Thursday, April 17, 2025

HÒA THUẬT CỔ ĐÔNG NHẬT MẪU ĐƠN TỨ THỦ KỲ 1 - TÔ THỨC


Hoà thuật cổ đông nhật 
mẫu đơn tứ thủ kỳ 1 

Nhất đoá yêu hồng thuý dục lưu,
Xuân quang hồi chiếu tuyết sương tu.
Hoá công chỉ dục trình tân xảo,
Bất phóng nhàn hoa đắc thiếu hưu.


和述古冬日牡丹
四首其一 (蘇軾)

一朵妖紅翠欲流
春光回照雪霜羞
化工只欲呈新巧
不放閒花得少休


Ngày đông cùng kể chuyện về 
hoa mẫu đơn xưa bốn bài kỳ 1
(Dịch thơ: Trương Việt Linh)

Một đoá tươi hồng rộ biếc chen
Ánh xuân soi bóng tuyết sương ghen
Hoá công muốn được phô tài lạ
Nở khiến hoa kia phải nhọc phiền


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tô Thức 蘇軾 (1037-1101) tự Tử Chiêm 子瞻, Hoà Trọng 和仲, hiệu Đông Pha cư sĩ 東坡居士, người đời thường gọi là Tô Đông Pha 蘇東坡, thuỵ Văn Trung 文忠, người My Sơn (nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc). Ông từng làm quan Thông phán, Thái thú. Cha là Tô Tuân, em là Tô Triệt, đều là các đại gia thi văn, đương thời người ta gọi là Tam Tô. Thái độ của ông rất hào sảng lạc quan, tuy ông làm quan thăng giáng nhiều lần, song ông không để ý, vẫn ưu du tự tại, đọc sách làm vui, ông là người giàu tình cảm, cho nên phản ánh tới từ của ông, vừa hào phóng lại vừa tình tứ. Ông là người có tài nhất trong số bát đại gia của Trung Hoa (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIII, gồm có Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên đời Đường, Âu Dương Tu, Tô Tuân (cha Tô Thức), Tô Thức, Tô Triệt (em Tô Thức), Vương An Thạch và Tăng Củng), khoáng đạt nhất, tư tưởng và tính tình cũng phức tạp nhất.

Nguồn: Thi Viện

NHẠC NGOẠI LỜI VIỆT: 40 NĂM GIAI THOẠI "TÌNH MÃI KHÔNG RỜI"

Năm 2025 đánh dấu đúng 40 năm ngày phát hành tình khúc « Nothing's gonna change my love for you », một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất của thập niên 1980, nhờ lời lẽ giản dị, ca từ chân thành và giai điệu cực kỳ lắng đọng. Hầu hết người yêu nhạc đều biết dến bài này qua giọng ca của Glen Medeiros, từng được đặt thêm lời Việt thành nhạc phẩm «Tình mãi không rời ».

Les sites audreyzcoaching.com et lovexpat.com aident les expatriés à trouver l'amour et à le conserver. © Geraldine Rowe / Getty Images

« Nothing's gonna change my love for you » (hiểu theo nghĩa Không gì lay chuyển tình anh) là một bài hát do hai nhạc sĩ Michael Masser và Gerry Goffin đồng sáng tác. Bài này ban đầu do nam danh ca người Mỹ George Benson ghi âm cho hãng đĩa Warner Bros, trên album phòng thu mang tựa đề 20/20, đánh dấu 20 năm sự nghiệp của ông. Bản nhạc gốc được phát hành dưới dạng đĩa đơn trên thị trường Châu Âu vào mùa xuân năm 1985, nhưng không mấy thành công. Mãi đến hai năm sau, vào mùa hè năm 1987, khi ca sĩ trẻ tuổi người Mỹ Glenn Medeiros phát hành một phiên bản cover, thì bài hát này tuy là bản sao, nhưng lại gặt hái thành công trên toàn thế giới.

Sinh trưởng tại bang Hawaii, Glenn Medeiros bắt đầu ca hát từ năm lên 10 tuổi. Đến năm 16 tuổi, anh đoạt giải nhất nhân một cuộc thi hát trên đài phát thanh địa phương. Nhờ vậy, anh được quyền ghi âm lại bản nhạc yêu thích nhất của mình là « Nothing's gonna change my love for you ». Lúc bấy giờ, Glenn còn là một học sinh trung học (trên đảo Kauai) cho nên anh không nghĩ rằng mính sẽ có cơ hội thành công trên thị trường Hoa Kỳ cũng như quốc tế. Một cách ngẫu nhiên, bài hát này lọt vào tai một giám đốc điều hành đài phát thanh ở Phoenix, bang Arizona. Nhờ vậy, Glenn Medeiros mới có cơ hội ký hợp đồng thu thanh với hãng đĩa MCA Records, bản cover của anh được phát hành trên toàn quốc. Vào đầu mùa hè năm 1987, bài hát này lọt vào Top Ten thị trường Mỹ, chỉ vài tuần trước khi Glen ăn mừng sinh nhật 17 tuổi.


