Friday, December 3, 2021

THỜI ĐẠI KỊCH BIẾN, HẬU HỌC VĂN, TIÊN HỌC GÌ?

Tâm thư gửi GS Trần Ngọc Thêm và những trí thức tâm huyết với nền giáo dục


Là những người thầy tâm huyết đứng trên bục giảng, được xã hội trông mong tin cậy, đứng giữa những cơn thủy triều của tư tưởng, nhưng lại không thể dĩ Đạo vi Sư, vậy nên làm thế nào?

Gần đây, dư luận đang dậy sóng với đề xuất của GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH KHXH&NV – ĐH Quốc gia TP.HCM) về việc chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Đề xuất này được đưa ra tại Hội thảo giáo dục 2021 với chủ đề “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 21/11.

Theo GS Thêm, lý do đề xuất chấm dứt khẩu hiệu trên là để “khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo”. Ông cũng lý giải “Tiên học lễ, hậu học văn” là sản phẩm của nền giáo dục Nho giáo. Khi đã “Tiên học lễ” rồi thì con người sẽ trở nên thụ động, sẽ không còn tư duy phản biện nữa. “Tiên học lễ” đòi hỏi quan hệ một chiều, người dưới tôn trọng người trên. Còn “sức sáng tạo và sự phản biện” tồn tại trong quan hệ hai chiều, người dưới và người trên cần có sự tôn trọng lẫn nhau. Ông nói: “Chừng nào còn đề cao chữ ‘lễ’ thì người học còn bị trói buộc trong quan hệ kính trọng một chiều. Chừng nào còn đề cao chữ ‘Lễ’ để ràng buộc người học, còn đề cao quá mức vai trò của người thầy, của đáp án thì tư duy phản biện sẽ không thể phát triển, không thể có xã hội phát triển”.

Dư luận có người đồng tình, nhưng đa phần phản đối. Điều này cũng phản ánh một điều đáng mừng, rằng cho dù vật đổi sao dời, trải qua bao nhiêu cuộc vận động tống cựu nghênh tân, “cải cách văn hóa, xây dựng con người mới”… thì văn hóa truyền thống, trong đó có Nho giáo, vẫn luôn thấm đẫm trong tâm hồn người Việt.

Vậy thì giữa đề xuất của GS Thêm và sự phản đối của cộng đồng có hoàn toàn xung đột nhau? Chúng ta hãy đi tìm đáp án từ nền tảng triết lý của Nho gia và bối cảnh lịch sử của nó.


Tiên học lễ, hậu học văn được thiết lập trên nền tảng nào?

Trước hết chúng ta hãy tìm hiểu, từ “Văn” mà cổ nhân đề cập đến có nội hàm giống với “Văn” mà ngày nay chúng ta đang tiếp thụ không?

Cổ nhân có câu “Văn dĩ tải Đạo, Thi dĩ ngôn chí”, ý nghĩa là: Đã là văn – tất yếu phải chuyển tải Đạo, đã là thơ – tất yếu ngôn từ phải mang ý chí. Vậy Đạo là gì? Đạo có thể hiểu là những quy luật tạo hóa và lực lượng siêu hình ước chế vạn sự vạn vật, được các bậc Giác Giả thông qua quá trình tu luyện gian khổ mà khai sáng cho nhân loại, con người chỉ có thể trong tín ngưỡng Đạo và thực hành Đạo mà thể ngộ. Tư tưởng của tam giáo (Phật, Đạo, Nho) đã tương giao hình thành nên nền tảng đạo đức và văn hóa truyền thống của các dân tộc Á Đông, giáo dục con người tu dưỡng đức hành, kính Thiên trọng Đạo, thuận theo tự nhiên, tuyên dương Trung, Hiếu, Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín… Các dân tộc Á Đông dựa trên nền tảng tín ngưỡng đó mà xây dựng bản sắc của mình, rồi thông qua những câu chuyện cổ, những điển tích, sử sách, văn học, nghệ thuật mà lưu truyền. Hệ thống học hành và khoa cử của triều đình xưa cũng xoay quanh trục đó mà bảo lưu và phát huy văn hóa truyền thống. Triết lý “Tiên học lễ, hậu học văn” của Nho gia nhờ vậy đã được xây dựng trên một nền giáo dục trọng đức hành thiện, với trung tâm là Đạo – Dĩ Đạo vi Sư – lấy Đạo làm Thầy. “Lễ” chính là cái lẽ tôn Sư trọng Đạo vậy.

“Văn” ngày nay không còn như xưa – dưới những trào lưu tư tưởng “hiện đại” và vô thần luận, “Đạo” bị cắt khỏi nội dung của học đường, vì vậy mà “Văn” đã mất đi gốc tín ngưỡng của văn hóa truyền thống, nó chỉ còn được hiểu ở nội hàm nông cạn là học thuật, gồm những kiến thức và kỹ năng cần thiết để một người có thể có một công việc trong xã hội. Khi Đạo bị cắt đi, “Văn” bị mất đi nội hàm trọng yếu, thì “Lễ” cũng vậy – khi không mang chứa Đạo trong đó, “Lễ” cũng bị lạc mất đi cái “tâm”, biến tướng thành một thứ công cụ, hoặc là “món quà” để cấp dưới lấy lòng cấp trên, hoặc là “cây gậy” để cấp trên để đe nẹt cấp dưới. Xã hội rời xa Đạo, kim tiền là thứ được trọng vọng, đạo đức bị đẩy ra rìa – điều này hẳn ai ai cũng nhìn thấy.


