Wednesday, April 14, 2021

TRANH THỦY MẶC LÀ GÌ?

Trong thế giới muôn màu của nghệ thuật hội họa, tranh thủy mặc là một mảng màu riêng biệt, một biểu tượng cho nền nghệ thuật Trung Hoa. Vậy, tranh thủy mặc là gì? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu nhé!


Tranh thủy mặc là gì?

Tranh thủy mặc hay tranh thủy mạc, là một loại hình hội họa khởi nguồn từ Trung Quốc. Thủy là nước, mặc là mực. Tranh thủy mặc được vẽ bằng mực nước, hay còn gọi là mực tàu trên giấy (thường là giấy xuyến chỉ) hoặc lụa. Tranh thủy mặc là loại hình phát triển cùng với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa. Các chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người... và thường kèm theo thơ chữ Hán. đó là một phong cách cổ điển của người phương Đông. và học mang theo một tâm trạng buồn bã ưu tư hay sâu lắng về một cuộc đời, một phong cách sống trong mỗi chế độ khác nhau. Thật ra, đây là nền nghệ thuật có phong cách riêng, là sự tổng hợp giữa thơ, thư, họa và dấu ấn, là một sự tổng hợp giữa nội dung ý nghĩa, kiến thức và tâm hồn, làm xao xuyến biết bao thế hệ người mê tranh.

Bức tranh Tùng hạc tường xuân - một bức tranh thủy mặc nổi tiếng của tác giả Trương Hán Minh

Những yêu cầu của tranh thủy mặc

Công cụ chuyên dùng

Thủy mặc, từ ngàn năm nay đã được coi là quốc họa của Trung Quốc. Được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ), họa sĩ vẽ thủy mặc phải hơn cả một võ sư: tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ. Cây bút lông và nghiên mực nho có sức biểu hiện to lớn, đưa người xem vào góc độ thẩm mỹ tao nhã. Vì vậy mà hai chữ bút mực không chỉ là những công cụ và phương tiện trong thư pháp và hội họa mà cũng chính là từ gọi thay cho nghệ thuật thư pháp hội họa.

Bút lông, nghiên mực là những công cụ không thể thiếu trong tranh thủy mặc

Muốn có một tác phẩm tranh thủy mặc tốt, điều kiện trước tiên là công cụ phải tốt. Công cụ vẽ bao gồm: giấy, bút, mực, nghiên, gọi nôm na là “văn phòng tứ bảo” (文房四寶). Trước hết, phải biết chọn cọ vẽ, bút lông loại cứng hay loại mềm, tùy thuộc đối tượng vẽ, ví dụ: phác thảo trúc và lan, dùng bút lông sói, khi nhuộm màu chọn bút lông dê, dùng cọ cứng để vẽ sơn thủy, rễ cây. . . Giấy xuyến chỉ là giấy vẽ ăn ý điều hòa với mực, tạo sức lan tỏa theo ý muốn đi bút tạo hình của tác giả. Mực tốt phải nhuyễn, khi hòa với nước thể hiện 7 màu đen đậm nhạt sáng tối rất đa dạng. Nghiên tốt giúp mài mực thật nhuyễn, tránh cặn và không mau khô. Chất lượng của giấy, bút, mực, nghiên là cơ sở tiền đề giúp cho họa sĩ thể hiện độ sâu của tác phẩm. Tuy nhiên, đối với người mới học vẽ, thì không cần yêu cầu quá cao về công cụ nêu trên.

Bút pháp

Kỹ thuật cầm bút, xử lý màu sắc, đòi hỏi đôi tay họa sĩ luôn nhịp nhàng, uyển chuyển khi thể hiện nội dung tác phẩm. Những đường nét uyển chuyển mềm mại, bay bướm, đậm nhạt theo cảm xúc và ý tưởng cấu trúc nội dung của tác phẩm đã tạo nên bức tranh sống động phóng khoáng, khó có loại tranh nào sánh được. Đó chính là đặc trưng, sắc thái riêng của tranh thủy mặc. Cho nên, yêu cầu trước tiên và căn bản đối với người mới học vẽ chính là tinh thần chịu khó khổ luyện.

Sự kiên nhẫn và khéo léo là một đức tính cần có của người họa sĩ vẽ tranh thủy mặc

Khi vẽ tranh thủy mặc đòi hỏi người họa sĩ phải thuần thục trong các thao tác từ việc điểm mực nhiều hay ít, kết hợp với sự linh hoạt của các ngón tay trên bàn tay để đưa cánh tay nhịp nhàng lên xuống nhanh chậm, tạo ra những đường nét đậm nhạt, cấu trúc hình khối đa dạng. Vận dụng cọ bút với nhiều góc độ biến hóa khác nhau như đứng thẳng cọ, để nghiên cọ, xoay cọ… tạo nên đường nét sống động và tự nhiên, nói nôm na là "Trong cọ có cọ" "Bút chưa tới ý đã tới"… Sự kết hợp ấy thể hiện kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện, tận dụng ánh sáng học, màu học, lập thể học, lột tả ý tưởng nội dung sâu sắc, tinh thần Thiền học của tác giả. Nếu biết tận dụng hình ảnh không gian, với bút pháp nhịp nhàng, thơ mộng, uyển chuyển, khai thác tốt bản năng công cụ chuyên dùng, sẽ cho ra hiệu quả ấn tượng thần kỳ. Ví dụ như: tác giả không hề vẽ nước, nhưng người xem vẫn cảm thấy nước đang chảy, hoặc tưởng tượng ra mây bay và thác gầm…

