Wednesday, November 23, 2016

TƯ DUY VỀ GIÁO DỤC

Bạn đang là học sinh trung học? Bạn đang là sinh viên của một trường Đại học nào đó? Bạn đã tốt nghiệp với đủ các bằng cấp trong tay? Bạn đang là nhân viên, trưởng nhóm hay giám đốc cho một công ty, một tập đoàn nào đó?
Bạn có hài lòng với kiến thức bạn đang có? Bạn có hài lòng với những gì nhà trường, cha mẹ và xã hội trao cho bạn? Bạn nghĩ rằng mình đủ kiến thức và kỹ năng để tự nuôi sống bản thân?... Và nói chung bạn hài lòng với cuộc sống hiện tại của bạn?
Nếu câu trả lời của bạn là CÓ, bạn không cần phải đọc những gì tôi viết nữa. Bài viết của tôi không dành cho bạn. Bài viết của tôi chỉ dành cho những câu trả lời KHÔNG. Bài viết của tôi chỉ dành cho những ai đang thao thức với nền giáo dục nước nhà nói chung và tự giáo dục chính mình nói riêng.
Giáo dục là gì? Tôi sẽ không đi vào phân tích chữ nghĩa một cách hàn lâm. Ngắn gọn nhất có thể, tôi xin thưa với bạn rằng, GIÁO DỤC LÀ QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH. Môi trường giáo dục chính là môi trường NUÔI DƯỠNG.
Nuôi dưỡng cái gì? Nuôi dưỡng chất NGƯỜI trong bạn.
Tại sao phải nuôi dưỡng? Tại vì chất NGƯỜI là bông hoa nằm trong CON NGƯỜI bạn. Nuôi dưỡng là ấp ủ, là phát triển, là làm lớn lên cái chất NGƯỜI còn đang tiềm ẩn trong con người bạn, ngay từ khi bạn còn đang nằm trong tử cung của lòng mẹ
Mục đích của nuôi dưỡng là gì? Là TRƯỞNG THÀNH. Trưởng thành được hiểu theo nghĩa, ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, và ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay.

Thế nào là TỐT hơn? Ấy là ngày hôm qua bạn không hài lòng về nó, bạn còn mù mờ về nó, bạn còn sợ hãi về nó, thì ngày hôm nay bạn BỚT mù mờ, vụng về, sợ hãi... đi. NÓ ở đây là ý thức, là lời ăn tiếng nói, là mọi hoạt tác trong quá trình tồn tại của bạn.
Vậy là, với cách hiểu như vậy về giáo dục, bạn không cần phải là học sinh, phải là sinh viên, phải là học viên hay nghiên cứu sinh thì mới sống trong môi trường giáo dục. Mỗi chúng ta, ai cũng đang sống trong môi trường giáo dục nào đó, hoặc là trường lớp, hoặc là trường đời, hoặc là từ thầy cô cha mẹ, hoặc là từ bạn bè xã hội, hoặc là từ khả năng quan sát học hỏi từ người khác, hoặc là từ kinh nghiệm của chính bạn.

***
Nền giáo dục hiện nay của chúng ta có gì?
Thứ nhất, ta chỉ nghĩ khi nào đến trường, vào lớp, học một bộ môn khoa học hay ngành nghề nào đó thì ta mới cần đến giáo dục. Với quan niệm như vậy, chúng ta đang đến trường, học nghề hay một bộ môn nào đó chỉ để đơn giản đáp ứng cái mục đích nhất thời hay một kỹ năng tác nghiệp cụ thể.
Thứ hai, khi ta thu hẹp phạm vi giáo dục vào một không gian nhất định như vậy, thì nghiễm nhiên sau khi tốt nghiệp hay kết thúc môn học, mỗi chúng ta tự coi như đã thoát qua cửa ải, không cần BỊ giáo dục, không cần PHẢI tiếp thu thêm những gì mình có.

Thứ ba, với nhận thức chung về giáo dục trong một không gian hẹp, các bậc phụ huynh, học sinh và mỗi chúng ta, sẽ đẩy hết trách nhiệm, nghĩa vụ cho những người tạm được coi là làm công tác CHUYÊN MÔN về giáo dục, như các nhà viết sách giáo khoa, các nhà quản lý giáo dục, và đặc biệt là những người được gọi là THẦY CÔ.
Thứ tư, khi hiểu giáo dục, theo nghĩa là cung cấp kỹ năng chuyên môn cho một lĩnh vực cụ thể, thì bất kỳ cuộc cải cách đổi mới nào, từ sách giáo khoa, cách kiểm tra bài, thi cử, cách dạy và học, não trạng sính bằng cấp... sẽ chỉ là những cuộc cải lương không hơn không kém.