Vài tháng sau khi ăn khách trên thị trường Bắc Mỹ, bản nhạc này được phát hành rộng rãi trên khắp châu Âu, lập kỷ lục số bán so với bản gốc của George Benson, giành lấy vị trí quán quân tại vương quốc Anh, Ai Len, Pháp, Na Uy hay Hà Lan. Trên đà thành công này, Glenn Medeiros vào năm 1988 ghi âm đĩa đơn thứ nhì « Un roman d'amitié », với ca sĩ trẻ tuổi người Pháp Elsa Lunghini. Phiên bản tiếng Pháp nói về tình bạn của lứa tuổi mới lớn trong khi bản gốc tiếng Anh « Love always finds a reason » (do Diane Warren sáng tác) lại đơn thuần nói về chủ đề tình yêu. Trong tiếng Việt, bài này từng được đặt thêm lời thành nhạc phẩm « Đôi bạn » do đôi nghệ sĩ Ngọc Lan và Công Thành, cũng như do Khánh Hà và Anh Tú song ca.

Glenn Medeiros có đủ ngoại hình và chất giọng để trở thành một thần tượng nhạc trẻ. Những bước đầu thành công đã đưa anh đi biểu diễn khắp thế giới, nhưng dường như Glenn không nuôi mộng trở thành một ngôi sao nhạc pop bằng mọi giá, hay ít ra hào quang danh vọng không làm cho anh bị mù quáng. Sau vài bản nhạc ăn khách đầu những năm 1990, Glenn chuyển qua sáng tác cho các nghệ sĩ khác. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh chọn nghề giáo viên và kể từ năm 2017, anh trở thành hiệu trưởng trường Saint Louis gần thành phố Honolulu.


Về phần nam danh ca George Benson, ông từng ghi âm hai bản nhạc gốc mà sau đó lại thành công vượt trội qua các giọng ca khác. Chẳng hạn như bài « The Greatest love of all » (cũng do Michael Masser đồng sáng tác) từng lập kỷ lục số bán vào năm 1986 với giọng ca thần tượng Whitney Houston. Trong tiếng Việt, bài này được tác giả Phú Quang đặt lời thành nhạc phẩm « Với tất cả tình yêu » do nữ danh ca Thanh Lam trình bày.

Không hiểu vì sao bản nhạc gốc « Nothing's gonna change my love for you » lại không thành công dù bài này được George Benson hát rất hay, trong khi giọng ca bè trong phần điệp khúc không ai nào khác ngoài Richard Marx, thành danh tột bực vài năm sau đó với nhạc phẩm « Right here waiting » (Nơi đây anh vẫn chờ, lời Việt của tác giả Lữ Liên).

Trong tiếng Việt, « Nothing's gonna change my love for you » có khá nhiều lời phong tác. Lời đầu tiên là « Tình em muôn đời » không ghi rõ tác giả, do Ngọc Hương trình bày. Lời thứ nhì là « Cuộc tình giữ mãi cho nhau » của tác giả Nhật Ngân qua tiếng hát của Kenny Thái.

Click để nghe "Tình mãi không rởi" - Chung Tử Lưu

Lời thứ ba « Không gì thay đổi tình ta » của tác giả Sỹ Đan. Lời thứ tư là « Tình mãi không rời » do ca sĩ Chung Tử Lưu tự sáng tác rồi ghi âm.

Khi tình không còn bên cạnh
Trọn đời im lặng vắng tanh
Ngày buồn hao gầy trống trải
Đường khuya hoang vắng ngõ dài
Cho dù muôn kiếp hiu quạnh
Không gì lay chuyển tình anh

Tuấn Thảo
Nguồn: RFI Tiếng Việt



Wednesday, April 16, 2025

MÙA DON VỀ DÂN DÃ TÌNH QUÊ - "QUÀ TẶNG" SÔNG TRÀ TRƯỚC KHI HÒA VÀO BIỂN LỚN

Don vốn chẳng có mùa nhưng chớm hè là lúc những con sông ở Quảng Ngãi lại tấp nập người cào don. Don là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Quảng Ngãi như một đặc sản xứ này, chẳng nơi nào có được.

