Những lâu đài cổ này còn được biết đến với cái tên Thổ lâu Phúc Kiến (福建土樓), được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỉ 20, nằm ở khu vực miền núi phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Một thổ lâu thường lớn, nhiều tầng, có cấu trúc tròn hoặc vuông với giếng trời và một sân trung tâm rộng, có thể chứa 800 người hay 80 gia đình. Các bức tường bên ngoài thổ lâu là một khối vững chắc với duy nhất một lối vào và cửa sổ chỉ được đặt ở tầng trên cùng. Các thổ lâu được xây dựng để bảo vệ gia tộc và chống lại nhưng tên cướp có vũ trang ở phía Nam Trung Quốc từ thế kỉ 12 đến thế kỷ 19. Những thổ lâu đầu tiên được người dân Phúc Kiến xây dựng trên đỉnh núi như pháo đài bất khả xâm phạm.
Cấu trúc bên ngoài được gia cố bằng cách nén đất với hỗn hợp đá granite, tre, nứa, gỗ và các vật liệu sẵn có khác để tạo thành những bức tường dầy đến 2m. Cửa ra vào được bảo vệ bởi lớp cửa gỗ dầy 10 đến 12cm và được gia cố bằng lớp tấm sắt phía ngoài.
Các thổ lâu vững chắc như những pháo đài bất khả xâm phạm. Bằng chứng là vào năm 1934, một nhóm nông dân nổi dậy thuộc quận Yongding đã chiếm một thổ lâu để chống lại các cuộc tấn công của quân đội. Có 19 quả pháo bắn vào thổ lâu nhưng chỉ tạo nên một vết lõm nhỏ trên tường.
Mỗi thổ lâu có thể xem như một ngôi làng hay một vương quốc thu nhỏ của một gia tộc. Mỗi gia đình sẽ được chia 2 đến 3 phòng gần nhau ở mỗi tầng. Trái ngược với vẻ đơn giản bên ngoài, bên trong mỗi thổ lâu đều được thiết kế cầu kì sao cho ấm áp vào mùa đông, mát vào mùa hè. Các phòng đều có đủ ánh sáng, thông gió tốt, cả tòa nhà được xây dựng chống động đất.
Hiện nay có hơn 20.000 thổ lâu nằm rải rác ở khu vực phía Đông Nam tỉnh Phúc Kiến. Tổng cộng có 46 thổ lâu lớn được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2008 và thông qua tên gọi chung cho loại hình kiến trúc này là Thổ lâu Phúc Kiến (福建土樓).
Theo: VTV news/ Amusingplanet