Là trí thức có tâm huyết với ngành giáo dục, nên làm gì trong hoàn cảnh đại biến này?

Cổ nhân có câu: “Lấy tấm đồng làm gương soi có thể thấy y phục mũ mão mình không ngay ngắn, dùng lịch sử làm gương soi có thể thấy nguyên nhân hưng vong của quốc gia”. Lịch sử đã trải qua tình cảnh tương tự như vậy chưa, khi mà các nền tảng giá trị quan của Nho giáo bị phá vỡ và biến thành “rào cản”?

Chúng ta hãy lật giở lại cuốn sách “Nhan Thị gia huấn” và tìm hiểu về một nhân vật – Nhan Chi Thôi, một trí thức trong gia tộc Nho học gia truyền thời kỳ Nam Bắc triều, một thời kỳ liên tục cải triều hoán đại, thế cục vô cùng hỗn loạn. Nhan Chi Thôi gặp phải thời loạn thế, đã phải chịu đựng muôn nỗi khổ chiến loạn, nhưng ở vương triều nào, ông cũng luôn được trọng dụng, đảm nhậm chức quan, từ Nam Lương, Tây Ngụy, Bắc Ngụy, Bắc Chu rồi đến nhà Tùy; ba lần trở thành người dân vong quốc, là hình ảnh thu nhỏ của phần tử trí thức dưới thời đại đại bi kịch.

Vào thời điểm đó, thiên hạ bị chia cắt, chính quyền phân phân hợp hợp, các vương triều tranh đoạt kịch liệt, cảnh tương tàn giữa các thủ túc trong hoàng tộc cũng phổ biến; đang là vương chủ kim triều, nháy mắt nhát đao hạ xuống đã thành dã quỷ; kẻ thượng vị cũng bất trung bất nghĩa, thì kẻ hạ vị nên vì ai mà tận trung đây? Đó xác thực là một nghị đề khiến người ta không thể tiếp tục níu giữ giá trị quan của Nho gia. Điều duy nhất có thể làm chính là trên cương vị của mình, cẩn trọng thủ giữ đạo đức, và làm tốt phận sự của bản thân.

Thời nay, dù không phải là binh biến tương tàn, nhưng xét về các lực lượng tư tưởng, thì quả là thập phần hỗn loạn, xung đột kịch liệt. Sự xung đột giữa hữu thần và vô thần luận diễn ra trong tư tưởng của mỗi cá nhân và toàn bộ xã hội. Các lý niệm giáo dục của phương Tây tràn vào như thủy triều, nên giáo dục trẻ em thế nào, trẻ em nên học cái gì, khi mà các lý thuyết học thuật nhật tân nguyệt dị, mỗi ngày mỗi biến hóa? Bảo trì theo truyền thống và đức tin, hay buông xuôi theo những trào lưu mới ngày càng biến dị, đó đều là câu hỏi và sự lựa chọn của mỗi cá nhân.

Là những người thầy tâm huyết đứng trên bục giảng, được xã hội trông mong tin cậy, đứng giữa những cơn thủy triều của tư tưởng, nhưng lại không thể dĩ Đạo vi Sư, vậy nên làm thế nào?

Thiết nghĩ, là nhà giáo dục, nếu chưa thể hoằng dương Đạo, thì cũng nhất thiết phải gieo cái Đức – trong hành Đức mà giáo dưỡng nên những hiền tài cho đất nước.


Lão Tử từng giảng: Mất Đạo còn Đức, mất Đức còn Nhân, mất Nhân còn Nghĩa, mất Nghĩa thì chỉ còn Lễ, đây có lẽ chính là lưu lại đáp án cho chúng ta chăng? “Tiên học Đức, hậu học Văn” – đó hẳn có thể là một sự thay thế không tồi. Phục hưng lại đạo đức xã hội trong thời kỳ đạo đức bị buông lơi coi nhẹ, đó hẳn là điều mà cả xã hội, bất kể là hữu thần hay vô thần luận, đều mong muốn.

Tôi tin rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào người thầy có tâm huyết cũng đều có thể đào tạo hiền tài. Và bất cứ ai hiểu biết sâu sắc về văn hóa truyền thống cũng có thể lục lại trong kinh điển một con đường để soi sáng cho hiện tại bất ổn. Nội hàm của văn hóa truyền thống vô cùng phong phú và thâm khắc, xoay quanh Đạo và biến hóa thuận theo theo tự nhiên – chính là “dĩ bất biến, ứng vạn biến” – chứ không hề đông cứng trong những quan niệm hay định nghĩa theo cách hiểu hiện đại. Soi vào lịch sử, mỗi biến cố lớn đều phôi thai một thời đại mới – thời đại tư tưởng kịch biến này phải chăng là thời điểm để mỗi chúng ta vượt qua thử thách của lương tâm, tìm về với chân lý và niềm tin của mỗi con người?

Là một người có niềm tin vững chắc vào Phật Pháp, tôi tin rằng một ngày không xa, nhân loại đang lạc lối sẽ được dẫn dắt trở về quy hồi với văn hóa truyền thống tốt đẹp, với trung tâm là tín ngưỡng chân chính vào Phật – Đạo – Thần.

Hương Thảo / Theo: ĐKN

No comments: