Monday, June 17, 2024

CHIẾN TRANH GAZA TUY XA MÀ GẦN TẠI LIÊN HOAN ĐIỆN ẢNH CANNES 2024

Cũng như nhiều năm trở lại đây, các cuộc chiến tranh thu hút sự chú ý của quốc tế cũng lấn sân vào sự kiện điện ảnh lớn nhất nước Pháp. Trong bối cảnh chiến tranh ở Gaza, không chỉ những bộ phim về người Palestine được giới thiệu tại Liên hoan phim Cannes năm nay, mà cả các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh Gaza cũng diễn ra bên lề sự kiện này.

Ngôi sao điện ảnh Cate Blanchett "mang theo" lá cờ Palestine đến Cannes 2024. Ảnh ngày 20/05/2024. Andreea Alexandru/Invision/AP - Andreea Alexandru

Từ Cannes, đặc phái viên Chi Phương tường trình :

Tại một phòng chiếu phim của Théâtre Croisette, lá cờ Palestine đã được căng lên bởi đạo diễn và đoàn làm phim “To a land unknown” “Đến một miền đất không tên”, dưới tràng pháo tay của khán giả tại Cannes. Phim được mở ra bằng câu văn của nhà lý luận văn học người Palestine, Edward Saïd : “Theo một cách nào đó, số phận của người Palestine không kết thúc ở nơi họ bắt đầu mà ở một nơi khá bất ngờ, xa xôi”.

Được lọt vào danh sách tranh giải ở hạng mục La quinzaine des cinéastes - Hai tuần lễ dành cho các nhà làm phim, tại Liên hoan phim Cannes, bộ phim của đạo diễn Mahdi Fleifel vẽ ra một góc nhỏ về cuộc sống tha phương cầu thực của người Palestine. Câu chuyện được kể dưới góc nhìn của hai người anh em họ, Chatila và Reda, đã thoát khỏi các trại tị nạn, nhưng bị mắc kẹt ở thủ đô Athènes của Hy Lạp, và cố tìm cách mua hộ chiếu giả để đến Đức, “bởi đó mới thực sự là châu Âu”.


Hai con người cùng xuất thân, cùng dòng máu nhưng lại có tính cách, phản ứng đối lập nhau. Hy vọng về tương lai cùng mở một quán cà phê, đưa vợ con sang Đức là nguồn sống cho các nhân vật, nhưng nghịch cảnh trớ trêu đẩy họ vào những bế tắc, mất nhân cách, sống “không giống con người”. Từ trộm cắp, lừa đảo, đi bán dâm, đến cả việc đi “buôn người khác”, để có tiền “buôn mình”, đến miền đất hứa.

Theo kế hoạch, cầm được hộ chiếu là sẽ lên máy bay ngay lập tức, nhưng đường họ đến lại là bệnh viện vì Reda bị sốc thuốc. Bộ phim để lại một cái kết bí ẩn cho người xem, họ cứ thế biến mất, không ai biết liệu những người Palestine đó có đến được đích hay không, bỏ mạng, bị bắt giữ hay bị đưa trở về trại tị nạn.


Chia sẻ với RFI Tiếng Việt sau buổi công chiếu, Mahdi Fleifel, đạo diễn mang quốc tịch Đan Mạch, cho biết bộ phim được thực hiện dựa trên quá trình dài tìm hiểu, thu thập câu chuyện của nhiều người Palestine. Ông Mahdi giải thích : “ Cái kết của bộ phim phản ánh thực tế là hầu hết những người Palestine đều không thành công trên con đường đến miền đất hứa. Tôi không lên kế hoạch để bộ phim ra mắt vào thời điểm hiện nay, nhưng vấn đề về Palestine vẫn luôn là thảm kịch. Người Palestine vẫn luôn bị coi là vô hình không tồn tại. Điện ảnh có thể kết nối con người và là một ngôn ngữ phổ quát. Do vậy tôi rất muốn mọi người xem phim này để thấy rằng người Palestine cũng là con người, chứ không phải một đám Ả Rập phá huỷ thế giới”.

Đạo diễn Mahdi cũng là một trong những người Palestine lớn lên trong trại tị nạn Ain el-Helweh ở Liban và sau đó đến định cư ở Đan Mạch. Ông tốt nghiệp Trường Điện ảnh và Truyền hình Quốc gia ở Beaconsfield, Luân Đôn. Bộ phim tài liệu “A World Not Ours”, kể một cách hài hước, thân mật, về ba thế hệ người sống lưu vong trong trại tị nạn đã đạt Giải hòa bình tại Liên hoan phim Berlin vào năm 2013.


Chiến tranh Gaza cũng hiện hữu tại Cannes một cách kín đáo hơn, như trên thảm đỏ của Cannes năm nay qua trang phục gắn cờ Palestine của nữ minh tinh Hollywood Cate Blanchette. Trong tuần vừa qua, hôm thứ Ba, tại gian của Algérie, nằm dọc trên bãi biển ở Cannes, cờ Palestine được gắn lên và mọi người có mặt đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ hàng ngàn nạn nhân bỏ mạng từ ngày 07/10/2024.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên quan điểm chính trị được bày tỏ ở sự kiện điện ảnh này. Vào năm ngoái, một người biểu tình đã bôi máu giả, mặc váy cờ Ukraina trên thảm đỏ để lên án cuộc chiến ở Ukraina.

Chi Phương
Theo: RFI Tiếng Việt (24/05/2024)