***
Tôi đề nghị muốn đổi mới toàn diện nền giáo dục nước nhà, trước hết phải bắt đầu từ Ý NIỆM VỀ GIÁO DỤC
Thứ nhất, giáo dục không chỉ là cung cấp kỹ năng chuyên môn cho một ngành nghề nào đó, mà nó còn là LÀM NẢY MẦM và NUÔI DƯỠNG hạt giống NGƯỜI trong mỗi cá nhân. Thế thì không đợi phải đến tuổi cắp sách đến trường, con người mới CẦN ĐẾN giáo dục, và cũng không phải sau khi tốt nghiệp, con người KHÔNG CẦN ĐẾN giáo dục nữa.

Thứ hai, mỗi cá thể, ngay từ khi còn nằm trong tử cung của người mẹ, đã mang GEN CON NGƯỜI, và vì thế nghiễm nhiên có chất NGƯỜI. Thay vì giáo dục từ nhỏ, ta phải giáo dục ngay từ khi người mẹ biết mình đang mang thai đứa con.
Thứ ba, giáo dục có tính chất rộng lớn như vậy, nên GIA ĐÌNH, cụ thể là CHA và MẸ chính là những người THẦY đầu tiên của một con người. Trách nhiệm giáo dục một cá nhân, thuộc về TOÀN XÃ HỘI, không chỉ của riêng bất cứ người nào.

Thứ tư, với mỗi chúng ta, khi hiểu GIÁO DỤC là QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH, nghĩa là nó song hành tồn tại cùng ta từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vậy thì, HỌC HỎI từ người khác để TỰ GIÁO DỤC chính mình là một công việc thường trực, và thời gian ngồi trên ghế nhà trường chỉ đơn giản là đầu tư nhiều thời gian hơn những lúc khác.
Trở lại với phạm vi hẹp của giáo dục, ý tôi muốn nói là trong phạm vi nhà trường. Hiện nay có những bất cập gì?
Thứ nhất, học sinh đến trường là tìm kỹ năng tác nghiệp cho một ngành nghề cụ thể. Bất cập lớn nhất chính là mỗi cá nhân được giáo dục, đơn giản chỉ còn là một mắt xích trong một dây chuyền nào đó của một cỗ máy. Kỹ sư chỉ biết công việc chế tạo máy, nhà khoa học chỉ biết bốn bức tường của phòng thí nghiệm...
Thứ hai, xã hội chỉ nhìn một cá nhân nào đó qua bằng cấp anh ta thu lượm được. Bất cập lớn nhất chính là khiến mỗi cá nhân, khi đi học, chỉ chăm chăm học cho nhanh cho chóng để được cầm mảnh bằng trên tay, đôi khi chẳng biết làm gì với mảnh bằng đó, ngoài việc đóng khung treo giữa nhà nhằm khoe với bạn bè, bà con lối xóm.
Thứ ba, với định hướng và áp lực của các nhà chính trị, quyền lực và lợi ích giai cấp tham gia quá sâu vào quá trình biên soạn sách giáo khoa. Bất cập lớn nhất là, như chúng ta đã biết, nói đến lợi ích giai cấp là nói đến lợi ích chủ quan của một nhóm người hay một cộng đồng người trong một không - thời gian nhất định, trong khi, bản chất của chân lý, chúng vượt ra khỏi những giới hạn chủ quan đó. Thế nên, sách vở không còn là nơi nói ra SỰ THẬT, mà là nơi nói đến LỢI ÍCH. Sách khoa học trở thành sách tuyên truyền nhằm biện hộ cho những lý do cầm quyền của giai cấp lãnh đạo.

Thứ tư, các nhà giáo, với tư cách là công nhân viên chức nhà nước, thay vì TRUYỀN THỤ lại kiến thức, kinh nghiệm của mình và HỖ TRỢ, HƯỚNG DẪN cho thế hệ hậu học, họ lại trở thành chiếc máy phát thanh cho một đường lối nào đó.
Thứ năm, về PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC, do ảnh hưởng bởi quan điểm GIÁO DỤC là TUYÊN TRUYỀN, nó tác động đến tư duy tiếp nhận của người học, cách thức truyền trao của giáo viên, cách đánh giá năng lực của người học. Cụ thể, HỌC SINH trở thành CON CỪU trong trường lớp mà người CHĂN CỪU chính là THẦY CÔ, người khoanh vùng chăn cỏ là NHỮNG NGƯỜI BIÊN SOẠN SÁCH GIÁO KHOA và cấp cao nhất của nó chính là NHÀ NƯỚC. Điển hình rõ nét nhất cho tư duy trên, chính là: học sinh coi TẤT CẢ những gì thầy cô nói là CHÂN LÝ, và người cung cấp CHÂN LÝ đó không ai khác hơn là NHÀ NƯỚC, NGƯỜI VIẾT SÁCH GIÁO KHOA VÀ THẦY CÔ GIÁO.

