Tuesday, January 17, 2017

PHONG TỤC ẨM THỰC CỦA NGƯỜI TRUNG QUỐC TRONG DỊP TẾT

Khám phá phong tục ẩm thực của người Trung Quốc vào dịp Tết

Cũng giống như Việt Nam, người Trung Quốc cũng đón năm mới theo lịch âm. Bên cạnh việc trang trí nhà cửa và đi du xuân, họ cũng thường tự tay chuẩn bị những món ăn truyền thống để cả gia đình cùng nhau quây quần thưởng thức trong những ngày này. Những món ăn này không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp để cầu chúc một năm mới ngập tràn may mắn và hạnh phúc.
Lễ hội ẩm thực đầu tiên của Trung Quốc trong dịp năm mới sẽ rơi vào ngày thứ 8 của tháng 12 âm lịch. Vào ngày này mọi người sẽ cùng nhau ăn cháo Laba (腊八粥) để cầu nguyện cho một năm mới hòa bình và mạnh khỏe. Nguồn gốn của lễ hội này xuất phát từ truyền thuyết Phật Thích Ca Mâu Ni nhịn ăn nhịn khát để tu thành chín quả. Trên đường đi, vì quá mệt mỏi do đói khát nên người đã ngã gục bên bờ sông. Một cô gái chăn cừu đi qua thấy vậy đã mang cho người một bát cháo đậu. Sau khi ăn xong, Phật Thích Ca Mâu Ni đã tiếp tục lên đường và trở thành Đức Phật vào ngày thứ 8 của tháng 12 âm lịch. Chính vì thế mà từ đó trở đi, các nhà sư cũng như người dân đã chuẩn bị món cháo này vào dịp lễ hội Laba.
Được nấu từ các loại đậu và hạt khô, cháo Laba là tượng trưng của sự may mắn, cuộc sống lâu dài và mùa màng bội thu. Vào ngày lễ, mọi người sẽ đem tặng cháo Laba cho người thân, bạn bè và hàng xóm để bày tỏ lời chúc tốt đẹp. Phong tục ăn cháo Laba không chỉ là cách bày tỏ sự thành kính tới Đức Phật và tổ tiên mà đây còn là loại thực phẩm vô cùng bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe. Nó được coi là rất tốt cho lá lách và dạ dày, giúp ra mồ hôi cũng như tăng cường thể lực.
Lễ hội ẩm thực thứ hai của người Trung Quốc sẽ diễn ra vào ngày 23 của tháng 12 âm lịch với tên gọi Kitchen God Festival. Ở Việt Nam đây chính là ngày Ông Công Ông Táo. Với người Trung Quốc, Táo Quân còn được gọi là Đông Trù Tư Mệnh Táo Chủ Thần Quân, là vị thần cai quản bếp núc cũng như duy trì hạnh phúc cho gia đình.
Vào ngày này, họ sẽ đi mua một bức tranh Táo Quân dán lên bếp rồi tiến hành các nghi thức cúng bái. Khác với Việt Nam, người Trung Quốc không thả cá chép mà thường cúng một con ngựa tre vì tin rằng các táo sẽ lên thiên đình bằng con vật này. Mâm lễ của mỗi gia đình sẽ không thể thiếu món kẹo mạch nha. Người ta tin rằng món kẹo này sẽ giúp dán miệng Táo Quân lại vì sợ ông sẽ báo cáo những chuyện không tốt với Ngọc hoàng. Ngoài ra người ta thường ăn bánh mì nướng, bánh đường, bánh bột chiên và uống sữa đậu.
Vào ngày cuối cùng của năm cũ hay còn được gọi là đêm giao thừa, các thành viên của mỗi gia đình sẽ tề tự đông đủ cùng nhau. Thế nên ngày này còn được gọi là Tết đoàn viên. Bên cạnh việc cùng nhau trang hoàng nhà cửa để đón năm mới và chuyện trò xum vầy, mọi người còn cùng nhau thưởng thức những món ăn truyền thống.
Các món ăn trong đêm giao thừa của người Trung Quốc khá phong phú. Thường sẽ không thiếu món ăn từ cá và thịt gà vì chữ Trung Quốc của hai món ăn này đồng âm với từ “phong phú” và “may mắn”. Tỏi tây trong tiếng Trung Quốc cũng đồng âm với từ “một thời gian dài” nên các món ăn làm từ loại rau này cũng thường được chuẩn bị để tượng trưng cho cuộc sống lâu dài. Củ cải cũng là một món ăn truyền thống vào ngày này bởi vì trong tiếng địa phương ở Phúc Kiến, nó đồng âm với “điềm tốt”. Tại Đài Loan, người ta thường có phong tục ăn cá viên bởi hình tròn tượng trưng cho vòng tròn gia đình và sự đoàn tụ.
Và cuối cùng, lễ hội ẩm thực quan trọng nhất trong năm sẽ bắt đầu vào ngày đầu tiên của năm mới theo lịch âm. Người dân ở miền Bắc Trung Quốc sẽ thường ăn sủi cảo và bánh bao cho bữa sáng. Trong tiếng Trung, sủi cảo có nghĩa là “chia tay cái cũ và đón chào cái mới”. Phần lớn món ăn này được làm theo hình bán nguyệt. Người ta sẽ dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của tay phải viền theo diềm bán nguyệt và đây còn được gọi là “viền Phúc”. Còn món bánh bao lại được yêu thích bởi hình dáng của nó giống như những đồng tiền xu Trung Quốc cổ xưa.
Người dân phía Nam thì lại thường xuyên ăn bánh Niên Cao vào dịp này. Tên loại bánh này đọc theo tiếng Quảng là Nìn Cú, mang ý nghĩa là mỗi năm một cao hơn. Chính bởi ý nghĩa tốt đẹp đó mà Niên Cao đã trở thành món ăn không thể thiếu của người dân miền Nam. Bánh được làm từ gạo nếp, bột mỳ, nước và đường. Màu của bánh có thể là trắng hoặc nâu tùy theo màu của loại đường họ dùng. Món bánh này cũng được coi là món bánh có kích cỡ lớn nhất trong ẩm thực Trung Quốc.

Once - Ảnh: China Daily