Nhà thơ Thanh Thảo có câu thơ “Là con don tôi ở sông Trà” như ý chỉ có sông Trà mới có loài thủy sản đặc biệt này. Sông Trà Khúc là một con sông đặc biệt của Quảng Ngãi, trước khi đổ về Biển Đông, dòng Trà Khúc uốn lượn quanh vùng đất này, mang đến cho người dân biết bao sản vật thơm ngon, trong đó có con don - loại đặc sản chỉ dành riêng cho Quảng Ngãi.

“Độc bản” của sông Trà Khúc

Người Quảng Ngãi xưa có câu "Con gái làng Son không ngon bằng tô don Vạn Tượng". Thế mới biết, dẫu chỉ là câu ví đùa vui nhưng "tuyệt thế giai nhân" rồi cũng phải "lép vế" trước món ngon khó cưỡng mang đậm nét ẩm thực truyền thống của người dân xứ Quảng.

Mùa don về trên sông Trà Khúc

Trên hành trình 130 km, bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum, đến phía cuối nguồn thuộc địa phận huyện Sơn Tịnh, sông Trà như một vận động viên băng băng về đích. Trước khi nhập vào biển Đông, dòng sông không quên để lại hai bờ của nó điệp trùng những cánh đồng màu mỡ phù sa.

Ngoài việc bồi đắp thường niên một lượng phù sa rất lớn, dòng sông Trà còn dâng tặng cho cư dân ven sông những sản vật không nơi nào có. Đó là những chú cá bống chỉ to bằng đầu đũa, có một hương vị rất riêng, đó là những nàng thài bai, lớn hơn đầu tăm một tẹo, lại mang một hương vị không trộn lẫn với bất cứ loài thủy sản nào.

Sông Trà Khúc hiền hoà được mệnh danh là "đệ nhất thắng cảnh"

Nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là con don, loài hải sản “độc quyền” của sông Trà mà không một dòng sông nào ở miền Trung có được. Dựa vào con nước thủy triều theo mùa, người dân ở các xã vùng ven Sông Trà sử dụng ghe máy đến nơi cách cửa biển khoảng 2 km để săn tìm loại đặc sản này.

Khi những trận lũ cuối cùng ở miền Trung vừa dứt, đấy là thời điểm “hồi hương” của một số loài thủy sản ở sông Trà sau một mùa cuồng lưu phải đi lánh nạn nơi bờ tre gốc rạ để tránh tai ương bị cuốn phăng ra biển. Dòng sông chợt hiền lành như chưa từng biết mình đã từng gây bao thảm cảnh suốt một mùa lũ dữ.

Cùng với những bãi cát vàng ươm mà dòng sông kịp để lại hai bờ, phấn hương của các loài thảo mộc nơi thượng nguồn cũng đã kịp lắng lại nơi cuối dòng sông. Đó là nguồn thức ăn vô tận của loài don.

Mùa này nhắc về Quảng Ngãi, người ta không nhớ đến bánh tráng đập, ram thịt nướng hay cá bống sông Trà kho tiêu mà ai nấy đều thổn thức vì mùa don lại về

Kể cũng lạ, don chỉ sống ở vùng này, sống vùi trong cát, ăn những tinh túy từ thượng nguồn đổ về, bởi vậy mà đến mùa, người dân bản địa hay khách du lịch tới Quảng Ngãi đều tìm ăn bằng được món don sông quê.

Nghề cào don cũng là sinh kế của cư dân vùng ven sông Trà Khúc. Dù khá vất vả, dầm mình trong nước cả ngày nhưng thu nhập từ nghề cào don khá ổn định, nhất là khi sản vật của Sông Trà trở nên nổi tiếng cả trong, ngoài nước.

Dụng cụ cào don

Ước mong lớn nhất của những người dân ven sông Trà Khúc là giữ được môi trường sông nước mãi trong lành để con don sinh sôi nảy nở, có thêm nhiều sản vật của dòng Sông Trà đến với nhiều vùng, miền trong và ngoài nước.

Don vừa được bắt lên

Don có hình dạng giống quả trám nhỏ, vỏ mỏng, màu vàng đậm, thường dài khoảng 2 cm. Ruột don có màu phớt hồng pha vàng, bao quanh là những tua rua màu hồng. Mùa sinh sản của don kéo dài từ tháng Giêng đến cuối hè. Vào khoảng thời gian này, người dân thường đi cào don. Người ta sử dụng nhủi – một dụng cụ có hình dạng như cái máng đổ nước được đan bằng những nan tre vừa đủ để giữ don lại và để cát lọt ra ngoài.