***
Tôi xin kiến nghị năm điểm đổi mới sau, từ năm bất cập mà tôi đã nêu:
Thứ nhất, giáo dục phải TOÀN DIỆN. Một con người không phải chỉ là một kỹ sư, một kinh tế gia, một nhà quản lý hay một nhà khoa học. Kiến thức toàn diện là kiến thức về TỰ NHIÊN, về XÃ HỘI và về CON NGƯỜI. Thiếu một trong những kiến thức đó, dù anh có là ai, anh vẫn chỉ là một kẻ KHUYẾT TẬT, khuyết tật với tư cách một con người.
Thứ hai, năng lực là quá trình phát triển trong khi bằng cấp chỉ là một tờ giấy khô cứng. Thay vì quan tâm đến bằng cấp, hãy quan tâm đến NĂNG LỰC. Có bằng cấp chưa chắc đã có năng lực, nhưng có năng lực chắc chắn anh ta dư thừa khả năng có bằng cấp. Vì thế, xã hội và mỗi người, thay vì nhìn một ai đó qua mảnh bằng, hãy nhìn vào năng lực tác động đến tự nhiên, xã hội và chính cuộc sống của anh ta. Đó là một thứ bằng cấp linh động nhất có thể mà không ai có thể trao cho.


Thứ ba, nhà nước và các nhà quản lý nên nhìn giáo dục như là quá trình KHAI SÁNG DÂN TRÍ. Thế nào là khai sáng dân trí? nghĩa là mở mang tầm nhìn cho công dân của mình, vượt ra khỏi những giới hạn của vùng cỏ mà mình đang quản lý. Chân lý có tính cách khách quan, vượt lên trên mọi lợi ích giai cấp, thế nên, thay vì ÁP ĐẶT nội dung giảng dạy, hãy là nơi BẢO VỆ và NUÔI DƯỠNG môi trường giáo dục thật sự KHÁCH QUAN.
Thứ tư, các thầy cô giáo, thay vì là cái máy phát thanh, hãy đặt mình là NGƯỜI HỌC, chỉ khác những người ngồi ở dưới ở chỗ họ là những NGƯỜI HỌC TRƯỚC. Tất cả đều là người học, thế thì giáo viên lẫn học sinh đều có thể học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng TRƯỞNG THÀNH.
Thứ năm, về phương pháp dạy và học. Khi ta thay đổi được tư duy về bốn điều trên, thì bất kỳ phương pháp nào cũng trở nên hữu hiệu. Học sinh không còn là con cừu để bị chăn dắt, mà là NGƯỜI TÌM KIẾM. Giáo viên không còn là người chăn cừu với nhiệm vụ cung cấp chân lý, mà là người HỖ TRỢ TÌM KIẾM và đồng thời cũng là NGƯỜI TÌM KIẾM. Sách giáo khoa không còn là nơi tuyên ngôn CHÂN LÝ mà chỉ là cánh đồng cỏ bát ngát xanh, cung cấp một nguồn LƯƠNG THỰC dồi dào, một nguồn TƯ LIỆU tham khảo phong phú cho người tìm kiếm QUAN SÁT, HỌC HỎI, TIẾP NHẬN, SUY TƯ, TRẢI NGHIỆM VÀ SÁNG TẠO.


VÀ ĐIỀU CUỐI CÙNG TÔI MUỐN CHIA SẺ CÙNG BẠN
Ấy là ĐỪNG ĐỢI bất kỳ một cuộc cách mạng nào, từ bất kỳ ai
Hãy CÁCH MẠNG CHÍNH MÌNH, bắt đầu bằng tư duy TỰ GIÁO DỤC
GIÁO DỤC LÀ QUÁ TRÌNH TRƯỞNG THÀNH
VÀ MỤC ĐÍCH TỐI CAO CỦA NÓ LÀ
KHAI SÁNG CHÍNH MÌNH KHỎI VÔ MINH VÀ SỢ HÃI

Tác giả bài viết: TRÍ KHÔNG

(30/9/13)
Tái bút: Xin đừng đổ thừa cho bất kỳ ai, tôi hoàn toàn sống trong nền giáo dục Việt Nam và tôi tự hào với những điều đã được dạy. Tuy vậy, tôi vẫn tự tin tuyên bố rằng, mình không phải là viên gạch trong cái khuôn đúc đó.