Bố cục

Bố cục của tranh hết sức công phu, mức độ tụ (nhiều) thư (ít) giữa chủ cảnh và phối cảnh, phải phân bố thật khéo léo, thẩm mỹ, bố trí vị trí phù hợp, giữ cho tổng quan cảnh vật trong tranh được cân bằng, không quá dày hoặc quá thưa. Trình bày một bài thơ bằng thư pháp bên cạnh tranh cũng phải cân nhắc, chỉ dùng khi bình diện tranh hơi trống, lạc khoản và dấu ấn khi được tác giả bố trí khéo léo, cũng làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho tranh thủy mặc.

Bố cục xa gần khác nhau gợi lên chiều sâu cho không gian và cảm xúc cho bức tranh

Tranh thủy mặc đồng hành với "thơ, thư, họa, ấn", tác giả phải biết lúc nào chỗ nào nên có thơ bên cạnh, điểm xuyến thêm dòng thư pháp, đóng một dấu gây ấn tượng. "Thơ là ý của tranh, thư pháp là cốt của tranh", qua thơ, thư và dấu ấn, tác giả bày tỏ hài bảo qua kỹ thuật nhuần nhuyễn, gửi gắm lý tưởng cao cả qua tranh, thổi hồn vào tranh, đó chính là những giá trị nghệ thuật của tranh thủy mặc.

Một câu thơ đề từ được đặt đúng chỗ, hợp nội dung sẽ khiến cho bức họa tăng thêm phần giá trị

"Trong họa có thi" là một đặc điểm thường thấy trong tranh thủy mặc

Họa sĩ phải kiên trì tu dưỡng tâm hồn và đạo đức

Bút pháp, bố cục, dùng mực, màu sắc, tinh thần là "Ngũ tuyệt", quyết định đẳng cấp của bức tranh thủy mặc, với bút pháp điêu luyện, hình khối sinh động, màu mực điều hòa, tạo nên không gian và cảnh vật với mức độ đậm nhạt, bóng tối, cảnh vật tụ thư đa chiều… tác giả sẽ thổi hồn vào tranh, chia sẻ tình cảm nghệ thuật cho người xem. Vì tranh thủy mặc là nền nghệ thuật kết hợp giữa thần và sắc, giữa hình thức và nội dụng, gửi gắm tâm hồn ý tưởng qua cảnh vật hình khối… Muốn tác phẩm có bề dầy và chiều sâu, đòi hỏi người họa sĩ phải siêng năng tu dưỡng không chỉ về kỹ thuật, kỹ xảo tạo hình cầm bút, mà còn phải có chiều sâu tâm hồn, đạo đức cao thượng. Chỉ có kết hợp chặt chẽ cả hai mặt, tác giả mới đủ tài năng và tư duy nghệ thuật cao để sáng tạo tác phẩm vừa sống động, tự nhiên về cảnh vật, vừa mang đến cho người xem cảm xúc sâu sắc hơn về khí phách, ý chí, kiến thức và tinh thần tiềm ẩn trong tranh.

Tâm thái của người họa sĩ có quyết định to lớn tới hiệu quả thẩm mĩ của bức tranh

Khổ công rèn luyện và tu dưỡng của người họa sĩ không bao giờ uổng công, tâm hồn chân thiện mỹ của tác giả sẽ bật dậy trong tranh theo năm tháng. Khi ấy dù chỉ một vài nét chấm phá, vẫn có thể ra đời một bức tranh cao siêu.

Phải thưởng thức tranh thủy mặc như thế nào?

Muốn thưởng thức và đánh giá một bức tranh thủy mặc, chạm trán trước tiên với người xem là màu sắc và cảnh vật trong tranh, tất nhiên đòi hỏi kỹ thuật, kỹ xảo của tác giả trình bày sao cho vẽ cái gì giống cái đó như núi cao thì hùng vĩ, con vật thì khả ái, hoa lá thì tươi đẹp… Tuy nhiên tác giả còn phải có bút pháp nghệ thuật, nhằm lột tả ngụ ý sâu xa, giúp người xem khám phá và cảm nhận dần dần được tinh, khí, thần sâu lắng nội tại của bức tranh. Ví dụ, cây trúc (khúc mắt, thẳng đứng) biểu trưng của khí tiết khiêm tốn, bất khuất cao thượng của người quân tử; hoa mẫu đơn (vốn chỉ dành cho vua chúa) đại diện mơ ước cho giàu sáng phú quý…

Cây trúc - biểu trưng cho người quân tử thời xưa

Hoa sen - biểu tượng của sự thanh cao

Tranh thủy mặc có sức hấp dẫn thuyết phục lòng người vì nó làm đẹp cuộc đời, phản ánh hiện thực khách quan của tự nhiên và cuộc sống xã hội một cách sâu sắc và tinh tế. Tranh thủy mặc từ xưa đã đi vào cuộc sống và bản thân nó nổi lên những cảm xúc yêu quý thiên nhiên, phản ảnh sự vui buồn của cuộc đời. Khi tác phẩm có tính triết lý về cuộc đời, về thiên nhiên, thì dù đó là phong cảnh bốn mùa: xuân hạ, thu, đông; đàn ngựa, đôi hạc, cây tùng, hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn… cũng sẽ trở nên đa dạng xuất thần, thu hút và cảm động lòng người.

