberto Chiari đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao hoàn toàn với Mỹ.

Tình hình căng thẳng buộc ông Lyndon B. Johnson phải có giải pháp xoa dịu bằng một hiệp ước mới "vừa lòng cả hai bên", nhưng nhiệm kỳ hơn năm năm từ 1963 đến 1969 của vị tổng thống thứ 36 nước Mỹ này đã không thể hoàn thành.

Nhiều người Mỹ phản đối trả lại kênh đào Panama vì cho rằng Mỹ đã đầu tư quá nhiều vào đây. Ảnh cổng âu tàu do kỹ sư Mỹ thực hiện đầu thế kỷ 20, giải pháp rất khó thực hiện và tốn kém lúc đó - Ảnh: Daily Mail

Cũng như người tiền nhiệm John F. Kennedy (bị ám sát chết ngày 22-11-1963 và Phó tổng thống Lyndon B. Johson lên kế nhiệm), ông đã bị áp lực từ chính nội tại nước Mỹ.

Nhiều nghị sĩ cầm lá phiếu đại cử tri đầy quyền lực ở cả hạ viện và thượng viện đều cho rằng việc hoàn trả kênh đào Panama là phản bội quyền lợi nước Mỹ. Nhiều người Mỹ có quyền lực được sinh ra ở chính vùng kênh đào Panama.

Trong đó có thượng nghị sĩ McCain sinh ngày 29-8-1936 tại Căn cứ Không quân Coco Solo thuộc the Canal Zone do Mỹ kiểm soát. Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Phi Kenneth B. Clark nổi tiếng với phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và được giải Nobel hòa bình cũng sinh ra tại đây.

Những năm đầu thập niên 1970, Kissinger, một nhân vật đặc biệt của Chính phủ Mỹ, đã trực tiếp và gián tiếp liên quan đến sự thay đổi của nhiều cục diện địa chính trị thế giới, cũng tìm cách giải quyết "ân oán" với Panama xoay quanh chủ quyền con kênh đào.

Vị cố vấn an ninh - ngoại trưởng dưới hai nhiệm kỳ Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford đặc biệt quan tâm đến vấn đề Panama trong bối trong cảnh khu vực Trung Mỹ nhiều diễn biến phức tạp theo chiều hướng vượt khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Kissinger đã tiến hành đàm phán. Vị ngoại trưởng Mỹ và người đồng cấp Panama Juan Antonio Tack đã ra được một tuyên bố chung về hướng giải quyết hòa bình, đồng thời bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở hai nước để tiếp tục đàm phán, nhưng kết cục cuối cùng phải chờ đến nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter đại diện cho Đảng Dân chủ.

Giải pháp cuối cùng của Jimmy Carter

Ngay sau khi đắc cử kế nhiệm Gerald Ford, Tổng thống Jimmy Carter đã đối diện nhiều vấn đề quốc tế phức tạp, trong đó có phong trào bền bỉ đòi chủ quyền kênh đào Panama, vụ khủng hoảng nghiêm trọng con tin tại Iran, vấn đề Israel và Ai Cập…

Lý do vị tổng thống thứ 39 của nước Mỹ nỗ lực giải quyết vấn đề Panama cũng không có gì lạ khi đây là một "điểm nóng" phản đối Mỹ dai dẳng suốt hàng chục năm mà nhiều đời tổng thống xứ cờ hoa không thể giải quyết thành công.

Toàn cảnh khu âu thuyền thay đổi mực nước kênh đào Panama từ trên cao. Phíaxa là một con tàu chở đầy container đang tiến vào - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Đặc biệt, điểm nóng địa chính trị Panama nếu không giải quyết dứt điểm được sẽ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người Mỹ tại vùng kênh đào mà còn là cớ "đẩy" các quốc gia khu vực ngày càng ngả vào quỹ đạo ảnh hưởng của Liên Xô.

Tốt nghiệp loại ưu ở Học viện Hải quân Mỹ và từng là sĩ quan phục vụ cho cả hai hạm đội Thái Bình Dương - Đại Tây Dương được kết nối bằng kênh đào Panama, ông Jimmy Carter nhận thức rõ Mỹ không thể từ bỏ thủy lộ chiến lược này.

Tuy nhiên tình hình thập niên 1970 của thế giới song cực Chiến tranh lạnh, Mỹ không thể dùng tiền hay áp lực chiến hạm để giải quyết vấn đề Panama như hồi đầu thế kỷ 20...

Trên nền tảng các đàm phán trước đó, ngày 7-9-1977 Tổng thống Jimmy Carter đã ký kết chính thức với Tư lệnh cảnh vệ quốc gia Panama Omar Torrijos có quyền hạn như một tổng thống (thực tế Panama giai đoạn này không có tổng thống chính thức) hiệp ước về việc trao trả lại kênh đào Panama.

Bằng những lời lẽ mạnh mẽ nhưng khéo léo, ông Jimmy Carter nói rằng trên vị thế là một cường quốc hùng mạnh, Mỹ tôn trọng và đối xử công bằng với một quốc gia dù nhỏ hơn nhưng có chủ quyền và tự tôn dân tộc.

Thay đổi hoàn toàn so với hiệp ước đã ký năm 1903, hiệp ước mới này mang tính bước ngoặt: công nhận Panama có chủ quyền lãnh thổ trong the Canal Zone - vùng kênh đào, từ đây các hoạt động của người Mỹ khu vực này phải theo pháp luật Panama.

Tuy nhiên, hiệp ước vẫn cho phép Mỹ được quyền tiếp tục vận hành kênh đào thêm 22 năm nữa cho đến ngày chính thức trao trả 31-12-1999, đúng thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới.

Điều đặc biệt là hiệp ước năm 1977 cũng quy định sự trung lập vĩnh viễn của kênh đào. Mỹ được quyền điều động quân đội nếu cần thiết để bảo đảm thủy lộ huyết mạch nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương luôn được vận hành thông suốt.

Đông đảo du khách trực tiếp chứng kiến tàu bè qua lại trạm Miraflores Locks thuộc kênh đào Panama - Ảnh: TRUNG NGHĨA

Một ủy ban kênh đào gồm năm người Mỹ và bốn người Panama cũng được thành lập để kiểm soát kênh đào cho đến ngày được trao trả hoàn toàn. Có lẽ là do Mỹ rút kinh nghiệm từ sự kiện Ai Cập đóng cửa kênh đào chiến lược Suez suốt mấy tháng từ năm 1956 sang 1957 trong cuộc chiến với Israel...

Tuy nhiên thực tế hiệp ước đã không được thông qua dễ dàng trong chính nội tình nước Mỹ. Phe phản đối mà chủ yếu từ Đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đã chịu thiệt thòi, trao một tài sản quá lớn do chính người Mỹ tạo thành (đào kênh) trong suốt 10 năm với số tiền và xương máu khổng lồ.

Đặc biệt là họ cũng không đồng tình việc Mỹ ký kết hiệp ước với tướng Omar Torrijos được cho là "nhà độc tài" đã tiếm đoạt quyền tổng thống hợp hiến của Panama.

Cuối cùng, cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện vẫn thông qua được hiệp ước của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter với tỉ lệ thắng sít sao chỉ đúng một lá phiếu. Vấn đề phức tạp 100 năm đến đây coi như đã được giải quyết, Mỹ chính thức đồng ý hoàn trả lại kênh đào cho đất mẹ Panama, dù thực tế việc thực hiện còn phải đợi thêm 22 năm nữa…
Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhiều lãnh đạo các quốc gia đã được Panama mời tham dự lễ nhận lại kênh đào cuối năm 1999. Nhân vật đặc biệt đã ký kết hiệp ước hoàn trả kênh đào, ông Jimmy Carter phát biểu ngắn gọn: "Người Panama, kênh đào thuộc về các vị".

Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Panama Mireya Moscoso kéo cờ lên tòa nhà quản lý kênh đào. Nhiều người dân quốc gia Trung Mỹ đã coi ngày vui này như là Ngày độc lập thứ hai của họ sau ngày Panama tuyên bố độc lập khỏi Colombia vào năm 1903.
Dự án mở rộng kênh đào Panama gặp khó khăn nhưng vẫn được hoàn thành. Tuy nhiên, thủy lộ chiến lược này lại gặp khó khăn lớn… từ ông trời vì hạn hán gây thiếu nước để vận hành.

