Friday, September 9, 2016

TẾT TRUNG THU

Cả tháng nay nếu ra chợ Springvale hay bất cứ tiệm tạp hóa nào ở khu vực có người Á Châu sinh sống, bạn sẽ thấy bày bán đầy các loại bánh Trung Thu. Đủ thứ nhân, đủ thứ loại nhưng nói thật mua để biếu bạn bè thân nhân chớ ăn thì chắc chắn là ăn một ít còn để trong tủ lạnh vài tháng sau rồi liệng bỏ. Bây giờ ai cũng sợ đồ ngọt nhất là các loại bánh Trung Thu nhập từ Trung Quốc, Hồng Kông, chưa thấy bánh nhập từ Việt Nam nhưng với tôi thì dứt khoát không ăn bánh Trung Thu nhập từ nước ngoài, chỉ mua và ăn bánh làm tại Úc dù sao cũng bảo đảm vệ sinh và an toàn thực phẩm.


Năm nay Tết Trung Thu rơi vào thứ Sáu, ngày 13/09/2019. Nhớ hồi đó, tôi cũng mong cho mau đến Tết Trung Thu bởi vì Tết Trung Thu đến thì bọn tôi có bánh Trung Thu , bánh dẽo, bánh in, nhiều loại trái cây để trước cúng sau ăn. Còn có lồng đèn và thời xa hơn nữa lúc bọn tôi còn bé, đêm Trung Thu có xe hoa chạy vòng thành phố mà ngày xưa gọi là "dưng cộ đèn". Trong đêm Trung Thu, gia đình tôi sữa soạn một bàn cúng trăng, trên bàn đương nhiên là có nhang đèn, vàng bạc, bánh Trung Thu, bánh dẽo, bánh in hình trăng tròn, có 5 thứ trái cây trong đó có bưởi và có một dĩa khoai môn hấp. Hồi đó tôi chỉ nghĩ là phong tục nhưng chưa từng hỏi tại sao có thêm dĩa khoai môn làm gì.

Nói đến Tết Trung Thu, ai ai cũng nhớ hay liên tưởng đến tích Hằng Nga- Hậu Nghệ, tích Đường Minh Hoàng lên cung trăng, tích chú Cuội với cây đa, tích mật lệnh trong nhưng bánh Trung Thu,....nhưng hôm nay tôi đọc được thêm một tích nữa và tích này đã giải đáp cho tôi hiểu vì sao trong mâm cúng trăng của người Việt gốc Hoa (Triều Châu) lại nhất định phải có khoai môn và trái bưởi. Mời các bạn. (LKH)


Điển hay tích lạ:

TẾT TRUNG THU
 
Nguyên cuối đời nhà Tây Hán (206 trước 23 sau D.L.), Vương Mãng nhân được cầm giữ chính quyền, thiện tiện phế lập và cuối cùng cướp được ngôi vua, đặt quốc hiệu là Tân.
 
Bấy giờ có người tông thất về chi xa của nhà Hán là Lưu Tú nổi lên chống lại Vương Mãng, chiếm được thành trì. Nhưng thế lực Mãng còn thời mạnh mẽ, nên Lưu Tú bị bao vây, phải chờ binh cứu viện.
 
Trong thời gian chờ đợi, trong thành đã hết lương thực. Quân sĩ phải đào củ chuối mà ăn. Rốt cuộc củ chuối, củ vỏ cũng không còn nữa. Và, binh cứu viện cũng chưa thấy đến. Lưu Tú lấy làm lo lắng, mới đặt bàn hương án cầu trời: "Nếu có thể khôi phục được Hán triều, dòng Hán chưa tuyệt thì xin Thượng Đế ban phép mầu cho mọc vật chi để cầm cự đỡ lòng mà chờ viện binh đến".
 
Lời của Lưu Tú động đến thiên đình.
 
Sáng hôm sau, giữa lúc quân lịnh đào đất để tìm vật ăn thì bỗng đào được một thứ khoai. Họ mừng rỡ, đem về nấu ăn. Đó là một thứ khoai môn, vị rất bùi, ăn rất ngon. Nhưng quân lính ăn nhiều quá mang chứng sình bụng, không tiêu được. Lưu Tú đâm hốt hoảng, lại đặt bàn hương án cầu trời.


Ba hôm sau, quân lính trong thành đi tìm thức ăn bỗng bắt gặp một thứ cây bưởi có trái. Họ hái trái ấy ăn thấy ngon nên ăn nhiều quá; và cũng nhờ đó mà đi tiêu được, không còn mắc phải chứng bịnh sình bụng nữa. Cầm cự một thời gian như thế, viện binh đến, dùng cách ngoại công nội ứng nên giải được vây.
 
Ngày mà Lưu Tú cầu trời nhằm ngày rằm tháng 8.
 