Món quà dân dã đậm đà tình quê

Cách chế biến món don khá đơn giản. Don khi được cào về sẽ được chà vỏ, rửa thật sạch sau đó bỏ vào nồi nước sôi luộc cho đến khi phần vỏ tách làm đôi. Dùng đũa khuấy nhẹ để phần thịt don rời ra khỏi vỏ. Phần vỏ don sau đó được vớt ra ngoài để lọc lại nhằm lấy hết phần ruột còn sót lại.

Đặc sản "độc bản" gây thương nhớ bao tín đồ ẩm thực của vùng Quảng Ngãi

Phần thịt don được cho vào nước luộc don nấu lại cho sôi rồi tùy khẩu vị mà nêm nếm cho vừa miệng. Tô don sau khi chế biến xong sẽ có màu trắng đục, vị ngọt thanh. Để có món don ngon không thể thiếu hành lá thái nhỏ, hành tây, ớt xiêm.

Khi ăn, nước và ruột don đang sôi được múc ra tô rồi thêm hành lá, hành tây, ít ớt xiêm. Lúc này tô don sẽ thoang thoảng vị phù sa, mùi thơm của hành, vị cay nồng của ớt xiêm. Don được ăn kèm với bánh tráng. Bánh tráng được bẻ nhỏ cho vào tô don rồi trộn đều và thưởng thức. Vị ngọt lịm, cay nồng... hòa quyện vào nhau chắc chắn sẽ khiến thực khách khó quên.

Một bát don nước nhìn sơ chỉ có màu trắng đục, thịt don nằm dưới đáy. Bên trên là ít hành tây thái mỏng và bánh tráng bẻ nhỏ

Cũng là con don, cũng hành lá, cũng bánh tráng gạo nướng giòn nhưng muốn có bát don ngon thì người nấu phải "gửi cả tâm tình" của mình vào đó. Khi nấu canh don, chỉ cần quá lửa hoặc nêm nếm không phù hợp là mất ngon ngay.

Theo những bậc cao niên, ngày xưa món don chỉ thịnh hành ở những vùng quê. Đây là món ăn của người lao động nghèo. Tuy nhiên, càng về sau món don càng phổ biến. Đến bây giờ, don đã trở thành món ăn đặc trưng của vùng đất Quảng Ngãi.

Tinh tuý ẩm thực Việt

Tô don ngon không cần nhiều gia vị vẫn tỏa mùi thơm hấp dẫn nhưng chắc chắn không thể thiếu được mắm và ớt sim. Mỗi tô don được dọn ra chừng 3 thìa ruột, thêm chút hành lá thái nhỏ, hành tây thái sợi, ngâm nước cho khỏi hăng rồi chan nước don vào. Trên cùng bày mấy lát ớt đỏ vừa đẹp mắt, lại vừa át mùi tanh. Thực khách có thể vắt thêm chanh hoặc giấm tùy khẩu vị, sau đó bẻ bánh tráng gạo (sống hoặc nướng tùy sở thích) vào bát, đợi cho bánh mềm rồi thưởng thức.

Không chỉ là món ăn đặc sản mà don còn mang cả hơi thở và cuộc sống lam lũ của người dân xứ Quảng.

Khánh Linh / Theo: travellive



Ý NGHĨA THÂM SÂU CỦA ĐỒ HÌNH THÁI CỰC ĐEN TRẮNG CỦA ĐẠO GIA LÀ GÌ?

Trong đồ hình Thái cực đen trắng được lưu truyền từ xa xưa, màu đen tượng trưng cho âm và màu trắng tượng trưng cho dương, Đạo được tạo nên từ âm và dương, mà đây chính là biểu tượng thể hiện thuyết trong Đạo gia. Đen và trắng khác nhau, âm và dương đối lập nhau, đen và trắng, âm và dương hòa làm một. Đây là hình thái cơ bản của đồ hình Thái cực của Đạo gia.

Ý nghĩa thâm sâu của đồ hình Thái cực đen trắng của Đạo gia là gì? Ảnh ghép minh họa.

Trên thực tế, khi các chuyên gia truy tìm nguồn gốc của nền văn minh, họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng các hiện vật khảo cổ có ký tự “Thái cực” hay “Chữ Vạn” đã được khai quật trong các nền văn minh hoặc văn hóa tiền sử trên khắp thế giới. Các chuyên gia giải thích rằng hai biểu tượng này có giá trị phổ quát đối với con người, nói cách khác, hai biểu tượng này khẳng định rằng Thần đã đến nhân gian.

Mọi người đều quen thuộc với đồ hình Thái cực đen trắng của Đạo gia, nhưng nó rốt cuộc là biểu đạt điều gì?