Kỳ cuối: Kênh đào Panama lại gặp nạn trời

Thùy Chi / Theo: TTO

Monday, January 20, 2025

ĐỐI THỦ CỦA CHIẾC MŨ MAGA BẤT NGỜ GÂY SỐT

Chiếc mũ "Canada không phải để bán" của thủ hiến Ontario bất ngờ nổi lên như một biểu hiện đoàn kết giữa những lời đe dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Ông Doug Ford đội chiếc mũ "Canada không phải để bán". Ảnh: David Kawai/Bloomberg.

Ít có món đồ nào lột tả chủ nghĩa dân tộc cực hữu của Mỹ trong thế kỷ XXI rõ nét bằng chiếc mũ lưỡi trai đỏ “Make America Great Again” (viết tắt là MAGA - tạm dịch: Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) mà ông Donald Trump vẫn hay đội và quảng bá. Nhưng tuần rồi, chiếc mũ gây sốt và cũng gây không ít tranh cãi đó dường như đã gặp đối thủ xứng tầm.

Trước cuộc họp quan trọng với các lãnh đạo Canada để chuẩn bị cho vấn đề thuế quan từ Mỹ, Thủ hiến Ontario Doug Ford đã bước vào với chiếc mũ có in thông điệp thách thức: “CANADA IS NOT FOR SALE” (tạm dịch: Canada không phải để bán).

Doanh số tăng đột biến

Giới chức lãnh đạo Canada vẫn đang loay hoay tìm cách ứng phó với mối đe dọa về một cuộc chiến thương mại với đồng minh thân cận nhất của nước này nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế trừng phạt đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ của Canada. Và trong bối cảnh nước này đang chìm trong khủng hoảng chính trị, chiếc mũ mới lạ đã nổi lên như một biểu hiện đoàn kết khó ngờ.

Đối với những người sáng tạo ra chiếc mũ, "vài ngày qua thật điên rồ và siêu thực".

Anh Liam Mooney - giám đốc điều hành một công ty thiết kế ở Ottawa cùng với hôn thê của mình là Emma Cochrane - cho hay chiếc mũ ra đời như một lời phản bác trực tiếp đối với một mẩu tin tức gây sốt của Fox News, trong đó người dẫn chương trình Jesse Watters chế giễu ông Ford về mối đe dọa sáp nhập Canada của ông Trump.

"Nếu tôi là công dân của một quốc gia khác và là hàng xóm của Mỹ, tôi sẽ coi đó là một đặc ân khi được Mỹ tiếp quản", Watters nói với người đứng đầu tỉnh bang Ontario.

Mooney và Cochrane đã "sốc" khi xem cuộc phỏng vấn và ngay sau đó dành vài giờ để đưa ra "lời phản bác sáng tạo" đối với những lời đe dọa của ông Trump. Kết quả là một chiếc mũ ra đời với thông điệp đơn giản nhưng chắc chắn và thiết kế chữ kiểu Canada.

"Đó là một hành động nhỏ thể hiện lòng yêu nước khi đáp trả những mối đe dọa lớn và sự khoa trương như vậy", anh Mooney chia sẻ.

Chiếc mũ lưỡi trai đỏ “Make America Great Again” (tạm dịch: Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại) thành biểu tượng cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ảnh: Washington Post.

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng đều đặn, nhưng đà tăng đột biến sau khi ông Ford đội mũ đến cuộc họp của các nhà lãnh đạo khu vực hôm 15/1 - và sau đó đăng liên kết đến cửa hàng trực tuyến.

Kể từ đó, cặp đôi này đã bán được hơn 45.000 chiếc mũ. Hơn 150 chiếc được mua tại Mỹ. Sự xuất hiện của nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ Ontario với chiếc mũ đã nhận được lời khen ngợi từ các đối thủ chính trị của ông tại Canada, bao gồm Thủ tướng Justin Trudeau và Ngoại trưởng Mélanie Joly.

"TÔI MUỐN CÓ CHIẾC MŨ NÀY!!!!!!!!!", cựu Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna đăng trên X. "Và cảm ơn Doug Ford vì đã trở thành một nhà lãnh đạo của #TeamCanada".