Truyền thuyết như thế.
 
Sau Vương Mãng bị giết. Hai năm sau, Lưu Tú bình định được toàn quốc, lên ngôi vua tức là Quang Võ Đế nhà Hậu Hán. Nhân Quang Võ đóng đô ở Lạc Dương thuộc về miền đông nước Tàu nên gọi là Đông Hán.
 
Vì muốn kỷ niệm lại những vật nuôi sống trong thời kỳ bị vây là khoai môn và bưởi, nên đến ngày rằm tháng 8, nhà vua làm lễ tạ trời đất, lại thưởng trăng bằng hai vật là bưởi và khoai môn. Rồi được truyền khắp dân gian.
Hai vật này là hai vật chính mà người Tàu dùng để cúng trăng. Sau lần lần, người ta mới bày thêm bánh in, có đề chữ "Trung thu nguyệt bỉnh", tổ chức thành một ngày lễ long trọng gọi là Tết Trung Thu.


Vì ngày rằm tháng 8 đúng vào giữa mùa Thu, theo luật âm dương tuần hoàn, trong một năm được phân định bốn kỳ: Xuân phân, Hạ chí, Thu phân và Đông chí. Rằm tháng 8 vào thời kỳ Thu phân (giữa mùa thu) lại giữa tháng 8 nên gọi là tiết Trung Thu.
 
Tiết Trung Thu đọc trại là Tết Trung Thu.
 
Khi nói đến Tết Trung Thu là nói đến trăng tròn, trăng sáng, trăng đẹp. Thế nên người Tàu còn kêu tết Trung Thu là "Lễ trông trăng".
 
Lễ này có mục đích là trông mặt trăng để đoán định vận mạng quốc gia, tiên liệu mùa màng... và trông trăng để gợi nguồn cảm hứng cho thi tứ của tao nhân mặc khách.
 
Theo cổ học Đông phương thì trăng thuộc về Thủy trong 5 ngũ hành (Kim, Một, Thủy, Hỏa, Thổ) mà Thủy (nước) là một yếu tố quyết định nghề nông... Cho nên, vào đêm rằm Trung Thu, nhân dân kéo ra sân mà quan sát mặt trăng. Nếu trăng vàng thì năm tới sẽ trúng mùa tằm tợ Nếu trăng có màu xanh, màu lục thì thiên hạ sẽ lâm cảnh thất mùa cơ hàn do thiên tai: hạn hán, lụt lội. Nếu trăng trong sáng màu cam la, biểu lộ một cảnh thạnh trị thái bình...
 
Ấy là ngắm trăng thu để tiên tri thời cuộc, mùa màng, còn tao nhân mặc khách ngắm trăng thu để gợi nguồn cảm hứng. Những nhà thơ VN cũng như những nhà thơ Trung Hoa có rất nhiều thơ về trăng thu và về mùa thụ Nhưng mỗi người có một tính cáh; cũng như thơ có nhiều sắc thái do tình cảm buồn sầu vì thu hay vui vẻ vì thu chẳng hạn.


Đỗ Phủ, một thi hào danh tiếng thời thịnh Đường (715-766), nhân lênh đênh phiêu bạt đất khách có 2 năm trời, lòng hoài vọng cố hương nên gởi lòng trong một bài "Thu hứng" rất lâm ly, áo não:

秋興其一 (杜甫)

玉露凋傷楓樹林,
巫山巫峽氣蕭森。
江間波浪兼天湧,
塞上風雲接地陰。
叢菊兩開他日淚,
孤舟一繫故園心。
寒衣處處催刀尺,
白帝城高急暮砧。

Thu hứng kỳ 1 (Đỗ Phủ)

Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Giang gian ba lãng kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.


Cảm xúc mùa thu kỳ 1 (Người dịch: Nguyễn Công Trứ)

Lác đác rừng phong hạt móc sa,
Ngàn non hiu hắt, khí thu loà.
Lưng trời sóng rợn lòng sông thẳm,
Mặt đất mây đùn cửa ải xa.
Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ,
Con thuyền buộc chặt mối tình nhà.
Lạnh lùng giục kẻ tay đao thước,
Thành Bạch, chầy vang bóng ác tà.

Cảm xúc mùa thu kỳ 1 (Người dịch: Ngô Tất Tố)

Vàng úa rừng phong, hạt móc bay,
Non Vu hiu hắt phủ hơi may.
Dòng sông cồn cộn, trời tung sóng,
Ngọn ải mờ mờ, đấy rợp mây,
Lệ tủi: sợ coi chòm cúc nở,
Lòng quê: mong buộc chiếc thuyền đầy.
Giục ai kéo thước lo đồ lạnh,
Đập vải trời hôm rộn tiếng chày.

(trích trong mạng Nguyễn Hữu Kính)