Đen và trắng, âm và dương, là hai thuộc tính hoàn toàn đối lập và khác nhau. Nếu như Thái Cực đồ được hiểu là đại diện cho một hành tinh, một thiên hà, một vũ trụ hay một sự sống thì Thái Cực đồ đen trắng của Đạo gia thể hiện rằng vũ trụ được cấu tạo từ hai thuộc tính Âm và Dương. Đạo gia lấy vạn sự vạn vật trong vũ trụ để trừu tượng hóa hai thuộc tính âm dương và sử dụng phù hiệu để thể hiện chúng dưới dạng đồ hình Thái cực quyền đen trắng. Nói cách khác, hai thuộc tính âm và dương tồn tại giữa vạn vật trong vũ trụ. Cũng có thể nói rằng mọi thứ trong vũ trụ đều có thể được phân loại là âm và dương. Cho nên trên đời này chúng ta mới thấy được sự tồn tại của mặt trời và mặt trăng, ngày và đêm, đàn ông và đàn bà, trên và dưới, cao và thấp, lạnh và nóng, thiện và ác, ủng hộ và phản đối. Các số cũng được chia thành âm và dương. Ví dụ, người xưa coi số chẵn là âm và số lẻ là dương. Nói chung, mọi thứ đều có âm và dương. Nói chung, hết thảy đều tồn tại âm và dương. Thế giới chúng ta đang sống bao gồm đen và trắng, âm và dương mà tạo thành.

Thái cực đồ và Bát quái – Ảnh: wikipedia

Đối với “thái cực”, “thái” có nghĩa là phi thường, và “cực” có nghĩa là chỉ cực chí. Khi hai từ này kết hợp với nhau thì “thái cực” có nghĩa là phi thường, cực kỳ cao, tức là trình độ và cảnh giới cực kỳ cao của vũ trụ. Ý nghĩa của đồ hình Thái cực đen trắng và âm dương là: ở tầng thứ và cảnh giới rất cao của vũ trụ, mọi thứ đều được thể hiện và phân loại thành hai thuộc tính âm dương, biểu hiện hình tượng chính là màu đen trắng trong đồ hình thái cực.

Vậy mục đích cốt lõi của việc Đạo gia phân biệt đen trắng, âm dương là gì? Tại sao “Thái cực” lại xuất hiện trong nền văn minh của chúng ta? Đối với con người mà nói, nó có nghĩa là phân biệt thiện và ác. Bởi vì màu đen là âm, tượng trưng cho sự tiêu cực, bóng tối, cái ác, người xấu ở cấp độ văn hóa; màu trắng là dương, tượng trưng cho lẽ phải, ánh sáng, lòng tốt, người tốt trong văn hóa. Nghĩa là, ở tầng thứ và cảnh giới rất cao, tất cả mọi người, vạn vật trên thế giới đều có thể được phân thành hai thuộc tính: âm và dương. Về mặt văn hóa, tất cả đều có thể được phân thành 2 loại lớn: chính và tà, thiện và ác, người tốt và người xấu.

Vì vậy, sự phân biệt chính và tà trong thuyết âm dương của Đạo gia, sự phân biệt thiện và ác trong Phật giáo, và sự phân biệt giữa người tốt và người xấu trong Nho gia đều có mối liên hệ và giống nhau.

Nhưng tại sao chúng ta phải phân biệt thiện và ác? Mục đích chính là đề cao lẽ phải, trấn áp cái ác và giữ cho xã hội ở trong trạng thái hài hòa và tươi đẹp.

Con Tàu Nô-ê là một trong những câu chuyện quen thuộc nhất trong Kinh Thánh. (Nguồn: Wikimedia Commons).

Nếu đứng từ góc độ của một nền văn minh mà nói, mục đích của Đạo gia phân biệt âm dương, phân loại con người thành người tốt và người xấu, mục đích là cho nhu cầu cứu độ con người vào lúc mạt kiếp và mạt pháp. Như chúng ta đã biết, trong văn hóa phương Tây có câu chuyện về con tàu Nô-ê và trận Đại hồng thủy. Trong mắt Đức Chúa Trời, Nô-ê và gia đình ông là những người tốt. Đây là lý do tại sao Nô-ê và gia đình ông có thể trải qua những đại nạn mà vẫn bình an.

Nói cách khác, câu chuyện về Con tàu Nô-ê này đang kể cho cả thế giới biết: khi một thảm họa lớn xảy đến vào thời điểm kết thúc của một nền văn minh, những người tốt sẽ ở lại và sống sót sau thảm họa một cách thuận lợi, trong khi những người xấu làm điều ác sẽ bị loại bỏ và không còn tồn tại trên thế giới. Nếu hiểu từ góc độ này, nền văn minh này đến nền văn minh khác thực chất là sự thanh lọc liên tục của từng thời kỳ lịch sử. Đây là biểu hiện cao nhất của lý âm dương của Đạo gia.

Đăng Dũng biên dịch
An Nhiên / Theo: vandieuhay

SƯƠNG THIÊN HIỂU GIỐC (CHIẾT HOA) - TƯỞNG TIỆP


Sương thiên hiểu giốc - Chiết hoa

Nhân ảnh song sa,
Thị thuỳ lai chiết hoa.
Chiết tắc tòng tha chiết khứ,
Tri chiết khứ,
Hướng thuỳ gia.

Thiềm nha chi tối giai,
Chiết thì cao chiết ta.
Thuyết dữ chiết hoa nhân đạo,
Tu sáp hướng,
Mấn biên tà.


霜天曉角-折花

人影窗紗,
是誰來折花。
折則從他折去,
知折去,
向誰家。

簷牙枝最佳,
折時高折些。
說與折花人道,
須插向,
鬢邊斜。


Sương thiên hiểu giốc - Bẻ hoa
(Dịch thơ: Nguyễn Chí Viễn)

Thoáng bóng song sa
Kìa ai vào bẻ hoa
Bẻ mặc cho ai bẻ lấy
Ai bẻ lấy
Về đâu ta

Nhất cành bên chái nhà
Bẻ hơi cao chút a
Nhắn khách bẻ hoa rõ
Nên cắm mé
Tóc mai xoà


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Tưởng Tiệp 蔣捷 (1245?-1301?) tự Thắng Dục 勝欲, hiệu Trúc Sơn 竹山, người Nghi Hưng tỉnh Giang Tô. Sau khi nhà Tống mất, ông ẩn cư ở Trúc Sơn, người ta gọi ông là Trúc Sơn tiên sinh. Từ của ông bất luận nội dung nào đều phong cách tự do phóng khoáng, tác phẩm của ông có "Trúc Sơn từ" gần 100 bài.

Nguồn: Thi Viện



CỔ NHÂN: NGƯỜI THIẾU LỄ SẼ NGANG NGƯỢC, XÃ HỘI THIẾU LỄ SẼ RỐI REN

Xã hội thời cổ đại vô cùng coi trọng lễ nghi. Lễ nghi là quy phạm điều chỉnh đạo đức và hành vi của con người, cũng là biểu tượng của văn minh xã hội, là một trong những truyền thống tốt đẹp của người xưa.


Tầm quan trọng của lễ

Trong lịch sử, lễ nghi không ngừng được tu chỉnh, hoàn thiện, kế thừa và phát triển. “Chu lễ”, “Nghi lễ” và “Lễ ký” là ba sáng tác kinh điển trình bày chi tiết về lễ nghi của người xưa, có vị trí và tầm quan trọng vô cùng to lớn trong nền văn hóa truyền thống.

Nội hàm thâm sâu của lễ chính là lòng tôn kính của con người đối với Trời Đất, vũ trụ, là sự theo đuổi hoàn thiện đạo đức bản thân, sự hài hòa giữa người với người, sự phối hợp với trật tự xã hội. Bởi vậy, trong “Tả truyện” đã viết: “Lễ, kinh quốc gia, định xã tắc, tự dân nhân, lợi hậu tự giả dã”, lễ là kinh mạch của đất nước, lễ bình định xã tắc, lễ sắp xếp trật tự dân chúng, lễ làm lợi cho đời con cháu.

Vậy, lễ là gì? Trong “Tả truyện – Chiêu Công nhị thập ngũ niên” viết: “Lễ, thượng hạ chi kỉ, thiên đích chi kinh vĩ dã, dân chi sở dĩ sinh dã”, lễ là thể hiện của pháp tắc của Trời Đất ở xã hội nhân loại, chính là điều mà người ta gọi là thuận lòng Trời, là đạo của Trời. Lễ còn là ranh giới phân chia giữa ngang tàng bạo ngược và văn minh. Cổ nhân dùng lễ để phân biệt văn minh và ngang ngược chứ không dùng dòng dõi gia tộc để phân biệt. Lễ là trật tự, là quy phạm nghiêm khắc trong việc phân chia tôn ti trật tự xã hội. Lễ còn là pháp luật của nhà nước.

Dù là thời xưa hay thời nay, lễ vẫn luôn là chuẩn tắc trong cuộc sống hàng ngày. Lễ không chỉ là để phân biệt giữa con người và động vật mà còn có thể nâng cao mối quan hệ chung sống giữa người với người. Cổ nhân đề xướng lễ phải chú trọng việc lui tới giữa người và người. Tác dụng của lễ không chỉ thể hiện ở việc đề cao việc tu dưỡng đạo đức cá nhân mà còn bồi dưỡng tinh thần dân tộc.


1. Lễ thể hiện ở việc qua lại lẫn nhau

Khi nhận được ân huệ của người khác, người hiểu lễ tất sẽ tìm cách báo đáp ân huệ ấy. Nếu được người khác giúp đỡ mà không báo đáp thì chính là không hợp lễ. Nếu được người báo đáp nhưng lại không giúp người khác, không ban ân huệ cho họ thì cũng là không hợp lễ.

Mối quan hệ giữa người và người, bởi vì nhờ có tác dụng của lễ mà có thể duy trì được sự hài hòa. Trái lại, nếu giữa người mà người mà không có lễ thì sẽ dễ dàng xảy ra nguy hiểm, khủng hoảng.

Giữa người với người bắt buộc phải dùng lễ để đối đãi, kính yêu người khác. Một người nếu có thể coi trọng lễ tiết thì mới có được thân an và tâm an, nếu không sẽ gặp nguy. Bởi vậy, cổ nhân mới nói: “Lễ là loại học vấn không thể không học.”

2. Người có lễ tất sẽ yên ổn, người vô lễ tất sẽ gặp nguy

Nếu nhân loại coi trọng lễ nghi thì mới có thể yên định cả thể xác và tinh thần. Nếu xã hội không có lễ ước thúc thì sẽ trở nên hỗn loạn, rối ren, không ổn định. Bởi vậy lễ là điều trước tiên mà mỗi người cần phải học trong cuộc đời mình.


3. Người có lễ mới có thể hạ mình tôn người

Người có lễ, coi trọng lễ mới có thể khiêm tốn tôn trọng người khác. Một người cho dù có địa vị thấp kém nhưng nếu hiểu biết lễ nghi thì cũng sẽ có chỗ đáng được người khác kính trọng. Trái lại, một người có địa vị cao nhưng không hiểu phép tắc lễ nghi thì cũng sẽ khó được người khác tôn kính.

4. Người giàu có mà có lễ tất sẽ không kiêu căng, phóng túng. Người nghèo mà có lễ sẽ không khiếp sợ

Người giàu sang phú quý coi trọng việc học lễ thủ lễ thì tất sẽ không sinh tâm kiêu căng, phóng túng. Người nghèo khó coi trọng học lễ thủ lễ thì dù ở vào hoàn cảnh nào cũng có thể khiến tâm chí của mình sáng suốt, không nhát gan sợ hãi. Bởi vậy, dù là người giàu sang hay nghèo khó thì lễ luôn phải được đặt lên hàng đầu.

An Nhiên / Theo: vandieuhay

Tuesday, April 15, 2025

LÂU LAN: VƯƠNG QUỐC CỔ THẦN BÍ GIỮA LÒNG SA MẠC TRUNG QUỐC

Lâu Lan, một quốc gia cổ thịnh vượng nhờ mậu dịch trung chuyển trên con đường tơ lụa, đã biến mất một cách bí ẩn mà hơn 2100 năm sau, con người vẫn chưa có được giải đáp chính xác.

Khu di tích Lâu Lan.

Theo “Sử ký - Đại Uyển liệt truyện” và “Hán thư - Tây Vực truyện” ghi chép, Lâu Lan là một quốc gia cổ, xuất hiện từ thế kỷ thứ 2 TCN ở vùng đông bắc sa mạc La Bố, Tân Cương. Phía đông giáp Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc); phía tây bắc giáp với An Kỳ và Úy Lê (Tân Cương); phía tây nam giáp với Nhược Khương và Thả Mạt (Tân Cương).

Nằm trên tuyến đường tơ lụa, Lâu Lan nhanh chóng trở thành một quốc gia phồn thịnh nhờ những hoạt động mậu dịch. Tuy phát triển mạnh mẽ, Lâu Lan chỉ tồn tại vài trăm năm và biến mất một cách bí ẩn, có người đã gọi Lâu Lan là “Pompeii giữa lòng sa mạc”. Lâu Lan được biết đến với cái tên tiếng Nga là Krorayina hay Kroran.

Quốc gia cổ đại Lâu Lan không để lại bất kỳ tài liệu lịch sử nào, chỉ có thể nghiên cứu qua các ghi chép trong sách sử của các nước láng giềng. Thời điểm được phát hiện, cảnh vật trong thành vẫn nguyên vẹn, rất ít các di hài. Theo các ghi chép, trong 36 nước ở Tây Vực ở Tân Cương thì kinh tế và văn hoá của Lâu Lan phát triển nhất. Lâu Lan có hơn 1,5 nghìn hộ gia đình với dân số hơn 14,1 nghìn người.

Hài cốt của một cô gái Lâu Lan vẫn còn nguyên vẹn đến hiện nay.

Vào thời nhà Hán, Lâu Lan thỉnh thoảng trở thành tai mắt của Hung Nô, nhưng cũng có lúc quy thuận triều Hán, khéo léo duy trì quan hệ với cả 2 bên. Ít lâu sau, nhà Hán và Hung Nô phát động chiến sự tại khu vực Lâu Lan. Quốc vương Lâu Lan sau khi suy xét, đã cử một vị hoàng tử đến triều Hán làm con tin, và một vị hoàng tử khác đến Hung Nô. Sau nhiều binh biến chính trị và quân sự, cuối cùng, Lâu Lan tách khỏi sự kiểm soát của Hung Nô, nhưng lúc này lại rơi vào vòng kiểm soát của nhà Hán. Người Hán đã giết quốc vương Lâu Lan lúc bấy giờ, và chọn một vị vua “bù nhìn” khác thay thế.

Năm 1901, một nhà thám hiểm Thụy Điển tên là Seven Herdin đã phát hiện ra tàn tích của thành cổ Lâu Lan với diện tích hơn 100 nghìn mét vuông. Có thể nói, Lâu Lan là một trong những thành tựu khảo cổ vĩ đại nhất của thế kỷ 20. 116 năm sau đó, thành cổ Lâu Lan mở cửa cho mọi người tham quan. Năm 1988, vé tham quan thành cổ Lâu Lan được mở bán trực tuyến. Hiện tại, giá vé tham quan là 3500 NDT (hơn 11,5 triệu đồng). Ngoài nguyên nhân giá vé cao, đường đến khu di tích khó khăn, phương tiện di chuyển hạn chế cũng là một trong những lý do khiến nơi này thu hút rất ít du khách.

Tàn tích của tòa thành cổ Lâu Lan.

Nguyên nhân Lâu Lan biến mất đến hiện tại vẫn chưa có lời đáp án, vẫn là một bí ẩn của lịch sử. Trong nhiều năm qua, rất nhiều giả thuyết được đặt ra:

1. Lâu Lan biến mất do chiến tranh.

Sau thế kỉ thứ 5 sau công nguyên, vương quốc Lâu Lan bắt đầu suy yếu, bị các cường quốc phía Tây thâu tóm, Lâu Lan sau đó bị bỏ hoang.

2. Lâu Lan biến mất do hạn hán và thiếu nước sử dụng trong thời gian dài vì thượng nguồn dòng sông bị chặn và chuyển hướng, người dân Lâu Lan phải bỏ xứ, tìm đến nơi khác sinh sống. Đến hiện nay, Lâu Lan vẫn được xem là quốc gia đầu tiên ban hành luật bảo vệ môi trường.

3. Sự biến mất của Lâu Lan có liên quan đến sự thay đổi của La Bố Bạc, một nhóm các hồ muối nhỏ nằm giữa sa mạc phía đông khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương. Seven Herdin tin rằng, chu kỳ thay đổi của La Bố Bạc là khoảng 1500 năm. Hơn 3000 năm trước, đã có một bộ lạc châu Âu sống tại khu vực Lâu Lan. Hơn 1500 trước, Lâu Lan bước vào kỷ nguyên thịnh vượng. Có thể đây là một trong những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến sự biến mất của quốc gia cổ Lâu Lan.

4. Lâu Lan biến mất có thể do ảnh hưởng của việc mở rộng con đường tơ lụa ra phía bắc. Sau khi mở rộng, con đường đi qua Lâu Lan đã bị bỏ hoang, Lâu Lan cũng mất đi những lợi ích xưa kia.

5. Dịch bệnh đã khiến Lâu Lan biến mất gần như trong một đêm. Một trận dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 80 - 90% cư dân Lâu Lan. Những người còn sống đã rời khỏi Lâu Lan để tránh xa dịch bệnh.

6. Lâu Lan bị hủy diệt bởi một cuộc “xâm lược” sinh vật. Một loài côn trùng đã theo 2 lưu vực sông tiến vào khu dân cư Lâu Lan, nơi chúng không có kẻ thù tự nhiên. Chúng cứ thế phát triển, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của con người. Vì họ không biết cách tiêu diệt loài côn trùng nên đã quyết định rời Lâu Lan.

PV / Theo: Dân Việt