Ngay cả Thủ hiến Manitoba - ông Wab Kinew - một người theo chủ nghĩa tiến bộ thường bất đồng quan điểm với ông Ford - cũng nói đùa rằng ông thích chiếc mũ.

Ông nói: "Chiếc mũ tuyệt vời, tôi hy vọng họ sẽ sản xuất chiếc mũ với màu cam" (Anh Mooney, muốn tận dụng thời cơ này, cho biết anh đã dành thời gian để cố gắng đảm bảo ông Kinew nhận được chiếc mũ phù hợp với màu sắc của đảng Dân chủ Mới cánh tả của ông).

Rắc rối

Mối đe dọa về một cuộc thương chiến đáng kể đã buộc các nhà lãnh đạo chính trị của Canada phải gạt sang một bên những rạn nứt về chính sách và ý thức hệ, hầu hết đều hướng đến một mặt trận thống nhất.

"Niềm tự hào của người Canada là điều mà chúng ta thực sự có thể dựa vào ngay lúc này. Và có rất ít điều có thể đoàn kết người dân Canada, dù tốt hay xấu, hơn là người hàng xóm ở phía nam của chúng ta", ông Kinew nói sau khi các thủ hiến gặp ông Trudeau. Tuy nhiên, nhu cầu về một mặt trận thống nhất đã trở nên cấp thiết hơn sau khi thủ hiến cánh hữu của tỉnh Alberta giàu dầu mỏ phía tây có hành động bất thường, từ chối ký vào thông cáo chung từ các nhà lãnh đạo khác và thủ tướng. Bà Danielle Smith đã không tham gia trực tiếp cuộc họp tại Ottawa, mà chỉ góp mặt trực tuyến; bà cũng vắng mặt trong cuộc họp báo với ông Trudeau và các thủ hiến khác.

Canada vẫn là nhà cung cấp năng lượng lớn nhất cho Mỹ, chuyển khoảng 60% lượng dầu thô của nước này tới Mỹ - hầu hết đều đến từ Alberta.

Các bộ trưởng liên bang và các nhà lãnh đạo tỉnh, bao gồm ông Ford, đã cân nhắc việc chặn xuất khẩu năng lượng - bao gồm khí đốt tự nhiên, dầu và điện - như một biện pháp trả đũa.

Các bộ trưởng liên bang cũng đề xuất Canada có thể áp thuế đối với xuất khẩu các khoáng sản quan trọng sang Mỹ, bao gồm urani, kali, germani, kẽm, niken, đồng và than chì.

Bà Smith, thủ hiến một tỉnh có nền kinh tế tỉnh gắn liền với xuất khẩu dầu sang Mỹ, phản đối mạnh mẽ ý tưởng này.

"Cho đến khi những mối đe dọa này chấm dứt, Alberta sẽ không thể hoàn toàn ủng hộ kế hoạch của chính phủ liên bang trong việc giải quyết các mức thuế bị đe dọa", bà bày tỏ.

"Alberta sẽ không đồng ý áp thuế xuất khẩu đối với năng lượng hoặc các sản phẩm khác của chúng tôi, chúng tôi cũng không ủng hộ lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm này. Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ hành động nào cần thiết để bảo vệ sinh kế của người dân Alberta khỏi các chính sách liên bang mang tính phá hủy như vậy".

Quan điểm này đã chia rẽ các nhà lãnh đạo đến từ đảng Bảo thủ, trong đó ông Ford - thủ hiến nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ đôla Canada, bày tỏ sự thất vọng ngày càng tăng về việc bà Smith từ chối xem xét ý tưởng dừng xuất khẩu năng lượng.

"Đó là lựa chọn của bà ấy. Tôi có một quan điểm hơi khác: bảo vệ quyền tài phán của bạn nhưng đất nước phải được đặt lên hàng đầu”, ông nói với các phóng viên, cảnh báo “chúng ta không thể để sự chia rẽ” trong đất nước.

“Bạn không thể để ai đó đập vào đầu bằng búa tạ mà không đánh trả lại họ gấp đôi", ông nhấn mạnh.

Dương Lam / Theo: Znews
Link tham khảo: