Thursday, January 23, 2025

5 LOẠI BÁNH CÓ TÊN ĐỘC LẠ Ở VIỆT NAM MÀ DU KHÁCH NÀO CŨNG NÊN THỬ

Các món ăn truyền thống của nước ta rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là sự đa dạng các loại bánh Việt Nam ở nhiều vùng miền khác nhau. Từ Bắc vào Nam, danh sách các loại bánh Việt từ mặn đến ngọt vô cùng đa dạng, không thể nào liệt kê hết. Tuy nhiên, còn có một số món bánh độc lạ tại Việt Nam, chúng đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với thực khách bốn phương, không khỏi khiến họ tò mò mỗi khi nhắc đến.


Bánh vạc

Bánh quai vạc còn được gọi là bạch hồng (hoa hồng trắng), là một món ẩm thực độc đáo và quyến rũ, thường được thấy tại Hội An. Với hình dáng xinh xắn, giống như bông hồng trắng, bánh quai vạc là một phần không thể thiếu trong thực đơn của nhiều quán ăn và nhà hàng tại đây.

Nguyên liệu chính để làm bánh quai vạc là tinh bột gạo. Quá trình làm ra bánh này đòi hỏi sự tinh tế, công phu. Tinh bột gạo phải được lọc qua nhiều lần để đảm bảo được độ mịn và đàn hồi hoàn hảo.

Với hình dáng xinh xắn, giống như bông hồng trắng, bánh quai vạc còn được gọi là bánh bạch hồng.

Nhân bánh chủ yếu làm từ tôm tươi, rau củ được xay nhuyễn và trộn kỹ cùng với gia vị như tiêu, hành, nấm, muối và nước mắm. Trên mỗi chiếc bánh, hành lá được thái nhỏ rồi rắc lên trên, tạo thêm hương thơm cho món ăn này. Cắn vào chiếc bánh quai vạc, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của tôm, độ giòn của lớp vỏ bánh, hương thơm của hành, vị cay mặn của ớt và nước mắm tạo nên sự kết hợp hoàn hảo, làm cho món ăn này trở thành một phần không thể thiếu của ẩm thực Hội An.

Bánh cóng

Bánh cóng hay còn gọi bánh cống, đây là đặc sản xuất phát từ vùng Khmer Nam Bộ, đặc biệt nổi tiếng tại xã Đại Tâm, tỉnh Sóc Trăng. Ban đầu, món bánh này được gọi là bánh sển hoặc sài cá nại trong tiếng Khmer.

Bánh cóng - một đặc sản của vùng Khmer Nam Bộ.

Tuy nhiên, do tên gọi ban đầu không dễ nhớ nên sau đó món ăn này được đặt tên là bánh cóng. Ý để chỉ hình thức bánh được đổ vào chiếc cóng - một dụng cụ có dáng tựa như phin cà phê. Sau khi chiên, bánh cóng thường có màu sậm và vị giòn ngon.

Thường thì bánh cóng được thưởng thức kèm với rau xanh và nước mắm chua ngọt, tạo nên một món ăn độc đáo, ngon miệng đặc trưng của vùng đất này.

Bánh cáy

Nói về các món đặc sản nổi tiếng của làng Nguyễn, xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình không thể không nhắc đến bánh cáy. Nguyên liệu chính của bánh cáy bao gồm nếp cái hoa vàng, gấc, mạch nha, mứt dừa, mè và đậu phộng rang thơm lừng.

Về Thái Bình thưởng thức món bánh cáy đặc sản trứ danh.

Món bánh này được đặt tên là "bánh cáy" bởi màu sắc của nó khiến người ta liên tưởng đến trứng con cáy (một loại cua màu đỏ). Có một truyền thuyết khác kể rằng, vì hương vị ngon mê ly, bánh cáy đã được chọn làm vật phẩm dâng vua trong một dịp đặc biệt. Khi vua nếm thử, vị bùi, ngọt, hơi cay của gừng trong bánh đã khiến ông hỏi tên món ăn. Một viên quan đã đáp rằng đó là "bánh cay". Tuy nhiên, do một sự hiểu lầm nhỏ, tên "bánh cáy" đã được duy trì và trở nên phổ biến cho đến ngày nay.

Bánh uôi

Bánh uôi, một đặc sản là niềm tự hào của người Mường tại tỉnh Hòa Bình, thường được gọi là "peẻng uôi" trong tiếng Mường, mặc dù từ này không có một ý nghĩa rõ ràng trong tiếng Việt. Ngoài tên gọi gốc, món bánh này còn được biết đến bằng nhiều cái tên khác nhau như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hoặc bánh đoàn kết.

Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, chia thành hai loại chính: nhân mặn và nhân ngọt.

Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, chia thành hai loại chính: nhân mặn và nhân ngọt. Nhân mặn thường được làm từ thịt lợn sau khi đã được tẩm ướp trong các loại gia vị thơm ngon. Trong khi đó, nhân ngọt có thể được làm từ hạt nho nhe, một loại hạt đặc biệt có sẵn tại địa phương hoặc từ đậu xanh. Bánh uôi thể hiện sự đa dạng và sáng tạo trong nguyên liệu và vị trí địa lý, tạo nên một phần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Mường.

Bánh gật gù

Bánh gật gù, một đặc sản của huyện Tiên Yên trong tỉnh Quảng Ninh, được làm từ bột gạo. Bánh này có ngoại hình khá giống với bánh phở hoặc bánh cuốn.

Bánh gật gù có ngoại hình khá giống với bánh phở hoặc bánh cuốn.

Người dân vùng này truyền tai nhau rằng ngày xưa khi thưởng thức những chiếc bánh đậm đà, phồng xốp và dẻo mịn thì cứ phải tấm tắc gật lên gật xuống khen ngon. Từ đó, cái tên "bánh gật gù" ra đời và trở nên phổ biến đến ngày nay.

Hà Mai Trinh / Theo: Travellive