Wednesday, July 1, 2020

VŨ ĐỨC ÚY - TỔ NGHỀ NÓN QUAI THAO

“Ai làm ra nón quai thao, 
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”. 

Nón quai thao là nón tròn to, không có chóp (còn gọi là nón dẹt) làm bằng lá cọ. Loại nón này, ban đầu xuất hiện ở vùng Hải Dương, đến đời Trần triều đình cho cải tiến để các cung nữ đội nên gọi là nón thượng. Đến thời cuối Lê, loại nón này có thêm quai thao.


Tương truyền, vào thời vua Lê Hiển Tông (1740- 1786) ông Vũ Đức Úy đang làm quan tại triều được cử làm phó sứ sang Trung Quốc. Trong những ngày tháng sống trên đất nước người, ngoài việc thực hiện sứ mệnh ngoại giao, ông để tâm tìm hiểu và học nghề thủ công của người địa phương. Khi về nước, ông đã truyền nghề dệt, nghề sợi tơ làm chổi lông gà, hoa lông vịt, tóc độn, dây đàn bằng tơ tằm và quai thao cho nón thúng, nón ba tầm. Để nhớ ơn người đã đem lại cuộc sống ấm no cho người người trong làng, dân địa phương đã thờ ông tại đình Lớn cùng với vị Thành hoàn là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng.


Năm Ất Sửu (1925) dân làng xây một ngôi đền nhỏ bên cạnh đình thờ Sắc để thờ ông. Năm Tân Mùi (1931) làng xây đền thờ Tổ nghề bên cạnh chùa Hương Vân và còn lại đến ngày nay. Đền thờ 3 gian, trông ra hồ nước lớn. Tại khám thờ ở gian giữa có pho tượng Vũ Sứ thần to như người thật. Đền có 2 bức hoành phi sơn son: "Lê triều sứ”; "Vũ Sứ thần”và đối câu đối:

Lục nghệ thần thông, tứ dân hoài đức;
Song tinh nội chiếu, ngũ phúc kiêm toàn.
Tạm dịch:

Sáu nghề tinh thông, muôn dân nhớ đức;
Hai sao chiếu sáng, năm phúc vẹn toàn.

Người phụ nữ đội nón quai thao ngày xưa

Vũ Đức Uý tổ nghề thao đồng thời còn là thuỷ tổ của dòng họ Vũ ở Triều Khúc. Tại nhà thờ họ, còn bản tộc phả và ảnh chân dung ông đặt ở khám thờ, vẽ theo kỹ thuật sơn thiếp. Trên cánh đồng Miễu, cạnh di chỉ khảo cổ gò Cây Táo có mộ vị tổ nghề. Mộ xây gạch cỡ 5x6 m, phía sau có cuốn thư, bề mặt đắp nổi 4 chữ: "Tổ thụ hoàng ân” (Chịu ơn lớn của Tổ) và 5 chữ: "Vũ Sứ thần chi mộ”; phía trước mộ có gắn tấm bia đá tạo đời Cảnh Hưng thứ 6 (1745). Bia cỡ 40x70cm, nội dung kể ngày xây mộ và sự tích vị Tổ nghề.

... ngày nay

Để có được những chiếc quai thao tạo vẻ mềm mại và duyên dáng, người làng đi mua các loại mốt cục (những sợi tơ sần có cục) ở các làn canh cửi. Mốt cục mua về để nguyên hoặc nhuộm màu tùy theo ý thích người dùng. Các cô gái thích dùng quai màu trắng ngà gốc tơ tằm, còn màu đen dành cho các bà đã có gia đình. Quai thao gồm 2 đến 3 sợi bện lại với nhau gọi là quai kép thả võng đến thắt lưng, hai đầu quai có chừng chục túm nho nhỏ dài khoảng 20-30cm rủ xuống tạo sự mềm mại, vui mắt. Trong mấy thế kỷ qua, chiếc nón quai thao đã được các bà các cô hết sức ưa chuộng, chiếm vị trí quan trọng trong trang phục của phụ nữ thời xưa. Sản phẩm nổi tiếng này đã gắn với tên gọi nôm na của làng là Đơ Thao. Vì làng Triều Khúc ở sát Hà Đông, mà tên cũ của Hà Đông là Cầu Đơ, để phân biệt với tên gọi trước là Đơ Đồng (làng Đơ chuyên làm ruộng).


Hằng năm dân làng Triều Khúc lấy ngày 20 tháng 2 âm lịch là ngày hội truyền thống của làng nghề.

Nam Anh (tổng hợp)