Quan niệm "tiểu nhân" ở đây không chỉ một nhóm đối tượng đặc thù nào mà được hiểu là sự tương phản với khái niệm "quý nhân". Điều này giống như nhiều tín ngưỡng dân gian khác của Trung Quốc như âm - dương, chính - tà, nam - nữ...
Theo tập tục cổ, nghi thức "đánh tiểu nhân" thường tiến hành ở những địa điểm u ám như gầm cầu. Tại Hồng Kông, khu vực cầu Nga Cảnh ở giữa Vịnh Đồng La và Wanchai được gọi là "thánh địa" của nghi thức độc đáo này.
Theo trình tự nghi thức này, "người ủy thác" sẽ phải nhờ đến các "thầy" dùng giấy cắt thành hình người, trên giấy này sẽ viết thông tin về người làm nghi thức hoặc có thể không viết gì.
Sau đó thắp nhang cầu khấn, dùng giày hoặc đồ vật khác đánh tấm giấy hình nhân "thâm tím mình mẩy", để chắc rằng kẻ tiểu nhân đã bị bịt kín miệng sau này không nói năng bừa bãi, không thể hại người được nữa. Cả quá trình "đánh tiểu nhân" được chia thành 8 khâu gồm: bái thần, bẩm cáo, đánh tiểu nhân, tế bạch hổ, hóa giải, cầu phúc, tiến bảo, bốc quẻ cầu may.
Cho đến nay, xã hội Hồng Kông hiện đại không chỉ thừa nhận sự tồn tại của nghi thức “đánh kẻ tiểu nhân” mang đậm tính huyền bí, mà còn coi đây là di sản văn hóa phi vật thể cần được giữ gìn và phát huy. Do đó, tập tục truyền thống này đã được lưu truyền lại cho rất nhiều thế hệ người Hồng Kông.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt không nhỏ về mục đích của những người muốn “đánh kẻ tiểu nhân”. Nếu như trước đây, người dân muốn viện đến nghi thức này để cầu may, cầu phúc thì ngày nay, “đánh kẻ tiểu nhân” còn trở thành một phương thức để giải tỏa tâm lý, tình cảm cho những người đang sống ở chốn đô thị phồn hoa. Nếu họ muốn xóa bỏ những phiền não và áp lực trong cuộc sống thì cũng không nhất thiết phải đợi đến thời gian Kinh trập mà cứ lúc nào họ cũng có thể sử dụng tập tục này để xua tan phiền muộn trong lòng.
(Sưu tầm trên mạng)