Các trường phái vẽ tranh thủy mặc Trung Quốc

Thể theo lối vẽ và phong cách hội họa, chia tranh thủy mặc Trung Quốc làm 2 dạng: tranh màu tả thực và tranh thủy mặc ngụ ý với những nét chấm phá truyền thần.

Tranh tả thực (Tề tất họa), tức lối vẽ hết sức chi tiết sát với cảnh thực, ở Việt Nam gọi là công bút. Bút pháp này tế nhị gọn ghẽ với những đường nét giàu sức thể hiện, phác họa nên giàn khung của cảnh vật, trong quá trình này họa sĩ hết sức chú trọng từng bộ phận chi tiết của cảnh vật sau đó tiến hành tô màu. Phẩm màu tươi đậm dùng cho lối hội họa này phần nhiều là các loại chất khoáng vì thế mà qua nhiều năm bảo tồn, màu sắc vẫn tươi rói. Loại tranh này đẹp mắt, hào hoa, có giá trị trang trí, bề thế, nên trong lịch sử Trung Quốc, nhiều họa sĩ cung đình đều áp dụng lối vẽ này để thể hiện sự quý phái của triều đình.

Một bức tranh thủy mặc theo phong cách tả thực

Bức tranh hoa sen theo phong cách tả thực

Tranh thủy mặc ngụ ý (Thô tất họa), đường nét giản đơn, phác họa nên chất liệu và ngụ ý của cảnh vật. Thường vẽ phong cách này là họa sĩ Tề Bạch Thạch (thế kỷ 19), vẽ tôm, cá, cực siêu, sống động và họa sĩ Từ Bi Hồng (thế kỷ 20) với những bức vẽ về ngựa trình độ bậc thầy “thiên hạ vô địch”. Cả hai ông đều có bảo tàng cá nhân ở Thủ đô Bắc Kinh.

Bức tranh tôm của họa sĩ Tề Bạch Thạch

Tề Bạch Thạch là họa sĩ đãđạt đến đỉnh cao trong việc lột tả đặc điểm, thần thái của con tôm, mà chưa họa sĩ nào có thể vượt qua ông

Một bức tranh vẽ tôm khác của Tề Bạch Thạch

Tác phẩm vẽ ngựa của họa sĩ Từ Bi Hồng

Có thể khẳng định rằng, Từ Bi Hồng là một họa sĩ bậc thầy khắc họa ngựa một cách xuất thần

Hội họa thủy mặc không nhấn mạnh cảnh vật trong tranh có sát đúng với đối tượng được miêu tả hay không, mà áp dụng rộng rãi các thủ pháp: khái quát, khuếch đại, vận dụng suy tưởng với mức độ lớn nhất, gửi gắm tình cảm, cá tính của mình vào đối tượng được phác họa. Tác phẩm dạng này mang tính tức cảnh, tùy hứng, nhấn mạnh hiệu quả bất ngờ, ngẫu hợp, vì thế nhiều tác phẩm này không dễ sao lại. Tranh truyền thống gắn với thơ từ, lời đề, chữ khắc cổ - hình thức thể hiện tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: thơ, thủ pháp tranh họa, in ấn, cơ bản chỉ sử dụng mực đen hay màu thanh nhạt. Phong cách thanh tao, nhã nhặn, chủ đề của những hình thức hội họa này là non nước, hoa cỏ, chim muông. Không chỉ theo đuổi sự tinh tế, chuẩn xác của đối tượng được miêu tả mà thường hay “phóng bút” đi theo cảm giác, nhấn mạnh cái chất liệu tinh thần của vật và cảnh. Đối ứng với tranh thủy mặc là loại tranh lên màu tả thực. Dạng tranh này thường áp dụng đường nét phác họa một cách chuẩn xác đối với cảnh vật, hay đi sâu vào miêu tả một cách chi tiết, sau đó sử dụng màu sắc diêm dúa, nồng đậm để tăng ấn tượng… Phong cách này tinh tế, chuẩn xác, toát lên ý vị quý phái, bề thế, được các họa sĩ phái cung đình tôn sùng.

Tranh phong cảnh của họa sĩ Vương Duy

Bức tranh thủy mặc thể hiện sự ung dung tự tại của bậc quân tử thời xưa - họa sĩ Vương Duy

TONG HOP/QUYEN NGUYEN/DESIGNS.VN