Hình tượng Phác Bất Hoa trong phim.
Phác Bất Hoa (Park Bul-hwa) vốn là người Cao Ly (thuộc Triều Tiên ngày nay), được lịch sử Trung Hoa ghi nhận là thái giám ngoại quốc đầu tiên, cũng nhận được sự sủng ái bậc nhất dưới thời vua Nguyên Thuận Đế.
Năm 7 tuổi, Phác Bất Hoa tịnh thân, vào cung làm nhiệm vụ chuyên quét dọn, sửa soạn trà nước. Thời điểm đó cũng có một cô gái nhỏ có tên Kỳ Lạc cùng vào cung. Người này được giao việc thêu thùa, may vá.
Hai đứa trẻ đồng hương thường cùng nhau trò chuyện, tâm sự về nỗi nhớ nhà da diết. Rồi sau này, Kỳ Lạc trở thành "bạn tâm giao" thân thiết của Phác Bất Hoa.
Hình ảnh mô phỏng Phác Bất Hoa trong tài liệu lịch sử (Ảnh: Baike).
Thời gian trôi đi, Kỳ Lạc dần trở thành một thiếu nữ xinh đẹp. Một lần, con trai của Hoàng đế Nguyên Văn Tông là Thỏa Hoan Thiệp Mộc Nhĩ chơi đùa trong cung, vô tình nhìn thấy Kỳ Lạc bèn sinh lòng yêu mến và đưa nàng về phủ. Không lâu sau, Thỏa Hoan lên ngôi vua lấy hiệu Nguyên Thuận Đế (1320-1370), phong Kỳ Lạc thành nhị Hoàng hậu.
Dù Kỳ Lạc trở thành "mẫu nghi thiên hạ", hưởng mọi vinh hoa phú quý nhưng không quên "người bạn thân cũ". Bà sai người mời Phác Bất Hoa vào cung của mình, phong chức vị Tư Chính Viện Sứ.
Dưới thời nhà Nguyên, Tư Chính Viện là bộ phận quản lý ngân khố quốc gia. Theo đánh giá của các chuyên gia sử học, đây là một vị trí "béo bở" hái ra tiền. Được nhị Hoàng hậu giao cho trọng trách như vậy, Phác Bất Hoa không thể bỏ lỡ cơ hội tư lợi cho mình.
Lợi dụng vị trí và mối quan hệ thân tình với nhị Hoàng hậu, Phác Bất Hoa trở thành kẻ tham ô, tích lũy tài sản. Nhờ số tiền tham nhũng, ông thường xuyên mang lễ vật tới tặng cho hoàng thân quốc thích hay giới quyền quý.
Bức họa mô phỏng chân dung nhị Hoàng hậu Kỳ Lạc (Ảnh: Baidu).
Dần dần, sự giàu có không còn khiến họ Phác thỏa mãn nữa. Ông ta bắt đầu thèm muốn những vị trí quyền lực cao hơn trong triều đình. Thật trùng hợp, Vua nhà Nguyên thời bấy giờ rất tín nhiệm Phác Bất Hoa, thường xuyên phái đi vi hành, cứu tế.
Khi con trai của Hoàng hậu Kỳ Lạc được phong làm Hoàng thái tử, họ Phác nhìn thấy cơ hội của mình ở đó. Ông ta thân chinh đảm nhận mọi việc lớn nhỏ của Thái tử, từ bữa ăn tới giấc ngủ.
Trong khi đó, Nguyên Thuận Đế không màng triều chính, chán ghét chính sự, chỉ lo hưởng lạc. Vị Vua này giao hết quyền lực cho Thái tử, thậm chí còn bổ nhiệm tể tướng Sóc Tư Giám do Phác Bất Hoa tiến cử.
Vào thời điểm này, họ Phác trở thành nhân vật quyền lực trong triều đình. Mọi việc thăng quan tiến chức, xây dựng, mở ngân khố, ban hành quốc sách, đều do một tay ông ta quyết định. Trong triều, mọi quan lớn nhỏ không ai dám trái lời.
Khi Nguyên Thuận Đế cho phép Phác Bất Hoa, Sóc Tư Giám nắm quyền điều hành, triều đình nhà Nguyên bất an. Các thế lực nhân cơ hội nổi loạn. Thái tử từ lâu muốn lên ngôi xưng đế, lại thấy cảnh loạn lạc nên nhân cơ hội ép phụ hoàng thoái vị.
Lúc này, Phác Bất Hoa, tể tướng Sóc Tư Giám và Hoàng hậu Kỳ Lạc hoàn toàn về phe Thái tử, quyết định lập mưu tạo phản. Nhưng âm mưu chưa thành thì bị vua Nguyên Thuận Đế phát hiện. Tất cả bị đưa vào ngục giam giữ.
Ảnh mô phỏng Nguyên Thuận Đế (Ảnh: Baidu).
Nhân lúc tình hình rối loạn, một kẻ vốn ghen ghét Phác Bất Hoa đã lẻn vào ngục tối giết chết cả tể tướng và thái giám. Kết cục, vị thái giám ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Hoa đã bỏ mạng ở chốn ngục tù.
Lúc này, kinh thành càng hỗn loạn. Chu Nguyên Chương đem quân tiến đánh nhà Nguyên. Khi đó, Nguyên Thuận Đế trách cứ Thái tử: "Giang sơn nhà Nguyên của ta cuối cùng lụi tàn trong tay hai mẹ con nhà ngươi".
Dù nói như vậy nhưng trong lòng ông hiểu rõ kẻ khiến triều đại đi tới bước đường cùng chính do tay của thái giám Phác Bất Hoa tạo ra.
Không lâu sau, triều Nguyên bị diệt vong.
Huy Hoàng / Theo: Dân Trí